Nguyên tác: Nguyên Tác Tiếng Pháp: Ebène (Aventures Africaines)
Số lần đọc/download: 2271 / 103
Cập nhật: 2017-05-09 22:24:00 +0700
Thuyết Trình Về Rwanda
Chủ đề của chúng ta là Rwanda. Rwanda là một nước nhỏ, nhỏ đến mức nhiều bản đồ mà quý vị thấy trong các cuốn sách về châu Phi, nó chỉ được đánh dấu bằng một cái chấm. Tới khi đọc chú giải của các bản đồ đó, quý vị mới biết cái điểm nằm chính giữa châu lục ấy chính là Rwanda. Đặc thù của châu Phi thường là đồng bằng và cao nguyên, trong khi đó Rwanda toàn núi là núi. Núi cao tới hai, ba nghìn mét, thậm chí hơn nữa. Do đó Rwanda thường được gọi là Tây Tạng của châu Phi, không chỉ vì núi mà còn vì sự độc đáo, đặc sắc và khác biệt của nó. Sự khác biệt này ngoài tính chất địa lý, còn mang tính chất xã hội. Bởi vì trong khi dân các nước châu Phi thường là đa bộ lạc (ở Congo có ba trăm bộ lạc sinh sống, Nigeria – hai trăm năm mươi, v.v…), thì ở Rwanda chỉ có một cộng đồng, một dân tộc Banyarwanda chia là ba đẳng cấp: tầng lớp những người chủ bò – Tutsi (14% dân số), nông dân – Hutu (85%) và người lao động, phục dịch (1%). Hệ thống đẳng cấp này (có những tương đồng nhất định với Ấn Độ) đã hình thành từ hàng thế kỷ. Người ta vẫn đang tranh cãi xem nó có hình thành từ thế kỷ XII hay mãi tới thế kỷ XV, vì không có bất cứ nguồn tài liệu ghi chếp nào. Tuy nhiên, chúng ta chỉ cần biết rằng ở đây, từ hàng thế kỷ, một vương quốc do vua cai trị đã tồn tại, vua xuất thân từ đẳng cấp Tutsi và được gọi là mwami.
Vương quốc được núi non bảo vệ này là một quốc gia khép kín, không có quan hệ với ai. Người Banyarwanda không tổ chức các cuộc chinh phạt, cũng không cho người nước ngoài vào lãnh thổ của mình, giống như người Nhật xưa kia (bởi thế, ví dụ, họ không biết đến nạn buôn bán nô lệ, vốn là tai họa của các sắc dân châu Phi khác). Người châu Âu đầu tiên đến Rwanda vào năm 1894 là một nhà du hành và sĩ quan người Đức, Bá tước G. A. von Götzen. Cần nói thêm rằng tám năm trước đó, trong hội nghị Berlin khi các cường quốc thực dân chia nhau châu Phi, Rwanda đã được chia cho nước Đức, điều mà không một người Rwanda nào, thậm chí cả nhà vua, được thông báo. Những năm ấy, nhân dân Rwanda sống với danh nghĩa dân thuộc địa mà hoàn toàn không biết điều đó. Về sau, người Đức cũng không mấy quan tâm đến thuộc địa này. Sau Thế chiến thứ nhất, họ mất Rwanda vào tay nước Bỉ. Người Bỉ suốt một thời gian dài cũng không có động thái gì đáng kể ở đây. Từ Rwanda ra bờ biển rất xa, hơn 1.500 cây số, song trước hết là bởi đất nước này không có giá trị gì lớn, không có thứ tài nguyên quan trọng nào được tìm thấy ở đây. Nhờ thế, hệ thống xã hội Banyarwanda hình thành từ hàng thế kỷ có thể tồn tại nguyên vẹn trong cái thành trì núi non này đến tận giữa thế kỷ XX.
Hệ thống này có hàng loạt đặc điểm giống với chế độ phong kiến châu Âu. Nhà vua cai trị đất nước với một nhóm quý tộc và đám đông những người dòng dõi vây quanh. Tất cả họ tạo thành tầng lớp cầm quyền – Tutsi. Thứ của cải lớn nhất và thực ra là duy nhất của họ là gia súc: bò u, loài bò với những chiếc sừng dài, đẹp, trông như thanh gươm. Người ta không giết bò, chúng là loài vật thiêng, bất khả xâm phạm. Người Tutsi sống bằng sữa và máu bò (máu được chiết ra từ động mạch cổ, đựng trong bình rửa bằng nước tiểu bò). Mọi công việc này đều do đàn ông làm, phụ nữ bị cấm tiếp xúc với bò.
Bò là thước đo của tất cả mọi thứ: sự giàu có, địa vị, quyền lực. Ai có càng nhiều bò thì càng giàu. Càng giàu thì càng nhiều quyền lực. Vua sở hữu nhiều bò nhất, đàn bỏ của ngài được chăm sóc đặc biệt. Hằng năm, cuộc diễu hành bò trước ngai vàng là mục quan trọng trong các dịp lễ của dân tộc. Khi đó, hàng triệu con bò diễu qua trước mặt nhà vua. Lễ diễu hành kéo dài nhiều giờ đồng hồ. Bò làm những đám mây bụi tung lên và lơ lửng rất lâu trên khắp vương quốc. Kích thước của những đám mây này thể hiện sự giàu có của nhà vua, riêng nghi lễ này thì được ca tụng trang trọng nhiều lần trong thi ca của người Tutsi.
- Tutsi ư? – tôi thường nghe thấy người ta nói ở Rwanda. Một Tutsi thường ngồi bên bục cửa nhà mình và nhìn đàn bò gặm cỏ trên sườn núi. Cảnh tượng ấy làm anh ta thấy hãnh diện và vui sướng.
Các Tutsi không phải là mục đồng hay dân cư, họ thậm chí cũng không phải là những người chăn nuôi gia súc. Họ là chủ đàn bò, là tầng lớp thống trị, là quý tộc.
Ngược lại, Hutu là tầng lớp nông dân lệ thuộc họ, đông đúc hơn nhiều (ở Ấn Độ, họ được gọi là Vaisya). Quan hệ giữa Tutsi và Hutu là mối quan hệ phong kiến – Tutsi là lãnh chúa, Hutu là nô lệ. Hutu là nông dân sống bằng nghề cày cấy, trồng trọt. Họ nộp một phần thu hoạch cho chủ để đổi lấy sự bảo hộ và một con bò chủ cho thuê (Tutsi độc quyền về bò, Hu tu chỉ có thể thuê bò của chủ mình). Tất cả đều giống trong chế độ phong kiến: cũng là sự lệ thuộc, các tập quán và sự bóc lột như thế.
Dần dà, vào giữa thế kỷ XX, mối xung đột sâu sắc giữa hai tầng lớp tăng lên. Vấn đề của xung đột là đất đai. Rwanda nhỏ, toàn núi và dân cư rất đông đúc. Như thường thấy ở châu Phi, ở Rwanda cũng dẫn đến đấu tranh giữa những người sống bằng chăn nuôi gia súc và những người canh tác đất đai. Nhưng thông thường, không gian châu lục rộng lớn đến mức một bên có thể rời đến vùng đất chưa khai phá và tàn lửa chiến tranh lụi tắt. Ở Rwanda, giải pháp này là bất khả: không có chỗ để rời đến, để nhường bước. Trong khi đó, đàn bò mà các Tutsi sở hữu cứ lớn lên và cần thêm ngày càng nhiều đồng cỏ. Chỉ có duy nhất một cách để tạo ra các đồng có mới này là chiếm đất của nông dân, nghĩa là đuổi các Hutu ra khỏi đất của họ. Nhưng bản thân người Hutu cũng đã sống rất chật chội. Từ nhiều năm, số lượng người Hutu luôn tăng nhanh. Tệ hơn nữa là đất canh tác lại cằn cỗi, bạc màu. Bởi vì núi ở Rwanda chỉ được một lớp đất rất mỏng bao phủ, mỏng đến mức hàng năm khi mùa mưa tới, những trận mưa như trút xói sạch từng khoảng lớn. Nhiều nơi từng là nương sắn, nương ngô của người Hutu giờ đây chỉ còn đá trọc trơn bóng.
Như vậy, một bên là những đàn bò hùng hậu, bành trướng – biểu tượng giàu sang và sức mạnh của các Tutsi, bên kia là các Hutu chen chúc, láo nháo, không ngừng bị lấn chiếm: không có chỗ, không có đất. Tất có người phải ra đi hoặc bỏ mạng. Đó là tình hình ở Rwanda vào những năm năm mươi, khi người Bỉ nhảy vào sân khấu. Bấy giờ họ trở nên rất hăng hái, vì đó chính là lúc châu Phi trải qua thời điểm nguy kịch. Làn sóng đấu tranh giành độc lập, chống thực dân dâng cao, do đó cần phải hành động, phải quyết đinh. Bỉ thuộc số các mẫu quốc bị bất ngờ vì phong trào độc lập này nhiều nhất. Brussels không có sách lược gì, các viên chức của nó chẳng biết phải làm sao. Như thường thấy trong các trường hợp tương tự, họ chỉ có một đáp án: lần lữa, trì hoãn việc giải quyết vấn đề. Cho đến thời điểm đó, người Bỉ cai trị Rwanda bằng bàn tay các Tutsi, dựa vào họ và sử dụng họ. Nhưng Tutsi là tầng lớp Banyarwanda có trí thức và nhiều tham vọng nhất, bây giờ chính họ đòi độc lập. Và đòi ngay lập tức, điều mà người Bỉ hoàn toàn chưa sẵn sàng! Vậy là Brussels đột ngột thay đổi chiến thuật: bỏ Tutsi và bắt đầu ủng hộ các Hutu dễ bảo, biết phục tùng hơn. Brussels bắt đầu kích động họ chống lại các Tutsi. Chính sách này mang lại hiệu quả nhanh chóng. Các Hutu được động viên, khuyến khích đã lên đường chiến đấu. Năm 1959 ở Rwanda nổ ra khởi nghĩa nông dân.
Rwanda chính là nước châu Phi duy nhất có phong trào độc lập mang hình thức cuộc cách mạng xã hội chống phong kiến. Trong cả châu Phi, chỉ có Rwanda là trải qua chiến ngục Bastille của mình, truất ngôi vua, có Gironde và sự kinh hoàng của mình. Từng toán nông dân, các Hutu sôi máu, vũ trang bằng rựa, cuốc và giáo xông vào các ông chủ Tutsi. Một cuộc tàn sát lớn mà châu Phi chưa từng thấy trong suốt thời gian dài bắt đầu. Nông dân đốt dinh cơ của các lãnh chúa, cắt cổ và đập vỡ sọ họ. Rwanda máu chảy thành sông, chìm trong khói lửa. Cuộc giết bò hàng loạt bắt đầu. Những người nông dân, thường là lần đầu tiên trong đời, có thể ăn thịt thỏa thuê. Rwanda vào thời điểm đó có 2,6 triệu dân, trong đó có ba trăm nghìn Tutsi. Ước tính có vài chục nghìn Tutsi bị giết khi đó, và cũng khoảng chừng ấy bỏ trốn sang các nước láng giềng – Congo, Uganda, Tanganyika và Burundi. Vua và chế độ phong kiến không còn tồn tại, tầng lớp Tutsi mất địa vị áp đảo của mình. Giờ đây giai cấp nông dân nắm chính quyền. Khi Rwanda giành độc lập vào năm 1962, chính những người thuộc tầng lớp này lập ra chính phủ đầu tiên. Đứng đầu chính phủ là nhà báo Grégoire Kayibanda khi đó còn trẻ. Thời gian đó, tôi đến Rwanda lần đầu. Tôi nhớ thủ đô Kigali giống như một thị trấn nhỏ. Tôi không thể tìm được khách sạn nào, vì có lẽ ngay cả khách sạn cũng không có. Rốt cuộc, các bà xơ người Bỉ nhặt tôi về, cho tôi một chỗ ngủ ở khoa sản trong bệnh viện nhỏ sạch sẽ của họ.
Cả người Hutu lẫn Tutsi đều tỉnh giấc từ cuộc cách mạng như một cơn ác mộng. Họ đều trải qua cuộc thảm sát – một bên thực hiện nó, còn bên kia là nạn nhân. Một trải nghiệm như thế luôn để lại trong con người dấu vết đau đớn và dài lâu. Tâm trạng của các Hutu khi đó rất phức tạp. Một mặt, họ đã chiến thắng các ông chủ của mình, rũ bỏ ách phong kiến và lần đầu tiên chiếm được chính quyền trên đất nước mình, nhưng mặt khác, họ đã không đập tan các lãnh chúa của mình được triệt để, không đuổi cùng giết tận. Cái ý nghĩ rằng địch thủ tuy đã bị đả thương rất đau những vẫn còn sống và sẽ tìm cách trả thù đã gieo vào tim họ nỗi sợ hãi chết người không gì thắng nổi (ta cần nhớ rằng nỗi sợ bị báo thù đã cắm rễ vào tinh thần Phi châu, rằng luật báo thù từ ngàn xưa vẫn luôn luôn điều chỉnh các mối quan hệ giữa người với người, các quan hệ riêng tư và giữa các thành viên bộ tộc). Và họ có lý do để sợ. Bởi mặc dù Hutu đã chiếm được pháo đài núi Rwanda và thành lập chính phủ của mình, song ở đó vẫn còn các gián điệp Tutsi (khoảng một trăm nghìn), hơn nữa – điều này thậm chí còn nguy hiểm hơn – pháo đài này bị các Tutsi vừa bị đuổi khỏi nó ngày hôm qua vây quanh bằng các khu trại của mình.
Phép ẩn dụ và hình ảnh pháo đài ở đây không phải là để cường điệu. Bởi vì dù vào Rwanda từ phía Uganda, Tanzania hay từ Zaire, ta vẫn sẽ luôn có cảm giác như đang bước vào các cánh cổng dâng cao trước mặt của một pháo đài được tạo thành từ những ngọn núi hùng vĩ, tuyệt vời. Và giờ đây, các Tutsi, từ hôm qua đã trở thành những kẻ bị xua đuổi, lang thang vô gia cư, mỗi sáng thức dậy trong trại tị nạn và bước ra khỏi túp lều tồi tàn của mình lại nhìn thấy núi non Rwanda trước mắt. Trong ban mai, đó là một khung cảnh tuyệt đẹp. Bản thân tôi cũng thường tự dựng mình dậy vào lúc bình minh chỉ để nhìn ngắm bức tranh phong cảnh độc đáo này. Những ngọn núi cao mềm mại trải ra vô tận trước mặt. Núi màu ngọc lục bảo, tím, xanh lá cây, ngập chìm trong ánh nắng. Trong phong cảnh ấy không có bất cứ thứ gì đáng sợ, không có màu đen của những đỉnh núi gió rít, của những thành núi và vách đá, không có những trận tuyết lở, đá lăn chết người hay những đống đá vỡ sẽ làm sẩy chân. Không. Những ngọn núi Rwanda tỏa ra sự ấm áp và thân ái, hấp dẫn người ta bằng vẻ kiều diễm và yên tĩnh, bằng bầu không khí lặng gió trong như pha lê, bằng sự thanh bình và những đường nét, hình dáng tuyệt hảo của mình. Tinh mơ, các thung lũng xanh mướt đong đầy sương mù trong suốt. Đúng ra, đó là bức rèm mỏng nhẹ lấp lánh trong nắng mà qua nó, ta có thể thấy được cả những cây bạch đàn, những bụi chuối, cả những người đang làm việc trên đồng. Nhưng một Tutsi nhìn thấy ở đó trước hết là những đàn bò đang gặm cỏ của mình. Giờ đây, trong trại tị nạn, những đàn bò mà anh ta không còn sở hữu ấy, những đàn bò từng là cơ sở và ý nghĩa tồn tại của anh ta, chúng lớn dần lên thành huyền thoại và truyền thuyết trong trí tưởng tượng của anh ta, chúng trở thành giấc mộng, thành mơ ước, thành ám ảnh.
Bi kịch Rwanda đã hình thành như thế, tấn thảm kịch của dân tộc Banyarwanda, không khác gì nỗi bất lực Israel-Palestin trong việc dung hòa lợi ích của hai cộng đồng cùng đòi hỏi một mảnh đất, song nó lại quá nhỏ và chật chội để chứa cả hai. Bên trong bi kịch này nảy sinh ra – ban đầu còn yếu ớt và mờ nhạt, nhưng theo năm tháng càng lúc càng rõ ràng và mạnh mẽ hơn – cám dỗ Endlösung: giải pháp tối hậu.
Nhưng tạm thời đến đó vẫn còn cả chặng đường dài. Đó là những năm sáu mươi, những năm đầy hứa hẹn và lạc quan của châu Phi. Khắp châu lục tràn ngập tinh thần hy vọng và mãn nguyện, khiến không ai chú ý đến các sự kiện đẫm máu ở Rwanda. Không có liên lạc và báo chí, mà hơn nữa – Rwanda ư? Nó nằm ở đâu? Đến đó bằng cách nào? Thực chất, đất nước này hình như đã chị Chúa trời và loài người lãng quên. Ở đó yên tĩnh, không có sự sống và – điều chúng ta có thể nhanh chóng khẳng định – rất buồn tẻ. Không có tuyến đường lớn nào chạy qua Rwanda, không có thành phố lớn, ít khi có người đến đây. Nhiều năm trước, khi tôi nói với anh bạn Michael Field, phóng viên của tờ The Daily Telegraph, rằng tôi đã đến Rwanda, anh hỏi: “Anh có gặp tổng thống không?” “Không” – tôi đáp. “Vậy anh đến đó làm gì?” Anh kêu lên sửng sốt. Nhiều đồng nghiệp của tôi cho rằng điều hấp dẫn duy nhất trong một đất nước như thế chỉ có thể là tổng thống. Nếu không thể gặp ông ta thì, trời đất ơi, đến đó để làm gì? Sự thật là tại một đất nước như thế, điều làm ta choáng váng nhất khi gặp người dân ở đây là chủ nghĩa địa phương sâu sắc trong tư duy của họ. Thế giới của chúng ta, về bản chất là một hành tinh của hàng nghìn địa phương khác biệt không bao giờ gặp nhau. Hành trình đi khắp thế giới là chuyến đi từ địa phương này sang địa phương khác, mà mỗi địa phương là một vì sao tỏa sáng cho riêng mình, đơn độc. Đối với phần đông người sống ở đó, thế giới thực kết thúc ở ngưỡng cửa nhà họ, ở rìa làng, cùng lắm là ở thung lũng của họ. Thế giới nằm xa hơn là không hiện thực, không quan trọng và thậm chí là không cần thiết. Ngược lại, cái thế giới ta đang có trong tay, trong tầm nhìn của ta, lớn lên tới tầm cỡ một vũ trụ vĩ đại khuất lấp tất cả. Thông thường người địa phương và người từ nơi xa đến khó tìm được ngôn ngữ chung, bởi mỗi người dùng một thấu kính khác nhau để nhìn cùng một địa điểm. Người mới đến dùng thấu kính góc rộng, nó cho anh ta nhìn thấy hình ảnh từ xa, thu nhỏ, nhưng bù lại có đường chân trời gài, còn người đối thoại là người địa phương thì luôn dùng ống kính tê lê, thậm chí là kính thiên văn, phóng đại từng chi tiết nhỏ nhất.
Tuy nhiên, với người dân địa phương, các bi kịch riêng của họ là thực, mà tấn thảm kịch thì đau xót và hoàn toàn không nhất thiết là cường điệu. Ở Rwanda cũng vậy. Cuộc cách mạng năm 1959 chia dân tộc Banyarwanda thành hai phe đối nghịch nhau. Từ đó trở đi, thời gian sẽ chỉ làm cho bất đồng trở nên mạnh mẽ hơn, mâu thuẫn trở nên sâu sắc hơn, dẫn tới những cuộc xung đột mỗi lúc một đẫm máu hơn và cuối cùng – dẫn tới tận thế.
Các Tutsi sống trong lều trại trải dọc theo biên giới, hiệp lực lại và phản công. Năm 1963, họ tấn công từ phía Nam, từ nước láng giềng Burundi, nơi bà con của họ – các Tutsi Burundi – nắm chính quyền. Hai năm sau lại là một cuộc xâm chiếm mới của các Tutsi. Quân đội của Hutu chặn đứng nó và để trả thù, một cuộc tàn sát các Tutsi lớn được tổ chức ở Rwanda. Hai mươi nghìn Tutsi – có người ước tính tới năm mươi nghìn – bỏ mạng, bị dao rựa của các Hutu chém ra từng khúc. Không một quan sát viên trung lập nào đến được đây, không có ủy ban quốc tế nào, không có truyền thông. Tôi nhớ chúng tôi, một nhóm thông tín viên, khi đó đã cố gắng vào Rwanda, nhưng không được chính quyền cho phép. Ở Tanzania, chúng tôi chỉ có thể hỏi chuyện những người chạy nạn từ Rwanda – chủ yếu là phụ nữ và trẻ em, đang kinh hoàng, bị thương, bị đói. Đàn ông thường bị giết đầu tiên, họ đã không trở về từ những cuộc viễn chinh ấy nữa. Nhiều cuộc chiến ở châu Phi diễn ra không có chứng nhân, trong bí mật, ở những nơi không thể đến được, trong im lặng, không được thế giới biết đến, hoặc đơn giản là đã bị thế giới bỏ quên. Trường hợp Rwanda cũng vậy. Các trận đụng độ biên giới, những cuộc tàn sát, giết choc kéo dài hàng năm trời. Du kích Tutsi (mà các Hutu gọi là “gián”) đốt làng xóm và giết dân địa phương. Đến lượt họ, những người dân địa phương có quên đội chống lưng, lại tiến hành các cuộc cướp bóc và thảm sát.
Sống tại một đất nước như thế thật khó khăn. Luôn có rất nhiều làng mạc và thị trấn với dân cư hỗn tạp. Các Tutsi và Hutu sống bên nhau, đi ngang qua nhau trên đường, cùng làm việc một nơi. Nhưng âm thầm, họ tập hợp lại. Bầu không khí nghi ngờ, căng thẳng và sợ hãi này là mảnh đất màu mỡ cho truyền thống bộ tộc châu Phi cổ xưa của các hội, phái bí mật và mafia lớn lên. Mỗi người đều bí mật thuộc về một tổ chức nào đó, đều tin chắc rằng Người Khác cũng vậy. Và tất nhiên, đó là một tổ chức đối lập, thù nghịch.
Quốc gia anh em song sinh với Rwanda là nước láng giềng phía Nam – Burundi. Rwanda và Burundi có địa lý giống nhau, cấu trúc xã hội tương tự và lịch sử chung lâu đời. Số phận hai nước mới chỉ rẽ ra từ năm 1959: ở Rwanda cách mạng nông dân Hutu giành thắng lợi, các thủ lĩnh Hutu lên cầm quyền, còn ở Burundi, các Tutsi vẫn giữ được quyền lực, thậm chí còn củng cố thêm, xây dựng quân đội và tạo ra một thứ gần với chế độ độc tài quân sự phong kiến. Nhưng hệ thống các mối quan hệ giữa hai quốc gia an hem có từ xa xưa vẫn tiếp tục hoạt động. Cuộc tàn sát Tutsi của các Hutu ở Rwanda đã gây ra một cuộc tàn sát Hutu của các Tutsi ở Burundi để trả thù, và ngược lại.
Vậy là, vào năm 1972, được những người anh em ở Rwanda khuyến khích, các Hutu ở Burundi thử nổi dậy ở nước mình, ban đầu giết được vài nghìn Tutsi. Đáp lại, các Tutsi giết hơn một trăm nghìn Hutu. Không phải bản thân sự kiện thảm sát (vì nó xảy ra đều đặn ở cả hai nước) mà là tầm vóc kinh hoàng của nó đã gây chấn động cho người Hutu ở Rwanda, họ quyết định phải phản ứng. Thêm vào đó, trong thời gian diễn ra cuộc tàn sát này vài trăm nghìn (đôi khi người ta đưa ra con số một triệu) Hutu ở Burundi đã lánh nạn ở Rwanda, tạo ra cho đất nước nghèo khổ liên tục bị nạn đói hoành hành này một vấn đề rất lớn: làm sao nuôi sống được rừng người tị nạn này.
Lợi dụng tình hình khủng hoảng ấy (bà con chúng ta bị giết ở Burundi, không có gì để nuôi cả triệu người nhập cư), chỉ huy quân đội Rwanda, tướng Juvénal Habyarimana, tiến hành đảo chính vào năm 1973 và tuyên bố mình là tổng thống. Cuộc đảo chính này phơi bày những rạn nứt và xung đột sâu sắc chia rẽ cộng đồng Hutu. Tổng thống bị lật đổ (và sau đó bị bỏ đói cho đến chết) là Grégoire Kayibana đại diện cho phe Hutu tự do ôn hòa miền Trung. Ngược lại, vị lãnh đạo mới xuất thân từ phe sinh sống ở miền Tây Bắc Rwanda. Phe này là cánh sô vanh cực đoan của Hutu (để khắc họa bức tranh rõ nét hơn, có thể nói rằng Habyarimana là Radovan Karažić của Hutu Rwanda).
Từ đây, Habyarimana sẽ cầm quyền suốt hai mươi mốt năm, nghĩa là cho đến khi ông ta chết vào năm 1994. Thân hình đồ sộ, mạnh mẽ, đầy sinh lực, ông ta dốc lòng xây dựng một nền độc tài sắt. Ông ta thực hành chế độ độc đảng. thủ lĩnh của đảng chính là ông ta – Habyarimana. Mọi công dân phải là đảng viên từ khi sinh ra. Vị tướng cũng nâng cấp thêm cái sơ đồ bạn-thù “Hutu chống lại Tutsi” vốn quá đơn giản. Sơ đồ này giờ đây được ông ta làm cho phong phú hơn bằng một chiều kích phụ, một sự phân chia thêm – thành phe cầm quyền và phe đối lập. Nếu là một Tutsi trung thành, anh có thể trở thành trưởng làng hay trưởng thôn (dù không phải là bộ trưởng(, nhưng nếu chỉ trích chính quyền, anh sẽ đi tù hoặc lên đoạn đầu đài, dù anh có là 100% Hutu. Và vị tướng hoàn toàn có lý khi hành động như vậy, bởi trong số những người chống đối chế độ độc tài của ông ta không chỉ có các Tutsi, mà có cả rất đông Hutu, những người thực lòng căm ghét ông ta và tìm mọi cách có thể để chống đối. Xung đột ở Rwanda không chỉ là bất đồng giai cấp, mà còn là mâu thuẫn sâu sắc giữa độc tài và dân chủ. Ở đây, có thể thấy vì sao toàn bộ ngôn ngữ, toàn bộ tư duy bằng các phạm trù sắc tộc lại sai lầm và khiến người ta lạc lối đến vậy. Bởi chúng xóa mờ và làm mất đi mọi giá trị sâu xa nhất – giá trị của cái tốt chống lại cái xấu, sự thật chống lại dối trá, dân chủ chống lại độc tài – khi mà chúng chỉ giới hạn vào sự phân rẽ duy nhất, bề mặt, thứ yếu, vào một sự tương phản, đối lập: anh ta vô cùng có giá trị chỉ vì là một Hutu, hoặc anh ta chẳng đáng giá một xu, vì anh ta chỉ là Tutsi.
Như vậy, củng cố nền độc tài là nhiệm vụ hàng đầu mà Habyarimana hết lòng tận tụy. Song song với các tiến bộ trong lĩnh vực này, một xu hướng thứ hai cũng bắt đầu lớn mạnh lên – đó là việc tư hữu hóa nhà nước mỗi lúc một rõ rệt hơn. Sau nhiều năm, Rwanda trở thành tài sản riêng của một thị tộc ở Gisenyi (thị trấn quê hương của vị tướng), hay nói chính xác hơn, là tài sản của phu nhân tổng thống. Agathe và ba người anh của bà ta – Sagatawa, Seraphin và Zed – cùng với cả đám anh em họ. Agathe và các anh là người của thị tộc Akazu, cái tên này là một từ-chìa-khóa có thể mở nhiều cánh cổng dẫn vào các mê cung bí mật của Rwanda. Sagatawa, Seraphin và Zed có các lâu đài xa hoa quanh Gisenyi, nơi từ đó họ cùng em gái và vị tướng em rể điều hành quân đội, cảnh sát, ngân hàng, hành chính của Rwanda. Thế đó, một dân tộc nhỏ bé bị lãng quên trong các ngọn núi trên lục địa xa xôi, bị gia đình tham lam của những kẻ thủ lĩnh chuyên chế, đê tiện cai trị. Vậy chuyện gì đã xảy ra khiến nó phải mang những tiếng xấu bị thảm đến với thế giới?
Như tôi đã nói, vào năm 1959 hàng chục nghìn Tutsi để giữ mạng sống đã trốn khỏi nước mình. Suốt nhiều năm sau, hàng nghìn và hàng nghìn người khác cũng theo chân họ. Các lều trại của họ trải theo biên giới Zaire, Uganda, Tanzania và Burundi. Họ tạo thành một cộng đồng du mục của những người tha hương, bất hạnh và nóng lòng, canh cánh với ý nghĩ: phải trở về nhà, về với những đàn bò (đã thành huyền thoại) của mình. Cuộc sống trong các trại này rất nghèo khổ, vô vọng và ơ hờ. Nhưng theo thời gian, một thế hệ trẻ sinh ra và lớn lên, họ muốn làm một điều gì đó, họ cố gắng đấu tranh. Mục đích chính của họ tất nhiên là trở về mảnh đất tổ tiên. Quê cha đất tổ là khái niệm thiêng liêng ở châu Phi, đó là nơi chốn mong ước và cuốn hút, là khởi nguồn cuộc sống. Tuy nhiên, bỏ trại tị nạn không dễ, thậm chí điều này bị chính quyền địa phương cấm. Chỉ có ngoại lệ là Uganda, nơi nội chiến kéo dài nhiều năm, tình hình hỗn loạn và rối ren. Vào những năm tám mươi nhà hoạt động trẻ Yoweri Musevieni bắt đầu chiến tranh du kích với chính thể gớm ghiếc của con bệnh tâm thần và tên đồ tể Milton Obote. Museveni cần người. Và anh nhanh chóng tìm được họ, vì ngoài đồng bào Uganda, thanh niên từ các trại tị nạn Rwanda cũng bắt đầu tình nguyện sung quân: các chiến binh Tutsi hiếu chiến. Museveni sẵn lòng tiếp nhận họ. trong rừng, dưới sự chỉ dẫn của các huấn luyện viên chuyên nghiệp, họ được huấn luyện quân sự ở Uganda, nhiều người trong số họ sau này sẽ tốt nghiệp sĩ quan ở nước ngoài. Tháng Giêng năm 1986, Museveni cầm đầu các đơn vị của mình đánh vào Kampala và cướp chính quyền. Các Tutsi trẻ tuổi chỉ huy hoặc có mặt trong hàng ngũ nhiều đơn vị như thế. Họ là con trai sinh ra trong trại tị nạn của những người cha bị xua đuổi khỏi Rwanda.
Suốt thời gian dài, không ai để ý đến việc ở Uganda đang lớn mạnh lên một quân đội được huấn luyện kỹ càng và đầy kinh nghiệm chiến đấu của những kẻ phục thù Tutsi, những người chỉ nung nấu trả thù cho sự ô nhục và tổn thương mà gia đình họ đã phải gánh chịu. Họ tổ chức các cuộc họp bí mật, thành lập tổ chức Mặt trận Dân tộc Rwanda và chuẩn bị tấn công. Đêm 30 tháng Chín năm 1990, họ biến mất khỏi các doanh trại quân đội Uganda. Từ các trại tị nạn giáp biên, vào lúc rạng sáng, họ tiến vào lãnh thổ Rwanda. Chính quyền ở Kigali hoàn toàn bị bất ngờ. Bất ngờ và hoảng sợ. Quân đội của Habyarimana yếu kém và thối nát, mà từ biên giới Uganda đến Kigali chỉ hơn 150 cây số, quân du kích có thể xuất hiện ở thủ đô sau một, hai ngày. Chắc hẳn mọi chuyện đã xảy ra như vậy, vì quân đội Habyarimana không hề kháng cự, và rất có thể đã không bao giờ dẫn đến vụ thảm sát diệt chủng khủng khiếp năm 1994, nếu như không có một cú điện thoại. Đó là cú điện thoại tướng Habyarimana gọi cho tổng thống Francois Mitterand xin cứu viện.
Mitterand bị áp lực rất lớn của nhóm vận động thân Phi. Trong khi phần lớn các mẫu quốc Âu châu cắt đứt tận gốc quá khứ thực dân của mình, thì trường hợp của nước Pháp lại khác. Thời kỳ xa xưa ấy để lại cho nó một đạo quân lớn, tích cực và có tổ chức của những người đã có sự nghiệp trong chính quyền thực dân, đã sống cả đời (không tệ) ở các thuộc địa, giờ đây ở châu Âu họ trở thành người lạ, cảm thấy mình vô dụng và thừa thãi. Đồng thời họ tin tưởng sâu sắc rằng nước Pháp không chỉ là một quốc gia Âu châu, mà còn là cộng đồng văn hóa và Pháp ngữ của tất cả các dân tộc, rằng tóm lại, nước Pháp cũng là một không gian văn hóa ngôn ngữ toàn cầu Francophonie. Triết lý này diễn dịch bằng ngôn ngữ địa chính trị đơn giản, nói rằng: nếu có ai trên thế giới tấn công một nước Pháp ngữ, thì cũng gần như là đánh vào chính nước Pháp.
Thêm vào đó, các công chức và tướng tá thuộc hành lang thân Phi vẫn còn đau đớn vì nỗi mặc cảm Fashoda. Xin có vài lời về chuyện này. Vào thế kỷ XIX, khi các nước châu Âu chia nhau châu Phi, giữa London và Paris có một nỗi ám ảnh kỳ cục (mặc dù khi đó là điều có thể hiểu được): sao cho thuộc địa của họ trên lục địa này nằm theo đường thẳng và lãnh thổ của chúng liên tục nối tiếp nhau. London muốn có một đường thẳng từ Bắc xuống Nam – từ Cairo đến Cape Town, còn Paris – từ Đông sang Tây, tức là từ Dakar đến Djibouti. Bây giờ, nếu chúng ta có tấm bản đồ châu Phi và kẻ hai đường thẳng vuông góc lên nó, chúng sẽ cắt nhau ở miền Nam Sudan, tại nơi có một làng chài nhỏ nằm bên bờ sông Nile – Fashoda. Châu Âu khi đó tin rằng kẻ nào có Fashoda, kẻ ấy sẽ thực hiện được lý tưởng bành trướng cho đế quốc thực dân liền mạch của mình. Cuộc chạy đua giữa London và Paris bắt đầu. Cả hai thủ đô đều cử các đội viễn chinh quân sự đến Fashoda. Người Pháp đến nơi trước tiên. Ngày 16 tháng Bảy năm 1898, đại tá J.B. Marchand đi bộ vượt qua con đường kinh hoàng từ Dakar, đã đến Fashoda và cắm cờ Pháp ở đây. Sư đoàn Marchand gồm một trăm năm mươi người Senegal quả cảm và trung thành. Paris sướng phát điên. Người Pháp phổng mũi tự hào. Nhưng hai tháng sau, người Anh cũng đến được đây. Chỉ huy đoàn viễn chinh lord Kitchener ngạc nhiên thấy Fashoda đã bị chiếm. Không đếm xỉa đến điều đó, ông cũng treo cờ Anh lên. London sướng phát điên. Người Anh phổng mũi tự hào. Cả hai nước bấy giờ đều sống trong cơn sốt của niềm ngất ngây dân tộc. Ban đầu không bên nào chịu nhường. Nhiều điều cho thấy Thế chiến thứ nhất sẽ xảy ra khi đó, vào năm 1898, để giành Fashoda. Cuối cùng (nhưng đây là cả một câu chuyện dài), người Pháp phải lùi bước. Nước Anh chiến thắng. Với các thực dân Pháp già, câu chuyện Fashoda vẫn luôn là một vết thương nhức nhối và thậm chí ngày nay, khi nghe tin các Anglophone muốn tiến đánh nơi nào đó, họ sẽ xông vào tấn công ngay.
Lần này cũng vậy, Paris biết tin các Tutsi nói tiếng Anh từ lãnh thổ Uganda Anh ngữ đã tràn vào lãnh thổ Pháp ngữ Rwanda và do đó, chúng đã xâm phạm biên giới Francophonie.
Các đơn vị của Mặt trận Dân tộc Rwanda đã tiến đến gần thủ đô, chính phủ và phe cánh Habyarimana đã xếp va li, thì các máy bay trở lính dù Pháp đáp xuống phi trường ở Kigali. Theo thông tin chính thức thì chỉ có hai đại đội. Nhưng như vậy là đủ. Quân du kích muốn chiến đấu với chế độ của Habyarimana, song không muốn liều lĩnh gây chiến với Pháp: họ sẽ không có cơ hội. Họ ngừng tấn công vào Kigali nhưng vẫn ở lại Rwanda, đóng chiếm vùng lãnh thổ phía Đông-Bắc. Nước Rwanda trên thực tế đã bị phân chia, nhưng cả hai bên đều coi đây là tình trạng tạm thời. Habyarimana hy vọng mình sẽ lớn mạnh theo thời gian, đánh đuổi được quân du kích, còn quân du kích thì mong người Pháp sẽ rút lui, khi đó họ sẽ làm sập cả chế độ lẫn toàn bộ thị tộc Akazu ngay ngày hôm sau.
Không có gì tệ hại hơn là tình trạng không ra chiến tranh, không ra hòa bình này. Một bên bên đường chiến đấu với hy vọng sẽ được nếm mùi trái ngọt chiến thắng, song giấc mơ này không thành: phải ngừng cuộc tiến công. Tâm trạng của những người bị đánh chiếm còn tồi tệ hơn: mặc dù sống sót, nhưng họ đã nhìn thấy bóng ma thất bại, họ cảm thấy sự cáo chung quyền lực của mình là điều có thể. Họ muốn tự cứu mình bằng mọi giá.
Ba năm rưỡi trôi qua từ cuộc tiến công vào tháng Mười năm 1990 đến cuộc thảm sát tháng Tư năm 1994. Trong chính phủ Rwanda, các tranh cãi gay gắt nảy sinh giữa những người ủng hộ thỏa hiệp và việc thành lập chính phủ liên minh dân tộc (người của Habyarimana cùng quân du kích) và phe thị tộc Akazu cuồng tín, chuyên quyền do Agathe cùng các anh trai chỉ đạo. Bản thân Habyarimana thì ngập ngừng, do dự, không biết phải làm gì, càng lúc càng mất ảnh hưởng đối với các sự kiện. Nhánh sô vanh của thị tộc Akazu nhanh chóng và cương quyết chiếm ưu thế. Thị tộc Akazu có các nhà tư tưởng của mình, đó là các trí thức, học giả, giáo sư ngành lịch sử và triết học của đại học Rwanda ở Butare – Ferdinand Nahimana, Casimir Bizimungu, Leon Mugesira và vài người khác. Chính họ đã phát biểu tư tưởng hợp pháp hóa tội diệt chủng như là lối thoát duy nhất, cách thức duy nhất để tồn tại. Học thuyết của Nahimana và các đồng nghiệp cho rằng Tutsi đơn giản là một chủng tộc xa lạ. Đó là những người Nilotic đến Rwanda từ vùng nào đó bên bờ sông Nile, chinh phạt người Hutu bản xứ của mảnh đất này, rồi bóc lột, nô dịch và tiêu diệt họ từ bên trong. Tutsi đã chiếm đoạt tất cả mọi thứ đáng giá ở Rwanda: đất đai, gia súc, các khu chợ và theo thời gian – cả nước nữa. Các Hutu bị chà đạp trong vai trò của một dân tộc nô lệ, sống hàng trăm năm trong nghèo đói và nhục nhã. Nhưng dân tộc Hutu phải giành lại phẩm giá và căn tính của mình, chiếm vị trí ngang hàng với các dân tộc khác trên thế giới.
Nhưng – Nahimana cật vấn trong hàng chục các diễn văn, bài báo và sách mỏng – lịch sử dạy ta điều gì? Các kinh nghiệm lịch sử thật bi thảm, đầy bi quan chán nản. Toàn bộ lịch sử quan hệ Hutu-Tutsi là một vệt đen của những cuộc di dân cưỡng bức, của nỗi căm hận điên cuồng. Ở nước Rwanda nhỏ bé không có chỗ cho hai dân tộc khoong đội trời chung như thế. Thêm vào đó, dân số Rwanda tăng lên với tốc độ chóng mặt. Giữa thế kỷ XX nước này có hai triệu dân, bây giờ, sau năm mươi năm, đã có gần chín triệu người sống ở đó. Làm thế nào để thoát ra khỏi cái vòng đáng nguyền rủa ấy, khỏi số phận nghiệt ngã ấy, điều mà thực ra chính người Hutu cũng có lỗi, như Mugesira thừa nhận: “Năm 1959 chúng ta đã phạm sai lầm nghiêm trọng khi để cho người Tutsi bỏ trốn. Đáng lẽ khi đó chúng ta phải hành động: xóa sạch họ trên mặt đất”. Vị giáo sư cho rằng đây chính là thời điểm cuối cùng để sửa chữa sai lầm ấy. Tutsi phải trở về tổ quốc thực sự của họ, ở đâu đó bên dòng sông Nile. Chúng ta trả họ về đó, ông kêu gọi “còn sống hay đã chết”. Và như vậy, các học giả ở Butare chỉ nhìn thấy lối thoát duy nhất – giải pháp tối hậu: có kẻ phải chết, phải ngừng tồn tại vĩnh viễn.
Cuộc chuẩn bị bắt đầu. Quân đội năm nghìn nười được tăng lên thành ba mươi lăm nghìn. Đội quân danh dự của tổng thống trở thành lực lượng tấn công thứ hai, đó là các đơn vị tinh nhuệ, hiện đại và được vũ trang đầy đủ (các huấn luyện viên do Pháp cử đến, còn vũ khí và các thiết bị là của Pháp, Cộng hòa Nam Phi và Ai Cập). Nhưng được chú trọng nhất là việc thành lập tổ chức bán quân sự Interahamwe (nghĩa là “Chúng ta hãy cùng đánh”). Người từ nông thôn và các thị trấn, thanh niên thất nghiệp và nông dân nghèo, học sinh, sinh viên và công chức tham gia tổ chức này, được huấn luyện về tư tưởng và quân sự – cả một tập thể lớn, một phong trào quần chúng thực thụ mà nhiệm vụ là thực hiện tận thế. Đồng thời, các cảnh sát trưởng và phó được lệnh của chính phủ phải lập và trình danh sách những người chống đối chính quyền, tất cả những người tình nghi, không đáng tin cậy, không rõ ràng, tất cả các loại người bất mãn, bi quan, hoài nghi hoặc theo chủ nghĩa tự do. Cơ quan ngôn luận của thị tộc Akazu là tạp chí Kangura, nhưng cơ quan tuyên truyền cũng như phương tiện chính để phổ biến chỉ thị cho người mù chữ vốn chiếm đa số trong xã hội là Radio Mille Collines, đài phát thanh mà sau này, trong thời gian xảy ra vụ thảm sát, sẽ một ngày vài lần phát đi lời kêu gọi: “Cho chúng chết! Cho chúng chết! Mồ chôn xác quân Tutsi mới đầy một nửa. Hãy nhanh tay lấp nó cho đầy!”
Giữa năm 1993, các quốc gia châu Phi ép Habyarimana ký hiệp định với Mặt trận Dân Tộc Rwanda (MTDTR). Quân du kích phải được tham gia chính phủ, quốc hội và nắm 40% quân đội. Nhưng một thỏa hiệp như thế đối với thị tộc Akazu là không thể chấp nhận được. Như vậy, họ sẽ mất độc quyền quyền lực, điều mà họ không thể chấp nhận. Họ cho rằng giờ của giải pháp tối hậu đã điểm.
Ngày 6 tháng Tư năm 1994, “các thủ phạm không rõ” đã bắn tên lửa vào chiếc máy bay sắp hạ cánh xuống Kigali chở tổng thống Habyarimana vừa từ nước ngoài trở về, nhục nhã vì đã ký vào thỏa hiệp với kẻ thù. Đây là tín hiệu để khởi đầu cuộc thảm sát những người chống đối chế độ – trước hết là đối với các Tutsi, và với cả một bộ phận đối lập Hutu đông đảo. Cuộc tàn sát dân lành không có khả năng tự vệ của chính thể kéo dài ba tháng, nghĩa là cho đến thời điểm quân đội MTDTR kiểm soát toàn bộ đất nước, ép đối phương phải bỏ trốn.
Số nạn nhân được ước lượng khác nhau. Một số người đưa ra con số nửa triệu, số khác – một triệu. Không ai tính được chính xác. Điều khủng khiếp nhất là vừa mới đây thôi, những người vô tội đã giết những người hoàn toàn vô tội khác mà không vì bất cứ lý do nào, không hề cần thiết. Ngay cả nếu không phải là một triệu, mà giả dụ chỉ là một người thôi, chẳng phải đã đủ để chứng minh rằng có con ác quỷ ở trong chúng ta, và mùa xuân năm 1994 nó tình cờ đã đến Rwanda?
Từ nửa triệu đến một triệu người chết, đó tất nhiên là một con số lớn kinh hoàng. Nhưng mặt khác, với sức mạnh khủng khiếp của quân đội Habyarimana, với các máy bay trực thăng, súng máy hạng nặng, pháo, xe bọc sắt của nó, người ta có thể giết rất nhiều người hơn thế trong vòng ba tháng bắn phá có hệ thống. Nhưng điều đó đã không xảy ra. Phần lớn họ không bỏ mạng vì bom đạn mà bị chém và đập bằng đủ loại vũ khí thô sơ nhất – rựa, búa, giáo và gậy. Bởi vì đối với các nhà cầm đầu chế độ, vấn đề không chỉ là mục đích – giải pháp tối hậu – mà cách thực hiện nó cũng quan trọng không kém. Điều quan trọng là trên con đường đến Lý tưởng Tối cao – tiêu diệt vĩnh viễn kẻ thù – cộng đồng tội phạm của dân tộc phải liên hiệp lại, để qua việc tham gia hàng loạt vào tội ác, một cảm giác tội lỗi chung hình thành cho tất cả mọi người. Để mỗi người khi bị lương tâm cắn rứt vì cái chết của ai đó biết rằng từ đây, quyền trả thù của kẻ ấy sẽ treo lơ lửng trên đầu anh ta, và qua đó, anh ta thấy được bóng ma tử thần của chính mình.
Nếu như trong các chế độ Quốc xã và Stalin, cái chết là do đồ tể của các tổ chức chuyên nghiệp gây ra – SS hoặc NKVD – và hành động tội ác là sản phẩm của các cơ quan độc lập, hoạt động ở những nơi bí mật, thì ở Rwanda vấn đề là ở chỗ làm sao để mỗi người đều là kẻ gây ra cái chết, để tội ác là sản phẩm của hành động quần chúng, tập thể, thậm chí là tự nhiên mà ai cũng tham gia – sao cho không có bàn tay nào là không vấy máu của những người bị chế độ coi là kẻ thù.
Vì vậy, sau này, các Hutu thất trận, hoảng sợ chạy sang Zaire và lang thang ở đó từ nơi này sang nơi khác, đội trên đầu gia tài nghèo nàn của mình. Người châu Âu thấy trên ti vi những đoàn người vô tận ấy, họ không thể hiểu được sức mạnh nào đã đẩy những con người lang thang tiều tụy ấy bước đi, điều gì đã khiến những bộ xương kia đi và đi mãi, như những kẻ tội đồ, không ngừng lại, không nghỉ ngơi, không ăn không uống, không nói không cười, mệt nhọc ngoan ngoãn lê bước với những cặp mắt vô hồn, tiến lên trên con đường rùng rợn của tội lỗi và thống khổ.