Điều tôi quan tâm không phải là bạn đã thắng hay thua, mà là bạn có sẵn sàng đón nhận thất bại hay không.

Abraham Lincohn

 
 
 
 
 
Tác giả: Alan Bradley
Thể loại: Trinh Thám
Nguyên tác: The Sweetness At The Bottom Of The Pie [Flavia De Luce #1]
Dịch giả: Khánh Thủy
Biên tập: Quoc Tuan Tran
Upload bìa: Quoc Tuan Tran
Số chương: 28
Phí download: 4 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 1207 / 27
Cập nhật: 2016-06-27 10:56:59 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 19
hông cần nói quá nhiều về buổi tối hôm đó, nhưng quả thực tôi đã ngủ một giấc ngủ đáng nguyền rủa. Tôi mơ thấy những tháp canh và những gờ đá lởm chởm và ở đó, những cơn mưa xen gió quất thổi ào ào từ biển khơi vào, xen lẫn hương hoa violet. Một người phụ nữ vàng vọt mặc đầm từ thời Elizabeth đứng ngay cạnh giường tôi và thì thầm vào tai tôi rằng chuông sắp rung rồi. Một thủy thủ già mặc áo choàng bằng vải dầu ngồi trên đỉnh sào và sửa lại lưới bằng một cái dùi, trong khi ở tít ngoài biển, một chiếc máy bay nhỏ xíu đang bay vút về phía mặt trời đang lên.
Khi tỉnh dậy thì mặt trời đã chiếu sáng rực rỡ, và tôi bị cơn cảm lạnh làm cho khốn khổ. Trước khi xuống ăn sáng, tôi đã phải dùng hết khăn giấy trong ngăn kéo và vùi mặt vào khăn tắm. Khỏi cần phải nói, tâm trạng tôi không được tốt cho lắm.
“Đừng đến gần tao,” Feely nói khi tôi dò dẫm về phía cuối bàn, vừa đi vừa sụt sịt mũi như cá heo.
“Chết toi đi, mụ phù thuỷ,” tôi cố nói và đan chéo hai ngón tay trỏ vào nhau.
“Flavia!”
Tôi thọc dĩa vào món ngũ cốc, và lấy một mẩu bánh mỳ khuấy nó lên. Thật tệ, mấy mẩu bánh mỳ giòn khiến món ăn nhớp nhúa sũng nước trong bát chẳng khác gì bìa giấy các tông.
Tiềm thức của tôi chợt giật bắn lên, giống một bộ phim được lồng ghép không ăn khớp. Tôi đã ngủ gục trên bàn ăn.
“Mày làm sao đấy?” Tôi nghe thấy Feely hỏi. “Mày có sao không?”
“Nó đang bị mắc kẹt trong mấy giấc ngủ mỏi mệt, vì vẫn còn vương vấn chuyện của ngày hôm qua đấy,” Daffy nói.
Dạo này Daffy đang đọc cuốn Pelham của Bulwer-Lytton, chỉ vài trang mỗi tối trước khi đi ngủ thôi cũng đủ để tra tấn tôi khốn khổ vào mỗi bữa ăn sáng bởi những câu trích dẫn mơ hồ với phong cách văn xuôi cứng nhắc y chang một khúc gỗ.
“Hesternal,” tôi chợt nhớ ra, nghĩa là “liên quan đến ngày hôm qua”. Tôi gật đầu tâm đắc với câu nói của mình, còn Feely đột nhiên nhảy vọt ra khỏi bàn ăn.
“Trời đất ơi!” chị ta hét lên và vội quàng chiếc áo choàng giống hệt vải liệm quanh người, “Ai kia kìa?”
Có ai đó đứng in bóng ở mấy cánh cửa kiểu Pháp, hé mắt liếc nhìn chúng tôi qua đôi tay chụm lại tựa lên kính.
“Nhà văn đấy,” tôi nói. “Người thích viết về nông thôn ấy. Ông Pemberton mà.”
Feely kêu the thé và chạy ù lên cầu thang, và tôi biết khi lên đó rồi, chị ta sẽ mặc vội chiếc áo len bó sát màu xanh, phủ phấn lên những điểm thiếu sót trên khuôn mặt vừa tỉnh giấc, và sẽ bồng bềnh lướt xuống cầu thang, giả vờ như chị ta là một con người hoàn toàn khác: Olivia de Havilland[55], ví dụ thế. Chị ta luôn hành xử như vậy mỗi khi có một người đàn ông lạ huơ lạ hoắc đặt chân đến nơi này.
Daffy thờ ơ ngẩng mặt lên, rồi tiếp tục đọc. Như thường lệ, người đón tiếp vẫn là tôi.
Tôi bước ra ngoài hiên, kéo cửa đóng lại sau lưng.
“Flavia, chúc cháu buổi sáng tốt lành,” Pemberton nói và cười toe toét. “Đêm qua cháu ngủ có ngon giấc không?”
Tôi ngủ có ngon giấc không à? Loại câu hỏi quái quỷ gì vậy? Tôi đang đứng trước hiên, mắt còn bên mở bên xịt, đầu tóc rối bù như tổ quạ và nước mũi chảy sụt sùi. Ngoài ra, chẳng phải một câu hỏi về chất lượng giấc ngủ của ai đó chỉ được dành riêng cho những người ngủ chung dưới một mái nhà sao? Tôi cũng không chắc chắn lắm; tôi phải tra cứu lại trong cuốn Phép xã giao hoàn hảo cho những quý cô mới được. Sinh nhật lần trước Feely tặng tôi một cuốn, nhưng đến giờ nó vẫn được kê dưới một chân giường hơi ngắn của tôi.
“Không tệ lắm,” tôi nói. “Cháu bị cảm lạnh.”
“Thật tiếc khi biết như vậy. Tôi đang mong được phỏng vấn bố cháu tại Buckshaw này. Tôi cũng không muốn quấy rầy đâu, nhưng thời gian của tôi ở đây hạn hẹp lắm. Từ hồi Chiến tranh đến giờ, chi phí ăn ở bên ngoài, ngay cả ở phòng trọ xoàng xĩnh nhất, như ở Mười Ba Con Vịt chẳng hạn, cũng tăng lên chóng mặt. Chắc cũng không ai muốn biện hộ cho sự nghèo khó, nhưng những học giả túng tiền như chúng tôi vẫn thường chủ yếu phải ăn bánh mỳ và phó mát.”
“Ông Pemberton, vậy ông đã ăn sáng chưa?” Tôi hỏi. “Cháu chắc là cô Mullet có thể dọn ra món gì đó.”
“Flavia, cháu thật tốt quá,” ông ta nói, “nhưng ông Stoker chủ quán trọ đã dành cho tôi một bữa thịnh soạn thực với hai cái xúc xích, một quả trứng và tôi đang lo lắng cho mấy cái cúc áo gilê của mình đây.”
Tôi không biết mình phải tiếp nhận thông tin này như thế nào, và cơn cảm lạnh khiến tôi cáu kỉnh đến không muốn hỏi thêm gì.
“Có lẽ cháu có thể trả lời câu hỏi của ông,” tôi nói. “Bố cháu đang được giữ lại...”
Ừ, đúng rồi! Flavia, mày đúng là một con cáo con láu cá!
“Bố cháu đang được giữ lại trong thị trấn.”
“À, tôi nghĩ là cháu không thích mấy chuyện này đâu: vài câu hỏi nan giải về mương máng và đạo luật giới hạn đất công - đại loại như thế. Tôi đang định bổ sung thêm một phần phụ vào phần thay đổi về mặt kiến trúc mà cụ Antony và William de Luce tạo ra từ thế kỷ mười chín. ‘Ngôi nhà bị phân chia’ và tương tự như thế.”
“Cháu mới nghe thấy người ta nói là bỏ bớt phần phụ đi,” tôi buột miệng, “nhưng đây là lần đầu tiên cháu nghe nói đến việc bổ sung thêm phần phụ đấy.”
Dù nước mũi chảy ròng ròng nhưng tôi vẫn đấu tài đấu trí đâu ra đấy. Một cái hắt hơi to đùng làm mất cả hiệu ứng.
“Tôi chỉ cần vào trong nhà và nhìn ngó nhanh thôi. Để ghi chép đôi chút. Tôi sẽ không làm phiền ai đâu.”
Tôi cố nghĩ ra một từ đồng nghĩa với từ “không” khi nghe tiếng gầm gừ của động cơ, và chú Dogger, đang ngồi trên vô lăng của chiếc máy kéo cũ kỹ, xuất hiện giữa đám cây cối ở phía cuối đường. Ông Pemberton nhận thấy ngay tức khắc là tôi đang ngó qua vai ông, và ông ta cũng quay lưng nhìn xem tôi đang nhìn gì. Khi nhìn thấy chú Dogger đang đến gần, ông ta giơ tay vẫy vẫy hết sức thân thiện.
“Đó là Dogger, phải không? Một lão bộc trung thành của gia đình cháu?”
Dogger phanh xe lại và nhìn quanh quất xem ông Pemberton vừa vẫy tay ai. Khi chắc chắn, chú ấy mới giơ mũ lên chào lại, rồi gãi đầu. Chú ấy trèo xuống khỏi vô lăng và lóng ngóng đi qua bãi cỏ về phía chúng tôi.
“Flavia, như tôi đã nói với cháu,” ông Pemberton nói và ngó đồng hồ đeo tay, “tôi có ít thời giờ lắm. Tôi hứa gặp nhà xuất bản ở Nether Eaton để đi xem một ngôi mộ hiếm với rào chắn bất thường. Ông ấy hiểu nhiều về lăng mộ, vì thế nên tốt hơn hết là tôi không nên để ông ấy đợi lâu.”
Ông ta khoác ba lô lên và đi xuống bậc tam cấp, dừng lại ở góc nhà để nhắm mắt và hít hà đầy lồng ngực bầu không khí buổi sớm.
“Cho tôi gửi lời chào trân trọng đến Đại tá de Luce,” ông ta nói rồi đi mất.
Dogger lê chân đến, trông như thể đêm qua chú ấy không ngủ được.
“Cô Flavia, có khách à?” Chú ấy hỏi, bỏ mũ xuống và lấy ống tay áo quệt trán.
“Một ông Pemberton,” tôi nói. “Ông ta đang viết sách về mấy ngôi nhà ở thôn quê hay là lăng mộ hay gì gì đó nên muốn phỏng vấn bố về Buckshaw.”
“Hình như tôi chưa từng nghe đến tên ông ta,” Dogger nói. “Nhưng dù sao thì tôi cũng không phải là con mọt sách. Cô Flavia, tuy nhiên...”
Tôi biết chú ấy chuẩn bị dành cho tôi một bài thuyết pháp, kết thúc bằng mấy câu chuyện Thánh kinh và những ví dụ nghe mà sởn gai ốc về mối nguy hiểm khi nói chuyện với người lạ, nhưng hóa ra không phải vậy. Thay vào đó, chú ấy lấy ngón tay trỏ chạm vào vành mũ, và cả hai chúng tôi cùng ngây người đứng nhìn cả bãi cỏ như hai con bò. Thông điệp được gửi đi; thông điệp được thu nhận. Dogger đáng thương. Đó chính là cách giảng dạy của chú ấy.
Ví dụ, chính chú Dogger đã kiên nhẫn dạy tôi cách nạy khóa vào một ngày tôi vô tình gặp chú ấy đang tìm cách phá khóa cửa nhà kính. Chú ấy đánh mất chìa khoá trong một “sự kiện quan trọng” và đang bận tay với mấy chiếc răng bị bẻ cong của một chiếc dĩa cũ được chú ấy tìm thấy trong một chậu cảnh.
Tay chú run bần bật. Mỗi khi chú hành xử như vậy, bạn có cảm giác nếu bạn đưa một ngón tay ra chạm vào chú ấy, bạn sẽ toi mạng ngay vì bị điện giật. Nhưng bất chấp điều đó, tôi đã đề nghị giúp đỡ, và chẳng mấy chốc chú ấy đã chỉ cho tôi thấy cách nạy khóa.
“Cô Flavia, dễ lắm,” chú ấy nói sau khi tôi thử lần thứ ba. “Chỉ cần nhớ trong đầu ba chữ này: xoắn, sức và siết chặt. Cứ hình dung cô phải ở bên trong cánh cửa bị khoá. Hãy lắng nghe các đầu ngón tay.”
“Chú học cái này ở đâu?” Tôi hỏi, sửng sốt khi cánh cửa kêu két và mở ra. Đúng là dễ dàng đến tức cười khi bạn nắm được cách làm.
“Lâu lắm rồi và ở xa xa lắm,” Dogger nói khi chú ấy bước vào nhà kính và tự làm cho mình bận bịu đến nỗi tôi không thể hỏi gì thêm.
Mặc dù ánh nắng đang tràn ngập qua các ô cửa sổ phòng thí nghiệm nhưng tôi không thể suy nghĩ được gì cho thấu đáo. Đầu óc tôi quay cuồng với những điều bố nói và những thứ tôi lục tìm thấy: cái chết của ông Twining và Horace Bonepenny.
Ý nghĩa của chiếc mũ và áo choàng bị giấu trên mái ngói ở Anson House là gì? Hai đồ vật này là của ai, và tại sao chúng bị bỏ lại trên đó?
Bài độc thoại của bố, và bài viết trên tờ Hinley Chronicle cho thấy ông Twining đang mặc áo choàng khi ông ấy nhảy tự vẫn. Khó có thể xảy ra trường hợp cả hai lời miêu tả này đều có nhầm lẫn.
Tương tự như thế, là vụ trộm con tem Ulster Avenger của Nữ hoàng và con tem song sinh, vốn thuộc về Tiến sĩ Kissing.
Bây giờ Tiến sĩ Kissing đang ở đâu, tôi tự hỏi. Liệu cô Mountjoy có biết không? Có vẻ như cô biết mọi thứ.
Liệu tiến sĩ còn sống không? Khả năng này thấp lắm. Đã ba mươi năm trôi qua kể từ khi ông tiến sĩ tưởng rằng con tem vô giá của mình đã cháy rụi trong lửa.
Nhưng tâm trí tôi đang quay mòng mòng, não bộ rối tung, và tôi không thể suy nghĩ cho ra ngô ra khoai được.
Hai lỗ mũi tắc nghẹt, nước mắt ứa ra, và tôi cảm nhận được một cơn đau đầu như búa bổ đang ập tới. Tôi cần phải làm cho đầu óc mình sáng suốt hơn.
Đều là lỗi của tôi: đáng ra tôi không bao giờ được để chân bị lạnh. Cô Mullet rất thích nói, “Giữ chân ấm và giữ đầu mát, cô sẽ không bao giờ bị hắt hơi khi đi ngủ.” Nếu một người bị cảm lạnh, thì chỉ có thể làm một việc duy nhất, vì vậy tôi lê chân xuống bếp và ở đó, tôi thấy cô Mullet đang làm bánh ngọt.
“Cô bị sổ mũi rồi,” cô ấy nói, không hề ngẩng lên khỏi cái trục nhào bột. “Để tôi làm cho cô một bát nước xuýt gà ngon tuyệt.” Người phụ nữ này quả là hiểu vấn đề rất nhanh.
Khi nói đến từ “nước xuýt gà”, cô ấy hạ thấp giọng xuống, gần như nói thầm, và liếc vẻ mặt bí ẩn sang ngang.
“Nước xuýt gà nóng hổi,” cô ấy nói. “Đó là một bí mật mà bà Jacobson nói với tôi trong một bữa tiệc trà của Hội Phụ nữ. Tôi ở nhà bà ấy kể từ cuộc di dân. Thề với cô là tôi không nói gì đâu.”
Một sở thích nho nhỏ khác của cô Mullet liên quan đến sự uyên thâm về làng quê là cây bạch đàn. Cô ấy bắt chú Dogger phải trồng một cây trong nhà kính, và cô rất chăm chỉ giấu cành con của cây hết chỗ này đến chỗ khác ở Buckshaw như mấy lá bùa chặn cảm lạnh và cảm cúm.
“Có bạch đàn trong hành lang thì cô sẽ không bị cảm lạnh hay cảm cúm đâu,” cô ấy thường nói với vẻ đắc thắng. Và quả là thế. Vì cô ấy bí mật giấu những chiếc lá xanh phủ sáp sẫm màu ở những nơi không ai ngờ tới quanh nhà, nên không ai trong nhà tôi bị bệnh nặng như sổ mũi cả.
Cho đến bây giờ. Chắc hẳn kế hoạch bị thất bại phần nào rồi.
“Không, cám ơn cô Mullet,” tôi nói. “Cháu vừa đánh răng xong.”
Đó là nói dối, nhưng cũng là câu hay nhất tôi có thể nghĩ ra trong thời gian ngắn như thế. Trên đường đi ra bếp, tôi chôm trong chạn một chai nho nhỏ chứa các hột màu vàng có ghi Nước cốt Gà, và từ chân đèn treo tường trong hành lang, tôi lấy cho mình một nắm lá bạch đàn.
Leo cầu thang lên phòng thí nghiệm, tôi lấy chai natri bicacbonat hay muối aeratus mà cụ Tar đánh dấu là Sob. Bicarb. để phân biệt với kali bicacbonat, cũng được gọi là muối aeratus - Pot. Bicarb.
Tôi biết nó có công thức NaHCO3 mà người nông thôn gọi là bột khai. Đâu đó tôi còn nhớ từng nghe thấy mấy người nhà quê ấy tin rằng muối alkali có thể thổi bay tình trạng nguy cấp nhất của bệnh cảm lạnh thông thường.
Điều đó có vẻ dễ hiểu về mặt hoá học, tôi lập luận như thế, rằng nếu muối là phương thuốc chữa bệnh, và nước xuýt gà cũng là phương thuốc chữa bệnh, thì hãy nghĩ đến khả năng phục hồi sức khoẻ diệu kỳ của một cốc nước xuýt gà sủi bọt! A ha, Vậy thì tôi sẽ là người sáng chế ra loại thuốc giải độc đầu tiên trên thế giới về bài trừ cảm lạnh rồi.
Thậm chí tôi còn cố ngân nga một điệu hát vui tươi khi cho một ít nước uống vào một cái cốc, đặt cốc lên lửa và hâm nóng. Trong khi đó, ở một chiếc bình thót cổ được nút chặt, tôi đun sôi các mẩu lá bạch đàn được xé vụn và ngồi quan sát khi các giọt tinh dầu màu vàng nhạt bắt đầu hình thành ở đầu kia của ống chưng cất.
Khi nước sôi sùng sục, tôi lấy cốc ra khỏi lửa, làm mát cốc trong vài phút, sau đó tôi rót vào đó hai thìa cà phê đầy nước cốt gà và một thìa NaHCO3.
Tôi quấy mạnh hỗn hợp để bọt sủi trào lên miệng cốc như ngọn núi Vesuvius. Tiếp đó, tôi bóp chặt hai lỗ mũi lại và uống liền một hơi hết nửa cốc thuốc do mình tự pha chế.
Món nước gà kêu lèo xèo! Ôi Chúa ơi, xin hãy bảo vệ chúng con, những người cần mẫn làm việc trong phòng thí nghiệm hóa học!
Tôi mở nút bình thót cổ và đổ món nước cất lá bạch đàn, mẩu lá vụn, và mọi thứ còn trong bình vào món nước súp vàng vàng. Sau đó cởi áo len chui cổ và vắt lên đầu như cái mũ trùm hơi, tôi hít chỗ hơi nước đến long não của bạch đàn pha nước gà, và đâu đó bên trong mấy hang hốc dinh dính trong đầu, tôi nghĩ mình cảm thấy hệ thống xoang mũi đang giơ thẳng tay lên xin đầu hàng. Tôi thấy khoẻ hơn rồi.
Có tiếng gõ cửa rất mạnh và tôi giật bắn người. Hiếm khi có người đi đến phía này của ngôi nhà, chưa nói gì đến tiếng gõ cửa, nó không được mong đợi y như những nốt nhạc bất ngờ gây thót tim trong phim kinh dị, khi một cánh cửa mở bật ra để lộ la liệt toàn xác chết. Tôi kéo then cửa và đó là Dogger, tay vặn vẹo mũ giống hệt một thợ giặt Ailen. Tôi nhận thấy chú ấy đang có triệu chứng gì đó.
Tôi chạm vào tay chú, và đôi tay ấy lặng đi ngay tức thì. Tôi đã quan sát - mặc dù không thường xuyên tận dụng - rằng có những lúc một cái chạm tay cũng có thể nói hết những điều mà mọi lời nói không thể truyền đạt nổi.
“Mật khẩu là gì?” Tôi đan hai bàn tay vào nhau và đặt cả hai bàn tay lên đỉnh đầu.
Trong khoảng năm giây rưỡi, trông chú ấy hoàn toàn vô hồn, và rồi, các cơ hàm căng ra của chú ấy từ từ thư giãn, và chú ấy gần như mỉm cười. Giống một người máy, chú ấy khớp các ngón tay vào nhau và bắt chước điệu bộ của tôi.
“Ở ngay đầu lưỡi tôi,” chú ấy ngập ngừng, rồi nói tiếp, “giờ tôi nhớ rồi: nó là ‘thạch tín’.”
“Chú cẩn thận đừng có nuốt nhé,” tôi trả lời. “Chất độc đấy.”
Bằng nỗ lực đầy thiện chí, Dogger mỉm cười. Trình tự đã được tuân thủ thích đáng.
“Mời vào, bạn tốt,” tôi nói và mở to cửa.
Dogger bước vào trong phòng và băn khoăn nhìn quanh quất, như thể chú ấy vừa bất ngờ nhận thấy mình được chuyển đến phòng thí nghiệm của một nhà giả kim vào một mùa hè xa lắc xa lơ. Chú ấy đã ở chỗ này của ngôi nhà cách đây lâu lắm rồi, đến nỗi chú ấy gần như quên mất căn phòng.
“Nhiều thủy tinh quá,” chú ấy run rẩy nói.
Tôi kéo chiếc ghế Windsor cũ kỹ của cụ Tar ra khỏi bàn, giữ chặt ghế đến khi chú ấy ngồi co ro trên nó.
“Chú ngồi đi. Cháu sẽ pha cho chú ít đồ uống.”
Tôi đổ đầy nước vào một chiếc bình thót cổ sạch và đặt một tấm lưới kim loại lên trên cùng. Dogger giật mình trước tiếng “bốp” nho nhỏ của mỏ đèn khí đốt khi tôi quẹt diêm.
“Có ngay thôi,” tôi nói. “Chỉ trong nháy mắt.”
Điều may mắn của đồ đạc bằng thủy tinh trong phòng thí nghiệm là chúng đun sôi nước với tốc độ ánh sáng. Tôi thả một thìa đầy lá đen nhẻm vào cốc. Khi nó chuyển sang màu đỏ sậm, tôi đưa cho Dogger - chú ấy đang nhìn chiếc cốc với vẻ ngờ vực.
“Không sao đâu,” tôi nói. “Của Tetley đấy.”
Chú ấy rón rén nhấp môi vào tách trà, thổi phù phù trên mặt cốc cho trà nguội. Khi chú ấy uống, tôi chợt nhớ, rằng có một lý do, khiến chúng tôi, những người Anh, có thái độ kỳ quặc hơn đối với món trà so với người ở Buckingham Palace hay Chính phủ của Nữ hoàng: ngoài linh hồn, ủ trà là điều duy nhất khiến chúng tôi khác với loài đười ươi - hoặc như ông Vicar từng nhấn mạnh điều đó với bố, và chính bố cũng đã nói với Feely, Daffy, và tôi như vậy.
“Cám ơn cô,” Dogger nói. “Giờ tôi thấy là chính mình rồi. Cô Flavia, có đôi điều tôi phải nói với cô.”
Tôi ngồi lên mép bàn, cố tỏ ra vẻ thân thiện.
“Chú nói đi,” tôi nói.
“Ừm,” Dogger bắt đầu nói, “Cô cũng biết là nhiều lúc tôi cũng có thời gian rảnh - tức là cũng thi thoảng, tôi có thời gian khi tôi...”
“Chú Dogger, tất nhiên là cháu biết,” tôi nói. “Chẳng phải tất cả chúng ta đều vậy sao?”
“Tôi cũng không biết. Tôi không nhớ nữa. Cô thấy đấy, vấn đề là, khi tôi...”
Hai mắt chú ấy đảo tròn như mắt bò trong trại giết mổ.
“Tôi nghĩ hình như tôi đã làm gì đó với ai đó. Và bây giờ họ đến bắt Đại tá vì điều đó.”
“Chú đang ám chỉ Horace Bonepenny à?”
Có tiếng thủy tinh vỡ khi Dogger làm rơi cốc trà xuống sàn nhà. Tôi vội vơ lấy một mảnh vải và vì lý do hết sức ngu muội nào đó, tôi lau hai tay chú ấy, dù đôi tay ấy hoàn toàn khô ráo.
“Cô biết gì về Horace Bonepenny?” Chú ấy cầu khẩn, túm chặt lấy cổ tay tôi. Nếu không phải là Dogger thì chắc chắn tôi đã sợ phát khiếp lên.
“Cháu biết mọi điều về ông ta,” tôi nói và khẽ khàng gỡ lỏng các ngón tay của chú ấy. “Cháu tra cứu thông tin về ông ta ở thư viện. Cháu cũng nói chuyện với cô Mountjoy nữa, và tối qua bố cũng kể toàn bộ câu chuyện cho cháu nghe.”
“Cô gặp Đại tá de Luce tối qua ư? Ở Hinley ư?”
“Vâng,” tôi nói. “Cháu đạp xe đến. Cháu đã nói với chú là bố cháu khỏe. Chú không nhớ sao?”
“Không,” Dogger nói và lắc đầu. “Thỉnh thoảng tôi không nhớ gì hết.”
Có thể nào như thế không? Liệu Dogger có chạm trán Horace Bonepenny ở đâu đó trong nhà, hoặc trong vườn, sau đó đánh lộn với ông ta khiến ông ta vong mạng không? Hay đó chỉ là một vụ tai nạn? Hay còn điều gì đó hơn thế trong chuyện này?
“Nói cho cháu nghe xem chuyện gì đã xảy ra,” tôi nói. “Nói hết những gì chú còn nhớ.”
“Lúc đó tôi đang ngủ,” Dogger nói. “Tôi nghe thấy giọng nói - to lắm. Tôi đứng lên và đi đến phòng làm việc của Đại tá. Có người đang đứng ở hành lang.”
“Là cháu,” tôi nói. “Cháu đứng ở hành lang.”
“Là cô,” Dogger nói. “Cô đứng trong hành lang.”
“Vâng. Chú bảo cháu đi.”
“Tôi làm vậy sao?” Dogger có vẻ choáng váng.
“Vâng, chú bảo cháu về đi ngủ.”
“Một người đàn ông bước ra khỏi phòng làm việc,” Dogger bất chợt nói. “Tôi núp bên cạnh đồng hồ và ông ta đi ngang qua tôi. Gần đến nỗi tôi có thể thò tay ra túm lấy ông ta.”
Rõ ràng là chú ấy đang kể đến thời điểm sau khi tôi đã lên giường.
“Nhưng chú không... túm lấy ông ta, ý cháu là thế.”
“Không, không. Tôi đi theo ông ta ra vườn. Ông ta không nhìn thấy tôi. Tôi lần theo bức tường phía sau nhà kính. Ông ta đứng trong vườn dưa... ăn cái gì đó... có vẻ kích động... nói một mình... bằng ngôn từ bẩn thỉu... và hình như ông ta không nhận ra mình không còn đi trên đường mòn nữa. Và sau đó có pháo hoa.”
“Pháo hoa ư?” Tôi hỏi.
“Cô biết rồi đấy, vòng pháo hoa, pháo thăng thiên, và nhiều thứ lắm. Tôi nghĩ có lẽ lúc đó nhà thờ trong làng tổ chức ngày lễ thánh. Tháng Sáu mà cô. Họ tổ chức lễ thánh vào tháng Sáu.”
Không hề có ngày lễ thánh; tôi chắc chắn điều đó. Tôi thà chạy miết trên khắp Amazon bằng giày đục lỗ chơi quần vợt còn hơn là bỏ lỡ cơ hội được ngấu nghiến kẹo dừa ở nhà dì Sally và ngốn cho thỏa thích nào bánh kem nhỏ, nào kem dâu tây ở đó. Không đâu, tôi rất giỏi nhớ các ngày lễ thánh.
“Và sau đó xảy ra chuyện gì?” Tôi hỏi. Thông tin chi tiết sẽ được sàng lọc sau.
“Chắc là tôi ngủ quên mất,” Dogger nói. “Khi tỉnh dậy tôi thấy mình nằm trên cỏ. Ẩm ướt lắm. Tôi đứng lên và đi về giường. Tôi thấy không được khỏe. Chắc hẳn tính khí tôi không tốt. Tôi cũng không nhớ nữa.”
“Và chú nghĩ rằng, trong lúc tính khí không tốt, có thể chú đã giết Horace Bonepenny à?”
Dogger ủ rũ gật đầu, rồi đưa tay lên sờ gáy.
“Còn ai khác nữa đâu?” Chú ấy hỏi.
Còn ai khác nữa ư? Tôi nghe thấy câu này ở đâu rồi nhỉ? Rõ ràng rồi! Chẳng phải Thanh tra Hewitt cũng hỏi đúng câu này khi nói về bố sao?
“Chú Dogger, cúi đầu xuống,” tôi nói.
“Cô Flavia, tôi xin lỗi. Dù có giết người thì tôi cũng không hề muốn vậy.”
“Chú cúi đầu xuống đi.”
Dogger ngồi sụp xuống ghế và cúi đầu ra trước. Khi tôi bẻ cổ áo chú, chú ấy nhăn hết cả mặt mày.
Trên cổ chú ấy, bên dưới và sau tai, là vết bầm tím đen to và có hình đế giày. Chú ấy nhăn mặt khi tôi đụng vào nó.
Tôi huýt sáo.
“Pháo hoa, lạ chưa!” Tôi nói. “Không hề có pháo hoa đâu chú Dogger ạ. Chú bị lừa rồi. Và chú cứ đi làm việc này việc nọ với vết thâm tím bầm như thế này trên cổ suốt hai ngày qua sao? Thế thì chắc phải đau lắm.”
“Đau lắm, cô Flavia ạ, nhưng tôi từng bị đau hơn thế nhiều.”
Chắc hẳn tôi đã nhìn chú ấy với vẻ không tin.
“Tôi nhìn mình trong gương,” chú ấy nói thêm. “Hai đồng tử vẫn bằng nhau. Hơi chấn động - nhưng không quá tệ. Tôi sẽ sớm vượt qua thôi.”
Tôi định hỏi chú ấy xem chú ấy biết được những thông tin này ở đâu, nhưng chú ấy nói thêm:
“Nhưng tôi có đọc điều đó ở đâu đó.”
Bỗng nhiên tôi nghĩ ra một câu hỏi quan trọng hơn.
“Chú Dogger, làm sao chú có thể giết người được nếu chú bị đánh đến bất tỉnh?”
Chú ấy đứng đó, trông như một đứa học trò bị giằng xé trong một trận đòn. Mồm miệng há ra rồi ngậm lại, nhưng không nói gì.
“Chú bị tấn công!” Tôi nói. “Có người lấy giày đánh chú!”
“Không, không phải cô ạ,” chú ấy buồn bã nói. “Cô biết đấy, ngoài Horace Bonepenny ra, chỉ có mình tôi trong vườn thôi.”
Kỳ Án Chim Dẽ Giun Kỳ Án Chim Dẽ Giun - Alan Bradley Kỳ Án Chim Dẽ Giun