Số lần đọc/download: 3179 / 36
Cập nhật: 2016-06-20 20:54:37 +0700
Chương 16: Hội Nhập
H
ội nhập không phải là một sự lựa chọn. Nó là một thực tế. Khi lợi ích của những người nuôi cá ba sa ở Đồng bằng sông Cửu Long phải được bảo vệ ở phía bên kia của địa cầu thì chúng ta đã thật sự bắt đầu một cuộc chơi mới. Cuộc chơi mới thì có luật chơi mới. Luật chơi mới chưa hẳn đã công bằng hơn, nhưng thiên hạ chấp nhận thì tại sao chúng ta lại không?
Vấn đề là chuẩn bị cho cuộc chơi mới như thế nào. Và sự chuẩn bị quan trọng nhất bắt đầu từ tư duy.
Hội nhập là việc sông đổ vào biển. Nước sông sẽ mặn lên và nước biển sẽ nhạt đi. Tuy nhiên, sông sẽ mặn lên chính vì biển rộng vô cùng. Cũng tương tự như vậy, chúng ta sẽ phải thay đổi cho phù hợp với thế giới hơn là thế giới sẽ bị thay đổi theo ý muốn của chúng ta. Từ cách thức ban hành luật lệ, cách thức quản trị quốc gia, quản trị doanh nghiệp đến việc giải quyết các tranh chấp... các chuẩn mực quốc tế sẽ phải được áp dụng. Quan trọng nhất sẽ là việc thiết lập pháp quyền, bảo đảm sự minh bạch và tính đoán trước được trong cách hành xử. Chúng ta đã thành công trong việc áp dụng nhiều loại ISO vào sản xuất và kinh doanh. Vấn đề là các ISO cho hoạt động của công quyền cũng sẽ phải nhanh chóng được áp dụng.
Đối chiếu với năng lực thực tế của chúng ta, chuẩn mực của thế giới nhiều khi không thật công bằng. Tuy nhiên, chỉ có những chuẩn mực cao hơn mới thúc đẩy chúng ta tiến lên phía trước. Những chuẩn mực thấp hơn chỉ làm cho chúng ta tụt lại ở phía sau. Vì vậy, dễ dàng hơn chưa chắc đã tốt đẹp hơn.
Trong vô số các chuẩn mực, điều quan trọng là xác định được các ưu tiên. Đã tham gia SEA Games thì ưu tiên là những môn mà chúng ta có thể giành chiến thắng. Đã hội nhập thì ưu tiên là những thứ mà chúng ta có thể cạnh tranh được ở trên thị trường.
Thực ra, vẫn có hai sự lựa chọn trong việc xác định chiến lược phát triển kinh tế ở đây. Một là, dành toàn bộ ưu tiên cho những thứ xuất khẩu được. Những thứ chúng ta làm ra nhưng không rẻ hơn của thiên hạ thì nên nhập khẩu mà dùng. Hai là, coi trọng việc thay thế nhập khẩu. Những gì chưa thay thế được thì cần phải nâng cao tỷ lệ nội địa hóa. Mỗi sự lựa chọn đều có những lý lẽ của nó và đều dẫn đến những hệ quả hết sức to lớn. Tuy nhiên, có vẻ như chúng ta vẫn chưa có được một sự lựa chọn tương đối mạch lạc. Các chính sách khuyến khích xuất khẩu và ưu tiên thay thế nhập khẩu đang được áp dụng đan xen nhau và gây khó dễ cho nhau. Phải chăng “bâng khuâng đứng giữa đôi dòng nước” cũng là một cách lựa chọn? Đất nước đang chuyển đổi, cũng giống như cô gái đang xuân thì, sự bâng khuâng là điều dễ hiểu, nhưng cũng cần nghĩ đến việc lỡ thì, quá lứa rất có thể xảy ra.
Chính sách thay thế nhập khẩu trước mắt có thể góp phần giải quyết việc làm và tiết kiệm ngoại tệ. Nhưng xét về bản chất, đây rõ ràng là một chính sách nhắm vào việc khai thác thị trường trong nước. Với 80 triệu người tiêu dùng, thị trường trong nước là rất to lớn. Tuy nhiên, thị trường quốc tế chắc chắn sẽ to lớn hơn rất nhiều. Cũng giống như biển to lớn hơn sông, cơ hội mà biển mang lại cũng sẽ to lớn hơn sông. Nhờ thị trường toàn cầu, một công ty chỉ chuyên xuất khẩu đồ chơi lắp ghép cho trẻ em như công ty LEGO ở đất nước Đan Mạch nhỏ bé cũng có thể trở thành 1 trong 20 công ty giàu có nhất thế giới. Thu nhập hàng năm của công ty này lớn hơn nhiều lần so với toàn bộ kim ngạch xuất khẩu của nước ta. Như vậy, xe hơi nhiều khi chưa chắc đã mang lại được sự giàu có lớn hơn những mảnh nhựa lắp ghép. Vấn đề là cần nhận biết và phát triển được những mặt hàng “LEGO” của Việt Nam hơn là nội địa hóa những chiếc má phanh lắp cho xe gắn máy của Nhật Bản hoặc của Đài Loan.
Chính sách thay thế nhập khẩu thường gắn với một thị trường được bảo hộ. Tuy nhiên, khả năng bảo hộ của chúng ta cho các nhà sản xuất “không thể nào khá lên được” sẽ ngày càng hạn chế. Sau AFTA sẽ là WTO, thiên hạ mở cửa thị trường của họ cho chúng ta đến đâu, thì chúng ta buộc lòng phải mở cửa thị trường của mình cho họ đến đó. Như vậy, sắp tới cái mà chúng ta thật sự sẽ có là “một chiếc bình thông nhau”. Với “chiếc bình thông nhau này”, những gì bán được cho thiên hạ mới chắc chắn là những thứ bán được ở trong nước cho chính chúng ta. Rủi ro lớn nhất của hội nhập là tình trạng chúng ta chẳng bán được gì cho thiên hạ, đồng thời cũng chẳng bán được thứ gì cho chính chúng ta.
Tất nhiên, để bán được hàng cho thiên hạ, ngoài chất lượng, giá cả, chúng ta sẽ còn cần phải đấu tranh để bảo đảm các điều kiện thương mại công bằng. Nếu mỗi người nông dân ở các nước đang phát triển như nước ta mỗi ngày chỉ kiếm được trên dưới 1 USD, trong lúc đó mỗi con bò ở nhiều nước phương Tây được trợ giá mỗi ngày lên tới 2 USD, thì những con bò Tây “nhập cảnh” vào nước ta sẽ dễ dàng hơn sản phẩm của những người nông dân “xuất cảnh” sang nước họ. Tuy nhiên, đây là công việc phải được giải quyết trên bàn hội nghị chứ không phải trên những cánh đồng. Nhanh chóng gia nhập WTO là rất cần thiết để chúng ta nâng cao khả năng thương lượng, đồng thời hợp tác với các nước đang phát triển khác để đấu tranh cho một trật tự thương mại thế giới công bằng hơn.