Số lần đọc/download: 13190 / 450
Cập nhật: 2015-03-02 12:48:56 +0700
Chương VI - Thời Quân Chủ ( Tiếp)
Hán suy, Hồ mạnh
Dưới Sự Thống trị của Mông Cổ
Nhà Nguyên ( 1277 - 1367 )
Tổng Quan
Tới đây chúng ta bước vào một giai đoạn mới của lịch sử Trung Hoa mà có sử gia ( Lombard cho là thời ổn định ( atabilisation), nghĩa là quốc gia Trung Hoa từ nay không còn những cảnh loạn lạc, chia rẽ, phân tán thành cả chục nước như thời Nam Bắc Triều ( cuối Hán ), thời Ngũ Đại ( cuối Đường ) hoặc ít nhất cũng làm hai, ba nước như thời Tam Quốc và thời Tống ; có sử gia ( Eberhard) lại cho là thời Cận Đại của lịch sử Trung Hoa có thể so sánh với thời Cận Đại của Âu Tây, vì ở Trung Hoa giai cấp sĩ tộc giàu có và cầm quyền bây giờ mạnh lên, hơi giống giai cấp bourgeoisie ở phương Tây. Tôi nói hơi giống và chính Eberhard cũng nhận rằng phải tới sau cách mạng Tân Hợi ( 1911), Trung Hoa mới thực sự có giai cấp bourgeoisie hoàn toàn dự vào những hoạt động chính trị .
Chúng tôi đứng về một phương diện khác mà xét thì thấy ba triều Nguyên, Minh, Thanh là thời suy của dân tộc Trung Hoa, dân tộc Hán. Lịch sử Trung Hoa là lịch sử một dân tộc văn minh rất sớm, mở mang được một bờ cõi rất rộng, ở sát nách các dân tộc du mục, hiếu chiến phương Bắc ( Đông và Tây ), và suốt hai ngàn rưỡi năm, tới cuối đời Tống, chỉ là một cuộc tranh đấu để sinh tồn giữa họ với các rợ đó. Cuộc tranh đấu bất tuyệt và thật gay go: Hễ dân tộc Trung Hoa thịnh lên ( đầu Chu, đầu Hán, đầu Đường) thì các rợ phải lùi về các cánh đồng cỏ của họ, đợi lúc Trung Hoa suy thì lại từng đoàn, từng đoàn phi ngựa qua cướp bóc,chiếm lúa gạo, của cải đất đai. Cuối đời Hán chúng đã len lỏi vào làm chủ được một phần Hoa Bắc trong hai thế kỷ rưởi . Đường mạnh lên, đuổi chúng đi, cuối Đường chúng trở lại, làm chủ được già nửa Hoa Bắc trên nửa thế kỷ, rồi lại rút đi, nhưng không rút đi hết, một phần Hoa Bắc vẫn còn thuộc rợ Liêu và rợ Kim đã Hán hóa khá nhiều, có thể chế, có tổ chức mạnh, rồi tới cái mức Tống tuy đã thu lại được, phải chịu lép, nhận chúng như nước đàn anh, nộp cống (thực ra là thuế hằng năm) cho chúng . Sau cùng, một rợ khách, rợ Mông Cổ diệt được Liêu và Kim, rồi diệt luôn cả Tống nữa. Lần này là lần đầu tiên dân tộc hán hoàn toàn mất chủ quyền, toàn cỏi non sông Trung Hoa nằm dưới gót ngựa Mông Cổ trong non một thế kỷ: 90 năm ( 1277- 1367) .
Qua đời sau, đời Minh dân tộc Trung Hoa đuổi được rợ Mông Cổ đi, giành lại độc lập trong 276 năm ( 1644 - 1911 ) . Vậy là trong 633 năm ( 1277 - 1911 ) dân tộc Trung Hoa chịu sự thống trị của các rợ 357 năm, chỉ tự chủ được 276 năm.
Vì vậy tôi gọi thời đại Nguyên, Minh, Thanh là thời suy của dân tộc Hán. Suy chẳng những vì mất chủ quyền rất lâu, mà còn vì về văn hóa, tuy vẫn tiến bộ được ở vài điểm, nhưng không còn rực rỡ bằng Đường, Tống nữa.
A - CHÍNH SÁCH CỦA MÔNG CỔ
1- Chính sách chung của các rợ
- Họ luôn luôn đợi lúc Trung Hoa suy, có nội loạn mới tấn công thì dùng những người Trung Hoa ở miền biên giới làm cố vấn dắt dẫn;
- Chiếm được đất rồi,họ dùng chính sách chia để trị : chia rẽ giống này với giống khác ; giới này với giới khác;
- Họ phải dùng người Hán để thu thuê, cai trị người Hán; nếu có thể được, họ dùng ngoại nhân ( như các rợ đại Hán hóa, thương nhân Á rập, Hồi Hồi ...)
- Văn minh họ kém, thường họ không có chữ viết, nên họ phải theo chế độ, văn minh Trung Hoa, ngay đến tên triều đại, miểu hiệu, cũng dùng tên Trung Hoa.
- Lâu rồi thì họ Hán hoá, mất tình thần hiếu chiến, ham hưởng lạc, mà suy nhuợc, bị người Hán quật lại, đuổi đi; lúc đó đất đai của họ thành đất đai của Hán, người Hồ nào ở lại thì thành người Hán, do đó tổ quốc Trung Hoa lại rộng thêm, đông dân thêm;
- Họ biết vậy, nên có rợ như Liêu, giữ một phần đất ở ngoài Vạn Lý Trường Thành, không cho Hoa hóa, để khi bị đuổi khỏi Trung Hoa thì họ trở về đó.
2 - Kỳ thị Trung hoa.
Mông Cổ cai trị Trung Hoa cũng theo chính sách đó, nhưng cực kỳ tàn nhẫn, không kém bọn thực dân da trắng đối xử với dân bản xứ da đen ở Nam Phi ngày nay.
Hồi Hồi Tất Liệt mới lên làm vua Trung Hoa, đổi quốc hiệu là Nguyên, tức Nguyên Thế Tổ, một viên thượng thư Mông Cổ khuyên ông ta:
- Tụi Trung Hoa này không ích gì cho chúng ta hết, nên đuổi hết chúng đi, dùng ruộng của chúng để làm cánh đồng cỏ nuôi ngựa .
Một viên Thượng Thư khác đưa ý kiến:
- Phải tận diệt năm gia tộc lớn nhất của Trung Hoa để chúng khỏi cầm đầu phong trào chống lại chúng ta .
Cũng may Thế Tổ không nghe lời họ mà nghe lời một cựu Tể Tướng Khiết Đan tên là Da Luật Sở Tài, dùng người Trung Hoa trong việc trị nước. Ông ta hiểu rằng không thể cai trị người Trung Hoa như cai trị các dân tộc khác trong đế quốc, cho nên ông tách Trung Hoa ở phía dưới Trường Thành thành một nước riêng, có chế độ riêng; còn phần ở phía trên Trường Thành, tuy cũng thuộc về ông, nhưng vẫn theo chế độ cũ của Mông Cổ, phong tục Mông Cổ. Ông lại bỏ Kinh Đô cũ Karakorum mà lập Đại đô ở Bắc Kinh ngày nay, mặc dầu Karakorum thời đó là nơi tụ họp gần đủ các giống người từ Đông qua Tây.
Nhưng ông đặt ra những luật kỳ thị chủng tộc, điều mà từ trước chưa hề thấy ở Đông Á. Xã hội chia làm bốn hạng người:
- Đứng đầu là người Mông Cổ, nhiều đặc quyền nhất; rồi tới các dân tộc không phải là Hán ở Trung Á, như Khiết Đan, Úy Ngô Nhi, Tây tạng ...mà văn hoá và huyết thống, phong tục gần với Mông Cổ ; hạng này gọi chung là " sắc mục " được hưởng một số đặc quyền, hạng thứ ba là người Hán ở phía bắc mà họ cho là đã đồng hóa ít nhiều với các rợ, đángtin cậy một chút, cuối cùng là người Hán ở miền Nam bị kỳ thị nhất vì đã chống lại họ mạnh nhất.
Đó là về giống người, về giai cấp trong xã hội thì họ chia làm mười :
1- Quan lớn ở triều đình ( đều là người Mông Cổ )
2- Quan nhỏ ở địa phương
3- Lạt ma ( thầy tu Tây Tạng )
4 - Đạo sĩ
5 - Y Sĩ
6 - Thợ và người làm tiểu công nghệ
7 - Thợ săn
8 - Làm các nghề họ cho là đáng khinh như con hát
9 - Nhà nho
10 - Ăn mày
Mới đầu người Trung Hoa Bắc và Nam không được thi cử, không được lãnh một chức gì dù là nhỏ, trong chính quyền . Về sau họ được thi, nhưng phải thi riêng, không được thi chung với người Mông Cổ và các người sắc mục. nếu họ đậu tiến sĩ thì tên nêu trên một bảng riêng ở bên trái, bảng bên phải dành cho người Mông Cổ và người sắc mục. Dĩ nhiên hai hạng người sau dù bài kém cũng được tuyển . Gần đây hoa lục cũng dùng lối phân biệt đó đối với thí sinh trong giai cấp vô sản, và nước ta hiện nay cũng vậy . ( 1 ) Sau cùng người Hán nào được bổ dụng thì bắt buộc phải học tiếng Mông Cổ, và theo đạo Hồi, ít nhất là bề ngoài, đạo mà Mông Cổ che chở .
Có thời, người Hán bắt buộc phải bỏ y phục cùng cổ tục, ăn mặc theo rợ Hồ, cài áo bên trái, tay hẹp, tóc thả xuống sau lưng.
Luật pháp đối với họ rất khắc khe: không được có vợ Mông Cổ hoặc sắc mục. Mắc tội ăn cắp thì người Mông Cổ chỉ bị phạt vạ, còn người Hán thì lần đầu bị xâm vào cánh tay bên trái, lần thứ nhì vào cánh tay bên mặt, lần thứ ba vào cổ để mọi người trông thấy . Nếu giết một người Mông Cổ hay sắc mục thì người Hán phải chịu tử hình và gia đình phải chịu phí tổn ma chay - dĩ nhiên là nặng - cho thân nhân người chết. Trái lại, kẻ bị giết là Trung Hoa mà kẻ sát nhân là người Mông Cổ hay sắc mục thì có thể viện lẽ là trong cơn say rượu hoặc trong lúc tranh luận hăng quá, lỡ tay, và chỉ bị phạt và hoặc cùng lắm là đày ra biên giới.
Ruộng, ngựa của người Trung Hoa, Mông Cổ muốn chiếm thì chiếm.
Một sắc lệnh ban năm 1337 cấm người Trung Hoa giữ khí giới, vậy là họ khôngthể săn bắn được vì cung, tên cũng là khí giới.
3 - Nhưng tiếp đón mọi dân tộc.
Điều làm xáo trộn phong tục và xã hội Trung Hoa nhất là chính sách coi trọng công thương, mà ức sĩ, đặt kẻ sĩ ở cuối thang xã hội, chỉ trên bọn ăn mày, khiến kẻ sĩ có tư cách không chịu hợp tác với họ, một số vô rừng ấn dật, và gặp thời cơ thì cầm đầu phong trào phản Mông.
Vậy Mông không muốn dùng Hán mà Hán cũng không muốn hợp tác với Mông, do đó người Mông vốn chủ quan chiến tranh, không biết cai trị, phải dùng nhiều quan lại ngoai nhân, tạm nên một chế độ siêu quốc giới ( cosmopolite), như người Ý
Marco Polo cai trị Dương Châu (coi ở sau), một người Á Rập cai trị Vân Nam ( do đó mà ở Vân Nam Hồi Giáo thịnh hơn các tỉnh khác)
Đế Quốc Mông Cổ lan từ Đông Á, qua Trung Á, tới Nga và một phần Tây Âu, nên sự giao thông từ Trung Hoa qua Châu Âu rất yên ổn, dễ dàng, và lần đầu tiên trong lịch sử, Đông Tây tiếp xúc thẳngvới nhau. Trong một thế kỷ từ 1240 tới khoảng 1340, người Âu qua Hoa Bắc,( mà họ gọi là Cathay) bằng nhiều đường ; từ phía Nam nước Nga băng qua những cánh đồng cỏ mênh mông của Trung Á, đường đó khó đi nhất, hoặc vượt Hắc Hải, rồi theo con đường chở lụa của thời trước, qua những ốc đảo ở Trung Á, đường này dể đi, hết thảy các thương nhân đều dùng, hoặc do đường biển tới Syrie rồi từ đó tới Bagdad, vô Trung Á. Còn một điều nữa, dùng biển vượt Ấn Độ Dương, tới Nam Á rồi lên Quảng Châu. Đường này người Âu ít dùng vì thường bị người Á Rập chặn.
Thời nhà nguyên, Cảnh giáo hơi phát đạt ở Trung Hoa, vì mẹ của Hốt Tất Liệt, và có lẽ một Đại Hãn ( vua Mông Cổ ) nữa theo đạo đó. Tại nhiều miền Trung Hoa có tín đồ Cảnh Giáo và một số làm quan cho nhà Nguyên.
Sau Cảnh Giáo tới Công Giáo, Giáo Hoàng La Mã bốn năm lấn phái sứ thần tới triều đình Nguyên để kết thân, xin mở giáo đường, để truyền giáo. Hai sứ thần quan trọng nhất là tu sĩ John Hontecorvinovà tu sĩ Odoricof Marignolli, cả hai đều là người Ý tu theo giòng Saint François d Assise. Họ đều được vua Nguyên tiếp; chính sách của Mông Cổ là mở rộng biên cương,cho mọi tôn giáo, mọi người ngoại quốc vô và dùng họ trong công việc buôn bán, cả trong việc hành chính nữa. Họ chỉ kỳ thị người Trung Hoa thôi.
Họ có nhiều cảm tình với người Ả rập, cho dựng nhiều giáo đường Hồi, năm 1250 dùng một người Á Rập làm viên quản đốc tối cao các tàu buôn ở miền Phúc Kiến.
Người ngoại quốc được trọng dụng nhất là Marco Polo, mà tập du ký nhan đề là Le Livre de Marco Polo et des merveilles d Asie ( Cuốn sách của Marco Polo về các kỳ quan của Châu Á) làm ngtười Âu thời đó chóa mắt về phương Đông, thành một tác phẩm bất hủ (hiện nay vẫn còn nhiều người đọc) ảnh hưởng rất lớn, mở đầu cho cuộc trao đổi vật chất và tinh thần giữa Đông Tây, việc phổ biến thuật làm giấy, nghề in, cách dùng thuốc súng ... Ở Phương tây.
Thời đó vào thế kỷ XIII, hai thương nhân Ý ở Venise ( một trung tâm thương mãi quan trọng trên bờ Địa Trung Hải) Maffeo và Nicolo Polo chở nhiều đồ trang sức và bảo ngọc lại bán ở Constantinople. Bán có lời, họ vượt biên giới vào đất Mông Cổ để tiếp tục làm ăn. Một viên quan Mông cổ mời họ theo ông ta tới Bắc Kinh, vua Mông Cổ thích bảo ngọc lắm, sẽ mua cho. Họ nghe lời, tới Bắc Kinh, được Hốt Tất Liệt tiếp và nhờ mang một bức thư về trình lên Giáo Hoàng.
Giáo Hoàng Grégoire X lại phái Nicolo đem bức thư trả lời về Trung Hoa. Lần này Nicolo dắt theo em là Maffeo và con trai là Marco mới 17 tuổi. Cả ba đều được triều đình Mông Cổ tiếp đãi long trọng, và thanh niên Marco rất thông minh, khéo léo, được vua Mông Cổ mến, tin, giao cho nhiều việc (như nhận xét về địa hình), sau cùng cho một chức quan trọng ở Dương Châu( có sách nói là chức Thái thú, có sách bảo là coi việc khai thác và bán muối).
Marco ở Trung Quốc 17 năm, sau nhớ quê hương, xin về. Vua Mông Cổ bằng lòng và phái chàng đưa một công chúa Mông Cổ đã hứa gã cho vua Ba Tư. Sau 18 tháng lênh đênh trên biển họ mới tới vịnh Ba Tư, đưa công chúa lên bờ rồi, Marco tiếp tục lại Constantinople mới tới Venise năm 1295. Ông kể những kỳ quan ở Trung Hoa cho người đồng hương nghe, bảo vua Mông Cổ mỗi năm thu được từ 10 đến 15 triệu đồng tiền vàng, thần dân có tới mấy chục triệu cái gì cũng tới số triệu, không ai tin ông còn mỉa ông là nói láo, gọi ông là " chú triệu ". Ít lâu sau, ông bị bắt làm tù binh trong một trận giữa Venise và Gênes; và ở trong khám ông kể lại hồi ký cho một người chép lại thành cuốn: Du Ký của Marco Polo ".
Ngoài ảnh hưởng của đạo Hồi, đạo Ki Tô, còn phải kể thêm sự cống hiến của các dân tộc phương Bắc ( Khiết Đan, Kim, Mông Cổ), nhất là Tây Tạng, Tu viện Lạt Ma giáo được dựng lên, một tu sĩ Tây tạng Phagepa, Trung Hoa phiên âm là Bát Tư Ba tạo cho Mông Cổ một thứ chữ viết tượng thanh( phonétique) khác hẳn chữ Trung Hoa. Một kiến trúc sư xứ Népal( Ấn Độ) xây dựng lại một ngôi đền.
Rồi những kỷ thuật nói về đồ sứ ( đồ Closonné: Thất bảo?) về cách dệt thảm, cách nấu rượu, cả về thiên văn học về môn vẽ bản đồ. Trung Hoa cũng rút kinh nghiệm được của Á rập. Vì vậy mà Lombard bảo Trung Hoa đời Nguyên là một cái " lò văn hóa"
( crenset culture), và Simon Leys trong Ombres Chinois ( Paris 1975) bảo nếu nhà Minh và nhà Thanh biết theo chính sách " khai quan " ( m::7ạ1:: c::10ạ1::) đó thì Trung Hoa đã tiến bộ như phương Tây rồi.
Người Trung Hoa không phải chỉ tiếp thu mà thôi. Họ cũng truyền bá văn hóa của họ qua phươn Tây bằng những con đường từ Đông qua Tây. Thời Mông Cổ toàn thịnh, có hàng ngàn thường dânTrung Hoa túa ra khắp nơi trong đế quốc Mông cổ, tới Nga, Ba Tư, Méssopotamie (miền Lưỡng Hà). Các dân tộc đó học được của họ thuật chế tạo thuốc súng, nghề in, cách dùng giấy bạc, cách dùng thuốc trị bệnh, những phát minh vể y khoa. Mà thương nhân ngoại quốc tới Trung Hoa cũng rất đông; riêng Tràng An có tới 2.000 thương điếm của ngoại nhân.
Nhiều kỷ sư Trung Hoa giúp Méssopotamie trong việc thủy lợi; một nhà bác học Á rập, Rashid Ud-Din, giao thiệp với y sĩ Trung Hoa và viết một cuốn truyền bá y học Trung Hoa tại Tây Á.
Văn minh Trung Hoa sở dĩ được truyền bá rộng như vậy chính là nhờ Mông Cổ. Trong cái họa cũng có cái phúc.
(1) Tác giả viết trước năm 1984 ( BT )