Until I feared I would lose it, I never loved to read. One does not love breathing.

Harper Lee

 
 
 
 
 
Tác giả: Stendhal
Thể loại: Tuổi Học Trò
Nguyên tác: La Chartreuse De Parme
Dịch giả: Huỳnh Lý
Biên tập: Lê Huy Vũ
Upload bìa: Lê Huy Vũ
Số chương: 32
Phí download: 5 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 1948 / 26
Cập nhật: 2017-04-21 14:46:11 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 16
hoạt trông thấy người em don Cesare, quan tướng kêu:
— Ái chà! Để rồi xem mụ công tước bỏ ra mười vạn écu để được coi thường ta và giải thoát tên tù ra sao!
Tuy nhiên, lúc này chúng ta buộc phải để yên cho Fabrice ở trong ngục, ở tận chóp ngục thành Parme. Người ta canh giữ anh chu đáo lắm và khi chúng ta trở lại với anh, có lẽ anh đã ít nhiều thay đổi. Chúng ta hãy nói đến triều đình trước hết, nơi đó những mưu toan phức tạp, nhất là những tình cảm nồng nhiệt của một phụ nữ khốn khổ quyết định vận mệnh anh. Khi leo lên ba trăm chín mươi cấp thang từ ngục tối đen tháp Farnèse dưới con mắt vị trấn thủ, Fabrice trước vốn ghê sợ giờ phút ấy, nay thấy mình không có thì giờ nghĩ đến tai ương.
Trở về nhà sau tối tiếp tân của bá tước Zurla, công tước phu nhân ra hiệu cho các nữ tỳ lui ra. Rồi cứ y nguyên áo sống, bà nằm vật xuống giường, kêu lớn: Fabrice đã ở trong tay bọn thù địch của nó và có lẽ chúng sẽ đầu độc nó chỉ vì ta! Làm sao diễn tả được cơn tuyệt vọng xảy ra, sau câu tổng kết tình hình đó, ở một phụ nữ thiếu mực thước, luôn lệ thuộc cảm giác hiện tại và say như điếu đổ chàng trai bị tù, tuy không tự thú? Đó là những tiếng kêu rít không thành lời, những cơn cuồng nộ, những cử chỉ rối loạn mà không có giọt nước mắt nào. Bà đuổi bọn nữ tỳ đi để che giấu những cái đó; bà tưởng sẽ khóc nức nở lên khi còn lại một mình, nhưng cái nguồn an ủi đầu tiên đối với những đau thương lớn là nước mắt lại hoàn toàn khô cạn. Sự giận dữ, sự phẫn uất và cảm giác thua miếng ông quận công ngự trị trong tâm hồn quá kiêu hãnh đó.
“Có nhục cho ta không chứ! Bà cứ luôn luôn kêu. Họ thóa mạ ta, hơn thế nhiều, họ đe dọa tính mệnh của Fabrice. Ta không báo thù sao được? Hãy coi chừng, ngài hoàng thân của tôi ạ! Ngài giết chết tôi, ừ được, ngài có quyền lực làm như vậy, nhưng mà sau đó tôi, tôi sẽ diệt ngài. Hỡi ôi! Fabrice tội nghiệp của ta, làm như thế cũng có ích gì cho Fabrice kia chứ? Thật là quá khác với cái ngày ta muốn rời bỏ Parme! Ấy thế mà ngày ấy ta cũng tưởng ta khốn khổ… thật là mù quáng! Ta đã phá vỡ những thói quen của một cuộc sống êm đẹp; than ôi! Hồi đó không hề ý thức được, ta đã chạm đến một biến cố sắp quyết định vĩnh viễn số phận ta. Nếu bá tước không vì những tập quán xu nịnh nhục nhã mà bỏ mấy chữ vụ án bất công trong cái giấy tai hại mà vì hợm mình hoàng thân chịu viết cho ta, thì chúng ta đã thoát nạn rồi. Phải công nhận là ta gặp may hơn là khôn khéo khi sử dụng được lòng tự ái cả quận vương về cái thành phố Parme thân yêu của hắn. Lúc bấy giờ ta dọa bỏ đi, lúc bấy giờ ta tự do… Lạy Chúa! Ngày nay ta còn quá một nô lệ! Ngày nay ta bị giữ rịt trong cái hố ô uế này, còn Fabrice thì bị xích ở ngục thành, cái ngục thành này đã là buồng chờ chết của bao nhiêu người lỗi lạc! Ấy thế mà ta không thể buộc con hổ ấy phải dè dặt vì ngại ta bỏ hang nó mà đi.
Hắn thừa tinh khôn để hiểu rằng ta không thể đi xa cái tháp bỉ ổi đang giam giữ trái tim ta. Ngày nay lòng tự ái bị va chạm của con người ấy có thể làm nẩy ra ở hắn những ý muốn lạ lùng nhất; rồi những ý muốn độc ác kỳ quặc ấy khi thực hiện xong lại càng làm tăng tính hợm mình vô chừng của hắn. Nếu hắn trở lại với những câu ve vãn nhạt nhẽo của hắn, nếu hắn nói: “Hãy chấp nhận lòng tôn quí của tôi không thì Fabrice phải chết” thì… ấy! Cái chuyện nghìn xưa của nàng Judith mà! Ừ, nhưng ta làm như vậy, thì ta chỉ đến tự sát là cùng, còn Fabrice thì lại bị hành hình kìa! Bởi người kế vị u mê của hắn, vị đông cung thế tử hiện nay và tên đao phủ đê hèn Rassi sẽ đem treo cổ Fabrice vì tội đồng lõa với ta.
Phu nhân kêu thét lên. Bước tiến thoái lưỡng nan này giày vò quả tim khốn khổ đó. Đầu óc rối mù của bà không tìm thấy một khả năng nào khác ở ngày mai cả. Trong mươi phút, bà vật mình vật mẩy như người loạn óc. Cuối cùng một cơn mê nặng nề đã đến thay thế tình trạng kinh khủng ấy trong chốc lát; sinh lực trong người phụ nữ ấy đã khô cạn, mấy phút sau, bà giật mình tỉnh lại và thấy mình đang ngồi trên giường; bà tưởng thấy quận vương muốn chặt dầu Fabrice trước mặt bà. Bà đảo cặp mắt điên loạn nhìn quanh mình. Khi cuối cùng biết chắc chắn là không có hoàng thân cũng không có Fabrice trước mắt, bà ngã vật xuống giường, suýt ngất đi. Bà mất sức đến nỗi muốn trở mình cũng không nổi. “Trời ơi! Giá ta chết được! Bà tự bảo… Nhưng như thế là hèn nhát quá! Ta mà bỏ mặc Fabrice trong hoạn nạn à? Ta điên rồi… Nào, hãy trở về với thực tại! Hãy tỉnh táo soát xét cái vị trí đáng ghét mà ta như đã hào hứng lao vào. Sự dại dột này mới tai hại làm sao! Ai lại nhào đến sân chầu của một ông hoàng chuyên chế! Một bạo chúa biết rõ tất cả nạn nhân của hắn! Mỗi khi họ nhìn hắn, hắn đều coi như là họ thách thức quyền uy của hắn. Than ôi! Đó là điều mà cả bá tước lẫn ta đều không nhìn thấy khi rời bỏ Milan; hồi đó ta nghĩ đến những thích thú ở một triều đình dễ mến, một triều đình cỡ dưới, đúng vậy, nhưng cũng thuộc loại triều đình hoàng thân Eugène trong những ngày êm đẹp xưa kia.
Từ xa, chúng ta không ý niệm được thế nào là uy quyền của một bạo chúa biết mặt hết thần dân. Hình thức chuyên chế trông bên ngoài không khác gì ở các chính phủ khác; chẳng hạn cũng có quan tòa nhưng mà đó là những tên Rassi! Thằng yêu quái! Hắn có thể treo cổ cha hắn như chơi nếu quận vương ra lệnh!… Hắn sẽ bảo như thế là làm phận sự… Cám dỗ Rassi ư! Khổ thân ta! Ta không có một phương tiện gì hết. Ta có thể hiến nó bao nhiêu nào? Một trăm nghìn francs có lẽ; trong khi đó người ta bảo là vừa mới đây hoàng thân đã ban cho hắn mười nghìn đồng vàng đựng trong một cái tráp, khi hắn thoát mũi dao găm mà trời không cho đâm trúng vì căm giận cái xứ này. Vả lại số tiền nào mua chuộc được hắn? Cái tâm hồn bùn nhơ chỉ quen nhìn thấy khinh bỉ trong ánh mắt người đời, ngày nay được hưởng cái thú nhìn thấy sự sợ sệt và cả kính nể đối với hắn nữa. Hắn có thể trở thành bộ trưởng công an, sao lại không chứ? Lúc bấy giờ thì ba phần tư số người trong nước sẽ là những nịnh thần đê tiện của hắn, và run sợ trước mặt hắn cũng đê tiện như hắn run sợ trước mặt vua.
Ta không lánh xa được cái nơi đáng ghét này thì ta phải làm gì có ích cho Fabrice; sống xa rời, cô độc, tuyệt vọng ư? Như thế thì có ích lợi gì cho nó? Nào, tiến lên hỡi người đàn bà khốn khổ! Làm bổn phận của mày đi! Hãy đi ra giữa xã hội thượng lưu, hãy vờ không nghĩ đến Fabrice nữa… Vờ quên người, hỡi thiên thần thân thương!”
Nói đến câu ấy, nữ công tước chảy nước mắt. Thế là cuối cùng bà đã khóc được. Sau một tiếng đồng hồ buông xuôi trong nhu nhược, bà thấy trí óc bắt đầu sáng ra, do đó cũng tự an ủi được chút ít. “Làm sao có được tấm thảm thần, bà tự nhủ, để mang Fabrice ra khỏi ngục thành, cùng đến trốn với nó ở một xứ sở hạnh phúc nào đó mà ta không bị săn bắt, như Paris chẳng hạn! Chúng ta sẽ sống ở đấy trước hết với khoản một nghìn hai trăm francs mà người quản lý của bố nó vẫn gửi đều đặn cho ta - thật là buồn cười! Ta có thể nhặt nhạnh một trăm nghìn francs nữa ở cái gia tài suy sụp của ta!”. Với những sảng khoái khó diễn tả, bà lần lượt tưởng tượng ra tất cả những chi tiết của một cuộc sống ở cách Parme ba trăm dặm. “Ở đấy - bà thầm nghĩ - nó có thể đội tên khác mà nhập ngũ… Sung vào một trung đoàn của những người Pháp gan dạ ấy, không bao lâu chú thanh niên Valserra sẽ nổi tiếng tăm! Tóm lại nó sẽ sung sướng”.
Những hình ảnh xán lạn ấy làm chảy nước mắt một lần nữa, nhưng là nước mắt dễ chịu. Hạnh phúc còn có thể tìm được ở một nơi nào đây mà! Trạng thái này tồn tại khá lâu. Người phụ nữ đáng thương ấy phải quay lại nhìn vào thực tế kinh khủng. Cuối cùng, khi bình minh bắt đầu vạch một vạch trắng trên các ngọn cây trong vườn, bà cưỡng lại mình, vùng dậy. “Trong vài giờ nữa, bà tự nhủ, ta sẽ ra chiến trường, lúc đó phải hành động, nếu có điều gì trái khoáy xảy đến cho ta, hoặc là hoàng thân nảy ý nói với ta một cái gì về Fabrice, thì không chắc ta giữ được bình tĩnh và tự chủ. Cho nên phải quyết định tại đây và ngay bây giờ.
Nếu ta bị truy tố là quốc sự phạm thì Rassi sẽ cho tịch biên tất cả tòa lâu đài này. Ngày đầu tháng này, bá tước và ta đã đốt hết, theo lệ thường tất cả những giấy tờ gì mà bọn công an có thể lợi dụng; thế mà bá tước lại là bộ trưởng công an mới buồn cười chứ! Ta có ba viên kim cương đắt tiền; đến mai, người lái thuyền cho ta ở Grianta trước kia. Fulgence sẽ đi Genève và cất đặt của ấy ở nơi an toàn, may mà Fabrice thoát được (lạy Chúa! Xin Chúa phù hộ cho con! Nữ công tước nói và làm dấu thánh giá) thì cái ông hầu tước Del Dongo hèn nhát vô cùng tận ấy sẽ nghĩ: Cung cấp cái ăn cho một người bị một vương chủ chính thống truy tố là có tội; lúc ấy Fabrice sẽ lấy kim cương của ta bán để có cái ăn.
Phải cáo từ bá tước, đối diện với ông ta sau vụ việc vừa xảy ra, ta không chịu được. Tội nghiệp con người đó! Ông có hiểm ác đâu, ngược lại, ông chỉ nhu nhược. Tâm hồn tầm thường đó không ngang cỡ với chúng ta. Fabrice đáng thương ơi! Giá Fabrice được về đây trong giây lát với cô để bàn bạc về tai họa của chúng ta!
Tính cẩn thận tỉ mỉ của bá tước sẽ làm trở ngại mọi dự định của ta, vả lại không nên lôi ông theo ta xuống vực… Bởi vì chắc gì cái tên bạo chúa hợm mình ấy sẽ không bắt ta bỏ ngục? Vì ta mưu phiến loạn… Còn gì dễ chứng thực hơn? Nếu hắn ném ta vào ngục thành và nếu tung vàng ra, ta có thể tâm sự với Fabrice dù chỉ trong giây lát, thì chúng ta sẽ cùng đi đến pháp trường dũng cảm bao nhiêu! Nhưng hãy gác những mơ mộng điên rồ ấy lại! Tên Rassi của hắn sẽ khuyên hắn kết thúc với ta bằng thuốc độc. Bỏ ta lên xe bò kéo đi trên đường phố có thể làm cho những người dân Parme thân yêu của hắn xúc động… Nhưng sao! Sao lại cứ cái điệu tiểu thuyết mãi thế! Chao ôi! Chấp làm gì những mơ mộng ngông cuồng của một người đàn bà khốn khổ mà thân phận thảm hại biết chừng nào trong thực tế. Xét cho cùng thì quận vương không đem ta ra pháp trường đâu; bắt ta vào tù và giữ ta ở đó thì dễ dàng lắm; hắn sẽ cho giấu ở một xó nào đó trong lâu đài của ta đủ thứ giấy tờ khả nghi như họ đã làm đối với ông L. tội nghiệp xưa kia… Rồi thì ba quan án - loại không đểu cáng lắm, bởi vì đã có cái mà chúng gọi là những tang vật và một tá nhân chứng giả, thế là đủ. Thế là ta bị xử tử hình vì đã âm mưu phiến loạn và quận vương, với đức bao dung vô lượng của ngài, xét rằng ngày xưa ta đã từng có vinh hạnh tham dự triều đình, sẽ oán cải án tử hình của ta ra án mười năm cấm cố ngục thành. Nhưng ta không chịu hạ mình làm trái với tính khí mãnh liệt từng khiến mụ hầu tước Raversi và những kẻ thù khác của ta nói nhiều điều dại dột, ta sẽ uống thuốc độc chết một cách dũng cảm. ít ra công chúng sẽ có lòng tốt tin như vậy. Nhưng ta cam đoan là Rassi sẽ vào xà lim nhân danh quận vương, nhã nhặn trao cho ta một lọ con chất mã tiền hoặc nha phiến Pérouse.
Ừ, ta phải phải cắt đứt quan hệ với bá tước một cách rất công khai, ta không muốn kéo ông cùng vào cảnh bại vong vì đó là một sự phản phúc. Con người đáng thương đó đã yêu ta một cách rất hồn nhiên! Cái dại dột của ta là ở chỗ tưởng rằng một triều thần chính cống vẫn còn đủ lòng dạ để thực sự yêu đương. Có phần chắc chắn là quận vương sẽ tìm ra một cớ gì đó để ném ta vào tù; hắn sợ ta lũng đoạn dư luận về Fabrice. Bá tước có đầy đủ ý thức danh dự; ông sẽ tức khắc bỏ nội các mà đi, khiến cho bọn nô tộc ở triều đình này kinh ngạc mà cho là điên dại. Ta đã thách thức uy quyền của quận vương tối hôm hắn viết giấy, vì tự ái, gì hắn cũng có thể làm để trị ta, một người sinh trong nôi vua như hắn khi nào quên được cái cảm giác ta đã gây cho hắn tối hôm đó? Vả lại bá tước xích mích với ta thì sẽ ở một vị trí có lợi cho Fabrice hơn. Thế nhưng nếu quyết định của ta làm cho bá tước thất vọng, nếu ông báo thù thì sao?… Ấy, cái ý định ấy không đến với ông đâu, không đời nào! Tâm hồn ông không đê tiện đến tận đáy như quận vương, ông có thể rên rỉ mà ký cùng với quận vương một sắc lệnh bỉ ổi, nhưng ông trọng danh dự. Vả lại, báo thù cái gì chứ? Cái thù sau năm năm yêu ông không mảy may xúc phạm mối tình của ông, ta nói: Bá tước thân mến ạ, tôi đã có cái may mắn yêu ông, nhưng bây giờ lửa lòng đã tắt, tôi không yêu ông nữa; tuy nhiên tôi biết lòng dạ ông, tôi vẫn quí mến ông sâu sắc và ông sẽ là người bạn tốt nhất của tôi.
Đối với một lời tuyên bố chân tình như vậy, một người hào hoa phong nhã còn biết đáp thế nào?
Ta sẽ tìm một người yêu mới, ít ra ta sẽ làm cho giới thượng lưu tin như vậy. Ta sẽ nói với anh nhân tình đó: Nghĩ cho cùng thì hoàng thân trừng phạt sự dại dột của Fabrice là đúng; nhưng đến lễ sinh nhật của ngài, chắc là đức quân vương hào hiệp của chúng ta sẽ phóng thích cho nó. Thế là ta tranh thủ được sáu tháng.
Nhân tình mới, được chọn qua tính toán đó sẽ là tên đao phủ ô nhục, tên Rassi… nó sẽ được phong tước và trên thực tế, ta sẽ mở cửa xã hội thượng lưu cho hắn vào! Fabrice thân thương ơi, hãy tha thứ cho Gina! Một cố gắng như vậy ở trên sức vóc ta. Ái chà! Con quái vật ấy mình hãy còn ở đẫm máu bá tước P. và máu của D. mà! Hắn sẽ khiến cho ta tởm lợm mà chết ngất đi khi đến gần ta, hay đúng hơn, ta sẽ chộp con dao thọc vào quả tim chó má của hắn, Fabrice đừng bắt ta làm những điều không làm được!
Phải, nhất là phải quên Fabrice! Và không mảy may để cho thấy một bóng mây hờn giận nào đối với quận vương; phải lấy lại tính vui vẻ thường ngày của ta, những con người bùn nhơ đó ưa cái tính vui vẻ đó hơn, một là vì như vậy ta đã tỏ ra vui lòng phục tùng ông chúa của chúng; hai là vì không chế nhạo chúng, thì trái lại ta sẽ chú ý tô vẽ cho những điều này hay việc giỏi vụn vặt của chúng; ví dụ ta sẽ khen bá tước Zurla về cái lông chim trắng trên mũ mà ông ta cho người mua từ Lyon về, cái lông tạo nên hạnh phúc cho ông ta.
Chọn một nhân tình trong đảng của ả Raversi… Nếu bá tước bỏ mà đi, thì đảng ấy sẽ là đảng lập nội các, quyền thế sẽ ở trong tay họ. Một bạn hữu của mụ Raversi sẽ ngự trị ở ngục thành vì gã Fabio Conti sẽ về bộ. Hoàng thân là một người thông minh quen chung đụng với những kẻ lịch sự, quen với cách làm việc, dễ ưa của bá tước, làm sao ông ta làm việc được với con bò ấy, tên chúa tể của ngu độn ấy, con người suốt ngày chỉ loay hoay với bài tính cơ bản là quân lính của Điện hạ nên mặc áo có bảy cúc hay chín cúc trước ngực? Những con thú nguyên hình đó rất ghen ghét ta và nguy cơ của Fabrice là ở đấy, Fabrice thân thương ạ! Những con thú nguyên hình đó sẽ quyết định số phận ta và số phận Fabrice! Vậy, không nên để cho bá tước từ chức, ông ấy phải ở lại dù cho bị mang nhục. Ông ấy cứ tưởng từ chức là sự hy sinh lớn nhất của một thủ tướng; mỗi khi tấm gương mách cho ông biết là ông đang già đi thì ông lại hiến cho ta cái món lễ ấy… Cho nên phải đoạn giao hoàn toàn! Ừ, và chỉ hòa giải khi nào chỉ còn cách ấy để cản trở ông ta bỏ ra đi. Nhưng sau cái hành động xu nịnh lờ mấy chữ vụ án bất công trong mảnh giấy của quận vương, ta cảm thấy muốn tránh thù ghét ông, cần phải lánh mặt ông mấy tháng. Trong buổi tối quyết định đó, ta đâu có cần đến trí tuệ của ông ta chỉ cần ông viết y như ta đọc, ông chỉ có việc viết nguyên xi mấy chữ ấy, những chữ ta đã đoạt được do tính khí ta; thế mà thói quen nịnh thần ở ông đã thắng. Sáng hôm sau, ông nói với ta là ông không thể để cho chủ ông ký nhận một điều vô lý, và cần phải có những thư ân xá. Ối dào! Lạy Chúa tôi! Với những kẻ ấy, với những con quái hợm mình và thù vặt người ta, cướp được gì thì cứ cướp.
Nghĩ tới đó, nữ công tước lại bừng bừng giận dữ. Quận vương đã lừa ta, bà tự nhủ, lừa một cách quá đỗi hèn nhát! Con người ấy không tha thứ được; hắn thông minh, tinh tế, biết lý lẽ, chỉ có những dục vọng của hắn là thấp hèn. Bá tước và ta nhận thấy điều này có đến vài mươi lần; trí óc của hắn chỉ trở nên dung tục mỗi khi hắn tưởng người ta định xúc phạm hắn. Mà tội của Fabrice thì chẳng dính dáng gì đến chính trị, đây là một vụ giết người nhỏ trong hàng trăm vụ tương tự xảy ra mỗi năm trên đất nước thiên đường của hắn; bá tước nói quyết với ta là ông đã tìm được những bằng chứng chính xác nhất và Fabrice là vô tội. Tên Giletti ấy cũng khá gan dạ; thấy chỉ còn cách biên giới vài bước, hắn bỗng nảy ý định trừ khử một tình địch được yêu chuộng”...
Công tước phu nhân dừng lại khá lâu để xem thử có khả năng gì Fabrice phạm tội hay không. Không phải vì bà thấy một người quý tộc cỡ cháu bà trừ khử một thằng hề xấc láo là phạm một tội lỗi lớn; nhưng trong cơn thất vọng, bà lờ mờ cảm thấy mình sắp phải đấu tranh để chứng minh sự vô tội của Fabrice. Nghĩ mãi, nữ công tước mới nói: “Không, đây là một bằng chứng quyết định cũng như anh Pietranera xưa kia, nó luôn luôn mang khí giới trong tất cả các túi áo, quần, thế mà hôm đó nó chỉ mang một khẩu súng một nòng xấu, lại mượn của một người thợ nữa chứ.
Ta thù quận vương vì hắn lừa ta, lừa một cách hèn nhát nhất; viết giấy tha thứ xong, hắn lại sai bắt cóc thằng bé tội nghiệp ở Bologne v.v...
Nhưng cái khoản này rồi sẽ được thanh toán. Vào quãng năm giờ sáng, kiệt quệ vì cơn thất vọng dai dẳng ấy, phu nhân kéo chuông gọi các chị hầu gái. Các chị buột miệng kêu thét lên: Thấy nữ công tước nằm trên giường với nguyên áo sống và kim cương, người trắng như khăn trải giường, mắt nhắm, các chị tưởng như thấy phu nhân đã chết và được đặt trên một cái giường nghi lễ. Giá không nhớ bà vừa giật chuông gọi họ, thì chắc họ tin rằng bà đã hoàn toàn bất tỉnh. Một vài giọt lệ thỉnh thoảng lăn trên má tê dại. Nữ công tước làm một dấu hiệu, các chị hầu phòng biết rằng bà muốn các chị xếp đặt cho bà nghỉ.
Sau tối tiếp tân của bộ trưởng Zurla, bá tước hai lần đến nhà nữ công tước, vẫn không được tiếp, ông viết thư cho phu nhân là ông muốn hỏi ý kiến phu nhân về việc ông. “Tôi có nên giữ địa vị sau cái nhục họ trắng trợn gây cho tôi đó không? ” Bá tước viết tiếp: “Anh bạn trẻ vô tội. Mà dù anh có phạm tội đi nữa, họ có nên bắt anh mà không báo trước với tôi, người đỡ đầu công khai của anh, hay không?" Nữ công tước chỉ được thấy bức thư ấy ngày hôm sau.
Bá tước không phải là người đạo đức; có thể nói thêm rằng cái mà những người phái tự do gọi là đạo đức (tức là sự tìm kiếm hạnh phúc cho số đông nhất, ông cho là một sự bịp bợm! Ông tự thấy có bổn phận phải tìm kiếm hạnh phúc cho bá tước Mosca Della Rovere trước hết. Nhưng ông rất coi trọng danh dự và hoàn toàn thành thật khi nói từ chức. Ông chưa hề nói dối nữ công tước một lần nhỏ nào. Tuy nhiên bà ta chẳng chú ý đến bức thư chút nào. Bà đã chọn một đường lối, một đường lối rất đau khổ là vờ quên Fabrice. Sau sự cố gắng này thì bà không còn thiết gì nữa.
Trưa hôm sau, bá tước được mời vào sau mười lần lui tới lâu dài. Nhìn thấy nữ công tước, ông kinh hoàng…
“Nàng phải đến bốn mươi tuổi! Ông tự nhủ, mà hôm qua thì lộng lẫy, trẻ trung thế kia!.. Ai cũng nói với ta là trong lúc nàng và Clélia nói chuyện với nhau khá lâu, nàng trông cũng đang xuân như Clélia, lại hấp dẫn hơn nhiều”.
Tiếng nói và giọng điệu của nữ công tước cũng lạ lùng như con người bà. Cái giọng không có một chút ham thích nào, một chút giận dữ nào, một chút thiết tha nào đối với sự đời khiến bá tước tái mặt; nó làm cho ông nhớ đến thái độ một người bạn trước đây vài tháng lúc sắp chết và đã được rửa tội - khi nói chuyện với ông.
Sau mấy phút, công tước phu nhân mới nói chuyện được. Bà nhìn bá tước, nhưng đôi mắt không có thần.
— Chúng ta hãy chia tay nhau, bá tước thân mến ạ, bà nói giọng yếu ớt nhưng rõ ràng và cố làm cho êm ái dễ ưa. Phải xa nhau mới được! Trời chứng cho em là suốt năm năm qua, em đối xử với anh không có một tí gì đáng chê trách. Anh đã tạo cho em một cuộc sống huy hoàng thay cho cảnh buồn nản chắc chắn em phải chịu ở lâu đài Grianta. Không có anh, chắc em phải bước vào cảnh già sớm đi mấy năm… về phần em, mối lo duy nhất của em là làm sao cho anh tìm thấy hạnh phúc. Vì em yêu anh cho nên mới đề nghị với anh cuộc chia tay này, một cuộc chia tay êm thấm như người Pháp thường nói.
Bá tước không hiểu; bà công tước phải nói lại nhiều lần. Mặt ông hóa tái nhợt như người chết; và ông quỳ xuống bên giường, ông nói hết những nỗi niềm mà kinh ngạc và thất vọng đau đớn nhất đã làm dậy lên trong lòng một người thông minh đang yêu say sắm. Ông luôn luôn đề nghị nữ công tước đồng ý cho được từ chức, để theo người yêu đi sống cách biệt ở một nơi nào xa Parme nghìn dặm.
— Anh nỡ nói đến việc tôi bỏ nơi đây mà đi trong khi Fabrice còn ở đây hay sao? Khi thấy cái tên Fabrice làm cho bá tước khó chịu, bà nghỉ một lát rồi siết nhè nhẹ tay bá tước mà nói: Không, anh thân mến ạ, em không nói em đã yêu anh với sự nồng nhiệt, sự bồng bột mà hình như người ta không có nữa khi đã quá ba mươi, mà em thì đã quá tuổi ấy nhiều lắm rồi. Người ta sẽ nói với anh là em yêu Fabrice, vì em biết người ta đồn như thế ở cái triều đình độc ác này. (Nói tiếng độc ác, mắt bà dần dần long lanh). Em xin thề trước Chúa, lấy tính mệnh Fabrice mà thề rằng giữa nó và em không bao giờ xảy ra cái gì mà một người thứ ba không thể chứng kiến. Em cũng không nói rằng em yêu mến nó y như một người chị đối với em trai. Em yêu nó một cách bản năng, phải nói như vậy. Em yêu mến nó ở lòng dũng cảm hồn nhiên và hoàn thiện đến nỗi có thể nói tự nó không nhận thấy; em nhớ ra rằng thứ cảm phục đó phát sinh từ ngày nó ở Waterloo về. Lúc đó nó như một đứa trẻ con, mặc dù đã mười bảy; điều nó băn khoăn nhất là không biết mình có thực sự dự một trận đánh hay không, nếu có, thì có nói được là nó đã đánh nhau hay chưa, trong khi nó không xông lên tấn công vào một khẩu đội pháo nào hoặc một binh đoàn địch nào. Trong những cuộc thảo luận nghiêm chỉnh về chủ đề quan trọng đó, em bắt đầu thấy ở nó một phong thái hào hoa tuyệt hảo. Em nhìn thấy tâm hồn cao quí của nó; ở vào cảnh nó, một thanh niên con nhà sẽ bịa ra bao nhiêu chuyện dối trá hay ho, có nghĩa lý! Tóm lại, nếu Fabrice không sung sướng thì em cũng chẳng thể có hạnh phúc, ừ, đó là một câu diễn tả được tâm trạng của em. Nếu không phải là sự thực, thì ít ra đó là tất cả những gì mà nhìn vào lòng em, em nhận thấy.
Bá tước được khuyến khích bởi giọng điệu thành thực và thân mật ấy, cầm tay bà định hôn; phu nhân rút tay lại như ghê tởm. Bà nói:
— Thời kia đã qua rồi! Em là một người đàn bà ba mươi bảy tuổi, em đã ở ngưỡng cửa tuổi già nua, em cảm thấy hết những chán nản của tuổi già, có lẽ gần xuống mồ rồi cũng nên. Cái phút ấy kinh khủng lắm, người ta bảo thế, tuy nhiên em thấy hình như em mong đợi nó. Em đang cảm thấy cái triệu chứng xấu nhất của tuổi già. Lửa lòng em đã tắt bởi cái tai họa ghê gớm này, em không yêu được nữa. Em chỉ thấy ở anh bóng dáng của một người em từng yêu quí, bá tước thân mến anh. Em muốn nói hơn thế, là em chịu nói chuyện với anh như thế nầy chỉ vì lòng biết ơn đối với anh mà thôi.
— Tôi sẽ ra sao bây giờ? Bá tước cứ lặp lại. Tôi thấy gắn bó thiết tha với em hơn cả những ngày đầu khi gặp em ở kịch viện Scala!
— Em có nên thú thật với anh điều này không, anh thân mến? Là nói những chuyện yêu đương làm em chán lắm và thấy bất lịch sự nữa. Nào, hãy can đảm lên! Nữ công tước nói và cố mỉm cười nhưng không được. Hãy là người thông minh, người biết phán đoán, người biết xoay xở khi gặp thế bí. Hãy xử sự với em như nguyên hình của anh trong con mắt kẻ bàng quang, nghĩa là người chính khách vĩ đại nhất và khôn khéo nhất trong nhiều thế kỷ, mà nước Ý đã sản sinh.
Bá tước đứng lên, lặng lẽ đi bách bộ một lát. Rồi ông nói:
— Không thể được, em ạ. Tôi đang bị mối si tình dữ dội nhất giằng xé mà em lại bảo tôi vận dụng lý trí nữa!
— Hãy đừng nói đến tình tứ nữa, em van anh.
Công tước phu nhân nói, giọng gắt gỏng; lần đầu tiên trong hai tiếng đồng hồ chuyện vãn, giọng bà mới có một chút xúc động. Bá tước cũng như tuyệt vọng, nhưng tìm cách an ủi bà.
— Hắn lừa tôi, bà thét lên chứ không trả lời những lý lẽ bá tước đưa ra để nhen nhóm hy vọng. Hắn lừa tôi một cách hèn hạ nhất! Sắc mặt xanh nhợt của người chết biến đi một lát; tuy nhiên ngay trong phút kích thích dữ dội ấy, bá tước cũng nhận thấy bà không đủ sức đưa cánh tay lên. “Trời ôi! Có thể chăng là nàng chỉ ốm mà thôi? Bá tước thầm nghĩ. Tuy nhiên nếu chỉ ốm thì đây cũng phải là cơn sơ phát của một trọng bệnh”. Thế là ông đâm ra vô cùng lo ngại và bảo để mời bác sĩ Razori nổi tiếng, người thầy thuốc giỏi nhất ở Parme và trên toàn cõi nước Ý.
Anh muốn hiến cho một người xa lạ cái thú được biết nỗi thất vọng tràn trề của tôi ư?… Đó là lời khuyên bảo của một kẻ phản phúc hay của một người bạn vậy? Nữ công tước nói thế rồi nhìn ông với đôi mắt kỳ dị.
“Thế là hết, bá tước thất vọng tự nhủ, nàng không còn chút tình nghĩa nào đối với ta rồi! Thậm chí nàng cũng không đặt ta vào hàng những người danh giá thông thường!”. Bá tước lại vồn vã nói:
— Tôi cần nói với em là tôi muốn trước hết biết những chi tiết về vụ bắt người khiến chúng ta thất vọng này, thế mà lạ thay! Tôi chưa biết được gì rõ ràng cả. Tôi có cho người hỏi bọn sen đầm ở bót gác kế cận ngục thành, chúng nói thấy người ta đưa người tù tới trên con đường từ Castelnovo về và chúng được lệnh phải hộ tống xe tù. Tôi lại phái Bruno đi ngay, tên Bruno mà em biết rõ tài mẫn cán cũng như sự tận tâm. Tôi bảo nó đi ngược từng trạm dò hỏi xem Fabrice bị bắt như thế nào.
Nghe đọc đến tên Fabrice nữ công tước hơi rùng mình. Lúc đã nói được, bà bảo bá tước:
— Anh miễn thứ cho tôi. Những chi tiết ấy tôi chú ý lắm, anh hãy cho tôi biết tất, hãy nói cho tôi hiểu những tình huống nhỏ nhặt nhất.
— Thế thì thưa phu nhân, bá tước đáp, cố lấy dáng thanh thoát vô tư lự để làm khuây khỏa nàng chút ít, tôi muốn phái một viên thư lại tin cẩn đến với Bruno bảo hắn ta đi luôn đến Bologne, có lẽ chúng nó bắt anh bạn trẻ của chúng ta tại đó. Cái thư cuối cùng của Fabrice đề ngày nào?
— Thứ ba, cách đây năm hôm.
— Thư có bị bóc ở bưu điện không?
— Không có dấu vết bị bóc. Tôi cho anh biết là thư viết trên giấy tồi tệ, địa chỉ do một phụ nữ đề, địa chỉ mang tên một bà thợ giặt già có họ với con hầu phòng của tôi. Bà thợ giặt tưởng đâu có chuyện yêu đương chim chuột gì đó, và con Chékina cứ lầm lụi trả lại tiền cước phí cho bà ta chứ chẳng nói thêm lời nào.
Bá tước đã hoàn toàn lấy giọng điệu của một người chạy việc trong khi thảo luận với bà công tước, để thử tìm xem Fabrice bị bắt cóc ngày nào. Bình thường ông tinh ý là thế, mà hôm nay cho đến bây giờ ông mới thấy đó là giọng điệu thích hợp. Những chi tiết ấy làm cho người phụ nữ đau khổ quan tâm và tưởng như có làm bà khuây được phần nào. Giá bá tước không si tình thì chắc ông đã tìm thấy điều đơn giản ấy ngay từ lúc mới vào. Nữ công tước từ tạ ông để cho ông về gửi ngay những lệnh mới cho chú Bruno trung thành. Khi họ bàn lướt qua vấn đề có phải bản án đã hoàn thành trước khi quận vương ký cái giấy gửi cho nữ công tước hay không, thì phu nhân vội vã chộp cơ hội để nói với bá tước.
— Tôi không trách anh quên ghi mấy chữ vụ án bất công trong mảnh giấy mà anh viết và hắn ký tên, lúc đó bản năng triều thần ở anh đang vùng dậy, anh không ngờ là anh coi trọng quyền lợi chủ hơn quyền lợi người yêu. Anh đã hoạt động theo ý chí của tôi, bá tước thân mến ạ, và từ lâu, đành thế, nhưng anh không thể thay đổi bản chất anh được. Anh có những tài năng lớn để làm thượng thư, nhưng anh cũng có bản năng của nghề nghiệp ấy. Xóa bỏ chỗ bất công là giết tôi, nhưng tôi tuyệt nhiên không trách móc anh gì đâu, đó là lỗi của bản năng, không phải lỗi của ý chí. - Anh hãy nhớ! Phu nhân đổi giọng nói một cách cương quyết, nhớ là tôi không lấy làm phiền muộn nhiều lắm về việc Fabrice bị bắt, là tôi không hề thoáng có ý muốn xa lánh xứ này, là tôi rất tôn kính quận vương. Đó là điều bá tước cần nói, và đây là điều tôi muốn nói với bá tước, vì tôi muốn tự quyết định công việc của tôi một mình, cho nên tôi phải chia tay êm thấm với bá tước, nghĩa là như một người bạn gái tốt. Hãy xem như là tôi đã sáu mươi tuổi, người thiếu phụ ở tôi đã chết, tôi không cố gắng thêm gì được nữa trên đời, tôi không yêu được nữa. Nhưng tôi sẽ còn đau khổ hơn bây giờ nếu tôi làm hại lấy tôi con đường công danh của bá tước. Tôi dự định sẽ làm như có một nhân tình trẻ tuổi và tôi không muốn bá tước đau buồn vì điều đó. Tôi có thể thề với bá tước trên hạnh phúc của Fabrice. Bà nghĩ nửa phút sau khi nói cái tên đó - Là tôi chưa hề phụ bá tước một lần nào, và như thế suốt năm năm. Cũng khá lâu đấy chứ, bà nói và cố mỉm cười, hai má tái nhợt của bà động đậy, nhưng đôi môi thì không mở ra được. Thậm chí tôi có thể thề rằng không bao giờ tôi có dự định ấy và ý nghĩ ấy. Nghe kỹ điều đó xong thì xin bá tước hãy để tôi yên.
Bá tước tuyệt vọng đi ra khỏi lâu đài Sanseverina. Ông thấy rõ ở nữ công tước cái ý định cương quyết xa ông, nhưng ông lại chưa bao giờ say đắm nàng đến như lúc này. Đó là một trong những điều mà chúng tôi sẽ nhiều lần trở lại, bởi vì nếu không phải ở Ý thì chắc là không như vậy. Về nhà, ông phái đến sáu người khác nhau đi theo con đường Castelnovo - Bologne, người nào cũng mang nặng thư từ. “Tuy thế, cũng chưa hết đâu, ông bá tước đáng thương tự nhủ, Hoàng thân có thể cao hứng sai xử tử thằng bé khốn khổ ấy, để trả thù cái giọng nữ công tước dùng với ông hôm đòi mảnh giấy tai hại kia. Ta cảm thấy phu nhân vượt cái giới hạn mà không bao giờ người ta nên vượt qua và để giảm căng thẳng, ta đã làm cái điều dại dột đến phi lý là bỏ những chữ vụ án bất công, những chữ duy nhất ràng buộc quận vương… ối dào! Nói vậy chứ cái ngữ ấy thì có cái gì ràng buộc họ được! Đây quả là điều lầm lỗi nhất trong đời ta, ta đã phú cho ngẫu nhiên cái điều có thể làm cho cuộc đời ta có giá nhất, vấn đề là phải chuộc lại sự dạí đột ấy bằng cách hoạt động ráo riết và khôn khéo hết sức. Tuy nhiên, nếu cuối cùng ta không đạt kết quả gì mặc dù đã hy sinh một phần phẩm giá, thì ta sẽ mặc xác con người đó, để xem với những mơ mộng đại chính trị, những ý đồ làm vua lập hiến của vương quốc Lombards, hắn làm thế nào để thay thế ta. Fabio Conti là một thằng ngốc, còn tài năng của Rassi thì cũng chỉ đến đem treo cổ một cách hợp pháp những người mà chính quyền không ưa là cùng”.
Khi đã dự định dứt khoát rời bỏ nội các, nếu người ta khắc nghiệt đối với Fabrice quá cái mức một sự giam giữ thông thường, thì bá tước tự nhủ: “Tính hợm mình của con người ấy đã bị thách thức một cách liều lĩnh, nếu vì thế mà hắn nhất thời nổi khùng vì hợm hĩnh, khiến cho hạnh phúc của ta tiêu tan, thì ít nhất ta còn lại danh dự… Ấy, gã đã coi thường cái thế thủ tướng thì ta có thể tự cho phép ta làm hàng trăm việc mà sáng nay ta còn tưởng là không làm được. Chẳng hạn ta sẽ làm những gì trên đời có thể làm để cho Fabrice trốn khỏi nhà ngục… Lạy Chúa! Bá tước dừng lại để kêu và mắt ông mở to quá mức, tưởng như đã thấy cảnh hạnh phúc không ngờ đó - Công tước phu nhân không nói chuyện vượt ngục với ta, phải chăng lần đầu tiên trong đời, nàng không thành thực? Và nàng đoạn tuyệt với ta phải chăng là muốn ta phản lại quận vương? Nếu thế thì phải coi như đã là thế rồi”.
Mắt bá tước đã lấy lại cái ánh chế nhạo tinh tế ngày thường. “Tên chánh án Rassi đáng mến ấy đã được ông chủ trả tiền đề làm nên những bản án bôi nhọ ta khắp châu Âu, nhưng hắn không phải là người không chịu bán những bí mật của chủ. Con vật ấy có một nhân tình và một cha rửa tội, nhưng mụ nhân tình đó thuộc loại tồi tệ quá ta không thể nói chuyện được, gặp mụ ta hôm nay thì qua hôm sau, mụ sẽ thuật lại tất cả các mụ hàng hoa quả ở trong phố”. Được hồi sinh bởi tia hy vọng đó, bá tước đi đến nhà thờ lớn, ngạc nhiên vì dáng đi nhẹ nhàng của mình, ông mỉm cười mặc dù đang buồn bực. “Ấy, ông thầm bảo, không làm bộ trưởng thì như vậy đó!” Cái nhà thờ ấy, cũng như nhiều nhà thờ khác ở Ý, là nơi để đi từ phố này sang phố nọ, từ xa bá tước đã nhìn thấy một vị tổng trợ tá tòa tổng giám mục đang đi qua gian giữa.
— Tôi đã gặp cha, ông nói, thì xin nhờ cha vui lòng miễn cho bệnh thấp khớp của tôi phải chịu cái cực hình leo lên tận nơi ngài tổng giám mục. Tôi sẽ cảm ơn ngài không biết bao nhiêu nếu ngài chịu khó xuống buồng sau của lễ đàn.
Ông tổng giám mục rất sung sướng vì lời nhắn bảo này, ông có hàng ngàn điều muốn nói về Fabrice với thủ tướng. Nhưng thủ tướng phỏng đoán những điều ấy chỉ là những câu rỗng cho nên chẳng thiết nghe.
— Cha xứ Dugnani ở nhà thờ Saint Paul là người thế nào?
— Một trí tuệ nhỏ và một tham vọng lớn, ông tổng giám mục đáp, ít băn khoăn về đạo đức và cực kỳ nghèo bởi vì có lắm thói xấu!
— Ối chao ôi! Ông thủ tướng kêu, thưa đức cha, ngài diễn tả quả như Tacite!
Ông nói thế rồi vừa cười vừa cáo từ ông tổng giám mục. Vừa về đến bộ, ông cho gọi ngay ông abbé Dugnani.
— Cha coi sóc phần lớn cho người bạn thân thiết của tôi, quan tư khấu Rassi, vậy ông ấy có gì đáng nói với tôi không.
Không thêm lời nào, không bày vẽ lễ nghĩa gì nữa, bá tước cho cha Dugnani lui.
Tu Viện Thành Parme Tu Viện Thành Parme - Stendhal Tu Viện Thành Parme