Nguyên tác: 1973年のピンボール – 1973–Nen No Pinbouru
Số lần đọc/download: 0 / 108
Cập nhật: 2025-02-16 13:53:15 +0700
Chương 17
N
àng “Phi thuyền” ba thanh gạt cứ mãi gọi tên tôi từ một nơi nào đó. Gọi suốt mấy ngày liền.
Bằng tốc độ chóng mặt, tôi đã hoàn thành hết núi công việc chất đống. Không còn những buổi nghỉ trưa, không còn trêu đùa với lũ mèo Abyssinian nữa. Tôi không nói chuyện với bất kỳ ai. Cô thư ký thỉnh thoảng sẽ đi vào để ngó chừng, để rồi lại đi ra lắc đầu ngao ngán. Tôi hoàn thiện công việc của cả ngày vào lúc hai giờ chiều, vứt đống bản thảo lên mặt bàn cô thư ký, rồi phi ra khỏi văn phòng. Sau đó tôi dạo vòng qua tất cả các trung tâm trò chơi điện tử ở Tokyo, chỉ nhằm tìm kiếm chiếc “Phi thuyền” ba thanh gạt của tôi. Nhưng vô ích. Không có ai từng nghe nói đến hay nhìn thấy nó.
“Một cái máy bốn thanh gạt ‘Thám hiểm lòng đất’ không được à? Máy mới toanh, vừa mới nhập về,” một chủ tiệm hỏi.
“Xin lỗi, nhưng e là không.”
Ông ta trông có hơi thất vọng.
“Thế một cái ‘Cầu thủ tay trái’ ba thanh gạt thì sao? Cậu sẽ được đèn điểm thưởng sau mỗi cú đánh tuần hoàn.”
“Rất xin lỗi, nhưng tôi chỉ quan tâm đến ‘Phi thuyền’ thôi.”
Thôi thì giúp được đến đâu thì giúp, ông ta cho tôi tên và số điện thoại của một tay cuồng pinball mà ông ta quen biết.
“Tay này nhiều khả năng sẽ biết điều gì đó về cái máy mà cậu đang tìm. Gã là một cuốn từ điển sống, có khi là người am tường nhất về bất cứ loại máy nào trên đời. Tuy tính cách có hơi quái đản một chút.”
“Cảm ơn ông,” tôi nói.
“À, không có gì. Hy vọng cậu sẽ tìm được nó.”
Tôi bước vào trong một tiệm cà phê nhỏ, tĩnh lặng, rồi quay số. Sau năm hồi chuông có một người đàn ông trả lời.
Ở đằng sau tôi có thể nghe thấy tiếng bản tin NHK bảy giờ tối và một đứa con nít đang khóc.
“Xin phép anh, tôi muốn được hỏi về một chiếc máy pinball hơi đặc biệt,” tôi tuyên bố sau khi tự giới thiệu.
Trong một lúc, ở đầu dây bên kia chỉ thấy sự im lặng.
“Đặc biệt như thế nào,” người đó nói, đoạn giảm bớt tiếng ti vi.
“Một chiếc máy ‘Phi thuyền’ ba thanh gạt.”
Người đàn ông hừm một tiếng đầy tư lự.
“Với các hành tinh và một cái tên lửa sơn ở trên…”
“Tôi biết,” người đó cắt ngang, rồi húng hắng. Cách nói chuyện như thể một giáo viên bước ra từ một trường cao học.
“Mô-đen 1968 của hãng Gilbert & Sands, Chicago, Illinois. Có chút tiếng tăm là một chiếc máy bạc mệnh.”
“Bạc mệnh?”
“Xem nào, thế này nhé? Anh có thời gian để gặp mặt nói chuyện không?”
Chúng tôi quyết định sẽ gặp nhau vào tối hôm sau.
* * *
Sau khi trao đổi bưu thiếp, chúng tôi gọi đồ. Hai cốc cà phê. Tôi bất ngờ khi biết được rằng anh ta là một giảng viên đại học. Đâu đó trong độ tuổi ba mươi, hàng tóc đang bắt đầu thưa, nhưng trông vẫn săn chắc và khỏe mạnh.
“Tôi dạy tiếng Tây Ban Nha ở đại học,” anh ta nói. “Cứ như rắc muối bỏ bể.”
Tôi gật đầu ngỏ ý quan tâm.
“Ở chỗ dịch thuật của anh có tiếng Tây Ban Nha không?”
“Tôi xử lý tiếng Anh, còn một anh bạn khác làm tiếng Pháp. Thế đã là nhiều hơn so với khả năng xoay sở của chúng tôi rồi.”
“Tiếc thật,” anh ta nói, khoanh tay trên bàn.
Có điều anh ta chẳng cho thấy vẻ gì là tiếc nuối. Anh ta ngồi đó mân mê với cái nút thắt cà vạt một lúc.
“Anh đến Tây Ban Nha bao giờ chưa?”
“E là chưa,” tôi trả lời.
Sau đó cà phê được mang đến và cuộc bàn luận về Tây Ban Nha của chúng tôi cũng kết thúc. Cả hai im lặng uống cà phê.
“Công ty Gilbert & Sands có thể coi là một kẻ đến muộn với pinball,” anh ta đột ngột đi vào vấn đề. “Từ Thế Chiến Hai đến Chiến tranh Triều Tiên họ chủ yếu tham gia vào sản xuất máy móc vận hành khoang chứa bom. Khi các chiến dịch ở Triều Tiên kết thúc, họ coi đó là thời điểm để đa dạng hóa vào những lĩnh vực khác. Máy pinball, máy quay xổ số, máy đánh bạc, máy phát nhạc, máy bán bỏng ngô – những thứ mà người ta gọi là công nghiệp thời bình. Họ đưa ra chiếc máy pinball đầu tiên của mình vào năm 1952. Cũng không tệ. Rất bền, giá rẻ. Nhưng không có phải là một chiếc máy thú vị lắm. Hay theo cách miêu tả của một bài báo trên tờ Billboard, ‘một cái áo lót quân đội được phát bởi chính quyền Xô Viết’. Cho dù thế thì nó vẫn là một thương vụ khá tốt. Họ xuất khẩu nó sang Mexico, rồi tất cả các quốc gia Mỹ La-tinh. Các quốc gia đó không có nhiều thợ máy chuyên biệt nên họ ưa những chiếc máy dùng bền lâu không hỏng hóc hơn là những chiếc có cơ chế phức tạp.”
Anh ta ngừng đủ lâu để uống ít nước. Giá mà anh ta có ở đây một màn hình chiếu và một cái que chỉ.
“Tuy nhiên, chắc anh cũng biết, nền công nghiệp pinball ở Mỹ – và cũng là cả thế giới – đều được định hình bởi bốn công ty là Gottlieb, Bally, Chicago Coin và Williams – người ta vẫn gọi là Big Four. Gilbert đã thử tìm cách chen chân vào. Cạnh tranh cũng ra trò trong năm năm. Thế rồi đến 1957, Gilbert rút lui khỏi pinball.”
“Rút lui?”
Anh ta gật đầu và nhăn nhó nhấp chút cà phê cặn dưới đáy cốc, rồi chùi mép hai lần bằng một cái khăn mùi xoa. “Ừ, họ rút. Công ty thì vẫn có lợi nhuận, từ việc xuất khẩu sang Mỹ La-tinh và những thứ khác. Nhưng họ quyết định rút lui trong lúc mọi thứ vẫn còn thuận lợi, trước khi khó khăn trở nên quá tầm. Hóa ra pinball là một lĩnh vực phức tạp, đòi hỏi am hiểu rất nhiều. Anh cần một đội ngũ kỹ sư có trình độ, và cần một người giám sát để phối hợp họ với nhau. Tiếp theo anh cần một mạng lưới trên toàn quốc. Rồi thì các đại lý để có nguồn phụ tùng liên tục, cùng với đủ thợ sửa chữa để đến được vị trí của bất kỳ chiếc máy hỏng nào trong dưới năm tiếng đồng hồ. Không may là, tân binh Gilbert của chúng ta không có đủ nguồn lực. Thế nên họ chỉ ngậm đắng nuốt cay mà rút lui, và trong bảy năm họ chỉ sản xuất máy bán hàng tự động, cần gạt kính chắn gió cho hãng Chrysler. Nhưng thế không có nghĩa là họ đã bỏ cuộc với pinball.”
Đến đây anh ta bặm môi. Anh ta lấy ra một điếu thuốc từ túi áo khoác, ấn đuôi thuốc lên mặt bàn và châm lửa.
“Không, họ chưa bỏ cuộc đâu. Họ có niềm kiêu hãnh của họ chứ. Quá trình nghiên cứu và phát triển vẫn đang diễn ra ở một công xưởng ngầm. Họ bí mật thu thập các chuyên gia đã rời công việc ở Big Four, thành lập đội ngũ dự án của riêng họ. Còn nữa, họ đầu tư nguồn vốn nghiên cứu lớn vào mục tiêu làm ra một chiếc máy có thể ăn đứt bất kỳ thứ gì mà Big Four đang có. Và trong vòng năm năm, không hơn.
“Lúc đó là 1959. Năm năm đó được tận dụng tối đa. Dựa vào các sản phẩm khác, họ đã dựng nên một mạng lưới hoàn hảo vươn đến mọi nơi từ Vancouver tới Waikiki. Giờ thì mọi khâu chuẩn bị đã hoàn tất.”
“Họ cho ra mẫu máy mới đầu tiên vào năm 1964. Nó được gọi là ‘Cơn sóng lớn’.”
Anh ta lôi một quyển sổ tay màu đen ra khỏi chiếc va-li bằng da, lật qua các trang và đưa cho tôi. Ở đó dán cái gì nhìn như một mẩu cắt ra từ tạp chí, đi kèm cùng với một bức ảnh chụp mặt trước của ‘Cơn sóng lớn’, một sơ đồ mặt bàn và thiết kế bảng máy, thậm chí có cả một tấm thẻ hướng dẫn.
“Đây thực sự là một chiếc máy độc đáo. Đủ các thể loại tính năng chưa bao giờ xuất hiện. Chẳng hạn như tự chọn chế độ. Với ‘Cơn sóng lớn’, anh có thể chọn chế độ phù hợp nhất với kỹ thuật của riêng mình. Chiếc máy này đã gây ra chấn động khá lớn.”
“Tất nhiên là những ý tưởng này của công ty Gilbert giờ đã trở nên thông dụng, nhưng hồi đó chúng là phát minh tối tân. Hơn nữa, chiếc máy này được thiết kế cực kỳ tốt. Quan trọng nhất, nó được làm ra để trường tồn. Sản phẩm của Big Four có thể sẽ gặp vấn đề sau ba năm, chiếc máy này có thể tồn tại đến tận năm năm. Thứ hai, nó được nhắm đến kỹ năng, thay vì sự may mắn. Sau đó, Gibert cho ra đời một số các mẫu máy nổi tiếng cùng dòng – ‘Chuyến tàu phương Đông,’ ‘Phi công bầu trời,’ ‘Đi xuyên Hoa Kỳ’ – tất cả đều được đánh giá cao bởi những người đam mê thực thụ. ‘Phi thuyền’ là mẫu máy cuối cùng của họ.
‘Phi thuyền’ là một thay đổi lớn so với bốn mẫu máy trước đó. Khi mà cả bốn mẫu máy kia đều được trang bị hết cải tiến này đến cải tiến khác, chiếc ‘Phi thuyền’ lại truyền thống và đơn giản đến đáng sợ. Ở đó không có một tính năng nào mà Big Four chưa dùng đến. Ngược lại, anh có thể nói rằng chiếc máy ấy thực sự là một lời tuyên chiến đến Big Four trên chính sân nhà của họ. Đến lúc đó Gilbert đã có đủ tự tin.”
Anh ta nói chậm rãi, nói từng chữ rành mạch. Tôi cứ gật đầu trong lúc uống cà phê. Cà phê hết thì đến uống nước, rồi khi không còn nước nữa thì hút một điếu thuốc.
“Chiếc máy ‘Phi thuyền’ – một chiếc máy lạ lùng. Không có gì thực sự thu hút từ cái nhìn đầu tiên. Nhưng chơi một lần sẽ thấy có gì đó khác. Cũng là những thanh gạt ấy, cũng là nhưng mục tiêu giống như bao máy khác, nhưng lại có gì khác. Cái khác đó mê hoặc người ta như ma túy. Tôi không hiểu tại sao. Nhưng tôi có hai lý do để gọi ‘Phi thuyền’ là một chiếc máy bạc mệnh. Đầu tiên là người ta không bao giờ hiểu hết được sự vĩ đại của nó, và đến khi họ mới bắt đầu hiểu thì đã quá muộn. Thứ hai là công ty của nó đã bị phá sản. Họ tỉ mỉ đến mức thái quá. Gilbert bị một tập đoàn lớn mua lại. Ở đó ban giám đốc cho rằng bộ phận pinball là không còn cần thiết nữa. Và thế là xong. Có tất cả mười lăm nghìn chiếc máy ‘Phi thuyền’ được sản xuất, điều này giải thích lý do tại sao nó lại được tôn sùng đến thế, và tại sao những kẻ cuồng pinball tại Mỹ lại bỏ ra đến hai nghìn đô cho một chiếc máy ‘Phi thuyền’. Mà cũng chẳng có cái nào được bán.”
“Sao lại thế?”
“Bởi vì không ai muốn dứt bỏ với chiếc máy đấy cả. Không ai có khả năng bỏ được. Một chiếc máy đúng lạ lùng.”
Nói xong, anh ta nhìn đồng hồ theo thói quen, rồi hút thuốc. Tôi gọi cốc cà phê thứ hai.
“Có bao nhiêu chiếc được xuất khẩu sang Nhật?”
“Tôi nghiên cứu rồi. Đúng ba chiếc.”
“Thế thôi ư?”
Anh ta gật đầu. “Đó là bởi vì các sản phẩm của Gilbert không tìm được cách nào để vào Nhật Bản. Vào năm 69, có một đại lý nhập khẩu đã mua vài chiếc để thử nghiệm. Là ba chiếc máy đó. Đến lúc họ muốn đặt hàng thêm, Gilbert & Sands đã không còn tồn tại nữa rồi.”
“Ba chiếc máy đó, anh có biết chúng ở đâu không?”
Tay giảng viên ngoáy chỗ đường trong cốc cà phê vài lần, rồi gãi mạnh lên vành tai.
“Một chiếc được mang đến một trung tâm trò chơi nhỏ ở Shinjuku. Trung tâm ấy đóng cửa vào mùa đông năm ngoái. Tung tích của chiếc máy hiện giờ ở đâu, không biết.”
“Cái đó tôi biết.”
“Một chiếc khác có ở trung tâm trò chơi tại Shibuya. Chỗ đó xuân rồi vừa cháy rụi. Người ta có mua bảo hiểm nên không ai mất mát gì cả. Duy chỉ có thêm một chiếc ‘Phi thuyền’ nữa biến mất khỏi thế gian. Không còn nghi ngờ gì nữa, nó đúng là chiếc máy bạc mệnh.”
“Bắt đầu giống với con Chim ưng Malta rồi đấy,” tôi nói.
Anh ta gật. “Còn vị trí của chiếc máy thứ ba, tôi không có manh mối nào cả.”
Tôi đưa ra địa chỉ và số điện thoại của Jay’s Bar. “Nhưng nó không còn ở đó nữa rồi. Vừa tống nó đi hồi hè năm ngoái.”
Anh ta cẩn trọng ghi chép lại vào sổ tay.
“Chiếc máy mà tôi quan tâm là chiếc ở Shinjuku,” tôi hỏi. “Anh thật sự không biết nó đi đâu à?”
“Có một vài khả năng. Khả năng cao nhất là ra bãi rác. Máy móc bị thay thế khá nhanh. Một chiếc máy thông thường sẽ xuống cấp trong vòng ba năm, đến lúc đó mua máy mới sẽ còn tiết kiệm hơn cả đem đi sửa. Dĩ nhiên là còn cả vấn đề hợp thời nữa. Thế nên vài chiếc sẽ bị vứt đi. Khả năng thứ hai là nó bị đem ra trao đổi. Mấy mẫu máy cũ vẫn còn dùng được được chuyền từ tay này qua tay khác, kết cục tìm đến một hộp đêm nào đó, nơi chúng dành phần cuối cuộc đời phó mặc cho những kẻ say rượu hoặc gà mờ. Và thứ ba, cực kỳ hiếm gặp, chiếc máy tìm đến được với người có đam mê. Nhưng tám mươi phần trăm các trường hợp là đến bãi rác.”
Tôi kẹp một điếu thuốc chưa châm lửa giữa hai ngón tay, mặt mày tối sầm lại.
“Cái khả năng cuối cùng đó, có cách nào để kiểm tra hay không?”
“Anh muốn thử tôi cũng không trách, nhưng sẽ khó đấy. Giữa mấy người sành chơi hiếm có sự giao lưu. Không có giấy tờ cũng không có hiệp hội chính thức nào nhưng kệ xác nó đi, tôi sẽ thử xem xem có thể làm được gì. Chính tôi cũng quan tâm đến chiếc máy ‘Phi thuyền’.
“Cảm ơn rất nhiều.”
Anh ta ngả sâu xuống lưng ghế, hít một hơi thuốc.
“Chỉ tò mò thôi, điểm số cao nhất của anh với chiếc ‘Phi thuyền’ là bao nhiêu?”
“Một trăm sáu lăm ngàn,” tôi đáp.
“Cao đấy chứ,” anh ta nhận xét với sắc mặt hầu như không đổi. “Phải nói là cao đấy.” Rồi anh ta lại gãi tai lần nữa.