Số lần đọc/download: 1559 / 46
Cập nhật: 2017-05-09 22:25:05 +0700
Chương 18
K
hi đến chỗ bà Gloria Dump, tôi nói với bà rằng tôi có hai bất ngờ cho bà và hỏi bà muốn cái nào trước, bất ngờ lớn hay bất ngờ nhỏ.
“Cái nhỏ trước,” bà Gloria nói.
Tôi đưa cho bà một chiếc Littmus Lozenge và bà lăn qua lăn lại nó trên tay mình để cảm nhận.
“Kẹo?”
“Vâng ạ,” tôi trả lời. “Nó được gọi là Littmus Lozenge.”
“Ôi Chúa ơi. Ta biết những cái kẹo này. Cha ta đã từng ăn mà.” Bà bóc vỏ chiếc kẹo, đưa lên miệng và gật đầu.
“Bà có thích nó không?” tôi hỏi.
“Ừm.” Bà khẽ gật đầu. “Nó có vị ngọt, nhưng lại có vị như thể có ai đó đang rời đi.”
“Ý bà là buồn?” tôi hỏi lại. “Nó có tạo ra vị buồn phiền trong bà không?”
“Đúng rồi, nó có vị buồn phiền nhưng vẫn ngọt. Nào, bất ngờ thứ hai là gì?”
“Một quyển sách,” tôi nói.
“Một quyển sách?”
“Vâng. Cháu sẽ đọc cho bà nghe quyển Cuốn theo chiều gió. Bà Franny nói rằng nó là một quyển rất hay nói về cuộc nội chiến. Bà có biết cuộc nội chiến không?”
“Ta đã từng nghe đến nó một hai lần trước đây,” bà Gloria gật đầu, miệng vẫn ngậm chiếc kẹo Littmus Lozenge.
“Chúng ta sẽ phải mất nhiều thời gian đọc nó đây,” tôi nói với bà. “Nó có tất cả một ngàn không trăm ba mươi bảy trang.”
“Ái chà,” bà Gloria ngồi xuống ghế và đặt hai tay vắt chéo ngang qua bụng. “Tốt hơn hết là chúng ta nên bắt đầu ngay bây giờ.”
Thế là tôi bắt đầu đọc chương đầu tiên quyển Cuốn theo chiều gió cho bà Gloria Dump. Tôi đọc thật to để xua đuổi những bóng ma ra khỏi đây. Bà Gloria Dump lắng nghe chăm chú. Khi tôi đọc xong, bà nói đấy là bất ngờ tuyệt vời nhất bà từng có và bà rất nóng lòng chờ nghe chương hai.
Tối hôm đó, tôi đưa cho ngài mục sư chiếc kẹo Littmus phần ông ngay trước khi ông hôn tôi chúc ngủ ngon.
“Gì đây?” ông hỏi.
“Đây là loại kẹo cụ của bà Franny sáng tạo ra, tên là Littmus Lozenge.”
Ngài mục sư bóc vỏ và đưa lên miệng. Trong phút chốc ông bắt đầu xoa nhẹ mũi và gật đầu.
“Cha có thích nó không?” tôi hỏi.
“Nó có một vị rất đặc trưng...”
“Bia rễ cây?”
“Cái gì đó khác nữa.”
“Dâu tây?”
“Có cả vị đó, nhưng vẫn còn một vị gì đó. Thật kỳ lạ.”
Tôi có thể thấy ngài mục sư càng lúc càng đăm chiêu. Ông khom vai lại, hạ thấp cằm xuống và sẵn sàng để chui vào lại cái mai của mình.
“Nó có một chút vị u sầu.”
“U sầu ư? Nó là gì vậy?”
“Buồn,” ông nói, bóp mũi mạnh hơn nữa. “Nó khiến cha nhớ đến mẹ con.”
Winn-Dixie khịt mũi ngửi cái vỏ kẹo trên tay ngài mục sư.
“Nó có vị buồn,” ông nói và thở dài. “Đây hẳn là một mẻ kẹo hỏng.”
“Không,” tôi nói với ông. “Đó là một phần hương vị của nó. Ngài Littmus trở về sau chiến tranh và toàn bộ gia đình ông đã chết. Cha ông chết trên chiến trường, mẹ và các chị em của ông chết vì bệnh dịch còn nhà của ông bị những kẻ đến từ miền Bắc đốt cháy. Littmus đã buồn, rất buồn và thứ ông cần nhất trên đời này là cái gì đó ngọt ngào. Vì thế ông xây dựng nhà máy sản xuất kẹo và tạo ra Littmus Lozenge. Ông đã trộn tất cả nỗi buồn của mình vào trong đó.”
“Lạy Chúa tôi,” ngài mục sư kêu lên.
Winn-Dixie thổi bay cái vỏ kẹo ra khỏi tay ngài mục sư và bắt đầu nhai.
“Đưa nó cho tao,” tôi yêu cầu Winn-Dixie nhưng nó không chịu từ bỏ. Tôi phải đưa tay vào miệng nó lôi ra. “Mày không thể ăn vỏ kẹo được.”
Ngài mục sư hắng giọng. Tôi nghĩ rằng ông sắp sửa nói ra điều gì đó quan trọng, có thể là một điều khác nữa ông nhớ về mẹ tôi; nhưng rồi ông nói: “Opal này, hôm trước ta có nói chuyện với bà Dewberry. Bà bảo Stevie nói với bà rằng con gọi nó là đồ con nít trọc đầu.”
“Đó là sự thật,” tôi nói. “Con đã gọi nó như thế. Nhưng tại nó cứ luôn miệng nói bà Gloria Dump là phù thủy, và bác Otis là kẻ thiểu năng. Một lần nó còn nói rằng mẹ nó bảo con không thể cứ suốt ngày chơi với mấy bà già được. Nó đã nói như thế đấy.”
“Ta nghĩ con nên xin lỗi,” ngài mục sư nói.
“Con sao?”
“Đúng thế,” ông nói. “Con. Con nói với Stevie rằng con xin lỗi nếu con nói bất cứ điều gì làm tổn thương nó. Ta chắc nó chỉ muốn kết bạn với con thôi.”
“Con không nghĩ thế,” tôi nói. “Con không nghĩ nó muốn kết bạn với con đâu.”
“Một số người có cách kết bạn hết sức kỳ lạ. Con cần phải xin lỗi.”
“Vâng, thưa cha,” tôi trả lời. Rồi tôi chợt nhớ đến Carson. “Cha,” tôi gọi, “cha có biết điều gì đó về Amanda Wilkinson không?”
“Điều gì là điều gì cơ?”
“Cha có biết gì về nó và một người tên là Carson không?”
“Carson là em trai cô bé. Cậu bé chết đuối hồi năm ngoái.”
“Chết rồi sao?”
“Đúng vậy,” ông nói. “Gia đình cô bé vẫn còn rất đau khổ về chuyện này.”
“Hồi đó nó mấy tuổi ạ?”
“Năm. Hồi đó cậu bé mới chỉ năm tuổi.”
“Cha,” tôi lại gọi, “tại sao chưa bao giờ cha nói với con điều gì tương tự như thế.”
“Bi kịch của người khác không phải là đề tài cho những cuộc nói chuyện không đâu. Không có lý do gì để cha phải kể với con cả.”
“Đó là điều con cần phải biết. Bởi vì nó giúp con hiểu Amanda. Chẳng trách nó luôn mang bộ mặt cau có.”
“Con nói gì vậy?” ngài mục sư hỏi.
“Không có gì ạ,” tôi trả lời.
“Ngủ ngon nhé, India Opal,” ngài mục sư nói. Ông cúi xuống hôn tôi và tôi có thể ngửi thấy mùi bia rễ cây, dâu tây và cả nỗi buồn trong hơi thở của ông. Ông vỗ nhẹ lên đầu Winn-Dixie, rồi đứng dậy, tắt điện và đóng cửa phòng.
Tôi chưa ngủ ngay lập tức. Tôi nằm đó mà suy nghĩ rằng cuộc sống cũng như một chiếc kẹo Littmus Lozenge, nơi mà vị ngọt và nỗi buồn đan trộn vào nhau và rằng tách rời chúng khỏi nhau khó khăn biết bao. Thật là rắc rối.
“Cha!” tôi kêu lớn.
Chỉ một phút sau, ông đã mở cửa phòng và nhướn lông mày nhìn tôi.
“Cha nói là từ gì ấy nhỉ? Cái từ có nghĩa là nỗi buồn ấy?”
“U sầu,” ông nói.
“U sầu,” tôi lặp lại. Tôi thích âm thanh của nó, nghe như có giai điệu ẩn giấu trong đó.
“Giờ thì chúc con ngủ ngon,” ngài mục sư nói.
“Chúc cha ngủ ngon,” tôi đáp lại.
Tôi ra khỏi giường, bóc một chiếc Littmus Lozenge, chăm chú ngậm nó và nghĩ về việc mẹ rời bỏ tôi. Đó là cảm giác u sầu. Rồi tôi nghĩ đến Amanda và Carson. Nó cũng khiến cho tôi cảm thấy u sầu. Tội nghiệp Amanda. Tội nghiệp Carson. Cậu bé mới chỉ bằng tuổi Sweetie Pie, nhưng sẽ không bao giờ có được bữa tiệc sinh nhật sáu tuổi của mình.