Số lần đọc/download: 1211 / 3
Cập nhật: 0001-01-01 07:06:40 +0706
Chương 18. -
1
8.Bế Nông Lan dẫn đường sơn đạo,
Chàng Quốc Đức cố tránh bẫy tình
Khi hai anh em từ biệt La lão trượng thì trời đã sáng tỏ. Theo bản đồ, người ngựa phải qua một đường đá treo trên vách núi, khá nguy hiểm, nếu muốn rút ngắn thời gian. Còn đường dễ dàng, theo bờ sông, hành trình phải thêm một ngày. Vì đi hai người, Quốc Đức phải thảo luận với Nông Lan. Quốc Đức ngỏ ý muốn đi đường núi, dụng ý muốn Nông Lan ngã lòng, ở lại Đông Du. Chẳng ngờ Nông Lan lại đồng ý đi đường núi, nói thêm đường núi khó đến đâu, nàng cũng quen, và có kinh nghiệm. Mà Nông Lan cũng chẳng biết đi đâu, làm gì? Chỉ biết việc chính là đi theo Quốc Đức.
Còn Quốc Đức, định tâm khi xong việc, sẽ nói sự thật, nhưng thi hành án lệnh thì sẽ chỉ một mình chàng đảm nhiệm như đã quyết định ở Chiêu Vân Các.
Hết đường rừng, đến đường đá hẹp lên cao sườn núi, như treo vách đá, uốn khúc sang bên kia trái núi. Đường thiên tạo do sức đào bồi của tạo hóa. Dài hơn ba dặm. Khi đền đầu đường, Nông Lan xin đi trước.
Quốc Đức không chịu. Nàng giải thích: Núi này thuộc loại đá vôi nhiều nơi dễ vỡ lở; ngựa của Lan tuy nhỏ con nhưng khôn ngoan không kém bọn sơn dương, biết nơi đặt chân vững chãi, Lan đã qua đây một lần năm ngoái, nên tin ở kinh nghiệm của Lan.
Quả nhiên con sơn mã của Nông Lan thực khôn ngoan, đi trước, đặt chân đúng chổ, có nhiều nơi lấy chân đập thử, không thấy tiếng đá lở mới chịu đi. Thiết Túc theo sau, tỏ vẻ khôn ngoan theo vết chân bạn.
Chỉ khoảng ba dặm, mà hơn hai giờ mới ra khỏi nguy hiểm. Khi xuống tới thung lũng, Nông Lan ghìm cương nhường đường:
- Xin trả quyền chỉ huy cho anh,-
Mến vì sắc, kính vì nết, trọng vì tài, Quốc Đức xúc động chỉ muốn xuống ngựa, ôm cô em vào lòng, nhưng cố trấn áp mối tình đang nẩy nở. Cũng may, bận tâm về công việc sắp làm, chàng nhìn Nông Lan với khóe mắt trìu mến của một người anh trai:
- Cảm ơn em, anh đâu có quyền gì mà em nói trả lại. Cùng quãng đường đi chúng ta giúp nhau về kinh nghiệm. Vừa rồi đường núi treo vách đá, nếu không có em, chắc anh và Thiết Túc chôn thân chân núi rồi.-
Nông Lan:
- Em tin con sơn mã này. Trí nhớ của con vật thật lạ lùng lần trước cùng nó qua đường này, em có đánh dấu nơi đá dễ lở, lần này đi qua em thấy nó đập chân trước thử trước khi đi qua -
Quốc Đức và Nông Lan nghỉ chân, mang lương khô ra ăn, trong khi con sơn mã và Thiết Túc vui vẻ « thân mật » cạnh một bụi tre non
Nông Lan định hỏi chi tiết về Quế Anh Dương Châu, nhưng không dám. Nàng bùi ngùi nhìn hai con ngựa quyến luyến nhau bên bụi tre...Khi mặt trời gần đứng bóng, hai người tiếp tục hành trình. Quốc Đức chưa nghĩ ra kế nào vẹn toàn để chia tay với Nông Lan. Chàng có thể đóng vai tàn bạo, tàn bạo của giáo chức trung ương đối với một người « ngoại đạo », đuổi nàng đi, nhưng như đã nói, tàn bạo với nữ nhân không thuộc bản tính chàng trai. Vả lại, biết chắc nàng trở về sẽ gặp nhiều nguy hiểm. Cũng không thể biên thơ giao nàng cho Kiều Thành Vệ, bổn phận bảo toàn chi nhánh Song Lưu không cho phép chàng xao lãng việc đề phòng. Thêm vào ẩn ý muốn thu phục Nông Lan, nên diệu kế là cứ để nàng bên cạnh cho tới khi xong việc.
Đường tiếp không khó khăn, trong một thung lũng đất cát phì nhiêu, nhưng cây cỏ hoang dại, phong cảnh báo hiệu một vùng giáo chức cầm quyền, dân gian nô lệ,sáng chiều họp nhau đọc kinh sám hối, tội gì chằng biết, nghĩa là vùng phải cẩn mật đề phòng.
Vì hai người đi đường núi nên buổi chiều đã đến Lục Đầu, mà Quốc Đức theo bản đồ đã biết từ lâu không phải Lục Đầu Giang ở phía đông, nơi sáu nhành sông tụ một, mà chỉ là một thị trấn trùng tên. Phan Thanh Liễu lấy bí danh Dương Thúy Liễu, hiệu Lục Giang Nương, chỉ là một cách gây nhằm lẫn cho những người muốn tìm nàng.
Không rẽ vào thị trấn Lục Đầu này, Quốc Đức cùng Nông Lan giục ngựa thẳng tiến Tây Hà.
Quốc Đức:
- Nông Lan em, kể từ giờ này hãy tin anh, tin ở lòng minh chính của anh trong tất cả những việc anh sẽ làm, không bắt anh giải thích, đó là điều kiện chúng ta cùng nhau tiếp tục lộ trình. -
- Em hoàn toàn tin tưởng, hoàn toàn tin tưởng từ lúc anh có mặt ở Thiên Lương, anh không cần căn dặn em như vậy.- Nông Lan trả lời hơi trách móc.
Tây Hà chỉ là một bản lang lớn phụ thuộc Lục Đầu. Chánh giáo Tây Hà là một tay đắc lực của trung ương, một đạo viên quan trọng tình nguyện tổ chức một trại giáo huấn giam giữ hơn năm trăm người của cả vùng đưa đến. Vào Tây Hà tự xưng giáo chức trung ương chắc hẳn không qua mắt hắn, nên Quốc Đức quyết định đi thẳng đến nơi quản thúc ông bà Phan Trường Tuệ.
Từ Tây Hà đến nơi ấy cũng khoảng năm sáu dặm, đường đi khó khăn khăn, băng qua ba dòng suối, kiếm lối trong rừng lau, cho nên đến khi đến nơi thì trời đã tối hẳn.
Những khi phải dùng trí lực thì Quốc Đức và Nông Lan quả là ý hợp tâm đầu.
Không muốn bọn giáo cán ở gần nơi đây biết sự hiện diện của hai người, Quốc Đức và Nông Lan vỗ về ngựa, lặng lẽ tiến đến gần nhà Phan Trường Tuệ.
Đó là một nhà sàn nhỏ, lợp tranh. Thường thường thổ dân nuôi trâu bò ở dưới sàn nhà, nhưng Quốc Đức không thấy bóng dáng một súc vật nào, mà thang lên nhà đã rút lên rồi. Ánh đèn le lói nghèo nàn, không có khói xanh của bếp nước.
Quốc Đức giao ngựa cho Nông Lan, phi thân qua hàng rào xanh, nhẹ nhàng nhảy qua mấy luống rau, đu mình lên hàng hiên nhà sàn.
Qua cửa sổ hé mở, chỉ nhìn thấy ông bà Phan Trường Tuệ buồn rầu đối diện cạnh chiếc đèn dầu nhỏ. Không thấy ông bà nói năng, mà cũng không thấy bóng dáng Thanh Liễu. Thoáng giây suy nghĩ, nếu chàng đột nhập hay gỡ cửa giờ này, gây sợ hãi cho hai người, sợ hãi có thể đưa đến thất vọng khó lòng cứu chữa. Cái đe dọa của giáo chức từ bấy lâu đã làm hai người mất hết tinh thần. Quốc Đức trở ra, ghé tai Nông Lan nói qua tình hình, Nông lan hiểu ý, cùng Quốc Đức tiến đến sàn nhà. Nhẹ nhàng hai người đu mình lên hàng hiên. Nông Lan gõ cửa:
- Hai bác, cháu là bạn của Thanh Liễu đây, có việc cần trình hai bác-
Phan Trường Tuệ mở cửa.
- Đây là anh con, xin đến hầu chuyện hai bác.-
Quốc Đức nói muốn gặp Thanh Liễu có chuyện khẩn cấp quan trọng.
Bà Phan Trường Tuệ nhìn hai người, trai thì oai phong hiên ngang, gái thì nụ cười trong sáng hiền hoà, bà đến nắm tay Nông Lan, nước mắt chan hòa, mà Nông Lan chưa hiểu chuyện gì, cũng khôn cầm giọt lệ.
Bà nói:
- Hai cháu cứu con Thanh Liễu, hai bác không bao giò quên ơn. Nó về đây có hai ba giờ lại đi rồi. Giữ nó thì nó nói gần ngày sinh con, nó phải tìm nơi an toàn. Bọn giáo chức lùng bắt nó. Chính bọn ấy có đến đây hỏi cung hai vợ chồng tôi, nhưng lúc ấy chả biết nó ở đâu; Nó nói đã lấy chồng ở Kẻ Chợ, nhưng bị bọn giáo chức lừa gạt ám sát chồng nó và hai bạn chồng nó. Nó nhất định sinh con xong sẽ rửa thù chồng …
Hai cháu gặp nó, xin khuyên can nó …thôi đành số phận …làm sao mà trứng chọi đá?…-
Quốc Đức hỏi Thanh Liễu ở đâu, ông bà trước nói không biết, sau cùng ông Phan Trường Tuệ nhìn thẳng Quốc Đức:
- Thôi thì tôi tin cháu, giao phó tính mạng nó và đứa con trong bụng nó cho cháu.-
Quốc Đức ngắt lời:
- Cháu có nhiều điều chưa thể bộc lộ tâm can, nhưng trượng phu không thể phản bội lời hứa. Cháu hứa với hai bác không bao giờ phản bội lòng tin của hai bác -
Nói đến đây chợt nghe tiếng động ngoài hàng rào. Quốc Đức ra hiệu mọi người yên lặng, tắt đèn. Định thần nhận ra bọn tuần cảnh giáo đạo xách đèn lồng đi trên đường mòn. Khi qua cổng nhà sàn, họ dừng lại bàn tán hai ba phút rồi tiếp tục. Quốc Đức và Nông Lan sẵn sàng đối phó, nếu cần.
Bọn ấy đi khỏi, ông Trường Tuệ châm đèn, đưa cho Quốc Đức một bản đồ nhỏ chỉ đường đi đến hòn núi Thiên Kiều, nơi ẩn nấp của Thanh Liễu. Phía dưới bản đồ có ghi:« Số con thực không may, chẳng được ở nhà phụng dưỡng cha mẹ …bố me hãy tha tội cho con tự tiện lấy chồng nơi đất lạ …Sự thể như thế này rồi, nếu con mệnh hệ nào, xin bố mẹ theo bản đồ này, mang đứa cháu về nhà …-
Nét chũ chứng tỏ xúc động của người viết, muốn viết thêm nhưng tới đó thì ngừng. Coi bản đồ, nhận thấy đường cũng khá xa, ít ra hơn mười dặm, không thể đi đêm nay, mà có đi đêm nay chăng nữa thì lúc tới nơi không thể lượng đoán phản ứng của Thanh Liễu trong đêm khuya. Vì vậy, Quốc Đức xin tá túc đêm nay ở nhà ông bà Phan Trường Tuệ.
Biết là đến lúc phải nói sự thực với Nông Lan, chàng xin phép hai ông bà cùng Nông Lan xuống vườn. Sau khi kiẻm soát lại nơi giấu ngựa, hai người ngồi trên một hòn đá lớn bên bờ suối. Dưới ánh trăng mờ mới lên, dòng suối chảy mạnh, nhiều lúc nước bắn toé như có lân tinh. Yên lặng của núi cao, rừng thưa không gió.
Sau vài phút ngập ngừng, Quốc Đức nói:
- Nông Lan em, không phải anh không biết em « thương mến » anh, chính anh cũng không thể vô tình trước tài sắc của người em gái, nhưng chẳng may chúng ta gặp nhau quá muộn …Anh không thể phản bội người yêu đã thành vợ hiền đang chờ đợi ở nhà …Chúng ta đành từ nay kết nghĩa huynh muội …anh có nhiều bạn trai xứng đáng hơn anh, anh sẽ đích thân trông nom gây dựng được hạnh phúc cho em -
Quốc Đức nói một mạch, Nông Lan nín thinh không phản ứng.
Sau cùng, nói rõ không phải là giáo cán trung ương, mà chính chàng là đối lập của đạo Hắc Y, để thi hành mật vụ. Chàng kể qua nguyên nhân và mục đích của cuộc hành trình rồi kết luận:
- Em là người vùng Hắc y từ giờ này, em có thể xóa bỏ hết những hứa hẹn, những quyết định kết nghĩa huynh muội, tùy em. Mong rằng dù chính kiến xung khắc, chúng ta không quên những kỷ niệm của chúng ta trong mấy ngày qua -
Nông Lan như người bừng tỉnh:
- Anh nhầm rồi, em ở vùng Hắc Y nhưng em chẳng phải ở Đạo. Em yêu thương anh từ khi anh cứu giúp em và gia đình em, nhưng ân hận trong lòng, tiếc hận anh là trung ương giáo cán, nay anh nói rõ không phải ở đạo, em rất mừng. Thực ra, em cũng nghĩ có chuyện khác thường trong những hành động của anh. Em và các bạn em không cần biết nhiều hơn, mọi người đều cho anh đến Thiện Lương là cái may cho Thiện Lương. Em nguyện theo anh để hoàn thành công cuộc cải cách … mà anh đã đặt bước đầu ở Lam Hà và Thiện Lương-
Trở về nhà sàn, Nông Lan và Quốc Đức khuyên ông bà họ Phan nên xuống đồng bằng tái dựng cơ đồ. Quốc Đức thảo sẵn bức thơ giới thiệu với Song Lưu Thương Xã, hai ông bà mật sửa soạn chờ Nông Lan trở lại sẽ cùng nàng đến trạm liên lạc ở cửa Linh Nam. Bức thơ mật mã mà nàng sẽ trao cho Kiều Thành Vệ, toàn quyền Kiều đại hiệp quyết định để ba người tiếp tục đường xuôi, hay ngăn trở bằng mọi cách nếu họ có gì tỏ ra không trung thực.Thơ gùi Kiều Thành Vệ tuy vậy khi đọc lên chỉ là một thơ thông thường giới thiệu. Đó là biện pháp cuối cùng đề phòng sự nhầm tính trong việc này.
Sáng sau, từ biệt ông bà Phan, hai người đi đến núi Thiên Kiều, đường đi quả thực khó khăn. Phải hết sức cẩn thận theo sát bản đồ, vì có quãng cạm bẫy sa lầy như vùng Trần Bắc …Khi tới hòn Con Gấu ngang Thiên Kiều thì mặt trời đã ở đỉnh đầu. Giữa hai hòn núi có một thác lớn đổ nước ầm ầm xuống một dòng suối xói chảy mạnh đến nổi không thể ai lội qua. Muốn dùng ngựa đi qua phải xuống hạ lưu mười mấy dặm, có thể mất hơn một ngày đường. Gọi là Cầu Trời (Thiên Kiều) không quá đáng: hai ngọn núi cách xa nhau không mấy nhưng thác lũ không cho phép ai qua lại. Một chiếc cầu mây mong manh bắc ngang vừa bị ai cắt đứt, hai quãng cầu còn lơ lửng hai sườn núi. Tiến thoái lưỡng nan. Quốc Đức và Nông Lan nghiên cứu địa thế: bắt buộc phải để ngựa bên này rồi tìm cách sang ngang. Quốc Đức nhận thấy ngang mực thác, bên ngọn Thiên Kiều, sườn núi mọc ngang một cây tùng khá lớn. Tháo cuộn dây đeo bên mình ngựa, một thứ dây đặc biệt, sản phẩm của xưởng dệt Dương Châu, rất nhẹ và rất bền, chịu đựng sức nặng ba bốn trăm cân. Quốc Đức đang suy tính cách ném dây lên cành thì Nông Lan xin thử. Nàng xếp dây vòng tròn trên mặt đất; đầu dây ở trung tâm buộc một móc sắt nhỏ. Nàng lấy một sợi dây nhỏ, buộc móc sắt vào đầu mũi tên, bắn ngọn tên qua cành cây. Sơi dây xếp vòng tròn trôn ốc, không bị vướng mắc, tự do theo mũi tên lên cao. Khi ngọn tên qua cành cây, Nông Lan chặn chân lên quãng dây còn lại. Sợi dây căng thẳng, đầu dây có móc sắt quấn vào cành cây mấy vòng. Nông Lan thử kéo dây, quả nhiên, đầu dây có móc sắt đã cắm chặt vào thân cây.
Quốc Đức sửng sốt về cách giải quyết tài trí của Nông Lan. Chàng nghĩ lại khi chàng phá bài toán của lão bá Giang Thiên Cước để giải tỏa ngọn kiếm thần. Nếu Nông Lan có mặt hôm đó ở Ngọc Tuyền, chàng tin rằng nàng cũng tìm ra giải đáp như chàng.
Đến lúc quyết định chia tay, Quốc Đức cảm thấy luyến tiếc người đẹp.
- Nông Lan em, như em đã hứa, hai anh em từ biệt ở đây. Em có nhiệm vụ trở lại Tây Hà, hộ tống ông bà Phan Trường Tuệ đến cửa Linh Nam như đã quyết định!-
Nông Lan ngước mắt nhìn chàng đầy trách móc, nhưng đã trót hứa:
- Em xin tuân lệnh, và sẽ vẹn toàn nhiệm vụ, nhưng em muốn nhìn anh qua thác lũ vẹn toàn mới yên tâm trở lại Tây Hà -
Quốc Đức muốn đến cầm tay Nông Lan cám ơn, nhưng cố trần định nghĩ thầm; thay vì thoáng giây qua thác lớn, chàng sẽ viết trong hành trình ký:
Nhờ dây qua thác lớn,
Trọn đời tránh bẫy tình …!
Bệnh thích chơi chữ khó lòng chữa khỏi.
Chàng nắm đầu dây:- Hẹn em tái ngộ gần đây -
Dứt lời, dùng dây đu qua sườn núi Thiên Kiều, giơ tay từ biệt Nông Lan, trong khi người đẹp sơm lâm, buồn rầu lên ngựa trở về Tây Hà, Thiết Túc ngoan ngoãn theo sau.