A dirty book is rarely dusty.

Author Unknown

 
 
 
 
 
Tác giả: Tobias Wolff
Biên tập: Đỗ Quốc Dũng
Upload bìa: Đỗ Quốc Dũng
Số chương: 22
Phí download: 4 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 1271 / 34
Cập nhật: 2017-08-29 15:44:10 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Một Sinh Viên Trưởng Thành
heresa ra khỏi thư viện để hút thuốc và gặp giáo sư Landsman trong góc hút thuốc dưới mái hiên chìa ra. Giáo sư Landsman dạy môn Lịch sử hội họa mà Theresa đang theo học. Bà ngồi một mình, dựa lưng vào một trong hai chiếc ghế nhựa mà người ta đã để ở bên ngoài cho những kẻ không thể bỏ thuốc, hai mắt nheo lại dưới ánh nắng chiều. Bây giờ đang là cuối tháng Ba và ngày đã ấm lên; tuyết đã rơi cách đây vài đêm và một vài chỗ vẫn còn tuyết dày nhưng hầu hết những chỗ khác đã tan. Một vũng nước lấp loáng phủ khuôn viên bên dưới. Theresa bỏ túi sách xuống dưới ghế rồi châm thuốc.
Giáo sư Landsman dường như không nhận ra cô. Bà duỗi đôi chân dài ra phía trước, đôi bốt đế cao vắt chéo nhau ở cổ chân. Bà cao, với mái tóc đỏ ngỗ ngược và giọng nói nặng thổ ngữ của một vùng nào đó. Bà không đeo kính nhưng rõ ràng là cận thị; khi nào bà cúi xuống nhìn giáo án trong lúc giảng bài, mái tóc của bà lại đổ về phía trước, chờm vào mắt bà và bà lại cáu kỉnh vuốt chúng ra phía sau, để lộ khuôn mặt bà – xương gò má nhô cao và rộng, khuôn miệng đánh son rất đậm. Hôm nay, bà mặc một chiếc áo khoác màu đen có xếp nếp ở hai bả vai cùng với một trong những chiếc khăn dài rất đẹp mà trong lớp, khi giảng, bà hay bồn chồn sửa sang lại chúng. Mặc dù không đẹp, ở bà có một sự sang trọng khiến bà nổi bật ở trường – nơi mà những giáo sư nữ thường ăn mặc xuềnh xoàng như đàn ông – và Theresa cũng vậy.
Họ chưa bao giờ nói chuyện với nhau. Giữa các buổi giảng của giáo sư Landsman, Thesera dự một buổi thảo luận được chủ trì bởi một sinh viên cao học trẻ người New Zealand – người cũng đồng thời chấm bài cho cô. Trong lớp, giáo sư Landsman hiếm khi đặt câu hỏi và nếu có thì thường có vẻ bất đắc dĩ. Một câu trả lời tốt chỉ được đáp lại bằng một cái gật đầu cụt lủn; các câu trả lời khác thường bị giáo sư đáp lại bằng sự bồn chồn khó chịu, mỉa mai, hoặc thất vọng. Chỉ có những kẻ liều lĩnh mới dám trả lời, Theresa không ở trong số đó.
Cô đã gần hút xong điếu thuốc khi giáo sư Landsman nói “Cô học ở lớp tôi”.
“Vâng, thưa giáo sư”.
Giáo sư Landsman quay đầu nhìn cô từ đầu tới chân.
“Chắc là cô chỉ dự thính nhỉ”.
Theresa hiểu câu hỏi. Cô hơn những sinh viên khác trong lớp tới 20 tuổi và điều đó lộ rõ ở vẻ bề ngoài của cô. “Không”, Theresa nói. “Tôi là sinh viên bình thường. Ngành quản lý khách sạn”.
“Quản lý khách sạn! Người ta cấp bằng cho ngành này à? Gớm nhỉ. Thật chả nước nào như cái nước này. Hút thuốc thì bị coi như là phạm tội nhưng mà người ta lại có thể trở thành chuyên gia về chuyện ăn ở khách sạn cơ đấy”.
“Vâng, thì, tôi học lớp của bà vì thích thôi. Lúc nào tôi cũng thích hội họa, mặc dù tôi chẳng hiểu gì về nó cả”. Theresa gẩy tàn thuốc khỏi điếu thuốc rồi xé lẻ phần còn lại của điếu thuốc và lấy ngón chân tản các vụn thuốc lá ra. Khi cô nhìn lên, giáo sư Landsman đang quan sát cô chăm chú.
“Lạ thật”, bà nói.
“Thói quen cũ của tôi thôi mà”, cô nói. “Tôi rất thích lớp của bà”.
“Thế à? Tại sao?”
“Chắc cũng giống lý do mà bà thích lớp lịch sử hội họa đầu tiên mà bà từng học”.
“Thế cô nghĩ những lý do đó là gì?”
“Lạy Chúa. Được rồi, giáo sư muốn biết tại sao tôi thích lớp của giáo sư? Thì, có gì ngạc nhiên đâu, vì hội họa thôi. Nhất là các bức vẽ. Caravaggio chẳng hạn. Tôi rất mê Caravaggio. Mà ông ấy cũng đặc biệt, phải không? Thế đấy, tôi thích học các về các bức tranh và về người vẽ, học về lịch sử. Giáo sư có vẻ rất thông hiểu hội họa. Tôi còn thích bà vì bà rất đanh đá, thưa giáo sư”. Chuyện này có thật. Theresa không quan tâm tới bầu không khí thân mật, hòa nhã ở các lớp học khác.
“À, cô là người từ…”
“California. Về cơ bản là thế. Còn bà?”
Giáo sư Landsman quan sát cô thay vì trả lời. Theresa biết bà ấy nhìn thấy gì: một khuôn mặt sạm nắng, một mí mắt sụp xuống vì hậu quả bệnh liệt nửa mặt lúc nhỏ. Cuối cùng giáo sư Landsman nói “Sao cô lại có thói quen đó?”
“Thói quen nào?”
“Thuốc lá ấy. Thói quen với điếu thuốc lá”.
“À, thói quen trong quân đội thôi”.
“Cô từng là lính?”
“Hải quân. Hai mươi hai năm”.
Theresa đã sẵn sàng cho câu hỏi tiếp theo. Không, cô nói, cô chưa từng tới Iraq. Nhưng cô không kể rằng cô đã từng tới Ả rập Xê út hai lần để giúp quản lý một trung tâm điều dưỡng thương binh, rằng trong lần đi thứ hai, người chồng cũng là lính Hải quân của cô (lúc đó vừa trở về nhà từ Iraq ngay trước khi cô đi) đã yêu người vợ góa của một đồng đội; rằng con trai cô đã tốt nghiệp trung học mà cô không thể tới dự lễ tốt nghiệp; và rồi con cô đã phá vỡ lời hứa sẽ vào đại học để tự xin gia nhập Hải quân.
Ở tuổi 41, Theresa đang sống một mình lần đầu tiên trong đời. Chuyện này hợp với cô. Thỉnh thoảng cô cũng ra ngoài ăn tối với người quản lý khách sạn Sheraton mà cô đã gặp sau một lần ông ta thuyết trình ở lớp học của cô, nhưng cho tới giờ – bất chấp sự sốt ruột rõ rệt của ông ta – cô không quan tâm tới chuyện gì khác ngoài việc thỉnh thoảng có một người bạn đi cùng và một cơ hội được ăn mặc đẹp một chút. Cô dậy sớm mỗi sáng mà không cần đồng hồ báo thức và pha cà phê rồi mở nhạc cổ điển và chui trở lại chăn với một cuốn sách. Vào những ngày trong tuần, cô ăn thử các bữa trưa ở các nhà hàng phục vụ đồ ăn nước ngoài rẻ tiền quanh trường. Cứ cách một tối, cũng có khi lâu hơn, cô bơi trong bể bơi của trường; cô đã không chạy kể từ khi giải ngũ và dự định sẽ không bao giờ chạy nữa. Cô hài lòng với cuộc sống mới này ở Illinois – nó gần như cách doanh trại Pendleton cả một lục địa; sự hài lòng này vẫn còn làm cô ngạc nhiên, cũng giống như cô đã ngạc nhiên khi thấy mình thoải mái thoát khỏi cảm giác hối tiếc. Cái sợ hãi nghẹt thở và bất thần mà cô thỉnh thoảng cảm thấy chỉ là về con trai cô. Nó đã ra khỏi trại huấn luyện lính mới và giờ đang thao luyện trên sa mạc ở Twentynine Palms.
“Vậy là cô thích hội họa”, giáo sư Landsman nói. “Để tôi đoán xem. Cô vẽ vào lúc rỗi rãi, chủ yếu là tranh phong cảnh miền Tây. Những cái đầu lâu bò trắng hếu nằm trên những con đường mòn. Cảnh biển Thái Bình Dương – một ngọn hải đăng cô độc, những cơn sóng lớn đánh vào những tảng đá bên dưới”.
“Bà đùa rồi. Tôi không vẽ nổi một hình tròn”.
“Tôi cũng chả vẽ nổi. Thực ra chỉ có vài người là biết vẽ. Nào, thế này đã đúng chưa?” Giáo sư Landsman xé mẩu thuốc lá và rải những vụn thuốc dưới chân bà.
“Gần đúng”.
“Giờ thì kẻ địch sẽ không bao giờ biết tôi từng ở đây”.
“Trừ việc bà đã vứt lại cái đầu lọc”.
“Thế cô làm gì với cái đầu lọc của cô?”
“Tôi không hút thuốc có đầu lọc. Tôi nên hút thuốc có đầu lọc. Nhưng mà tôi đang bỏ thuốc – chắc chắn là mùa hè này sẽ bỏ”.
“Hèn quá nhỉ. Cô, lính thủy, mà lại nói chuyện từ bỏ?”
“Bà không nên nói thế” Theresa nghe thấy sự lạnh lùng trong giọng nói của mình và chỉ hơi hối tiếc.
“Chà, tôi lỡ lời rồi”, Giáo sư Landsman nói. “Tôi đùa thôi mà”.
“Tôi biết”.
“Một câu đùa ngu xuẩn” Bà nhét lại một đầu khăn. “Cứ phải chơi chữ mãi với những đồng nghiệp uyên bác ở cái trường này thì rồi người ta đều dùng chữ như một trò chơi cả, người ta bắt đầu cẩu thả với chữ. Dĩ nhiên là những chữ như vậy có nghĩa”. Bà lấy bao thuốc từ trong túi áo khoác, lắc một điếu rơi ra và châm lửa.
“Trên lớp bà đâu có cẩu thả”.
“Không, tôi không cẩu thả, đúng thế. Tôi là loại nghiêm túc. Có lẽ còn quá nghiêm túc”. Giáo sư Landsman ngả đầu ra sau, rồi nhắm mắt lại và thổi ra một hơi thuốc; vết chàm màu đỏ tía ở trên cổ bà lộ ra. Gần như cùng lúc đó, mắt vẫn nhắm, bà xếp lại cái khăn và vết chàm biến mất.
“Bà đúng là nghiêm túc”, Theresa nói. “Nhưng cần phải thế, bà là giáo sư mà”.
“Cái từ hèn nhát, với cô chắc nó là từ lăng mạ kinh khủng nhất”.
“Tôi không biết. Tôi có thể nghĩ ra vài từ khác kinh khủng hơn”.
“Nhưng hẳn cô coi lòng dũng cảm là phẩm chất tối cao, và hẳn là cô khinh thường sự hèn nhát. Điều này chắc chắn phải là nền tảng cuộc sống của cô”.
“Tôi chỉ là một sinh viên, bà quên rồi sao? Quản lý khách sạn”.
“Thôi nào, đừng hạ mình như thế. Cô hiểu ý tôi mà”.
“Thưa giáo sư Landsman”, Theresa định nói rằng tất cả những chuyện này đã là quá khứ với cô và rằng dù thế nào đi nữa thì cô cũng không biết gì về lòng dũng cảm hơn bất cứ người nào khác, nhưng khi nghe tên mình, giáo sư Landsman cựa mình và nhìn cô chăm chú, nghiêm túc đến nỗi Theresa thấy mình không sao cất tiếng được. Thay vì thế, cô quay người và giả vờ chăm chú nhìn những học sinh đang băng qua khuôn viên. Hai cậu bé vừa phóng xe đạp vừa cười; tuyết nhão rít lên dưới bánh xe của họ và bắn thành những vòng cung sau đuôi xe. Theresa theo dõi họ đi khuất. Một đám mây dài hình điếu xì gà đã dạt vào che khuất mặt trời, khiến cho khuôn viên như đang vào buổi hoàng hôn. Cô khoanh tay chống lại cái lạnh đột ngột.
“Đối với một số người, lòng dũng cảm không đến một cách dễ dàng”, giáo sư Landsman nói.
“Tôi nghĩ là có thể bà đã hiểu nhầm”, Theresa nói. “Tôi chưa bao giờ ở trong một trận đánh. Tôi không chắc tôi sẽ làm gì trên chiến trường. Chả ai biết chắc cả”.
“Ồ, tôi thì biết chắc”, giáo sư Landsman nói. “Tôi thì rúm lại ngay khi thấy đạn bay. Tôi sẽ bỏ mặc các đồng đội”.
“Cũng có thể. Người ta có thể ngạc nhiên về chính mình. Không thể biết được cho đến khi người ta ở trong hoàn cảnh đó”.
“Nhưng tôi đã ở trong hoàn cảnh đó”.
“Ở Iraq?”
“Không, không phải Iraq. Không phải chiến trường có súng đạn – tôi chưa bao giờ sờ vào súng – nhưng mà vẫn cứ là chiến trường”.
“Thế thì… bà không cần biết ý kiến của tôi”, Theresa lấy túi sách ra khỏi gầm ghế và chuẩn bị đi.
“Lúc đó tôi mới 19 tuổi, cũng giống như họ”, Giáo sư Landsman hất đầu về phía những sinh viên đang đi ngang qua chỗ họ. “Tôi đang học đại học, một chốn lưu vong hạnh phúc so với cái thị trấn mà tôi sinh ra, cái thị trấn nổi tiếng chỉ vì xúc-xích. Tôi có bạn bè và tôi đang phải lòng. Phải lòng hội họa, phải lòng thành phố, phải lòng một người đàn ông, một người đàn ông đã có gia đình, mà tôi lại còn quá phức tạp nên tôi phải lòng cả bản thân tôi nữa. Tưởng tượng xem! Tôi có nhiều bạn bè và ý tưởng đến nỗi lúc nào cũng phải chia sẻ. Lúc nào cũng nói, nói, và nói, và dĩ nhiên là người ta bị cuốn theo cái dòng sông chữ nghĩa hùng hồn đấy của tôi đến cửa nhà tôi. Chuyện cũng chả có gì lạ, dĩ nhiên rồi. Nhưng tôi nghĩ là cô sẽ thấy thú vị”.
Câu này nghe như một lời cảnh báo. Theresa thấy bồn chồn nhiều hơn là tò mò. Cô bắt đầu thấy lạnh và muốn đi nhưng không tìm ra cách nào để đi, và bây giờ, dĩ nhiên cô phải thấy hài lòng là sự chú ý của cô có vai trò quan trọng với bà giáo sư thành đạt và mạnh mẽ này. Nhưng cô vẫn ôm túi trong lòng, cả hai tay nắm vào quai túi.
“Chà, cái cách mà họ tiếp cận! Chỉ có một tên thôi, lần đầu thì chỉ có một. Hắn còn trẻ, khá đẹp trai và ăn nói sắc sảo, cô có thể tưởng hắn là một sinh viên hoặc một giảng viên trẻ. Nhưng hắn hiểu rõ tôi. Tức là, hắn hiểu rõ những người gọi là bạn tôi, rồi cả người tình của tôi, và mối quan tâm tới chính trị của tôi – hắn gọi là mối quan tâm tới thay đổi. Hắn cũng quan tâm tới thay đổi, hắn bảo thế. Và cả những người mà tôi tưởng là kẻ thù cũng quan tâm tới thay đổi. Họ có thể mang lại cho chúng tôi một sự bảo vệ nào đó. Thỉnh thoảng họ cũng có thể cần chúng tôi giải trình một số thứ, chủ yếu để giúp họ hiểu được các ý tưởng của chúng tôi về tương lai, để họ có thể bảo vệ chúng tôi khỏi những phần tử ít thông cảm hơn. Hắn rất trơn tru – trơn tru đến đáng ngờ. Mà tôi thì quá ngây thơ, tôi thậm chí chả hiểu được hắn đang đề nghị điều gì. Sau đó thì tôi sốc. Tôi đã làm ầm lên và đuổi hắn đi.
Rồi có thêm những người khác tới câu kéo tôi. Lẽ ra tôi đã nên đồng ý với điều kiện của gã đầu tiên. Chứ Chúa ơi, hai cái thằng cuối cùng đã khiến tôi cắn câu, chà! Thằng đàn ông thì là một kẻ hoang tưởng có giấy phép, hắn chuyên gán những ý nghĩa đen tối vào các dữ kiện vô nghĩa bằng cách kết nối chúng theo những cách riêng của hắn. Với hắn, mọi thứ đều có ẩn ý. Một sinh viên về thăm mẹ ốm hay những người thợ thịt đang đình công phản đối tình trạng mất vệ sinh thực phẩm – hah! hắn đều coi là các cuộc họp kín. Tội khích động quần chúng. Chấm hết! Mà hắn lại còn hôi như một cái tủ. Cô biết đấy, dùng từ gì nhỉ, à, mùi băng phiến.
Nhưng còn con mụ đàn bà, mụ này còn đáng sợ hơn. Ít nhất thì thằng kia còn cố gắng logic; còn con mụ này thì hoàn toàn không đếm xỉa đến mấy thứ màu mè tiểu tư sản đấy. Mụ này không cần bất cứ giả thuyết hay bằng chứng gì cả. Mụ ta biết chắc kẻ thù là ai và cần phải làm gì. Sứ mệnh của mụ này và khoái lạc của mụ là đe dọa và bắt ép, là bắt cô phải quỳ gối”.
“Chuyện này xảy ra ở đâu?”
“Cái gì?” giáo sư Landsman nhìn cô như thể câu hỏi của cô hoàn toàn ngu xuẩn hoặc, tệ hơn, một sự phản bội lại niềm tin giữa hai người.
“Những chuyện này xảy ra ở đâu?”. Theresa đã bị cuốn vào câu chuyện mà giáo sư Landsman kể. Một phần, nó là thói quen mà cô hình thành từ trong giảng đường đại học – cô đã quen với việc bị cuốn theo giọng của giáo sư Landsman. Nhưng trong các bài giảng, giáo sư Landsman luôn sinh động, thậm chí say sưa và luôn luôn cụ thể. Còn bây giờ bộ dạng của bà khác hẳn, và cái vẻ trang trọng lạnh lùng này, cùng với việc bà không hề nhắc đến tên ai, và việc câu chuyện không hề có một bối cảnh cụ thể nào – tất cả chúng đưa Theresa vào một màn sương mù trừu tượng. Cô cảm thấy cái lạnh bên ngoài như bắt nguồn từ sự bất an của cô. Cô cần phải biết mình đang ở đâu.
“Chuyện đó thì quan trọng gì?”, giáo sư Landsman nói. Bà mím môi. “Praha” bà thấp giọng.
Praha. Hiểu rồi. Theresa có đọc lịch sử; cô biết về Praha. Quảng trường Wenceslas. Những chiếc xe tăng Nga tiến vào. “Praha”, cô nói. “Năm 1968 phải không?” “Không”, giáo sư Landsman nói. “Sau đó. Mà cũng chẳng quan trọng, lúc đó chuyện này xảy ra khắp nơi, không chỉ ở Praha. Tôi nói rồi đấy, chuyện này chẳng có gì lạ. Ai cũng tin có kẻ thù ngay sau lưng hoặc ở đâu đó – chúng đang khép chặt vòng vây. Thế nên người ta phải tìm ra kẻ thù bằng mọi giá, và tiêu diệt chúng. Thế nên, gã đàn ông ấy. Lúc đầu, tôi tưởng tôi có thể địch lại hắn trong trận chiến đó bằng cách dùng các dữ liệu của tôi để chống lại các dữ kiện của hắn. Nhưng lúc nào hắn cũng làm tôi ngạc nhiên. Không một người có suy nghĩ nào lại có thể nghĩ đến những thứ mà với hắn thì rõ như ban ngày. Những giả thuyết của hắn mà hắn nhai đi nhai lại hàng giờ liền trong cái phòng bé tí và kinh khủng đó luôn làm tôi cứng họng – cứng họng theo nghĩa đen. Hắn làm cho tôi không mở được miệng ra. Nhưng hắn không hạ gục tôi. Chính con mụ đàn bà mới làm điều đó”.
“Tên mụ ta là gì?”
“Tên? Cô nghĩ là bọn chúng nói tên ra à? Nếu có một cái tên giả thôi thì tôi cũng đã có căn cứ để hình dung về chúng, để gọi chúng. Để có thể mường tượng”.
“Lúc đó bà bao nhiêu tuổi, mười chín?”, Theresa nói. “Chỉ là một đứa trẻ”.
“Cô nên để giành sự thương cảm đấy cho các bạn của tôi”, giáo sư Landsman nói. “Tôi đã bán đứng họ. Cả các bạn tôi, người tình của tôi, và hai giáo sư của tôi”.
Lúc này, mặt trời ló ra khỏi đám mây và một dải ánh sáng dày tràn xuống khuôn viên ướt nước và chiếu lên mặt cả hai người. Giáo sư Landsman lấy tay che mắt. Theresa nghĩ việc mặt trời ló ra đúng lúc này dường như là một trò đùa tinh nghịch. Cô chợt thấy vui, và rồi lại thấy ân hận vì đã có cảm giác này khi mà giáo sư Landsman đang kể một câu chuyện buồn.
“Người đàn bà đó đã làm gì giáo sư?” Theresa hỏi và cẩn trọng xuống giọng.
“Chẳng gì cả. Bà ta không làm gì”, giáo sư Landsman nghe có vẻ bực mình, như thể bà thấy việc mặt trời ló ra lúc này là một sự bất kính.
“Nhưng giáo sư nói bà ta là người đã…”
“Phải, chính bà ta. Nhưng thực sự, bà ta không làm gì tôi ngoài việc nhận rõ tôi và khiến tôi nhận ra chính mình. Cô có hiểu không? Tôi có thể nhận thấy điều đó qua cách bà ta nhìn tôi, luôn luôn là cái nhìn xuyên thấu, cái nhìn ra ý bà ta biết tôi là một kẻ hèn nhát và chẳng mấy chốc sẽ trở thành một con mồi của bà ta, và rằng mọi việc rồi sẽ đi đến giây phút đó – tất cả những cuộc gặp triền miên, những cuộc thẩm vấn và buộc tội, những sự dọa dẫm với gia đình tôi, những hứa hẹn – biết nói thế nào nhỉ. Cứ như thể tất cả chúng đều chỉ là các nghi lễ cần phải tuân thủ, phải tiến hành đầy đủ, với tất cả sự đau đớn và khoái lạc mà chúng mang lại, nhưng cuối cùng thì cả hai chúng tôi đều biết một điều trần trụi và đơn giản: tôi là một kẻ hèn nhát. Đấy chính là quyền lực của bà ta, và nó đã triệt hạ tôi. Nó khiến tôi rúm ró. Tôi chỉ cần nhìn vào bà ta, mắt bà ta lúc nào cũng có cái cười đó. Bà ta nhìn thấu tôi. Bà ta chỉ làm tôi nhìn thấu tôi mà thôi. Cô thấy đấy, tôi là một người lính mà cô sẽ không muốn chung chiến hào”.
“Ôi dào”, Theresa nói. “Chỉ là một thủ thuật thôi, cái cách bà ta đối xử với giáo sư, những điều bà ta làm giáo sư cảm thấy – giống như một kẻ hèn nhát. Họ huấn luyện bà ta làm thế”
“Không, cô đánh giá họ quá cao đấy. Mà kể cả thế thì đã sao? Vẫn không thay đổi được sự thật”.
“Thế chuyện gì xảy ra với các bạn của giáo sư?”
“Tôi không biết. Chắc chắn là họ bị theo dõi. Có thể một số họ đã bị bắt. Chẳng có gì rõ ràng cả – tôi không thấy gì rõ ràng trước khi tôi rời Praha. Bọn chúng thích để những chuyện này chín muồi”. Giáo sư Landsman lấy cả hai tay vuốt mạnh tóc ra phía sau và mỉm cười. “Cô đang nghĩ, thật là một phụ nữ đáng khinh. Tại sao tôi lại phải nghe những chuyện này?”
“Đừng nói vậy”, Theresa ngả người về phía giáo sư Landsman. Những cuốn sách trong túi của cô chèn vào bụng cô. “Thưa giáo sư Landsman, xin bà nghe tôi nói…” Giáo sư Landsman giơ lòng bàn tay ra để cảnh báo. “Xin cô, tôi dị ứng với sự thương hại”.
“Xin giáo sư nghe đã. Người ta có thể được huấn luyện để nâng bà lên, để khiến bà cảm thấy dũng cảm, để bà hành động dũng cảm. Chỉ là khoa học thông thường thôi mà. Bà không nghĩ là người ta cũng có thể làm ngược lại sao?”
“Kể cả thế. Chuyện đã xảy ra vẫn đã xảy ra rồi”, Giáo sư Landsman đẩy ghế ra sau và đứng lên; bà nheo mắt trong nắng. “Tôi lảm nhảm nhiều quá rồi. Cô thật là kiên nhẫn”.
Theresa đứng lên cạnh giáo sư Landsman. “Giáo sư chỉ 19 tuổi. Bây giờ, giáo sư đã ngoài 50, phải không? Giáo sư không nghĩ là một người ở tuổi này, với tất cả học vấn mà giáo sư có, những nơi giáo sư từng đi, những người giáo sư từng gặp – khoan đã, cứ nghe tôi nói đã – chả nhẽ giáo sư không nghĩ là mình có thể thôi kết tội một đứa trẻ đã quá khiếp sợ và lại chỉ có một mình, lại còn bị bắt nạt bởi những kẻ thành thạo chuyện bắt nạt hay sao? Giáo sư có buộc tội con mình như thế không?”
“Tôi không có con. Thêm một sự hèn nhát nữa”.
“Tôi xin lỗi. Nhưng giáo sư biết ý tôi nói gì”.
“Người Mỹ!” Giáo sư Landsman loay hoay với những cái cúc áo choàng. “Họ mới tin tưởng vào tương lai làm sao, họ nghĩ mọi thứ sẽ được hòa giải trong tương lai. Họ lại còn quá độ lượng với quá khứ, họ nghĩ có thể tha thứ hết cho quá khứ một khi ta hiểu quá khứ. Thật đấy, các người chẳng hiểu gì về lịch sử cả. Các người không hiểu lịch sử thực sự là cái đã vĩnh viễn được làm xong, đã là lịch sử. Không ai có thể lấy lại một ngày từ trong lịch sử, không cả một giây, ngay cả khi người ta có tất cả sự cảm thông và độ lượng trên thế gian này. Người ta chỉ có thể ghé thăm nó như ghé thăm một nghĩa trang, tay cầm mũ. Người ta có thể đọc những hàng chữ khắc trên bia đá. Nhưng người ta không thể viết lại lịch sử”.
Theresa đeo túi lên vai. “Hiểu rồi. Cảm ơn bà đã răn dạy”.
“Ồ, giờ thì tôi đã lạm dụng lòng tốt của cô. Tôi không có quyền làm phiền cô bằng những câu chuyện quá khứ của tôi. Cô tha thứ cho tôi”.
“Bà có cho phép tôi tha thứ không đây?”
“Ha!” giáo sư Landsman nói và nhìn xuống, gật đầu.
“Tôi xin cô…”. – giáo sư nói.
“Dĩ nhiên rồi”, Theresa nói. “Dĩ nhiên, tôi sẽ không hé nửa lời”.
“Cảm ơn cô”.
Đến đây thì Theresa biết cô sẽ phải bỏ dở lớp học của giáo sư Landsman.
Trở về nhà sau khi đi bơi tối đó, Theresa làm một đĩa sa-lát cá ngừ và học bài cho buổi thi kinh tế. Rồi, với vẻ thèm muốn, cô giở sách giáo khoa môn Lịch sử hội họa ra – cuốn Hội họa qua các thời đại của Gardner. Cô dừng lại rất lâu ở bức Sự mặc khải của Fra Angelico. Lúc đầu, mắt cô bị cuốn vào hình thiên sứ – cái vẻ sáng rỡ đó, cái nhìn rạng rỡ niềm vui và sự hứa hẹn; nhưng rồi vẻ mặt của đức mẹ Maria đã thu hút cô – một vẻ mặt chấp nhận, phải rồi, và cả buồn thương nữa, như thể người biết cái gì chờ đứa con của người trong thế giới này.
Con trai Theresa viết thư thường xuyên nhưng đêm nay không hề có bức thư nào. Cô quay đi quay lại máy tính – nhưng vẫn không có gì. Cô mở hai cái email cuối cùng của con mình ra đọc. Trong thư, xuyên qua những câu chuyện vui vẻ về những việc trong ngày và các nhiệm vụ, về những thử thách đã được hoàn thành, là tên những người bạn mới của thằng bé – những cái tên được nhắc lại một cách trìu mến, và cả niềm tự hào khiêm tốn mà thằng bé có từ sự tôn trọng của bạn bè. Nó vốn chỉ là một học sinh cấp ba mọt sách và trầm tính, giờ thì nó đang phát hiện ra là nó có thể mạnh mẽ và giỏi giang. Một người đàn ông mà những người khác có thể trông vào – thậm chí là trông lên. Theresa mừng vì những điều này mặc dù cô biết tất cả những điều này, rút cục, có thể cũng chẳng cứu nổi nó. Vấn đề cốt yếu nhất là phải may mắn. Hầu hết sẽ may mắn; hầu hết sẽ sống sót trở về nhà – hầu hết tất cả. Cơ hội cho thằng bé là lớn, cả cho cô nữa. Cô luôn bám chặt vào ý nghĩ này. Cô thường xuyên cần đến nó.
Nhưng đêm nay, cô thấy một nỗi sợ hãi khác – một nỗi sợ hãi còn tệ hơn – bởi vì không có cơ hội nào để thắng nó. Không phải là sợ điều sẽ xảy ra với con trai cô; mà sợ rồi thằng bé sẽ trở thành cái gì. Chẳng mấy chốc, nó sẽ ở giữa những người căm thù sự tồn tại của nó. Bất cứ ai trong họ cũng sẽ muốn giết chết nó. Khi đối mặt với chừng ấy căm thù và hiểm nguy, làm sao nó có thể thoát khỏi cảm giác căm thù người khác? Căm thù tất thảy bọn họ. Theresa đã thấy những thanh niên trẻ trông thế nào chỉ sau vài tháng ở chiến trường; cô biết họ ăn nói thế nào, và còn cả những khoảng lặng mở ra giữa họ nữa.
Con trai cô đã học được cái khoái lạc của sức mạnh, và cái khoái lạc đặc biệt khi mình mạnh hơn người khác. Nó đã luôn là một thằng bé gầy gò, ngượng ngập lúc nhỏ, và từ năm lớp 6 đến lớp 7, những đứa trẻ khác đã bắt nạt nó nhiều đến mức cô đã phải đến gặp bà hiệu trưởng trường học. Cô đã không nghĩ đến chuyện này lâu nay, nhưng đêm nay Theresa nhớ lại vẻ mặt con trai cô sau một ngày bị bắt nạt – cái bóng đen của sự cay đắng và tủi nhục. Bây giờ, khi nó có quyền lực với những kẻ căm ghét nó và đã dọa dẫm nó, làm sao nó có thể cưỡng lại việc bắt chúng quỳ gối, khiến chúng rúm ró? Rồi sau đó thì sao? Điều gì sẽ xảy ra trong những căn phòng nhỏ, nơi mà sự căm thù, quyền lực, và sợ hãi gặp nhau, và lại không có ai để mà phản đối? Con trai cô là một đứa trẻ tốt bụng. Nó có một tâm hồn. Lần đầu tiên trong đời, cô sợ rằng nó sẽ đánh mất điều đó.
Theresa muốn cảnh báo nó, nhưng hai mẹ con cô đã hầu như có nguyên tắc là luôn giữ một giọng vui vẻ, nhẹ nhàng trong các lá thư gửi cho nhau. Cô sẽ phải phá vỡ nó, phải xâm phạm nó. Mặc dù cô chưa biết mình sẽ nói gì, cô sẽ tìm ra lời để nói. Thằng bé sẽ không thích đâu. Nó sẽ thấy bị lăng mạ. Tốt – có thể như thế nó sẽ nhớ ra, khi cái ngày đó đến.
Cô nhìn lại bức tranh của Fra Angelico trước khi đứng dậy khỏi bàn. Không, vì Chúa, cô sẽ không bỏ lớp học. Cô sẽ ngồi ở những hàng ghế đầu của phòng học như cô vẫn thường làm, và nếu giáo sư Landsman thấy phiền vì cô theo dõi bà, lắng nghe bà trong lúc biết rằng cô biết rõ mọi chuyện thì đấy là lỗi tại ai chứ? Giáo sư Landsman có một công việc phải hoàn thành. Nếu bà ấy thấy bất an, thì bà ấy phải tìm cách mà vượt qua sự bất an đó, hoặc là quen với nó, giống như tất cả mọi người mà thôi.
Chuyện Chúng Ta Bắt Đầu Chuyện Chúng Ta Bắt Đầu - Tobias Wolff Chuyện Chúng Ta Bắt Đầu