Số lần đọc/download: 1922 / 40
Cập nhật: 2016-06-03 16:16:40 +0700
Chương 18
C
on mèo từ đâu vạch tấm màn gió, nhảy xuống bàn nước, kêu nhiều tiếng lạnh lẽo. Tôi quay nhìn. Người nó đẫm mưa. Đôi mắt xanh của nó, cũng lóng lánh nước.
Tôi báo tin Ngọc bảo nhà ra đi và lấy cớ đến gia đình nó xem nó về chưa để xin phép mẹ tôi ra khỏi nhà. Đồng thời tôi nói, có thể con ăn cơm luôn ở nhà Ngọc.
Mẹ tôi không cản. Bà tỏ dấu ái ngại và lo lắng cho Ngọc. Nhưng lại nhắc nhở tôi như thế là đã bỏ ăn liên tiếp hai bữa cơm ở nhà. Tôi nói:
- Chiều cơm ăn cơm nhà.
Bà lườm:
- Chứ không lẽ lại đi ăn hàng nữa hay sao mà phải dặn.
Tôi cười. Mẹ tôi theo ra cửa chờ tôi đạp xe nổ rồi mới trở vào.
Trưa nắng, nhưng không gay gắt lắm. Có lẽ nhờ trận mưa lớn đêm trước. Mọi vật còn đẫm nước. Những đám mây xám chưa tan hẳn, còn lác đác trên vòm trời nên thỉnh thoảng trời dịu lại và có gió mát thổi vào lúc đó.
Tôi đến chỗ hẹn vừa hay chàng tới. Đưa tay lái cho chàng, tôi ngồi yên ở sân sau. Mấy ngày liên tiếp không gặp nhau, tôi thấy chàng hơi là lạ. Cảm giác ngần ngại này, bao giờ cũng có lúc đầu, ở tôi nhưng chỉ năm mười phút thôi tôi tìm lại được sự thân mật và gần gũi cũ. Tôi nói từ phía sau.
- Mậu hỏi thăm anh.
- Bao giờ? Hãn hỏi giọng không được như ý. Tôi lúng túng. Không biết có nên nói thật với chàng hay nói dối là Mậu đến chơi.
Hãn chạy chậm, mặt hơi nghiêng, chờ đợi.
- Chiều qua. Em tới Mậu.
Tôi nói nhanh và thở ra nhẹ nhàng.
- Đi chơi. Không học?
Tôi áp mặt mình vào lưng chàng. Mùi mồ hôi quen thuộc quyến rũ. Tôi lí nhí:
- Tại em nhớ anh quá.
- Nhớ gì lạ vậy. Hãn vẫn gay gắt. Tôi áy náy và thấy mình thật có lỗi. Tôi ấp úng:
- Em tìm anh khắp nơi. Cho tới lúc mưa. Em phải vào Mậu.
Tưởng Hãn sẽ nói một hai câu xoi xóc mật gan, nhưng không. Hãn im lặng. Tôi rụt rè đưa tay ra phía trước, ôm lấy bụng chàng. Xe chạy nhanh. Gió mát. Tóc tôi bay tạt phía sau. Một lát im lặng nặng nề. Hãn áp tay chàng lên lưng bàn tay tôi. Chàng đã hết giận. Tôi yên trí và nói cho Hãn nghe những điều tôi biết chung quanh chuyện Ngọc và Tứ. Hãn có vẻ không chú ý tới chuyện bỏ đi của Ngọc mà lại hỏi tôi thái độ của Mậu khi báo tin. Tôi nói: “Mậu thích lắm. Mậu bảo muốn được như vậy”. Hãn cười và nói gì đói tôi không nghe được. Tôi hỏi chàng có tin tức gì của Hướng không. Hãn đáp không. Chắc vẫn thế. Rồi Hãn hỏi tôi có nên báo tin Ngọc đi cho Hướng biết không? Tôi đáp tùy anh. Em sợ anh ấy biết chẳng ít gì mà buồn thêm. Hãn cũng vừa nghĩ vậy, nhưng không báo không được sợ tới chừng đó Hướng sẽ trách.
Chúng tôi gửi xe và đi bộ tới tiệm ăn. Ông K., đã ngồi sẵn nơi chiếc bàn kê ở góc cột có gắn kính phản chiếu. Ông thấy chúng tôi ngay khi vừa đẩy cửa bước vào. Ông chỉ tay vào hàng ghế đối diện và tiếp tục với tờ báo Pháp mở rộng, tôi e ngại ngồi xuống. Ông K. là một nhà văn. Tôi đã nghe chàng nói rất nhiều về ông. Tôi biết chàng quí ông ta như quí một người anh tinh thần và qua những lời chàng nói, tôi nghĩ, ông cũng mến chàng. Tất cả những điều tôi được biết về ông, đều qua lời đồn đãi, và qua những cuốn truyện ông viết ra. Sự chàng nhắc nhở luôn tới ông, cho cảm tưởng gần gũi. Nhưng đây là lần đầu giáp mặt với người thực, tôi thấy mình hơi có vẻ như sợ sệt và lẫn chút cảm động. Có lẽ tại tôi lây cái thiện cảm từ nơi chàng. Trước đây, tôi không có một tình cảm rõ rệt, ngoài điều thích đọc truyện của ông, vì chữ ông dùng, và những mô tả thật sống động, những hình ảnh gia đình tuyệt vời, nhưng buồn quá, những biệt ly giữa các nhân vật của ông.
Chờ chúng tôi ngồi vào ghế đâu đấy. Ông K. mới từ từ hạ thấp tờ báo xuống. Ông ngã người vào thành ghế, mặt hơi ngước lên, hai tay thọc túi quần. Ông nhìn tôi lạnh lùng:
- Phiến đó, anh.
Ông gật đầu:
- Thế hả.
Tôi cúi mặt ngượng nghịu.
Ông K. búng tay gọi bồi:
- Nào. Ăn gì nào?
Người bồi lại gần, đứng một bên; nghiêng người chờ đợi với cây bút và tập giấy sẵn sàng.
Hãn mở tấm thực đơn đưa sang tôi. Ông K. chờ đợi vài giây. Hãn nói:- Em ăn gì?Tôi lúng túng:
- Gì cũng được anh.
Ông K. nói:
-Gọi cơm ăn chung nhá. Tôi gọi cho.
Hãn nói ít điều về tôi. Ông K. châm lửa hút thuốc. Ông bảo:
- Nên đi học. Đi học như một cái gì nó chưa hết. Nó hãy còn. Thôi học rồi là hết, chán chết. Chẳng còn gì nữa.
Tôi biết ông K. dành câu ấy cho tôi nhưng tôi không biết phải đáp lại như thế nào. Tôi ngỡ ngàng đến không dám nói một điều gì. Hãn trả lời thay cho tôi những câu hỏi của ông.
Cảm tưởng đầu tiên tôi ghi nhận được ở ông là cái thích thú bất ngờ. Vì sự thực, ông K. không lạnh lùng, nhạc nhẽo và kênh kiệu như lời đồn. Trái lại, ông nói chuyện rất duyên dáng và lôi cuốn. Ngồi đó, khỏi cần ăn, chỉ nghe ông nói chuyện không cũ đủ no rồi. Hãn nói ông K. về quê tôi, nơi của nhãn lồng. Ông K. nói ông đã đi qua ở thời niên thiếu của ông. Ông nói say sưa về nơi tôi được sinh ra, nhưng tôi lại mù tịt nhất. Tôi nói tôi được bế lên phi cơ để vào đây. Ông K. cười lớn. Thế thì biết gì. Coi như không biết gì cả. Tuổi trẻ hôm nay đa số không có quê hương ngay giữa lòng quê hương. Nhận xét này nghe bùi ngùi chua xót làm sao. Tôi bạo hơn một chút cùng với sự cởi mở và thật tự nhiên của ông K. tôi hỏi ông, những thắc mắc nhiều năm ở trong tôi, qua những cuốn truyện tôi đọc được. Ông nghe chăm chú rồi khoát tay. Không có những thứ đó. Văn chương hàm hồ và vô tích sự. Nhà văn, dùng chữ đó là sai, không đúng, ít ra cho những người ở đây. Phải gọi đó là bọn-viết-chữ. Phải bọn-viết-chữ. Thế thôi. Không có gì ghê gớm hết. Phải thế không?
Tôi cười, khỏa lấp đi sự không hiểu của mình
Thức ăn được đem ra. Cơm nữa. Ông K tự sới lấy cơm vào bát của mình. Ông nói lớn:
- Hãn lo tiếp cô Phiến nghe. Tôi không quen tiếp ai hết, và ông bắt đầu bữa ăn.
Nói vậy, nhưng ngay sau đấy ông K tiếp thức ăn cho tôi. Phần cử chỉ của ông K. thân mật, phần lần đầu tiên đi ăn cơm chung với một người mà chàng quí như anh lớn, tôi có cảm tưởng như mình đã là vợ của chàng (chính thức). Và cảm tưởng này khiến tôi nôn nao, cảm động. Ông K. chê, tôi ăn gì mà yếu quá vậy. Con gái phải ăn nhiều vào. Ăn tự nhiên như ở nhà. Không phải sợ hãi gì hết. Ông K. nói tôi còn ngượng hơn.
Trong bữa ăn, tôi lắng nghe chuyện của hai người. Thế giới của những người viết chữ được ông K. mô tả trong cái khía cạnh khôi hài nhất của nó. Một tòa soạn với những nhân vật kỳ khôi quái đản. Nhưng đó là cái kỳ khôi và quái đản dễ thương. Có lẽ tại giọng nói của ông K., tôi và chàng, cười chảy cả nước mắt, đau cả bụng. Thế giới của ông K. tôi thích thú mỗi khi được nghe kể, nhưng thật lòng không muốn bước chân vào. Hãn cũng không thích tôi tập tành cái công việc ấy. Chàng bảo phụ nữ mà viết văn, không được. Viết văn, đó chẳng phải là một vinh dự, mà là một bất hạnh. Nó như những hạt mưa. Ơ xa là kim cương, tới gần là nhòe tan, lạnh lẽo. Mỗi người đàn bà, tự thân đã là một bài thơ diễm tuyệt nhất - mỗi người đàn bà, với sự có mặt ngay từ đầu, đã là một tác phẩm vĩ đại, vượt trên tất cả những tác phẩm hoàn hảo nhất mà một thiên tài có thể viết được. Hãn bảo thế. Ông K. cũng nói đàn bà viết lách coi không được. Làm cái gì cũng được, trừ việc ấy. Không nên.
Buổi gặp gỡ đầu tiên, với ông K. qua nhanh với những tiếng cười ròn rã, thoải mái. Tôi nói riêng với Hãn nói chuyện với ông K, thú ghê hả anh? Hãn gật đầu “nhất, anh mê ông ấy”.
Bữa ăn kéo dài gần hết trưa. Lúc chia tay cũng đã hơn hai giờ. Nắng suốt trong như thủy tinh chảy xuống từ một vòm trời xanh cao, biếc thảm, ông K. nói:
- Hai người đi đâu giờ này?
Hãn chỉ tay vu vơ, ông K. cười, tiếp:
- Du dương giờ này hả? Vất vả đấy. Ông K. nheo mắt nhìn lên vòm cây thấp. Nắng nhảy múa lao xao. Đi đi, tôi về. Nói dứt câu, ông K. quay lưng. Chúng tôi cùng nhìn theo. Dáng kênh kênh kiêu hãnh và tự tin một cách mệt mỏi. Có một chút gì không yên trong tâm hồn tôi khi sực nhớ lại, ông K. còn độc thân cho tới giờ này. Hãn đạp xe. Tiếng máy rú thét. Chắc tay ga bị kẹt. Tôi quay lại. Gió thổi phất phơ lọn tóc chàng trong nắng chót.
Tôi nhìn tôi trong gương. Tóc cuộn gọn lên đỉnh đầu. Cổ dài ngoẵng. Mặt bé lại. Tròng mắt sâu, ngơ ngác, cái mặt nhọn, lơ láo.