Số lần đọc/download: 1914 / 61
Cập nhật: 2015-07-18 13:01:35 +0700
Chương 19
C
húng tôi vừa về đến lều thì chị Phụng nói:
- Có khách!
- Ai vậy?
- Ai, vô đây thì biết!
Tôi vừa ló đầu vô thì bật ngửa, ú ớ một chập mới nói được!
- Nguyệt!
- Anh! – Nguyệt chỉ kêu lên một tiếng rất khẽ rồi quay mặt vào vách lều.
Tôi đứng sựng, không biết làm gì nói gì. Vân bảo chị Phụng ra ngoài giúp đỡ nước xuống. Chị nhìn tôi, cười nháy nháy tôi và bước ra. Mặc dù hoàn cảnh vô cùng thuận tiện nhưng tôi vẫn cứ bàng hoàng không định tâm được May sao nghe có tiếng nhạc sĩ Cao ở ngoài, tôi bước ra và kêu lên:
- Hồi hôm mày ở đâu?
- Ở đó chứ ở đâu.
Hoàng Việt thì chưa biết gì nên bảo tôi dóm bếp nấu trà uống bồi dưỡng sau chuyến đi, nhưng Vân xua tay:
- Tôi cho nó miễn công tác từ giờ đến… sáng mai.
Cao nháy Hoàng Việt và nói:
- Nó có một cái bếp khác cần nhóm lại lửa.
- À thế hả! – Hoàng Việt cười khắc khắc – Vậy thì lui cho mau kẻo tro nguội lạnh khó nhóm.
Tôi đứng xớ rớ một chút rồi trở vào lều lấy gan đi lại gần Nguyệt:
- Đêm qua Nguyệt ở gần trận bom không?
- Trái gần nhất nổ cách em chừng năm chục thước, còn anh?
- Cũng gần em thôi!
Im lặng chắn ngang giữa hai người như một bức tường. Bỗng
- Em còn yêu anh sao Nguyệt? – Tôi hỏi.
- …
- Anh đã là con thuyền xa bờ tình ta ngàn dặm từ lâu.
- Em biết!
- Anh cũng có lỗi một phần.
- Anh không có lỗi gì t Đó chỉ tại hoàn cảnh thôi. Nếu không có vụ tập kết thì không có chuyện gì xảy ra cả.
- Tập kết cũng chưa đến nỗi nào. Tại ba cái lập trường! – Tôi lấy lại tự nhiên nhanh chóng, bảo – Em ngồi lên võng đi Nguyệt! Anh mệt quá, phải nằm nghỉ chút đã.
- Anh đi lấy nước vừa về hả?
- Đem về nửa chừng bọc nước bị gai móc rách, đổ nước hết trơn. Đổ rồi khó hốt hả em? – Không hiểu sao tôi lại triết lý bất ngờ như vậy rồi cảm thấy mình bi sa lầy.
Nguyệt lặng thinh và vẫn đựng quay mặt vào vách lều.
Tôi nói:
- Anh đã quên em lâu rồi.
- Em biết. Chính vì em có lỗi nên em bị anh xua đuổi mà em vẫn muốn gặp anh.
- Anh xua đuổi em hay em xua đuổi anh?
- Lần thứ nhất ở gần Đò Lèn.
- Anh đến tìm em kia mà! Em biết anh lội bộ ba mươi cây số không?
- Rồi anh giận anh bỏ về, chị Loan theo anh để nói chuyện anh vẫn bỏ đi.
- Sao em không tiếp anh mà để chị Loan tiếp.
- Anh không ở trong cuộc nên anh không biết chuyện gì đã xảy ra cho em trong chỉnh huấn cải cách ruộng đất. Nếu anh biết một phần nào thì anh đã đối xử với em khác đi rồi.
- Họ đấu cái thành phần của em là cùng – cũng như anh thôi – chứ làm gì nữa?
- Sau cải cách ruộng đất cấp ủy kêu em lên nói thẳng là em không có được dính líu gì với anh nữa. Anh đã phản tỉnh ở cơ quan của anh là anh yêu em phải không?
- À thì đó là chuyện không thể giấu tổ chức được, em phải biết là lúc đó không những anh mà ai ai cũng vậy. Không phản tỉnh họ truy rồi cũng phải khui ra.
- Bởi vậy người ta biết nên người ta chặn em. Em khóc ghê lắm.
- Rồi sao anh đến, em không ra gặp anh?
- Cơ quan bảo thế, em còn mặt mũi nào? Vả lại em cũng không dám.
- Anh lại nghĩ là em đã thay đổi.
- Chẳng lẽ mới hứa lại thay đổi. Người gì như vậy?
- Sao em không cả viết thư?
- Em cũng không dám. Vả lại người ta đã bảo vậy rồi còn thư từ gì nữa. Riêng anh nếu em không ra gặp anh thì anh phải trở lại lần nữa chớ, sao anh đi luôn?
- Tự ái!
- Em không tự ái sao? Người ta đã bỏ mình. Mình còn thiết gì nữa?
- Có thiếu gì bạn của anh trong đoàn Văn Công, sao em không bảo chúng nó nhắn anh?
- Em không muốn nhờ ai cả. Em là đứa cứng đầu!
- Chị Loan có nói em là đứa con cứng đầu nhất trong gia đình..Nhưng sao cứng đầu với anh?
- Anh đã không tới, em lại đi tìm à?
- Sao hồi em đi diễn ở Sầm Sơn em cũng không muốn gặp anh?
- Em nghe anh đã có người bạn nào rồi!
- Chỉ là một cách trả thù em thôi. Giận cá chém thớt.
- Thiệt không?… Anh biết không? Em luôn luôn có người muốn ngỏ lời. Trong ba năm trời. Em nhất định không. Chờ nghe cho rõ vấn đề của anh đã, để sau khỏi ân hận.
- Rồi em nghe ra sao?
- Anh biết đấy. Anh ở Hà Nội mà! Anh có nhiều người làm mai lắm.
- Ai nói với em?
- Những người làm mai cho anh!
- Anh không nhờ bất cứ một người nào làm mai cho anh.
- Người ta tự nguyện. Nhưng tự nguyện hay do mai mối thì cũng thế thôi. Em muốn lập gia đình quách.
- Với ai?
- Em có thể chọn trong mười người chầu chực ở cửa ngoài.
- Thì sao không chọn?
- Vì anh.
- Vì anh cái gì kia chớ?
- Vì anh chưa có vợ, anh còn đó, anh chưa thuộc về ai, em cũng không muốn em thuộc về ai khi em còn một tí hi vọng gặp lại anh.
- Sao em không viết thư.
- Tự ái!
- Hừ!
- Có cả một lần em thấy anh đi coi Văn Công ở Nhà hát lớn với người ta nữa kia mà.
- Với ai? Kịch gì?
- Kịch Lu Ba!... Em được đoàn đưa ra Hà Nội xem để rút kinh nghiệm, nhưng gặp vụ đó, em bỏ về, không xem đêm kịch.
- Xốn mắt à?
- Em muốn trả thù anh.
- Cách nào?
- Thiếu gì cách! Nhưng em nghĩ lại. Làm anh khổ thì em lại là người khổ hơn.
- Mấy tên chạy đèn cù chung quanh em nói lén anh dữ lắm. Anh biết.
- Mấy người bạn của anh học lại với anh chớ gì! Cấp ủy xây dựng em cho một người lái xe…
- Cho đúng lập trường!?
- Em không tưởng tượng được nếu chồng em là một người lái xe, thì em sẽ nói những gì với anh ta, và anh ta sẽ nói gì với em trong lúc ăn cơm, đi dạo.
- Em thì phản tỉnh việc mạnh dạn rứt bỏ thành phần cũ còn anh ta thì nói về những cây số lái xe an toàn, quý xe như con, quý xăng như máu hà hà…
- Ê gặp nhau, không có đấu tranh giai cấp đa nghe! Khi gần bên nhau thì phải vui sống trong “Niềm thương mến” (‘) đa nghe – Tiếng Hoàng Việt từ bên ngoài vọng vào
(*) Một câu trong bài hát của Xuân Vũ – Phan Vân.
Cao xuất hiện ở cửa, nói oang oang vào:
- Mười năm rồi! Giận gì dai thế. Vuốt giận đi cô dượng. Đáng lẽ có con chín mười tuổi rồi, mà bây giờ vẫn còn chân trơn. Tôi biết cả hai người đều tự ái chứ không có lỗi gì cả Tôi cũng biết hai người còn yêu nhau. Nếu không, kẻ đã có chồng người đã có vợ lâu rồi, chứ không còn nhùng nhằng tới bây giờ.
Gặp nhau ở đây là vạn hạnh. Thì giờ không có nhiều. Cuộc sống như hai mặt của một tờ giấy. Thấy không? Nếu đêm qua, bom lia tới vài chục thước nữa thì chưa biết ai sẽ khóc ai. Xí xoá hết, hãy hôn nhau, hôn nhau đi, đừng hờn giận nữa, mệt lắm. Như tôi đây nè, muốn gần vợ mà không gần được, cô dượng gần nhau sao cứ làm cho xa ra?
- Hà hà… Hoàng Việt tiếp – Nhạc sĩ văn hoa gớm nhỉ! Mới mi-nơ chuyển qua ma-giơ ngọt ngào, thôi vứt bỏ nhịp chỏi đi em trai em gái.
- Ở đây có đủ. Nè tao làm chủ hôn bên gái, ông Lá Xanh chủ hôn bên trai. Vợ tao phù dâu, thằng Cao phù rể, lấy lều tao phòng hoa chúc. Chiều nay làm một tiệc bánh xèo! – Vân hăng hái vẽ thêm chi tiết – Sẵn rượu cồn chín mươi chữ đây, pha nước suối uống cho say mèm một bữa mừng tụi bây ký “hiệp định” R..rrơ….neo liền đi!
Tôi bỗng thấy lại cả khung cảnh ngày hai đứa mới yêu nhau. Nàng ra khu sau vụ Trò Ơn với sự hướng dẫn của chị Loan là chị ruột của nàng. Lúc đó tôi bị thương về nằm Quân y xá. Cùng là học sinh xa trường, nhưng tôi đi kháng chiến trước nàng vài năm. Chúng tôi yêu nhau một cách tự nhiên không có sự gàn cản cũng không ai mai mối.
Chỉ hục hặc từ lúc ra Bắc và sau chỉnh huấn cải cách ruộng đất.
- Bây giờ em định sao, Nguyệt?
- Em cũng chưa định sao cả, chỉ thấy cần gặp anh nói với anh mấy lời như vậy thôi.
Tôi bước xuống võng đến gần bên Nguyệt. Nàng vẫn quay lưng lại tôi như từ lúc đầu. Tóc nàng trổ màu hoe và bím thành hai đuôi sam buông thả sau lưng chứ không kẹp đuôi gà như trước. Mảng da gáy vừa sạm vừa mét vì sương gió và sốt rét. Từ ngày yêu nhau cho đến lúc ra Bắc tôi vẫn sợ cầm tay nàng, không dám hôn nàng, cũng không nói cả mấy tiếng “anh yêu em,” nàng cũng không hề thốt ra câu “em yêu anh.” Tất cả tình yêu chỉ được chứa trong mắt và tỏa ra từ mắt.
Tôi vịn vai nàng. Rồi bất thần nắm hai vai xoay nàng ra và hôn má hôn môi nàng. Nàng đầy tôi ra nhưng tôi không buông. Tôi hôn nàng như nói những lời thú tội. Tội gì tôi cũng không biết nữa, nhưng tôi cảm thấy mình có tội. Để cho nàng đau khổ mười năm phải chăng vô tội?
Đôi má nàng vừa xám vừa xanh, nhưng tôi cảm thấy làn da bừng lên đốt tan mọi nỗi niềm u ẩn, mọi thứ đau buồn chồng chất trong tôi.
- Nguyệt! Nguyệt. Anh vẫn yêu em! Anh đã thầm nói với em những lời ấy từ những phút đầu gặp em. Anh chỉ nói với em!
Nàng nhắm mắt. Nước mắt trào ra. Mặt nàng ngửa ra hứng những cái hôn mà tôi đặt lên với tất cả sinh lực, với tất cả hận thù, không biết hận thù ai.
- Em chỉ đến với anh lần này và là lần cuối! – Nàng bỗng mở to mắt nhìn tôi như bừng tỉnh và hốt hoảng. Nàng có vẻ không phản đối nhưng cũng không chấp nhận những cử chỉ nồng nàn của tôi.
Tôi thầm thì bên tai nàng với sự hối hận tràn lòng. Lâu nay mình đi ta bà thế giới như con bướm lãng tử không có một lần nhớ lại hình dáng hoa xưa, chẳng ngờ hoa vẫn còn đứng còn chờ.
- Em vẫn còn yêu anh sao, Nguyệt?
- Em đến đây để nhận sự khinh bỉ cửa anh.
- Không bao giờ. Anh mới là người đáng cho em xa lánh.
- Em muốn gặp anh nhưng anh từ chối, tại sao?
- Tự ái.
- Nếu em cũng từ chối? Mà em là người đáng lẽ phải từ chối và người yêu cầu là anh.
- Từ chối vì anh không muốn chắp lại cái gì đã nát tan…
- Trong anh thôi.
- Thôi bỏ đi, Nguyệt ạ! Bây giờ mình đâu có thì giờ để trách móc nhau.
Thì ra tôi vẫn còn yêu Nguyệt. Vậy mà lâu nay tôi tưởng tôi đã quên được nàng rồi. Cái tôi cố quên chính là cái tôi không thể quên. Mười năm qua đi trong đời một người con gái với bao nhiêu là khuấy trộn, hết ba cái lập trưởng bá láp đến những rình chụp của đám sĩ quan khát tình vây quanh nàng và nàng phải xua đuổi tất cả với hai tay yếu đuối cửa nàng để chỉ sống với những hình ảnh xa vời ngày xưa với đóm lửa tình leo lét.
- Mời anh chị ra xơi cơm “mí” chúng em ạ! – Tiếng Cao vọng vào.
- Có ớt đây ăn thêm một chén, (*) chú thím!
(* ) câu chuyện hài hước trong kháng chiến Nam Bộ. Một anh cán bộ đến nhà đồng bào, chủ nhà mời ăn cơm nhưng anh ngại ngùng mãi với tìm được lý đo. “Có ớt, cháu xin ăn thêm một chén!”
Tôi kéo tay Nguyệt đi, nhưng Nguyệt vùng ra.
Cơm đã dọn sẵn. Trời ơi, một bữa giỗ ở Trường Sơn. Giỗ ai? Giỗ những người Nam kỳ vừa về quê chớp nhoáng trong tiếng bom đêm qua, giỗ anh chàng thiếu tá đi lậu giải phóng Miền Nam, giỗ Phương vừa nằm xuống ở ven Eo Máu, giỗ những mối tình của tôi liệm oan sau khi bị bức từ vì chuyến xuôi Nam buôn vinh quang của tôi – và mừng, mừng sống lại mối tình của tôi và Nguyệt.
- Chị Loan và anh Trọng công tác ở đâu, Nguyệt? – Tôi đột ngột hỏi.
- Ở Hà Nam.
- Mấy cháu rồi?
- Hai, một trai một gái.
Tôi nhớ chị Loan nhờ cái răng khểnh, nhớ Nguyệt nhờ cái lúm đồng tiền. Hai chị em nhưng là hai mẫu người trái ngược. Chị Loan mềm mỏng, uyển chuyển, Nguyệt thẳng thắn đến cứng đầu.
Chị Phụng vào lều lôi Nguyệt, Nguyệt cũng không ra ăn cơm. Chí Phụng mang vào cho nàng một nắp gà mèn cơm và thức ăn, rồi ở lại rù rì với Nguyệt.
Hoàng Việt nói:
- Bữa nay có rượu đấy nghe mày!
- Nó đâu cần rượu mới say – ông dược sĩ duyên dáng chêm vào – say lâu, say oắc hơn cồn chín mươi nữa!
Hoàng Việt vừa lắc lắc chiếc bi đông vừa hỏi tôi:
- Hội nghi Rrrơ-ne chưa kết thúc à?
- Còn chờ giải quyết ngoài hành lang – Cao nói với bộ râu mal rasé của nó!
Vân cười:
- Làm cạn nửa bi đông cồn pha nước lã này thì nó “ký” thôi.
- Hồi trước mày hay làm “hémo chó mực” (*) bây giờ còn làm không? Thứ đó bổ dữ. Phải bây giờ có tẩm gân thì đỡ biết mấy. – Tôi gợi ý.
(*) Hemoglobine Deschiens, một loại thuốc bổ máu của Pháp trong kháng chiến Nam Bộ, cán bộ rất thích dùng để tẩm bổ.
- Bây giờ tao có nhiều thứ “ác” hơn huyết “chó mực” nhiều.
- Huyết khỉ hả?
- Ấy chết cha! Nồi cao khỉ của tao… Vân chạy vô lều rồi trở ra – Chưa ăn thua. Lửa yếu quá! Để ăn cơm xong tao đi kiếm củi già, đun một đêm thì có cao pha cồn uống lên… cân cấp kỳ.
- Phục vụ kịp thời lắm đó ông dược sĩ.
- Nhưng không bằng B12 đâu! – Vân nói – Tao có cả ngàn ống đây. Uống cũng không hết, đừng nói chích.
- Làm gì đem theo dữ vậy?
- Cho mấy ông kẹ ở trỏng chớ phải cho tao hay sao – Thấy chị Phụng vẫn còn ở trong lều, Vân nói khẽ: – Mấy cái hũ rượu sống đó cũng là đem cống hồ cho các hoàng thượng ở trỏng.
Tôi ngó quanh và hỏi:
- Hũ rượu nào đâu?
- Cái thằng! – Hoàng Việt gằn và nhìn tồi – Nói vậy, thấy sờ sờ đó mà không hiểu gì hết! Tối dạ quá mậy!
- À ạ! Tôi biết rồi – Thảo nào!
- Một công hai chuyện, mày thấy trung “ươn” sáng suốt chưa nào. Vừa dùng các em như lừa tải hàng vừa dùng các em như cối giã… thịt – Vân tiếp – nhưng còn một tác dựng thứ ba nữa là các em hoá thành máy sản xuất một thứ thuốc bổ phi thường, B12, sâm chẳng ăn thua mẹ gì so với thứ “thuốc” đó!
- Nhau ngâm mật ong và Fi-la-tốp?
- Cũng gần đâu đó!
- Cái gì nữa!
Hoàng Việt lại gằn:
- Sao mày tối dạ vậy hả. Rồi mần răng mà “sáng toác”?
Vân rỉ tai tới. Tôi kêu lên:
- Thế cơ à? Ghê thế!
- Ghê mẹ gì. Cái vụ này có hồi thời me xừ Ba Xuẩn vô Nam. Quân y ông Cả Hát làm thí nghiệm trước rồi truyền xuống cho các Y xá các tỉnh. – Vân nhăn mặt gãi đầu
- Sáng kiến này ở đây bên nước anh em mình học tập!
- Tao nghe mắc ói quá!
- Mấy ổng đâu có xé phay như gà giò hay sao. Tụi tao phải chế biến chứ lỵ. Nghiền ra cho nhỏ rồi làm cao đơn hoàn tán như chệt bán ở các tiệm thuốc Bắc ở chợ làng mình ngày xưa vậy.
- Dã man quá!
- Cách mạng mà mậy. Cái gì lại không dám làm. Miễn thắng lợi thời thôi. Giết non cũng được mà giết già cũng tốt.
- Hồi đó tới giờ mày đã nghiền bao nhiêu thai nhi rồi?
- Tao không nghiền, mà tao chỉ huy nhân viên của tao nghiền. – Vân tiếp – Khổ cái là ở Hà Nội thì có máy móc đỡ ghê tay, còn vô đây thì phải dùng tay ớn quá. Họ cho tao bắt các em, muốn bắt đứa nào đứa đó phải đi. Tội nghiệp con gái người ta mới lớn lên, muốn vinh thân nên đi vào ngành này. Chúng có biết đâu chúng sẽ thân tàn ma dại! – Vân ngon trớn kể luôn – Khi tao chọn là tao vâng lệnh cấp trên. Tao bảo đi vào phục vụ ngành “Dược trẻ trung” của mặt trận. Các em phấn khởi lắm. Tuổi trẻ không biết cạm bẫy của “các bác các chú.” Nghe kêu gọi vì Miền Nam là lao đầu vào. Miền Nam gì, đây là một lũ nhà thổ cách mạng. Tao ra Hà Nội mười năm, có học hành được chút nào thêm về nghề nghiệp đâu, toàn pha chế loại thuốc trường sanh bất lão cho các chả không thôi. Bây giờ về Nam cũng mang tiếp cái nghiệp chướng đó chứ đâu phải phòng y dược gì! Bí mật lắm đó! Nhưng với tụi mày và anh Bảy là những người hiểu kháng chiến và quen lâu với tao nên tao nói cho nghe chơi. Trên đường này đâu có cái đoàn nào kỳ cục vậy.
Hoàng Việt hỏi:
- Rồi ông có pha chút nào loại cao đơn hoàn tán đó vô cồn này không?
- Không! Tao chỉ bỏ sâm bột thôi.
Hoàng Việt rút nút bi đông kê lên mũi ngửi và nói:
- Đúng rồi, có mùi sâm!
Vân tiếp:
- Mỗi em mang mười ký thuốc gồm có sâm, B12, Vitamine C,B,D, quinine, quinova, đường cát… Còn lại bao nhiêu là đồ lề cá nhân. Mười hai em tải được trên một trăm kilô thuốc quí! Thấy không? Ngoài ra còn loại “thuốc” mà các em sẽ phải sản xuất” sau khi vào tới trong kia. Đau đớn nhất là không có tình cảm với những kẻ ngủ với mình mà lại có con với chúng. Và đau đớn hơn nữa, chính tay các em lại nghiền xương thịt của mình để vò lọn thành thuốc tầm bổ cho những kẻ phá nát đời mình.
- Quái gỡ thật! Tôi kêu lên.
- Đi theo cách mạng hai mươi năm, hôm nay tao mới hiểu cách mạng – Cao lắc đầu nói.
- Tao ớn lắm mày ơi và anh Bảy ơi! – Vân lại tiếp- Khi được kêu về Nam, tao đã tưởng sẽ thoát khỏi những gì mình không vừa ý. Mình sẽ trở lại cuộc đời lang bạt kỳ hồ như hồi kháng chiến chống Pháp. Làm thằng cán bộ quèn mà thấy vinh quang và thấy con người mình vĩ đại biết bao. Nhưng khi tao vào đến nơi rồi, tao thấy cũng y như ở Hà Nội. Cũng Bắc kỳ đô hộ, cũng tranh giành địa vị, mạt sát hạ nhục nhau để lấy một cái chỗ chẳng cao sang gì. Và rồi cuối cùng tao được giao cho nhiệm vụ bào chế “cao đơn huờn tán” cho các chả. Thôi, tàn đời rồi! Cuộc kháng chiến chống Mỹ kỳ này có lẽ còn dài hơn cuộc kháng chiến chống Pháp. Tao đáng lẽ đi Liên Xô học dược sĩ cao cấp, nhưng người ta cho tao về Nam. Tao đã thấy trước vấn đề nên xin trở ra Bắc để lấy thêm “nhu cầu” cho cái phòng oái oăm của tao. Và tao đã đem vợ tao vô luôn.
Chị Phụng ló đầu ra nói:
- Thôi mà, kể chuyện đời xưa cái gì hổng biết nữa. Được về xứ là mừng rồi!
- Về “nước” chớ không phải về xứ, chị Phụng ạ! – Tôi tiếp – mười năm qua mình như ở nước nào khác không phải nước mình. Bây giờ về, là về nước, không phải về xứ.
Bữa cơm tuy ở giữa rừng, nhưng có bàn tay đàn bà lại khác. Nhiều món ăn quá. Ruốc thịt. Canh ruốc thịt, cá chà bông. Rau rừng luộc. (Không biết rau gì nhưng đang thèm chất xanh, nên cứ ăn bừa. Có chuyện gì sẵn được sĩ bên cạnh). Muối tiêu, muối ớt. Và cồn pha sâm bột. Vân sắp rót rượu, bỗng kêu lên:
- Em ơi, ra giúp anh tí?
Tôi và Hoàng Việt cười ré lên. Tôi nói:
- Đáng lẽ bả phải kêu mày: “Anh đội Miền Nam ơi, giúp em tí” chớ!
- À… à…. Chị đội Miền Nam ơi! Ra giúp anh tí! Chị lấy đùm cái cốc pha thuốc ra đây uống rượu cho phải điệu chút coi, uống bằng cái chén sắt Hungari này ố điệu quá em à!
- Vậy vẫn còn ngon hơn uống “rượu ngó” ở Hà Nội.
Ăn xong, ai nấy đều lên võng nằm ru giấc thần tiên. Chị Phụng đem nắp gà men cơm còn nguyên trở ra. Chị cằn nhằn Vân:
- Sao không ăn để cơm nguội lạnh hết!
Vân nói nhỏ với chị. Chi có vẻ đồng ý. Vân bước lại dặn Cao:
- Mày ngủ đi! Nó có kêu cũng đừng dậy. Bây giờ tối rồi. Nó không dám đi về một mình. Hiểu chưa?
Tôi nghĩ thầm: Thằng này kinh nghiệm thật!
Vân quay lại tôi, rỉ tai:
- Bây giờ tới phần mày nghe! Nên nhớ tiến một bước lùi hai ba bước để tiến thẳng tới mục tiêu nghé! Phen này mà hỏng nữa thì hết cơ hội đó.
Tôi hơi nản. Không phải vì sợ nàng từ chối tình yêu của tôi. Nàng đã tìm đến đây trong hoàn cảnh này là vô hình trung nàng đã chấp nhận nó rồi. Nhưng tôi nản là vì chia ly rồi lại chia ly. Lần chia ly này có thể là vĩnh viễn. Tàn nhẫn vô cùng. Nàng đã bị bầm dập đớn đau mười năm, bây giờ vết thương có thể được băng bó, nhưng để rồi nàng lại tiếp tục mang nó cho đến bao giờ. Hằng triệu người vợ trung thành với chồng ở Miền Nam để dược tiếng khen của trung ương bâng quơ của đảng “Miền Nam đi trước về sau! Hằng triệu người chồng chạy quanh trên đất Bắc thèm khát một mái ấm gia đình vào chiều thứ Bảy, thấy cảnh hạnh phúc của gia đình Miền Bắc để mà hối hận vì mình đã nhẹ dạ cả tin, bỏ vợ con đi tập kết hai năm về – ông nhạc sĩ bạn tôi kia là một điển hình – để được các đồng chí chuyên gia Liên Xô khen: “Các đồng chí là thần thánh, xa vợ mười năm mà vẫn không léng phéng ái tình? Chúng tôi thì đi sang Việt Nam một tuần cũng phải mang vợ theo rồi.”
Tôi không muốn Nguyệt chờ tôi trên đất Bắc. Tôi cũng không thể chờ Nguyệt ở Miền Nam. Tôi đã ba mươi ba tuổi rồi. Vào tuổi này bố tôi đã có tôi mười ba tuổi học xong lớp nhất trường quận. Ông nội tôi có tôi vào lúc ông bốn mươi tuổi. Tôi thấy tôi cần một đứa con cho gia đình tôi. Hơn nữa vì tôi là con một. Tôi coi cách mạng là tai nạn cho tôi kể từ khi tôi leo cái dốc đá thứ nhất trên dãy Trường Sơn. Sở dĩ tôi không cưới vợ – mặc dù tôi có thể cưới đàng hoàng – trên Miền Bắc vì tôi biết chắc trước sau gì tôi cũng về Nam bằng đường Trường Sơn. Tôi không thể để vợ con tôi ở lại Hà Nội và chờ tôi. Có khi lại tuyệt vọng. Con đường này là một thứ route sans joies như tôi đoán. Và, thật, đúng như vậy – Vợ góa, con côi, chồng lên đài tử sĩ!
Tôi ngập ngừng không muốn vô lều mà tôi biết trong đó Nguyệt đang bị gài mắc lại.
Đó cũng lại là một lý do khác, tôi không hăng hái bước vào. Tôi muốn cái gì đến với tôi thì cái đó không phải do sự cướp giật hoặc thủ đoạn. Nhưng tôi cũng quá ngây thơ, không chịu hiểu rằng không có cái gì đến mà tự nguyện hoàn toàn. Trong tình yêu lại càng thủ đoạn, dù ít dù nhiều. Người con gái có biết nhưng vẫn vui lòng đi vào cái bẫy hạnh phúc mà chàng giăng ra cho mình.
- Sao em không ăn cơm? – Tôi bước vào và hỏi.
- Em không đói. Nguyệt nằm trên võng và khẽ đáp.
Bóng chiều đã trùm phủ khắp núi rừng. Trong lều hơi tối. Tôi ngồi bên đầu võng. Nàng nói:
- Em đến đây để từ giã anh và chúc anh về tới quê hương.
- Chỉ có thế thôi à?
- Vâng. Ý định của em chỉ có thế.
- Nếu chỉ có thế thì em không phải nhọc công lặn lội tới đây.
- Nhưng em muốn thế. Bởi vì có lẽ không còn dịp gặp nhau nữa. Anh đi một hướng còn em đi một hướng,
Đây là câu nói “nguy hiểm” mà tôi không hiểu. Qua mấy tiếng ấy, nàng muốn nói gì?
- Anh với em chỉ một đường thôi.
- Em trở ra còn anh đi vào!
- Nhưng chỉ một mục đích giải phóng quê hương.
- Anh về Nam trước nhất là để gặp gia đình và cưới vợ, không phải để giải phóng gì cả.
- Sao em biết? – Tôi suýt bật cười nhưng ghìm lại được
- Tất cả những người đàn ông tập kết đều có ý định đó.
- Thôi cũng được đi. Ai lại không muốn cưới một người vợ cùng quê cùng giọng nói.
- Trừ anh!
Tôi như bị chặn họng. Chưa kịp ú ớ để ngụy biện thì nàng tiếp:
- Một người Bắc, rồi một người Trung, rồi…
- Ai bảo em thế?
- Máy bay địch!
- Hồi nào?
- Mấy hôm trước đây.
- Sao có chuyện lạ vậy.
- Nhờ nó em mới biết chớ không em làm sao biết nổi. – Nguyệt tiếp – Anh không tin em à? Người vợ chưa cưới của anh tên là Phương người Quảng Nam phải không?
Tôi hết cãi được. Nguyệt lại tiếp:
- Chị Phương hi sinh trên đường về quê. Địch bắt được nhiều tài liệu trong đó có những bức thư của anh gởi cho chị ấy. Có cả hình ảnh của anh và của hai người chụp chung. Em nói thật mà. Máy bay rải tràn lan xuống đây vài hôm trước. Nhờ địch mà em có được tấm hình của anh.
Tôi không ngờ một câu chuyện lạ lùng như thế đến với tôi
- Dù sao thì chuyện cũng đã kết thúc rồi em ạ.
- Còn một người nữa chứ, đâu đã hết, anh!
- Người nào nữa? – Tôi định chối phăng.
Nhưng Nguyệt nói ngay:
- Hôm bữa biểu diễn kịch ở trạm ngoài, anh nhớ không.. Em nhờ anh Cao đến tìm anh, bảo rằng em muốn gặp anh. Anh Cao đến vừa nói, anh gạt ngang. Anh Cao về, em hỏi, anh Cao gắt: Thôi “phăng teo” cho rồi đi, nó có con nhỏ ba-lê đeo dính nó đằng kia, nó không có muốn bạn rộn với cô đâu! ”
Thế là đã rõ. Cái thằng mắc dịch hại tôi rồi. Nhưng cũng chẳng trách gì nó được. Lúc đó trái tim tôi đang đầy ngập hình ảnh của Phương lẫn Thu. Khi no ai còn thèm ăn. Bây giờ thay đổi bất ngờ. Thằng no hóa ra kẻ chết đói.
- Em muốn xử tội anh cách nào thì cứ xử cho mát bụng em!
- Em đâu có quyền gì. – Nguyệt ngồi bật dậy – Em phải về đoàn. Có lẽ chúng em phải trở lại Miền Bắc anh ạ. Đoàn chỉ có lệnh phục vụ mấy trạm đầu thôi nhưng anh Sáu cho đi vô thêm tới đây là quá xa rồi.
- Tối rồi, em không đi được.
- Anh Cao đi với em mà.
- Nó say rượu rồi.
- Rượu ở đâu?
Bỗng có tiếng gọi từ bên ngoài. Giọng của Hoàng Việt:
- Ê thằng qui, mày có cần đậu phộng rang Hà Tỉnh không? Há há…
- Thôi cha nội ơi!
- Đậu phộng ở đâu vậy anh?
- Thôi mà, mấy anh đâm hơi hoài, để cho người ta ký hiệp đinh! – Tiếng chị Phụng phản đối.
- Có cần thì mai tao cho hai thìa vung. Há há…!
Tôi nói với Nguyệt:
- Em không về được đâu! Bom trộm bất tử, nguy hiểm lắm. Tôi tiếp luôn – Em nghe này, Nguyệt. Đây là giây phút quyết định. Nếu em đồng ý thì anh có thể là chồng của em ngay bây giờ.
- Anh chỉ là người yêu của em thôi.
- Tại sao?
- Em thấy em không yêu ai hết, ngoài anh. Anh đã hút tất cả máu trong tim em.
Tôi với tay lên quặt đầu nàng xuống như bẻ một trái chín bất chợt tìm thấy ở một cành hoang. Lá khô làm nệm, đất sỏi làm giường, đêm tối là hoa thêu gấm dệt quây phòng cho chúng tôi. Nàng nằm im. Chỉ khe khẽ kêu một câu điệp khúc.
- Chị Phụng cười chết. Chị Phụng cười chết!
Tôi như không còn nghe gì nữa. Tôi là con ngựa rừng chạy tuôn gai góc và ngã bên bờ suối thỏa thuê với dòng nước tràn ngập đồng cỏ. Bao nhiêu dậm đường đã lùi lại phía sau những vó thần với mặt đất nát nhừ và những hố hào đào bới trong tiếng ngựa hí khúc khải hoàn.
Tôi đã biến Nguyệt thành đàn bà trong một niềm hạnh phúc mong manh đặt meo bên hố chết.
- Nguyệt! Anh hứa với em một câu không thay đổi. Em có nghe không?
- Nghe, em nghe!
- Anh là chồng của em.
- Vâng, chứng ta đã là vợ chồng – Nàng quả quyết nói và chấm câu bằng một cái hôn dài và cháy gò má tôi. Và khóc mùi mẫn.
Tôi bế nàng đặt lên võng. Chiếc võng như lá đò chở khách tình khẳm đừ êm êm không trôi mà neo tại chỗ: thằng cuội nằm ôm mặt trăng hay chìm giữa mật trăng cũng không rõ.
Nàng tỉnh tuồng móc trong túi ra dưa cho tôi chiếc khăn tôi tặng nàng khi mới yêu nhau. Không biết bây giờ là mấy giờ rồi. Sương rơi lộp độp trên nóc lều. Vắng lặng lạ lùng. Tôi nghe hạnh phúc có thực, sờ đụng và cầm được. Da, thịt, hương tóc, làn môi của Nguyệt lan tỏa, ấm đọng trong tôi.
- Anh đừng làm em khổ nữa nhé!
- Không bao giờ!
- Về trên cơ quan, em sẽ xin đi B ngay với lý do theo chồng về Nam chiến đấu.
Tôi hôn Nguyệt. Hôn mãi, hôn mãi!
Từ bên ngoài vọng vào tiếng hát lâm ly. Của chàng nhạc sĩ vừa nối lại mối tình đứt cho tôi và lại là người có trái tim tan vỡ không phương hàn gắn. Giọng anh ta khàn khàn đau đớn.
Chiều mênh mông còn vướng chân mây
Bao niềm vui bay theo nắng tắt
Bao màu tươi chết trong tháng ngày
Người chiến binh miền núi, trầm ngâm ngắm chiều rơi
Vương sầu thiên lý đầy vơi
Im nghe gió chiều nay hòa dư âm ngàn lá
… Biết khi nào tới quê hương
Anh ta sáng tác bài này hồi nào? Có lẽ mới đây, trong chuyến đi này. Nhưng lời lẽ như vậy ai dám hát? Chắc hắn ta nhớ vợ con, miệng hát mà tay nén chặt tim đau.
Sáng hôm sau Nguyệt về đoàn. Tôi quảy ba lô đưa nàng đi cùng với Cao. Cả một quyển tiểu thuyết viết bằng nước mất. Lần thứ hai tôi có “vợ.” Lần này thì thật rồi nhưng lại phải xa nhau, ngay khi vừa sum họp.
Nhưng đoạn kết vô cùng bi thảm.
Bạn đọc thân mến,
Tôi đau khổ vô cùng khi viết đến đây. Tôi muốn nói với các bạn trẻ của tôi hiện giờ. Đi theo cách mạng vô sản TẾU hăm ba năm (1945-1968) tôi chẳng được cái gì cả. Làm cách mạng để làm gì? Tôi không phải là nhà cách mạng nhưng trong cách mạng có tôi. Tôi có cống hiến trí óc – cả máu nữa, cho cách mạng để đổi lấy bầm dập và tan nát. Tan nát nhất là đời tư. Hai lần suýt có vợ hai lần tan vỡ tan tành. Tôi định sẽ viết tới đoạn kết của mối tình tôi và Nguyệt trong quyển “Đến Mà Không Đến” sắp tới đây, nhưng không biết tôi có viết được không.Vì lẽ này lẽ nọ! Thôi, sẵn đây viết luôn mấy nét chính.
Khi tôi về đến R được một ít lâu thì một người không quen tìm đến cho tôi hay rằng Nguyệt đã về tới bên Bộ Tư lệnh Quân Giải phóng. Tôi mừng vô hạn. Hạnh phúc đã hiện ra rồi, gần đầy đủ mặt mũi tay chân. Đó là ân huệ độc nhất mà tôi được cách mạng ban bố: “Cho vợ theo chồng chiến đấu! ” Nhưng ân huệ chưa hưởng hết thì tai nạn lại đến liền..
Tôi vừa sang gặp nàng thì… một trận bão tới. Nàng chết trong cơn bão đó. Tấm thân người con gái bị đè nát dưới một cội cây cổ thụ tróc gốc. Cả cơ quan phải cưa cả ngày mới đem nàng ra được. Nàng được liệm bằng võng màn từ Bắc mang về và chôn trong một cái quan tài đan bằng cây nứa. Cùng bị tử nạn trong trận bão đó còn có một nhạc sĩ thổi clarinette số một miền Bắc, người Nam Bộ, tên Lập, vốn là nhân viên của đoàn Văn Công mà nàng là Chỉ huy phó.
Thôi, thế là hết.
Tiếp theo đó, cơ quan Văn nghệ R phải tản khai nhanh chóng vì có tin quân đội Mỹ sắp mở chiến dịch Johnson City đánh vào các cơ quan R. Tôi phải đi ngay nên không có cả thì giờ sửa sang nấm mộ cho nàng. Thế là trên con đường này tôi mất hai người yêu.
Thế là trong vòng mấy tháng tôi mất hai người con gái sắp hoặc đã làm vợ của tôi. Một nằm ở ven Eo Máu, một an nghỉ ở rừng Miên. Phương và Nguyệt.
Tôi còn biết sống làm sao? Tôi thấy mình không có duyên với cách mạng hoặc ngược lại, cách mạng là cái thứ gì vô duyên nhất đối với tôi.