The smallest bookstore still contains more ideas of worth than have been presented in the entire history of television.

Andrew Ross

 
 
 
 
 
Tác giả: Lê Văn Trương
Thể loại: Tiểu Thuyết
Biên tập: Quoc Tuan Tran
Upload bìa: Quoc Tuan Tran
Số chương: 35
Phí download: 5 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 4771 / 75
Cập nhật: 2016-06-14 12:09:34 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 19
hỉ còn bảy hôm nữa là ông Nam Long về Hà Nội, công việc đã bàn giao cả rồi.
Đương là một người vui vẻ cười cợt suốt ngày, Khánh Ngọc bỗng dưng như một cái cây hết nhựa, buồn rũ xuống. Cả ngày nàng chỉ nằm dài trên giường chẳng bước chân đi đến đâu. Trong cái nhìn của nàng, bây giờ hình như thiếu ánh sáng, cái ánh sáng trong trẻo của thủa xưa. Bữa cơm, nàng ăn qua loa, rồi lại bước ra sân, ngồi dưới một gốc cây nhìn núi, nhìn trời. Nàng không trò chuyện với ai. Mà có ai hỏi, nàng chỉ trả lời bằng những câu nhát gừng, François thì mừng rỡ, hết sức chiều chuộng, nhưng càng chiều chuộng bao nhiêu, nàng càng khó chịu bấy nhiêu. Ông Nam Long lại cho là nàng ốm, càng muốn chong chóng về. Luôn luôn, ông bảo người khán hộ mà ông đưa đi theo, lấy nhiệt độ cho nàng, nhưng nhiệt độ vẫn như thường. Và cũng chẳng có triệu chứng gì tỏ ra nàng bị ốm cả.
Nàng chỉ không ăn và không ngủ được. Cái bệnh căn của nàng duy chỉ có nàng biết. Nàng biết rằng một khi xa cái đất này rồi, thì đời nàng sẽ buồn thảm, bởi vì nàng không còn hy vọng gì được yêu đương bởi người nàng yêu. Nàng muốn cho ở lại, nhưng vốn biết ba nàng là người cương quyết, chỉ chiều nàng những cái có thể chiều, nên nàng cũng không dám xin một điều vô lý như thế. Trọng Khang thấy nàng buồn, tìm hết cách để trốn, đúng giờ cơm mới về, ăn xong lại lấy cớ là mệt nhọc đi ngủ ngay. Chàng không dám hỏi chuyện Khánh Ngọc và cũng không dám nhìn nàng nữa, bởi vì chàng cảm thấy nếu hỏi đến thì nàng sẽ òa khóc. Rồi thì xảy ra bao nhiêu chuyện lôi thôi.
Trước kia, chàng nhìn Khánh Ngọc như một người con gái bị sự Âu hóa làm thành ra lố lăng, nhưng từ hôm chàng thấy Khánh Ngọc phát khóc lên, khi thấy chàng đánh bọn phu Xạ-phang; và thứ nhất, từ khi biết sắp phải về, nàng buồn như rũ, chàng nhận thấy bản chất đàn bà ở trong người nàng vẫn còn nguyên vẹn, mặc dầu bề ngoài nàng có ít nhiều cử chỉ chàng không ưa. Chàng nhận thấy văn minh vật chất mới chỉ làm biến đổi một chút ít hành vi về ngoại giới, chứ tâm hồn nàng vẫn là tâm hồn một cô gái thơ ngây, có thể yêu đương, và đau đớn vì yêu đương.
Chàng rất sợ những cuộc hôn nhân mà trong đó, người vợ văn minh nửa mùa, luôn luôn "lý thuyết" với chồng để đòi quyền lợi. Là một kẻ con trai giống khỏe, lại có một quan niệm rõ rệt về việc đời, chàng không thể dung được những cái nhố nhăng của người đàn bà. Người đàn bà mà chàng yêu phải là hình bóng của em gái chàng. Một người đàn bà thùy mị, nghiêm trang và hiểu sâu xa cái bổn phận thiêng liêng của mình. Người đàn bà chàng yêu phải là người có tính chất phương Đông, nghĩa là một thứ đàn bà thuần túy.
Biết Khánh Ngọc yêu mình, chàng cũng thấy lòng mình xúc động, càng xúc động hơn khi lòng tự ái của đàn ông được thỏa mãn, khi nàng bỏ một người mà cả dư luận xã hội cho là hơn mình, đi yêu mình là người tiền cũng chẳng có và bằng cấp cũng không. Chàng thầm nhủ: "Ừ, y cũng biết giá trị làm người của mình", nhưng chàng vẫn không thể đánh ngã được ý nghĩ: "Mình không có quyền phá vỡ hạnh phúc của một người khác, thứ nhất mình đã được chứng kiến cuộc yêu đương ấy. Họ đã sắp lấy nhau, người ta yêu một người khác trước mình... Cái tình ấy là một thứ tình ẻo lả, người đàn bà gieo một mối tình như thế là một người nông nổi, mình xa đi là hơn, chẳng nên vướng víu vào. Tội gì lại đi mua cái tiếng cướp vợ của một người khác. Dù chưa hẳn là vợ chồng, nhưng đã thân mật như thế, đã đi với nhau như thế, thì thiếu một chút lễ nghi nữa, nào có nghĩa gì. Gia dĩ Giáp cũng yêu cơ mà. Làm đau đớn cho Giáp, mà chẳng sung sướng gì cho mình! Bởi mình không yêu. Hơi đâu, và biết đâu, như thế ông Nam Long lại trách mình là người không ngay thẳng. Xem ý ông tuy trọng vọng mình nhưng ông vẫn thiết tha đến Giáp hơn mình. Mình không nên làm rối loạn những dự tính của ông. Mình càng không nên lắm, bởi vì mình không yêu".
Tuy có những ý nghĩ như thế, nhưng thấy Khánh Ngọc buồn, chàng vẫn để ý, để ý bằng im lặng. Và hình như Khánh Ngọc cũng có cái cảm tưởng ấy, nên dù nàng nói ít, nhìn ít, nhưng những cái nhìn và những câu nói bây giờ cũng chứa đựng rất nhiều ý nghĩa hơn trước kia nhiều.
Mỗi khi Khánh Ngọc nghĩ đến chàng, nàng thấy như có một làn hơi nóng từ đầu chạy vào tim mà chàng nghĩ đến Khánh Ngọc cũng thấy có một cái gì dìu dịu toát ra khắp cơ thể. Không yêu nhưng chàng đang hưởng cái thú được yêu.
Người đàn ông yêu người đàn bà bắt đầu bằng lòng thương. Người đàn bà yêu người đàn ông bắt đầu bằng lòng kính trọng. Từ ngày Khánh Ngọc nhận thấy Trọng Khang đè bẹp Giáp cả một tầng cao ở chỗ phát biểu của thằng người, nàng tìm thấy ở Giáp ngày nay và trước kia nhiều cái thấp hèn và yếu ớt.
Trong ông kỹ sư, có một thằng người kém cỏi quá. Mà trong chú lái bị phá sản lại có một thằng người đẹp đẽ ghê. Nàng tự nhủ: "Nếu mình không đi lên đây để được nếm cái mùi vị gian lao và nguy hiểm, thì suốt đời mình cũng đến nhầm mãi như mọi người, chỉ xét giá trị của nhau ở bề ngoài. Hỏi một trăm nghìn cô con gái thì ai ai ở cái xã hội này cũng phải về phe với Giáp. Họ về phe bởi vì họ chưa có cơ hội để nhìn sự phát biểu của thằng người. Họ chỉ lóe mắt vì địa vị, vì những mảnh bằng. Những thứ ấy toàn là những giấy mã xanh đỏ, dán lên thằng người. Mưa róc đi, trần ra một thứ nan tre. Mình may mắn hơn mọi người, là vì đã gặp những trường hợp để xét cái chân giá trị của người ta. Một tháng gập ghềnh trên con đường gió bụi lợi bằng bao nhiêu năm học ở Ba Lê. Thì ra nếu không lăn mình vào cuộc sống, suốt đời sẽ chẳng có được một chút ánh sáng gì để biết đời, hiểu người. Cái giá trị của một người chỉ có thể biết được khi người ấy đối đầu với bất thường của sự sống gay go và tàn nhẫn. Giáp rồi đây làm gì? Chẳng qua lấy được mình rồi thì cơ ngơi sẵn đấy, cứ thế mà lên, rồi cùng mình theo đuổi những cuộc vui và hát những vinh dự dễ dàng mà xã hội để dành sẵn cho những người có thế và có tiền. Chứ đối với Trọng Khang, ai biết được những cái mà người ấy có thể làm về sau. Không biết được, nhưng chắc chắn là nó đẹp đẽ mà to lớn, bởi vì ở một cái bản chất gang thép như thế, không có thể phát ra những thứ thấp hèn được. Con người này phấn đấu toàn bằng những khí giới tự mình rèn lấy, còn người kia toàn bằng những khí giới mượn.
Mà việc gì phải phấn đấu, thế trận người khác đã bày hộ cho họ rồi, quân nhu đã được cấp sẵn, chỉ việc rung động là đắc thắng. Có thế thôi. Không bao giờ Giáp phải bỏ cái 'tài' vào đấy. Mà cái 'tài' của y. Cai trị một người chồng, còn có gì là thú nữa. Còn đâu là tình nữa. Một cuộc đời tẻ lạnh cạnh một cái xác vô hồn. Nhất định là sau khi về Hà Nội, mình phải tỏ ý mình cho y biết. Mình không thể vì thương y mà hủy bỏ cuộc đời của mình. Ba mình chắc thì nhèo mình, 'me' mình chắc la rằng như thế thì mang tiếng, mang tai. Tai tiếng? Ai chẳng lấy mình thì thôi. Mình độc thân... nhưng có lấy ai thì phải lấy... một người có thể cùng mình tạo một cuộc đời cho ra cuộc đời. Trọng Khang đã đính ước. Y không thể yêu mình và có lẽ còn khinh mình là khác nữa. Nhưng chẳng lấy y thì mình cũng chẳng đời nào lấy Giáp. Lấy làm sao được một khi mình đã biết y không có cái gì to đẹp ở trong người, khí khái không, lỗi lạc không. Y cũng như mình, là sản phẩm của đồng tiền cha mẹ. Mình bây giờ đã tỉnh ngộ, chứ y thì có lẽ suốt đời chẳng tỉnh ngộ được. Những sách vở, những lề thói học mót của người đã làm lú lấp cái thằng người trong y nhiều quá rồi. Có lẽ mình độc thân, có lẽ mình sẽ mở trường dạy học, có lẽ mình đi thầu khoán? Mà có lẽ mình sẽ đi thầu khoán thật. Cuộc đời ở đấy nó ồ ạt và thích hợp với tâm tính của mình. Mình chẳng phải là con gái của ba mình sao?"
Vì có những ý nghĩ ấy, nên Khánh Ngọc rất tàn nhẫn với Giáp khi hai giờ đêm, Giáp mon men đến giường nàng, định để phân trần, định để hỏi duyên cớ tại sao nàng buồn, tại sao mình bị hắt hủi.
Lúc ấy, Khánh Ngọc vì nghĩ vẩn vơ nên chưa ngủ. Còn Trọng Khang thì vì nghe tiếng thở dài của nàng, nên cũng thao thức. Giáp trở dậy Trọng Khang biết, mà Khánh Ngọc cũng biết.
Giáp vừa vén màn thì Khánh Ngọc nói ngay, nàng nói hơi to:
- Anh làm gì thế? Anh đi đâu?
Giáp ngập ngừng. Khánh Ngọc vùng dậy, du Giáp ra:
- Đã là một người tầm thường, anh muốn trở nên một người mất dạy nữa hay sao? Ai đã cho quyền anh được vô lễ với tôi như thế? Anh về giường anh đi, không tôi bắn chết ngay bây giờ đây này.
Tiếng sắt chạm vào mặt bàn ngủ, tiếng Khánh Ngọc:
- Bao nhiêu cái lịch sự anh học ở Ba Lê đâu cả rồi?
- Thì Marie nói khẽ chứ.
Giáp đứng dậy, nhưng chưa chịu đi. Khánh Ngọc lại gắt:
- Anh muốn chết thật đấy phải không?
Tiếng thở dài, rồi tiếp đến tiếng nghẹn ngào:
- Marie đã yêu người khác thật rồi à?
Khánh Ngọc mở màn bước xuống giường:
- Tôi yêu ai hay không? Quyền ở tôi. Nhưng anh đã tầm thường và mất dạy như thế, tôi không thể yêu anh được nữa.
Giáp cúi đầu, quay đi. Khánh Ngọc vặn to ngọn đèn. Giáp quay lại:
- Đã thế hôm này, tôi về. Bởi vì sự tôi ở đây, không còn cái nghĩa của nó nữa.
- Anh về hay ở là quyền của anh.
Khánh Ngọc nói xong, quay vào giường. Giáp đứng thần ra một lát, rồi cũng về chỗ nằm.
Cả tấn bi kịch vừa xảy ra, Trọng Khang nằm trong màn biết không sót một li. Chàng thấy băn khoăn thương Khánh Ngọc và băn khoăn cả về chỗ Giáp đòi về. Chàng nhận thấy rằng tuy công việc chẳng còn gì khó khăn, nhưng thư ký đạc điền và các cai cũng có thể làm được, nhưng nếu việc này đến tai ông Nam Long, ông sẽ cho rằng vì mình mà sinh ra câu chuyện bất hòa, thì có chỗ không đẹp. Đã một phút, chàng có cái ý nghĩ bỏ đấy mà đi để cho mọi việc ổn thỏa cả, nhưng ý nghĩ ấy thoạt đến lại bị xô đuổi đi ngay: chàng cần phải nghĩ đến ngày mai của em gái chàng.
"Ồ, mình chẳng làm gì, mặc kệ người ta khu xử với nhau. Đâu phải tự mình gây nên. Mình không thể vô lý đến bỏ một cơ hội có thể giúp mình khôi phục lại cơ đồ. Nhưng dù sao... cũng là vì có mình mới xảy ra câu chuyện này. Không có mình... Trước kia, họ vẫn đằm thắm với nhau lắm cơ mà. Đành rằng họ chẳng trách gì mình được, nhưng làm ăn thế này thì bực bội quá. Đàn bà... dúng vào đâu là lắm chuyện".
Nghĩ thế, chàng lại ái ngại cho Giáp. Chàng lại thấy lởn vởn cái ý nghĩ bỏ đi. "Nhưng mình bỏ đi thì cũng chẳng thay đổi gì. Khánh Ngọc đã không yêu Giáp thì dù mình bỏ đi, cũng chẳng làm sao cho nàng thay đổi ý kiến. Mà có lẽ vì thế nàng lại oán ghét Giáp hơn lên. Cứ để thế này, rồi khi xong việc, mình đi đằng mình, may ra hai người lại còn tái hợp với nhau được. Ồ, mà... ô! Sao mình lại cứ nghĩ luẩn quẩn thế, có lẽ gần Khánh Ngọc mình đã bị ảnh hưởng cái tính vẩn vơ của người đàn bà rồi hay sao? Việc mình, mình cứ làm, cái gì xảy ra mặc kệ nó. Hơi đâu mà đi phí thì giờ và sức khỏe để nghĩ đến những cái chó chết thế. Ích gì? Ồ, mình thành luẩn quẩn rồi hay sao thế này? Tại sao mình không rạch ròi như trước nữa thế này? Đường mình bước, mình cứ bước, chạm phải ai ngã thì mặc thây. Hơi đâu cứ lo đông, lo tây thế này thì còn đi xa thế nào được".
Trọng Khang vừa trùm chăn nhất định để ngủ thì lại nghe tiếng Khánh Ngọc thở dài, rồi tiếp đến tiếng Khánh Ngọc gọi Giáp:
- Anh muốn về hay ở, mặc anh, nhưng anh làm thế nào đừng để cho tôi khinh anh thì làm.
- Marie khinh thì tôi phải chịu.
- Anh phải làm thế nào để cho tôi không khinh anh, chứ anh đã chịu thì còn nói làm gì. Nếu có thế, thì ngay từ mai anh về đi. Ra anh không còn một chút lương tâm gì về nghề nghiệp nữa. Anh lên đây chỉ cốt theo tôi. Chứ không phải để học lấy kinh nghiệm như ba tôi mong ước cho anh. Nếu đã thế anh về là phải lắm.
- Nhưng ở đây khổ sở đau đớn thế này thì tôi ở làm sao?
- Ấy chỉ vì anh không biết cắn răng chịu khổ sở và đau đớn mà thành ra anh tầm thường. Anh về đi là phải. Tôi cũng khuyên anh nên về. Anh nhất định để cho tôi khinh anh rồi cơ mà.
Tiếng ông Nam Long cựa mình, hai người lặng im một lát. Rồi Giáp lại hỏi Khánh Ngọc:
- Tôi xét thấy mình không làm gì mà để đến nỗi Marie xử với tôi một cách khắc nghiệt quá.
- Anh đã nhất định về, nghĩa là anh đã nhất định để cho tôi khinh anh thì chúng ta không còn chuyện gì để nói với nhau nữa.
- Thì tôi không về nữa, nhưng Marie nói cho tôi biết vì lẽ gì Marie lại bỗng dưng đổi tất cả những cảm tình đối với tôi.
- Tôi có đổi cảm tình đối với anh hay không, tôi chưa biết rõ lắm. Nhưng ví phỏng tôi có đổi thì cái đó cũng không phải là tại tôi. Anh còn lạ gì lòng người. Nó là một thứ mà anh và tôi, không ai có thể sai khiến nó được.
Trường Đời Trường Đời - Lê Văn Trương Trường Đời