Always read something that will make you look good if you die in the middle of it.

P.J. O'Rourke

 
 
 
 
 
Thể loại: Tiểu Thuyết
Dịch giả: Tô Hoàng
Biên tập: Lê Huy Vũ
Upload bìa: Lê Huy Vũ
Số chương: 34
Phí download: 5 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 325 / 31
Cập nhật: 2020-04-04 20:27:58 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 17
húng tôi chuẩn bị để đón nhà triệu phú Fred Lasky tới thăm.
– Ông ta sẽ đến sau mười lăm phút nữa, - Silvers nói. - Thoạt tiên anh mang ra hai bức tranh và tôi sẽ bảo anh mang bức tranh Sisley. Khi đó anh mang bức tranh của Sisley ra, đặt nó úp mặt vào tường và anh thì thào vào tai tôi vài lời. Tôi làm bộ như không hiểu anh nói gì và tôi giận dữ hỏi anh có chuyện gì thế. Anh sẽ nói và nói to hơn là bức tranh Sisley ta đã hứa dành cho ngài Rockefeller rồi. Anh hiểu chưa nào?
– Tôi hiểu ạ, - tôi đáp.
Đúng mười lăm phút sau ông Lasky đến cùng với bà vợ.
Tất cả diễn ra trôi chảy. Bức tranh của Sisley một bức phong cảnh đã được mang vào trong phòng. Tôi thì thầm bên tai ông Silvers vài lời và đáp lại ông giận dữ ra lệnh cho tôi phải nói to hơn, kể cả những gì bí mật cũng được. - Silvers nói thế.
– Cái gì? - Silvers hỏi bằng giọng sửng sốt. - Chả lẽ là Sisley chứ không phải là Monet sao? Anh lầm rồi. Tôi đã ra lệnh cho anh để lại bức tranh của Monet cơ mà.
– Xin lỗi, thưa ngài Silvers, tôi sợ ngài nhầm ạ. Tôi đã ghi chính xác tất cả rồi. Xin ngài nhìn lại xem ạ, - tôi chìa cuốn sổ ra trước mặt Silvers.
– Quả là anh đã đúng, - Silvers nói, - nhưng không sao cả. Đã để lại có nghĩa là để lại.
Tôi đưa mắt nhìn ông Lasky. Ông ta gầy còm xanh xao, trên mình vận bộ y phục màu xanh, chân dận ủng nâu. Ông ta cố ý chải cho những lọn tóc thưa thớt che đi cái đầu đã hói trụi. Ngược với chồng, bà Lasky mập mạp gấp đôi ông và cao ăn đứt ông chồng cả một cái đầu. Từ đầu đến chân bà ta lóng lánh những hạt xa phia.
Tôi dừng lại, lưỡng lự giây lát, tay cầm bức tranh làm sao cốt để ông bà Lasky nhìn thấy một phần của bức tranh đó. Thế là bà Lasky lập tức bị mắc câu liền:
– Chắc ông Silvers đây không cấm ai được ngắm bức tranh kia chứ? - Bà ta nói bằng giọng khàn khàn. - Hay ngắm cũng không thể được?
Trong giây lát Silvers như biến thành một người khác.
– Dạ, đâu có chuyện đó! Xin bà vì lượng Chúa tha thứ cho. Anh Ross, sao anh không để chúng tôi ngắm bức tranh này? - Ông ta nói với giọng có vẻ bị phật ý và hướng về phía tôi, ông nói bằng tiếng Pháp như vào những lần tiếp khách hàng khác. - Allez vite, vite!
Tiếng Pháp trong nguyên bản: Nhanh lên, nhanh lên!
Tôi làm bộ luống cuống vội vã đặt bức tranh lên một chiếc giá. Sau đó tôi vội vã trở về chỗ của tôi trong gian nhà kho, tai vẫn nghểnh lên lắng nghe ông chủ của tôi trò chuyện với khách ở gian bên. Hình như khách sắp sửa ra về.
Cuối cùng thì Silvers bước vào gian nhà kho, người sực nức mùi xì gà.
– Anh có muốn hút thuốc Partagas không? - Vẻ mặt mãn nguyện, ông ta hỏi tôi.
Tôi từ chối. Khi một người còn mắc nợ tôi một khoản tiền chưa trả mà bỗng nhiên lại xử sự một cách hào phóng như vậy lập tức khiến tôi sinh nghi. Tôi vẫn đang chờ ông chủ trả cho tôi món tiền vì tôi đã dẫn bà Whymper tới mua tranh. Tối hôm nay tôi dự định đi chơi với Natasha. Tôi sẽ đưa nàng tới ăn bữa tối tại một nhà hàng có máy điều hòa. Thế mà lúc này trong túi tôi chẳng còn một đồng nào.
– Vợ chồng ngài Lasky mắc mồi trận Sisley rồi. - Silvers nói. - Anh đã thấy sự trù liệu của tôi chưa? Tôi đã nói với vợ chồng ngài Lasky là ông Rockefeller nghĩ rằng chúng ta không thể bán ngay bức tranh này sau cái hạn kia một vài ngày. Nghe thấy tôi nói như vậy bà Lasky sướng như điên. Có phải là chuyện đùa đâu khi bà ta cướp được bức tranh ngay trước mũi một con người như Rockefeller.
– Một ngón đòn thường thôi, - tôi thốt ra, vẻ thờ ơ, - điều tôi quan tâm hơn cả chính là ở chỗ những kẻ mắc câu kia là ai?
– Vì sao anh lại cần biết điều đó?
– Bởi lẽ chỉ có những tên cướp vô lương tâm, làm giàu tuyệt nhiên không phải nhờ vào những hoạt động lương thiện mới bị mắc bẫy thôi, thưa ông.
– Em cần đến chỗ anh thợ nhiếp ảnh, - Natasha nói, - anh đi cùng với em. Ta ở đấy không lâu đâu.
– Độ bao lâu?
– Một tiếng hay hơn một chút thôi. Mà sao anh lại hỏi như vậy? Anh ở đấy buồn lắm phải không?
– Hoàn toàn không buồn. Đơn giản là anh chỉ muốn biết khi nào chúng ta có thể đi ăn tối, trước khi tới chỗ anh nhiếp ảnh hay sau đó?
– Sau đó. Lúc ấy chúng ta muốn bao nhiêu thời giờ cũng được. Còn nếu đi ngay lúc này, em chỉ có được nửa tiếng thôi. Mà chẳng lẽ điều đó quan trọng lắm sao anh? Mà anh đã nhận tiền dắt bà Whymper đến mua tranh chưa?
– Chưa đâu. Nhưng lại có mười đô la do anh em nhà Lowy thưởng cho. Họ nghe theo lời anh đã mua bức tượng Trung Quốc kia chỉ mất hai mươi đô la thôi. Còn lúc này anh khao khát mong muốn được vui chơi thoải mái với em bằng khoản mười đô la đó.
Natasha nhìn tôi âu yếm.
– Nhất định chúng ta sẽ vui chơi thoải mái tối hôm nay.
Nơi làm việc của anh thợ nhiếp ảnh thật mát mẻ. Mọi cánh cửa sổ đều đóng lại hết để máy điều hòa làm việc. Tôi có cảm giác đang ngồi trong một chiếc tàu ngầm. Những người còn lại thấy rõ là chẳng một ai để tâm đến điều này, cảm giác của tôi chỉ chứng tỏ tôi là một người mới giữa bọn họ.
– Sang tháng tám trời còn nóng bức hơn nữa. - Nicky nói để an ủi tôi.
Những ngọn đèn chiếu bật sáng. Ngoài Natasha, ở đây còn một cô gái người mẫu tóc vàng mà tôi đã gặp khi tôi đến lần trước. Và còn cả anh chàng tóc đen nhánh, gương mặt xanh mét vốn là chuyên gia về hàng tơ Lyon ở cửa hàng này. Anh ta cũng đã nhận ra tôi.
– Chiến tranh đang đi gần tới giai đoạn kết cục, - anh ta nói với giọng rất kịch. - Còn một năm nữa thôi và rồi chúng ta sẽ quên đi cuộc chiến tranh này.
– Anh tin như vậy sao?
– Tôi có những chứng cớ hẳn hoi.
– Thật thế sao?
Tôi thở dài. Đúng, tôi hiểu rằng nước Đức đang ở trong một tình thế hết sức nặng nề, nhưng dẫu sao tôi cũng không thể nào tin nổi rồi có một lúc nào đó chiến tranh sẽ kết thúc.
– Thực như vậy đấy, - anh bạn mặt xanh xao nói với tôi, - rồi anh sẽ thấy như tôi nói cho mà coi. Chỉ sang năm thôi chúng tôi lại có thể nhập tơ Lyon được rồi.
Một cơn xúc động kì lạ ùa ập xâm chiếm tôi: cái khoảng chân không vĩnh viễn mà những kẻ lưu vong chúng tôi đang sống đây đột nhiên như mất đi cái vô cùng vô tận của nó. Những chiếc đồng hồ sẽ đổ hồi tích tắc đều đặn, những tháp chuông sẽ lại ngân nga, các cuốn phim đã ngừng chiếu sẽ xè xè chuyển động. Nó sẽ chuyển động mỗi lúc một nhanh hơn, chuyển động cả về phía trước lẫn phía sau, trong sự thiếu nhất quán điên rồ của nó hệt như cái suốt chỉ xổ tung ra. Đọc tin tức trên báo chí tôi thực sự không tin là chiến tranh rồi sẽ có một lúc nào đó chấm dứt. Nhưng thậm chí nếu giả như chỉ cần trong phút giây tôi cho rằng cái khả năng kia có thể xảy ra, thì tôi cũng hiểu ngay là tôi sẽ phải đón đợi sự xuất hiện một điều gì đó khác còn dữ dội, khủng khiếp hơn cả cuộc chiến tranh này nhiều. Cái nếp nghĩ đó đã hằn in trong óc tôi rồi. Nhưng lúc này thì anh bạn mặt xanh xao đang ngồi trước mặt tôi đây, đối với anh ta, chiến tranh kết thúc có nghĩa là một lần nữa nước Mỹ lại được nhập hàng tơ Lyon. Chỉ có và chỉ cần thế thôi! Tơ Lyon, thứ hàng xa xỉ này đối với anh bạn Mỹ kia hẳn phải có ý nghĩa hơn bản thân cuộc chiến tranh đang xảy ra chứ?
Cuối cùng thì Natasha cũng đã xuất hiện. Nàng mặc một chiếc áo dài trắng hở vai ôm sát lấy người. Tay nàng đi găng lên đến tận khuỷu, trên đầu và quanh cổ đeo những hạt ngọc quý mượn ở cửa hàng Van Cleef và Arpels. Tôi bỗng cảm thấy như có mũi kim chích vào ngực. Tôi nhớ tới buổi tối hôm trước. Đứng trước mặt tôi lúc này đâu phải nàng của tôi vào tối hôm qua. Đấy là một người đàn bà tựa như không phải bằng máu thịt, toàn thân sáng lấp lánh với đôi vai để trần lạnh lẽo như tạc bằng đá hoa cương, trong một gian phòng với cái mát lạnh giả tạo. Thậm chí những hạt đá quý lấp lánh trong mái tóc nàng dường như cũng là biểu trưng cho một điều gì đó: chúng chỉ có thể trang trí trên đầu Nữ thần Tự do đang đứng ở bến cảng New York mà thôi.
– Hàng tơ Lyon, - anh bạn mặt xanh mét đang ngồi bên cạnh tôi chỉ tay vào Natasha thốt lên, - tấm áo cô ấy đang mặc may từ cuộn vải tơ cuối cùng của cửa hàng chúng tôi đấy!
– Chả lẽ lại như vậy sao?
Tôi không rời mắt khỏi Natasha. Với vẻ mặt chăm chú nàng im lặng bước đi trong ánh sáng của những ngọn đèn chiếu.
– Anh có hài lòng về chiếc xe Rolls-Royce không? - Một người nào đó vừa ngồi xuống chiếc ghế bên cạnh lên tiếng hỏi.
Tôi ngoái lại.
– Đấy là chiếc xe của ông sao?
Người tôi chưa hề quen biết gật đầu xác nhận. Anh ta vóc dạc cao lớn, tóc đen nhánh và trẻ hơn như tôi thường đoán.
– Tên tôi là Fraser, - anh ta tự giới thiệu. - Natasha đã định đưa anh đến chơi với tôi từ mấy hôm trước.
– Tôi bận quá, - tôi nói. - Rất cảm ơn ông vì đã có nhã ý mời tôi.
– Hôm nay thì chúng ta sẽ bù lại vậy, - anh ta nói. - Tôi cũng đã nói với Natasha rồi. Chúng ta sẽ tới quán Lüchow’s. Ông đã tới quán này bao giờ chưa?
– Chưa, - tôi hơi sửng sốt đáp. Tôi đã định cùng Natasha tới Ông Hoàng Biển Cả. Tôi muốn ở đó chỉ có riêng hai chúng tôi thôi. Nhưng tôi không biết làm cách nào để thoát khỏi hoàn cảnh nan giải này. Tôi không thể từ chối để trở nên lố lăng khi Natasha đã đồng ý và tiếp nhận lời mời của ông bạn này. Tôi không nghĩ Natasha lại muốn khoe với tôi một ông Whymper nào đó.
– Thỏa thuận với nhau rồi nhé! Thôi lát nữa ta sẽ gặp nhau.
Fraser nói bằng giọng lịch sự nhưng rõ ràng anh ta là người đã quen không để người khác cưỡng lại ý định của mình.
Tôi tiến tới chỗ Natasha khi nàng đang đậy va li lại.
– Em tháo bỏ những hạt đá quý ra rồi à?
– Một anh nhân viên cửa hàng Van Cleef và Arpels đã thu chúng về rồi.
– Bây giờ ta đi tới Lüchow’s chứ?
– Anh muốn tới đó sao?
– Sao lại anh? - Tôi hỏi lại. - Anh muốn tiêu xài với em cho hết mười đô la ở Ông Hoàng Biển Cả cơ mà. Nhưng em đã nhận lời mời của ông chủ chiếc Rolls-Royce rồi.
– Em đã nhận lời sao? Anh ta đi đến gặp em và nói đã thỏa thuận với anh rồi.
– Anh ta nói với anh sau khi trò chuyện với em.
Natasha cất tiếng cười.
– Thật xạo!
Tôi nhìn thẳng vào mắt nàng. Và tôi không biết có nên tin nàng hay không đây? Nếu nàng nói thật tức thị tôi đã mắc mồi một cách ngu ngốc. Nhưng tôi lại hoàn toàn không thể nghĩ rằng Fraser đã bày đặt ra trò cạm bẫy vớ vẩn này làm gì. Điều này không phù hợp với diện mạo của anh ta.
– Thôi, đã vậy thì cứ đi, - Natasha nói. - Ta dành mười đô la của anh đến ngày mai.
Chiếc Rolls-Royce đã chờ chúng tôi bên kia hè phố. Tôi ngồi vào xe với những tình cảm trái ngược nhau. Sau khi đã ở trong phòng có máy điều hòa, lúc này cái oi nồng ban đêm như làm chúng tôi ngộp thở.
– Sang năm tới tôi sẽ cho mắc máy điều hòa vào trong xe, - Fraser nói. - Người ta đã phát minh ra máy điều hòa dùng cho xe hơi nhưng hiện tại còn chưa sản xuất hàng loạt. Chiến tranh đang tiếp diễn mà.
– Mùa hè sang năm chiến tranh sẽ kết thúc, - tôi nói.
– Anh tin là như vậy sao? - Fraser hỏi. - Trong trường hợp này anh dự kiến giỏi hơn cả Eisenhower đấy. Ta làm một chút vodka chứ?
– Rất cảm ơn anh, - tôi đáp, - nhưng lúc này thời tiết quá nóng nực.
May sao quán Lüchow’s không ở xa lắm. Tôi hết sức sửng sốt vì Lüchow’s là một nhà hàng của người Đức. Lúc đầu tôi cứ ngỡ là xe chúng tôi lạc vào một dãy phố của người Đức cơ. Sau thì tôi hiểu chiếc Rolls-Royce này đã mang lại cho tôi nỗi bất hạnh.
– Anh có thích món thịt nai rán với trái nam việt quất không? - Fraser hỏi tôi. - Và cả món bánh khoai tây rán nữa?
– Chả lẽ ở Hợp chủng quốc cũng có trái nam việt quất sao?
– Có chứ. Ở bên Đức các anh gọi tên hơi khác đi một chút, phải không? - Fraser vẫn nói với giọng lịch sự nhưng tôi cũng nhận ra cái vẻ xỏ xiên trong câu hỏi của anh ta.
– Có lẽ là như vậy, - tôi đáp. - Đã lâu rồi tôi không còn ở quê hương nữa. Trong khoảng thời gian đó đã có bao nhiêu điều thay đổi. Không ngoại trừ cả cái quả nam việt quất này bây giờ cũng được đặt tên là “nam việt quốc xã”…
– “Nam việt quốc xã”? Nghe thật tức cười. - Nói đến đây Fraser cất tiếng cười.
– Uống gì đây? - Natasha hỏi.
– Gì cũng được. Nhưng có lẽ ngài Ross thích uống một vại bia hơn? Hoặc rượu vang Rhein? Ở đây vẫn trữ được ít chai vang Rhein của Đức chính hiệu đấy!
– Tôi không khước từ một vại bia. Có lẽ bia thích hợp với bầu không khí ở đây hơn.
Trong lúc Fraser trao đổi với người hầu bàn, tôi đưa mắt nhìn bao quát cái nhà hàng này. Nó nửa như những quán bia trên phố, nửa lại như một hộp đêm. Ngoài ra nó còn phảng phất giống những quán rượu trang nhã, thanh lịch tại Berlin thời Cộng hòa Weimar. Quán chật lèn người. Dàn nhạc chơi nhạc khiêu vũ xen kẽ với những bản dân ca. Tôi đoán không phải ngẫu nhiên Fraser mời chúng tôi tới nhà hàng này. Anh ta đã nhóm lên ngọn lửa mà tôi sẽ cháy thiêu trong đó, một ngọn lửa được đốt với thứ củi của dân lưu vong chúng tôi. Để giữ được chừng nào hay chừng ấy mặt mũi của mình, tôi buộc phải bảo vệ đến từng chi tiết nhỏ cái tổ quốc không có tội lỗi gì của tôi trước những đòn tấn công của tên người Mỹ này.
– Ta có gọi món cá muối không? - Fraser hỏi. - Cá muối ở cái quán này đặc biệt ngon. Và để nhắm với cá muối, chúng ta cần nhấp một cốc rượu Steinhäger Đức vẫn còn bán ở đây chứ nhỉ?
– Một ý tưởng tuyệt diệu, - tôi nói. - Nhưng đáng tiếc, bác sĩ nghiêm cấm tôi uống thứ rượu này.
Chúng tôi ngồi đợi. Natasha khẽ huých vào bên sườn tôi khi nàng cho gọi món cá muối với củ cải đỏ. Đúng là một món ăn Đức trăm phần trăm.
Rượu vang làm cho tôi bốc lên. Tôi bắt đầu tuôn ra những lời châm biếm cay nghiệt khiến Fraser hết sức thích thú. Đến lượt mình, Fraser hỏi tôi có cần anh ta giúp đỡ gì không. Trong vai trò của một đức Chúa trời của Washington sẵn sàng dọn dẹp mọi ngáng trở trên con đường đời của tôi, Fraser càng nói càng như chất thêm củi vào đống lửa đang dần dần bùng cháy trong lòng kẻ lưu vong là tôi. Nhưng tôi đâu chịu khuất phục, tôi tuyên bố là mọi chuyện của tôi đều hết sức ổn thỏa và tôi hết sức cảm ơn sự quan tâm của anh ta.
Món thịt nai rán quả là tuyệt vời, vì vậy tôi dễ dàng nhận ra tại sao khách khứa ở đây chật như nêm. Ở New York có lẽ không tìm đâu ra một cái quán nào khác có món ngon như thế này.
Tôi giận mình vì không có năng khiếu hài hước để làm nhẹ đi bầu không khí đã tạo ra giữa ba chúng tôi. Có cảm tưởng là Natasha không để ý đến điều đó. Bây giờ nàng đang gọi món nước quả. Tôi cũng không ngoại trừ khả năng nàng làm ra vẻ như vậy thôi, còn trong thực tế nàng cũng nhận ra cái tình thế không dễ chịu gì giữa ba chúng tôi, nhưng nàng phải tảng lờ đi vì tình thế kia là do chính sự ngốc nghếch của tôi tạo ra. Nhưng cũng có một điều khác dễ dàng nhận ra ngay: Natasha đã cùng với Fraser đến cái quán này lần này không phải là lần đầu và bây giờ Fraser làm tất cả mọi việc cố ý để tôi thấy rõ điều đó. Lại thấy rõ là tối hôm nay tôi cùng họ trải qua buổi tối cuối cùng. Tôi cũng không thích để người Mỹ quở trách tôi vì lòng tốt của họ. Tôi không muốn chịu ơn mỗi một người Mỹ bởi cái cớ mà vì họ tôi được sống ở nước Mỹ. Tôi cảm ơn chính quyền nhưng tôi không thể cảm ơn anh chàng Fraser này vì anh ta đã có làm gì lợi lộc cho tôi đâu.
– Liệu ta có nên kết thúc tối hôm nay tại El Morocco hay không nhỉ?
Tôi đã cảm nhận thật đầy đủ thân phận kẻ lưu vong của mình. Tôi chỉ mong mỗi một điều Natasha chấp nhận ý kiến Fraser vừa nêu ra. Nàng thích đến quán này lắm kia mà.
– Tôi mệt lắm, - nàng nói, - hôm nay là một ngày rất vất vả của tôi. Anh hãy đưa tôi về nhà.
Chúng tôi bước ra phố trong cái oi nồng ngột ngạt.
– Chúng ta đi bộ thôi, - tôi nói với Natasha.
– Tôi sẽ chở các bạn, - Fraser nói.
Đây chính là chỗ tôi nghi ngờ nhất. Fraser muốn đưa tôi về nhà còn sau đó anh ta và Natasha sẽ đi tiếp. Họ sẽ đến El Morocco hay đến nhà anh ta. Ai mà biết được. Nhưng tôi dính dáng gì vào chuyện này nhỉ? Tôi có quyền hành gì với Natasha đây? Và quyền hành - hai chữ đó có nghĩa gì đây? Và nếu có nghĩa thì cái quyền ấy thuộc về Fraser chứ? Tôi đơn giản ra chỉ là một kẻ xâm lược. Thêm vào đó là một kẻ xâm lược đang đóng vai người bị xúc phạm.
– Anh cùng đi chứ? - Fraser hỏi với giọng không mấy thân thiện.
– Tôi sống không xa đây. Tôi có thể đi bộ được.
– Có họa là điên, - Natasha phản đối, - đi bộ vào lúc nực nội, oi ả như thế này sao? Anh Fraser hãy chở chúng tôi về nhà tôi, từ ấy anh Ross về nhà anh ấy chỉ hai bước chân.
– Được thôi.
Chúng tôi ngồi vào xe. Đến nhà Natasha, anh ta tạm biệt chúng tôi.
– Thật là một buổi tối tuyệt vời! Chúng ta sẽ tái ngộ vào một lần khác nhé.
– Rất cảm ơn. Sẽ tái ngộ.
“Không bao giờ!” - Tôi thầm rủa trong đầu, khi tôi nhìn Fraser hôn vào má Natasha tạm biệt.
– Ngủ ngon, anh Fraser, - nàng nói. - Tôi rất tiếc không thể đi với anh được. Tôi quá mệt.
– Thôi lần sau vậy. Chúc ngủ ngon, darling.
“Darling”, - tôi nghĩ. Ở nước Mỹ, từ này chẳng có nghĩa gì mà lại cũng mang rất nhiều ý nghĩa. Người ta có thể nói như vậy với cô điện thoại viên mà người ta chưa từng biết mặt. Người ta lại cũng có thể gọi như vậy với những người đàn bà mà người ta yêu hơn cả cuộc sống của mình. “Darling” - lần này anh chàng Fraser kia bằng tiếng gọi ấy muốn gài một trái mìn nổ chậm đây.
Tôi và Natasha đứng đối diện nhau. Ngay lúc này tôi hiểu rằng nếu tôi không kiềm chế mình, mọi điều sẽ kết thúc tắp lự.
– Một con người thật hết sức đáng yêu, - tôi nói. - Em cảm thấy mệt thực sao, Natasha?
Nàng gật đầu.
– Đúng thế đấy. Mọi thứ thật chán phèo, còn anh chàng Fraser thì thật đáng tởm.
– Anh không thấy như vậy. Vì anh, Fraser đã đưa chúng ta tới cái nhà hàng Đức kia và đã cư xử thật đáng yêu. Những người như anh ta thật hiếm gặp đấy.
Natasha ngước nhìn tôi.
– Darling, - nàng nói và đâu có biết tiếng này khiến tôi đau nhói như đang đau răng, - đừng cố gắng trở thành một kẻ hào hoa phong nhã làm gì. Anh ta làm em buồn chán đến nẫu ruột gan.
– Tối hôm nay cũng vậy sao?
– Tối hôm nay cũng thế thôi. Em không biết anh đã nghĩ như thế nào mà nhận lời mời xuẩn ngốc đó.
– Anh nhận lời mời ấy à?
– Đúng thế, chính anh. Anh hãy thử nói lỗi ấy là do em đi nào?
Tôi cũng đã định nói như vậy, nhưng may sao tôi bỗng nhớ tới bài học mà cha tôi đã dạy tôi vào cái ngày khi tôi tròn mười bảy tuổi.
“Con, - ông nói, - đang đặt bước chân vào cái thời đại của đàn bà. Chính vì lẽ đó con hãy ghi nhớ nằm lòng: trên đời này đã có biết bao kẻ ngu xuẩn, ngốc nghếch cứ muốn chứng minh cái uy quyền của họ đối với đàn bà và sự hợp lí của cái uy quyền đó.”
– Anh có lỗi, - tôi lầm bầm, - nếu có thể xin em tha thứ cho anh vì anh đã ngốc nghếch như vậy.
Natasha nhìn tôi bán tín bán nghi.
– Anh nghĩ anh ngốc nghếch thật sao, hay đây chỉ là một sự vuốt ve, nhân nhượng?
– Vừa thế này vừa thế khác, Natasha.
– Vừa thế này vừa thế khác?
– Thì biết làm sao được? Anh hoàn toàn bị quẫn trí và đã biến thành một tên ngốc thực sự rồi.
– Em không để ý thấy.
– Chẳng cần để ý thấy làm gì. Tất cả những gã đàn ông đang mê mẩn đàn bà đều trở thành những con chó dại hết. Em đã biến anh thành người như thế nào có trời mà biết được.
Gương mặt của nàng bỗng biến đổi hẳn.
– Thật tội nghiệp anh của em! - Nàng nói. - Em không thể đưa anh lên tầng trên được. Cô bạn láng giềng của em sẽ xỉu ngất mất. Và cô nàng sẽ rình rập, nghe ngóng bên ngoài cánh cửa suốt đêm nay thôi. Không thể được.
Tôi muốn đánh đổi mọi thứ mà tôi có trên đời này để được bén gót theo nàng. Nhưng tôi cũng lại cảm thấy không thể làm như vậy được. Như thế cũng rõ ràng, những người khác cũng không được nàng cho phép như tôi. Tôi vòng tay ôm lấy vai nàng.
– Anh và em còn nhiều thời gian ở phía trước. - Nàng nói. - Nhiều thời gian đến khôn cùng. Ngày mai, ngày kia, những tuần lễ tới, những tháng tới… Nhưng dẫu sao em với anh vẫn có cảm tưởng là chỉ một buổi tối không như ý như vừa nói, toàn bộ cuộc đời bỗng mất đi ý nghĩa có phải không anh?
– Anh vẫn như nhìn thấy những hạt đá quý của cửa hàng Van Cleef và Arpels trên tóc em. Anh muốn nói là anh lại nhìn thấy những hạt đá ấy. Ở quán Lüchow’s anh hầu như đã không nhìn thấy chúng.
Natasha cười ngặt nghẽo.
– Lúc ở nhà hàng anh không chịu đựng nổi em, có đúng thế không?
– Đúng thế.
– Em cũng không chịu được anh. Thôi chúng ta không nên tái diễn lại những trò như thế nữa nhé? Chúng ta hiện giờ đã ở giới hạn của mọi sự bực bội, căm ghét rồi.
– Không phải lúc nào cũng vậy sao?
– Lạy Chúa, không bao giờ. Không thì cuộc sống sẽ biến thành một thứ mật ngọt mất.
Tôi cho rằng trong thế giới này quả là còn thiếu một thứ mật ngọt. Nhưng tôi lặng im không nói gì cả. Đó là cái tính cách đã mọc rễ đâm chồi trong tôi. Cái tính cách muôn ngàn lần đáng nguyền rủa.
Natasha kéo tôi đến cửa.
– Hôn em đi! - Nàng thì thầm. - Và hãy yêu em đi. Em cần cảm thấy được có người đang yêu em. Hoặc anh cút xéo đi, cút đi. Hoặc em tự lột áo quần em ra đây.
– Lột ra đi! Không ai nhìn thấy chúng ta đâu.
Nàng xô tôi ra ngoài đường.
– Đi đi! Chính anh có lỗi ở tất cả mọi điều. Đi đi…
Nàng đóng sập cửa lại. Đêm ngột ngạt, ẩm thấp. Tôi chậm rãi lê gót tới ga xe điện ngầm. Từ dưới đường hầm phả vào mặt tôi một làn không khí nóng hập. Ga xe điện ít ánh sáng quá. Chuyến tàu vọt ra khỏi bóng đêm và từ từ dừng lại. Các toa hầu như không còn khách. Ở một toa có một người đàn bà đứng tuổi, ngồi xa chút nữa là một người đàn ông. Tôi ngồi ở đầu bên kia toa. Và chúng tôi lăn đi dưới lòng đất của một thành phố xa lạ.
Bóng Tối Thiên Đường Bóng Tối Thiên Đường - Erich Maria Remarque Bóng Tối Thiên Đường