Người không đủ can đảm để mạo hiểm thì sẽ không gặt hái được gì trong cuộc sống.

Muhammad Ali

 
 
 
 
 
Tác giả: Bùi Việt Sỹ
Thể loại: Tiểu Thuyết
Biên tập: Ha Ngoc Quyen
Upload bìa: Ha Ngoc Quyen
Số chương: 24
Phí download: 4 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 0 / 19
Cập nhật: 2020-10-08 21:15:23 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 18
ại nói Trần Khánh Dư, sau vụ tuyên bố xanh rờn trong triều “quan lại, quý tộc là chim ưng, còn lính và dân là con vịt. Việc dùng vịt để nuôi chim ưng là lẽ tự nhiên, việc gì phải bàn cãi”; thấy vua giận lắm nên Trần Khắc Chung “xui” nên ít vào triều. Khánh Dư tập trung thì giờ vào vui chơi, săn bắn và quyết tâm hoàn thành sân đua ngựa ở bên Thượng Hồng. Tuy nhiên như trên đã nói công việc bị ngưng trệ vì có một số nhà phú ông kiên quyết không chịu bán ruộng, đặc biệt có nhà của chị Cả Lưu, cả trăm mẫu ruộng vào loại “thượng đẳng điền” nằm lọt ở giữa trường đua, kiên quyết không bán, dù trả giá rất cao khiến Khánh Dư rất buồn bực. Một hôm thấy một vị thầy Tầu đi ngang qua Phủ liền gọi vào bói một quẻ. Thầy Tầu gieo quẻ xong, cắp tráp đi ngay, không nói gì. Khánh Dư cho người đuổi theo bắt lại:
- Tại sao lại dám vô lễ bỏ đi như vậy? - Khánh Dư quát.
- Dạ! Bẩm tôi không dám nói.
- Ta đây từng vào sống ra chết lập được công to. Bĩ cực phải đi bán than bữa no, bữa đói đã từng trải qua. Có sự gì nữa cơ chứ mà ngươi không dám nói?
- Dạ! Bẩm quả thật tôi không dám ạ!
- Ta cho phép lành dữ thế nào ta cũng trả mười quan tiền.
- Thế thì tôi chỉ nói một câu thôi. Nhà sắp có đại tang.
Khánh Dư nổi giận nói:
- Cha mẹ ta khuất núi đã lâu. Vợ con không có. Ta thì còn lâu mới chết… Đúng là đồ “bói ra ma, quét nhà ra rác”. Rồi sai người nhà đuổi thầy bói đó, không trả đồng nào như đã hứa.
Trở lại việc làm trường đua ngựa, Trần Khắc Chung hiến kế:
- Ruộng của chúng nó ở giữa, đường mương dẫn nước vào, huynh cứ cho lính lấp kín lại. Đường ra vào cũng rào kín lại. Xem chúng nó có canh tác nổi không? Lúc đó phải bán vội giá rẻ là đằng khác.
Khánh Dư nghe theo, sai lính cứ như lời Khắc Chung mà làm.
Lại nói đứa con trai chị Cả Lưu, năm đó vừa tròn mười bẩy. “Nữ thập tam nam thập lục”, năm thằng bé mười sáu chị lấy cho nó cô vợ theo câu ca truyền thống “gái hơn hai, trai hơn một”. Con dâu chị mười tám, ngực nở, hông to, lưng ong thắt đáy, đúng là tướng mắn đẻ. Cưới được đúng “chín tháng, mười ngày” thì “tòi” ra một thằng cháu nội, giống bố như đúc. Đúng là giỏ nhà ai, quai nhà nấy. Chị tuyên bố:
- Con độc, cháu phải đàn. Con cứ đẻ cho bà chục đứa, bà nuôi được tất. Cô con dâu đỏ chín cả mặt.
Thời “ông ngoại” còn làm “quan huyện giả” có lần từ trên phủ về, giữa đường gặp một kẻ trần truồng như nhộng toàn thân máu me. Dương vật bị cắt đút vào miệng. Biết là lũ “giang hồ trả thù ân oán”, ông đã định bỏ mặc. Nhưng rồi lại nghĩ “cứu một mạng người, bằng xây bẩy tòa tháp” nên xuống kiệu đi bộ, sai người nhà khiêng hắn đến nhà quan đại phu (lương y). Chạy chữa suốt ba tháng trời, hết hơn trăm bạc, hắn mới khỏe lại. Ông gọi hắn vào buồng bảo:
- Bây giờ ngươi đã “trơn lông đỏ da” có thể ra ngoài vẫy vùng, báo ân, báo oán được rồi!
Hắn sụp lạy dưới chân ông ngoại, dùng răng cắn chặt lấy gấu quần ông, nước mắt chứa chan nói:
- Con sinh ra không biết cha mẹ là ai… Lớn lên sống đời giang hồ vất vưởng, gây ra tội ác cũng nhiều và ác báo cũng lắm. “Oan oan tương báo” biết đến bao giờ cho xong. Nay con được ông ra tay độ thế, cứu mạng. Con xin ở lại làm thân chó ngựa để đền đáp. Nếu ăn ở hai lòng thì trời tru, đất diệt. Chết không có chỗ chôn.
Thấy hắn thực lòng, ông đồng ý đặt tên cho hắn là “Hoàn Lương”. Sau thấy không tiện đổi thành Hoàng Lương. Hoàng Lương có chút ít võ nghệ, có tài sử dụng một thanh “quất đồng” (roi đồng) tương đối khá. Lúc đó con chị Cả Lưu cũng đã đủ mười lăm, mười sáu nên bảo Hoàng Lương:
- Cậu dạy cho cháu một vài miếng… để có lúc phải phòng thân.
Hoàng Lương vâng lời, dạy cho cậu cả quyền cước và bài roi mười tám đường. Với võ nghệ ấy, chưa thể làm được nên “cơm cháo gì”, nhưng cũng có thể đánh được vài ba tên lính. Bởi thế khi quân của Trần Khánh Dư đến lấp mương dẫn nước, nó đã dẫn gia nhân ra ngăn cản. Nó nói rất có lý:
- Ruộng là ruộng của Nhân Huệ vương thật. Nhưng mương nước là của chung, của hương của làng. Các anh không có quyền lấp.
Rồi nó sai gia nhân khai trở lại. Hai bên xô xát, nó rút thanh quất bằng đồng ở sau vai, vung mấy đường khiến ba tên lính bị thương, đứa vỡ đầu chảy máu, đứa gãy tay.
Trần Khánh Dư hay tin thì lửa giận bốc lên ngùn ngụt. Có lẽ chưa bao giờ Khánh Dư thấy “bức bối” như lúc này liền sai lính dắt con ngựa trắng ra, con chim ưng cũng đi theo, đậu trên vai.
Khánh Dư xuống ngựa quát:
- Đứa nào dám đánh lính của bản vương bị thương!
Lúc này chị Cả Lưu và Hoàng Lương có việc không có nhà. Cậu cả dẫn gia nhân ra quát lại:
- Chính là ta. Ông có bản lĩnh gì thì hãy giở ra đi!
Trần Khánh Dư điên tiết, rút thanh trường kiếm ra, cũng định chỉ “cảnh cáo” cho hắn một mũi vào vai, vào đùi, hay chỗ nào đó không thể mất mạng được. Nhưng chàng thanh niên quá hăng lại không lượng được sức mình, lăn xả vào vung quất đánh. Khánh Dư né qua mặt, đưa một đường kiếm thẳng. Cậu thanh niên không tránh được, vô tình lưỡi kiếm xuyên qua ngực, gục xuống chết liền. Khánh Dư cũng sợ hãi vội nhảy vọt lên con ngựa trắng phi về kinh thành.
Chiều chị Cả Lưu về, hay tin ngất lịm đi. Phải mất cả khắc giờ đổ thuốc và lay gọi chị mới hồi tỉnh. Khi được biết kẻ giết con mình chân dài, cưỡi ngựa trắng trên vai có con chim ưng đậu thì chị đã nấc lên:
- Trời quả báo! Trời quả báo đây!…
Chị nói mà cũng không hiểu được là nói ai quả báo ai. Mọi người tất nhiên là càng không hiểu. Chị vào buồng lấy ra một vuông vải, trên đó có vẻ hình một người chân dài, cưỡi ngựa trắng, đầu đội mũ có gắn lông công, và trên vai có một con chim ưng oai vệ đậu. Vốn là bức vẽ Khánh Dư bỏ quên trên thuyền khi bán cả than củi và thuyền cho chị gần hai mươi năm trước. Chị giữ lại bức vẽ dưới đáy rương (hòm) với ý định lúc trăng trối nếu thằng con có hỏi bố nó là ai, thì đưa bức tranh ra. Nhưng sự thể bây giờ lại hóa ra thế này.
Chị bèn tập hợp mấy chục gia nhân và thuê bà con lối xóm khiêng quan tài đứa con trai lên kinh thành. Phía trước quan tài có treo vuông vải có hình vẽ đó. Có người biết chỉ cho chị, người trong tranh chính là Nhân Huệ vương Trần Khánh Dư. Đoàn người khiêng quan tài rầm rập kéo đến phủ Nhân Huệ vương. Đang buồn bực, thấy bên ngoài ồn ào, Khánh Dư vội bước ra xem có chuyện gì.
Trông thấy chị Cả Lưu dẫn đầu đoàn người Khánh Dư nói:
- Chúng ta đã có thỏa thuận là không bao giờ gặp lại nhau rồi cơ mà!
- Đồ giết người! Hổ dữ cũng không ăn thịt con… Còn ngươi hãy nhìn thằng bé đi… Cặp chân dài giống ai? Cái trán rộng. Đôi mắt to có hai hàng mi cong. Rồi cái mũi cao, nhọn với hai cánh mũi mỏng… giống ai?
Khánh Dư nhìn quan tài đặt trước cổng, nghe chị Cả Lưu nói, tai ù đi. Mắt hoa lên, nảy đom đóm. Nhưng trong đầu vẫn còn tự hỏi: “Chẳng lẽ… chuyện đó lại là thật!”.
Chị Cả Lưu gào lên:
- Giết người phải đền mạng!
Rồi rút từ cạp quần phía sau lưng ra một chiếc liềm cắt cỏ, nhằm cái thân cao lớn của Khánh Dư ném tới. Là võ tướng tài giỏi, giá như đó là lưỡi kiếm, lưỡi dao hay lưỡi búa… Khánh Dư dễ dàng tránh được. Thậm chí là giơ tay ra bắt nhẹ nhàng. Nhưng đây lại là chiếc liềm cong cong, nên đường đi của nó khá vòng vèo. Khánh Dư chưa kịp tránh thì nó đã liệng qua đầu rồi mũi nhọn cắm phập vào vai phải. Khánh Dư ôm vai ngã xuống. Lũ lính xông ra kề gươm vào cổ chị và Hoàng Lương. Khánh Dư cố gượng đau đứng lên. Nhìn người vừa làm mình bị thương, tự nhiên thấy lòng đau như dao cắt, Khánh Dư quát bọn lính.
- Thả họ ra! Thả tất cả ra!…
Chị Cả Lưu đưa xác con về, đưa lên chùa Bảo Sơn làm lễ hỏa thiêu. Rồi chị đem tro cốt trở lại bến Bình Than xưa trải dài xuống sông…
Qua một số người chị Cả Lưu biết Trần Khánh Dư có cháu đầy đàn. Song tuyệt nhiên không thấy có đứa con nào! Có thể ông ta đã “trải con” ra khắp thiên hạ, nhưng mà cuối cùng thì sự thể lại trớ trêu như vậy! Chị đâm chột dạ! Ông ta là người quyền thế, lại giàu có vào hạng nhất nước. Biết đâu ông ta chả cho người về đây dò la. Và biết còn có đứa cháu nội. Sẽ tìm cách bắt về thì chị “đâm trắng tay”. Nghĩ rồi làm liền. Chị gọi con dâu tới, đưa cho nó một trăm bạc và bảo:
- Con dùng số tiền này làm dấn, làm vốn. Rồi tái giá! Đừng ở vậy như mẹ đây. Khổ lắm! Mẹ phải đưa cháu đi… không người ta sẽ đến bắt mất.
Đứa con dâu của chị “lăn ra như con bống” bị mắc cạn. Khóc ngằn ngặt đòi đi theo. Chị dỗ:
- Mẹ chỉ đưa cháu đi vài năm thôi! Bao giờ yên hàn mẹ sẽ mang cháu về để “mẹ con gặp nhau”.
Nhà cửa, văn tự đất đai ruộng vườn chị giao tất cho bà con họ hàng trông giữ. Một buổi sáng sương mù còn giăng mù mịt, cách vài bước chân không nhận rõ mặt nhau. Chị địu sau lưng đứa bé. Phía trước bụng, trong lớp quần lót chị quấn một “ruột tượng” đựng tiền nong. Bên hông dắt một con dao găm cực sắc để phòng thân và sử dụng hàng ngày. Hoàng Lương cõng sau lưng một kiện hàng đồ dùng, quần áo, thức ăn cho trẻ. Phía trước bụng cũng là một “ruột tượng” tiền vàng lớn. Tay cầm roi đồng, sườn đeo đoản kiếm. Ba nhân mạng ra phía bờ đê sông Cái, xuống một chiếc thuyền vừa phải nhưng rất chắc chắn, đi về đâu không ai rõ.
Trần Khánh Dư sau mấy ngày điều trị khỏi vết thương ở vai. Sai người đi dò la tung tích nhà chị Cả Lưu. Khi hay tin chị đã đưa cháu nội đi biệt tích thì ngửa mặt lên trời mà than rằng:
- Ta đã đến chậm một bước rồi! Thật là thấp mưu thua trí đàn bà.
Rồi cho người đi tìm lại thầy Tầu để hỏi chuyện. Nhưng lão cũng bặt vô âm tín.
Mấy ngày sau con ngựa bạch cũng lăn ra chết vì đã đến cõi. Còn con chim ưng lông đỏ mỏ quặp cũng bay về rừng. Mọi việc rối bung lên, khiến Khánh Dư vô cùng bứt dứt. Ông ta ra lệnh bỏ “dự án” xây trường đua ngựa, mặc dù đã bỏ đến mấy ngàn đồng vào đó. Trần Khắc Chung đến chơi, an ủi:
- Huynh ạ! Ngựa tái ông họa phúc biết về đâu. Như đệ đây, hồi hàn vi, lấy vợ con nhà giầu. Nhưng khi giặc Nguyên Mông sang, ông bà nhạc hèn nhát theo giặc. Đến khi giặc thua, triều đình thu hết điền sản, thế là đâm ra trắng tay. Được thằng con trai, vừa rồi nó lấy con vợ chả ra gì. Đệ có mắng nó: “Sao cưới vợ không hỏi tao!” Nó bặm môi trợn mắt quát lại: “Ông có coi mẹ tôi và ông bà ngoại tôi ra gì đâu, mà bắt tôi việc đó phải hỏi ông?”
- Nói thật là ta quan hệ với cả ngàn đàn bà. Nhưng bây giờ ngẫm lại, thấy không có ai cho ta được sự “sung sướng tột đỉnh” như với chị ta mới lạ chứ! - Khánh Dư tâm sự.
- À, chuyện đó có gì là lạ đâu “Một miếng khi đói bằng một gói khi no”. Lúc đó huynh thèm cơm, thèm rượu, thèm cả đàn bà. “Buồn ngủ bỗng gặp chiếu manh”, tự nhiên được “cơm no, bò cưỡi” sao không thấy sướng. Đến ngay cả con chim ưng lông đỏ, mỏ quặp cũng được xơi vịt thỏa thích, chứ không phải bắt chuột nữa là…
- Ngươi nói cũng có lý! Nhưng mà ai ngờ sự việc nó lại đến một cách lạ kỳ như vậy. Giá như ta không vội vàng đuổi tay thầy bói đi. Giữ hắn lại… biết đâu sự thể sẽ khác. Vả lại cái thằng bé… con ta ấy. Nó hung hăng quá. Không biết mình biết người. Tay ta đã dài, cây kiếm cũng dài, ta đưa ra cốt để dọa hắn, tưởng hắn cũng có võ nghệ, gạt hoặc tránh ra một bên, nào ngờ nó cứ nhảy bổ vào ta, vung quất quật thẳng vào đầu. Thế là lưỡi kiếm xuyên qua ngực nó. Ta rút tay lại thì đã… không kịp nữa rồi…
- Thôi huynh đừng buồn nữa! Còn bao nhiêu việc ở Vân Đồn đang chờ huynh… Với ba cô đầm Tiểu Nga-la-tư, da trắng, mắt xanh, tóc vàng, váy ngắn đến bẹn… chờ huynh.
Khánh Dư không đáp lại.
Trần Khắc Chung rụt rè hỏi tiếp:
- Có dịp ra Vân Đồn, huynh cho đệ thử… một lần cho biết được không?
- Chỉ sợ người không có sức! Ta cho ngươi thử cả ba. Không khéo bị “thượng mã phong” lại đổ tiếng ác cho ta.
- Huynh yên tâm, đệ là quan văn, nhưng cũng hiểu được binh pháp “biết mình, biết người. Trăm trận, trăm thắng”.
Trần Khắc Chung thường xuyên đến uống rượu, khiến Nhân Huệ vương cũng một phần nguôi ngoai được nỗi buồn. Khoảng gần mười ngày sau thì con chim ưng lông đỏ, mỏ quặp bay về. Trông nó nhẹ nhàng, tráng kiện hẳn ra. Đặc biệt nó còn tha về một con rắn chúa cái cực lớn. Có thể là vợ con rắn đực nó đã giết để cứu Nhân Huệ vương trong cuộc đi săn ngày nào. Nhân Huệ vương hứng chí bảo:
- Đúng là nhất điểu nhì ngư. Tam xà tứ tượng. Đến loài vật cũng biết “báo thù mười năm chưa muộn” Con rắn cái này chờ nó thay mỏ, thay móng để trả thù cho chồng nhưng mà con chim ưng này vẫn tỏ ra “quái kiệt” hơn.
- Bởi vì nó là vật nuôi của huynh mà! - Trần Khắc Chung nịnh khéo.
Nhân Huệ vương vốn là con người hành động. Chỉ một thời gian ngắn sau, ở Khánh Dư dường như chưa có biến cố gì xẩy ra. Việc kiếm một bạch mã khác dễ như trở bàn tay. Theo lời khuyên của Trần Khắc Chung, Trần Khánh Dư trở ra Vân Đồn chấn hưng việc làm ăn, buôn bán ở đó. Vương cho nạo vét mở rộng luồng lạch để thuyền lớn có thể ra vào dễ dàng được. Cái đầu mối nhập hàng từ Trung Quốc sang cũng được mở rộng, chắp nối lại, đi vào hoạt động quy củ, chặt chẽ và phát triển hơn. Khách (chỉ lái buôn Tầu) vào ăn hàng ngày cũng một đông. Họ bán chủ yếu là thuốc bắc, thôi thì đủ loại từ thuốc bổ, đến thuốc kích dục và đặc biệt cả… thuốc độc giết người từ từ đến chết ngay tắp lự. Ngoài ra còn có gấm Tứ Xuyên, đồ sứ Giang Tây, các loại rượu quý như Mao Đài… Còn họ ăn tạp từ “thượng vàng, đến hạ cám”. Các thứ quý hiếm thì gồm sừng tê, ngà voi, xương hổ, ngọc bích, ngọc đỏ… Loại trung thì cá ngựa đỏ, cá ngựa đen, thảo quả, gỗ hương, gỗ trắc, gỗ huỳnh đàn… Loại “hạ cám” gồm sắn khô thái lát, khoai lang tươi, khoai lang khô, thậm chí cả mùn cưa của các loại gỗ quý.
Khánh Dư phân chia ra từng khu vực. Khu nào chuyên buôn bán ngành hàng đó cho dễ quản lý. Những tay làm ăn trí trá, buôn bán hàng giả, Khánh Dư cho thích chữ vào mặt. cấm cho quay trở lại Đại Việt. Thi thoảng cũng có thuyền buôn lớn từ Phù Tang và Mã Lai vãng qua. Họ thích đồ gỗ và đồ gốm Bát Tràng của ta. Và bán tơ lụa rất đẹp, cùng các đồ thủy tinh cao cấp. Bấy giờ Vân Đồn trở thành thương cảng sầm uất nhẩt không chỉ của Đại Việt mà còn cả ở vùng phía nam Trung Quốc và nói rộng ra là của vùng Đông Nam Á.
Nhân Huệ vương cũng khéo biết tổ chức mạng lưới thu thuế rất hiệu nghiệm. Cả thuế nhập lẫn thuế xuất. Có những thứ thuế Khánh Dư đặt cao chót vót. Khách còn chịu đựng được thì còn để. Khi thấy có vẻ đã “già néo thì đứt dây” Vương mới cho nới ra. Tiền thuế thu được, cũng như tiền lãi, một nửa vương nộp về cho triều đình. Tự nhiên được một nguồn thu không nhỏ, từ Thượng hoàng đến vua đều khen Khánh Dư là người “buôn bán mát tay”. Thật tiếc là sau khi Nhân Huệ vương mất, thương cảng lụi dần và bây giờ tức là bẩy trăm năm sau, chúng ta mới lên kế hoạch xây dựng Vân Đồn thành “vùng kinh tế mở”.
Chim Ưng Và Chàng Đan Sọt Chim Ưng Và Chàng Đan Sọt - Bùi Việt Sỹ Chim Ưng Và Chàng Đan Sọt