Sự khác biệt giữa cơ hội và khó khăn là gì? Là thái độ của chúng ta! Trong mỗi cơ hội có khó khăn, và trong mỗi khó khăn đều có cơ hội.

J. Sidlow Baxter

 
 
 
 
 
Tác giả: Võ Phiến
Biên tập: Bach Ly Bang
Upload bìa: Bach Ly Bang
Số chương: 26
Phí download: 4 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 4390 / 95
Cập nhật: 2015-11-01 15:46:46 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Một Mùa Xuân An Lành
ùng quê tôi thường có những mùa đông nghiệt ngã, không phải vì giá rét, nhưng là vì các trận bão lụt. Không mấy năm là ở miền Trung Việt Nam không gặp thiên tai, hoặc lớn hoặc nhỏ.
Tuy vậy, thường thường sau hạ tuần tháng mười âm lịch, ai nấy có thể an tâm. Tiền nhân dặn dò con cháu hãy cố gắng đề phòng một ngày hăm ba tháng mười 1. Thế rồi thôi. Sau đó, có thể bắt đầu nghĩ tí chút về các cuộc vui mùa xuân.
Trong kỷ niệm của tôi về những ngày thơ ấu miền quê, hội vui mùa xuân dính liền với... hột đậu phụng. Ở đây, người ta trỉa đậu vào tháng chạp. Cứ hễ bao giờ người lớn trong nhà tổ chức “lột đỗ” — tức bóc vỏ đậu phụng (để lấy hột đem trỉa) — là trẻ con có quyền hí hửng nghĩ tới chuyện ăn Tết. Vì thế, ngay trong công việc lột đỗ đã mơ hồ một không khí hội hè.
Khi đậu được xúc từng thúng từ trong bồ đem ra phân phát, mọi người trong gia đình, từ lớn đến bé ai nấy đều có phần của mình. Có kẻ nằm trên võng vừa đu đưa vừa lột đỗ; có người mang rổ ra vườn, tìm nơi thanh vắng mát mẻ, vừa lột đỗ vừa hát se sẽ, để trí theo đuổi những mơ mộng ân tình; có những ông bà cứ vừa bóp trái đỗ kêu cúc cắc, vừa lắng dõi theo sự trăn trở uể oải của vài mối ưu tư cũ kỹ đã mất sức phá phách; có những đám trẻ tụ tập ở một góc hè, vừa lột đỗ vừa tranh cãi sôi nổi về các chương trình vui chơi... Đối với tất cả, những tiếng cúc cắc, lách tách của vỏ đậu bị bóp vỡ đều ngầm một ý nghĩa hào hứng trong cái cảnh toàn gia nhất tề lao động.
Phải nhất tề như vậy là vì công việc gấp rút, hối hả. Có những năm chúng tôi trỉa đỗ đến chiều hăm chín, hay thậm chí cho đến ba mươi Tết. Tiếng vỏ đậu vỡ cúc cắc đuổi gấp đến sát Nguyên Đán. Lột đỗ là dọn đường cho Tết đến; không nhanh tay, không đồng lòng, e không kịp. Tiếng vỏ đậu vỡ lách tách đưa thẳng tới tiếng pháo nổ đì đoành. Lột đỗ vui là thế.
Người ta trỉa đậu phụng trên đất khô ráo. Người ta cũng chỉ có thể dựng chòi, đánh bài chòi giữa trời, vào một mùa thực tạnh ráo, ấm áp. Vì vậy cuối tháng chạp ở quê tôi đã hưởng cái khí hậu của mùa xuân.
Nửa đời người sống với thời tiết như thế, bỗng năm nay tôi đón cái Tết đầu tiên tại miền bắc Hoa Kỳ với chừng nửa thước tuyết trước thềm nhà, trong cái lạnh vào khoảng hăm lăm độ dưới không độ bách phân.
Đã từ hai tháng rưỡi, không hề thấy một giọt nước ở thể lỏng ngoài trời. Lại phải chờ thêm chừng nửa tháng nữa mới gặp được một trận mưa. Trời đã biết rơi nước lỏng xuống là đã biết cố gắng để trở nên quen thuộc, tôi mừng thầm. Nhưng sự cố gắng cũng chỉ làm nổi một trận mưa mà thôi. Rồi lại tuyết giá mịt mù.
Tháng giêng đã trôi qua trọn vẹn, vẫn chẳng thấy tăm dạng mùa xuân đâu cả. Cơ sự này thì hỏng quá! Không Tết thì chẳng ra làm sao: mới vừa ra khỏi nước đã quên ngay tục lệ. Mà có tổ chức Nguyên Đán giữa cái hoang tàn khốc liệt của mùa đông, giữa cảnh chết chóc tàn rụi của mọi loài thảo mộc dưới bầu trời thê lương này, thì chẳng hóa ra là muốn chế giễu cái ý nghĩa đổi mới, khởi đầu, của một ngày hội dân tộc sao?
Hôm hai mươi tháng ba dương lịch, nghe loáng thoáng tiếng reo vui của người xung quanh kêu rằng mùa xuân đã bắt đầu. Nhưng thực ra nó chỉ mới bắt đầu trên tờ lịch. Mãi tận cuối tháng, tuyết mới chịu tan cho.
Nhưng đâu dám thấy vậy mà yên tâm? Ban đêm hàn độ vẫn quanh quẩn bên cạnh số không, và mãi tới đầu tháng năm dương lịch hãy còn đổ một trận tuyết lớn lê thê suốt ngày.
Tháng năm dương lịch tức là tháng tư âm lịch rồi đấy: “Thiều quang chín chục đã ngoài... chín mươi” rồi, còn chờ đến bao giờ mới được trông thấy mùa xuân, hả trời?
o O o
Không phải chỉ có người (đặc biệt là người tị nạn), mà cây cỏ hình như cũng lấy làm sốt ruột lắm. Chúng không thể nào tung hoa, tung lá ra dưới tuyết; nhưng chúng nô nức chuẩn bị, ráo riết chuẩn bị: ở mỗi đầu cành không biết từ bao giờ đã tích sẵn một cái nụ. Từ những bụi cây lè tè bên rào cho đến những cây cao lớn trên đồi, ven đường, trong rừng v.v... tất cả đều ở tư thế sẵn sàng.
Nụ lá cứ mỗi ngày mỗi lớn, rồi cương tròn, rồi mọng lên. Chúng không thể nào chờ đợi được nữa. Chúng như những giọt nước tụ ở đuôi tranh trước hiên, như những giọt cà-phê rưng rưng dưới rá phin: sắp vỡ, sắp rụng đến nơi.
Có phải vì sự chờ đợi trong một dồn nén kéo dài như thế mà hoa lá ở xứ này nở rộ trong cảnh chụp giựt, như thể tranh nhau, lấn nhau? Trời vừa ấm mấy hôm, đầu tuần nụ lá vừa hé mở, cuối tuần đã thấy cây xanh dờn, đến tuần sau khắp thành phố um tùm rậm rạp. Hoa nở rộ, rồi cũng tàn nhanh. Tuyết vừa tan, ở ven tường đã thấy có tí lá xanh lấp ló như vẫn rình sẵn từ lúc nào. Thế rồi ta chưa kịp để ý tới, một buổi sáng bỗng nhiên hoa tím hoa vàng ở đâu phọt lên tùm lum. Hỏi ra thì là Johnny-jump-up 2 đó! Tính danh sao mà ngộ nghĩnh. Bé Johnny nghịch ngợm, chợt nhảy cỡn rồi chợt biến mất! Dăm mười hôm sau, quanh tường hoa uất-kim-hương (tulip) khoe đủ màu sặc sỡ.
Ven rào, trong công viên, ở ven rừng, vẫn có thứ cây không cao lớn nhưng sum suê, hoa lá ửng một màu hồng rực rỡ. Giữa đám cây xanh nhạt có đậm có, nó điểm vào một màu khác lạ vui mắt, nó in xuống mặt hồ những cái bóng lộng lẫy, nó gợi nhớ hình ảnh hoa anh đào làm rực một phương trời. Thứ bông huy hoàng ấy — bông crabapple — cũng chỉ rực lên một vài tuần lễ gì đó rồi xìu xuống, lặn mất.
Hình như bây giờ đến lượt hoa tử đinh hương (lilac). Gọi là tử, kỳ thực tím có, trắng có, xanh nhạt có...; lá nó khiến nhớ đến lá của cây bông giấy ở quê nhà, mà hoa nó cũng lắm màu như hoa giấy. Lúc tử đinh hương hết hoa thì bên rào lại trắng xóa hoa spirea rập rờn trong gió.
Cứ thế, hết đợt nọ đến đợt kia, các giống hoa xô đẩy nhau, dồn nhau, đuổi nhau trong một cuộc trình diễn gấp gáp. Phải chứ, thì giờ đâu mà nhẩn nha?
o O o
Cái hôm mà bé Johnny nhảy cỡn ở ven tường, tôi hứng chí chụp vội chiếc mũ lên đầu, đi tung tăng một hồi, để hứng đón lấy tia nắng ấm đầu tiên của năm.
Đi ngang qua công viên trước trường Mỹ Thuật, chợt chùn bước sững sờ trước thế nằm của dăm ba cô sinh viên trên sân cỏ, cái thế nằm không tha thứ được ở một người con gái Việt Nam trước mắt công chúng. Chẳng qua các cô sinh viên nọ muốn cho tất cả các bộ phận trong người đều được hưởng ánh dương, cái ánh dương ấm áp, quý báu đã vắng mặt từ sáu tháng qua.
Về nhà, trong trí hãy còn lởn vởn mấy ý nghĩ phàn nàn về cái phong cách vừa mục kích, tôi vén một lá màn cửa cho sáng sủa thì... Ô kìa! Qua khung cửa sổ, trông thẳng sang nhà láng giềng, thấy ngay một cô gái, gần trọn người lồ lộ, nằm tênh hênh phơi nắng... trên mái nhà!
Nhà đôi ba tầng trong xóm có những chỗ nhô ra một mái hiên con con. Và nàng trải chăn, thoát y, tận hưởng ánh dương quang hàng giờ hàng buổi cách mặt đất cả chục thước tây như thế; cả khu phố không ai là không thể trông thấy. Quanh nàng một con mèo mướp thơ thẩn. Trên tàn cây du gần đấy, một con sóc nhảy từ cành nọ sang cành kia...
Thế rồi, nắng càng rực rỡ, phơi phóng càng nhiều. Hoặc khênh giường, hoặc trải chăn, hoặc khuân nệm ra vườn, ra bãi cỏ trước nhà, hoặc ra bờ hồ, trên sườn đồi v.v... Cởi ra mà phơi.
Ngẫm nghĩ có hôm khách Mỹ đến nhà gặp ta chưa kịp thay bộ đồ bà ba, khách lẫn lộn bà ba với py-gia-ma, lấy làm khó chịu. Ở trong nhà mặc quần áo, kín từ cổ tới chân, mà hóa ra thất lễ; trong khi giữa công chúng phơi gần trọn người thì là đủ... lễ! Trong trận cãi vã lao nhao giữa các nền văn hóa, có những cái oái oăm kỳ cục.
o O o
Nửa đời người bỗng lạc loài đến nơi xa lạ, đón một cái tết không còn ra tết, nhưng tôi lại được hưởng một cảnh xuân tuy muộn mà thật huy hoàng.
Bởi vì đến muộn, đến trong sự đợi chờ sốt ruột, đến sau một mùa giá rét khắc nghiệt, cho nên mùa xuân càng tưng bừng, càng làm cho say sưa, ngây ngất.
Ai nấy quý từng tia nắng. Trai trẻ, hễ ngoài giờ làm việc học hành là tuôn tràn ra sân thể thao, ra sông hồ, đồi suối v.v... Nếu không chơi banh, chèo thuyền, thì người ta câu cá. Có người lái xe đi hàng trăm dặm để câu, có kẻ lấy vé máy bay sang tận Gia-nã-đại để câu (mặc dù ngay tại tiểu bang này có hơn một vạn cái hồ). Câu xong, hoặc gỡ từng con cá khỏi lưỡi câu, vứt trả xuống nước ngay tại chỗ, hoặc mang về cho bạn cho bè. Câu lấy vui hơn là lấy ăn. Câu để có cớ hoạt động mà chạy hết hồ nọ sang sông kia. Nắng lên tự dưng kiếm cớ mà chạy quanh chạy quẩn, thế thôi. Còn các ông già bà cả không tung tăng được, cũng dắt díu nhau ra khỏi các nhà dưỡng lão, kẻ còn đứng nổi trên hai chân thì tình nguyện đẩy xe cho người cùng kiệt, họ nối nhau lũ lượt dạo quanh dăm ba nẻo đường.
À, đã thế trời cũng không hẹp hòi. Đã thích nắng thì cho thỏa thích: mới năm giờ rưỡi mặt trời đã mọc, nghĩa là từ năm giờ chân trời đã hừng sáng. Thế rồi mãi gần chín giờ đêm, mặt trời mới chịu lặn. Tám rưỡi tối, vài con sáo siêng năng hãy còn thơ thẩn trước sân cỏ.
Trời đã hậu đãi những ngày dài mười sáu giờ, một kẻ từ xứ nhiệt đới đến dù không ham phơi phóng, dù không có được mấy thứ cần phơi như các cô gái nõn nà xứ này, tôi cũng không đành nằm nhà giữa một mùa đẹp như thế. Suốt ngày lang thang, thơ thẩn, phất phơ bên các dòng nước, ngồi mỏi rồi lại nằm dim mắt dưới bóng cây...
Cụ Tiên Điền chịu cái “mầu quan san” của loài cây phong về mùa thu; uy tín lớn lao của cụ khiến cây phong mùa xuân chịu thiệt thòi. Thực ra cái màu (không phải là quan san) của cây hồng phong vào tháng tư dương lịch cũng hay lắm: hoa vàng nhạt, lá đỏ gắt, đỏ đậm, hoa nhiều hơn lá. Thế rồi cứ theo thời gian lá rậm dần, lớn dần, chuyển dần ra màu xanh; hoa thì tàn dần. Cho đến giữa tháng năm, tàn cây hùng vĩ với vô vàn những trái cánh đôi, đứng giữa các loài cây khác vẫn giữ một vẻ độc đáo, trông chẳng giống ai.
Cụ Tiên Điền thì thiên về mùa thu, mà thi hào Lý Bạch lại thiên về cái lá:
“Minh triêu quải phàm khứ
Phong diệp lạc phân phân”
(Dựng buồm mai sáng thẳng dong,
Tơi bời rơi rụng lá phong ven bờ)
Giả sử họ Lý không phải dong buồm trên sông thu, mà một ngày xuân nào đó nhân lúc quá chén nằm thiu thiu dưới bóng cây trên đồi, chợt thức giấc trong ngọn gió mát, mở mắt trước cái cảnh trái phong, muôn vạn cánh phong khô xoay tít trong gió, tản mạn đầy trời..., tôi chắc họ Lý cũng không chê đâu.
Cái cảnh trái phong bay loạn lên như thế, nó là cả một hội vui giữa không gian, là sự tưng bừng của nắng gió giữa trời. Nhất là ở nơi Thủ-Phủ-Nước 3 này, tôi đã chờ suốt chín tháng mà không trông thấy một con bướm, ở một nơi như thế lấy gì làm linh động không gian nếu không có điệu múa may của những cánh phong?
o O o
Tôi vừa đề nghị với họ Lý một lối thưởng xuân lười lĩnh có thể làm chướng mắt người Mỹ hiếu động. Về phần mình, đành thú thực những giờ biếng nhác lơ mơ trên cỏ dưới cây là những giờ thích thú nhất trong mùa xuân này, mùa xuân đầu tiên của cuộc đời lưu lạc.
Trải qua những xáo trộn dữ dội về tinh thần của năm qua, trải qua một mùa đông tù hãm vừa rồi, tôi thẩn thơ trong nắng ấm, thần trí khật khừ, như một kẻ vừa ốm dậy, nhưng bao nhiêu giác quan lại đê mê trong khung cảnh diễm ảo.
Xứ sở này đẹp đẽ quá, thanh bình an lạc quá. Và đôi khi đang trông nắng lao xao trên lá, lấp loáng trên nước, nghe tiếng chim hót lanh lảnh, chợt sững sờ: Kìa! Không phải mình đang hưởng một mùa xuân an lành nhất từ ba mươi năm qua đây sao?
Quả thực là an lành. Từ ngày lớn lên trên đất nước quê hương, có bao giờ như năm nay, được đón xuân mà không lo lắng về những trận tấn công, phản công, về những kế hoạch, sách lược, cao điểm, những biến cố hoặc chính trị, hoặc kinh tế, hoặc quân sự đang rình rập đâu đó? Bây giờ thì... khỏi hẳn!
Từ nay về sau, mùa xuân nó không còn tự liên hệ với hạt đậu phụng, cũng không liên hệ với chính sách, kế hoạch, cao điểm nào nữa. Nó liên hệ với cái gì? Với thằng Johnny nhảy cỡn chăng? với sự phơi phóng chăng? Không biết. Dù sao tất cả những thứ sau này đều không gây ra thảm trạng, âu lo.
Đất nước tôi đã chọn những nẻo đoạn trường, nó sẽ tiếp tục đi những nẻo đoạn trường. Xuân này, xuân tới, và bao nhiêu xuân nữa, đồng bào tôi sẽ còn lo lắng, đảo điên: những cuộc nổi dậy, những vụ đàn áp, những thanh trừng, sửa sai, chuyển hướng, thi đua, nhảy vọt v.v... Riêng mình đã bị đánh văng ra ngoài vòng. Từ nay riêng mình chỉ có những mùa xuân an lành. An lành một cách xót xa.
Nhận thức ấy làm cho cuộc đời bỗng trở nên trống huếch trống hoác. Trống kinh khủng, ghê rợn. Bỗng nhiên mà không còn có một tương lai nào trước mặt, mà đứng ngoài vòng mọi lo lắng. Chao ôi, cái an lành của những cuộc đời không tương lai.
Nắng xuân càng huy hoàng càng làm ta chơi vơi, choáng váng. Ta không cánh mà như thể xoay tít trong không, tựa hồ những trái phong giữa trời.
5 - 1976
Chú thích
1 “ Ông tha bà lại không tha
Giáng cho một trận hăm ba tháng mười.
(Ca dao)
2 Tục danh của loại hoa pansy dại.
3 Tức Minneapolis.
Tùy Bút Tùy Bút - Võ Phiến Tùy Bút