No man can be called friendless who has God and the companionship of good books.

Elizabeth Barrett Browning

 
 
 
 
 
Tác giả: Ma Văn Kháng
Thể loại: Tuổi Học Trò
Biên tập: Lê Huy Vũ
Upload bìa: Lê Huy Vũ
Số chương: 19
Phí download: 3 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 164 / 25
Cập nhật: 2020-06-05 02:27:43 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 20
a Pan Tẩn ngày… tháng… năm…
Thầy Thiêm kính quý của chúng em.
Thầy có còn nhớ chúng em không, thầy kính mến. Chúng em là Giàng A Tú, Giàng Thị Xay, Giàng A Pùa… những học trò năm xưa của thầy đây. Em là Tú, nay em là bí thư kiêm chủ tịch Uỷ ban hành chính xã La Pan Tẩn. Xay là kỹ sư nông nghiệp, trưởng phòng Sở Nông nghiệp tỉnh. Còn Pùa là chủ tịch hội đồng nhân dân kiêm phó bí thư huyện uỷ huyện nhà. Nhờ bức điện ở quê thầy đánh lên báo tin ông nội thầy mệt nặng sắp chết, nghĩa là nhờ trời, mà chúng em biết địa chỉ thầy. Nghĩa là đúng như câu hẹn khi chia tay thầy, người La Pan Tẩn quê em nói: “Mồng cà! Chi tu sa!” Đi nhé, đừng đứt lòng! Lòng một khi đã nhớ thì lìa xa sao được.
Thầy quý thương ơi.
Viết đến đây mắt em cả hai bên đều muốn nhỏ lệ nhớ thương. Nhớ những ngày thầy cùng chúng em chia sẻ buồn vui, no đói. Em nhớ buổi học thiếu sách giáo khoa, thầy bảo chúng em lấy thư nhà ra tập đọc. Nhớ bài thơ Tổ Quốc thầy dạy. Nhớ ngày thầy dẫn chúng em ra tỉnh nhập trường thiếu nhi dân tộc…
Hố pẩu Giàng Dìn Chin mất rồi, thầy ạ.
Trước khi mất mấy hôm, hố pẩu gọi chúng em lại trò chuyện. Hố pẩu nói: có những lúc phải leo qua bức tường cao mấy trượng để vào, chứ đừng nên chỉ kiễng chân ngó, mới thấy được cái đẹp nguy nga của ngôi đền thờ thần thánh. Thầy Thiêm là thế. Thầy là người đánh tiếng kẻng khai tâm, vỡ lòng cho dân tộc ta. Phải mau mau tìm bằng được thầy Thiêm về, không là hỏng cả mấy đời người đấy, các con.
Thầy Thiêm ơi,
Thầy đi rồi, cả ba bốn năm liền không có ai về dạy thay thầy. Mãi sau mới có một thầy về, nhưng dạy chưa được một tháng, đã lại bỏ về xuôi. Cỏ gianh mọc lấn lên hiên trường. Mối xông lên vách lớp. Đuốc pơ mu giờ lại thắp thay đèn dầu. Sèo đắng ăn thay ngô. Không có đài, không có báo, không có thông tin. Người mù chữ mỗi ngày lại thêm con số. Không có cái hôm qua, không có cái hôm nay, không có ngày mai. Trẻ con mới lớn không có thầy, ngơ ngơ như gà lạc mẹ.
Em đã có hai con trai. Chúng chưa được đi học. Chúng hỏi: Bố ơi, sao bố biết chữ, biết đọc công văn thư từ. Em nói: Vì bố có thầy Thiêm. Chúng hỏi: Thầy Thiêm là dở sấu, là ông tiên, là thánh à? Thầy ơi, cả mười năm nay thầy xa quê Mèo em rồi, nhưng bóng hình thầy còn quanh quẩn nơi đây. Thầy là âm thanh trên trời cao, là trăng in đáy nước. Thầy là nền văn hoá cao sâu, là cái tình nồng đậm với con người, với bộ tộc chúng em.
Cái kẻng bằng vành bánh chiếc xe ôtô thầy lặn lội mang về vẫn còn đó. Dạo bọn phản loạn nổi dậy, em đang học ở tỉnh không hay. Trở về mới biết, bọn chúng định mà không dám phá huỷ vật thiêng nọ. Cái kẻng đã thành linh vật rồi. Chúng em đã khiêng nó về, treo lại chỗc cũ, những lúc nhớ quá, lại khua một hồi rồi ôm nhau khóc. Ông Tếnh sau vụ nổi loạn, bị bắt giam sáu tháng, được thả về, nhiều lúc như người ngẩn ngơ. “Ba buổi sáng cũng đủ là một đời người, mày có biết câu ấy không?” Một hôm ông hỏi em. Em đáp: không biết. Ông nói: nhờ ông thầy của mày tao có câu ấy đấy. Thầy ơi, thầy đã đánh thức chúng em. Thầy là bản nhạc vang rền sớm mai. Thầy là âm thanh khai sáng. Ngẫm ra cái gì đã có hình, có tướng, có thần thì không bao giờ mất đi được, thầy ạ.
Thầy Thiêm kính mến, dở sấu của chúng em ơi!
Thư viết đến đây tưởng là đã hết mà hoá ra lại chưa hết như khóm ngải tàn mùa đông lại xanh tươi khi mùa xuân về. Như câu hát cuối xong lại tiếp câu hát đầu. Như tiếng kẻng vang vang nối tiếp tiếng bạc tiếng vàng, như cuốn sách hay lời không cạn.
Đất La Pan Tẩn hoá ra là đất sinh sôi, là đất quần tụ. Người anh hùng ở đây. Kẻ gian xảo cũng ở đây. Chuyện ấy ai ai cũng đã biết. Nay, đất này lại đón tiên nữ giáng trần mới là chuyện lạ.
Thầy ơi, em nói thế là bởi vì hôm qua em đang ngồi làm việc với đoàn kỹ sư lên khảo sát công trình thuỷ lợi, bỗng dưng em sung sướng đến trào nước mắt vì có một phụ nữ Kinh đột ngột bước vào và cất tiếng hỏi tên thầy.
- Thưa chị, chị ở đâu tới đây, có quan hệ gì với thầy tôi?
Em cung kính hỏi. Người phụ nữ tên An cực kỳ xinh đẹp và dịu hiền đáp:
- Tôi và anh Thiêm hẹn gặp nhau ở La Pan Tẩn. Tôi không biết đường. Tôi đi hỏi cô đồng tên là Thúy. Cô đồng dặn tôi đường đi tới lâu đài hạnh phúc. Tôi đi, mọi sự diễn ra đúng như lời cô đồng chỉ bảo. Rằm tháng bẩy tôi ra đầu cầu Chương Dương. Đứng ở đó nửa giờ đồng hồ thì có một chiếc Toyota mười hai chỗ ngồi màu kem đỗ lại. Tôi xin lên xe. Xe chạy tới sáng hôm sau, tới một ngã ba thì hỏng lốp sau. Tôi xuống xe thấy ở đó có một đoàn ngựa thồ đang nghỉ chân. Tôi gặp ông già người Mèo đeo nón sơn vàng ở sau lưng, tôi nói: “Cho tôi theo với!” Thế là tôi theo ông ấy và đoàn ngựa thồ về tới Bãi Đá này.
Thầy ơi, có mừng nào mừng hơn?
Ông già đeo nón sơn vàng sau lưng chính là ông già Lở, nay trở về nghề theo ngựa thồ đó, thầy.
Thầy ơi! Thế là thầy vẫn nhớ La Pan Tẩn, vẫn không đứt lòng với chúng em. Thầy ơi, người đã thành tiên, thành thánh thì không kẻ nào có thể còn bôi nhọ được thanh danh họ nữa. Cái tình của thầy một khi chỉ có thể dùng tình mới lĩnh hội được thì làm sao có thể phôi pha! Thầy ơi, kẻ nào hại thầy thì trời chu đất diệt nó.
Thầy ơi, bây giờ từ sáng đến tối, từ tối đến sáng, chúng em cùng cô người Kinh xinh đẹp ấy chỉ một lòng ngóng đợi thầy. Mổng cà! Chi tu sa! Chi tu sa! Thầy ơi! Đừng dứt lòng, thầy ơi!
Thầy lên La Pan Tẩn ngay đi! Bây giờ chúng em đã khôn lớn rồi. Không kẻ nào dám coi chúng em là con ngựa để họ cưỡi nữa đâu. Thầy cứ vẽ phác hình ảnh toà lâu đài văn hoá ra, chúng em sẽ hì hụi làm. Ta sẽ học lại từ chữ a, ta sẽ đếm từ số 1. Loại người như Trần Đổng không công nhận thầy thì mặc họ. Chúng em đón thầy, đứng quanh thầy. Thầy là của chúng em.
Thầy ơi, thầy lên ngay La Pan Tẩn nhé, không cô người Kinh hết nước mắt nhớ thương, còn chúng em không biết đặt tay đặt chân vào đâu cả, thầy à…
Cả mấy mâm ăn trên cỗ ghế ngựa, trên bàn, trên chiếu trải dưới nền nhà, nghe thư La Pan Tẩn xong, cùng lặng phắc.
Lát sau, một ông già nhất đám ngồi cạnh Thiêm, đầu gục gặc, sụt sùi:
- Tiếc là ông nội đi sớm mấy ngày.
Một ông trung niên từ mâm bên, ngảnh sang, cất tiếng oang oang giữa ồn ào:
- Chú Thiêm định thế nào? Nhân tiện có các cụ ở đây, xin ý kiến các cụ luôn thể đi.
Ông già ngồi cạnh Thiêm vòng tay ôm gối, chẹp môi:
- Mắt mũi thế, cứ chữa cái đã. Đi đâu mà vội.
- Này, người ta mời thầy lên, nuôi thầy dạy dỗ cho con em mình, là cái cách mở mang dân trí hay đấy, các bác ạ. - Ông trung niên quay sang Thiêm bình luận, tiếp:
- Thế thì chi bằng mở ngay trường tư thục ở quê mình đây này, chú Thiêm.
- Mấy năm nay trẻ con nhà mình kém quá. Chả được cái giải văn giải toán gì cả? Ngày xưa, ông thân sinh chú Thiêm ấy à, đỗ đầu cả tỉnh nhá!
- Không học hành thì thành lưu manh. Mà học hành dang dở trí thức không thành thành trí ngủ cũng nguy.
- Thì tự xưa đã nói: nhân bất học bất tri lý rồi còn gì.
Ồn ào, người nói qua, kẻ nói lại. Ông trung niên lần này nghển cả người dậy, cao giọng:
- Các cụ ạ, trên La Pan Tẩn người ta tha thiết thế. Lại có người đang chờ đợi.
- Đi làm thèm vào!
- Sao lại nói thế!
- Đây này, khi đi thì tươi đẹp hùng tráng thế, giờ thì thân tàn ma dại thế này, các bác nhìn chú ấy có xót xa không? Không có đi đâu hết!
- Lỗi đâu có phải tại người ta!
Ông trung niên đứng phắt dậy, gay gắt, tiếp:
- Họ nhà mình đâu có hèn. Đánh giặc, dựng nước, xây đời, chống bạo tàn phong kiến, chế ngự cái ác, đến cả việc đổi xác, đuổi hổ… cũng còn làm được. Sợ cái gì! Người với người, cứ tay vo, chẳng có nề.
Nước mắt, tự nó từ một nơi nào đó lặng lẽ rỉ ra ở khoé mắt Thiêm. Thiêm nghẹn ngào. Chưa bao giờ, kể cả những phút kề bên cái chết, Thiêm khóc với yêu thương lớn lao và thăm thẳm nỗi niềm như vậy.
Hà Nội 1992 - 1999
Viết lần 1: 1992
Viết lần 2: 27 /7/ 1995
Sửa lần 3: 5/ 7/ 1999.
Gặp Gỡ Ở La Pan Tẩn Gặp Gỡ Ở La Pan Tẩn - Ma Văn Kháng Gặp Gỡ Ở La Pan Tẩn