Fear keeps us focused on the past or worried about the future. If we can acknowledge our fear, we can realize that right now we are okay. Right now, today, we are still alive, and our bodies are working marvelously. Our eyes can still see the beautiful sky. Our ears can still hear the voices of our loved ones.

Thích Nhất Hạnh

 
 
 
 
 
Tác giả: Philip Roth
Thể loại: Tiểu Thuyết
Nguyên tác: Everyman
Biên tập: Đỗ Quốc Dũng
Upload bìa: Đỗ Quốc Dũng
Số chương: 20
Phí download: 4 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 1611 / 38
Cập nhật: 2017-08-18 15:48:35 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 18
Ông không hề cảm thấy như thể mình đang đùa. Ông cũng không cảm thấy như thể mình phải đang cố biến điều gì thành hiện thực. Đây chính là điều có thực, sự kết nối mãnh liệt với nắm xương tàn ấy.
Mẹ ông qua đời ở tuổi tám mươi, cha ông thì chín mươi, cất cao tiếng ông nói với họ, "Con đã bảy mươi mốt. Con trai của ba mẹ đã bảy mươi mốt rồi." "Tốt. Con còn sống," mẹ ông đáp, và rồi cha ông nói, "Hãy ngoái lại và hãy chuộc lại mọi lỗi lầm có thể, và khiến những gì con để lại trở nên tốt đẹp nhất."
Ông không thể đi. Sự dịu dàng này vượt ngoài kiểm soát. Cũng như khát khao rằng ai cũng phải được sống. Và bắt đầu lại mọi thứ từ đầu.
Ông đang bước ngược trở lại qua nghĩa trang về xe thì gặp một người da đen đang dùng xẻng đào huyệt. Ông ta đang đứng dưới chừng nửa mét huyệt đào dở và ngừng tay, rồi gạt đất sang một bên khi vị khách tiến đến gần. Ông ta vận áo choàng đen, đội một chiếc mũ bóng chày cũ, và nhìn hàng ria bạc cùng những nếp nhăn trên mặt mà nói thì ít nhất ông ta cũng phải năm mươi. Vóc dáng ông ta, tuy vậy, vẫn còn vững chãi và cường tráng.
"Tôi tưởng giờ người ta đào huyệt bằng máy rồi," ông nói với người đào huyệt.
"À, đúng là ở những nghĩa trang lớn, nơi người ta phải đào nhiều huyệt, thì hầu như người ta dùng máy." Ông ta nói giọng miền Nam, nhưng rất khúc chiết, rất chính xác, giống một giáo viên mô phạm hơn một gã lao động chân tay. "Tôi thì không dùng máy," người đào mộ tiếp tục, "vì nó có thể làm sụt mộ khác. Đất có thể bị lún sụt rồi đè chặt xuống quan tài. Rồi còn bia mộ nữa, cũng phải để ý. Trong trường hợp của tôi thì làm bằng tay dễ hơn. Gọn hơn nhiều. Dễ dàng chuyển phần đất đã đào đi mà không làm hỏng thứ gì khác. Tôi dùng một máy kéo loại nhỏ dễ điều khiển, còn đào thì bằng tay."
Giờ ông mới để ý thấy cái xe kéo ở chỗ lối đi um tùm cỏ dại giữa hai hàng mộ. "Máy kéo để làm gì?"
"Để kéo đất chuyển đi. Tôi làm nghề này lâu đến mức biết chính xác cần chuyển đi bao nhiêu và để lại bao nhiêu đất. Mười xe đầu tiên thì tôi chở đi. Còn lại tôi chất lên ván gỗ. Tôi đã đặt sẵn vài tấm gỗ dán. Như ông thấy đây này. Tôi lót gỗ dán để không phải hất đất lên mặt cỏ. Nửa phần đất còn lại tôi đem hất hết lên mấy tấm ván đó. Để sau này đem lấp mộ. Rồi tôi đậy hết lại bằng tấm bạt xanh lá này. Cố làm tươm tất cho gia đình người ta. Đậy bạt xanh để trông giống như cỏ."
"Ông đào huyệt thế nào vậy? Tôi hỏi vậy ông có phiền không?"
"Không sao," người đào huyệt nói, vẫn ở vài chục phân dưới huyệt, nãy giờ vẫn không ngừng tay. "Hầu như chả ai quan tâm. với hầu hết mọi người, biết càng ít về điều này càng tốt."
"Tôi muốn biết mà," ông trấn an ông ta. Ông muốn biết thật. Ông không muốn đi.
"À, tôi có một sơ đồ. Cho biết vị trí mọi chỗ chôn đã được bán hoặc được chia ô sẵn nằm chờ trong nghĩa trang. Với sơ đồ này ông có thể xác định được lô đất đã được mua, có trời mới biết từ đời nào, năm mươi hay bảy mươi lăm năm trước. Khi đã định vị được nó tôi mang một gậy dò tới. Nó kia kìa. Cây gậy chừng hai mét nằm trên mặt đất ấy. Tôi lấy cây gậy này, chọc xuống sâu chừng ba chục phân nửa mét, đấy là cách tôi xác định xem bên dưới có mộ nào không. Bang - trúng vào là nghe thấy ngay. Rồi tôi lấy một cái que đánh dấu trên nền đất vị trí của huyệt mới. Tôi có một khung gỗ chuyên để đặt lên nền mà cắt đất cho vuông vắn. Trước hết tôi lấy một chiếc xẻng chuyên dụng để cắt lớp mặt đất theo khung gỗ. Sau đó tôi đo đạc, cắt nó thành những khoảnh nhỏ chừng ba mươi nhân ba mươi phân, rồi đem ra sau, khuất tầm mắt - vì tôi không muốn bày bừa ra nơi sắp tổ chức tang lễ chút nào. Càng ít đất thì càng dễ dọn dẹp. Tôi không bao giờ muốn để lại một đống lộn xộn. Trước đó tôi đã đặt sẵn một tấm gỗ dán ở đằng sau ngôi mộ liền kề để có thể mang những vuông đất này ra. Tôi đặt chúng lên, xếp thẳng thớm, sao cho trông vẫn như lúc vừa được cắt lên nguyên khối. Việc đó mất khoảng một tiếng đồng hồ. Một phần khó của nghề này. Làm xong việc đó rồi thì tôi bắt đầu đào. Tôi mang máy kéo lại, kèm cả rơ moóc. Việc tôi làm trước tiên là đào. Cũng là những gì tôi đang làm đây. Thường thì con trai tôi sẽ đào phần đất cứng. Giờ thì nó khỏe hơn tôi rồi. Nó thích đến sau khi tôi đã xong phần của tôi. Khi nó bận hoặc không có nhà thì tôi tự đào từ đầu đến cuối một mình. Nhưng khi có nó thì tôi để nó đào phần khó. Tôi đã năm mươi tám rồi. Tôi không còn đào khỏe như xưa nữa. Hồi nó vào nghề lần nào tôi cũng cho nó ra đây, chúng tôi thay nhau đào. Hồi đó vui lắm, vì nó còn nhỏ, và việc này cho tôi thời gian chuyện trò với nó, chỉ có hai cha con."
"Anh nói với thằng bé chuyện gì?"
"Không phải về nghĩa địa rồi," ông ta bảo, cười lớn. "Không phải những chuyện như tôi đang nói với ông."
"Thế thì chuyện gì?"
"Mọi thứ nói chung. Cuộc sống nói chung. Trở lại chuyện đào mộ, tôi đào phần đầu. Tôi dùng hai cái xẻng, một cái xẻng vuông khi đất còn mềm và ta có thể xúc được nhiều hơn, rồi chuyển sang xẻng tròn đầu, xẻng thông thường. Đó là dụng cụ đào đất cơ bản, một cái xẻng bình thường thông dụng. Nếu dễ đào, nhất là vào mùa xuân khi đất không cứng lắm, khi mặt đất còn ẩm ướt, tôi dùng cái xẻng to xúc được hàng xẻng đầy hất lên rơ moóc. Tôi đào từ trước ra sau, rồi đào đến thành huyệt vừa đào vừa dùng xẻng chuyên dụng nắn thành huyệt cho vuông vắn. Tôi dùng cái đó và một cái chĩa thẳng -gọi là cái chĩa đào. Cái đó cũng dùng để vuốt thẳng, nén đất xuống, miết các mép, tóm lại là làm cho vuông vắn. Ta phải giữ huyệt vuông vắn ngay từ lúc đang đào. Được độ mười xẻng thì cho lên rơ moóc chuyển đến một khu trũng trong nghĩa trang - chúng tôi đang lấp phẳng chỗ đó - rồi đổ đất lên, quay lại, lại xúc đất lên xe chở đi. Lại mười xẻng. Đến đây là đã xong một nửa rồi. Đã đào được sâu gần một mét."
"Vậy tính từ khi bắt đầu thì mất bao lâu?"
"Mất khoảng ba tiếng thì tôi xong. Có khi còn mất đến bốn tiếng. Tùy thuộc tình hình cụ thể. Con trai tôi thì đào giỏi lắm - chỉ mất tầm hơn hai tiếng rưỡi thôi. Việc này phải làm ban ngày. Thường tôi đến đây từ sáu giờ sáng, còn con tôi thì tầm mười giờ. Nhung giờ nó hơi bận nên tôi bảo nó muốn đến khi nào cũng được. Nếu thời tiết nóng nực thì nó đợi đến đêm mát mới tới. Với người Do Thái, chúng tôi chỉ được báo trước một ngày, nên phải làm thật nhanh. Còn ở nghĩa trang Thiên Chúa giáo" - ông chỉ tay sang nghĩa trang chềnh ềnh nằm bên kia đường - "những người tổ chức sẽ báo trước cho chúng tôi hai đến ba ngày."
"Anh làm nghề này bao lâu rồi?"
"Ba mươi tư năm. Một khoảng thời gian dài. Công việc cũng tốt. Yên bình. Cho ta thời gian để nghĩ. Nhưng rất vất vả. Bắt đầu làm lưng tôi đau rồi. Tôi định một ngày nào đấy, gần đây thôi sẽ giao hết lại cho con tôi. Nó sẽ tiếp quản còn tôi sẽ chuyển về nơi nào đó ấm áp quanh năm. Bỏi vì, đừng quên, tôi chỉ mới kể ông nghe về chuyện đào huyệt. Còn phải quay lại lấp nữa. Việc đó sẽ tiêu tốn khoảng ba tiếng đồng hồ nữa. Đặt khoảnh đất lúc trước đã cắt ra trở lại, vân vân. Nhưng trở lại đoạn huyệt đào xong đã nhé. Con trai tôi sẽ làm nốt những công đoạn cuối. Nó miết lại cho vuông, nén phẳng phần đáy. Huyệt sâu chừng mét tám, trông tuyệt lắm, có thể nhảy xuống được. Như ông bạn già cùng đào với tôi cái huyệt đầu tiên đã nói, nó cần phải đủ phẳng để kê được giường. Hồi nghe gã nói thế tôi đã cười nhạo. Nhưng đúng thế đấy: ta phải đào cái huyệt này, sâu mét tám, và nó phải phù họp với lợi ích của gia đình và lợi ích của người chết."
"Tôi đứng đây xem anh có phiền không?"
"Không sao. Đây là một cái huyệt dễ đào. Không gặp phải đá. Cứ thế thẳng tiến."
Ông quan sát ông ta cắm xẻng xuống xúc đất lên rồi dễ dàng hất lên tấm gỗ dán. Vài phút một lần ông lại dùng cái chĩa làm tơi đất thành huyệt rồi chọn một trong hai cái xẻng đào tiếp. Thỉnh thoảng có một hòn đá nhỏ bị hất lên tấm ván, nhưng hầu như những gì lấy ra khỏi huyệt chỉ là đất nâu ẩm, dễ dàng tơi ra khi rời lưỡi xẻng.
Ông quan sát từ bên cạnh tấm bia mộ mà người đào huyệt đã chọn để đặt những vuông đất sau tang lễ sẽ đắp trở lại huyệt mới đào. Mặt huyệt vừa khít tấm ván gỗ dán nơi những vuông đất giờ an tọa. Ông vẫn chưa muốn đi, không phải lúc này khi chỉ cần quay đầu lại là ông có thể trông thấy bia mộ cha mẹ. Ông không bao giờ muốn đi.
Chỉ tay vào tấm bia, người đào huyệt nói, "Ông bạn này đã chiến đấu trong Thế chiến thứ hai. Tù nhân chiến tranh ở Nhật. Tử tế kinh lên được. Tôi biết ông ấy từ cái hồi ông ta còn hay lui tới đây thăm mộ vợ. Một gã tử tế. Luôn là một người tốt. Là kiểu người sẽ dừng lại giúp đỡ khi ta bị hỏng xe giữa đường."
"Vậy ra anh quen biết một vài trong số những người ở đây."
"Ừ chắc chắn rồi. Ở đây có một cậu bé, mới mười bảy. Chết trong một vụ đâm xe. Bạn bè nó đến và đặt bia lon lên mộ. Hoặc là cần câu cá. Nó thích câu cá."
Ông ta gõ gõ cái xẻng xuống tấm ván cho sạch một cục đất bám rồi lại tiếp tục đào. "Ô," ông ta nói, nhìn qua nghĩa trang ra đường, "bà ấy đến rồi kìa," rồi ngay lập tức đặt xẻng qua một bên, tháo đôi găng tay bảo hộ màu vàng ra. Lần đầu tiên từ nãy đến giờ ông ra khỏi huyệt, đập hai chiếc giày vào nhau để giũ sạch đất bám.
Một phụ nữ da đen lớn tuổi đang tiến lại huyệt mộ đang đào dở, một tay cầm phích giữ lạnh nhỏ kiểu cũ, tay kia cầm phích giữ nóng. Bà đi giày thể thao, vận quần vải ni lông cùng màu với găng tay người đào huyệt, áo khoác gió màu xanh kéo khóa in tên đội New York Yankees.
Người đào huyệt nói với bà, "Quý ông tốt bụng đây đã tới đây thăm mộ và ở đây với anh cả sáng nay."
Bà gật đầu, đưa cho ông ta cả hai cái phích, ông ta đặt xuống bên xe kéo.
"Cảm ơn em. Arnold vẫn đang ngủ à?"
"Nó dậy rồi," bà đáp. "Em đã làm cho anh hai suất thịt băm nướng và một xúc xích hun khói."
"Ngon quá. Cám ơn em."
g
Bà lại gật đầu rồi quay gót ra khỏi nghĩa trang, lên xe lái đi.
"Vợ anh đấy à?" ông hỏi người đào huyệt.
"Thelma đấy. Ông mỉm cười nói thêm, "Bà ấy nuôi dưỡng tôi."
"Không phải mẹ ông chứ?"
"Ôi không, không - không đâu thưa ông," người đào huyệt bật cười, "Thelma không phải mẹ."
"Ra tận đây bà ấy không ngại sao?"
"Anh phải làm điều anh phải làm. Triết lý vắn tắt của bà ấy đấy. Việc này với Thelma về bản chất chỉ là đào một cái hố. Bà ấy chẳng thấy có gì đặc biệt."
"Anh chắc là muốn ăn trưa rồi, nên tôi sẽ đi ngay đây. Nhưng tôi muốn hỏi điều này - không biết có phải anh đã đào mộ cho cha mẹ tôi không. Họ được chôn ở đằng kia. Để tôi chỉ cho anh."
Người đào huyệt theo chân ông cho tới lúc họ có thể thấy rõ khu mộ của gia đình ông.
"Anh đào những mộ này phải không?" ông hỏi.
"Chắc chắn rồi, tôi đào chúng," người đào huyệt đáp.
"Ừ, tôi muốn cám ơn anh. Tôi muốn cám ơn vì tất cả những gì anh đã cho tôi biết và vì anh đã cho tôi biết thật rõ ràng. Không thể cụ thể hơn được. Đây là kiến thức hay cho một người già. Tôi cám ơn anh vì đã nói cụ thể, và tôi cám ơn anh vì đã cẩn thận đến thế, chu đáo đến thế trong lúc đào mộ cho cha mẹ tôi. Không biết tôi có thể tặng anh cái này không."
"Cám ơn ông, nhưng lúc đào tôi đã nhận tiền công rồi."
"Ừ, nhưng tôi muốn tặng anh và con trai anh một thứ. Cha tôi luôn nói, 'Tốt nhất nên trao tặng khi tay còn đương ấm.'" Ông dúi vào tay người đào mộ hai tờ năm mươi đô la, và khi lòng bàn tay rộng, thô ráp của ông ta nắm lại quanh hai tờ giấy bạc, ông nhìn ông ta thật kỹ, nhìn khuôn mặt đôn hậu chằng chịt nếp nhăn và làn da lỗ rỗ của người đàn ông da đen để râu ấy, người có lẽ một ngày không xa nữa sẽ đào huyệt cho ông, đủ phẳng đáy để kê giường.
Những ngày tiếp sau đó ông chỉ còn một việc phải làm là mòn mỏi chờ họ trở lại trong tâm trí, không chỉ là những bộ xương cha mẹ của một lão già mà là hai vị cha mẹ bằng da bằng thịt của một thằng bé măng non đang tới bệnh viện trên chiếc xe buýt cùng Đảo giấu vàng và Kim cất trong chiếc túi để trên đầu gối mẹ. Thằng bé còn rất nhỏ nhưng vì có mẹ ở bên nên nó không hề tỏ ra sợ hãi, nó gạt đi mọi ý nghĩ về cái xác thủy thủ trương phềnh mà nó từng chứng kiến Cảnh vệ Bờ biển mang đi khỏi mép bờ biển nhuốm dầu tràn.
Một buổi sáng thứ Tư ông đến bệnh viện sớm để phẫu thuật mạch cảnh phải. Trình tự y hệt như khi ông mổ mạch bên trái. Ông chờ đến lượt trong phòng đợi cùng những người có lịch phẫu thuật khác, cho tới khi được gọi tên, và rồi trong chiếc áo bệnh nhân mỏng, chân đi dép giấy, ông được một y tá đưa vào phòng mổ. Lần này khi được hỏi bởi một bác sĩ gây mê đeo khẩu trang kín mít rằng ông muốn gây tê cục bộ hay gây mê, ông đã yêu cầu được gây mê hoàn toàn để dễ chịu đựng cuộc phẫu thuật lần này hơn lần trước đó.
Nhưng lời nắm xương ấy nói khiến ông thấy vui và vững vàng. Cả sự khuất phục của những ý nghĩ đen tối nhất dù khó khăn lắm mới đạt được nữa. Không gì có thể dập tắt sức sống của cậu bé đó, cậu bé sở hữu một cơ thể chưa hề thương tổn, như một quả ngư lôi nhỏ, thanh mảnh, một thời từng cưỡi trên những con sóng lớn Đại Tây Dương, từ hàng trăm mét ngoài khơi đại dương dữ dội vào bờ. Ôi, sự tự do của nó, và mùi của nước muối và mặt trời hừng hực! Ánh ngày, ông nhớ lại, thấm vào khắp mọi nơi, ngày hè này nối tiếp ngày hè khác, dệt nên bằng thứ ánh ngày chói lóa hắt lên từ mặt biển thở phập phồng, một kho báu thị giác mênh mông và quý giá, đến độ lẽ ra ông đã có thể dùng chiếc kính lúp kim hoàn có khắc những chữ cái đầu tiên của tên cha mà ngắm nhìn chính cái hành tinh hoàn hảo, vô giá này - ngắm nhìn ngôi nhà của mình, hành tinh Trái Đất hàng tỉ, hàng tỉ tỉ, hàng tỉ tỉ tỉ ca ra! Ông lịm đi khi vẫn cảm thấy còn xa mới ngã gục, vẫn cảm thấy mọi thứ ngoại trừ cái chết, vẫn háo hức được toại nguyện một lần nữa, nhưng không, ông chẳng bao giờ thức dậy. Ngừng tuần hoàn. Ông không còn nữa, được giải thoát khỏi bản thể, bước vào hư vô mà thậm chí không hề hay biết. Hệt như ông đã sợ từ đầu.
Người Phàm Người Phàm - Philip Roth Người Phàm