Nguyên tác: Brave New World
Số lần đọc/download: 0 / 116
Cập nhật: 2023-07-16 17:10:04 +0700
Chương 18
“John!”
Từ buồng tắm vọng ra một âm thanh khó chịu và đặc trưng.
“Có chuyện gì không?” – Helmholtz gọi.
Không có trả lời. Âm thanh khó chịu lặp lại, hai lần; yên lặng. Rồi, với một tiếng cạch, cửa buồng tắm mở, người Hoang dã xuất hiện, hết sức xanh xao.
“Này” – Helmholtz lo lắng kêu lên – “trông cậu ốm quá, John!”
“Cậu có ăn thứ gì không hợp với cậu không?” – Bernard hỏi.
Người Hoang dã gật đầu, “Tôi đã ăn món văn minh”.
“Cái gì?”
“Nó đầu độc tôi; tôi bị uế tạp. Và sau đó” – anh hạ giọng nói thêm.
“Tôi đã ăn phải cái đồi bại của chính tôi.”
“Ừ, nhưng chính xác là cái gì?... Tôi muốn nói, đúng lúc này cậu...”
“Lúc này tôi đang được thanh lọc” – người Hoang dã nói – “Tôi đã uống một chút mù tạt và nước nóng”.
Hai người kia kinh ngạc nhìn anh chằm chằm. “Cậu muốn nói rằng cậu đã cố ý làm thế?” – Bernard hỏi.
“Đó là lý do những người da đỏ luôn luôn thanh lọc bản thân”. Anh ngồi xuống và, thở dài, đặt tay lên trán. “Tôi sẽ nghỉ ngơi ít phút” – anh nói – “Tôi hơi mệt”.
“À, tôi không ngạc nhiên” – Helmholtz nói. Sau một lát im lặng, “Chúng tôi đến để tạm biệt”, anh tiếp tục bằng một giọng khác. “Sáng mai chúng tôi lên đường.”
“Phải, sáng mai chúng tôi lên đường” – Bernard nói, trên mặt gã, người Hoang dã nhận ra một biểu hiện rõ ràng cam chịu. “Và nhân tiện, John” – gã tiếp tục, hơi cúi người về phía trước và đặt tay lên đầu gối người Hoang dã. “Tôi muốn xin lỗi về tất cả những chuyện xảy ra vào tối hôm qua”. Gã đỏ mặt. “Thật xấu hổ” – gã tiếp tục bằng một giọng ngập ngừng – “thật sự xấu hổ…”
Người Hoang dã ngắt lời gã, cầm tay gã, và bóp nhẹ một cách thương mến.
“Helmholtz đã cư xử tuyệt vời với tôi” – Bernard tiếp tục, sau một chút im lặng – “Nếu không vì anh ấy, tôi đã...”
“Thôi, thôi” – Helmholtz phản đối.
Một thoáng im lặng. Bất kể nỗi buồn của họ – thậm chí, chính vì nỗi buồn của họ; vì nỗi buồn của họ là biểu hiện của tình yêu của họ đối với nhau – ba người trai trẻ cảm thấy hạnh phúc.
“Sáng nay tôi đã đến gặp ngài Kiểm soát” – cuối cùng người Hoang dã nói.
“Để làm gì?”
“Để hỏi xem tôi có thể được ra đảo cùng với các anh không.”
“Và ông ta nói sao?” – Helmholtz sốt sắng hỏi.
Người Hoang dã lắc đầu. “Ông ấy không cho tôi đi.”
“Tại sao?”
“Ông ấy bảo ông ấy muốn tiếp tục thí nghiệm. Mẹ kiếp!” – người Hoang dã thêm, với cơn giận dữ đột ngột bùng ra – “Quỷ bắt tôi đi nếu tôi tiếp tục để cho ông ấy thí nghiệm trên người tôi. Không, với mọi nhà Kiểm soát thế giới. Ngày mai tôi cũng sẽ ra đi”.
“Nhưng đi đâu?” – những người kia đồng thanh hỏi.
Người Hoang dã nhún vai. “Bất cứ đâu. Tôi không quan tâm. Chừng nào tôi còn có thể ở một mình.”
Từ Guildford, con đường xuôi xuống qua thung lũng Wey đến Godalming, rồi, vượt qua Milford và Witley, tới Haslemere và qua Petersfield tới Portsmouth. Gần song song với nó, đường đi lên qua Worplesden, Tongham, Puttenham, Elstead và Grayshott. Giữa Hog’s Back (Lưng heo thiến) và Hindhead (Đầu hươu cái) có những điểm mà hai con đường cách nhau không quá sáu bảy kilômét. Khoảng cách quá nhỏ đối với những người lái máy bay bất cẩn – đặc biệt vào ban đêm, và khi họ đã chơi soma quá liều. Đã có những tai nạn xảy ra. Những tai nạn nghiêm trọng. Người ta đã quyết định dời dường lên chệch đi vài kilômét sang phía tây. Giữa Grayshott và Tongham, bốn đèn chỉ đường hàng không bị bỏ quên đánh dấu chặng đường từ Portsmouth cũ đến đường London. Những bầu trời trên đầu chúng im lặng và hoang vắng. Các trực thăng bây giờ chỉ không ngừng rầm rì và gầm rú bay qua trên Selborne, Bordon và Farnham.
Người Hoang dã đã chọn nơi ẩn cư cho mình tại một nhà đèn chỉ đường hàng không bị bỏ quên ấy trên một đỉnh đồi giữa Puttenham và Elstead. Căn nhà làm bằng bê tông cốt thép và còn trong tình trạng hoàn hảo – gần như quá tiện nghi theo suy nghĩ của khi anh đi xem xét nơi này lần đầu, gần như quá xa xỉ theo kiểu văn minh. Anh làm yên lương tâm bằng cách tự hứa sẽ tự đưa mình vào kỷ luật nghiêm khắc hơn để bù lại, tự thanh lọc hoàn chỉnh hơn và thấu đáo hơn. Đêm đầu tiên của anh ở nơi ẩn cư là một đêm cố ý không ngủ, anh thức suốt đêm quỳ cầu nguyện, khi thì cầu Thượng đế mà Claudius 1 tội lỗi đã xin tha tội, khi thì bằng tiếng Zuni cầu Awonawilona 2; khi thì cầu Jesus và Pookong 3, khi thì cầu con vật hộ mệnh của bản thân, con chim ưng. Lâu lâu anh lại dang thẳng hai cánh tay ra như hình thánh giá, và cứ giữ như thế trong nhiều phút, để cho cái đau tăng lên dần dần đến khi hai ánh tay run rẩy và vô cùng đau nhức; cứ giữ như thế, như thể tình nguyện chịu đóng đinh vào thập giá, trong khi lặp lại qua hai hàm răng nghiến chặt, mồ hôi chảy ròng ròng trên mặt anh, “Ôi, xin tha tội cho con! Ôi xin làm cho con trong sạch! Ôi xin giúp con trở nên tốt!” lặp đi lặp lại mãi đến lúc sắp ngất đi vì đau đớn.
Đến sáng, anh cảm thấy anh đã được quyền ở trong nhà đèn, dù các cửa sổ vẫn còn đủ kính, dù quang cảnh nhìn từ sân thượng ra vẫn rất đẹp. Với đúng cái lý do anh đã chọn cái nhà đèn này để ở ẩn, anh thấy mình phải đi chỗ khác ngay lập tức. Anh đã chọn sống ở đó vì quang cảnh quá đẹp, bởi vì, từ vị thế thuận lợi của anh, anh cảm thấy dường như mình đang từ hiện thân của một vị thần nhìn ra. Nhưng anh là ai mà lại được nuông chiều hằng ngày hằng giờ bằng những cảnh đẹp bao quanh như thế? Anh là ai mà đang sống trong sự hiện diện rõ ràng của Chúa? Nơi đáng cho anh sống phải là một chuồng lợn nhớp nhúa, một cái hố trong đất không có lối ra. Cứng đơ và vẫn còn đau nhức sau một đêm dài hành xác, nhưng chính vì cái lý do được bảo đảm bên trong đó, anh trèo lên sân thượng tòa tháp, nhìn ra cái thế giới bình minh rực rỡ đang lên, anh lấy lại quyền được cư trú. Ở hướng bắc, quang cảnh bị giới hạn bởi đỉnh núi bằng đá phấn Hog’s Back, từ đằng sau nó phía cực đông vươn lên những tháp của bảy tòa nhà chọc trời của Guildford. Nhìn thấy chúng, người Hoang dã nhăn mặt; nhưng với thời gian, anh đã trở nên hòa giải với chúng; vì ban đêm chúng nhấp nháy vui vẻ với giàn sao hình học, hoặc ngập lụt ánh sáng, chỉ những ngón tay rực sáng của chúng (bằng một động tác mà ngoài người Hoang dã ra không có ai ở nước Anh hiểu được ý nghĩa) một cách long trọng lên những bí mật khôn dò của bầu trời.
Trong thung lũng ngăn cách Hog’s Back với ngọn đồi cát trên đó có nhả đèn, Puttenham là một làng nhỏ khiêm tốn cao chín tầng, với những hầm ủ thức ăn gia súc, một trại gia cầm, một nhà máy vitamin-D nhỏ. Ở mặt kia của nhà đèn, về hướng nam, đất xuôi xuống theo những dốc dài mọc đầy cây thạch nam, xuống một chuỗi những hồ đầm.
Xa hơn, bên trên những cánh rừng ở giữa, vươn lên tòa tháp Elstead mười bốn tầng. Mờ mờ trong bầu không khí sương mù nước Anh, Hindhead và Selborne cuốn hút mắt ta vào một khoảng xa xanh lãng mạn. Nhưng không phải chỉ có khoảng cách ấy cuốn hút người Hoang dã vào ngôi nhà đèn của anh, cái gần cũng quyến rũ như cái xa. Cánh rừng với những dải thạch nam và kim tước vàng, những bụi linh sam Ecosse (Scotland), những cái đầm lấp lóa sáng với những cây dương trên bờ nhô ra mặt nước, những cây hoa huệ nước, những đám cây bấc, trông rất đẹp, và làm kinh ngạc con mắt đã quen với cảnh khô khan của sa mạc Mỹ. Và rồi sự cô đơn! Nhiều ngày trôi qua mà anh không trông thấy một bóng người. Nhà đèn này chỉ cách Tháp Charing-T nửa giờ bay; nhưng những ngọn đồi của Malpais không hoang vắng bằng bãi thạch nam Surrey này. Những đám đông hằng ngày rời khỏi London, rời khỏi nó chỉ để chơi Golf Điện từ hoặc quần vợt. Puttenham không có những liên kết, các mặt Riemann gần nhất thì ở Guildford. Hoa và phong cảnh là những cái duy nhất hấp dẫn ở đây. Và như vậy, vì không có lý do để đến nên không ai đến. Trong những ngày đầu tiên người Hoang dã sống một mình và không bị quấy rầy.
Về tiền, trong những ngày đầu mới đến, John đã nhận để chi tiêu cá nhân, hầu hết được tiêu cho trang thiết bị của anh. Trước khi rời London, anh đã mua bốn chiếc chăn len viscose, dây thừng và dây bện, đinh, keo dán, một ít dụng cụ, diêm, (mặc dù anh đã định đến thời gian thích hợp anh sẽ làm một chiếc khoan lửa) một số xoong chảo, hai chục gói hạt giống, mười kilôgram bột mì. “Không, không lấy tinh bột tổng hợp, bột mì thay thế bằng bông thải” – anh khăng khăng – “cho dù nó nhiều dinh dưỡng hơn”. Nhưng đến bích-qui và thịt giả bò tẩm vitamin thì anh không cưỡng nổi lời thuyết phục của chủ tiệm. Bây giờ ngồi nhìn những hộp thiếc ấy, anh cay đắng tự trách mình đã mềm lòng. Những thứ đồ văn minh ghê tởm đó! Anh đã quyết định sẽ không bao giờ ăn nó, cho dù có chết đói. “Điều đó sẽ dạy họ một bài học” – anh nghĩ một cách hằn học. Nó cũng đã dạy anh rồi.
Anh đếm tiền. Anh hy vọng chút ít tiền còn lại đủ để anh vượt qua được mùa đông. Đến mùa xuân, vườn của anh sẽ sản xuất đủ để anh độc lập với thế giới bên ngoài. Trong khi đó, sẽ luôn luôn có trò tiêu khiển. Anh đã thấy nhiều thỏ, và có nhiều loài chim nước trên đầm. Anh bắt tay vào làm ngay một cái cung và tên.
Gần nhà đèn có những cây tần bì, và để làm mũi tên, có cả một bãi nhỏ đầy những bụi cây phỉ thẳng và đẹp. Anh bắt đầu hạ một cây tần bì non, cắt ra một đoạn thân dài 6 foot không có cành, róc hết vỏ từng khoanh từng khoanh cạo trắng cây gỗ, như già Mitsima đã dạy anh, đến khi anh có một đoạn cây cao bằng người anh, cứng vững, ở đoạn giữa dày hơn, sắc nhọn ở hai đầu. Công việc này làm anh vô cùng thích thú. Sau nhiều tuần vô công rỗi nghề ở London; chẳng có việc gì làm, bất kỳ lúc nào anh muốn gì chỉ cần nhấn công tắc hoặc xoay một tay vặn; thì việc làm một cái gì đó đòi hỏi khéo léo và kiên nhẫn quả là một niềm vui sướng trong trẻo.
Anh gần chuốt xong cây gậy thành hình, thì giật mình nhận ra rằng anh đang ca hát. Giống như bỗng nhiên bất ngờ từ bên ngoài anh chộp được mình đang phạm lỗi. Anh đỏ mặt lên với ý nghĩ mình có lỗi. Dù sao, anh đến đây đâu phải để hát hò và vui thú. Anh đến đây để trốn khỏi bị nhiễm bẩn hơn nữa bởi đời sống văn minh tởm lợm đó; để được thanh lọc và trở thành tốt, để tích cực làm những gì bù lại. Anh hoảng hốt nhận ra rằng, bị hút hết tâm trí vào việc đẽo chiếc cung, anh đã quên mất những gì mà anh đã thề với bản thân rằng sẽ luôn nhớ, Linda tội nghiệp, sự đối xử không tốt đến chết người của anh đối với bà, lũ đồng sinh đáng tởm ấy, bâu lại như đám chấy rận quanh những bí mật của cái chết của bà, bằng sự có mặt của chúng đã nhục mạ không chỉ nỗi đau và niềm hối hận của anh, mà cả chính các vị thần. Anh đã thề rằng sẽ nhớ, anh đã không ngừng thề rằng sẽ làm bù lại. Và anh đây, ngồi vui vẻ với cây cung đang làm, hát, thật sự đang hát...
Anh vào trong nhà, mở hộp mù tạt, cho ít nước vào và nấu trên lửa.
Nửa giờ sau, ba Delta Trừ từ một trong những Nhóm Bokanovsky Puttenham tình cờ trên đường tới Elstead trên đỉnh một ngọn đồi kinh ngạc trông thấy một người trai trẻ đứng bên ngoài một cây đèn bỏ không, cởi trần và đang tự quật mình bằng cái roi làm bằng những sợi dây thừng có mấu. Lưng anh ngang dọc đầy vết đỏ bầm, và trên những lằn roi những giọt máu đang rỉ ra. Người tài xế chiếc xe tải tấp vào bên đường và cùng với hai bạn đường của mình, há hốc mồm nhìn trừng trừng vào cảnh lạ mắt. Một-hai-ba… họ đếm những nhát đánh. Sau nhát thứ tám, người trai trẻ tạm dừng tay tự trừng phạt để chạy tới bìa rừng và nôn thốc nôn tháo. Xong, anh ta lại cầm cái roi lên và bắt đầu lại tự quật mình. Chín, mười, mười một, mười hai...
“Ford!” (Trời!) – người lái xe kêu lên. Và những đồng sinh của họ có cùng ý kiến.
“Fordey!” (Trời ơi!) – họ nói.
Ba ngày sau, giống như đàn kền kền bu vào một xác chết, các nhà báo kéo đến.
Được phơi khô và làm cứng lại trên một ngọn lửa cháy lom rom đốt bằng củi tươi, chiếc cung đã hoàn thành. Người Hoang dã bận rộn với những mũi tên của mình. Ba mươi chiếc que bằng gỗ phỉ đã được vót và sấy khô, đầu đóng đinh nhọn, làm khấc cẩn thận. Một đêm anh đá bất ngờ đột nhập một trại gia cầm ở Puttenham, và nay đã đủ lông vũ để trang bị cho cả một kho vũ khí. Khi anh đang cột lông chim vào những mũi tên của mình thì nhà báo đầu tiên phát hiện ra anh. Rón rén trên đôi giày đệm hơi không phát ra tiếng động, người ấy đến sau lưng anh.
“Chào anh, người Hoang dã. Tôi là phái viên của Đài Phát thanh Hàng giờ” – anh ta nói.
Giật mình như bị rắn cắn, người Hoang dã nhảy bật lên, làm văng những mũi tên, lông chim, hộp keo và bàn chải tung tóe ra mọi hướng.
“Xin anh tha lỗi” – người phóng viên nói với giọng ăn năn thực sự. “Tôi không có ý định...” Anh ta đưa tay sờ lên mũ của mình – chiếc mũ chóp cao bằng nhôm trong đó anh ta đựng máy thu phát vô tuyến. “Xin lỗi anh tôi đã không bỏ mũ ra” – anh ta nói – “Nó hơi nặng. Vâng, như tôi nói, tôi là phái viên của Đài Phát thanh...”
“Anh muốn gì?” – người Hoang dã quắc mắt hỏi. Người phóng viên lấy lại nụ cười làm lành.
“Vâng, tất nhiên, thính giả của chúng tôi quan tâm sâu sắc...” Anh ta nghẹo đầu sang bên, nụ cười thành ra làm dáng. “Chỉ xin anh vài lời, người Hoang dã ạ”. Và nhanh chóng, với một loạt động tác nghi thức, anh ta mở hai cuộn dây đấu với ắc-quy di động đeo bên hông, cắm nó đồng thời vào hai bên của chiếc mũ nhôm của anh ta; sờ vào một lò xo trên đỉnh, và cần ăng-ten bật lên; sờ vào một lò xo khác trên vành mũ, và, giống như một hộp hình nộm đồ chơi trẻ con, khi bật nắp thì hình nộm có lò xo bật ra, một chiếc micro đã treo ở đó, rung rung, cách mũi anh ta sáu inch 4; kéo một cặp tai nghe chụp xuống tai, ấn một công tắc bên trái mũ, và từ bên trong bật ra tiếng rè rè gắt gỏng yếu ớt, xoay một cái nút bên phải, tiếng rè rè bị cắt ngang bởi một giọng khò khè lục cục như qua ống nghe của bác sĩ, bởi những tiếng nấc và những tiếng gắt gỏng đột ngột. “A-lô” – anh ta nói vào micro – “A-lô, a-lô...” Một tiếng chuông bỗng vang lên bên trong mũ của anh ta. “Anh đấy à, Edzel? Primo Mellon đây, vâng, tôi sẽ giữ anh ta, Mr. người Hoang dã sẽ cầm micro và nói vài lời. Đúng không, Mr. người Hoang dã?”. Anh ta nhìn lên người Hoang dã với một trong những kiểu cười quyến rũ của anh ta. “Chỉ cần nói với thính giả của chúng tôi tại sao anh đến đây. Điều gì khiến anh rời bỏ London, (nghe nhé, Edzel!) đột ngột như thế. Và tất nhiên cả trận roi ấy.” (Người Hoang dã giật mình. Sao họ biết về trận roi?) “Tất cả chúng tôi điên lên vì trận roi ấy. Và sau đó nói điều gì đó về nền văn minh. Anh biết về những thứ ấy mà. Tôi nghĩ gì về Cô gái Văn minh. Chỉ vài lời thôi, rất ít...”
Người Hoang dã làm theo đúng nghĩa đen. Anh thốt ra năm từ và không hơn, năm từ, đúng những từ anh nói với Bernard về Ca sĩ Cộng đồng Thượng thặng Canterbury. “Háni! Sons éso tse-ná!” Rồi tóm lấy vai tay phóng viên, xoay lưng anh ta lại, (cái mông anh chàng này nhô ra thật hấp dẫn) nhằm và, với sức mạnh và sự chính xác của một tay quán quân môn bóng chân-và-miệng, cho anh ta một cú đá khủng khiếp.
Tám phút sau, một bản tin của Đài Phát thanh Hàng giờ có bán trên các đường phố London.
“PHÓNG VIÊN ĐẰI PHÁT THANH HÀNG GIỜ ĐÃ BỊ NGƯỜI HOANG DÃ KỲ BÍ ĐÁ VÀO MÔNG”, những hàng tít chạy trên trang nhất, “XÔN XAO TRÊN CÁC CHUYẾN XE NGỰA”.
“Cả London cũng xôn xao ấy chứ” – người phóng viên nghĩ khi đến lượt anh cũng đọc những chữ này. Và hơn nữa, là một cảm giác đau đớn. Anh rón rén ngồi vào ăn bữa trưa.
Không ngán trước những vết thâm tím như lời cảnh cáo trên mông người đồng nghiệp, bốn phóng viên khác, phái viên của các báo Thời báo New York (The New York Times), Không thời gian bốn chiều Frankfurt (The Four – Dimensional Continuum), Người Giám sát Khoa học Đạo Ford (The Fordian Science Monitor), và Tấm gương Delta (The Delta Mirror) ngay chiều hôm đó đến nhà đèn và gặp sự đón tiếp càng lúc càng bạo lực hơn.
Từ một khoảng cách an toàn, và tay vẫn còn xoa mông, gã phóng viên tờ Người Giám sát Khoa học Đạo Ford quát lên: “Thằng ngu! Sao mày không lấy soma?”.
“Cút ngay!” Người Hoang dã vung nắm đấm.
Một người khác lùi lại vài bước rồi quay vòng trở lại. “Chỉ cần anh uống vài gram là Cái Ác sẽ trở nên siêu thực.”
“Kohakwa iyathtokyai!” – giọng nói chế giễu đe dọa.
“Cái đau chỉ là ảo giác.”
“Ồ, thế hả?” – người Hoang dã nói và nhặt một cành gỗ phỉ đánh tới.
Người phóng viên tờ Người Giám sát Khoa học Đạo Ford lao đầu chạy lên trực thăng của mình.
Sau đó người Hoang dã được để cho yên một thời gian. Mấy chiếc trực thăng bay đến và bồn chồn bay lượn xung quanh tòa tháp. Anh bắn một mũi tên lên một chiếc bất hạnh bay gần nhất. Nó xé toạc cái sàn bằng nhôm của cabin, một tiếng thét thất thanh, rồi chiếc máy bay bay vọt thẳng lên với toàn bộ gia tốc mà chiếc tuốc-bô siêu tăng áp có thể tạo ra cho nó. Sau lúc đó, những người khác kính cẩn giữ khoảng cách của họ. Phớt lờ tiếng kêu mệt nhọc của họ (anh tự cho anh giống như hình ảnh tưởng tượng về một người cầu hôn của Trinh nữ Matsaki, bất động và trơ lì giữa lũ sâu có cánh), người Hoang dã lặng lẽ đào đất trong chỗ sẽ là khu vườn của anh. Sau một hồi lâu, bầy sâu kia rõ ràng đã chán nản và bay đi; trong nhiều giờ một mảng trời trên đầu anh trống rỗng, và yên tĩnh, nhưng là đối với lũ chim chiền chiện.
Trời nóng không thở được, có tiếng sấm trên không trung. Anh đã đào suốt buổi sáng và đang nghỉ, nằm duỗi dài trên sàn nhà. Bỗng nhiên một ý nghĩ về Lenina đột ngột hiển hiện, khỏa thân và rõ ràng xác thực, chân đi giày và tất, người tỏa hương thơm phức, nói “anh yêu!” và “quàng tay ôm em đi!”. Đồ gái điếm trơ trẽn! Nhưng chao ôi, chao ôi, những cánh tay nàng ôm cổ anh, đôi vú nàng cong lên, cái miệng của nàng! Vĩnh cửu đọng trong những đôi môi đôi mắt chúng mình. 5 Lenina... Không, không, không, không! Anh đứng bật dậy, vẫn cởi trần, chạy ra khỏi nhà. Ở rìa bãi thạch nam, có một lùm cây có lông tơ trắng. Anh nhào người vào, anh ôm ghì, không phải một mớ mềm mại những khao khát của anh, mà một ôm đầy những cành gai xanh.
Với ngàn mũi kim sắc nhọn, chúng châm anh đau nhói. Anh cố nghĩ về Linda tội nghiệp, nghẹt thở và câm nín, với hai bàn tay nắm chặt và nỗi kinh hoàng không thốt nên lời trong mắt bà. Linda tội nghiệp mà anh đã thề sẽ nhớ. Nhưng vẫn chỉ có sự hiện diện của Lenina là ám anh. Lenina mà anh đã thề sẽ quên. Thậm chí qua sự đâm, chích của những mũi kim của các cây gai, da thịt co rúm lại của anh nhận ra nàng là thật, không thể trốn đâu cho thoát. “Anh yêu, anh yêu... và nếu anh cũng muốn em, sao anh không…”
Cái roi treo trên một cái đinh bên cửa, sẵn sàng quất những phóng viên kéo đến. Trong cơn điên cuồng, người Hoang dã giật nó xuống, vung xoay tít. Những sợi dây có mấu quất vào da thịt anh.
“Con đĩ! con đĩ!” Mỗi nhát quất anh lại gào lên như thể chính là Lenina (và điên rồ làm sao, dù anh không biết điều này, anh mong chính là nàng) chính Lenina trắng trẻo, nồng nhiệt, thơm tho, ô nhục mà anh đang lẵng nhẵng theo đuổi. “Con đĩ!” Rồi sau đó, bằng giọng tuyệt vọng: “Ôi, Lenina, tha lỗi cho anh, tha lỗi cho anh, Trời ơi! Anh tồi tệ. Anh hư hỏng. Không, không, em là con đĩ, em là con đĩ!”
Cách nơi ẩn náu được xây dựng cẩn thận trong rừng của anh ba trăm mét, Darwin Bonaparte, chuyên gia nhiếp ảnh trò chơi lớn của Tập đoàn Fili đã nhìn thấy tất cả mọi chuyện xảy ra. Kiên nhẫn và khéo léo đã được ban thưởng. Anh ta ngồi ba ngày liền trong một thân cây sồi nhân tạo, ba đêm bò qua bãi thạch nam, giấu micro trong những bụi cây kim tước, chôn dây điện dưới lớp cát xám mềm. Bảy mươi hai giờ cực kỳ khó chịu. Nhưng bây giờ thời khắc tuyệt vời đã đến – tuyệt vời nhất, Darwin Bonaparte có thời gian để ngẫm nghĩ, khi anh di chuyển giữa các dụng cụ của mình, tuyệt vời nhất từ khi anh thu được cuộc tình ngoạn mục đầy những tiếng hú thảm thiết của đám cưới gorillas nổi tiếng. “Tuyệt”, anh tự nhủ, khi người Hoang dã bắt đầu cuộc trình diễn đáng kinh ngạc của mình. “Tuyệt”, anh giữ những camera tầm xa nhắm-dán vào mục tiêu di động của chúng; bật nấc pin cao hơn, để nhận được một cận cảnh của khuôn mặt điên cuồng méo mó, “tuyệt vời!”, sau nửa phút chuyển qua tốc độ chậm hơn (một tác động hài sắc sảo, anh tự hứa) trong khi đó, lắng nghe những tiếng roi quất, những tiếng rên rỉ, những lời man dại và gầm rú đang được ghi lên rãnh bên rìa cuộn phim; thử hiệu quả hơi khuếch đại (ờ, chắc chắn là tốt hơn); thích thú nghe, trong lúc tạm lắng, tiếng hót lảnh lói của một con chiền chiện; cầu mong người Hoang dã quay lại để anh lấy được một cận cảnh rõ những vết máu trên lưng – thì hầu như ngay lập tức (may mắn lạ lùng) anh chàng dễ tính kia bỗng quay lưng lại, và anh đã lấy được một cận cảnh hoàn hảo.
“Chà, cừ thật đấy!”, anh ta tự nhủ khi mọi việc đã xong. “Thật sự tuyệt!”, anh ta lau mặt. Khi ta đã đưa những hiệu ứng Fili vào xưởng, sẽ là một phim xuất sắc. Gần hay bằng phim Tình Yêu – Đời sống Cá Nhà Táng – và cái đó, nhờ Ford, nói lên rất nhiều!
Mười hai ngày sau đó, Người Hoang dã ở Surrey đã được phát hành và có thể xem, nghe và cảm trong mọi lâu đài Fili ở Tây Âu.
Tác động của cuốn phim của Darwin Bonaparte là tức khắc và to lớn. Vào buổi chiều sau cái đêm phát hành, sự cô độc chất phác của John bỗng bị phá vỡ bởi hàng đàn trực thăng bay đến trên đầu.
Anh đang đào vườn – đào cả trong tâm trí, cần mẫn xới lên thực chất suy nghĩ của anh. Cái chết – và anh dồn lên chiếc mai, một lần, lần nữa, lại lần nữa. Và tất cả những ngày hôm qua của chúng ta đã chiếu sáng cho những kẻ khờ dại con đường dẫn đến cái chết nhạt nhẽo vô vị. 6 Một tiếng sấm thuyết phục gầm lên qua những lời lẽ này. Anh nâng lên một mai đất đầy nữa. Tại sao Linda chết? Tại sao bà ấy chịu dần dần trở nên thấp kém hơn con người và cuối cùng... Anh nhún vai. Ôm hôn một xác chết thối rữa 7. Anh dận mạnh chân lên chiếc mai và ấn nó dữ dội vào đất rắn. Chúng ta trước các vị thần giống như những con chuồn chuồn trước những đứa trẻ tinh quái; các ngài giết chúng ta để đùa chơi. Sấm lại vang lên; những lời lẽ tự tuyên bố chúng là đúng – cách nào đó đúng hơn bản thân chân lý. Và chính Gloucester đã gọi chúng là những vị thần muôn đời hiền dịu 8. Ngoài ra, sự nghỉ ngơi tốt nhất của ngươi là giấc ngủ, mà ngươi thường khuấy động, còn sợ hãi khủng khiếp cái chết của ngươi, không hơn. 9 Không hơn giấc ngủ. Ngủ. Thỉnh thoảng có mơ. Chiếc mai của anh đụng phải một tảng đá. Anh cúi xuống móc tảng đá lên. Vì trong giấc ngủ của cái chết, còn mơ gì nữa? 10...
Tiếng vù vù trên đầu đã trở thành tiếng gầm; và bỗng nhiên anh thấy mình đang ở dưới bóng rợp, có cái gì giữa mặt trời và anh. Anh nhìn lên, rùng mình, từ việc đào của anh, từ những ý nghĩ của anh; nhìn lên trong sự bối rối lóa mắt, trí óc anh vẫn còn đang lang thang trong cái thế giới khác, thật-hơn-sự thật ấy, vẫn còn tập trung vào cái mênh mông vô hạn của sự chết và các vị thần; nhìn lên và thấy, gần trên đầu anh, cả bầy máy bay đang bay lượn. Chúng đến giống như đàn châu chấu, lơ lửng cân bằng, rồi tất cả hạ xuống quanh anh trên bãi thạch nam. Và từ những cái bụng của những con châu chấu khổng lồ bước ra những người đàn ông trong những bộ đồ bằng viscose-flannel trắng, những người đàn bà (vì trời nóng) trong những bộ pyjama bằng lụa shantung-acetate hoặc một bộ gồm quần soóc nhung và những áo lót không tay, kéo khóa lưng chừng. Trong vài phút có hàng chục người, đứng thành vòng tròn rộng quanh nhà đèn, nhìn trừng trừng, cười, bấm máy ảnh, ném hạt dẻ (như cho khỉ) ném những gói kẹo cao su hormone sinh dục, một chút bơ pan-glandular.
Và – vì khắp Hog’s Back lúc này, luồng lưu thông không ngừng nghỉ – số lượng chúng tăng lên từng khoảnh khắc. Như trong cơn ác mộng, một chục trở thành hai chục, hai chục trở thành hàng trăm.
Người Hoang dã rút lui về nơi ẩn náu, và bây giờ, trong tư thế một con vật bị dồn vào đường cùng, đứng quay lưng vào tường của nhà đèn, trừng trừng nhìn từ khuôn mặt này sang khuôn mặt khác trong nỗi hoảng sợ không nói nên lời, giống như một người mất trí.
Đang trong trạng thái sững sờ này, một miếng kẹo cao su ném trúng má anh đã đánh thức ở anh một cảm giác trực tiếp hơn với thực tại. Một cơn choáng do hốt hoảng, rồi anh tỉnh hơn, tỉnh hơn và giận dữ điên cuồng.
“Cút ngay!” – anh quát.
Chú khỉ đã mở miệng, bùng ra một trận cười và vỗ tay. “Anh bạn Hoang dã thân mến! Hoan hô! hoan hô!” Và qua mớ hỗn độn những giọng nói, anh nghe những tiếng kêu: “Roi, roi, cái roi!”.
Hành động theo lời gợi ý, anh lấy bó dây có mấu từ chiếc đinh sau canh cửa và khua nó trước những kẻ hành hạ anh.
Hàng người xô đẩy nhấp nhô tại điểm đe dọa trực tiếp nhất, rồi được củng cố trở lại và đứng vững. Ý thức về sức mạnh áp đảo của mình tiếp cho những người tham quan thêm một can đảm mà người Hoang dã thấy bất ngờ ở họ. Anh bước lùi, dừng lại và nhìn quanh.
“Tại sao các người không để tôi yên?” Có một vẻ gần như buồn bã trong sự giận dữ của anh.
“Dùng chút quả hạnh ngâm muối ma-giê nào!” – một người đàn ông nói, anh ta là người sẽ bị tấn công đầu tiên nếu người Hoang dã bước lên. Anh ta giơ ra một gói. “Ngon thật sự đấy, anh biết không” – anh ta nói thêm với nụ cười làm lành hơi bối rối – “và muối ma-giê sẽ giúp anh trẻ mãi”.
Người Hoang dã phớt lờ lời mời mọc của anh ta. “Các anh muốn gì ở tôi?” – anh hỏi, quay từ khuôn mặt nhăn nhở này sang khuôn mặt toe toét khác. “Các anh muốn gì ở tôi?”
“Cái roi” – một trăm giọng nói trả lời ngượng ngùng – “Biểu diễn trận roi đi. Cho chúng tôi xem cuộc biểu diễn bằng roi”.
Rồi, đồng thanh theo một nhịp chậm và trầm: “Chúng-tôi-muốn-xem-roi” – một nhóm đứng ở cuối hàng la lên – “Chúng-tôi-muốn-xem-roi”.
Những người khác lập tức kêu tiếp, và câu ấy được nhắc lại như con vẹt, nhiều lần, với âm lượng càng lúc càng lớn, cứ thế lặp lại đến bảy tám lần, không có lời nào khác. “Chúng-tôi-muốn-xem-roi.”
Tất cả bọn họ cùng kêu lên một lúc, và, say sưa với tiếng ồn đó, sự nhất trí đó, cái cảm giác chuộc lỗi nhịp nhàng đó, dường như họ có thể tiếp tục như thế nhiều giờ – hầu như không biết đến bao giờ. Nhưng vào khoảng lặp lại lần thứ hai mươi lăm cái nghi thức ấy bỗng gián đoạn đột ngột. Thêm một trực thăng nữa bay đến, từ bên kia Hog’s Back, lơ lửng giữ thăng bằng trên đầu đám đông, rồi hạ xuống cách chỗ người Hoang dã đang đứng vài yard, trong khoảng trống giữa hàng người hiếu kỳ và nhà đèn. Tiếng rít của cánh quạt nhận chìm tiếng la hét trong chốc lát, rồi, khi máy bay tiếp đất và tắt động cơ, “Chúng-tôi-muốn-xem-roi”, “Chúng-tôi-muốn-xem-roi” lại bùng ra vẫn với sự đơn điệu to giọng và dai dẳng ấy.
Cửa trực thăng mở, một thanh niên có khuôn mặt đẹp hồng hào bước ra, rồi đến một phụ nữ trẻ bận quần soóc nhung xanh, sơ mi trắng, và đội mũ đua ngựa.
Vừa trông thấy cô gái, người Hoang dã giật mình lùi lại, người tái xanh.
Cô gái đứng mỉm cười với anh – một nụ cười mơ hồ, cầu khẩn, gần như quỵ lụy. Nhiều giây trôi qua. Môi cô mấp máy, hình như cô nói điều gì; nhưng âm thanh giọng nói của cô bị điệp khúc lặp lại của những người đứng xem che lấp.
“Chúng-tôi-muốn-xem-roi!”, “Chúng-tôi-muốn-xem-roi!”.
Người phụ nữ trẻ chống cả hai tay vào bên sườn trái của cô, và trên khuôn mặt sáng sủa xinh tươi đẹp như búp bê của cô xuất hiện một vẻ buồn đau đáng thương lạc lõng một cách kỳ lạ. Đôi mắt xanh của cô mở to, sáng lóe lên, rồi bỗng hai hàng nước mắt chảy xuống má. Cô lại nói, giọng nhỏ quá nghe không rõ, rồi, với một động tác nhanh và xúc động, nàng giơ tay về phía người Hoang dã, bước tới.
“Chúng-tôi-muốn-xem-roi!”, “Chúng-tôi-muốn...”
Và hoàn toàn đột ngột, họ có cái mà họ muốn.
“Con đĩ!” – người Hoang dã lao tới nàng như một người điên. “Con chồn cái!” – như một người điên, anh quất nàng dữ dội bằng chiếc roi có mấu của mình.
Kinh hoảng, cô quay đầu chạy trốn, bị vấp và ngã lăn xuống bãi hoang. “Henry, Henry!” – cô kêu lên. Nhưng người bạn khuôn mặt hồng hào của cô đã chạy trốn ra đằng sau trực thăng tránh nạn.
Với một tiếng reo vui kích động, hàng người tan rã; một cuộc chạy tán loạn hội tụ về phía tâm sức hút nam châm đó. Cái đau là một nỗi khủng khiếp mê hoặc.
“Chiên, đồ dâm đãng, chiên lên!” 11 – người Hoang dã lại quất điên cuồng.
Thèm thuồng, họ bâu lại xung quanh, chen lấn xô đẩy, như đàn lợn trước máng ăn.
“Chao ôi là xác thịt” – người Hoang dã nghiến răng. Lần này chiếc roi quật xuống chính vai anh. “Giết nó đi! giết nó đi!”
Bị lôi cuốn bởi sự mê hoặc của nỗi khủng khiếp của cái đau, từ bên trong, được thôi thúc bởi thói quen hợp tác, cái mong muốn nhất trí và chuộc lỗi ấy, mà sự đào luyện đã cấy vào trong họ không xóa đi được, họ bắt đầu bắt chước những động tác điên cuồng của anh, ngay lập tức quất vào nhau túi bụi như người Hoang dã đang quất cái thân xác bất trị của anh ta, hoặc cái hiện thân tròn trịa của sự ti tiện đang quằn quại trong bãi trống.
“Giết nó đi! Giết nó đi! Giết nó đi!” – người Hoang dã tiếp tục gào lên.
Rồi bỗng nhiên một ai đó bắt đầu hát “Orgy-porgy” và, một lúc sau tất cả bọn họ bắt vào điệp khúc, và trong khi hát, họ bắt đầu nhảy múa. Orgy-porgy, quay vòng quay vòng quay vòng, quất nhau đến sáu-tám lần. Orgy-porgy...
Phải đến sau nửa đêm, chiếc trực thăng cuối cùng mới bay đi. U mê bởi soma, và kiệt sức vì cuộc mê cuồng nhục dục kéo dài, người Hoang dã nằm ngủ ngay trong bãi thạch nam. Khi anh tỉnh dậy thì mặt trời đã lên cao. Anh nằm rốn thêm một lúc, chớp mắt một cách cau có khó hiểu vì ánh sáng; rồi bỗng nhiên nhớ ra mọi việc.
“Ôi, trời ơi, trời ơi!” – anh lấy tay bịt mắt.
Tối hôm đó đám trực thăng đến vo ve trên bầu trời Hog’s Back tạo thành một đám mây đen kéo dài mười kilômét. Cuộc vui thác loạn để chuộc lỗi đêm ấy đã được tường thuật trên tất cả các báo.
“Người Hoang dã!” – những người đến đầu tiên gọi khi họ bước xuống khỏi trực thăng – “Mr. Người Hoang dã!”
Không có trả lời.
Cửa căn nhà đèn mở hé. Họ đẩy nó mở to ra và bước vào trong ánh sáng lờ mờ của cửa chớp. Qua một cửa tò vò ở phía bên kia căn phòng, họ thấy đoạn cuối của cầu thang dẫn lên các tầng trên. Ngay dưới vòm hiện ra lủng lẳng một đôi chân.
“Mr. Người Hoang dã!”
Chậm, rất chậm, giống như những chiếc kim la bàn không vội vã, đôi chân quay sang bên phải; Bắc, Đông-Bắc, Đông, Đông-Nam, Nam, Nam-Tây-Nam; rồi tạm ngưng, và sau vài giây, quay thong thả như vậy về bên trái. Nam-Tây-Nam, Nam, Đông-Nam, Đông...
--------------------------------
1 William Shakespeare, Hamlet. (ND)
2 Xem chú thích trang 169. (ND)
3 Xem chú thích trang 170. (ND)
4 1 inch = 0,0254 mét. (BT)
5 William Shakespeare, Antony và Cleopatra. (ND)
6 William Shakespeare, Macbeth. (ND)
7 William Shakespeare, Hamlet. (ND)
8 William Shakespeare, Vua Lear. (ND)
9 William Shakespeare, Measure for Measure. (ND)
10 William Shakespeare, Hamlet. (ND)
11 William Shakespeare, Troilus và Cressida. (ND)