Nguyên tác: The Power Of Your Subconscious Mind
Số lần đọc/download: 20189 / 1442
Cập nhật: 2016-06-17 12:52:13 +0700
Chương 17: Vận Dụng Tiềm Thức Để Tha Thứ
Ý nghĩa đích thực của sự tha thứ là tha thứ cho chính bạn. Tha thứ là hợp nhất tư tưởng của bạn với quy luật hòa hợp thiêng liêng. Sự tự lên án được gọi là địa ngục (sự câu thúc và hạn chế); sự tha thứ được gọi là thiên đường (sự hòa hợp và thanh thản).
Trong bạn luôn có một nguồn sống vô hạn chảy qua, ngay lúc này, khi bạn đang đọc và suy nghĩ những lời này. Đây còn được gọi là khuynh hướng của sự sống.
Nếu bạn dựng lên trong tâm thức một rào cản đối với dòng sự sống chảy qua bạn, sự tắc nghẽn cảm xúc này sẽ nút nghẹt tiềm thức bạn và gây ra đủ mọi loại hoàn cảnh tiêu cực. Trật tự tự nhiên của cuộc sống không có liên can gì đến những hoàn cảnh bất hạnh hoặc hỗn loạn trên thế giới. Tất cả những hoàn cảnh đó gây ra bởi nhưng tư tưởng tiêu cực và tàn phá của chính chúng ta. Vì vậy, quả là một sai lầm nghiêm trọng khi chúng ta cứ trách cứ hay đổ lỗi cho cuộc sống vì những vấn đề hoặc bệnh tật của mình.
Nhiều người có thói quen dựng lên những rào cản tinh thần đối với dòng sự sống bằng việc kết án và trách cứ cuộc sống vì tội lỗi, bệnh tật và đau khổ mà họ đang gánh chịu. Họ còn oán giận cuộc sống vì những nỗi đau đớn, nhức nhối, mất mát người yêu, những bi kịch cá nhân và những tai nạn của họ. Họ oán giận cuộc sống, và họ tin rằng cuộc sống này phải chịu trách nhiệm cho sự khốn khổ của họ.
Chừng nào con người còn quan niệm tiêu cực như vậy thì chừng ấy họ vẫn phải nếm trải những phản ứng tiêu cực từ tiềm thức của mình. Họ sẽ không biết được rằng chính họ đang tự trừng phạt mình. Họ phải thấy ra sự thật, tìm sự giải phóng, và từ bỏ tất cả những sự kết tội, oán giận và bực tức đối với bất cứ ai hoặc bất cứ quyền năng bên ngoài họ. Bằng không, họ không thể tiến tới trong hạnh phúc, khỏe mạnh hay hoạt động sáng tạo.
Xua đuổi tội lỗi
Ngày nào Harriet G. cũng ở lại văn phòng làm việc đến khuya. Cô cứ làm việc như vậy, những mong cấp trên và đồng nghiệp công nhận và khen ngợi mình làm việc chăm chỉ. Nhưng chẳng có lời khen nào cả. Thậm chí cấp trên còn không hề hay biết là cô đã ở lại làm việc khuya như thế nào. Trong khi đó, đời sống gia đình cô gặp vấn đề nghiêm trọng. Chồng và hai con trai cô hiếm khi được ngồi dùng chung bữa cơm tối với cô. Khi đội bóng Little League của con trai út cô thi đấu trận chung kết, Harriet không những không đến xem con thi đấu mà còn quên hỏi xem đội nào đã thắng. Tình hình càng trở nên tồi tệ khi bác sĩ của Harriet cảnh báo rằng cô đang bị chứng cao huyết áp rất nguy hiểm.
Sau khi chồng cô muốn ly thân với cô, Harriet đã đến nói chuyện với tôi. Tôi hỏi cô vì lý do gì mà cô lại gạt chồng con ra khỏi cuộc đời mình, ít quan tâm đến họ đến nỗi mọi chuyện lại xảy ra tồi tệ như vậy. Thoạt đầu cô một mực nói rằng cô phải làm việc vất vả như vậy chỉ để hoàn thành nhiệm vụ của mình. Tôi hỏi liệu các đồng nghiệp của cô có dành nhiều thời gian như vậy hay không. Cô thú nhận là không, những người khác trong công ty cô làm việc theo giờ giấc khá bình thường, và họ cũng vẫn làm việc giỏi giang như cô vậy.
Tôi đã nói cho cô biết nguyên nhân khiến cô làm việc cực nhọc và khốn đốn đến vậy: “Có một cái gì đó đang gặm nhấm cô từ bên trong. Nếu không phải vậy, cô sẽ không hành động theo cách này. Cô đang tự trừng phạt bản thân vì một cái gì đó.”
Ngay khi vừa nghe tôi nói, cô tỏ ra chống lại ý kiến này. Cô vẫn khăng khăng nói rằng thói quen làm việc của cô là bình thường, rằng chỉ do những người khác lười biếng thôi. Tuy nhiên, sau cùng cô đã thú nhận cô mang một mặc cảm tội lỗi sâu xa. Mười lăm năm trước, sau khi cha cô mất, cô đã cố tình ém nhẹm không chuyển một số tiền lớn cho em trai cô.
- Vì sao cô lại làm thế? – Tôi hỏi. – Có phải do lòng tham không?
- Tất nhiên là không! – Cô đáp. – Em trai tôi… vâng, nó nghiện ma túy nặng lắm. Chính vì vậy tôi biết mình không nên giao số tiền đó cho nó. Tôi tự nhủ là tôi đang giữ giùm nó cho đến khi nó vượt qua khó khăn này.
- Và…? – Tôi dò hỏi.
Harriet bật tiếng thở dài:
- Điều đó không bao giờ xảy ra. Nó đã tự giết mình. Có lẽ nó không cố ý làm điều đó, nhưng có gì khác đâu. Nó chỉ mới hai mươi sáu tuổi. Tôi vẫn luôn nghĩ… chuyện gì xảy ra nếu tôi không giữ lại tiền? Có thể nó sẽ dùng tiền đó để tham gia vào một loại chương trình trị liệu phục hồi nào đó. Nó có thể vẫn còn sống với chúng tôi. Lỗi tại tôi mà nó chết.
Tôi hỏi cô ấy:
- Nếu được làm lại một lần nữa, cô sẽ làm thế nào?
- Tôi không biết. – Cô lắc đầu nói. – Nhưng tôi biết tôi sẽ gắng sức hơn để giúp em trai tôi, thay vì cảm thấy thất vọng vì nó nghiện ngập.
- Nhưng lúc đó, cô có cảm thấy mình đang làm đúng không? – Tôi hỏi. – Lúc đó cô cảm thấy mình đang làm chuyện chính đáng chứ?
- Đương nhiên rồi. – Cô đáp. – Nhưng giờ đây tôi nghĩ hẳn là tôi đã sai rồi. Đó là tiền của nó, đâu phải tiền của tôi.
- Vậy là nếu quay trở lại, cô sẽ không làm thế nữa?
- Không, không đâu. – Cô đáp. Gương mặt cô sa sầm. – Nhưng có quan trọng gì đâu. Tôi không bao giờ tha thứ cho mình vì những gì đã làm. Tôi đã ém tiền của đứa em trai duy nhất của mình, và nó chết. Tôi đang bị trừng phạt. Tôi đáng lắm.
Tôi giải thích với cô rằng chẳng có ai trừng phạt cô cả, mà chính cô đang tự trừng phạt mình. Nếu cô vận dụng sai những quy luật của cuộc sống, cô sẽ khốn khổ. Nếu cô sờ tay vào sợi dây điện trần, cô sẽ bị giật. Sức mạnh của tự nhiên không xấu; chính là cách cô sử dụng chúng, quyết định chúng có tác động tốt hay xấu. Điện không hại; nó phụ thuộc vào việc cô dùng nó để thắp sáng ngôi nhà của cô hay dùng để giật chết ai đó. Tội lỗi duy nhất là do chúng ta không biết và không hiểu về quy luật, và sự trừng phạt duy nhất là phản ứng tự động của sự vận dụng sai quy luật về phía con người.
Nếu cô vận dụng sai những nguyên tắc hóa học, cô có thể làm nổ tung nơi làm việc của mình. Nếu cô dộng tay vào tấm ván, cô có thể khiến tay mình chảy máu. Tấm ván không có lỗi. Lỗi là do cô sử dụng sai nó.
Cuối cùng tôi đã giúp Harriet nhận ra rằng không có bất cứ quyền năng nào kết án hoặc trừng phạt bất cứ ai. Tất cả sự khốn khổ của cô là do phản ứng của tiềm thức cô đối với tư tưởng tiêu cực và hủy hoại của cô. Điều cô cần là sự tha thứ, nhưng ý nghĩa đích thực của sự tha thứ là tha thứ cho bản thân. Tha thứ là hợp nhất tư tưởng của bạn với quy luật hòa hợp thiêng liêng. Sự tự lên án được gọi là địa ngục (sự câu thúc và hạn chế); sự tha thứ được gọi là thiên đường (sự hài hòa và an bình).
Gánh nặng tội lỗi đã được nhấc khỏi tâm thức cô, và cô đã hoàn toàn được chữa lành. Giải phóng bản thân khỏi mặc cảm tội lỗi chính là phương thuốc hữu hiệu chữa lành vết thương tinh thần trong trường hợp này.
Kẻ sát nhân học cách tha thứ cho chính mình
Nhiều năm trước, Arthur O. từng giết một người ở châu Âu. Khi đến gặp tôi, ông đang gánh chịu nỗi khốn khổ và dằn vặt tinh thần ghê gớm. Ông tin rằng Chúa đang trừng phạt ông vì hành động khủng khiếp này. Tôi hỏi ông chuyện gì đã xảy ra. Ông giải thích rằng ông phát hiện ra người đàn ông kia đang ngoại tình với vợ ông. Một lần đi săn về, ông đã bắt gặp họ đang ân ái ngay trong chính ngôi nhà của mình nên đã bắn người đàn ông kia trong một phút giận dữ điên cuồng. Luật pháp tại nước ông không quá khắt khe về hành vi của ông; thế nên ông chỉ phải ở tù vài tháng.
Khi ra tù, Arthur ly dị vợ và chuyển đến Mỹ sinh sống. Sau vài năm, ông gặp và kết hôn với một phụ nữ Mỹ. Vợ chồng ông may mắn có được ba đứa con xinh xắn. Ngoài ra, ông còn có công việc ổn định và rất thành công trong lĩnh vực mới này. Qua công việc của mình, ông có thể giúp được rất nhiều người. Các đồng nghiệp rất yêu mến và tôn trọng ông. Mọi thứ đều tốt đẹp. Nhưng tất cả dường như đều vô ích, bởi mãi đến lúc ấy ông vẫn còn tự trách mình vì điều đã làm.
Sau khi nghe chuyện của Arthur, tôi giải thích với ông rằng các nhà khoa học cho ta biết tất cả mọi tế bào của cơ thể ta được thay thế sau mỗi mười một năm. Cả về mặt thân thể và tâm lý, ông đã không còn là người đã phạm tội sát nhân, và ông đã không như vậy nhiều năm rồi. Hơn nữa, rõ ràng là ông đã thay đổi cả về trí tuệ lẫn tâm hồn. Ông giờ đây đầy ắp tình yêu và thiện ý đối với con người. Người phạm tội ác nhiều năm về trước đã chết về mặt trí óc lẫn tâm hồn. Vì không tha thứ cho bản thân, Arthur đang kết án một người vô tội.
Cách giải thích này đã có một tác động sâu sắc đối với ông, và ông nói rằng cứ như thể một tảng đá nặng đã được cất khỏi tâm thức ông vậy.
Nếu bạn không cho phép, không một lời chỉ trích nào có thể làm tổn thương bạn
Một giáo viên tên Ramona K. đã đến gặp tôi sau một buổi nói chuyện của tôi. Cô kể rằng gần đây cô có đọc một bài thuyết trình trước hội đồng nhà trường. Sau đó, một đồng nghiệp đã gởi cho cô một lá thư đầy những lời lẽ lên án và chỉ trích. Cô ta cho rằng Ramona đã nói quá nhanh, nuốt mất một số từ, không ai có thể nghe được, cách diễn đạt thì tệ một cách thảm hại và nội dung thì lan man.
Ramona đã bị tổn thương và tức giận. Cô cảm thấy oán giận sâu sắc đối với người phê bình kia và cố tránh chạm mặt với cô ta tại trường.
Khi tôi chất vấn, Ramona thừa nhận rằng cô đáng bị nhiều lời phê bình như thế. Cô không có kinh nghiệm nói chuyện trước đám đông. Trước đó cô đã bị căng thẳng, và sau đó cô thật sự mừng vì đã vượt qua được nó. Đó là lý do cô đã bị tổn thương sâu sắc bởi lời phê bình của người đồng nghiệp. Điều đó như thể một người đang mắng chửi đứa bé mới tập đi vì nó không chạy được nhanh, trong khi nội việc gắng gượng bước đi đã là một kỳ công đáng kinh ngạc của nó rồi.
Khi chúng tôi nói chuyện, Ramona đã bắt đầu thấy ra phản ứng đầu tiên của cô là trẻ con. Tiếp theo, cô đã thừa nhận bức thư kia thật sự là một phúc lành và một sự hiệu chỉnh rất cần kíp. Cô đã quyết tâm hoàn thiện kỹ năng thuyết giảng của mình bằng cách ghi danh một khóa học nói trước công chúng tại một đại học gần đó. Ngoài ra, cô còn gọi điện đến tác giả bức thư để cảm ơn sự quan tâm và nhận xét của cô ấy.
Làm thế nào để có lòng trắc ẩn
Sẽ thế nào nếu bức thư Ramona nhận được hoàn toàn sai sự thật? Trong trường hợp đó, Ramona phải tìm hiểu để nhận ra điều gì trong bài thuyết trình của cô, bất luận là phong cách hay nội dung của nó, đã khiến tác giả bức thư có những lời lẽ như vậy. Vấn đề bấy giờ không ở nơi cô mà là ở người đồng nghiệp của cô.
Hiểu được điều này là tiến một bước thiết yếu đầu tiên tới lòng trắc ẩn. Bước hợp lý tiếp theo là cầu nguyện cho sự thanh thản, hài hòa và thông hiểu của người đồng nghiệp kia. Bạn không thể bị tổn thương khi bạn biết bạn là chủ nhân của những suy nghĩ, phản ứng và cảm xúc của mình. Cảm xúc nghe theo suy nghĩ, và bạn có sức mạnh bác bỏ tất cả những suy nghĩ khiến bạn mất bình tĩnh hoặc lo âu, bối rối.
Tha thứ là chân thành cầu chúc cho người khác điều bạn mong ước cho chính mình: sự hòa hợp, khỏe mạnh, thanh thản, và tất cả phúc lành của cuộc sống.
Điều cần thiết là hãy đi vào tinh thần tha thứ và thiện ý để đạt được điều tốt đẹp và chữa lành mãi mãi.
Sự sống không thù hằn bạn. Nó luôn luôn tha thứ cho bạn. Nếu bạn hợp tác bằng việc suy nghĩ trong sự hài hòa với tự nhiên, sự sống sẽ hồi phục sức khỏe, sinh lực, sự hài hòa và an bình của bạn. Những ký ức tiêu cực, tai hại, sự cay đắng và ác ý sẽ ngăn trở và làm tắc nghẽn dòng chảy tự do của nguồn sống trong bạn.
Bị bỏ rơi ngay ngày cưới
Vài năm trước tôi được mời cử hành một hôn lễ tại một nhà thờ. Ngay ngày cưới, chú rể trẻ đã không xuất hiện. Sau hai giờ trôi qua, vài giọt nước mắt của cô dâu tương lai đã rơi xuống. Sau đó cô nói với tôi: “Cháu đã cầu nguyện sự linh hướng. Đây có lẽ là kết quả cho lời cầu nguyện của cháu, vì cháu tin rằng ‘Người không bao giờ sai lầm’.”
Phản ứng của cô gái chính là lời xác quyết lại lòng tin vào Chúa và mọi điều tốt lành. Cô đã không khơi dậy sự cay đắng trong tim mình, vì như cô nói: “Càng mong mỏi nó bao nhiêu, cháu càng nghĩ cuộc hôn nhân này hẳn không phải là hành động đúng, vì lời cầu nguyện của cháu là cho một hành động đúng, không chỉ cho cháu, mà cho cả hai chúng cháu.” Người phụ nữ này đã bình thản vượt qua một trải nghiệm có thể khiến cho nhiều trái tim khác thất điên bát đảo.
Hãy hòa hợp với Trí huệ Vô lượng trong những chiều sâu tiềm thức của bạn. Hãy tin tưởng vào câu trả lời một cách chắc chắn, giống như bạn tin tưởng cha mẹ bạn khi họ ôm ấp bạn trong vòng tay mình. Đây là con đường cao cả dẫn đến sự điềm tĩnh và lành mạnh về tinh thần và cảm xúc.
“Kết hôn là sai trái; Tình dục là xấu xa”
Sau khi tham dự một buổi nói chuyện của tôi, một phụ nữ trẻ đã tìm gặp tôi. Cô ấy tên Carol. Tôi thấy ấn tượng bởi ngoại diện của cô. Cô mặc chiếc váy đen giản dị và mang bít tất đen. Gương mặt cô tai tái và xanh xao, không hề có một chút son phấn trang điểm nào. Phong thái của cô cũng nhẹ nhàng nhưng có phần thận trọng, như thể cô tưởng tượng những người xung quanh cô có thể bất thình lình hành động một cách khiếm nhã với cô vậy.
Carol kể cho tôi nghe về sự giáo dục mà cô đã được thấm nhuần từ bé. Mẹ cô là người đã dạy và làm cho cô tin rằng thật là tội lỗi khi khiêu vũ, chơi bài, bơi lội hoặc giao thiệp với đàn ông. Theo lời mẹ cô, tất cả đàn ông đều xấu xa. Tình dục chẳng là gì khác ngoài sự trụy lạc, do ma quỷ khơi dậy. Nếu cô bất tuân những điều răn này, nếu cô thất bại trong việc tuân giữ chúng nghiêm nhặt từng câu từng chữ, cô sẽ bị thiêu đốt mãi mãi trong hỏa ngục.
Khi Carol đi chơi với những nam đồng nghiệp trẻ tuổi, cô cảm thấy mặc cảm tội lỗi sâu sắc. Cô tin rằng Chúa sẽ trừng phạt cô. Một vài người đàn ông đã ngỏ lời cầu hôn cô, nhưng cô từ chối. Cô nói với tôi: “Hôn nhân là sai trái; tình dục xấu xa và tôi cũng xấu xa.” Chính câu nói này đã nhào nặn và bóp méo thời xuân xanh của cô.
Dĩ nhiên người phụ nữ này cảm thấy tràn trề tội lỗi. Cô không thể chống lại những tín điều của mẹ cô được, nhưng vẫn cảm thấy có cái gì đó sai trái trong những niềm tin đó. Đó là do nguồn sống chảy tràn trong tất cả chúng ta đang tranh đấu để được thừa nhận và biểu lộ.
Tôi đề nghị Carol hãy cố học cách tha thứ cho bản thân. Tha thứ nghĩa là từ bỏ. Cô cần phải từ bỏ tất cả những niềm tin sai lạc để tiếp nhận những sự thật của cuộc sống và một nhìn nhận mới mẻ về bản thân mình.
Carol đến gặp tôi mỗi tuần một lần, trong khoảng mười tuần. Tôi đã hướng dẫn cô những gì tôi học được về những hoạt động của ý thức và tiềm thức, như tôi đã trình bày trong sách này. Dần dần, cô cũng nhận ra rằng mình đã quá ngu muội tin vào những điều mê tín, mù quáng và chán chường, cô bắt đầu sống một cuộc sống tuyệt diệu của riêng mình.
Theo lời gợi ý của tôi, Carol bắt đầu quan tâm đến trang phục của mình hơn. Cô ghé một gian hàng mỹ phẩm của một cửa hàng bách hóa trong khu thương mại để có một cuộc “lột xác” toàn diện. Cô học những bài học khiêu vũ và học lái xe. Cô cũng học bơi, chơi bài và trò chuyện với các thanh niên thoải mái hơn. Cô quyết định tự lập và bắt đầu yêu thương, trân quý cuộc sống.
Khi Carol khám phá ra bản tính nội tại của mình, cô bắt đầu cầu xin một người bạn đời bằng việc quả quyết rằng Thượng đế sẽ mang đến cho cô một người đàn ông hoàn toàn hòa hợp với cô. Một buổi chiều khi cô rời văn phòng tôi, có một người đàn ông đang đợi để gặp tôi. Tôi tình cờ giới thiệu họ với nhau. Sáu tháng sau, họ kết hôn. Đến bây giờ họ vẫn chung sống hạnh phúc bên nhau.
Tha thứ là yếu tố cần thiết cho sự chữa lành
Nếu anh em có mối bất hòa với ai, hãy tha thứ cho y, để Cha anh em trên trời có thể tha thứ cho những lầm lỗi của anh em.
(Mark 11:25)
Tha thứ cho người khác là điều cần thiết cho sự thanh bình nội tâm và sức khỏe rạng rỡ. Bạn phải tha thứ cho những ai từng làm tổn thương bạn nếu bạn mong muốn có sức khỏe và hạnh phúc toàn hảo. Hãy tha thứ cho chính bạn bằng việc hòa hợp những tư tưởng của bạn với quy luật của trật tự thiêng liêng. Bạn không thể hoàn toàn tha thứ cho chính mình nếu bạn không tha thứ cho người khác.
Trong lĩnh vực tâm thần học ngày nay, người ta không ngừng nhấn mạnh rằng sự oán giận, kết án kẻ khác, sự hối hận và thù địch là nguyên nhân dẫn đến vô số bệnh tật, từ viêm khớp đến tim mạch. Sự căng thẳng gây ra bởi những cảm xúc tiêu cực đó có thể trực tiếp tác động đến hệ miễn dịch của cơ thể, khiến vi trùng và bệnh tật dễ dàng tấn công bạn hơn.
Các chuyên gia về chứng rối loạn liên quan đến stress chỉ ra rằng những người bị tổn thương, ngược đãi, lừa dối, hoặc xúc phạm thường phản ứng bằng cách rót đầy trong họ tình cảm oán hận và thù địch đối với những ai làm tổn thương họ. Phản ứng này gây ra những vết thương sưng tấy và mưng mủ trong tiềm thức của họ. Chỉ có một biện pháp chữa lành duy nhất. Họ phải cắt đứt và loại bỏ những chỗ bị thương của mình, và cách làm chắc chắn duy nhất chính là sự tha thứ.
Tha thứ là yêu thương trong hành động
Điều thiết yếu trong nghệ thuật tha thứ là sự sẵn lòng tha thứ. Nếu chân thành muốn tha thứ cho người khác, bạn đã thành công được một nửa. Dĩ nhiên bạn hiểu rằng tha thứ cho người khác không nhất thiết đồng nghĩa với việc bạn thích người đó hoặc muốn giao thiệp với họ. Không ai có thể ép buộc bạn thích một ai đó. Tuy nhiên, chúng ta có thể tha thứ cho những người mà ta không thích họ, và khi tha thứ, có thể ta sẽ yêu thương họ – và đây là điều mấu chốt.
Yêu thương nghĩa là bạn mong ước cho người khác được khỏe mạnh, hạnh phúc, an bình, hoan hỉ và tất cả phúc lành của cuộc sống. Chỉ có một điều kiện tiên quyết duy nhất, và đó là sự chân thành. Bạn không phải hào hiệp gì khi bạn tha thứ, bạn thật sự đang vì mình đấy, vì những gì bạn ao ước cho người khác là thật sự bạn đang ao ước cho chính bạn. Bởi bạn suy nghĩ và cảm nhận thế nào, bạn sẽ thế ấy.
Phương pháp tha thứ
Sau đây là một phương pháp đơn giản nhưng hữu hiệu để mang lại sự tha thứ trong chính mình. Nó sẽ làm nên những điều kỳ diệu trong đời bạn khi bạn vận dụng nó. Hãy trấn dịu tâm hồn, thư giãn và buông lỏng. Hãy nghĩ về Chúa và tình yêu người dành cho bạn, rồi quả quyết:
Tôi hoàn toàn và sẵn lòng tha thứ [nghĩ đến tên của người xúc phạm]. Tôi giải phóng anh ta (cô ta) về mặt trí óc và tâm hồn. Tôi tha thứ mọi điều liên quan tới vấn đề đang nói. Tôi tự do, và anh ta (cô ta) được tự do. Đó là một cảm giác tuyệt vời.
Đây là ngày toàn xá của tôi. Tôi giải phóng những ai từng làm tổn thương tôi, và tôi ao ước cho họ được mạnh khỏe, hạnh phúc, an bình và tất cả phúc lành của cuộc sống. Tôi làm điều này một cách sẵn lòng, hoan hỉ và đằm thắm. Mỗi khi tôi nghĩ đến những người làm tổn thương tôi, tôi nói: “Tôi đã giải phóng bạn, và tất cả những phúc lành của cuộc sống là của bạn.” Tôi tự do và họ tự do. Điều đó thật tuyệt vời!
Phép thử cho sự tha thứ
Những người thợ kim hoàn thường dùng cái gọi là phép thử axit để biết một kim loại nào đó có phải là vàng không hay là đồ giả mạo. Tương tự như vậy, chúng ta cũng có một phép thử đối với sự tha thứ. Hãy hình dung tôi đang kể điều gì đó tuyệt vời về người đã từng sai quấy, lừa bịp hoặc gian dối với bạn. Nếu bạn chặc lưỡi xua đi không muốn nghe bất kỳ điều tốt đẹp gì về người đó thì có nghĩa là gốc rễ của sự thù hằn vẫn còn trong tiềm thức bạn, và nó đang tàn phá bạn đó.
Giả sử năm ngoái bạn đã trải qua một buổi điều trị nha khoa rất đau đớn và giờ đây bạn kể nó với tôi. Nếu tôi hỏi bây giờ bạn có còn thấy đau không, chắc chắn bạn sẽ trả lời: “Dĩ nhiên là không rồi! Tôi nhớ cơn đau đó, nhưng bây giờ tôi đâu còn đau nữa.”
Phép thử đó chỉ đơn giản như vậy thôi. Nếu bạn đã thật sự tha thứ cho ai, bạn vẫn nhớ rõ biến cố đó, nhưng bạn sẽ không cảm thấy tức tối hoặc tổn thương về nó nữa. Đây là phép thử cho sự tha thứ. Khi tha thứ, bạn phải đáp ứng cả về mặt tâm lý lẫn tinh thần. Bằng không, bạn chỉ đơn giản đang tự lừa dối mình chứ không phải đang thực hành nghệ thuật tha thứ đích thực.
Hiểu tất cả là tha thứ tất cả
Một khi bạn thấu hiểu quy luật sáng tạo của tâm thức, bạn sẽ không còn đổ lỗi cho người khác hoặc những hoàn cảnh đã làm hư hại cuộc sống của bạn. Bạn nhận ra rằng chính những tư tưởng và cảm xúc của bạn đã tạo nên vận mệnh bạn. Hơn nữa, bạn nhận thức rằng những cái bên ngoài không phải là nguyên nhân hoặc thứ quyết định cuộc sống và kinh nghiệm của bạn. Những suy nghĩ như “Có kẻ có thể làm tổn hại đến hạnh phúc của mình, mình là quả bóng của một số mệnh nghiệt ngã, mình phải vùng lên và chống lại kẻ khác để sống” sẽ tàn phá cuộc sống của bạn.
Điểm lại những ý cần nhớ
1. Cuộc sống công bằng với tất cả mọi người. Khi bạn bắt đầu hướng đến những nguyên tắc của sự hòa hợp, lành mạnh, hoan hỉ và an bình trong cuộc sống, tự khắc bạn sẽ may mắn hơn những người khác.
2. Cuộc sống không mang bệnh tật, đau ốm, tai nạn hoặc đau khổ cho ta. Chúng ta mang những thứ đó đến chính mình bằng suy nghĩ tàn phá tiêu cực của chính chúng ta, dựa trên quy luật: Ta gieo gì, ta sẽ gặt nấy.
3. Quan niệm của bạn về Thượng đế hay những quyền năng bí ẩn khác là điều quan trọng nhất trong đời bạn. Nếu bạn thật sự tin tưởng vào một quyền năng của tình yêu, tiềm thức của bạn sẽ hưởng ứng theo bằng việc mang đến phúc lành cho bạn. Hãy tin tưởng vào một Thượng đế yêu thương.
4. Mặc cảm tội lỗi của bạn là một quan niệm sai lầm về cuộc sống. Cuộc sống không trừng phạt hay phán xét bạn. Bạn làm điều đó với chính mình bằng những tác động tiềm thức của những niềm tin sai lầm, suy nghĩ tiêu cực và sự tự lên án.
5. Cuộc sống không kết án hay trừng phạt bạn. Những sức mạnh của tự nhiên không xấu xa. Tốt và xấu tùy thuộc vào tư tưởng và mục đích trong tâm thức mỗi người.
6. Nếu người khác chỉ trích bạn, và lỗi thuộc về bạn, hãy sẵn lòng đón nhận và cảm ơn họ về sự thẳng thắn phê bình đó. Điều này cho bạn cơ hội sửa chữa sai sót.
7. Bạn không thể bị tổn thương bởi lời chỉ trích khi bạn biết rằng bạn làm chủ những ý nghĩ, phản ứng và cảm xúc của mình. Điều này cho bạn cơ hội cầu nguyện và chúc phúc cho người khác, nhờ đó chúc phúc cho chính bạn.
8. Khi bạn cầu xin sự hướng dẫn và hành động đúng đắn, hãy chấp nhận những gì xảy đến. Nhận thức rằng nó tốt và rất tốt. Vậy thì chẳng có lý do gì để than thân trách phận, kết tội hoặc thù ghét.
9. Không có gì là tốt hoặc xấu, chỉ vì suy nghĩ khiến nó nên như thế. Không có gì là xấu xa trong nhu cầu về thực phẩm, tình dục, sự giàu có hoặc biểu lộ đích thực. Nó tùy thuộc vào cách bạn vận dụng những thôi thúc, khát khao hoặc nguyện vọng ấy.
10. Sự oán giận, căm thù, ác ý và thù địch là nguyên nhân dẫn đến bệnh tật. Hãy tha thứ cho chính bạn và mọi người bằng việc phát lộ tình yêu, sự sống, niềm hân hoan và thiện ý đến tất cả những người tổn thương bạn. Hãy tiếp tục cho đến lúc bạn có thể gặp gỡ họ trong tâm thức của mình và biết rằng bạn hòa thuận với họ.
11. Tha thứ là cho đi cái gì đó. Hãy cho đi tình yêu, sự an bình, hoan hỉ, minh triết, và tất cả phúc lành của cuộc sống đến người khác, đến khi tâm thức bạn không còn sự day dứt nữa.
Tha thứ cho người khác là yếu tố cần thiết cho sự thanh thản tâm hồn và sức khỏe rạng rỡ. Bạn phải tha thứ cho những người từng làm tổn thương bạn nếu bạn muốn khỏe mạnh và hạnh phúc hoàn hảo. Hãy tha thứ cho chính mình bằng việc hòa hợp những suy nghĩ của bạn với quy luật của trật tự thiêng liêng.