A book is like a garden carried in the pocket.

Chinese Proverb

 
 
 
 
 
Tác giả: Goh Poh Seng
Thể loại: Tiểu Thuyết
Biên tập: Đỗ Quốc Dũng
Upload bìa: Đỗ Quốc Dũng
Số chương: 26
Phí download: 4 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 2081 / 60
Cập nhật: 2017-08-09 10:29:01 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 18
wang Meng gõ cửa, mặc dù cửa phòng mở rộng, và anh thấy Boon Teik ngồi trên ghế xô pha đọc sách.
“Vào đi, vào đi,” Boon Teik đứng lên, chìa tay cho anh. “Ngồi xuống, ngồi xuống đây nào! Vợ mình đang ở trong bếp nấu ăn, sắp xong rồi. Mei-I!” anh ta kêu lớn. “Kwang Meng ở đây rồi nè!”
Vợ anh chạy ra, theo sau là Anne.
“Mei-I à, đây là hàng xóm nhà ta, cậu Kwang Meng,” rồi quay sang Meng, anh nói tiếp. “Chắc là cậu đã gặp Anne, em họ của Mei-I rồi chứ?”
Kwang Meng chào vợ Boon Teik. Anh đã nhìn thấy cô rất nhiều lần. Trông cô như chưa đến hai mươi tuổi, thân hình nhỏ nhắn và cũng đeo kính như Anne. Hóa ra cái đó cũng do di truyền, anh nghĩ, thật ngộ nghĩnh. Thấy Anne ở đây, quả là anh ngạc nhiên lắm.
“Bọn em để các anh nói chuyện nhé,” Mei-I nói gần như hối lỗi. “Cho chị xin phép nhé Kwang Meng, đàn bà con gái bọn chị có việc phải làm trong bếp, không thì em chẳng có bữa tối đâu.”
“Đương nhiên rồi,” Kwang Meng trả lời.
Anne mỉm cười thẹn thùng với anh, như thể cô hài lòng khi làm anh ngạc nhiên. Hai người kéo nhau vào căn bếp ở phía sau căn hộ.
“Cậu muốn uống gì hả Meng?” Boon Teik hỏi.
“Bia là được thôi mà.”
Boon Teik đi lấy đồ uống trong bếp. Kwang Meng nhìn quanh phòng khách. Căn phòng trang trí đơn giản, nhưng rất thanh nhã, sơn tường xanh dịu. Có một vài bức ảnh chụp tranh Van Gogh, Cézanne và nhiều tấm batik[26] của mấy họa sĩ địa phương treo trên tường. Kwang Meng thấy căn phòng màu xanh này rất cuốn hút, do trước giờ chỉ quen với tường nhà màu trắng. Có một kệ sách dài đầy ứ và một máy quay đĩa với chồng đĩa LP nằm bên cạnh. Vợ Boon Teik đã treo rèm bằng batik màu xanh và vàng, hợp với màu vỏ gối trên bộ ghế bành. Một chiếc chụp đèn giấy kiểu Nhật màu trắng treo lơ lửng phía trên, và ở góc phía sau một trong hai chiếc ghế bành là cây đèn phòng với chụp đèn màu đỏ. Trên cái bàn cà phê dài và hẹp là chồng tạp chí và một bát Ikebana. Kwang Meng không ngờ một căn hộ của dự án phát triển nhà ở có thể trở nên dễ chịu và quyến rũ đến thế. Căn nhà của anh chỉ là nơi người chui rúc, chỉ có thế, không ai cố gắng làm cho nó trở thành nơi người ở được. Chỉ cố gắng một chút, kết quả đã khác biệt đến vậy! Anh thầm nghĩ, tất cả đều do sự quan tâm, liệu ta có quan tâm đến cuộc đời, đến việc ta sống trong đời hay không.
Boon Teik trở lại, mang theo đồ uống.
“Em thích cách anh chị bày biện nhà cửa lắm.”
“Cũng có tốn kém gì đâu,” Boon Teik nói. “Đồ gia dụng là do Mei-I mua cả đấy. Cô ấy thích lục lọi cái cửa hàng đồ cũ C.C.C. ở đường Newton, rồi mấy cái chòi gần đường Sungei bán đủ thứ thập cẩm. Cậu biết chỗ ấy chứ, cái chỗ gọi là Chợ Ăn Trộm ấy.”
Kwang Meng đã nghe tới nơi ấy, nhưng chỉ biết rằng đó là một kênh đào hôi hám. Mei-I hẳn phải can đảm lắm mới chịu đựng được. Anh không biết liệu lời đồn có thật không, rằng xưa kia bọn trộm cắp đến đó rao bán những món hàng vừa chôm chỉa được, nên nếu nhà ai bị trộm viếng, thì cứ đến Chợ Ăn Trộm vào buổi sáng hôm sau để tìm lại đồ. Dĩ nhiên phải mua lại rồi, nhưng cũng không mắc lắm. Có lẽ cái tên Chợ Ăn Trộm là do thế.
Trong phòng khách của Boon Teik, còn có vài chậu dương xỉ và xương rồng.
“Em thật tình khâm phục gu của anh chị đấy. Chỗ của em cứ như chuồng heo vậy.”
“Nhưng đấy có phải là chỗ của cậu đâu! Chờ tới khi cậu lập gia đình và có căn hộ riêng đã. Khi đó mình chắc cậu cũng bày biện đủ thứ tùy thích. Nhà cha mẹ mình cũng như chuồng heo ấy, mình sống ở đó cho tới khi bọn mình làm đám cưới. Khi còn ở với cha mẹ, mình chẳng thèm quan tâm tới chỗ nào ngoài phòng riêng của mình đâu. Bây giờ thì khác. Đây là chỗ của riêng chúng mình.”
“Anh chị giỏi quá,” Kwang Meng khen ngợi, lần này là lần thứ ba.
“Quan trọng lắm chứ. Nhà ở cũng thể hiện lối sống mà. Một căn nhà, cũng như một đời người, tùy thuộc vào cách sắp xếp của mỗi người. Ai cũng nên hiểu như thế, mà tự bắt tay sắp xếp đi. Mình cứ thấy như là, cả đến thế hệ chúng mình bây giờ, sinh sau thời chiến rồi, dân ta vốn chẳng suy nghĩ như thế. Chúng mình cứ trôi nổi vô hướng. Ở trường, mình cố in vào đầu lũ học sinh chuyện này. Chúng phải học được điều đó.”
“Anh chắc là một thầy giáo giỏi, Boon Teik.”
“Mình đang cố. Ai cũng phải cố cả. Dẫu làm gì, cũng phải cố gắng làm thật tốt.”
“Kể cả khi chuyện ta làm là vô nghĩa?” Kwang Meng hỏi.
“Chẳng có gì là vô nghĩa,” Boon Teik đáp.
Lời anh nói ra thật mạnh mẽ. Mạnh mẽ đến mức Kwang Meng muốn tin, dù không tin được. Nhưng cách nói của anh thật làm người khác thấy muốn tin tưởng, đúng như một thầy giáo mẫu mực, Kwang Meng nghĩ. Không phải là giọng điệu của người có quyền thế, mà giọng điệu khiến mọi thứ gần như là sự thực. Đến nỗi Kwang Meng ước gì đó là sự thật.
Dẫu thế, anh vẫn đáp lại. “Em không chắc đâu. Trên đời này có những thứ, à không những công việc chứ,” anh chữa lại, “thật vô nghĩa.” Anh tự nhiên nhớ tới công việc của mình.
“Có thể trông thì có vẻ vô nghĩa, nhưng thật ra thì không đâu. Tùy cách nhìn nhận sự việc thế nào thôi. Mình tin rằng chuyện này phải nhìn xa hơn, từ điểm nhìn xã hội. Con người là một sinh vật xã hội, cậu phải chấp nhận điều đó. Con người sống trong xã hội, và vì thế để xã hội vận hành được, phải có đủ thứ ngành nghề. Nhưng dẫu là loại nghề gì, cấp độ nào, mọi người đều có chỗ của mình như những bánh răng trong một cỗ máy phức tạp, như trong một chiếc đồng hồ ấy. Mọi bánh răng, mọi chi tiết đều quan trọng.”
“Có lẽ thế. Nhưng ngày xưa, người ta cũng dùng cách lý luận này để bảo vệ cho chế độ nô lệ, để khẳng định rằng nô lệ cần thiết cho một xã hội nào đó. Tay triết gia Hy Lạp nào đó nói thế phải không, em không nhớ nữa.”
“Nhưng chúng ta có còn chế độ nô lệ nữa đâu,” Boon Teik nói.
“Ta chỉ gọi nó bằng cái tên khác, có thế thôi. Bị xã hội ép buộc làm những chuyện vô ích thì cũng như làm nô lệ vậy.”
“Thôi nào, thôi nào,” Boon Teik khiển trách.
Không thích cãi vã, Kwang Meng im lặng. Anh thấy tranh cãi là vô ích, vì hầu như không khi nào một bên lại chấp nhận quan điểm bên kia; họa hoằn lắm một bên mới bị thuyết phục tới mức thay đổi hoàn toàn thế giới quan, dù đúng hay sai. Không, mình sẽ không để bị lôi cuốn vào cuộc tranh luận nào hết, anh quyết định. Điều đó chỉ làm mình ghét Boon Teik, và anh ấy ghét mình, mà mình lại không muốn ghét Boon Teik.
“Cậu phải hiểu rằng, xã hội hiện đại phức tạp lắm. Xã hội càng hiện đại thì càng phức tạp, và trong xã hội phức tạp đó, phải có đủ loại chức năng cho con người, từ cao đến thấp. Thật ra thì, chính sự phân cấp đó quyết định cấp độ phát triển của xã hội.”
Boon Teik dừng lại, như chờ đợi Kwang Meng tiếp tục tranh luận. Không nhận được phản hồi, anh ta nói tiếp. “Có vẻ không công bằng, cái lý thuyết bảo vệ chức năng con người mà có kẻ chặt củi, kẻ kín nước kia, nhưng ngược đời thay, đó là bản chất của chế độ dân chủ.”
Em không muốn cãi là điều đó không đúng, thậm chí không muốn chối có thể điều đó chính là dân chủ. Điều duy nhất em có thể nói được, là nó rất đáng buồn. Kwang Meng nghĩ thầm, nhưng quyết định không nói ra.
“Mình biết chuyện đó đáng buồn lắm, nhưng đó là điều không chối cãi được,” Boon Teik nói, như đọc được suy nghĩ của Kwang Meng. “Nhưng cuối cùng thì, vấn đề là làm cho mọi người hiểu ra rằng dù công việc của họ có thấp bé chán chường thế nào, thì đó cũng là một việc có ích, có ý nghĩa cho sự vận hành trơn tru của xã hội,” Boon Teik thêm vào.
“Nhưng điều đó có làm họ thỏa mãn đâu, có làm công việc của họ trở nên hấp dẫn hơn đâu, đúng chứ?” Kwang Meng bác lại.
“Không,” Boon Teik tán đồng. “Nhưng nếu họ nhận ra rằng công việc của mình là quan trọng, rằng mình có đóng góp gì đó để giúp xã hội ngày càng thịnh vượng phát triển, thì họ cũng có đường tìm được sự thỏa mãn. Rằng chính họ đang đóng vai trò quan trọng để thay đổi xã hội, vì một tương lai tốt đẹp hơn cho con cháu họ, rồi còn cháu chắt chút chít nữa. Khi đó, nếu không phải hài lòng, không phải hạnh phúc, thì ít ra họ cũng tìm được chút an ủi.”
“Làm sao làm được điều ấy, Boon Teik?”
“Đó là chuyện của chính trị gia. Họ phải giáo dục quần chúng, giúp quần chúng nhận thức được điều này.”
“Chà, chẳng phải những chính trị gia của chúng ta vẫn đang làm điều đó sao?”
“Đúng thế.”
“Và chúng ta vẫn chẳng có chút an ủi nào.”
Lúc này, hai người phụ nữ từ trong bếp bước ra. Bữa tối đã sẵn sàng.
Căn hộ của họ giống y hệt nhà anh, và nhà họ Lim cũng đặt chiếc bàn ăn vuông chỉ đủ bốn người trong bếp. Nhưng căn bếp kiêm phòng ăn của họ rất gọn gàng chu tất, tường sáng lên màu vàng chanh. Trên bàn có vài cành hoa tươi, lan Vũ nữ vàng lựng cắm vào bình nước.
Mei-I đã chuẩn bị một vài món ăn nonya. Sau này Kwang Meng mới biết cô và Anne xuất thân từ một gia đình Peranakan cũ, những người đã đến đất này hơn trăm năm trước. Những người Peranakan đó, thường gọi là nonya và baba, là những người Trung Quốc sinh ở hai bờ eo biển, tổ tiên đã di cư đến Malaya và Singapore nhiều thế hệ trước. Sau nhiều năm, họ tạo dựng cho mình một nền văn hóa ít nhiều khác biệt, và dù vẫn là dòng dõi người Hoa, họ chịu nhiều ảnh hưởng của người Malay trong cách ăn mặc, nói năng, và cả những món ăn xé lưỡi. Kwang Meng thích đồ ăn nonya lắm, từ món nonya laksa của đảo Penang, tới món nasi lemak hay cơm trộn dừa, rồi món chả cá otak-otak, món tương sambal, và cà ri, và kuay. Tối hôm đó, Mei-I nấu món nasi lemak.
“Anh Meng có thích đồ ăn nonya không?” Anne hỏi.
“Hừm hừm… Ngon lắm, chị Mei-I à,” Kwang Meng khen ngợi.
“Anne cũng nấu thức ăn nonya ngon lắm đấy,” Mei-I nói.
Anne ngượng đỏ mặt, quay sang mỉm cười với người chị họ. “Không ngon bằng chị đâu.”
“Cậu làm giám khảo đi Kwang Meng,” Boon Teik bảo. “Cậu phải thử đồ ăn Anne nấu mới được.”
“Phải, lần tới bọn tôi sẽ bắt Anne nấu cho cậu ăn nhé,” Mei-I nói.
Sau bữa tối, hai người đàn ông trở lại phòng khách, Boon Teik mang theo hai chai bia, trong khi hai người phụ nữ ở lại dọn rửa trong bếp.
Boon Teik bảo anh rằng họ lấy nhau được hai năm rồi. Lúc đó anh mới tốt nghiệp Trường Cao đẳng Sư phạm và Mei-I vừa mới nhập trường. Trong mấy tháng đầu, họ sống với cha mẹ Boon Teik, nhưng mọi việc không suôn sẻ. Họ không được riêng tư, mà nhà cha mẹ cũng đã đông người lắm rồi. Cậu mợ cô chú, rồi họ hàng gần nữa. Không phải là nơi thích hợp cho một cặp vợ chồng mới cưới. Thế rồi vận may đến với họ. Sau khi nộp đơn họ được cấp căn hộ này. Sống ở đây vui vẻ lắm.
Kwang Meng chìm đắm trong không khí căn hộ nhà bạn. Thanh bình một cách yên tĩnh, phản chiếu cuộc hôn nhân hòa hợp. Lúc đó anh tin chắc rằng một cuộc hôn nhân thành công là điều đẹp nhất trên đời. Hạnh phúc hôn nhân là một điều tốt đẹp, nhưng không phải cặp vợ chồng nào cũng hạnh phúc. Anh nghĩ tới Hock Lai và Cecilia. Lạ lùng thay, Kwang Meng sớm cảm thấy rằng cuộc hôn nhân sắp tới của họ vì lý do nào đó sẽ có một kết cục xấu. Còn hơn thế, anh cảm thấy cả Hock Lai và Cecilia, có lẽ Hock Lai rõ hơn Cecilia, đã nhận ra ngay từ đầu cái kết thúc tiền định này. Vậy mà họ vẫn tiếp tục, vui vẻ không cần biết sự đời, lao đầu vào đám cưới. Cứ thế thoải mái lao vào thảm họa! Trong vòng một năm, có khi ít hơn, Hock Lai sẽ bắt đầu lang chạ với đủ loại đàn bà, và một vài năm sau, có khi ít hơn, Cecilia sẽ dần bỏ cuộc và cam chịu chuyện đó. (Hock Lai hẳn sẽ nói: “Vì công việc mà, em biết anh phải đi tiếp khách thế này.”) Rồi cô sẽ tìm đến bàn mạt chược đốt thời gian.
Boon Teik bật máy quay đĩa. Đó là một bản giao hưởng của Brahms, anh nói, và đi lấy thêm bia. Kwang Meng đứng dậy bước đến kệ sách dài. Boon Teik sở hữu một bộ sưu tập sách đồ sộ, chủ yếu là sách văn học, lịch sử và chính trị bìa mềm.
“Anh đọc nhiều thế,” Kwang Meng nói với Boon Teik lúc này đã trở lại phòng.
“Phải, mình thích đọc sách lắm. Cả Mei-I nữa. Cậu thấy đấy, bọn mình ít ra ngoài, cũng chẳng có mấy quan hệ xã hội. Thỉnh thoảng có phim hay thì xem thôi. Ti vi cũng chẳng có, nhưng mình không muốn mua. Mình nghe nói người ta xem hoài dễ nghiện, mà vậy thì không tốt.”
“Em ước gì mình đã siêng đọc sách hơn,” Kwang Meng nói.
“Bắt đầu không khi nào là trễ cả, Kwang Meng à. Cậu cứ mượn sách mình, lúc nào cũng được. Dẫu sao thì, hàng xóm với nhau cả mà.”
“Cảm ơn anh, nhưng em lười đọc quá.”
“Vớ vẩn. Khi nào đọc, cậu sẽ bị cuốn hút ngay ấy mà. Vấn đề là phải bắt đầu, và chọn toàn sách hay thôi. Như thế, cậu sẽ không thấy chán. Bắt đầu bằng sách văn học là tốt nhất. Cậu có thể học được nhiều điều từ các tác phẩm văn chương lắm.”
Boon Teik liền đó chọn cho Kwang Meng vài cuốn sách. Tội ác và hình phạt của Dostoyevsky, Có và không có của Hemingway, và cuốn Kẻ ăn thịt người ở Malgudi của Narayan.
“Chúa ơi, bao giờ em mới đọc xong được!” Kwang Meng kêu lên.
“Từ từ thôi. Không cần trả gấp lắm đâu. Cậu bắt đầu với Narayan ấy. Buồn cười lắm.”
Hai người phụ nữ nhập bọn với họ sau khi đã dọn rửa xong. Mỗi người mang theo một tách cà phê đen nhỏ. Anne hỏi: “Anh đang mượn sách của anh Boon Teik ư? Cho em xem với nào?”
Kwang Meng chuyền mấy cuốn sách cho nàng.
Anne cầm cuốn sách của Narayan lên: “Ôi, cuốn này buồn cười lắm.”
“Chúng mình nên đi kiếm thêm sách của ông ấy đi,” Mei-I bảo chồng.
“Anh thử rồi,” Boon Teik trả lời. “Anh đã lục tung các hiệu sách trong thành phố, nhưng chẳng được gì. Ước gì ở đây có tiệm sách nào tốt hơn.”
Kwang Meng không biết chuyện đó, nhưng trước đây chính anh chẳng bao giờ lục lọi hiệu sách.
“Đĩa nhạc chạy hết rồi, Teik,” vợ anh nói.
Boon Teik băng ngang căn phòng tới cái máy quay đĩa.
“Anh Teik, đừng bật nhạc nữa,” chị vợ bảo. “Lại đây tiếp chuyện khách đi nào.”
Cả buổi tối hôm ấy, họ vui vẻ trò chuyện. Kwang Meng nói nhiều hơn bình thường, dù bản thân không nhận ra. Đôi lúc, anh bắt gặp Anne đang nhìn mình.
Sau đó, như tất cả mọi người đều trông chờ, Kwang Meng tình nguyện đưa Anne về nhà. Họ chúc Mei-I và Boon Teik ngủ ngon, rồi bước dọc theo hành lang đến chân cầu thang để chờ thang máy.
Không khí ngoài phố mát rượi sảng khoái. Kwang Meng từ nãy giờ vẫn im lặng. Anh chỉ cụm cây bên đường cho Anne.
“Cây muồng ngủ đấy,” nàng trả lời. “Cây già rồi, đẹp thật nhỉ.”
“Đúng đấy. Đôi lúc, vào những đêm trăng, cả thân cây lấp lánh đẹp lắm.”
“Em cũng muốn nhìn thấy chúng vào một đêm trăng,” nàng nói.
Anh gật đầu. Họ đón xe trở về nhà nàng. Chuyến xe buýt hầu như không có khách. Người lái xe bận bịu đếm những đồng xu trong cái túi to đeo trên vai. Sau khi nhận tiền vé từ tay Kwang Meng, ông không để ý gì đến họ nữa. Chỉ còn hai người bên nhau.
Sau đó, trên đường về nhà, anh cảm thấy sức nặng của chồng sách trên tay có cái gì đó thật yên bình. Một đêm dễ chịu quá. Anh đã hẹn với Boon Teik chơi cầu lông vào sáng Chủ nhật tới, và hẹn dẫn Anne đi bơi buổi chiều thứ Bảy. Khi về đến nhà, anh lên giường ngay và nhanh chóng chìm vào giấc ngủ.
Khi Ta Mơ Quá Lâu Khi Ta Mơ Quá Lâu - Goh Poh Seng Khi Ta Mơ Quá Lâu