Hãy biến vết thương lòng thành những bài học có ý nghĩa.

Oprah Winfrey

 
 
 
 
 
Tác giả: Franz Kafka
Thể loại: Tiểu Thuyết
Nguyên tác: Das Schloss
Dịch giả: Trương Đăng Dung
Biên tập: Lê Huy Vũ
Upload bìa: Lê Huy Vũ
Số chương: 20
Phí download: 4 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 2887 / 134
Cập nhật: 2017-05-10 22:13:21 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 19
ó lẽ chàng cũng đã đi ngang qua trước cửa phòng Erlanger một cách xa lạ như thế nếu Erlanger không đứng ở nơi cánh cửa mở và không ra hiệu cho chàng. Ông ta ra hiệu ngắn gọn, một lần, bằng ngón tay trỏ. Erlanger đứng với tư thế sẵn sàng lên đường. Ông ta mặc chiếc áo choàng bằng lông thú, màu đen, cổ áo dựng cao gài chặt. Một người đầy tớ tay cầm một chiếc mũ lông, đang trao cho ông ta đôi găng tay.
- Ông phải đến từ lâu rồi, - Erlanger nói. K. muốn xin lỗi. Erlanger nhắm mắt vẻ mệt mỏi, ra hiệu không cần thiết.
- Chuyện thế này, - ông ta nói. - Trước đây trong quán rượu có một cô gái tên là Frida phục vụ, tôi chỉ biết tên cô ta, nhưng không biết cô ta, cũng không quan tâm đến. Thỉnh thoảng cô Frida này có phục vụ bia cho Klamm. Bây giờ hình như có cô gái khác ở đó. Tất nhiên đây là sự thay đổi không đáng kể gì có lẽ đối với mọi người, còn đối với Klamm thì chắc chắn như vậy. Nhưng người nào công việc càng lớn - và tất nhiên công việc của Klamm là lớn nhất - thì càng có ít thời gian để đối mặt với thế giới bên ngoài, vì thế sự thay đổi không đáng kể nhất của những việc không đáng kể nhất cũng có thể làm phiền ông ta. Tất cả đều có thể tác động xấu, từ sự thay đổi nhỏ nhất trên bàn viết như việc tẩy xóa một vết bẩn nhỏ có ở đó từ lâu đến một cô phục vụ mới. Tất nhiên những việc đó có thể làm phiền người khác trong công việc khác như thế nào đi nữa cũng không làm phiền nổi Klamm; làm gì có chuyện làm phiền được Klamm. Tuy vậy, trách nhiệm của chúng tôi là giữ gìn sự thoải mái của Klamm tới mức phải loại bỏ những yếu tố gây phiền phức mà đối với ông ta không phải là những yếu tố gây phiền phức với ông ta có lẽ hầu như không có những yếu tố gây phiền phức) nhưng theo sự suy xét của chúng tôi chúng có thể là những yếu tố gây phiền phức. Chúng tôi không vì ông ta, không vì lợi ích công việc của ông ta mà loại bỏ những yếu tố gây phiền phức đó, mà là vì lợi ích riêng của mình, vì lương tâm thanh thản và sự yên bình của chúng tôi. Cho nên cái cô Frida ấy cần phải trở lại quán rượu ngay lập tức, rất có thể cô ta sẽ gây phiền toái vì quay trở lại, và nếu vậy chúng tôi lại phải cho đi, nhưng trước mắt cô ta cần phải trở về. Như tôi nghe nói, thì các người sống chung với nhau, vậy ông hãy giải quyết ngay việc cô ta quay trở lại. Chúng tôi không thể quan tâm đến những tình cảm riêng tư, điều này là tất nhiên, vì thế tôi không muốn tiếp tục tranh luận gì về sự việc cả. Tôi làm quá nhiều so với sự cần thiết khi tôi nhắc rằng trong công việc nho nhỏ này nếu ông thể hiện sự sẵn sàng, có dịp nó sẽ có thể có ích cho sự thành đạt của ông. Tôi chỉ muốn nói từng ấy cho ông.
Ông ta ra hiệu chào tạm biệt K., rồi đội chiếc mũ lông mà người đầy tớ đưa cho và nhanh chóng, nhưng hơi khập khiễng, rời khỏi hành lang, theo chân ông ta là tên đầy tớ.
Thỉnh thoảng ở đây người ta ra những cái lệnh rất dễ thực hiện, nhưng giờ đây K. không mừng cho sự dễ dàng đó. Không chỉ vì lệnh này liên quan đến Friđa, K. cảm thấy như một sự xúc phạm chàng, mà còn trước hết vì qua đó nổi lên cái thực tế vô ích trong tất cả những cố gắng đầy mệt mỏi của chàng. Những mệnh lệnh ban ra không đếm xỉa đến chàng, chúng bất tiện cũng như là thuận tiện, kể cả trong các mệnh lệnh thuận tiện nhất vẫn ẩn giấu cốt lõi bất tiện, trong mọi trường hợp chúng đều phớt lờ chàng, và chàng đứng quá thấp phía dưới không thể can thiệp làm cho người khác im lặng và lắng nghe chàng. Nếu Erlanger ra lệnh, anh muốn làm gì? Nếu ông ta không ra lệnh, anh nói gì với ông ta? K. cũng biết rằng sự mệt mỏi của chàng hôm nay có hại cho chàng hơn mọi hoàn cảnh bất lợi, nhưng vậy thì tại sao chàng lại tin tưởng vào sức khỏe của mình có thể trụ vững? Nếu trong chàng không có niềm tin đó, đơn giản là chàng không lên đường, tại sao chàng không chịu được một vài đêm xấu và một đêm mất ngủ; tại sao chàng lại mệt mỏi không thể nào khắc phục được chính tại đây, nơi mà không một ai mệt mỏi, hay nói chính xác hơn ai cũng luôn luôn mệt mỏi, vậy mà thay vì nhìn thấy tác hại của sự mệt mỏi đối với công việc thì ngược lại, chàng thấy dường như sự mệt mỏi này lại có lợi cho công việc. Từ đấy có thể rút ra kết luận rằng sự mệt mỏi của họ hoàn toàn khác sự mệt mỏi của K., là sự mệt mỏi đến sau khi công việc được hoàn thành tốt đẹp: nhìn bề ngoài thì mệt mỏi, nhưng trong thực tế thì đó là sự yên tĩnh, bình yên tuyệt đối. Nếu vào buổi trưa con người ta mệt mỏi một tí thì điều đó là tất yếu, là hậu quả tự nhiên của buổi sáng. "Ở các ngài đây luôn luôn là buổi trưa”. - K. thầm nghĩ.
Và khớp với việc đó một cách chính xác là sống đã nhộn nhịp ở hai bên hành lang, dù chỉ mới năm giờ sáng. Trong tiếng động này có gì vui vẻ lắm. Nơi thì vang lên như tiếng bọn trẻ hân hoan chuẩn bị đi du lịch, nơi thì nháo nhác như tiếng gà trong chuồng với niềm vui được thức dậy cùng với mặt trời. Ở đâu đó có một người còn bắt chước tiếng gà gáy. Hành lang vẫn còn trống vắng, nhưng những cánh cửa đã chuyển động, chúng thường xuyên được mở hé ra rồi sau đó nhanh chóng được đóng lại, cả hành lang cứ thế lục cục tiếng đóng mở cửa liên tục, và K. nhìn thấy đây đó qua khe hở phía trên những bức tường không che kín tận trần nhà, những cái đầu rối bù mới dậy khỏi giường, chúng xuất hiện rồi biến mất ngay. Từ xa một chiếc xe con do một người phục vụ đẩy, tiến lại gần, trên xe chở đầy ắp hồ sơ tài liệu. Đi cạnh là một người phục vụ khác tay cầm sổ ghi chép, chắc anh ta đối chiếu các con số ngoài cửa phòng với các số ở những cặp tài liệu. Chiếc xe đẩy nhỏ đó dừng lại trước cửa nhiều phòng, thường thì cánh cửa cũng mở ra và người ta cho vào trong phòng những cặp tài liệu phù hợp, nhưng thỉnh thoảng người trong phòng chỉ nhận được mỗi một tờ duy nhất; những lúc như thế đều nghe thấy lời qua tiếng lại giữa căn phòng và hành lang, có lẽ người ta trách cứ người phục vụ. Nếu cánh cửa nào đóng thì người ta cẩn thận xếp chồng các cặp hồ sơ tài liệu lên bậu cửa. Trong những trường hợp như vậy K. cảm thấy các cánh cửa quanh đó không ngừng chuyển động, mà chuyển động mạnh lên, mặc dù ở những nơi đó hồ sơ tài liệu đã được giao. Có lẽ lúc đó người ta nóng lòng nhìn chồng hồ sơ tài liệu vẫn đứng đó không ai chạm tới một cách không thể hiểu nổi. Họ không thể hình dung được là làm sao lại có người chỉ cần mở cửa ra là có ngay tài liệu, vậy mà vẫn không chịu mở cửa. Ai biết được cuối cùng có lẽ người ta chia đều số hồ sơ không ai đụng đến đó cho các vị khác, và những người kia vẫn không ngừng nhìn ra ngoài cửa để tin rằng các hồ sơ vẫn nằm ngoài bậu cửa và như vậy họ vẫn luôn luôn còn hi vọng được nhận chúng. Phần lớn các cặp hồ sơ bị bỏ ngoài cửa phòng là những cái bọc dầy một cách khác thường, và K. thấy người ta chỉ tạm thời để chúng ở đó để khoe khoang hay vì ý đồ xấu gì đó, hoặc có lẽ do sự hãnh diện xứng đáng dành để động viên các đồng nghiệp. Sự phỏng đoán này của chàng được khẳng định khi mỗi lần đúng vào lúc chàng không nhìn vào đó thì cái bọc được người ta đột ngột lôi vào phòng một cách chóng vánh sau khi đã nằm ở đó khá lâu trước mắt mọi người, và sau đó cánh cửa trở lại bất động như trước, các cánh cửa xung quanh cũng vậy, thất vọng hoặc có lẽ vui mừng vì đối tượng của sự hồi hộp thường xuyên cuối cùng đã biến mất để rồi lúc sau chúng lại chuyển động theo thứ tự.
K. không chỉ quan sát mọi việc một cách tò mò, mà còn với mối đồng cảm. Chàng cảm thấy dễ chịu trong sự hối hả luân hồi này, lúc nhìn cho này, lúc nhìn chỗ khác và chàng còn đi theo những người phục vụ, nhưng với khoảng cách cần thiết. Những người này tất nhiên là đã nhiều lần quay lại về phía chàng với ánh mắt nghiêm khắc, họ cúi đầu xuống và mím môi. Thế nhưng chàng vẫn nhìn xem người ta phân phát các tài liệu như thế nào. Càng tiến về phía trước, công việc của họ càng khó khăn hơn, nơi thì sổ ghi chép không hoàn toàn chínk xác, nơi thì họ không phân biệt được các loại tài liệu, nơi thì các ngài phản đối vì nguyên nhân gì đó. Dẫu sao thì đôi lúc một số tài liệu cũng phải phân chia lại, những lúc đó chiếc xe nh được đẩy trở lại và qua khe hở nơi cánh cửa người ta trao đổi về việc trả lại những tài liệu nhất định nào đó. Các cuộc trao đổi này cũng gặp đủ những khó khăn. Thông thường khi có chuyện trả lại tài liệu thì chính những cánh cửa từ nãy tới giờ vẫn chuyển động nhiều nhất lại đóng im thin thít như thể người ta không muốn biết gì nữa về sự việc. Và lúc đó mới bắt đầu những khó khăn thật sự. Người nào cho rằng tài liệu đó là của mình thì sốt sắng, làm ầm ĩ ở trong phòng, như vỗ tay, giậm chân và liên tục hét ra ngoài hành lang số hiệu của tập tài liệu. Lúc này những người phục vụ thỉnh thoảng bỏ chiếc xe ở đó: người thì bận bịu với việc làm yên lòng kẻ đang sốt ruột, người thì đòi lại tập tài liệu trước cánh cửa đóng im ỉm. Công việc của cả hai người đều khó khăn. Những cử chỉ nhằm làm yên lòng kẻ đang sốt ruột càng làm cho anh ta cáu tiết hơn không chịu nghe những lời trống rỗng của người phục vụ: anh ta muốn tập tài liệu chứ không phải lời an ủi. Một trong số những người như thế đã trút cả chậu nước lên người phục vụ qua khe hở ở phía trên bức tường; còn công việc của người phục vụ khác khó khăn hơn, rõ ràng anh ta có chức vụ cao hơn. Nếu người có liên quan tỏ ra đồng ý thảo luận thì sẽ diễn ra cuộc trao đổi về các dữ kiện, trong quá trình trao đổi đó người phục vụ dựa vào sổ ghi chép của mình, còn người liên quan kia thì dựa vào những gì nhớ được, thậm chí dựa vào những tập hồ sơ mà lẽ ra ông ta phải trả lại nhưng tạm thời vẫn giữ chặt trong tay đến nỗi con mắt mong mỏi của người phục vụ cũng không thể nhìn thấy được các góc của nó. Để có chứng cớ mới, người phục vụ phải chạy về chiếc xe đẩy luôn lăn trở lại trên hành lang hơi bị dốc, hoặc anh ta phải đến chổ người đang cần tập hồ sơ báo với ông ta về những lời phản đối của người đang giữ hồ sơ và lắng nghe lời đáp của ông ta phản bác lại. Những cuộc mặc cả này kéo dài rất lâu cho đến khi họ đạt được thỏa thuận thì thôi: người giữ tập hồ sơ đưa ra một phần hồ sơ, hoặc được bồi thường những tập hồ sơ khác với lý do rằng chúng đã bị thay thế vì nhầm lẫn. Nhưng cũng có ai đó đơn giản là cần từ bỏ tập hồ sơ đã nhận, hoặc vì những lý lẽ của người phục vụ đã dồn ông ta vào thế bí hay vì ông ta đã quá mệt mỏi bởi chuyện đôi co. Tuy nhiên lúc này ông ta không trả lại người phục vụ các hồ sơ tài liệu mà đột ngột ném mạnh chúng ra xa, ngoài hành lang, làm cho các sợi dây buộc bật ra, giấy bay tung toé, những người phục vụ phải mất nhiều công sức mới xếp lại được toàn bộ. Tuy vậy, tất cả những chuyện đó vẫn còn đơn giản hơn so với việc người phục vụ không nhận được câu trả lời về đề nghị trả lại hồ sơ, anh ta cứ đứng, đứng mãi trước cánh cửa đóng im ỉm mà yêu cầu, van lạy, trích đọc sổ ghi chép, dẫn ra các quy định nhưng đều vô ích, không một tiếng người lọt ra khỏi phòng. Anh ta chắc chắn không có quyền bước vào phòng nếu không được phép. Nhưng thỉnh thoảng anh chàng phục vụ này cũng mất hết kiên nhẫn, anh ta quay trở lại chiếc xe, ngồi lên những tập hồ sơ, lau mồ hôi trán, và một hồi lâu không làm gì khác ngoài việc vung vẩy hai chân. Việc đó đã làm cho mọi người rất chú ý, khắp nơi người ta thì thầm với nhau, các cánh cửa không đóng yên được, phía trên bức tường thỉnh thoảng những khuôn mặt hầu như bị khăn bịt kín, thò ra lo lắng theo dõi các sự kiện. Trong sự nhốn nháo, K. nhận thấy cánh cửa phòng Bürgel suốt thời gian đó vẫn đóng, và những người phục vụ đã đi qua chỗ hành lang có phòng của Bürgel mà họ vẫn không chia cho ông ta tập hồ sơ nào cả. Có thể ông ta còn đang ngủ, điều đó chứng tỏ tính dễ ngủ của ông ta trong sự ồn ào này, nhưng tại sao ông ta không được nhận tập hồ sơ nào? Những người phục vụ chỉ đi ngang qua như vậy rất ít phòng, và chắc là những phòng đó không có ai ở. Còn trong phòng của Erlanger thì đã có khách mới, ông khách không bình tĩnh, có thể đã tống khứ Erlanger ra khỏi phòng lúc nửa đêm, điều đó không hợp với bản tính lạnh lùng, cẩn trọng của Erlanger, nhưng việc ông ta phải đợi K. nơi bậu cửa thì đã nói lên điều đó.
Sau khi để ý tới những việc không quan trọng, K. lại quay về với người phục vụ. Chàng không tìm thấy ở người phục vụ này điều mà người ta thường kể cho chàng về những người phục vụ, về sự lười biếng, thói kiêu kỳ và cuộc sống thoải mái của họ. Xem ra thìsố các người phục vụ cũng có những ngoại lệ, hoặc họ có những nhóm khác nhau, bởi vì ở đấy, như chàng nhận thấy, có nhiều sự phân biệt mà cho tới lúc này chàng chưa hề biết gì. Cái chính là tính kiên quyết của người phục vụ làm cho chàng thích thú. Anh ta không bỏ cuộc chiến với căn phòng nhỏ, bướng bỉnh này; vì K. cảm thấy cuộc chiến chỉ diễn ra với căn phòng, chàng không thể nhìn thấy chủ nhân của nó. Người phục vụ, nếu có bị mệt, - ai mà không mệt kia chứ? - thì cũng nhanh chóng lấy lại sức, truồi xuống khỏi chiếc xe, và lại nghiến răng tiến đến đối diện với cánh cửa bướng bỉnh mà anh ta cần phải chiếm lấy. Và người ta đã đẩy lùi anh ta, hai lần rồi ba lần, một cách rất đơn giản, chỉ bằng một sự im lặng đáng nguyền rủa. Nhưng họ không chiến thắng được anh ta. Sau khi thấy việc tấn công công khai không có kết quả, anh ta thử cách khác, ví dụ bằng mưu kế, nếu K. hiểu đúng. Có vẻ như anh ta bỏ qua cánh cửa đó như bỏ lại chiến lợi phẩm cho sự câm lặng của nó, và quay sang những cánh cửa khác, một lúc sau anh ta trở lại gọi người phục vụ kia; anh ta làm những việc đó một cách ầm ĩ, ai cũng biết, sau đấy bắt đầu chất đống các tập hồ sơ lên bậu cửa của cánh cửa đóng như thể anh ta đã thay đổi ý kiến của mình, như thể anh ta đã nhận ra rằng chẳng những không cần phải lấy lại hồ sơ của vị kia mà còn cần phải chia cho ông ta nhiều hơn nữa. Sau đó anh ta đi lên trước nhưng vẫn theo dõi cánh cửa, nếu vị kia, như vẫn thường xảy ra, nhanh chóng, thận trọng mở cửa để lôi vào phòng hồ sơ tài liệu thì người phục vụ chỉ nhảy vài bước là có mặt ngay ở đó, chân đút vào khe cửa, buộc vị kia ít ra cũng phải trực tiếp bàn bạc với anh ta mà phần lớn sự việc kết thúc bằng sự thỏa thuận nào đó. Nếu việc đó không thành công như vậy, hoặc nếu anh ta cho rằng ở cửa này hoặc cửa kia phương pháp đó không thích hợp, thì anh ta thử làm cách khác. Ví dụ anh ta cứ bám lấy vị có nhu cầu tài liệu, và đẩy người phục vụ khác sang một bên, người làm việc một cách máy móc như một sự giúp đỡ không có hiệu quả, để một mình anh ta thì thầm thuyết phục vị kia một cách tin cậy, anh ta ngó đầu vào trong phòng hứa hẹn với ông ta trong đợt chia tài liệu tiếp theo sẽ trừng phạt thích đáng kẻ đã không chịu trả lại tài liệu, nhiều lần anh ta chỉ về hướng cánh cửa phòng của đối phương và thậm chí còn cười dù đã rất mệt. Nhưng cũng có những trường hợp, một hoặc hai nơi, anh ta dừng lại tất cả các thể nghiệm, nhưng K. cho đó chỉ là vẻ giả vờ, rõ ràng là có cơ sở, bởi vì người phục vụ tiếp tục đi vẻ thản nhiên, không hề nhìn lại phía sau, anh ta chịu dựng sự ầm ĩ của vị chịu thiệt thòi, nhưng thỉnh thoảng lại nhắm mắt một lúc chứng tỏ anh ta đang phải chịu đựng sự ầm ĩ đó. Sau đó dần dần vị kia cũng bình tĩnh trở lại giống như tiếng khóc không ngừng của trẻ con ngày càng trở thành những tiếng nấc thưa thớt, rồi hoàn toàn yên tĩnh, nhưng thỉnh thoảng lại vang lên một tiếng la ó và từng tiếng mở, đóng cửa nhanh. Xem ra thì người phục vụ đã xử sự đúng vô điều kiện ở đây. Cuối cùng thì chỉ có một vị duy nhất còn lại là người không thể nào bình tĩnh được. Ông ta im lặng hồi lâu, nhưng chỉ để lấy sức, và sau đó lại làm ầm ĩ còn hơn trước đó. Không rõ là vị kia vì sao lại la hét và trách móc, có lẽ không phải vì sự phân phát tài liệu. Trong khi đó người phục vụ đã hoàn thành công việc của mình, còn lại một hồ sơ duy nhất, thực ra là một tờ giấy được xé ra từ một quyển sổ ghi chép. Giờ đây họ không biết phải đưa cho ai. "Ai mà biết, cái đó có phải là của mình không?", ý nghĩ này vụt qua đầu K.. Bởi vì trưởng thôn đã liên tục nói rằng công việc của chàng là nhỏ mọn. Người phục vụ do dự nhìn mảnh giấy. K. thật ra biết phỏng đoán của mình là tùy tiện và buồn cười như thế nào, vẫn cố đến gần người phục vụ, một việc không dễ dàng gì, bởi vì người phục vụ chấp nhận sự gần gũi của chàng một cách khó chịu. Vừa rồi, trong khi công việc đang chồng chất thì anh ta vẫn có thời gian lắc đầu bực tức liếc mắt trông chừng chàng vẻ tức tối và sốt ruột. Dường như chỉ đến lúc này, khi đã hoàn thành công việc phân phát tài liệu thì anh ta mới lãng quên chàng. Giờ đây anh ta trở nên thờ ơ hơn, mà điều đó cũng dễ hiểu trước sự mệt mỏi của anh ta; anh ta không để tâm nhiều đến mảnh giấy, có lẽ cũng không đọc hết mà chỉ làm như là đọc hết, và mặc dù có thể tất cả các vị có mặt trong phòng đều rất vui nếu được nhận mảnh giấy đó, anh ta vẫn có quyết định khác, anh ta đã ngán đến tận cổ việc phân phát đó. Để ngón tay trỏ lên môi, anh ta ra hiệu cho đồng nghiệp hãy im lặng, rồi xé mảnh giấy thành nhiều mẩu nhỏ - K. còn ở xa anh ta - và đút những mẩu giấy vụn vào túi. Đây là sự vi phạm đầu tiên mà K. thấy được trong quá trình người ta thực hiện công vụ ở đây, nhưng cũng có thể là chàng lý giải không đúng việc này. Mà nếu có sự vi phạm thì vẫn có thể tha thứ được, giữa những mối quan hệ như vậy, người phục vụ không thể làm việc mà không phạm lỗi, anh ta cần phải giải tỏa ở đâu đó sự bực tức và hồi hộp chồng chất bấy lâu, vẫn là vô tội nếu một kẻ quá mệt mỏi xé nát mảnh giấy duy nhất còn lại. Ngoài hành lang tiếng la hét của ngài mà không ai có thể làm cho bình tĩnh lại được, đang ngày một vang lên ầm ĩ, còn những người đồng nghiệp vốn không cư xử thân mật gì với nhau nhưng về phương diện làm ầm ĩ thì có vẻ như hoàn toàn chung ý kiến. Dần dần có cảm giác dường như vị đó đảm nhận việc làm ầm ĩ thay cho họ, những người khác thì bằng lời, bằng gật đầu đã cổ vũ ông ta hãy kiên trì công việc của mình. Những người phục vụ giờ đây không thèm để ý đến ông ta, anh ta làm xong công việc của mình và đưa mắt ra hiệu để người phục vụ kia nắm lấy tay cầm của chiếc xe con; họ đã đi như khi họ đến nhưng bây giờ thanh thản hơn, họ đi nhanh, chiếc xe cứ nhảy lên trước mặt họ. Chỉ có một lần họ khựng lại và liếc nhìn về phía sau khi con người liên tục gào thét đó - K. lúc này đang nhởn nhơ trước cửa phòng ông ta vì chàng muốn tìm hiểu ông ta thật sự muốn gì, - do gào thét không mang lại kết quả, có thể ông ta đã phát hiện ra cái nút bấm chuông điện và trong niềm vui của sự nhẹ nhõm tột độ, thay cho la hét giờ đây ông liên tục ấn chuông. Trong các phòng còn lại mọi người bắt đầu nhao nhao cả lên, có thể đó là dấu hiệu đồng tình, vị kia có lẽ đã làm cái việc mà mọi người đã muốn làm từ lâu, có điều do những nguyên nhân không biết được, họ đã phải từ bỏ ý muốn đó. Có lẽ ông ta bấm chuông để gọi nhân viên hay Frida, vậy thì ông ta có thể bấm chuông cho đến ngày phán xét. Frida đang đặt những miếng gạc lên người Jeremiás, và cô ta cũng không rỗi nếu Jeremiás đã khỏi bệnh, bởi vì lúc đó cô ta bận ôm ấắn. Nhưng tiếng chuông có tác động ngay lập tức. Đã có ai đó vội vã đến từ xa: đó là ông chủ của quán "Ông chủ", trong bộ quần áo màu đen, cài khuy cẩn thận như thường lệ, nhưng ông ta chạy như thể quên hết vẻ trang nghiêm của mình. Cánh tay giang ra nửa chừng như thể đang xảy ra chuyện bất hạnh lớn lắm, bây giờ ông ta đến là để tóm lấy và bóp nghẹt nó trên ngực mình; khi tiếng chuông bất chợt lãng đi ông ta nhảy bật lên và càng chạy nhanh hơn nữa. Lúc này, sau lưng ông ta là bà vợ, bà ta cũng chạy, cánh tay giang rộng, nhưng với những bước ngắn, điệu bộ. K. nghĩ rằng bà ta sẽ đến muộn, và chủ nhân đã kịp làm tất cả những gì cần thiết. K. đứng sát vào tường để nhường đường cho chủ nhân. Nhưng chủ nhân đã đứng lại bên cạnh chàng cứ như K. là đích của ông ta vậy, và bà chủ quán cũng đã có mặt, họ dồn lên chàng những lời trách móc nhưng K. không hiểu được chúng vì bị bất ngờ và kinh ngạc, nhất là vì tiếng chuông của vị kia lẫn vào, thậm chí những người khác cũng bắt đầu bấm chuông, bây giờ thì không phải do cần thiết mà chỉ là trò quấy phá, là niềm vui tràn ngập. K. cho là rất quan trọng việc phải hiểu một cách chính xác, chàng đã phạm lỗi gì, chính vì thế mà chàng sẵn sàng để cho chu nhân khoác tay và dẫn ra khỏi nơi mà sự ầm ĩ đang ngày càng gia tăng về phía sau chàng - K. không quay lại, phần do chủ nhân đang nói với chàng, phần do vợ ông ta cũng nói ngày một hăng hơn - giờ đây các cánh cửa đã mở toang, hành lang nhộn nhịp hẳn lên, bắt đầu sự đi lại ở đó giống như trong ngõ nhỏ, những cánh cửa trước mặt họ chắc chắn đã nóng lòng chờ đợi K. hãy đi nhanh để các ngài có thể mở chúng ra. Trong khi họ đi, tiếng chuông vẫn vang lên hết đợt này đến đợt khác như thế ăn mừng chiến thắng nào đó. Cuối cùng dần dần K. đã hiểu chuyện gì xảy ra. Họ lại ở ngoài sân yên tĩnh, đầy tuyết, nơi đang có vài chiếc xe trượt tuyết chờ đợi. Cả chủ nhân lẫn vợ ông ta đều không hiểu nổi làm sao K. có thể liều lĩnh đến thế.
- Nhưng tôi đã làm gì nào?- K. cứ hỏi mãi câu đó, nhưng hồi lâu vẫn không có câu trả lời cần thiết, bởi vì cả hai người này đểu thấy tội của chàng rõ ràng đến mức không thể nào tin vào lòng thành thực của chàng. Sự việc chỉ dần dần được sáng tỏ trước mặt K.. Chàng đã ở lại ngoài hành lang trái phép, cùng lắm chàng chỉ có thể được vào quán rượu, mà điều đó cũng chỉ nhờ thiện chí, cho đến khi phải trở về. Nếu có một ngài nào đó triệu đến thì tất nhiên chàng phải có mặt ở nơi đó nhưng không được quên dù chỉ trong chốc lát - ít ra thì chàng cũng có ngần ấy trí khôn như mọi người – rằng chàng đang đi lại ở nơi mà thực ra chàng không được phép, và vô cùng miễn cưỡng đến nơi mà một trong số các ngài mời chàng đến là, hoặc vì công vụ, hoặc vì sự cần thiết mà thôi. Lẽ ra chàng phải nhanh chóng xuất hiện, để cho người ta thẩm vấn, và rồi phải biến khỏi đó một cách nhanh nhất. Chả nhẽ chàng không cảm thấy vô cùng bất lịch sự về hành vi của mình? Nhưng nếu cảm thấy thì làm sao chàng lại có thể ngao du ở đó như vật nuôi trên bãi cỏ vậy? Không phải người ta triệu chàng đến để thẩm vấn vào ban đêm sao? Và lẽ nào chàng không biết vì sao người ta sinh ra trò thẩm vấn ban đêm? Mục đích của những cuộc thấm vấn ban đêm là - bây giờ K. mới được nghe lời giải thích mới mẻ về ý nghĩa của chúng - để nghe càng nhanh càng tốt các đương sự trong ánh sáng nhân tạo về ban đêm, để rồi ngay sau khi thẩm vấn, trong giấc ngủ của mình họ có thể quên đi sự đáng ghét của các đương sự, vì ban ngày các ngài không chịu nổi việc nhìn thấy họ. Cách ứng xử của K. đã coi thường mọi qui tắc phòng ngừa. Thậm chí đến sáng những bóng ma còn biến mất thế mà K. thì ở lại đó, tay đút túi như đang chờ biến mất cả hành lang với toàn bộ các căn phòng lẫn các quý ngài. Và việc này chắc hẳn đã xảy ra nếu như có một khả năng như vậy, bởi vì trong các ngài ở đây có nhiều vô cùng những phẩm chất tinh tế, nhẹ nhàng. Không bao giờ có một người nào xua đuổi K., thậm chí cũng không nói với chàng rằng anh hãy đi khỏi đây, không ai làm việc đó cả, cho dù trong khi K. còn ở đó, có thể mọi người đều run sợ, và như vậy cả buổi sáng, thời điểm dễ chịu nhất của họ - có lẽ cũng hỏng mất rồi. Thay vì chống lại K. thì họ lại chọn sự chịu đựng, tất nhiên với niềm hi vọng rằng cuối cùng K. vẫn nhận ra sự thật hiển nhiên, và cũng phải chịu đựng như các ngài, chàng sẽ dằn vặt vì việc lang thang ở nơi không liên quan đến mình, ngoài hành lang, trước con mắt của mọi người mà lại ngay giữa ban ngày ban mặt nữa chứ. Niềm hi vọng hão huyền! Các ngài kia không biết, hoặc với thiện chí đầy hạ cố họ không muốn biết rằng có những trái tim vô cảm, sắt đá không thể làm cho mềm yếu bằng bất kỳ sự tế nhị nào. Nếu mặt trời thức dậy, lẽ nào con bướm đêm không tìm cho nó một góc yên tĩnh? Cái con vật đáng thương này không muốn co lại, không muốn biến đi, và không cảm thấy mình bất hạnh vì không thể nào biến đi được hay sao? Còn K., ngược lại, đã đứng ở đó, nơi thấy rõ nhất; chàng đứng ở đó kể cả khi việc ấy làm cho mặt trời không mọc. Dĩ nhiên chàng không cản trở được mặt trời mọc, nhưng làm chậm nhịp sống ban ngày, gây khó khăn cho nó thì đáng tiếc, chàng làm được. Có phải chàng đã xem từ đầu đến cuối sự phân phát tài liệu? Chàng đã xem một việc mà ngoài những người trực tiếp thực hiện nó, không một ai được phép xem. Đó là việc mà ngay chủ quán và vợ trong nhà riêng của mình cũng không dám nhìn, về việc đó cùng lắm họ chỉ nghe những lời ám chỉ từ những người phục vụ, ví dụ như hôm nay. Sao chàng lại không nhận thấy việc phân phát tài liệu diễn ra giữa những khó khăn như thế nào, điều mà hoàn toàn không thể hiểu, bởi vì các ngài ai cũng quan tâm đến lợi ích của công việc, không bao giờ nghĩ đến những lợi thế cá nhân của mình, nghĩa là mọi sức lực đều dồn vào việc phân phát tài liệu, cái công việc quan trọng, chủ yếu này phải hoàn thành nhanh chóng, nhẹ nhàng và không phạm lỗi? Chả lẽ K. không dự cảm được dù là mơ hồ, rằng nguyên nhân chính của mọi khó khăn là sự phân phát tài liệu đều phải thực hiện bên cạnh những cánh cửa đóng kín, các ngài không tiếp xúc trực tiếp với nhau, để có thể chỉ cần một chớp mắt là họ thống nhất được với nhau, còn sự trung gian hòa giải nhờ những người phục vụ thì phải mất hàng mấy giờ, gây nên bao lời trách móc, đối với các ngài cũng như đối với những người phục vụ đó là nỗi đau khổ kéo dài, càng làm ảnh hưởng xấu thêm công việc tiếp theo. Tại sao các ngài không thể tiếp xúc trực tiếp với nhau? K. vẫn chưa hiểu hay sao? Những việc như thế - ông chủ quán nói bà chủ quán cũng chung ý nghĩ như vậy - họ chưa gặp phải bao giờ. - Vậy mà họ đã từng có chuyện với nhiều kẻ bướng bỉnh, cần phải nói thẳng cho K. biết một số chuyện màao giờ ông bà chủ quán dám thốt thành lời, nếu không thì chàng không hiểu nổi điều cốt lõi. Nếu nhất thiết cần phải nói ra thì thế này: Vì chàng, chỉ vì chàng mà các ngài đã không thể ra khỏi phòng, bởi nhẽ sáng sớm, sau giấc ngủ, họ quá rụt rè và dễ bị tổn thương không thể xuất hiện trước những ánh mắt xa lạ; dù có ăn mặc nghiêm túc như thế nào thì họ vẫn cảm thấy mình quá trần truồng không thể xuất đầu lộ diện. Thật khó nói vì sao họ lại xấu hổ; có lẽ những con người lao động không biết mệt mỏi này xấu hổ vì họ đã ngủ chăng. Nhưng có lẽ xấu hổ hơn cả sự xuất đầu lộ diện là việc phải nhìn thấy những người lạ. Nhờ những cuộc thẩm vấn ban đêm họ đã tránh được việc phải nhìn thấy bộ dạng với họ gần như không thể nào chịu đựng nổi của các đương sự, họ không muốn giờ đây, sáng sớm, những điều này lại trực tiếp bao vây mình. Đấy chính là điều họ không thể nào chịu nổi. Người không biết tôn trọng sự nhậy cảm này là loại người gì vậy? Tất nhiên K. là người như vậy, một kẻ phớt lờ tất cả bằng sự hờ hững thô thiển và trạng thái ngái ngủ, kẻ đã phớt luật pháp cũng như sự tế nhị tối thiểu của con người; chàng không cần biết mình đã làm cho việc phân phát tài liệu trở nên không thể thực hiện, và phương hại đến tiếng tăm tốt của ngôi nhà; vì chàng mà đã xảy ra điều chưa từng xảy ra; các ngài trong nỗi tuyệt vọng của mình đã phải cần đến sự tự vệ bằng cách tự trấn an không thể hiểu nổi đối với một người bình thường, họ sờ đến nút chuông, gọi sự giúp đỡ để đuổi K. ra khỏi đây vì không có cách nào khác để làm cho chàng hiểu. Các ngài phải gọi đến sự giúp đỡ! Ông chủ quán, bà chủ quán và tất cả nhân viên đã tụ tập đông đủ từ lâu, nếu sáng sớm không mời mà họ dám đến gần các ngài, cho dù đến để giúp đỡ các ngài thì rồi cũng phải biến ngay lập tức! Họ run lên vì tức giận và tuyệt vọng trước sự bất lực của mình; họ chờ đợi ở đây, ngay đầu hành lang, và tiếng chuông mà họ không dám chờ đợi là cứu cánh thật sự đối với họ. Nhưng giờ đây điều xấu nhất đã qua. Ôi, nếu họ có thể được phép nhìn giây lát các ngài đang xôn xao náo động lên một cách như thế nào vì cuối cùng được giải thoát khỏi K.! Dĩ nhiên, K. thì chưa qua được cái gì cả, chắc chắn rồi đây chàng phải chịu trách nhiệm về việc đã làm.
Trong lúc ấy họ đã đến quán rượu. Hoàn toàn không rõ tại sao, mặc dù tức giận, chủ quán vẫn đưa K. đến đây. Có lẽ ông ta thấy rằng K rất mệt mỏi, không thể bỏ đi ngay được. K. không chờ người ta mời, đổ ngay xuống một thùng đựng rượu, nói đúng theo nghĩa hẹp nhất của từ này. Chàng cảm thấy thoải mái ở đó; trong bóng tối. Trong phòng lớn giờ đây chỉ có duy nhất một ngọn đèn tỏa sáng yếu ớt ở phía trên quầy rượu. Ở ngoài kia bóng tối vẫn dày đặc, khả năng có bão tuyết. May mắn cho ai được co ro ở đây, trong sự ấm áp, và phải lưu ý để người ta không đuổi đi. Ông chủ quán và vợ vẫn đứng ở đó, trước mặt K. như thể chàng còn có thể gây nguy hiểm, không thể tin được, luôn tồn tại khả năng chàng đột ngột bỏ chạy, thử đột nhập lần nữa vào hành lang. Họ cũng đã mệt mỏi vì sự hoảng hốt đêm qua và vì phải dậy sớm, nhất là bà vợ ông chủ quán, bà ta mặc áo váy bằng nhung màu nâu, sột soạt, óng ánh, được cài và buộc hơi lộn xộn - không biết bà ta lôi ở đâu ra trong khi vội vàng? - bà ta dường như ngủ gật, đầu ngả vào vai chồng, thỉnh thoảng bà ta đưa chiếc khăn nhỏ xinh xắn lên mắt và tức tối liếc nhìn K. một cách trẻ con. Để đôi vợ chồng được yên tâm, K. nói rằng những gì mà họ vừa nói cho chàng là hoàn toàn mới mẻ, nhưng cho dù vô ý thức thì chàng cũng đã không muốn ở ngoài hành lang lâu, nơi mà quả thật chàng không có gì để tìm kiếm, và chàng không hề có ý định hành hạ bất kỳ ai. Nhưng việc này xảy ra là vì chàng đã quá mệt. Chàng cảm ơn họ đã làm chấm dứt tình trạng oái oăm, và rất mừng nếu rồi đây người ta quy trách nhiệm vì chỉ nhờ thế chàng mới có thể ngăn chặn, để người ta không xuyên tạc về sự ứng xử của chàng. Việc chàng đã gây nên chỉ là do sự mệt mỏi, không vì cái gì khác. Sự mệt mỏi này là do chàng chưa quen những cuộc thẩm vấn. Bởi vì chàng chưa ở đây lâu. Nếu rồi đây có được ít nhiều kinh nghiệm thì những việc như thế sẽ không xảy ra nữa. Chắc chắn chàng đã chấp hành những cuộc thẩm vấn quá nghiêm chỉnh, nhưng việc đó không phải là khuyết điểm. Chàng đã phải trải qua hai cuộc thẩm vấn liên tiếp, một cuộc ở chỗ Bürgel, cuộc kia ở chỗ Erlanger; chủ yếu cuộc đầu tiên đã làm cạn kiệt sức chàng, vì cuộc thứ hai không diễn ra lâu, Erlanger chỉ yêu cầu chàng một sự giúp đỡ nhỏ, nhưng cả hai cuộc cộng lại thì vẫn là nhiều hơn so với số lượng mà một lần có thể chịu đựng được. Ngần ấy cuộc có lẽ đối với người khác, tỉ như đối với ngài chủ quán là nhiều. Sau cuộc thâm vấn thứ hai thì chàng đã khật khưỡng, giống như cơn say vậy, bởi vì chàng như bị mây mù vây bọc, mới thấy và lần đầu tiên nghe hai ngài này, mà lại còn cần phải trả lời họ nữa. Các việc, trong chừng mực có thể đánh giá được, đã diễn ra tốt đẹp, chỉ sau đó mới xảy ra chuyện bất hạnh này, nhưng không thể kết tội chàng sau những việc đã qua. Tiếc rằng chỉ Erlanger và Bürgel là có thể thật sự biết về chàng đang ở trong trạng thái như thế nào, và rõ ràng lẽ ra họ đã quan tâm, ngăn ngừa được việc xảy ra, nhưng sau khi nghe thẩm vấn, Erlanger cần phải đi ngay, ông ta cần phải trở lại Lâu đài, còn Bürgel thì có lẽ đã ngủ vì mệt mỏi qua các cuộc thẩm vấn, ngài đã ngủ bỏ qua việc phân phát hồ sơ tài liệu vậy thì K. làm sao đủ sức chịu đựng? Nếu K. cũng có được khả năng để ngủ như thế, chàng đã vui sướng tận hưởng rồi, và sẵn sàng từ bỏ mọi sự nhòm ngó đã cấm vào diễn biến của các sự việc, hơn nữa chàng cũng ở trạng thái không thể nhìn thấy bất kỳ cái gì, cho nên cả những ngài nhạy cảm nhất lẽ ra đã có thể xuất hiện trước mặt chàng mà không phải e dè.
Việc nhắc đến hai cuộc thẩm vấn, chủ yếu là cuộc thẩm vấn với Erlanger và sự kính trọng mà K. thể hiện khi nói đến các ngài, đã làm cho chủ quán có tâm trạng dễ chịu hơn đối với chàng. Ông ta đã cho phép K. bắc một mảnh ván lên các thùng bia theo yêu cầu của chàng, ít ra thì chàng có thể ngủ ở đó cho đến khi trời sáng, nhưng bà vợ ông chủ quán thì lại phản đối việc đó; bà ta liên tục sửa lại quần áo của mình một cách vô ích, chỉ bây giờ bà ta mới nhận ra sự bất ổn của nó; bà ta lắc đầu liên tục và cuộc chiến cũ giữa họ với nhau về sự sẽ của ngôi nhà lại bùng nổ. K. rất mệt mỏi, lời qua tiếng lại của cặp vợ chồng có ý nghĩa đặc biệt đối với chàng. Nếu người ta đuổi chàng đi khỏi nơi này thì đó là sự không may mắn lớn nhất từ trước tới nay. Không thể để việc này xảy ra kể cả khi ông chủ quán và vợ ông ta đoàn kết chống lại chàng. Ngồi co ro trên thùng, chàng nhìn họ chờ đợi cho đến khi bà chủ quán với sự nhạy cảm đặc biệt mà K. đã thấy từ lâu, đột ngột bước lùi sang một phía và - có thể bà ta đã nói với ông chủ quán về chuyện khác - kêu lên:
- Ông xem kìa, anh ta nhìn tôi như thế nào kìa! Hãy tống cổ hắn đi!
Nhưng K. chớp lấy cơ hội, và bây giờ chàng hoàn toàn tin chắc đến mức thờ ơ, rằng mình có thể ở lại, chàng nói:
- Tôi không nhìn bà, tôi chỉ nhìn quần áo bà.
- Tại sao lại nhìn quần áo tôi? - bà vợ ông chủ quán hỏi vẻ lo lắng.
K. nhún vai.
- Đi thôi ông, - bà ta nói với ông chủ quán, - một thằng cha say khướt nói huyên thuyên! Để hắn ngủ ở đây cho qua cơn chếnh choáng!
Và bà ta còn ra lệnh cho Pepi ném cho chàng một cái gối nào đó, khi cô ta xuất hiện từ trong bóng tối lờ mờ, vẻ bẩn thỉu và mệt mỏi, tay vung vẩy cái chổi.
Lâu Đài Lâu Đài - Franz Kafka Lâu Đài