Số lần đọc/download: 3481 / 58
Cập nhật: 2016-07-06 02:05:47 +0700
Chương 8
B
uổi sáng. Sương mù còn đọng đầy trong chiến hào.
Vinh mới ngủ dậy ngồi xếp chân bằng tròn, trùm chăn như một nhà sư khoác áo cà sa ngồi niệm Phật. Ngủ hầm đầy hơi, bụng nặng anh ách. Vinh hát nghêu ngao...
Trùng trùng quân đi như sóng
Lớp lớp đoàn quân tiến về
Chúng ta đi reo vui,
lúc quân thù đầu hàng,
cờ ngày nào tung bay trên phố...
Vinh biết chút ít nhạc và hát hay, nhưng lúc này giọng anh rền rĩ không ra hát cũng không ra ngâm thơ...
Chúng ta ươm lại hoa
Sắc hoa tươi ngày mai
Ôi phố phường Hà Nội xưa yêu dấu...
Tự nhiên Vinh quay sang hỏi Tuấn:
- Hồi ở Hà Nội, cậu học "primaire sup” ở trường nào?
Tuấn đang hí húi ghi nhật ký, ngẩng đầu, mặt vẫn thẫn thờ vì đang theo đuổi những ý nghĩ riêng, anh đáp gọn:
- Trường Bưởi.
- "Ly pro" à? Nhà cậu ở đâu?
- Ngõ Huyện.
- À có biết "Nga suối tóc" Ở phòng trà Thiên Hương. Hàng Bông không?
Tuấn lắc đầu.
- Ở liền đấy mà không biết à? Con bé có bộ tóc... tuyệt. Mình ở Quán Thánh đi học ở Albert Sarraul thỉnh thoảng lại phải đảo qua hàng nàng để ngắm bộ tóc. Cậu trước chắc học gạo lắm nhỉ?
- Mình vừa học vừa đi dạy thêm để lấy tiền tự túc nên cũng phải cố. Nhà mình... - Tuấn định nói gì thêm, ấp úng, rồi không nói nữa.
Lớp lớp đoàn quân tiến về...
- Vinh lại nghêu ngao, rồi anh bỗng ngừng hát, nói tiếp - Không biết mình thì tiến về đâu... Cứ đến được cầu Phùng hay cầu Đuống cũng sướng! Hay là chỉ tiến về đến Trần Đình thôi...
Tuấn nở một nụ cười dễ thương. Anh lơ đãng nhìn đi đâu, tay gấp quyển sổ rất nhỏ lại.
Vinh lại hỏi:
- Ông Tuấn này, ngày trước chưa có cách mạng thì ông định sau này làm gì?
- Ngày trước ấy à... - Tuấn ngập ngừng.
Trong những ngày cùng sống với mấy người bạn ở một ngôi chùa gần vườn Bách Thảo, Hà Nội, ăn cơm đầu ghế, dạy kèm các trẻ em con nhà giàu để lấy tiền theo học, đã rất nhiều lần, Tuấn tự hỏi mình: "Học để sau này làm gì?". Đó cũng là câu hỏi của một người trong bọn anh. Họ chỉ thống nhất nhau ở một điểm: sẽ không đi làm công chức cho Pháp.
Có người chọn hướng làm thầy thuốc, cho nghề này là trong sạch nhất, là nhân đạo nhất đối với nỗi khổ đau của con người. Có người định sẽ học luật, sẽ ra làm trạng sư để bảo vệ công lý, đấu tranh với cường quyền và bất công đầy rẫy trong xã hội. Cũng có một người kín đáo không chịu bày tỏ ý nghĩ của mình... Cái cậu đó thỉnh thoảng lại đem ở đâu về một bài thơ Tố Hữu và bọn họ chụm đầu đọc thầm thì cho nhau nghe rất say sưa. Sau đấy ít lâu, anh ta bỏ đi đâu không rõ. Năm trước, tình cờ gặp một đồng chí ở Nam Bộ ra, Tuấn biết tin người bạn này hiện đang công tác ở trong đó. Riêng với Tuấn, anh nghĩ mình có thể đi dạy tư như thế này mãi, miễn là có ít tiền để sống, còn anh sẽ cống hiến tất cả cuộc đời mình cho một sự nghiệp mà anh rất say mê: anh sẽ làm thơ. Anh sẽ không viết một bài thơ nào với mục đích để kiếm tiền. Những bài thơ anh làm ra để đóng góp vào nền nghệ thuật, vào kho tàng văn hóa nước nhà... Có nên nói với Vinh tất cả những điều đó không? Anh chẳng muốn giấu Vinh, nhưng anh thấy lúc này không có đủ thời giờ. Anh chỉ trả lời gọn:
- Ngày đó mình muốn kiếm một nghề tự do, nghề dạy tư chẳng hạn. Mình rất ghét vào làm ở các công sở của Pháp. Còn cậu thì sao?
- Tôi thì rất lung tung... Nhưng cũng có điểm giống ông, tôi rất thích nghề tự do. Hồi đó lắm lúc tôi nghĩ không biết sau mình sẽ làm nghề ngỗng gì. Tôi rất thích âm nhạc. Mình mê mấy tay nghệ sĩ đầu bù kéo đàn ở các bar. Mình đã học violon một năm, sau bỏ vì thấy tập gian khổ quá. Một thời kỳ tôi lại mê thể thao. Mình đã chơi điền kinh, định học boxe. Khi nào thành một thứ Đặng Hồ Khuê tôi sẽ đập vỡ mặt "các anh" trước mọi người mà "các anh" chẳng làm cóc gì tôi. Nhưng đảo chính Nhật, thế là vỡ kế hoạch. Sau Cách mạng tháng Tám, thấy ta mở trường võ bị Trần Quốc Tuấn, tôi nộp đơn liền... Cậu nghĩ thế nào mà đang ở văn công thú thế lại xin xuống đây?
Tuấn mỉm cười. Ngày mới về đơn vị, đồng chí tiểu đoàn trưởng có vẻ lãnh đạm. Tuấn đoán cái hố ngăn cách giữa họ ở chỗ anh là một cán bộ cơ quan mới ra chiến đấu. Tuấn tự bảo mình sẽ chủ động làm cho tiểu đoàn trưởng hiểu mình. Họ đã qua những giờ phút sống chết bên nhau. Nhưng hai người chưa nhích lại gần nhau bao nhiêu về mặt tình cảm. Tuấn cảm thấy Vinh là một con người khó gần. Nhưng buổi sớm hôm nay, chỉ qua vài câu tâm sự ngắn ngủi, dường như một tình cảm mới bắt đầu nhen nhóm giữa họ. Vinh trở nên dễ hiểu. Anh đã nhìn thấy con đường dẫn Vinh tới đây và đang thầm đối chiếu với con đường của mình. Anh nghĩ có lẽ sẽ không có gì ngăn cản họ trở thành một đôi bạn nếu cuộc chiến đấu này còn kéo dài.
Chuông điện thoại reo... Một hồi... Hai hồi... Ba hồi.. Đúng là hiệu chuông quy định để gọi cho ban chỉ huy tiểu đoàn. Vinh tung chăn như còn tiếc rẻ, nhoai lại góc hầm cầm lấy máy.
- A lô... gì đấy? - Giọng Vinh mệt mỏi.
Đầu dây đằng kia, tiếng Cương trong trẻo:
- Đồng chí Vinh đấy phải không?... Báo cáo đồng chí, đêm hôm qua có hai tên địch nhảy dù tiếp viện rơi vào chỗ tôi, có một thằng quan hai.
- Còn sống không?
- Chết cả. Chúng nó ăn súng máy của bộ đội ngay từ khi còn trên trời. Anh em cũng không ngờ nó tạt về đây. Nếu biết thế anh em để dành bắt sống.
- Xem có tài liệu, vũ khí thì tước hết đi, nộp lên trên.
Gần đây, địch thả dù quân tiếp viện một cách rất liều lĩnh. Ban đêm, máy bay của chúng tắt đèn hiệu lượn vòng trên không, bất thần xuyên qua sương mù, bay tạt xuống trận địa trút bậy một loạt dù rồi cút mất tăm. Chắc chúng không tính đến chuyện những "món hàng thịt" của chúng sẽ rơi vào đâu. Vinh không chú ý lắm đến chuyện này, vì những trường hợp như vậy đến nay chẳng có gì lạ. Anh đã định buông máy lại thấy Cương hỏi:
- Đồng chí Vinh... ngày trước đồng chí có quen ai tên là Phong Ba không?
Vinh nhíu đôi lông mày to nhưng rất thưa, rồi nói:
- Không... Tôi không quen ai là Phong Ba. Nhưng tại sao cậu lại hỏi vậy?
- Sớm nay, khi chúng tôi đang tước vũ khí, tài liệu của hai thằng nhảy dù này thì đồng chí Cao, đại đội trưởng công binh đi qua. Đồng chí ấy xem mặt thằng quan hai rồi nói, đúng nó trước ở cùng một đại đội với đồng chí hồi 47, 48... Vừa rồi, mở xà cột của nó, tôi thấy có quyển sổ đề tên là Phong Ba nên hỏi xem đồng chí có biết không?
- Xác nó còn dấy không?
- Có lẽ bây giờ thì anh em lấp đi rồi. Anh em sợ thối và sợ ruồi.
- Thôi... cậu cho người đưa ngay quyển sổ của nó về đây.
Vinh bóp đầu nghĩ mãi không ra thằng bạn cũ nào tên là Phong Ba ở với anh một đơn vị, bây giờ lại đi làm quan hai cho địch. Nhưng anh tin ở lời Cao, vì Cao vốn là một cán bộ kỳ cựu của trung đoàn này.
Một giờ sau, trong khi anh đang ngồi tiếp tục nói chuyện say sưa với Tuấn, đồng chí chuyển đạt của đơn vị Cương mang tới một quyển sổ nhỏ, bìa da ngoài có chữ vàng: "1953", Vinh mở ra, trang đầu có một chiếc ảnh nhỏ. Anh tròn mắt nhìn, mồm há hốc... Đúng là thằng "Lãng trố". Nó là bạn thân cũ của anh từ hồi chiến dấu ở Liên khu 1. Cuối năm 47, nó chuyển sang đại đội trinh sát. Trong chiến dịch Tây Bắc năm 1948, Lãng trố bị thương phải đi điều trị tại Quân y viện. Sau đó, Vinh không gặp nó đâu nữa. Hỏi một số người đều nói không biết. Anh đoán sau khi điều trị khỏi, Lãng trố đã được thuyên chuyển sang một khu khác rồi. Tên Phong Ba này chắc là biệt hiệu hắn mới lấy từ khi vào với địch. Mặt nó không khác mấy, nhất là hai con mắt lồi như mắt cá vàng, chỉ có thêm một hàng râu con kiến trên môi, và cái vẻ vừa vênh váo vừa chán chường. Hồi đó, hai người là hai cán bộ trung đội trưởng trẻ tuổi nhất của đại đội ở Liên khu 1, Hà Nội rút ra, giống nhau từ lối nói, điệu cười. Khi dạo phố, buổi liên hoan, họ đều cặp kè nhau. Lãng trố người to béo còn được gọi là Lãng phệ, ăn nói ngổ ngáo nhưng lại thích ngâm thơ ủy mị và có đôi khi làm thơ nữa. Những đêm liên hoan ở mạn Đồng Quan, Vân Đình, nó và Vinh hay đóng chung vở Kịch thơ Trần Bình Trọng, Vinh đóng giả gái đẹp của nhà Nguyên đến dụ dỗ Trần Bình Trọng đầu hàng. Vinh còn nhớ rõ cái giọng rè rè của nó ngâm những câu thơ:
Thôi hãy xê ra thiếu nữ ơi!
Duyên xuân nồng đượm thiếu chi người.
Lòng ta chiến sĩ khô khan lắm.
Tim rắn nguồn thương cạn mất rồi!
Hắn thích đóng vai kịch này lắm, hễ có liên hoan là lại đến rủ Vinh cùng biểu diễn. Hai vai kịch đều đã làm rung động nhiều trái tim của những cô gái tản cư...
Vinh lật những trang sau tiếp. Thì ra đây là tập nhật ký của nó.
5-4-1953
Mình từ thuở lọt lòng, vẫn ghét nhất cái trò này, cái trò viết nhật ký. Viết đếch gì? Viết cho ai? Thế mà gần đây lại giở chứng... thích viết mới lạ chứ! Thì viết dăm ba trang cho đời đỡ tẻ...
Xuất thân đời lính từ 45, lang thang khắp nơi, trung du, Việt Bắc, Tây Bắc... 49 trở lại đô thành với hai bàn tay trắng, mình đầy vết sẹo, thương tích của quãng đời phong sương, của kiếp người chìm đắm trong gió bụi. Mình về với một tiếng thở dài... Phải rồi! Đúng là một tiếng thở dài não nuột.
Rời đế đô kinh thành, mọi thứ làm cho lòng mình ngụt cháy, sôi sục thúc đẩy mình yêu đương. Chỉ định là yêu đương thôi! Nhưng định mệnh! Chà chà! Định mệnh đã xếp đặt sẵn sàng, chúng ta bất lực thắng sao nổi! Mình đã lạnh lùng uể oải dắt cuộc yêu đương đó tới "hôn nhân", nghĩa là "lấy vợ”... Lấy vợ là hết! Hết tất cả! Chẳng còn "cóc khô” gì nữa!
Mình bị đàn bà nó lên "án" bỏ tù đời mình rồi? Một án quản thúc vĩnh viễn đến trọn dời. Mai mốt, lại thêm một hài nhi, lại thêm một tiếng thở dài... Tất cả ồ ạt kéo tới như nước vỡ bờ quật ngã mình xuống một đáy sâu thăm thẳm.
Và một chấm hết não nùng!
4-5-1953
Hè... hè ơi!
Hè đã sang rồi.
Nàng theo suốt mộng riêng ai bẽ bàng.
Mỗi lần thấy gió hè sang,
Là lòng ta lại tan hoang dạ sầu!
Đã tàn mộng đẹp từ lâu.
Mà sao tưởng cứ như hầu còn vương.
Kinh thành, một chiều hè oi ả.
9-5-1953
Hôm nay chiều thứ bảy: Hà Nội giở mặt... trơ trẽn và bẽ bàng, nóng ghê gớm, thoang thoảng mùi nguyên tử... rờn rợn. Mấy lần định viết lại thôi... Hà Nội nóng bức oi ả, bứt rứt và chồng chất biết bao nhiêu “bứt rứt” của sự đời, nên... cầm đến bút là thấy chán như những điều mình sắp viết ra rồi.
Nhớ lại cái hồi xửa hồi xưa... Hè có trăng thanh gió mát, ngồi thẩn thơ thơ thẩn kêu giời khóc đất, kêu thảm kêu thương, đâu "giai nhân”! Đâu người đẹp!... Để trôi thuyền dưới trăng.
Bây giờ... hè... có người đẹp bên mình chỉ thêm toát mồ hôi. Nhìn đàn bà chỉ thấy... hổn hển và hổn hển.
Nóng quá! Biết đi chơi đâu? Ra đường nhìn phố phường nhân loại, ô tô hắt mẹ nó cả bụi vào mặt.
25-6
Có một con tóc hung hung đỏ, mắt sâu lõm, lông mày để rậm không sửa, lưỡi khô như rơm, răng ăn không cần xỉa... vì rất đều, tuổi không quá mười bảy. Nó gặp tôi trong một dịp cần nhờ vả giấy tờ. Rồi nó cùng tôi qua một buổi ciné thoát y vũ tại rạp Majestic. Nó bẽn lẽn khi gần tôi, sờ bụng trong bóng tối... phập phồng.
Tôi đinh ninh vớ được một món bở. Một cái gì mới tinh.
Rồi... có một trưa hè nóng nực, tôi đã đi ngược tạo hóa, làm công việc lõa lồ giữa ban ngày. Lôi con bé ấy vào một căn buồng trang hoàng sạch sẽ, nhưng đấy là nơi đặt chân của nhiều khách đã qua rồi.
Đã khá lâu mình thấy dây thần kinh "insensible" không thấy rạo rực bao giờ, trừ những phút rạo rực.... vờ. Lần này thì có hơi rạo rực thật trước cái món bở này. Tôi chẳng cần đề phòng gì, và thế là tôi... bị "nổ".
Thì ra mình còn mù nhiều!
Mấy hôm nay nóng nực quá! Bệnh tình xem ra đã có vẻ bứt rứt, khó chịu.
12-7
Đủ các thứ chán, bệnh não, tiền tài, bè bạn!?! Một con dấu than “!" đáng buồn.
Buồn và chán vô cùng tận.
12-12
Mình lại qua một thu đông thứ hai tại cái đất chết tiệt này.
Từng làng, từng làng san sát. Khó khăn cho những thằng "buôn máu', "bán xác" là các làng ấy đều bao bọc bằng đồng chiêm. Tất cả bọn người địa phương không thể tin một đứa nào, dù già, trẻ, toét, ốm... Đúng mùa lúa con gái đang trỗi dậy, hãy coi chừng trên khoảng ruộng xanh rì ấy... Thằng bé con đang nhặt cỏ, đúng là một tên cảnh giới đang làm nhiệm vụ viễn tiêu. Dù chỉ một câu nói "Trâu ai ăn lúa nhà tôi thế này?" cũng chớ có bỏ qua.
Cẩn thận? Có thể là một ám hiệu, một cách báo tin để chuẩn bị... Thấy nơi nào bề ngoài ngoan ngoãn nhất là nơi ấy có một cuộc hò hẹn của "đổ máu” và "giết chóc".
Tiến quân giữa lúc oi ả, đừng nên chọn nơi râm mát, và nếu có thể nên đi trà trộn vào bọn tù.
Gặp địch, hò hét nhiều là vũ khí ít, đánh rụt rè, dành đường ta tiến, ấy là lực lượng chúng có thừa, sắp sửa nuốt chửng mình.
Đứng trước bọn cuồng tín, ham chết hơn đầu hàng "theo lời đại tá Némo" phương châm chính của ta là dùng "tư tưởng chiến thuật" hơn "hỏa lực chiến thuật".
Những ao rau muống sát lũy tre nếu cho lính xuống khua... rất có thể ở giữa ao có một “cái ống" lớn như ống cống ở Hà Nội, chui vào cái ống đó lặn chừng ba, bốn thước sẽ lọt thỏm vào gốc tre, đấy là những hầm chiến đấu theo từng tổ tam chế.
Phải chú ý nghiên cứu cái chiến thuật phục kích "cắt ngang khóa đít", chiến thuật mới nhất của "vẹm" mới được...
23-1-1954
Hà Nội lại đây rồi... Vẫn chẳng có gì thay đổi... Phố xá vẫn đông, người lại người, màu sắc sặc sỡ, ồn ào, hỗn độn, ô tô, tàu điện, tiền bay bí mật, tới tấp... Có nhiều mùi... thơm, thối, gây gây và hôi hôi.
Khách bộ hành có những vẻ khác nhau... hớn hở, hùng hổ, hết hoảng, hối hả, hổn hển.
Bọn hớn hở vì vừa làm được một cái gì bất lương nhưng có lợi. Còn hùng hổ, hốt hoảng, hai cái đối lập với nhau ấy là bọn ăn cắp nhưng có tàn có tán, có long án thờ vua. Nó hùng hổ dận "gaz" hối hả hưởng các thứ mà nó đã ăn cắp được bằng nét mặt hãnh diện, nhưng làm sao giấu nổi cái trơ trẽn của một thằng ăn cắp.
Cũng một quãng đường đi đó, có kẻ vừa đi vừa tìm cây cỏ lạ để thưởng thức. Có kẻ vừa đi vừa nhận xét... nhưng nhận xét để không làm gì cả! Có kẻ chỉ đi mải miết, coi chung quanh như “chết hết”.
Vậy thì trong ba kẻ đó, ai dám bảo ai là có lý, ai là không?
5-3-1954
Mình vẫn sống trong một căn bệnh khủng hoảng khó chữa.
Mình có ý định sẽ bỏ vợ, bỏ con, nghĩa là bỏ cả gia đình để đi. Mình không điên khi nghĩ thế. Mình đã có ý ấy. Xưa nay ý định đối với mình đều thành hành động cụ thể cả.
Mấy hôm nay, mình luôn luôn cáu kỉnh với vợ con, thương cho đàn bà dừng chân bên một tâm hồn còn chứa chan mộng phiêu bạt.
Tự nhiên mình không muốn vợ mình phải buộc vào tên mình nữa dù đi còn ngày về hay không, mình sẽ coi như bỏ hẳn vợ.
Sự âm ỉ đã nổ trong tâm trạng của mình, của một thằng đã bị "tê liệt trí tuệ" vì các bộ máy đã hoen gỉ cả.
Từ hai hôm nay, hôm qua làm mười một điếu thuốc phiện, vừa rồi chơi sáu điếu và một cái xái nhất. Bây giờ đang gãi ngứa và sống tê lê mê trong một ảo ảnh cuồng điên.
Buồn miên man... Kêu than với định mệnh,.. đáng kinh thay một tâm trạng ủy mị và yếu hèn...
Qua những trang nhật ký, Vinh và Tuấn hiểu được đại khái trong một thời gian ngắn Lieutemant Phong Ba đã đi từ Bảo chính đoàn đến Sở công an đặc vụ nha cảnh sát và công an Bắc Việt, và cuối cùng thì về Cie 112, tiểu đoàn 7 khinh quân ngụy, rồi lên Điện Biên Phủ này.
Họ chuyền tay nhau quyển sổ nhỏ và bị hút vào đó như khi người ta xem một cái quái thai. Vinh giở lại trang đầu nhìn mãi chiếc ảnh của Lãng trố, anh lẩm bẩm:
- Xuống hố! Xuống hố nhanh thế!... Bơ sữa lắm vào! Không biết nó bị địch bắt rồi theo hay tự ý "dính" vào với địch?
Vinh quay về phía Quân:
- Cậu Quân này, cậu có biết thằng này không nhỉ?
Quân lắc đầu. Trong óc anh hiện ra một người có râu con kiến mặc quần áo kaki bóng nhoáng, đội mũ vải to, ngất nghểu ngồi trên mình ngựa, thanh kiếm Nhật dài lúc lắc bên hông... Anh nghĩ có lẽ hắn như vậy. Ngày đó anh còn là một chiến sĩ bắn súng máy.
- Trụy lạc quá nhỉ! - Quân nói một câu ngắn ngủi rồi bỏ đi.
Tuấn ngồi tư lự rất lâu. Những trang nhật ký làm cho anh vừa kinh tởm vừa xót xa. Tên sĩ quan nguỵ này không phải mới chết đêm qua, mà thực ra hắn chết từ lâu rồi. Từ bức ảnh tên trung úy, hắn mặc một chiếc áo trắng toát, nước ảnh bóng láng, như đang bốc lên một đám bụi mỏng chứa đựng vô vàn con vi trùng khiến anh không dám nhìn nữa. Những đường phố Hà Nội thân yêu, Hồ Gươm nước xanh biếc đẹp như con mắt trong của một cô gái mới lớn, đang bị vẩn đục vì những đám bụi ghê tởm này... Cái gì đã thúc đẩy hắn trở thành một tên phản bội? Hắn không chịu đựng được những khó khăn, thiếu thốn của cuộc kháng chiến ư? Hay là một phút yếu lòng nào trước bom đạn của kẻ thù đã làm cho hắn rời bỏ hàng ngũ của ta? Hay là một lý do nào khác?... Anh nhớ lại những người bạn đã chung sống với mình từ những ngày đầu kháng chiến. Không thiếu những người như Lãng mà anh vừa nghe Vinh kể lại. Ngày đó, Vinh và cả chính anh nữa, cũng không khác họ nhiều. Kháng chiến đã biến đổi họ trên từng chặng đường. Rồi họ trở thành những con người như hôm nay. Anh chợt nhìn thấy mình đã thay đổi khá nhiều. Và anh tự hỏi nếu không có cách mạng thì anh và người bạn đang ngồi trước mặt sẽ ra sao? Có lẽ họ sẽ sống một cuộc đời vô nghĩa như nhiều cuộc đời mà họ đã được chứng kiến từ khi lọt lòng. Họ sẽ chẳng là gì cả! Điều đó thật chắc chắn. Vậy mà hôm nay, họ đang đứng trong đội ngũ những người đảm đương một nhiệm vụ lịch sử trọng đại. Còn bao nhiêu khó khăn, thử thách ghê gớm đang chờ đợi họ... Nhưng nếu rồi đây, nhiệm vụ hoàn thành? Nếu tới ngày đó mà mình còn sống?... Cuộc đời sẽ đẹp đẽ biết bao! Trong lòng anh bỗng rộn lên một niềm vui...