Số lần đọc/download: 2986 / 66
Cập nhật: 2016-10-05 22:29:26 +0700
Chương 19/27
S
ân khấu thật quyến rũ. Bao nhiêu điểm hiệu đoàn phải tặng hết cho Tùng, nhà nghệ sĩ có tương lai làm người du tử hát câu "Chiều nay biết về nơi nao, dừng chân ta ngắm cảnh bao la sầu"... vì, đến giờ phút này, Tùng vẫn chỉ là Thủy Tinh chiến bại. Ông bác của Tùng là chủ rạp chiếu bóng Lido. Tùng xoay sở giỏi, ông bác bằng lòng cho trường mượn tổ chức đêm văn nghệ tất niên. Mọi năm, tổ chức ngay ở trường, thiếu thốn đủ phương tiện. Năm nay, Tùng "tiến bộ", Tùng tiến bộ vì Phượng mà thầy toán không hiểu. Sáu giờ chiều, rạp chiếu bóng đã đông nghẹt. Hàng ghế danh dự dành riêng cho quan khách và các thầy có một ghế ghim miếng giấy:"Ghế của trưởng ban Văn Tùng". Bẩy giờ, chương trình bắt đầu. Tùng chải đầu cánh phượng bóng loáng. Anh ta mặc sơ mi mầu xanh đậm, quần nhạt và thắt cà vạt mầu quần. Trông Tùng giống kép hát! Không nghệ sĩ học trò tí nào. Tùng lăng xăng đi lên, đi xuống. Tôi đã ghi tên hát một bài nên được đeo cái huy hiệu của ban tổ chức. Tôi đứng ở cửa rạp, đợi Phượng. Các thầy và quan khách đã tới đông đủ mà Phượng vẫn chưa tới.
Nghệ sĩ Văn Tùng kiêm thi sĩ tác giả Bốn câu phượng vĩ chạy ra hỏi tôi:
- Em tới chưa?
Tôi giả vờ ngớ ngẩn:
- Em nào?
- Phượng, Hồng Phượng!
- Chưa.
- Tôi gửi giấy mời riêng nàng. Em tới, bạn dắt lên hàng ghế danh dự, chỗ ghế ghim mẩu giấy "Ghế dành riêng cho trưởng ban Văn Tùng" giùm tôi nhé!
- Ðồng ý.
- Chương trình có em xuất hiện đấy. Bạn nhớ vỗ tay thật giòn giã.
Văn Tùng vội vàng chạy vào rạp. Bê ntrong, những màn chào cờn, mặ niệm đã xong xuôi. Văn Tùng đang bi bô đọc chương trình buổi liên hoan tất niên. Phượng tới đúng lúc đó. Tôi hỏi, giọng đầy hờn ghen, trách móc:
- Có một ghế danh dự của Phượng, Phượng ngồi đó chứ?
Phượng lắc đầu:
- Anh cho Phượng chỗ nào cũng được nhưng phải ở cạnh anh.
- Anh Tùng gửi giấy mời...
- Chắc Phượng quên không lục ngăn bàn!
Tôi muốn nắm tay Phượng nói một câu thật nồng nàn như tháng giêng, thật ngon như tháng giêng... Nhưng tôi không dám nắm tay Phượng, không thể nghĩ nổi câu nói.
- Mình vào thôi.
Hai chúng tôi vào rạp. Phượng hỏi:
- Ngồi đâu?
Tôi nói:
- Ðứng. Phượng đến muộn hết chỗ rồi. Tôi quên nhận chỗ cho Phượng, quên nhận chỗ cho luôn cả tôi.
Phượng cười. (Phượng cứ cười hoài. Bao giờ tôi thấy Phượng khóc?) Nàng bảo:
- Ðứng càng tốt. Nghe anh hát xong, Phượng về.
- Nhỡ tôi hát sau cùng?
- Phượng cũng vẫn chờ nghe anh hát.
Tôi thấy trong tôi ngập lụt cảm xúc. Và tôi nguyền rủa tôi đã quên ngắm khuôn mặt Phượng chiều nay. Trưởng ban Văn Tùng giới thiệu một đại diện học sinh lên đọc bài chúc tết thầy, phụ huynh, quan khách và bạn cùng trường. Anh đại diện được coi như niên trưởng của lớp đệ tứ. Anh đã hai mươi sáu tuổi, một vợ, ba con và chúng tôi quen đùa là học sinh râu. Bài chúc tết của anh rất cảm động. Phượng nói nhỏ bên tai tôi:
- Ở Hà Nội không có màn này.
Sau bài chúc tết thắm thiết tình nghĩa luân lý giáo khoa thư, trưởng ban Văn Tùng bước ra mi cô:
- Thưa quý thầy, thưa quý vị, sau đây là mục Bông hồng tình nghĩa chúng con kính dâng quý thầy, quý vị...
Tùng nhìn xuống đám khán giả:
- Xin mời chị Trần Thị Hồng Phượng...
Phượng bối rối:
- Chết rồi!
Tôi trấn an nàng:
- Phượng lên gắn hoa hồng vào áo của các thầy và quan khách. "Nó" đã ghi tên Phượng vào chương trình.
Tôi khích lệ Phượng:
- Phượng lên đi, tôi đưa Phượng lên.
Phượng nghe lời tôi. Nàng thẫn thờ bước lên phía sân khấu. Lòng vừa giận dỗi vừa lo âu. Dường như, mặt nàng đỏ hồng vì xấu hổ. Dưới ánh đèn, Phượng rực rỡ, Phượng tuyệt vời. Ðêm nay sẽ có bao nhiêu cậu học trò hút thuốc lá, bao nhiêu cậu học trò thức trắng đêm làm thơ, bao nhiệu cậu tưởng đã yêu Phượng. Người ta vỗ tay hoan hô Phượng. Người ta ngợi sắc đẹp của nàng. Một cô nữ sinh khác bê một cái khay đồng phủ lụa trắng và trên lớp lụa trắng là những bông hồng tươi với cuống dài đã lấy hết gai ra. Phượng đến trước từng thầy, từng vị quan khách. Mỗi lần nàng gài một bông hồng lê náo thầy là mỗi lần tiếng vỗ tay muốn vỡ mái rạp chiếu bóng. Màn này chấm dứt, hai chúng tôi lại về cuối rạp, đúng ở chỗ cũ.
Phượng hậm hực:
- "Nó" là ai hở, anh Chương?
Tôi nói:
- Thi sĩ Văn Tùng!
Phượng khó chịu:
- Bốn câu thơ của ông ấy nên gửi đăng vào mục vui cười. Phượng biết rồi, ông ấy đã viết cho Phượng những bức thư gửi "cô nương, ái khanh"...
Tôi hỏi:
- Làm sao Phượng biết?
Phượng đáp:
- Thấy nét chữ trong cái giấy mời. Thi sĩ Văn Tùng thích đùa, Phượng sẽ đùa cho ông ấy biết tay.
Phượng cứ hậm hực, cứ cau có như thế đi. Tôi sung sướng lắm. Nàng bảo tôi:
- Anh giục "nó" cho anh hát trước đi. Chúng mình về sớm, dạo phố đếm những cây hồi.
Tôi chiều ý Phượng ngay. Tùng bằng lòng. Bắt đầu phần nhạc kịch bằng bài hát Em tôi của Lê Trạch Lựu do Văn Tùng tay đàn miệng ca. Rồi đến Ai về sông Tương của Thông Ðạt do Ái Phượng đơn ca. Rồi đến Thơ ngây của Anh Việt do Hoài Phượng trình bày. Những "ca sĩ" này đã là những thi sĩ xuất hiện trên bích báo Xuân Hồng. Ái Phượng là Nguyễn Văn Thức. Hoài Phượng là Phạm Văn Tải. Hai tên "cục bột", ngớ ngẩn nhất lớp mà cũng biết yêu Phượng. Thì tôi, tôi cần yêu Phượng hơn họ. Ðến lượt tôi lên hát. Tôi hát bài Ngày ấy của Johann Strauss bằng tiếng Anh. Ngày ấy, chúng mình còn niên thiếu, em đã nói em yêu anh. Vào một buổi sáng tháng Năm rực rỡ, em nhớ chứ? Tiếng vỗ tay cuối cùng vọng lên từ một góc cuối rạp. Tôi xúc động. Tôi muốn ngất đi. Không ai hô "bis" cả. Cần gì. Tôi đâu hát cho họ. Tôi chỉ hát vì Phượng, cho Phượng. Tôi xuống sân khấu về chỗ có Phượng. Và chúng tôi dời khỏi rạp. Chúng tôi lại đi khắp phố tỉnh lỵ đếm những cây hồi. Mưa xuân đã rắc bụi. Mưa xuân rắc bụi lên tóc chúng tôi.
- Anh Chương?
- Hở?
- Phượng bằng lòng quá. Bài hát có câu vào một buổi sáng tháng Năm rực rỡ... Tháng Năm sắp tới hẳn sẽ rực rỡ.
- Tháng Năm sắp tới, những cây hồi chúng ta đang đếm sẽ có hoa và mùi hoa hồi thơm lạ lùng lắm.
- Phượng sẽ đi với anh để ngửi mùi hoa hồi.
- Vào tháng Năm?
- Vâng, vào tháng Năm.
- Tháng Năm hoa phượng nở rợp trời tỉnh lỵ.
- Chúng ta sẽ đi nhặt hoa phượng ép vào vở như "ngày ấy, chúng ta còn niên thiếu".
Hai đúa gần gũi nhau hơn đêm Giáng Sinh vừa qua. Trời không có sao. Ðêm cuối năm mù mịt. Mưa xuân lại rắc bụi đến nỗi những ngọn đèn đường cũng mờ ảo. Mưa xuân rắc bụi cho chúng tôi. Tuy thế, những con phố chúng tôi đi qua vẫn đủ sáng, vẫn đủ ánh sáng dẫn vào lối mộng. Phượng nói:
- Phượng đã thuộc bài thơ Tương tu thảo của anh rồi.
- Nó đâu đáng học thuộc.
- Anh nói vậy Phượng sẽ giận anh đó.
- Thì thôi.
- Nhưng Phượng trách anh nhiều. Tại anh đăng cái cảm tưởng về ô mai của anh, ký tên Phượng nên Phượng nhận được nhiều gói ô mai ở ngăn bàn học. Có lẽ, Phượng nên mở cửa hiệu bán ô mai. À, anh Chương...
- Hở?
- Mai Phượng lên Hà Nội.
- Phượng giận tôi à?
- Phượng lên Hà Nội ăn tết. Nghỉ học rồi mà, ăn tết xong, Phượng sẽ về Thái. Phượng còn nhiều chuyện muốn nói với anh. Ta đợi tháng Năm nhé!
- Ðiều Phượng muốn tôi tặng?
- Ăn Tết xong đã. Anh mau quên quá.
- Tôi sốt ruột.
- Một giúm tương tư thảo sẽ giúp anh bớt sốt ruột. Anh có muốn tiễn chân Phượng không?
- Không.
- Tại sao?
- Tiễn chân Phượng, tôi sẽ buồn lắm.
- Tùy anh. Mai Phượng đi chuyến xe bẩy giờ.
Tôi đưa Phượng về nhà. Và quên mất thị xã có bao nhiêu cây hồi. Ngày mai Phượng lên Hà Nội. Ngày mai tôi ở lại thị xã đìu hiu này. Tôi biết Phượng sẽ trở lại Thái nhưng vẫn tưởng Phượng đi mãi không về. Tình yêu vĩnh cửu. Tại sao khi yêu người ta cứ ngỡ tình yêu chóng phôi pha? Tại sao tôi đã ngỡ tôi đang mất Phượng, mất Phượng từ lúc một mình trên đường khuya dưới trời mưa bụi? Ðêm Giáng Sinh vừa qua, Phượng bảo Phượng thương những con đường thiếu ánh đèn điện. Ðó là nhũng con đường mù. Con đường tôi đương đi về nhà tôi là con đường mù. Tất cả nhũng con đường khi người yêu xa vắng để ta lầm lũi cô độc đi đều là những con đường mù, những con đường câm. Bắt đầu tự bây giờ, cả bầu trời trên tôi, cả không gian quanh tôi, cản nhân gian gần tôi đã mù và câm. Tháng giêng cũng câm. Mùa xuân câm luôn. Và Tết câm nốt. Tôi có một thời gian mong đợi lê thê. Tôi ghét Tết. Tôi thù Tết. Hỡi Tết, hãy chóng qua và chóng tàn cho Phượng trở lại kẻo tôi giết Tết. Bất chợt, tôi vớ được tâm sự não nùng về Tết: Tôi có chờ đâu có đợi đâu, Mang chi xuân lại gợi thêm sầu. Với tôi tất cả như vô nghĩa, Tất cả không ngoài nghĩ khổ đau... Ai đâu trở lại mùa thu trước? Phải, tôi muốn trở lại tháng chín, muốn tìm lại chút xao xuyến đầu tiên từ mùi thơm của hương tóc Phượng.
Có lẽ, sáng mai tôi sẽ ra bến xe. Tôi sẽ đứng nấp một chỗ tiễn chân Phượng. Rồi tôi sẽ về hút nhiều thuốc lá nhớ Phượng. Nhớ Phượng châm thuốc lá. Khói huyền bay lên sao.