Nguyên tác: The Mill On The Floss
Số lần đọc/download: 1990 / 33
Cập nhật: 2015-10-05 18:59:31 +0700
Chương 19
M
ƯỜI GIỜ SÁNG HÔM SAU, TOM RỜI NHÀ ĐI St. Ogg’s để gặp dượng Deane, ông sẽ có mặt tại sở sáng nay, dì Deane cho biết vậy. Tom đã quyết định chọn ông dượng này làm người tham khảo ý kiến về việc làm của mình. Ông Deane giao thiệp rộng, hiểu biết nhiều và tiến rất mau trong xã hội – điều mà Tom hằng mơ ước. Tom biết là cả hai ông Glegg và Deane đều lập nghiệp với hai bàn tay trắng, nhưng cậu không muốn làm một công việc buồn tẻ để dành dụm được một gia tài khiêm nhường như ông Glegg – cậu muốn được như ông Deane, tìm một địa vị trong thương nghiệp và ngoi lên thật mau.
Lúc vượt qua chiếc cầu đá bước qua sông Floss để vào thị trấn, Tom miên man nghĩ tới nhiều chuyện. Trời u ám, lạnh lẽo và chắc chắn sẽ có mưa, một ngày có thể làm nản lòng bất cứ một người lạc quan nào, nhưng Tom thì không, cậu tưởng tượng tới lúc có đủ tiền để mua lại đất đai, nhà máy cho cha, sửa chữa lại ngôi nhà và mua thật nhiều ngựa, chó.
Một giọng khàn khàn trước mặt làm Tom giật mình:
- Kìa cậu Tom, cha cậu ra sao?
Người vừa hỏi là một chủ quán rượu ở St. Ogg’s, mà ông Tulliver là một khách hàng quen thuộc.
Tom hơi khó chịu nhưng vẫn lịch sự:
- Thưa, ba tôi vẫn còn mệt, cám ơn ông.
Người chủ quán làm ra điều thương hại:
- Cha cậu thua kiện, chắc cậu buồn lắm.
Tom đỏ mặt và im lặng bỏ đi. Cậu không muốn nghe ai nhắc tới chuyện đó.
Người chủ quán rượu nói với một chủ hiệu tạp hóa đang đứng gần:
- Con trai ong Tulliver.
Ông chủ tiệm tạp hóa gục gặc:
- Vậy à? Tôi thấy ngồ ngộ. Cậu ta giống bên ngoại hơn. Gia đình Dodson đó. Đúng là một thanh niên khôi ngô chững chạc. À, mà cậu ấy đi đâu vậy?
- Ôi, cái thứ vô lễ với bạn của cha mình, thì có làm nên việc gì.
Tom bừng tỉnh giấc mơ tương lai trở về với thực tại khi vừa tới trước văn phòng công ty Guest.
Nhưng cậu chỉ gặp có người thơ ký, y nói bằng giọng khinh bỉ:
- Sáng nay ông Deane bận việc ở ngân hàng. Sáng thứ năm nào ông cũng không có mặt ở đây.
Tại ngân hàng, Tom đã được đưa vào phòng riêng của ông Deane sau khi đã thông báo tên họ. Ông Deane đang bận kiểm kê sổ sách, nhưng lúc Tom bước vào ông cũng ngước lên và chìa tay ra:
- À, Tom, ở nhà không có chuyện gì lạ chứ? Ba cháu ra sao?
- Dạ vẫn như thường. Cám ơn dượng. Cháu sẽ xin thưa chuyện với dượng khi nào dượng rảnh.
- Được, ngồi đó đi!
Ông Deane quay lại với chồng sổ sách và người thơ ký kế toán suốt nửa giờ liền. Tom bắt đầu sốt ruột tự hỏi không biết mình có phải chờ cho tới khi ngân hàng đóng cửa hay không? - dượng Deane sẵn sàng cho mình một chỗ làm trong ngân hàng này không? Thật là buồn chán nếu cứ phải ngồi nghĩ mãi tiếng tích tắc của chiếc đồng hồ. Tom bắt đầu mơ ước tới một cách nào đó để có thể làm giàu thật mau, nhưng cuối cùng cũng có sự thay đổi, dượng Deane cầm viết nguệch ngoạc gì đó ở cuốn sổ và bảo:
- Xong, bây giờ mang qua Tory được rồi, ông Spence...
Tiếng nhịp của đồng hồ tự nhiên bớt to hơn đối với tai Tom.
Ông Deane hơi trở mình trong ghế và trầm trầm hỏi, khi chỉ còn lại hai dượng cháu trong phòng:
- Sao Tom, cháu cần gì?
Tom đỏ mặt nhưng giọng nói có vẻ hãnh diện về tư thái độc lập của mình:
- Xin dượng thứ lỗi cho về chuyện quấy rầy. Cháu nghĩ chỉ có dượng là người giúp cháu được vài ý kiến hữu ích.
Ông Deane chăm chú nhìn Tom:
- À, cháu cứ nói!
Tom vào đề ngay:
- Thưa dượng, cháu muốn có việc làm để kiếm chút ít tiền giúp gia đình.
Dượng Deane ngã người ra sau:
- Việc làm, để coi, cháu bao nhiêu tuổi?
- Dạ, mười sáu. Đúng hơn là sắp sửa mười bảy.
- Để coi, ba cháu tính cho cháu làm kỹ sư phải không?
- Dạ phải, nhưng cháu chưa học xong, cháu muốn làm việc ngay để có tiền.
- Nhưng dầu có làm việc gì đi nữa, cũng khó kiếm nhiều tiền khi mới mười sáu tuổi. Cháu đã học hỏi ở nhà trường khá nhiều nên đã thông thạo kế toán, cháu biết cách lập sổ sách không?
Tom yếu ớt:
- Dạ không. Nhưng ông Stelling bảo cháu viết chữ đẹp lắm. Thưa dượng, đây.
Tom vừa nói vừa đặt lên bàn một mảnh giấy đã viết ngày hôm qua.
- Được, được lắm. Nhưng cháu biết, chữ đẹp chỉ có thể giúp cháu làm thơ ký sao thơ văn là cùng, nếu cháu không biết gì về kế toán, mà thơ ký sao chép thơ văn lại rất ít lương. Cháu đã học những gì ở trường?
Ông Deane không tin tưởng lề lối giáo dục ở nhà trường có thể đem lại cơm áo cho người ta được.
Tom ngập ngừng:
- Dạ cháu học tiếng La tinh, học rất kỹ, và cả năm vừa rồi cháu đã học làm luận văn, một tuần làm luận tiếng La tinh, một tuần làm luận tiếng Anh. Cháu cũng có học sử Hy Lạp và La Mã, hình học Euclid, cháu vừa bắt đầu học Đại số và mỗi tuần bắt đầu có một ngày Số học. Cháu còn học vẻ và còn đọc thêm nhiều sách như Thi ca Anh, Horae Paulinae và Tu Từ học Blair.
Ông Deane đưa hộp thuốc ngửi lên hít, mặt đăm chiêu nghĩ ngợi. Cuối cùng ông nói với giọng hơi lạnh nhạt:
- Cháu đã phải bỏ cả ba năm trời học những thứ đó toàn là những thứ không giúp cháu được gì khi cần.
Tom đỏ mặt, quả quyết:
- Cháu không muốn xử dụng những thứ đó, cháu không ưa tiếng La tinh. Cháu thấy nó hoàn toàn vô dụng, cháu cũng không muốn làm giáo viên hay trợ giáo. Cháu chỉ muốn có một nghề mà cháu có thể tiến thân mau lẹ. Cháu sẽ nuôi má và em cháu.
Ông Deane kêu lên:
- Nói dễ, nhưng làm khó lắm cháu ơi!
Tom thấy hơi sốt ruột vì dượng Deane không đề cập đến vấn đề mong đợi của mình.
- Nhưng chính dượng cũng tiến thân như vậy. Cháu muốn nói là chính dượng đã leo từ địa vị này lên địa vị cao hơn nhờ vào tài năng của dượng.
Ông Deane hơi ưỡn người ra ghế, vẻ sốt sắng:
- A, a, để dượng nói cho nghe. Dượng không phải là thứ người đang ngồi trên khúc cây mà cứ tưởng mình cỡi ngựa. Lúc nào dượng cũng mở lớn mắt và vểnh tai lên, dượng không lưu luyến quá khứ, dượng làm chủ được con người của dượng. Dượng học hành không nhiều gì hơn một đứa nhỏ ở trại phước thiện, nhưng dượng đã sớm nhận thức được rằng mình không thể nào tiến xa hơn nếu không biết kế toán, và dượng bắt đầu học kế toán trong những giờ nghĩ. Dượng mà có thành đạt được cũng là nhờ biết sống phù hợp với hoàn cảnh. Ở bầu thì tròn, ở ống thì dài - chỉ có vậy thôi.
Tom nói:
- Thưa dượng, đó chính là điều cháu muốn thực hiện. Cháu có thể học hỏi làm như dượng được không?
Ông Deane dịu dàng:
- Cháu muốn được như dượng, cái đó còn tùy nhiều yếu tố khác nhau, Tom à. Cần phải biết rõ bản chất của cháu, phải bắt đầu như thế nào và trong một công việc nào. Để dượng phân tách cho nghe. Ba cháu đã lầm lẫn khi cho cháu đi học chữ, cháu chỉ học được những gì cần thiết cho một phú gia như ông Stephen Guest – chủ tịch công ty này – người cả đời chẳng cần làm việc gì hết ngoài việc ký tên vào ngân phiếu. Tiếng La tinh chẳng giúp gì được cho cháu cả.
Tom khẩn khoản:
- Thưa dượng, cháu không thấy tiếng La tinh tại sao có thể cản trở được sự nghiệp của cháu. Chẳng bao lâu nữa, cháu sẽ quên nó đi một cách dễ dàng. Cháu vẫn học hành đàng hoàng ở trường nhưng cháu nghĩ rằng những bài vở đó chẳng giúp gì được cho cháu sau này – cháu không tha thiết với những bài học đó.
Ông Deane gật gù:
- Được lắm, những điều đó cũng không thay đổi được gì điều dượng sắp nói ra. Tiếng La tinh và những thứ lộn xộn kia chẳng bao lâu sẽ phai mờ trong tâm trí cháu, nhưng sau đó cháu trống rỗng, một cành cây trụi lá. Và cháu còn biết được gì? Chẳng biết gì về kế toán, không có một kiến thức nào về việc buôn bán hết. Dượng cho biết, cháu phải bắt đầu từ bậc thang thấp nhứt nếu muốn ngoi lên trong xã hội. Quên đi sự học mà ba cháu đã tốn kém vào đó rất nhiều mà chẳng ích lợi gì nếu cháu không có một cái học nào mới.
Tom cắn môi thật mạnh, cậu muốn khóc nhưng nhận thấy thà chết còn hơn để người ta thấy mình đang khóc.
Ông Deane tiếp tục:
- Cháu muốn dượng giúp tìm một chỗ làm. Được, dượng rất sẵn sàng. Nhưng giới trẻ ngày nay thường thiếu thực tế và không biết lo xa. Bây giờ cháu phải xét lại mình – một thiếu niên mười sáu tuổi, không được huấn luyện về một ngành, nghề đặc biệt nào. Kiến thức La tinh của cháu chỉ có thể giúp ích được trong một vài ngành như hóa học và dược.
Tom định nói nhưng ông Deane đã đưa tay ra ngăn:
- Khoan, cứ nghe dượng nói hết đã. Cháu không muốn làm một người thợ học nghề – dượng biết – cháu rất sốt ruột – và cháu không muốn đứng sau quầy để bán hàng. Cháu không muốn làm một thơ ký sao chép để ngồi cả ngày sau bàn giấy nhìn mực và viết, rất vô vị và không giúp cháu mơ màng gì cả. Vậy thì cơ hội tốt nhứt cho cháu là làm việc ở bến tàu, hay trong kho hàng, những nơi mà cháu có thể ngửi được hết các mùi vị – nhưng chắc cháu cũng không thích luôn, dượng đoán vậy, vì cháu phải dầm mưa, chịu lạnh và phải chen lấn với hạng người thô lậu. Cháu chỉ là một bạch diện thư sinh, một công tử thôi.
Ông Deane ngừng nói và chăm chú nhìn Tom. Tom cố lấy lại bình tĩnh để trả lời:
- Cháu sẵn sàng làm bất cứ việc gì có thể giúp ích nhiều cho cháu sau này. Cháu không sợ khó khăn, cực nhọc.
- Được lắm, nếu cháu có đủ bản lãnh. Nhưng cần nhớ là không phải chỉ nắm đầu dây không thôi – mà còn phải ra sức kéo nó nữa. Ngày bằng tuổi cháu, dượng phải làm phu khuân vác, quần áo lúc nào cũng dơ bẩn, hôi hám. Vì vậy, ngày nay dượng có quyền mặc quần áo đẹp và ngồi ngang hàng với các nhân vật quan trọng tại St. Ogg’s này.
Dượng Deane lại hít một hơi thuốc dài, người ông như phồng lên dưới lớp áo khoác.
Tom hỏi:
- Thưa dượng, dượng có thể đưa cháu vào một chỗ trống nào ngay trong lúc này không?
- Khoan, khoan, không nên hấp tấp. Để dượng nghĩ lại cái đã.
Tom cảm thấy tự ái bị tổn thương, cái tự ái vẫn có nơi các người con trai mới lớn mỗi khi không được người lớn tin cậy.
- Cháu mong rằng cháu không phụ lòng tin cậy của dượng.
- Khá lắm cháu Tom, dượng không bao giờ từ chối giúp một kẻ nào có quyết tâm và có đường lối rõ rệt cho công việc làm của mình.
Tom nóng lòng chứng tỏ quyết tâm đó:
- Vậy cháu có thể học kế toán được chưa dượng?
- Được, được, cháu không nên chần chờ. Nhưng... a, ông Spence, xong rồi à? Thôi được, Tom, dượng thấy bao nhiêu đó cũng đủ rồi, dượng phải trở lại với công việc. Chào cháu, nhớ gởi lời thăm má cháu dùm dượng nghe.
Ông Deane thân mật chìa tay ra – Tom không còn đủ can đảm để hỏi thêm, nhất là khi có sự hiện diện của ông Spence. Cậu rời khỏi ngân hàng và trở lại với bầu không khí lạnh lẽo, ẩm ướt của mùa đông.
Đáng lẽ Tom còn phải tới gặp dượng Glegg để tình nguyện rút ra khoản tiền cha cậu đã gởi trong trương mục tiết kiệm, nhưng trên đường đi tới bến tàu, một tấm bảng yết thị dán trên cửa sổ một hiệu buôn, với hàng chữ «nhà máy Dorlcote» khiến cậu phải dừng bước. Đó là một bảng liệt kê những đồ vật sẽ được đem ra bán đấu giá vào tuần tới – Tom thấy cần phải rời thành phố này ngay.
Cách đó hai giờ, trên đường đi St. Ogg’s, Tom thấy những khó khăn hôm nay chỉ là những khó khăn tạm thời và con đường tương lai đang mở rộng để đón chờ mình. Nhưng bây giờ cậu có cảm tưởng như đang đi trên đá nhọn và con đường tương lai đầy gai góc. Cậu xót xa khi nghĩ rằng có lẽ dượng Deane không tin tưởng ở mình, lần đầu tiên trong đời cậu mới nhận ra mình chỉ là một đứa hoàn toàn dốt nát, không đủ khả năng làm một công việc nhỏ mọn nào.
Tom đang ngồi sưởi bên bếp lửa thì Maggie hỏi:
- Dượng Deane nói sao, anh? Dượng có hứa sẽ tìm chỗ làm cho anh không?
- Không, dượng chẳng hứa gì. Hình như dượng cho rằng anh không đủ khả năng để đảm nhận một công việc nào hết. Anh còn trẻ quá.
- Dượng không ân cần với anh sao?
- Ân cần? Hừ, ân cần có ích gì. Anh không cần dượng ấy ân cần, chỉ cần kiếm chỗ làm cho anh là đủ. Dượng Deane bảo những thứ anh học ở trường không giúp ích được gì cả, dượng bảo anh nên bắt đầu học kế toán, làm sổ sách.
Khóe miệng Tom nhếch lên cay đắng.
Maggie reo lên:
- Ồ, tụi em đã học kế toán với thầy Sampson rồi. Em và Lucy đã học kế toán kép, kế toán theo phương pháp Ý Đại Lợi, em có thể chỉ lại cho anh.
- Cô chỉ dạy cho tôi? Lúc nào cũng nói cái giọng đó.
- Em nói thật mà.
Tom nghiêm khắc:
- Cũng vậy thôi, Maggie. Cô luôn cho rằng cô hơn tôi và tất cả những người khác, dầu tôi đã nhiều lần khuyên bảo cô. Cô không cần nói với tôi cái giọng cô nói với các dì dượng. Cô nên để yên cho tôi lo cho má và cho cô. Cô cứ tưởng mình hơn thiên hạ nhưng tôi thấy cô cứ sai lầm luôn. Tôi có thể tự lo liệu được.
Mặt Maggie nóng ran, môi run lên:
- Anh tưởng lúc nào em cũng tự phụ hết hả? Em không bao giờ muốn hơn ai cả – còn anh thì lúc nào cũng gay gắt với em.
Tom gằn giọng:
- Không, tôi không gay gắt, lúc nào tôi cũng tốt với cô, tôi sẽ lo bảo bọc cô, nhưng cô cần phải nghe tôi mới được.
Bà Tulliver bước vào, Maggie vội vàng ra ngoài, nước mắt đầm đìa. Dường như mọi người trên cõi đời này đều tệ bạc với cô, dường như họ chỉ sống toàn bằng lý trí chớ không phải với tình thương.
Và nếu cuộc đời đã không có tình thương thì sự có mắt của Maggie để làm gì?