Số lần đọc/download: 0 / 46
Cập nhật: 2023-03-26 23:07:49 +0700
Chương 16
S
ư bác Khoan Độ và cô Nguyệt phải thăm rất nhiều lần và đi ngoắt ngoéo mãi mới tìm được nhà bà Nấm nằm ở đồi Đom Đóm, xóm Trúc. Đó là khu rừng tre nứa. Nhà bà Nấm nằm ở lưng chừng một quả đồi nhỏ. Nhà nằm dưới tán rừng thưa. Thưa nhưng đủ để che giấu con mắt soi mói của những chiếc máy bay bà già có lúc bay là là trên đầu cánh rừng để dò xét. Quả đồi tên gọi Đom Đóm vì ở đây có rất nhiều loài sâu bọ biết bay mang ánh sáng xanh lơ ấy. Cái Huệ thích cái tên ấy vì nó gợi nhớ cho cô nhiều kỷ niệm ở làng Sọ quê nhà. Mà cũng lạ thật! Không hiểu sao đom đóm tập trung ở đây nhiều đến thế. Nhất là ở ven suối, và ở cái ao, tức là một vũng nước rộng, do người ta lấy đá ngăn dòng suối lại. Đom đóm nhiều là do ở đấy ẩm, lại lắm mùn, điều kiện tốt cho sâu bọ phát triển.
Những đêm tối trời, ngồi ở thềm nhà bà Nấm nhìn ra, đom đóm từ dưới khe bay lên thật thích. Như thể vỡ tổ đom đóm vậy. Mới đầu chỉ có vài con nối đuôi nhau bay là là chập chờn, tạo thành những vệt dài dài xanh lơ trong bóng đêm. Sau đó, ở đâu mà đom đóm tỏa ra lắm thế. Chúng bay bổng bay la loạn xạ. Cảm giác như một lũ trẻ tinh nghịch đang vui đùa ríu ra ríu rít. Trong đêm đen, những hột sáng long lanh nhảy nhót như sao sa. Cuối cùng, đột nhiên, chúng biến đi đâu hết sạch. Chắc trận gió to vừa mới từ khu rừng tre thức dậy đã xua đuổi, lùa quét chúng sang thung lũng bên cạnh. Nhưng chỉ một lát sau, lại thấy một đợt đom đóm khác từ dưới khe nhoi lên. Cảm giác như có những đợt sóng đèn vô hình, vô thanh đang nối tiếp nhau trườn trôi trong bóng đêm. Hơi thở của núi, hơi thở của rừng phập phồng chăng?
Cả những đêm có trăng ngồi ngắm đom đóm cũng lạ. Lúc ấy, ánh sáng của chúng hòa vào ánh trăng, tuy vậy nhìn cho thật kỹ vẫn thấy bóng của chúng. Trong bao la bàng bạc, chúng chỉ là những vết phẩy mờ và ảo trang trí trên tấm lụa đêm màu sữa loãng.
Chị Nguyệt và cái Huệ thường hay im lìm ngồi bên nhau ngắm đom đóm bay. Chị Nguyệt ít nói, nét mặt lúc nào cũng buồn buồn. Những lúc ấy, nhìn cái dáng nghiêng của chị trong đêm mờ ảo, Huệ thấy sao chị Nguyệt đẹp một cách lạ lùng. Cái Huệ tuy ít tuổi nhưng rất tinh. Nó biết chị Nguyệt lo lắng cho thầy giáo Hải, người chồng sắp cưới của chị phải nằm ngay trong hang ổ của địch. Và lo cả cho chú tiểu An nữa chứ. Huệ biết tình cảm đặc biệt giữa hai chị em Nguyệt và An. Nó biết chuyện lúc An mới sinh, mẹ của họ ốm nặng, và chị Nguyệt mới bảy tuổi đầu đã phải bế em đi ăn mày xin sữa cả làng cho em khỏi chết. Chả trách An coi chị Nguyệt như là mẹ.
Bà Nấm dắt Nguyệt vào cơ quan phụ nữ huyện. Bà Nấm thông minh nhanh nhẹn nên được đề bạt, chuyển từ chân nấu ăn sang làm cán bộ phụ nữ. Nguyệt được tuyển vào cơ quan, thay bà Nấm làm chân nấu bếp. Trên danh nghĩa, Nguyệt làm “chị nuôi”, song thực chất cô làm linh tinh đủ việc, có lúc làm liên lạc đưa giấy tờ công văn, có lúc làm sai vặt, có lúc nấu cơm, lại có lúc làm người bảo vệ khi chị bí thư xuống xã. Khi kiểm điểm hàng quý, mọi người đều khen Nguyệt tích cực, làm việc gì cũng chu đáo. Tuy nhiên, còn phê bình nét mặt của Nguyệt lúc nào cũng ủ dột. Người ta bảo làm cách mạng là phải cứng rắn lạc quan. Hoàn thành công việc tốt nhưng hay buồn bã cũng vẫn là khuyết điểm. Nguyệt trả lời:
- Ở chùa tôi cũng như vậy, song sư cụ không mắng. Có lẽ đã quen mất nết đi rồi.
Cán bộ có vẻ không bằng lòng với cách tiếp thu phê bình ấy. Riêng chỉ có bà Nấm thông cảm với Nguyệt. Bà không tán thành những lời nói mang tính chất nâng quan điểm ấy. Bà nói với Nguyệt:
- Cháu cần nghĩ cho thoáng. Những chuyện gì nằm ngoài tay ta không thể thay đổi khác được thì phải chấp nhận. Cứ để cho mọi sự diễn biến. Rồi tùy theo mà ta hành động. Buồn bã cũng chẳng giải quyết được gì.
Riêng Huệ, em thương chị Nguyệt và làm vơi nhẹ khuây khỏa chị Nguyệt theo cách của em. Em luôn quấn quýt bên chị, rồi thỉnh thoảng thủ thỉ dăm câu theo cách của em. Như đêm nay, trên thềm nhà, câu chuyện giữa hai chị em thật chẳng đâu vào đâu cả.
- Chị à, sao ở đây lại lắm đom đóm thế nhỉ? Nhiều hơn ở làng Sọ chúng mình.
- Ờ nhỉ. Nhiều thật!
- Bãi tha ma làng Sọ cũng nhiều, song chả thấm gì so với ở đây.
- Có lẽ thế. Ở tha ma làng mình, đom đóm không nhiều như đây. Thỉnh thoảng mới có vài ba con từ tha ma vượt rào bay vào vườn chùa. Lạ một điều, cứ vào trong chùa là chúng bay tới ao bèo. Chị và bà vãi Thầm ở cạnh ao bèo nên biết rõ. Đom đóm ở đấy thưa thớt hơn nhưng chúng to hơn đom đóm ở đây.
- Sao mà biết?
- Biết chứ! Đom đóm ở đây chỉ bằng hạt đỗ xanh. Còn đom đóm ao chùa nhà chị thì to bằng cái nụ hoa nhài.
- To đến thế cơ à!
- Chứ sao. Chú An đã bắt nên chị mới biết. Mới lại đom đóm ở đây là vong linh con sóc, con thỏ, con chuột dũi trong rừng nên chúng nhỏ. Còn đom đóm ở tha ma làng là vong linh của người ta nên phải to hơn.
- Là vong linh hả chị?
- Chứ sao! Chả thế mà mỗi tối, cứ trông thấy đom đóm bay vào nhà, là bà vãi Thầm lại xuýt xoa khấn vái. Bà Thầm bảo đó là những vong linh lang thang. Bà cụ khấn vái cho đến lúc nó bay ra thì thôi.
Nói đến đấy, chị Nguyệt bỗng cười khúc khích. Hiếm khi thấy chị cười nên Huệ hỏi:
- Sao chị cười?
- Nhớ đến thằng An chứ sao. Nó nghịch lắm. Đã đi tu rồi mà vẫn còn nghịch.
- Nghịch thế nào?
- Nó bắt đom đóm nhốt vào lọ. Nó núp sau nhà, rồi thả dần đom đóm vào trong nhà. Bà vãi Thầm khấn mãi con đóm thứ nhất mới chịu bay ra. Nhưng sau đó tiếp tục có con đom đóm thứ hai, rồi thứ ba. Thành thử bà cụ cứ phải lầm rầm cho đến nửa đêm mới thôi.
Huệ nghe xong cũng phải khúc khích cười theo:
- Ai ngờ cái chú tiểu này nghịch ngầm quá thể. Bao giờ về làng em phải mách chuyện này với sư cụ.
- Thì thế! Chị cấm, nhưng nó cứ trêu bà cụ Thầm mãi. Về sau, chị dọa mách sư cụ nó mới chịu ngừng.
Những chuyện tưởng chừng như vớ vẩn ấy lại làm cho Nguyệt thấy vui. Và hai chị em càng ngày càng thêm thân thiết. Cả những chuyện về thầy giáo Hải cũng góp phần vào để tăng thêm tình thân ấy. Nguyệt thì ôn lại những kỷ niệm về thời thơ ấu của An. Huệ thì nói lại về thầy giáo Hải vốn là hàng xóm với gia đình em. Mang tiếng là vợ sắp cưới của thầy giáo, nhưng sự thực Nguyệt có biết gì nhiều lắm về Hải đâu. Hai người có cùng những người thân quen. Và sự kể lể về những người thân quen ở xa ấy tạo nên những sợi dây vô hình gắn bó hai cô gái lại với nhau. Đến nỗi bà Nấm phải thốt lên:
- Hai đứa quấn quýt nhau đến thế. Đáng lẽ chúng mày phải là chị em ruột của nhau mới phải.
Huệ rất hồn nhiên, ríu rít ân cần với chị Nguyệt. Nó tưởng rằng điều đó hoàn toàn xuất phát từ sự thông cảm. Nó có biết đâu đằng sau sự hồn nhiên đó còn là sự thích thú. Nó muốn biết và biết thật nhiều về chú tiểu An, về người bạn học. Biết để làm gì nhỉ? Chẳng để làm gì cả. Chỉ muốn biết, đơn giản thế thôi.
Cứ tưởng thằng Căn là người thô lỗ vô tình chẳng chú ý đến người khác. Thực ra không phải. Vụng về thì đúng, còn vô tình thì không. Căn ở dưới nhà ngang nơi vừa ở vừa làm bếp. Có những tối, nó cũng lên nhà trên ngồi thềm hè hóng chuyện. Khi cái đèn chai thắp sáng lên ở giữa nhà. Vài ba con ve sầu ngoài rừng thấy ánh sáng bay vào nhà. Để tỏ lòng thông cảm với hoàn cảnh của chị Nguyệt nên nó nhắc tới An:
- Chị Nguyệt ơi! Em học được thằng An, nên mới biết ăn ve sầu rang lên đấy - Nó cười khì khì - Chị biết không, dạo trước đánh nhau với nó, em đã nhét con ve sầu sống vào mồm thằng An đấy. Bây giờ nghĩ lại thấy buồn cười, và lại thấy thương thằng An nữa chứ.
Căn thật lúng túng. Câu chuyện của nó chẳng đâu vào đâu cả, nhưng chắc chị Nguyệt hiểu tấm lòng của nó.
Nói chung, mỗi người trong gia đình ông Trần đều có cách riêng của mình để cảm thông với Nguyệt. Bà Nấm cũng có cách của bà. Bà đối xử với Nguyệt như một người cô dạy dỗ cháu. Một hôm bà hỏi:
- Các con đã bao giờ được ăn loại bánh rán đặc biệt của làng Sọ chưa?
Huệ hỏi:
- Nó có khác gì bánh rán ngoài chợ mà ai cũng đã được ăn hả mẹ?
Bà Nấm cười:
- Không phải thứ bánh rán mật to như quả trứng mà các con thường thấy. Đằng này là thứ bánh rán to, rõ to. Có khi nó to bằng cái mâm đồng. Bánh đặc biệt mà. Mẹ nghe nói ngày xưa mang đi tiến vua. Thực ra tiến vua thì mẹ chưa thấy. Nhưng bánh rán đám cưới thì mẹ thấy. Ngày xưa, trong đám cưới của làng Sọ, bất cứ đám nào nhà trai cũng phải đội đến nhà gái một chiếc bánh rán to như vậy đặt trên chiếc mâm đồng. Lại phải chọn một cô tố nữ trẻ và đẹp, váy chùng chấm gót, khăn vấn hồng, áo nâu non, thắt lưng hoa lý đội mâm.
Cái Huệ cười giòn:
- Hôm nay mẹ cũng làm một chiếc bánh rán to như vậy chứ?
- Gớm! To như thế lấy gạo đâu mà làm. Hôm nay, chỉ bằng cái đĩa đại thôi cũng đủ cho cả nhà nếm thử.
Thế là buổi sáng hôm ấy, bốn mẹ con, cô cháu tíu tít xay bột, rây bột, rán bánh. Kể ra làm bánh rán như vậy cũng cầu kỳ thật. Bột phải theo tỉ lệ ba nếp, một tẻ. Bột phải nhỏ tăn, mịn màng. Bí quyết đặc biệt là phải có cây duối. Hái một rổ lá duối đem về cho vào cối giã nhỏ. Khi giã, đổ vào ít nước. Khi nào lá duối nhuyễn thì vắt từng nắm, chiết ra một thứ nước xanh xanh. Nước lá duối trộn với bột cho thật đều, thật quánh. Rán bánh có phần tốn kém vì phải rán võng mỡ. Hôm ấy, bà Nấm phải đành đổ ra cả một vò mỡ để dành từ hôm đụng lợn ăn Tết. Điều ấy làm bà cứ xuýt xoa mãi. Chiếc bánh trong chảo lớn cứ phồng mãi ra, cho tới lúc nó choán hết lòng chảo. Cứ phồng rộp lên chỗ nào, lại lấy đũa chọc vào chỗ ấy. Cuối cùng là giai đoạn tẩm mật. Lấy mật giọt hòa với nha nhỏ đều khắp cả hai mặt bánh. Chiếc bánh rán to đến nỗi đĩa lớn đựng cũng không xuể. Phải đặt nó lên mâm, nhưng mâm không có, nên phải trải lá chuối trên mặt rồi đặt nó vào. Cả nhà vui vẻ xúm quanh chiếc bánh rán kỳ diệu. Mặt bánh phủ mật bóng nhoáng. Tưởng như nó óng ánh phát sáng. Thằng Căn hỏi:
- Không biết bánh có cứng không? Có phải lấy dao chặt không?
- Không cứng mà giòn tan. Tay bẻ cũng được. - Bà Nấm trả lời.
Đến lượt cái Huệ nói như tiếc rẻ:
- Bánh ngon thế này mà thầy con không có nhà.
- Vắng nhà thì để phần. Bánh này ăn hàng tháng vẫn ngon, vẫn giòn tan. Nó là thứ phẩm vật tiến vua. Cũng có thể dùng làm thức ăn dự trữ.
Nguyệt xen vào:
- Cháu cũng đã được nghe sư cụ nói về những chiếc bánh mật cúng Phật như thế. Đến hôm nay mới được tận mắt nhìn.
Bà Nấm cười sung sướng.
- Thì hôm nay cháu biết làm rồi đấy. Sau này yên hàn về chùa, cháu cứ như thế mà làm. Tự tay làm cúng Phật càng quý chứ sao. Chỉ cần nhớ cúng Phật thì không được dùng mỡ. Phải dùng dầu mà rán.
Đời người ta giống như bản giao hưởng dài, đủ cả buồn vui, hạnh phúc. Những phút như thế này, giản dị thôi, tầm thường thôi, nhưng chắc chắn đó là những phút giây hạnh phúc. Nó là những dấu lặng để ta nghỉ ngơi trong bản nhạc dài. Những phút như vậy giữa con người nạp thêm năng lượng để có thể bước tiếp trên cõi thế gian đầy bất trắc này. Điều này chắc là đúng đối với Nguyệt, bởi vì cô sắp phải trải qua thử thách. Thử thách mà không dễ gì con nguời chịu đựng được.
Cả nhà để dành phần cho ông Trần một nửa chiếc bánh. Mãi một tuần sau ông mới về. Bánh cất trong thạp gạo, lấy ra vẫn thơm nức, giòn tan. Ông Trần về cùng một ông khách. Đó là chủ tịch tỉnh kiêm phó bí thư tỉnh tên là Trí. Ông Trí con cụ Tập mà một thời vợ chồng bà Nấm đã ở thuê nhà tại cái xóm rau muống phía Nam Hà Nội. Cụ Tập đã dạy Trần nghề cắt tóc. Bà cụ lại dạy Nấm gánh rong đi bán rau muống ở các phố phường. Chính ông Trí đã dẫn dắt Trần vào con đường cách mạng. Lâu lắm mới gặp lại, cô Nấm vui lắm, cứ tíu tít kể lại chuyện xưa. Rồi sai con giết gà đãi khách. Ông Trí bẻ miếng bánh rán ăn rồi nói:
- Thú thật, là dân làng Sọ nhưng đã lâu lắm tôi mới được nếm lại thứ bánh đặc biệt này của quê ta. Hình như đã lâu lắm rồi người ta gần như quên mất cách làm.
- Thì bác ra ở tỉnh bao năm, rồi sau đó lại khói lửa loạn lạc nữa, ai có thể làm thứ bánh cầu kỳ này. Tôi nhân ngày rỗi rãi nên giở giói ra trước là để dạy các cháu, sau là để đãi khách.
Ông chồng cười:
- Bà này tài. Có cái thiên lý kính hay sao mà biết bác Trí về chơi nhà ta hôm nay. Mà lại làm bánh trước cả một tuần cơ chứ.
- Đúng thế đấy. Tuần trước có con chim khách suốt cả ngày kêu râm ran ngoài ngõ. Mấy lại, ông chẳng biết hay sao, cô Nguyệt đây cũng là khách của nhà ta. Cũng là khách của nhà bác Trí. Cô ấy sắp làm dâu làng Sọ, làm dâu cả nhà họ Bùi đấy.
Cũng lúc ấy, Nguyệt và Huệ ở ngoài suối về. Cô Nguyệt được bà Nấm giới thiệu với ông Trí, chợt đỏ bừng hai má. Ông Trí quan sát cô kỹ càng như người xem tướng. Ông hồ hởi nói với cô:
- Chị Nguyệt phúc hậu lắm. Bác Hải nhà tôi lấy được thật có phúc lớn... Tôi cũng xin giới thiệu: tôi và bác Hải là hai anh em chú bác. Đứng về thế thứ họ tộc, tôi là em vì là con nhà chú. Chúng ta có họ hàng với nhau đấy. Chính thức cưới xong, tôi phải gọi chị Nguyệt bằng chị.
Nguyệt càng đỏ bừng mặt. Cô cúi đầu lễ phép:
- Thưa ông chủ tịch. Tôi không dám ạ...
Cả nhà nhìn Nguyệt lúng túng, cùng cười vang.
Họ Bùi và họ Nguyễn là hai họ danh tiếng trong làng Sọ. Họ Bùi phát về đường nghiên bút. Họ Nguyễn phát về đường hào lý. Ông nội của Trí là cụ Bùi Huân là bạn đồng môn với Nguyễn Long. Cụ Huân đỗ tú tài ở khoa thi cuối cùng triều Nguyễn. Cụ Long không đỗ đạt nhưng làm chánh tổng. Đến đời Bùi Học, Bùi Tập, khoa thi chữ nho bỏ, nhưng ông Học vẫn làm ông đồ, và như ta biết, đã xảy ra cái giai thoại một hào mua được chức lý trưởng. Ông Tập nhờ trí thông minh đã tranh được chức lý trưởng và bá Phượng bị thua. Lần đầu tiên họ Bùi làm hào lý làng Sọ, nhưng cũng vì tranh quyền nên gia đình khánh kiệt, Bùi Tập phải bỏ làng ra Hà Nội làm nghề thợ cạo. Ông Học đẻ ra thầy giáo Hải, ông Tập đẻ ra ông Trí. Còn về phía họ Nguyễn, ông chánh đẻ ra quản Mật. Đến đời này hai họ lại phân ra theo hai ngả khác nhau. Ông Mật định làm giàu bằng cách đi buôn về sau sung vào lính Pháp. Còn Bùi Trí và Bùi Hải ngả theo con đường cách mạng.
Cả ngày hôm ấy, Nguyệt cứ có cảm giác như ông Trí rất quan tâm đến mình. Cả ông Trần cũng vậy. Họ như xem tướng cô, chú ý đến lời ăn tiếng nói của cô, cách xử sự của cô. Ngạc nhiên hơn nữa là hình như họ rất biết rõ về thân thế của cô, về ngôi chùa của cô, về sư cụ, về em An. Ông Trần như muốn thông báo cho cô rõ:
- Chú tiểu An lanh lẹn tháo vát lắm. Nhờ cậu ấy tận tụy chăm sóc, sư cụ đã khỏi rồi. Chống nạng đi lại trong chùa một mình được rồi. Cô yên tâm về cụ và cậu An rồi chứ.
Đến tối, Nguyệt mới hiểu ra sự việc: Họ gọi cô xuống nhà ngang nơi Căn ở. Hai cha con gọi nhau ra đồi nói chuyện. Chỉ còn ông Trí và Nguyệt. Ông nói:
- Chị Nguyệt làm việc ở Hội Phụ nữ có gì khó khăn không?
- Thưa thủ trưởng, em chỉ nấu cơm, đưa công văn. Chẳng có gì khó khăn. Nhưng các chị phê bình em còn ít nói và buồn.
- Chúng tôi định bố trí cho chị làm một công việc khác. Việc này cần một người bình tĩnh ít nói.
- Em ít chữ lắm. Việc khó quá em không làm được đâu.
- Việc không khó, song phải bình tĩnh và can đảm.
- Can đảm ư? Em dát lắm. Hôm bị vây trong rừng Cò, em run lắm, khi Tây đi càn, nhất là lúc con chó Tây đứng trên nắp hầm rồi sủa...
- Thế nói dại, nhỡ ra hôm ấy lầy nó bắt được chị thì sao?
- Lúc ấy em run lắm. Em vừa lo sợ, vừa nghĩ rằng, nếu chúng nó bắt được mình, chúng sẽ làm nhục. Nếu thế mình sẽ cắn lưỡi. Thà chết đi còn hơn để nó giày xéo.
Ông Trí gật đầu, đôi mắt chớp khẽ:
- Ừ, thế thì được. Chị làm được việc này.
- Việc gì ạ? Thưa thủ trưởng.
Ông Trí không trả lời thẳng vào câu hỏi mà lại nhận xét:
- Chúng tôi đã nghiên cứu kỹ về chị. Chu đáo trách nhiệm với công việc. Giao việc gì cứ lầm lũi làm cho xong mới thôi. Chị phụ trách phụ nữ huyện khen chị lắm đấy. Chị em cùng công tác người ta phê bình này nọ. Ừ thì mình nghe. Cái chính, cái cốt yếu mà làm trọn mới là điều chính. Ông cụ bà cụ sinh ra chị bị Tây nó giết phải không. Chính cái thằng Bernard, thằng Tây lùn ấy nó giết chứ ai. Mà anh Hải cũng đang làm việc ở P.C. Huyện. Người của ta đấy. Chị cũng biết rồi, tôi chẳng phải nói. Anh ấy hoạt động bí mật trong lòng địch hàng ngày cận kề bên cái chết. Nguy hiểm lắm... chị có muốn giúp anh ấy không? Mà chị có căm thù cái loại thực dân như thằng Bernard không?
- Muốn chứ! Đồng chí thủ trưởng ạ. Bố tôi bị nó giết.
Nhìn gương mặt rầu rầu của Nguyệt lúc đó đang cúi xuống,
ông Trí nghĩ một lát, rồi mới tiếp:
- Tỉnh và huyện có kế hoạch như thế này. Phải mở rộng khu du kích, tức là nhổ những đồn bốt quanh vùng làng Sọ. Nhất thiết phải làm chúng co cụm lại ở bốt PC. Huyện, hoặc nếu thấy chín mùi, nhổ hẳn cái bốt huyện đi... Chúng nó đã gây tội ác nhiều lắm rồi. Dân vùng Sọ cũng khổ lắm rồi. Ai ai cũng mong được giải phóng. Muốn thế từng người phải góp tay vào. Đồng chí giao liên bí mật của ta ở khu vực ấy mới hy sinh một tháng nay... Thế nào, đồng chí hiểu tôi định nói gì rồi chứ... Chị sẽ được tập trung hướng dẫn tỉ mỉ trong một tháng... Công việc này giản dị thôi nhưng vô cùng quan trọng và cũng vô cùng nguy hiểm. Tôi phải nói rõ với chị về tính chất nguy hiểm của công việc. Bởi vì đây là công việc quân báo. Đối thủ của chúng ta chính là phòng nhì của Pháp, là thằng Tây lùn Bernard. Chính anh Hải chồng chị đang trực tiếp đối mặt với Bernard. Liệu chị có thể giúp anh ấy hoàn thành nhiệm vụ được không. Chúng tôi đã nghiên cứu kỹ rồi. Để chị chắp nối lại liên lạc với anh ấy lúc này là thuận tiện hơn cả.
Trung úy Bernard Martinot phụ trách phòng nhì của P.C. Huyện, có người mẹ Phật tử - bà Thu, là một người hiền từ. Nếu còn sống, chắc bà không thể tin được rằng đứa con mình lại có thể thành một người tàn độc đến vậy. Vì đã sống như một người Việt, sinh hoạt như một người Việt, nên Bernard càng nguy hiểm vô cùng. Ở đây là cuộc phủ nhận, tẩy rửa dòng máu trong một con người. Cho rằng máu da vàng là hạ đẳng, nhơ nhớp, nó làm hạ thấp mình xuống, cho nên Bernard cố ngoi lên, cố tẩy rửa những gì là bản xứ trong mình đi. Những thù hận cá nhân cộng với sự cố gắng ngoi lên làm Bernard trở thành con người cực đoan. Cực đoan để trở về với người cha, để trở thành người đích thực da trắng. Mới chưa đầy ba mươi tuổi, Bernard đã lột xác mấy lần, và lần thay đổi nhân dạng này là lần thay đổi quyết liệt nhất.
Đối với Thalan, đại úy chỉ huy PC., Bernard có hai thái độ. Thứ nhất, thèm muốn giống như ông ta. Thứ hai, có chút ghen tị, không phục và ngấm ngầm mâu thuẫn với Thalan. Đại úy có dòng máu quý tộc trong người. Ông lại là người luôn hãnh diện với những giá trị cao quý của nước Pháp biểu hiện trên lá cờ tam tài. Ông là người dân chủ, cho nên chưa bao giờ ông biểu lộ sự coi thường đối với những cấp dưới của mình. Tuy nhiên, trung úy Bernard vì có mặc cảm nên cứ thấy viên đại úy chỉ huy trưởng PC. rất cao ngạo. Đại úy luôn ăn mặc chỉnh tề. Chiếc áo sơmi trắng luôn trắng tinh. Tất cả đều được là ủi phẳng phiu. Người thợ giặt là phố huyện cứ ba hôm lại lấy hàng, trả hàng riêng cho Thalan. Rồi đám sĩ quan cận thần quanh Thalan cũng vậy. Khi đến văn phòng của đại úy, Bernard thường nghĩ như sau:
- Cái trò học đòi đây mà! Bắt chước sao nổi đại tướng De Lattre. Cú bao giờ cũng là cú. Mượn lông công cũng có bao giờ trở thành công.
Có thể đó là mặc cảm tự ti của một kẻ mang máu tạp chủng, chứ thực ra có bao giờ Thalan coi thường Bernard đâu. Và tự nhiên hình thành cái xung đột ngấm ngầm trong lòng viên trung úy đối với đại úy.
Thalan là chính thống. Ông muốn công cuộc bình định phải tiến hành song song cả chính trị lẫn quân sự. Phải đàng hoàng đi con đường chánh đạo. Nước Pháp là một trung tâm văn hóa tỏa sáng. Điều ấy có thật. Trách nhiệm của quân đội viễn chinh là phải làm cho người Việt Nam bị chinh phục bởi văn minh của nước Pháp, hay ít nhất bị chinh phục nhưng không oán hận.
Còn Bernard thì nghĩ khác. Do có nhiều va chạm với Việt Minh, do bản thân muốn lột xác dứt khoát, nên Bernard càng ngày càng cực đoan. Hắn nghĩ chiến tranh là chiến tranh. Đó là máu và lửa. Phải độc địa như loài rắn. Phải thâm hiểm xảo quyệt như loài chó sói. Làm bất cứ điều gì, chỉ cốt cuối cùng chiến thắng. Bởi vì chỉ có người chiến thắng mới là người có lý.
Phải nói sư cụ Vô úy còn được sống sót là nhờ đại úy Thalan. Ông nói: “Nhà sư cũng là người dân. Vậy họ phải chịu sự quản lý của quân đội Pháp. Tuy nhiên, không được phép xử bừa xử oan. Nếu không đủ bằng chứng thì phải thả người ta ra. Vả lại làng Việt nào cũng có chùa, Phật giáo là tôn giáo chính của người Việt. Bắt bớ người đi tu là điều tối kỵ. Nước Pháp là văn minh. Văn minh là tôn trọng các tôn giáo. Có như thế, người dân mới phục chúng ta”.
Chắc ở đây cũng có hận thù dính líu. Sau khi ông lý cẩm bị du kích giết, bà Thu bỗng năng đi chùa, Bernard quý mẹ nhưng thấy mẹ mộ đạo quá cũng phải gắt:
- Sao mẹ suốt ngày tháng đi chùa? Mê tín gì những ông sư hổ mang đó.
Bà Thu buồn rầu:
- Sao con ăn nói báng bổ thế. Cậu mày chết thế tức là nhà ta có điều thất đức. Tao đi chùa là để giồng cây đức, tao đi chùa là để giải tội cho con. Chắc cha con ngày xưa có làm việc oan khiên. Chắc là mẹ cũng mắc nhiều tội lỗi...
- Tội gì mà tội. Tội lội xuống sông - Bernard cáu kỉnh văng tục rồi bỏ đi.
Khi bà Thu sắp chết, bà căn dặn các bà em làm lễ cầu siêu cho mình. Thế là các bà dì tổ chức linh đình lễ cầu siêu trên đình. Nào sư gõ mõ, nào vãi tụng kinh, nào chạy đàn, nào đốt hình nhân. Giá như vào ngày trước kia, Bernard chắc vui vẻ làm hết mọi chuyện. Còn như vào lúc bấy giờ, anh ta đã hoàn toàn nghĩ khác rồi. Những chuyện đó chỉ còn tác dụng làm cho anh ta thấy phiền phức, khó chịu. Và những cảm nghĩ không thiện cảm với mấy ông sư bắt đầu xuất hiện trong anh ta từ đó. Rồi sau đêm hôm chạy dàn, mấy ông sư còn kêu ca, mè nheo các bà dì Bernard về chuyện tiền nong. Điều ấy khiến Bernard càng thêm khó chịu. Những nhà sư quá ham tiền đó đã biến sự khó chịu chuyển thành ác cảm.
Về phụ trách phòng nhì ở PC. Huyện, Bernard đã chú ý ngay đến các ngôi chùa. Anh ta bảo:
- Những chỗ tưởng như từ bi nhất, yên lành nhất có thể là những điểm sóng gió. Vỏ từ bi của nó làm ta mất cảnh giác không chú ý. Việt Minh có thể xâm nhập từ đấy.
Đến lúc phát hiện ra hầm bí mật ở chùa Sọ, trung úy Bernard lấy làm đắc ý về những nhận định của mình. Kể ra đại úy chỉ huy PC. cũng có lý. Ông là người chỉ huy cả khu vực. Ông không thể thuần túy quân sự. Phải có con mắt chính trị. Ông hiểu thuần túy quân sự sẽ chỉ là việc ban đầu. Nếu thiếu chính trị, mầm chống đối sẽ như căn bệnh âm ỉ, chỉ chờ dịp là phát ra. Cho nên khi không đủ bằng cớ, ông không cho phép khủng bố nhà sư. Còn Bernard, anh ta hoàn toàn nghĩ khác Thalan. Anh có chất da vàng trong người. Từ thuở nhỏ trung úy đã sống giữa người Việt nên anh hiểu họ rất rõ. Hơn nữa anh đã tiếp xúc với Việt Minh, lại có nhiều bà con bên ngoại làm Việt Minh, nên anh hiểu tính khốc liệt không thể tưởng tượng nổi của cuộc chiến tranh chống du kích này. Ở đây tất cả đều được phép. Hãy dùng những mưu sâu kế hiểm độc địa nhất. Hãy không tin bất cứ ai dù là một bà già, một trẻ nít. Không được phép mảy may có lòng nhân đạo, có đức từ bi. Một chút xíu mủi lòng sẽ dẫn tới cái chết. Hoặc là mi chết, hoặc là ta chết, không có lựa chọn trung gian. Những kẻ chỉ nghĩ đến chiến tranh cao thượng, chiến tranh chính quy, chỉ là những con vẹt cầm súng. Họ chỉ gây phiền phức rắc rối và dẫn cuộc chiến của người Pháp đến bế tắc, nếu không nói là thất bại. Ở giai đoạn này hãy chỉ nhắc tới cái gậy, và không nghĩ đến củ cà rốt. Triết lý quân sự của Bernard ở xứ sở này là: Đối với cuộc chiến du kích khốc liệt một, thì người Pháp cần phải sử dụng cuộc chiến phản du kích tàn khốc gấp mười. Bernard tin rằng, trong quân đội viễn chinh, chẳng thiếu gì người cùng chia sẻ những suy nghĩ giống mình. Và nếu họ chưa nghĩ như thế, thì hãy để họ ra trận; cuộc chiến có tính chất nguyên thủy sẽ dần làm họ say máu. Và hãy khuyến khích cho họ say máu.
Cách suy nghĩ rất là phòng nhì ấy đã giúp Bernard không bị bó tay. Đôi tay hoàn toàn tự do cho phép hắn có nhiều mưu kế, không bị phụ thuộc vào người chỉ huy PC. Thalan yêu cầu hắn không tra khảo nhà sư nữa và phải thả ông cụ về. Tuy nhiên có ai cấm hắn theo dõi ngôi chùa. Vả lại, những người theo dõi ấy là những chỉ điểm viên, không ăn mặc nhà binh; thậm chí Thalan cũng không có quyền biết mặt họ.
Bernard bố trí chỉ điểm viên theo dõi chùa Sọ cả hai mươi bốn tiếng, song chẳng thấy hoạt động gì khác lạ. Điều ấy vẫn không xua tan được mối nghi ngờ của viên trung úy. Bằng sự bén nhạy, hắn vẫn cảm thấy có mối liên lạc giữa người chỉ huy Việt Minh Vô Trần với ngôi chùa. Hắn biết Vô Trần đi tu từ thuở nhỏ. Như vậy, dù là Việt Minh chăng nữa, tình cảm của anh ta với ngôi chùa là rất sâu nặng. Tình cảm của người Việt vốn như thế. Giữa những người đã sống một thời gian dài cùng nhau dưới mái chùa, tình cảm của họ với nhau thiêng liêng lắm. Chẳng khác gì những người cùng một cha mẹ. Họ khó mà bỏ rơi nhau, nhất là trong một tình thế hiểm nguy. Phải kiên nhẫn giăng lưới mới bắt được cá. Có khi lại phải giăng rộng tấm lưới ra thật xa.
Hắn còn đang tính toán thì Ịại nhận được nhiều thông tin chứng tỏ rằng có điệp viên Việt Minh đang hoạt động trong nội bộ PC. Huyện. Hắn lên danh sách những người nghi vấn, và cho theo dõi gắt gao. Như vậy ngôi chùa không phải là trọng điểm mà chính cái phố huyện này mới là nơi hắn cần chú ý. Như vậy nghĩa là cái giác quan thứ sáu của hắn đã sai. Hắn không tin như vậy. Chẳng hiểu sao hắn cứ bám lấy cái nghi vấn ngôi chùa. Một ý nghĩ bỗng lóe trong óc. Nếu không phải những người trực tiếp ở chùa, thì vẫn còn những người gián tiếp dính líu tới nó. Đại đội trưởng Vô Trần, sư Khoan Độ, cô Nguyệt đã đi theo Việt Minh thì rõ ràng rồi. Ông chánh Long bạn của sư cụ, các bà vãi già thì sao? Những người này quản Mật có thể bảo đảm. Thử đi xa hơn nữa; thử đi tìm những con người tưởng như xa lạ với ngôi chùa, xa lạ với giáo lý đạo Phật, nhưng thực chất lại rất gắn bó với ngôi chùa bằng những liên hệ khác. Những người này ta rất dễ bỏ quên. Chẳng hạn như đội Hải. Viên đội này định lấy cô Nguyệt, nhưng sau khi cô Nguyệt trốn theo Việt Minh, anh ta rất bình thản với chuyện mất vợ chưa cưới. Bernard đã sống giữa lòng người Việt nên anh ta biết. Nếu cuộc hôn nhân này có xảy ra, thì nó cũng hoàn toàn mang tính lý trí. Người ta hỏi rồi người ta cưới. Nếu không thành, người ta chuyển sang hỏi người đàn bà khác. Ở Việt Nam hiếm có hôn nhân theo kiểu tình yêu Tây phương. Hôn nhân ở đây là sự sắp xếp gia đình, sự ghép đôi hoàn toàn lý trí. Cho nên, không thể nói ăn hỏi một người đàn bà là đã có mối liên quan mật thiết với gia đình người đàn bà. Ở đây gia đình cô Nguyệt là ngôi chùa. Tuy nhiên, đó cũng là một mối liên hệ xa mà Bernard cần lưu ý.
Trung úy bắt đầu điều tra nghiên cứu đội Hải. Bernard càng lúc càng ngạc nhiên vì thấy viên đội này thật không đơn giản. Đội Hải họ Bùi, họ hàng với Bùi Trí một cán bộ Việt Minh cấp cao của tỉnh. Tuy nhiên điều này vẫn chẳng nói được gì. Bởi vì nước Pháp là nước văn minh. Con người chỉ chịu trách nhiệm về bản thân mình, chứ không chịu trách nhiệm về những người cùng dòng họ. Hải không có liên hệ gì với Trí. Từ bé chỉ chăm học. Lớn lên làm thầy giáo, không hoạt động chính trị. Anh ta giỏi tiếng Pháp. Ra làm thông ngôn cũng chỉ vì sự tranh chấp giữa hai dòng họ Bùi và Nguyễn. Muốn ra làm thông ngôn cho PC., để tạo sự cân bằng giữa hai dòng họ, để cho họ Bùi khỏi bị lép vế trong làng xã.
Chính đại úy Thalan cũng muốn lợi dụng điểm này. Quản Mật họ Nguyễn, là người có uy thế trong vùng. Nếu chỉ riêng dùng Mật, ông ta cùng bè cánh sẽ làm che lấp nhiều sự thật mà người Pháp cần biết. Cho nên, phải dùng cả thầy giáo Hải. Họ Bùi từ xưa vẫn có tiếng trong vùng. Dưới triều Nguyễn có nhiều người họ Bùi làm quan to. Lại có tiếng là dòng họ khoa cử, học giỏi. Cả thầy giáo Hải cũng vậy. Nếu không vì gia đình túng thiếu, chắc chắn anh ta sẽ là một nhà trí thức có bằng cấp cao. Ngay cả cái tiếng Pháp của anh ta hiện nay cũng đáng nể trọng. Một thứ tiếng Pháp chính xác về ngữ pháp, và chải chuốt về ngôn ngữ. Anh ta ăn nói thận trọng, chỉnh tề, đúng là tư cách của một người dòng dõi văn hóa. Đại úy Thalan thích cái nết đó. Anh làm thông ngôn cho đại úy ít tháng, rồi được điều về bốt Sọ nửa năm, tiếp theo lại chuyển về làm việc cũ với Thalan và được thăng chuẩn úy. Xem thế mới biết Thalan rất quý anh ta. Điều chuyển về bốt địa phương chẳng qua là cách tạo điều kiện cho Hải được thăng cấp nhanh. Và thế là chuẩn úy thông ngôn Bùi Văn Hải lọt vào tầm ngắm của trung úy phòng nhì Bernard Martinot.
Chuẩn úy Hải là quân nhân, nhưng vì làm thông ngôn và lại được đại úy Thalan yêu quý, nên được hưởng một quy chế tương đối tự do thoải mái hơn những người lính khác ở PC. Nghĩa là mỗi tuần anh được về nhà một hai ngày nếu không có việc khẩn cấp. Những ngày ấy Hải không về làng, mà ra nghỉ ở nhà bà cô ruột ở ngay phố huyện. Bà cô góa chồng, không con, sống nhờ vào cái cửa hàng tạp hóa nhưng chủ yếu là bán tương, nước mắm, cá khô... Hải vẫn chu cấp cho cô sống, nhưng bà cụ hay làm vẫn tiếc, không chịu bỏ nghề bán hàng vặt. Ngôi hàng suốt ngày đêm sặc mùi mắm cá, có cái hay là khiến các ông Tây, các sĩ quan đi qua tạt vào chơi không thể ngồi lâu được.
Như ta đã biết, Hải bí mật hoạt động cho kháng chiến, nên cửa hàng tạp hóa này là một vỏ bọc khá an toàn.
Lúc này, chuẩn úy Hải đang băn khoăn lo lắng. Không hiểu vì nguyên cớ gì, đột nhiên anh mất liên lạc với cấp trên. Có phải cái hôm vây chùa, khi đi cứu Nguyệt, anh đã có sơ hở gì nên đã bị lộ tung tích? Anh đã ngồi nhớ lại từng hành động, từng khoảng thời gian, anh đã làm gì, anh đã ở chỗ nào, anh đã gặp ai, đã nói chuyện với ai, đã nói những câu gì. Nghĩ lại, Hải thấy hoàn toàn hợp lý, trong khu rừng Cò khi ấy chỉ có anh và Nguyệt. Không ai trông thấy anh ở đấy. Giả định có thể có một người thoáng thấy, thì người đó cũng đã bị sư Khoan Độ bóp chết rồi. Có thể việc làm của anh hôm ấy như có chút phiêu lưu. Tuy nhiên, anh lấy làm hãnh diện vì việc làm của mình. Bởi vì việc làm này đã có kết quả: Nguyệt đã thoát chết. Vậy thì chỉ có một khả năng thứ hai, người liên lạc với anh đã hi sinh. Điều này, Hải đã đoán đúng. Không phải chỉ riêng người liên lạc với Hải chết, mà cả tổ tình báo ba người đã hi sinh trong một trận ném bom của giặc vào khu an toàn của ta.
Mấy tháng không bắt được liên lạc với tổ chức, Hải thấy sốt ruột. Tuy nhiên, cũng có cái hay là trong thời gian ấy Bernard cho người theo dõi nhưng không thấy hiện tượng gì khác lạ nên sự chú ý không còn ráo riết như trước.
Một ngày chủ nhật, bà cô đang ngồi trông hàng, lúc ấy vắng vẻ không có khách, chợt có cô gái đội nón sùm sụp, tay cắp rổ đi vào nhà.
- Cụ ơi! Cho cháu hỏi thăm anh Hải thông ngôn có nhà không ạ?
Cô gái nói nhưng vẫn ngoái đầu nhìn ra sau lưng.
- Có đấy. Anh nó mới ở đồn ra sớm hôm nay. À... mà cô là ai lại hỏi thăm anh Hải nhà tôi.
- Cháu đây mà. Cụ không nhận ra à.
Bà cụ kèm nhèm nên chưa nhận ra ai, thì cô gái đã lách qua cái cửa ngách vào nhà trong. Bà cụ thấy lạ lật đật vào theo. Lúc bấy giờ cô gái đã bỏ nón và thì thào:
- Cháu là Nguyệt đây.
Chuẩn úy Hải từ ngoài sân bước vào, nắm lấy tay cô mừng mừng tủi tủi. Cô gái cũng xúc động nhưng vội gỡ tay anh ra:
- Ở ngoài phố nhiều lính lắm. Em sợ có đứa nhận ra. Em được tỉnh giao nhiệm vụ thay chị Hồng liên lạc với anh.
- Thế còn Hồng?
- Chị ấy hi sinh rồi. Bị bom anh ạ.
Bà cô lúc ấy mới nhận ra Nguyệt. Bà lấy tay bóp vai bóp tay Nguyệt, rồi ngắm nghía cô từ đầu đến chân.
- Rõ khổ! Cái hôm Tây vây chùa, cô cứ lo cho mày mãi. Mấy đêm chả ngủ được. Sau thằng Hải bảo chạy thoát rồi tao mới yên lòng. Thế... để cô đi nấu cơm cho mà ăn nhé.
- Không được đâu cô ạ. Con phải đi ngay.
Lúc hai cô cháu thì thào, Hải đứng ngoài cửa hàng canh chừng. Chỉ một lát anh quay vào:
- Có một bọn lính vào quán thịt chó. Em phải đi ngay thì đừng qua đấy. Rẽ ngay vào ngõ cầu Đá trước đó qua cầu là đến cánh đồng. Qua cánh đồng là vào làng Chùa...
- Em biết rồi - Cô ghé sát mặt Hải nói thật nhỏ - Chỉ thị của trên ở trong mớ rau muống ấy.
Hải nhìn thấy bà cô đứng ở cửa đã quay lưng lại, anh liền ôm lấy Nguyệt để nghe tiếng trái tim cô đập rộn lên, để ngửi cái mùi thơm ngọt ngào ở tóc cô, cổ cô tỏa ra, để cảm nhận cái luồng hơi thở nóng như lửa của cô phả vào má, để nghe thấy cái giọng êm ru thanh thanh của cô rót vào tai:
- Thôi... nào... để em đi nhé.
Hôm ấy, phiên chợ huyện. Mưa rất to cho nên chợ họp muộn. Bà cô già cũng mở cửa hàng muộn. Hơn tám giờ sáng mà bà chưa tháo mở những tấm ván lùa, bà chỉ mở hé cái cửa bên để nhỡ có khách quen đến mua thì biết rằng bà vẫn bán hàng.
Người khách mở hàng là một cô gái. Cô cởi tấm nilông che mưa màu xanh rũ nước, rồi đẩy cửa bước vào. Bà vừa định cất tiếng hỏi, thì cô gái đã nhanh nhảu, khe khẽ:
- Cháu đây mà. Cháu Nguyệt đây bà ạ.
Bà cụ bỗng tươi nét mặt và cũng nói nho nhỏ:
- Vào đi. Anh nó ở trong nhà.
Khi hai người đưa nhau xuống bếp thì thầm, bà cụ đã lấy chiếc ghế đẩu ngồi bên cánh cửa canh chừng. Ở trong bếp, thầy giáo Hải háo hức ôm chặt lấy Nguyệt, rúc mũi vào ngực nàng. Cô gái giãy giụa đẩy ra, vừa đẩy vừa ngửa cổ cười rúc rích.
- Nào nào... Đứng đắn đi nào...
- Sao thế - Chàng thông ngôn có vẻ dỗi.
Cô gái sờ vào má chàng như muốn an ủi:
- Vội lắm. Em phải đi ngay. Ở bốt đường cái, chúng nó khám kỹ lắm. Chỉ thị ở trong rổ ấy.
Cô gái nhanh như chớp hôn vào má Hải. Cô vội vàng đến như cơn gió, rồi lại ra đi nhanh như cơn gió. Cô không trở ra theo cửa chính, mà xé rào lội xuống ruộng ngay ở sau nhà. Chuẩn úy Hải còn tần ngần đứng ở bụi tre nhìn theo cô gái khoác tấm nilông xanh đi giữa cánh đồng lúa đã uốn câu. Anh còn có thể đứng lâu nữa nhìn theo cái bóng xanh cứ nhỏ dần, nhưng bỗng giật mình tỉnh lại, đi đến bên hè cầm cái rổ đem vào bếp. Còn chưa kịp làm gì, anh đã nghe bà cô gọi:
- Anh Hải! Có khách.
Hải lấy cái mẹt đậy rổ cá lại, bước vội lên nhà, đon đả chào đón mấy người nhà binh.
- Xin chào trung úy Bernard. Cơn gió lành nào đã đưa trung úy đến thăm nhà tôi hôm nay sớm thế?
Bernard cười cười, đảo mắt nhìn khắp căn nhà rồi ra cửa sau nhìn xuống bếp, sau đó mới lên nhà ngồi xuống chiếc ghế dựa:
- Gió lành nào đâu. Hôm nay chủ nhật, lại đúng phiên chợ. Tôi định đi dạo quanh chợ một lát xem dân tình, nhưng ngài đại úy triệu tập một cuộc họp khẩn cấp. Chuẩn úy cũng phải có mặt. Tôi liền nhận nhiệm vụ liên lạc cho nhanh chóng. Chuẩn úy cũng đã quân phục chỉnh tề rồi nhỉ? Thôi nước nôi để khi khác... Ta mau về họp cho chóng vánh. Chủ nhật, còn phải nghỉ ngơi.
Chuẩn úy Hải liếc mắt qua đã cảm nhận thấy có cái gì không ổn trong nét mặt, giọng nói của Bernard. Điều ngạc nhiên hơn nữa là hai người tùy tùng của Bernard toàn là hạ sĩ quan của phòng nhì cả. Khi ra đến đường, sự ngạc nhiên nghi ngờ của anh hầu như đã được xác định. Lúc này, Bernard đi tách sang một bên, còn Hải đi giữa, hai viên hạ sĩ phòng nhì kèm hai bên. Hải hiểu ngay mình đang trong một tình thế nguy khốn. Anh lập tức nghĩ ngay đến cách đối phó mà anh đã phải tính toán từ trước.
Họ dẫn anh đến đại sảnh của PC. Trung úy Bernard và chuẩn úy Hải bước vào. Hai viên hạ sĩ khép cửa lại và đứng gác bên ngoài. Chỉ thấy có ba người, Hải biết đây không phải cuộc họp, mà là cuộc hỏi cung sơ bộ. Đại úy Thalan vẫn bằng cái giọng nghiêm nghị, lạnh lùng, trung tính như mọi ngày.
- Ông chuẩn úy Hải. Theo như tin tình báo, cô Nguyệt, vợ chưa cưới của ông hiện nay làm liên lạc cho Việt Minh. Ông trung úy buộc tội ông vẫn liên hệ với cô ta. Không phải mối liên hệ trai gái mà là mối liên hệ có tính chính trị. Ông trả lời thế nào về việc buộc tội này. Ông là thuộc cấp của tôi. Nếu ông vô tội, tôi sẽ bảo vệ ông. Còn nếu có đủ bằng chứng, tôi không giúp được ông đâu. Vì vậy ông nên khai thực và hãy bảo vệ bản thân.
Chuẩn úy Hải suy nghĩ một lát rồi trả lời:
- Đúng cô Nguyệt là vợ chưa cưới của tôi. Việc cô ta làm liên lạc cho Việt Minh tôi hoàn toàn không biết. Trước đây, chúng tôi sắp sửa cưới nhau thì có cuộc vây chùa. Cô ta là đàn bà, cô sợ bị quân đội bắt bớ, sợ phòng nhì, bỏ trốn, tôi nghĩ đó là lẽ tự nhiên.
- Tôi xin hỏi ông một điều - Trung úy phòng nhì lên tiếng - Điều này rất quan trọng. Hiện nay ông có liên hệ với cô Nguyệt không?
- Cô Nguyệt là vợ chưa cưới của tôi. Tôi xin nhắc lại - Và đó là chuyện riêng của tôi. Tôi nghĩ tôi được phép không trả lời câu hỏi này.
Bernard mở chiếc cặp, lấy ra một xếp ảnh, quăng ra trước mặt Hải. Đó là những tấm ảnh mà người ta chụp lén khi Nguyệt đứng ở trước cửa hàng tạp hóa của bà cô già. Nguyệt ngoái đầu nhìn lại phía sau. Bernard có vẻ đắc ý:
- Ông nhận ra cô Nguyệt vào ngày chủ nhật 25 tháng ba chứ. Hôm ấy cô ta ở nhà ông đúng ba mươi phút.
Hải quay sang đại úy Thalan nói như để phân bua:
- Với hai người sắp tới hôn nhân, tôi nghĩ, những tấm ảnh này cũng chẳng chứng minh được điều gì. Có thể cô Nguyệt trốn ra vùng du kích. Nhưng cô ta về thăm chồng chưa cưới điều đó chẳng lẽ không được phép?
Bernard nhíu mày lại, rồi cười:
- Thế còn sáng nay, trước đây hai mươi phút thôi, cô Nguyệt về thăm ông, điều này ông có chối không? Và hiện nay cô ta ở đâu? Đó là điều chúng tôi cần biết.
Hải còn đang nghĩ cách trả lời, thì người hạ sĩ mang vào một chiếc phong bì. Bernard lấy ra tấm ảnh mới đưa cho đại úy Thalan:
- Chúng tôi muốn chuẩn úy phải thành thật. Đây là một tấm ảnh mà người của chúng tôi mới chụp cách đây vài mươi phút. Cô ta vừa mới vào nhà ông. Cô ta đã nói với ông những gì. Hiện nay cô ta trốn ở đâu?
Hải liếc nhìn tấm ảnh mới còn chưa khô mà Thalan đưa cho anh. Hải vừa định trả lời, thì Bernard vội giật lấy nó, rồi trố mắt nhìn một lúc, sau đó bỗng vỗ tay xuống bàn miệng mỉm cười rồi đứng lên chỉ cho Thalan:
- Đại úy có nhìn thấy cái gì không?
- Cái gì?
- Đây này. Đúng rồi. Còn cái rổ cô ta cắp ở tay. Đúng rồi. Cái rổ.
- Cái rổ? Sao?
- Thưa đại úy. Nó giấu tài liệu trong cái rổ.
Những người hạ sĩ quan phòng nhì được sai đến ngay cửa hàng tạp hóa của bà cô già. Họ lục tung căn nhà. Mươi phút sau, họ tìm thấy cái rổ đậy bằng cái mẹt còn nguyên trong bếp. Họ mang đến. Đại úy Tha lan nhìn thấy một mớ cá chép năm con tai trâu. Bernard thân hành khám từng con cá chép trước mặt đại úy Thalan. Cuối cùng, hắn moi ra được cái ống sậy nhỏ hơn ngón tay út, đút trong miệng con cá to nhất. Hắn reo lên như bắt được vàng. Xé cái ống ra, bên trong là tờ giấy pơluya cuốn lại bé hơn điếu thuốc lá. Hắn đắc ý:
- Thế nào Hải. Con vợ mày là Việt Minh. Tao không ngờ mày cũng là Việt Minh. Hết cãi rồi chứ. Mày có biết cái hiệu ảnh xế trước mặt nhà bà cô mày không? Năm trước nhà cụ chánh Long ăn khao, chính mày đã nói dối là thuê thợ ảnh ở đấy về chụp. Tao cho gọi thằng chủ hiệu ảnh, nó sợ vãi cứt khai ra hết. Từ dạo ấy tao đã nghi mày, nhưng cứ tưởng chỉ là trò tranh giành giữa họ Bùi và họ Nguyễn. Ai ngờ mày đã là Việt Minh từ dạo ấy. Con ơi! Muốn sống thì khai hết đi. Không giấu được bố mày đâu.
Đại úy Thalan lắc đầu đứng dậy. Trước khi đi, ông ta nói với Hải:
- Ông đã phụ lòng yêu quý của tôi. Bây giờ, tôi chẳng còn có thể giúp được ông nữa rồi. - Sau đó quay sang Bernard ông lễ phép nói - Thưa trung úy, còn bây giờ là nhiệm vụ của ngài. Tôi không có quyền can thiệp nữa.
Việc phát hiện ra chuẩn úy thông ngôn Bùi Văn Hải hoạt động cho Việt Minh có tiếng vang lớn trong đơn vị quân viễn chinh. Trung úy Bernard được thăng hàm đại úy. Còn đại úy Thalan thì thôi giữ chức chỉ huy trưởng PC. Huyện và được chuyển sang đơn vị chiến đấu khác. Thực ra, điều này Bernard không muốn, nó nằm ngoài ý định của Bernard. Anh ta khác với Thalan về quan điểm chiến tranh, chứ thực ra trong thâm tâm anh vẫn rất quý trọng Thalan. Ở Thalan, cái nét quý tộc thuần Pháp, cái nét cao thượng ấy, Bernard dù mơ cũng không có được. Do vậy, tối hôm ấy đại úy Thalan mời riêng Bernard đến uống rượu chia tay, anh lập tức nhận lời ngay.
Ngồi trên hai cái ghế bành gỗ gụ, mặt đá kiểu Tàu, họ uống rượu vang, hút thuốc lá thơm và tâm sự. Hai người cùng làm việc với nhau đã bốn năm rồi, kể từ hồi P.C. còn nằm trên đỉnh núi Thằn Lằn. Họ có lạ gì tâm tính của nhau. Thalan cười mỉm bắt đầu câu chuyện.
- Từ lúc anh tuyển người giúp việc, tôi đã hiểu trung úy ngay. Anh còn nhớ cái vụ ba người lính bảo hoàng chuyên chọn những tù binh trẻ và khỏe rồi mổ bụng lấy gan xào ăn chứ?
- Làm sao tôi quên được - Bernard cười giòn - Ôi chao! Bọn thằng Lâm, thằng Hà, thằng Tuyên. Bọn này tin rằng những đứa du kích ấy là những kẻ táo tợn, gan lì. Ăn được gan kẻ thù can đảm, thì mình sẽ can đảm hơn.
- Đó là một niềm tin thơ ngây, nguyên thủy, hoang dã còn sót lại đến thời hiện đại. Chính thiếu tá De Robert bạn của tôi đã đưa bọn ấy ra tòa. Và chính anh là người đã cung cấp tiền thuê luật sư, rồi chạy chọt giúp cho chúng được trắng án. Chả vậy mà khi về dưới quyền anh, chúng đã cúc cung tận tụy với anh. Cái cách dùng người ấy anh học được ở đâu?
- Thuở nhỏ, tôi ham đọc sách cổ của Tàu. Tôi học được từ trong sách. Từ cả ngoài đời nữa chứ. Anh không hiểu cái nghĩa khí anh hùng hảo hán Đông phương đâu. Đó là:
Một lời đã biết đến ta
Muôn chung nghìn tứ cũng là có nhau.
Nói rồi Bernard uống cả một cốc rượu vang lớn. Còn Thalan thì càng uống càng trầm ngâm:
- Tôi chợt nhớ tới lời một người bạn ở Saint Cyr. Anh ta bảo rằng: “Ở thời đại chúng ta có rất nhiều chính ủy”. Anh cũng là một chính ủy đấy.
- Sao? Tôi, Bernard là một chính ủy - Bernard cười vang ồ ồ.
- Phải! Có chính ủy phía tả. Cũng có chính ủy phía hữu. Chính ủy là người say mê cuồng tín một thứ tư tưởng, hết lòng vì tư tưởng ấy cho dù phải chết.
- Nghĩa là có thể có chính ủy Nhà thờ, chính ủy Phật giáo... Điều này tốt hay là xấu. Như tôi chẳng hạn, tôi hết lòng hết sức vi sự vinh quang của nước Pháp. Tôi tốt hay tôi xấu?
- Tôi cũng chẳng biết nữa - Thalan buồn rầu trả lời. - Có những lúc, những người cứu vớt thế gian. Và cũng có những lúc, những người làm khổ thế gian... À mà thôi! Ngày mai tôi lên đường rồi.
- Người ta chuyển anh đi đâu?
- Có lẽ tôi lên Tây bắc. Lên Điện Biên Phủ. Dù sao ở đấy tôi cũng được đánh nhau theo kiểu hiện đại. Mặt đối mặt. Súng đối súng. Dù sao ở đấy tôi cũng được làm như một người lính. Còn ở đây, không hợp với tôi. Lắm lúc tôi chẳng biết mình đánh nhau với ai. Giết toàn đàn bà và những người không có súng.
Đó là những tháng giữa năm 1953, lúc quân ta và quân Pháp chuẩn bị vào một cuộc quyết chiến cuối cùng. Ở P.C. Huyện ta cũng ráo riết chuẩn bị nhổ bốt phá tề mở rộng vùng giải phóng. Ta cũng muốn biết địch. Địch cũng muốn biết ta. Do vậy, ngày nào chúng cũng tra tấn Hải bằng đủ mọi cách. Chúng cáu kỉnh vì chẳng moi được một lời từ miệng anh. Hôm nay Robert dùng biện pháp cuối cùng. Đó là trò “lặn trên cạn”. Kẻ bị tra tấn nằm trên một cái giường. Hai tay bị trói vào giường. Chân cũng thế.
Hải nằm trên giường tra tấn, mắt nhắm lại. Anh đã chịu đủ mọi cực hình từ đánh đập dã man kiểu trung cổ đến tra điện. Thân thể sưng vù chỗ nào cũng có vết thương. Chân thì gãy. Anh không phải người cuồng tín, cũng chẳng mang tư tưởng anh hùng. Anh đã học trường Pháp, đã giao tiếp với người Pháp. Anh đã học những tư tưởng cao đẹp của dân tộc họ. Và đã thấy sự ngạo nghễ vênh vang của những con người da trắng, lúc nào cũng tự vỗ ngực, lúc nào cũng miệt thị hành hạ những người đồng bào hiền lành khốn khổ của dân tộc mình. Không thể chịu đựng được nữa. Chỉ có thế thôi. Và bão tố đã nổi lên rồi. Và các ngươi phải nếm trải cái tủi nhục cay đắng mà các ngươi đã đổ xuống đầu chúng ta. Đơn giản lắm. Chỉ có thế thôi. Và giờ phút tàn lụi của họ sắp đến. Có như thế các ngươi mới cuồng điên như con thú giãy chết. Đấy, cái lập luận của Hải đã có thể chịu đựng được sự hành hạ tàn khốc của địch chỉ giản dị thế mà thôi. Tiếng Bernard vang lên trong đầu Hải:
- P2 là gì? P7 là gì? (Đó là những mật ngữ mà Bernard đã nhặt trong tờ giấy nhét trong miệng con chép tai trâu).
- B5 là gì? KN là gì? Mày phải khai. Nếu không hôm nay mày phải chết.
Hải trả lời rất điềm tĩnh:
- Là những nấm mồ. Sẽ có rất nhiều nấm mồ...
Hải biết số phận của mình. Không khai chúng cũng giết. Khai chúng cũng giết. Mà cách mạng và chiến thắng lại rất cần đến sự im lặng của anh. Vậy thì Hải im lặng. Sự bình tĩnh, sự nhắm mắt ở phút giờ ấy lại giúp anh nghĩ tới hình bóng Nguyệt. Những ngày bị tra tấn liên miên, anh đã quá thờ ơ với hình bóng ấy. Có lẽ đây là những phút linh thiêng, vì chỉ có sự linh thiêng mới dắt ta trở về với những điều quý báu thật sự của đời người mà nhiều khi ta quá vô tâm đã quên đi. Cũng chẳng hiểu sao anh lại cất tiếng cầu nguyện trong tâm khảm, cầu nguyện giống như Nguyệt mà xưa kia có lúc anh đã chế giễu, cầu nguyện như một Phật tử, mặc dầu chưa bao giờ anh là phật tử “A di đà Phật! A di đà Phật...”. Đó là nhu cầu tâm linh của con người ở những phút tột cùng chăng? Hay anh đã là Phật tử ở một tiền kiếp nào đó, mà chủng tử của nó vẫn ngủ yên trong vô thức của anh đến lúc tột cùng này mới thức dậy.
Bernard phải dùng đến cách tra tấn cuối cùng, cách mà hắn nghĩ rằng sẽ chẳng một tù nhân nào rơi vào tay hắn có thể chịu đựng nổi.
Thầy giáo Hải chợt thấy một màu đen kịt chụp xuống mặt mình. Đó là lúc lũ đao phủ trùm một miếng vải đen phủ kín mặt anh. “Có chịu khai không?”. Tiếng nói của Bernard vang lên một lần nữa. Hải vẫn một mực im lặng. Bernard giơ tay ra lệnh “Bắt đầu”. Cách tra tấn thật giản đơn nhưng thật kinh hoàng. Bọn tay chân bắt đầu rót nước xuống tấm vải. Miếng vải dần dần thấm nước. Nó dính sát vào mặt nạn nhân. Nó bịt hết mọi đường chuyển động của không khí vào mũi của nạn nhân. Nước vẫn rót xuống tạo thành một màng nước kín mít không một thứ khí nào có thể lọt qua. Mới đầu Hải nhịn thở. Nhưng không thể nhịn mãi được. Mỗi khi cái mũi hít khẽ là nước lại chui vào phổi ngay. Ông thầy giáo thư sinh mới đầu còn nằm im lặng, sau đó buộc phải giãy giụa, tiếp đó phải nhổm đầu lên, rồi cong người như con tôm, ngửa cổ ra, cố hết sức hất vuông vải đen đi mà không được. Anh đang bị chết đuối trên cạn. Lồng ngực muốn nổ tung vì nước đã tràn vào phổi, vì thiếu không khí. Phản xạ sống buộc anh phải hít một lần nữa. Mà càng hít thì nước càng chui vào phổi.
Khi bọn đao phủ theo lệnh của Bernard lột tấm vải ra thì mặt thầy giáo Hải đã xám ngoét. Anh ho sặc sụa. Nước ở mũi anh vọt ra. Sau đó anh nôn thốc nôn tháo. Chất nôn nhoe nhoét trên mặt. Một tên lính hất xô nước lên mặt anh cho cái chất bầy nhầy trôi xuống nền. Tiếng Bernard lại cất lên:
- Có khai không? P2 là gì? P5 là ai?
Hải vẫn im lặng không nói. Lúc này anh không cầu nguyện niệm Phật nữa. Những lời cầu nguyện khi trước đã biến thành những tiếng chuông êm dịu ngân nga trong tâm khảm chàng trai. Nửa mê nửa tỉnh. Anh biết mình sắp chết bởi vì trong cơn mê, anh thấy hình ảnh của Nguyệt bồng bềnh trong làn sương trắng. Người lính rót nước tra tấn có nhiều kinh nghiệm bảo Bernard:
- Mắt thằng này lờ đờ rồi. Báo cáo trung úy. Rót nước thêm lần nữa là hắn chết.
Bernard phẩy tay tức giận:
- Ừ thôi tạm ngừng. Mà đâu có thể để cho hắn chết dễ dàng như vậy. Treo ngược lên cho nước chảy ra. Dù hắn có chết, thì cái chết đó cũng phải có lợi cho chúng ta.
Trong cuộc đối đầu này, khi sự ngoan cường của Hải tăng lên, thì sự tức giận của Bernard cũng dần tăng lên đến những cung bậc cao hơn. Thông thường sự tàn khốc tăng lên thì sự ngoan cường giảm đi, cho đến lúc chẳng còn chút gì nữa. Thể trạng càng mảnh dẻ, sự chịu đựng ngoan cường càng kém. Hải là người gầy gò. Thư sinh mảnh khảnh. Ngực lép kẹp. Cử chỉ khoan thai nhẹ nhàng. Không biết ăn to nói lớn. Thi thoảng lại ho khúc khắc. Chẳng có chút nào dáng dấp của bậc trượng phu hùng dũng. Người ta bảo Hải là kẻ bạc nhược, yểu tướng. Khi mới bắt được Hải, Bernard tưởng như ăn sống nuốt tươi được cái con người hèn yếu đó. Cũng tưởng chỉ sau một trận đòn là đè bẹp được ý chí của ông giáo làng trói gà không chặt. Tây lùn Bernard không ngờ những trận đòn chỉ làm cho đôi mắt của ông thầy giáo đã sáng lại càng thêm sáng mà thôi. Không biết lấy sức lực từ đâu mà Hải chịu đựng giỏi đến thế. Trường hợp Hải đã trái ngược với kinh nghiệm phòng nhì mà Bernard đã có. Cứ mỗi lần tra tấn, Hải chống cự và chịu đựng nổi, là nỗi tức giận trong Bernard lại tăng lên. Tức giận chồng lên tức giận. Dần dần nó chuyển biến thành sự căm giận hung tàn. Một bên quyết đè bẹp. Một bên quyết chống cự. Lẽ dĩ nhiên cái điều man rợ nhất sẽ phải xảy ra. Nạn nhân có nỗi sợ của mình. Nhưng đao phủ cũng có nỗi sợ của đao phủ. Sợ nhất là con mồi không bị đè bẹp. Bàn tay dù vấy máu nhưng đem lại kết quả, thì chí ít kết quả ấy cũng là sự an ủi, bởi vì nó biện minh cho hành động. Bàn tay vấy máu mà không có kết quả, thì không có sự biện minh. Kẻ giết người, khi ấy sẽ trở thành đồ tể. Đao phủ không bao giờ muốn mang tiếng đồ tể. Đó là danh từ hạ đẳng. Đao phủ chỉ thích mang danh sang trọng mà thôi.
Bởi thế cho nên, sau khi thất bại trong cuộc hỏi cung tra tấn thầy giáo Hải, Bernard trở nên cuồng giận. Hắn như kẻ điên rồ, nghĩ ngợi, tìm một cách khủng khiếp nhất để kết liễu đời Hải, để tỏ ra hắn là kẻ chiến thắng, đồng thời thị uy với dân chúng.
Để trình diễn sự man rợ, không gì bằng quay ngược lại thời gian, bắt chước thời cổ. Khi Bernard ở với ông lý cẩm, cái ông cậu người bản xứ ấy đã sống qua thời đại loạn lạc lúc quân Cờ Đen hoành hành như những kiêu binh trên đất nước ta. Quân Cờ Đen đánh Pháp nhưng cũng là quân giặc cướp phá và giết chóc người dân rất dã man. Một bận quân Cờ Đen tràn vào làng. Tuần đinh đóng cửa làng chống cự quyết liệt. Cờ Đen bắt được mười người trai tráng. Quân Cờ Đen tập hợp cả làng lại để xem chúng mổ bụng và chặt đầu những người chống cự chúng. Câu chuyện từ thuở ấu thơ đã ấn tượng vào Bernard rất mạnh để lúc này hắn gợi hứng từ đó và biến tấu đi, tạo ra một cuộc hành hình mà đến bây giờ người dân phố huyện vẫn còn nhớ không quên.
Cuộc giết người diễn ra ở bãi chợ. Hôm ấy là ngày bảy, đúng phiên chợ huyện (chợ huyện ngày bảy ngày ba. Ngày bảy là phiên chính. Phiên này có cả mua bán trâu bò). Vào ngày ấy, người đông lắm. Hầu như người khắp nơi đến dự.
Bãi hành quyết nằm trên thửa ruộng đã gặt, sát chợ trâu bò. Bernard cho chuẩn bị từ sáng sớm, lúc người đi chợ còn lác đác.
Mấy ông lý trưởng tề quanh vùng phải đem quân tới cắm cờ ngũ hành quanh thửa ruộng. Rồi đánh trống thì thùng. Cứ như thể chuẩn bị hội làng vậy. Trống đánh vang dội đến nỗi cả chợ nhớn nhác lên. Đám trâu bò cũng phải nghển cổ kêu ầm ĩ.
Đúng mười giờ sáng, đoàn lính từ P.C. Huyện xuất phát. Đi đầu là trung úy Tây lùn Bernard. Trung úy cưỡi con ngựa hồng mượn của gia đình cụ chánh Long. Không hiểu sao hôm ấy Bernard hình thức đến vậy. Chẳng hiểu hắn mượn được ở đâu chiếc áo sơmi lụa đỏ chói. Trung úy Bernard sáng rực chói lọi trên lưng con ngựa đi suốt dọc phố đến chợ. Tiếp theo sau lưng hắn ta là hai hàng lính lưỡi lê tuốt trần vác vai đi đều bước. Cuối cùng là chiếc xe bò kéo chở người bị hành hình. Thầy giáo Hải quần áo rách bươm, mặt mày thâm tím tóc dài bù xù, râu ria xồm xoàm. Đứng sau lưng anh là đao phủ tay cầm đại đao sáng loáng mặc quần áo nâu. Ngay sau chiếc xe bò là lũ trẻ con đông như kiến cỏ, chúng chen lấn nhau kêu ồn ĩ.
Đến bãi hành quyết, Bernard ngồi trên chiếc ghế bành sau lưng là những người lính tay lăm lăm cây súng với lưỡi lê nhọn hoắt.
Người ta đã đào sẵn một chiếc huyệt ở ngay thửa ruộng bên cạnh. Một người lính ngụy cầm dao chặt một cây tre làm ba đoạn. Một đoạn gốc dài hơn hai đoạn kia. Đoạn gốc được cắm xuống ở phía trước Bernard. Người ta đã chuẩn bị trước chiếc vồ tre. Tiếng đóng cọc tre chan chát. Phải kê ghế đứng lên mà đóng. Cuối cùng chiếc cọc vững chãi nhô lên khỏi mặt đất khoảng chừng một mét. Thầy giáo Hải được dìu từ xe bò xuống. Mặt anh bình thản. Anh chẳng nói một lời. Người ta đặt Hải ngồi dựa vào chiếc cọc. Hai tay quặt sau lưng trói chặt vào cọc. Người lính làm việc trói còn cẩn thận lấy chiếc dây thừng khác vòng nhiều lần qua ngực, trói lưng anh vào chiếc cọc. Tiếp theo là đóng hai chiếc cọc ngắn. Hai chân giạng ra thành hình chữ V Mỗi cổ chân buộc vào một chiếc cọc. Công việc cuối cùng của người lính trói buộc là quàng một chiếc thòng lọng qua đầu người tử tù để cái nút ở dưới cằm.
Trống đánh rộn lên. Bernard ra đứng cạnh người tử tù dõng dạc tuyên án.
- Bùi Văn Hải, thầy giáo làng Sọ là một tên cộng sản nguy hiểm. Hắn chui luồn vào quân đội Pháp, làm gián điệp cho Việt Minh. Tội xử theo luật nhà binh: Xử tử. Xử tử theo cách chém đầu. Nay thông báo cho toàn dân trong huyện biết. Kẻ nào đi theo cộng sản, nhà nước quyết không tha.
Thầy giáo Hải dướn cổ lên mắt sáng quắc như có điện, nói với mọi người đến xem, lúc này đông như kiến cỏ:
- Đả đảo giặc Pháp dã man. Đồng bào. Hãy trả thù cho tôi!
Mọi người không nói gì chỉ rì rầm khe khẽ, Bernard thấy kéo dài mãi cảnh này không có lợi. Hắn rút súng lục bắn chỉ thiên ra lệnh hành hình. Có hai tên lính làm đao phủ. Một tên kéo dây. Hắn chống chân làm động tác như kéo co. Hắn kéo mạnh để cái cần cổ vươn ra đằng trước, để cái gáy được lộ ra. Tên lính cầm dao nhằm cái gáy vung dao lên chém mạnh. Tên kéo dây mất đà lảo đảo lùi lại. Cái đầu lâu bị kéo mạnh văng ra, đập vào mặt hắn làm mặt hắn nhoe nhoét máu. Cái thân hình mất đầu phun máu ra thành vòi. Cái vòi máu đỏ theo nhịp tim lúc lên cao lúc xuống thấp. Người đứng xem có thể cảm được nhịp đập của con tim qua luồng máu chảy. Còn cái đầu lâu của thầy giáo Hải đã rời khỏi cổ rồi mà đôi con mắt vẫn còn chớp chớp và đôi môi vẫn còn mấp máy. Có lẽ đôi môi ấy vẫn tiếp tục nói: “Hỡi đồng bào! Hãy trả thù cho tôi”.
Trong thời gian ấy, đại úy Thalan đã thuyên chuyển sang một đơn vị khác. Còn người chỉ huy mới lại chưa về. Ở P.C. Huyện, khi ấy Bernard là người chỉ huy cao nhất. Chẳng có ai ngăn trở, cho nên Bernard làm lắm điều mà người ta gọi là kỳ quái và bệnh hoạn.
Hắn lấy một chiếc thuyền thúng cắm ba cái cọc. Mũi thuyền cắm chiếc cọc thấp nhất treo cái rọ lợn thưa đựng đầu thầy Hải. Giữa thuyền là chiếc cọc trung bình. Tây lùn sai mổ bụng thầy Hải lấy bộ lòng trắng hếu quấn vào chiếc cọc này. Đuôi thuyền là chiếc cọc cao nhất. Bernard sai lấy chiếc áo trắng vấy máu của Hải, rồi dùng cây cọc cao tạo thành một gã bù nhìn.
Cuối cùng buộc hai dây thừng ở mũi thuyền. Sai hai thằng lính, ban ngày đi hai bên bờ chậm chạp kéo chiếc đò chở xác trên con sông Đào. Đến mỗi xóm lại bắt dân ra xem. Đặt tên cho trò biểu diễn quái gở ấy là “Thuyền cộng sản trôi sông”.