Far more seemly were it for thee to have thy study full of books, than thy purse full of money.

John Lyly

 
 
 
 
 
Tác giả: David Baldacci
Thể loại: Trinh Thám
Nguyên tác: The Camel Club
Dịch giả: Tuấn Anh
Biên tập: Nguyen Thanh Binh
Upload bìa: Bao Anh Trinh
Số chương: 74
Phí download: 8 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 2988 / 91
Cập nhật: 2015-11-05 15:38:36 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 15
jamila, người giữ trẻ, thay tã cho cậu bé nhỏ nhất, rồi hướng sự chú ý cùng lòng kiên nhẫn đáng nể vào việc cho hai anh trai của cậu bé một tuổi ăn, một đứa hai tuổi và một đứa ba tuổi. Sau khi làm xong công việc này, cô chơi với chúng rồi đặt mấy cậu bé xuống cho chúng ngủ một lát. Cô lấy tấm thảm cầu nguyện của mình ra khỏi chiếc túi cô mang theo mình đi làm và chuẩn bị tiến hành salat, hay nghi lễ cầu nguyện, bằng cách thực hiện việc rửa sạch, tức là umdu, khuôn mặt, đầu, tay, cánh tay đến tận khuỷu, rồi hai bàn chân đến tận mắt cá. Để chân trần, Djamila ngoảnh mặt về qibla, hướng của thánh địa Mecca, và thực hiện lời cầu nguyện của mình. Đó là nghi lễ cô thực hiện năm lần mỗi ngày bắt đầu trước khi mặt trời mọc hai tiếng và kết thúc với lời cầu nguyện cuối cùng khi đêm xuống, trước khi ánh hoàng hôn biến mất. Đây là buổi cầu nguyện thứ hai trong ngày của Djamila, thực hiện vào giữa trưa, khi mặt trời bắt đầu đi xuống.
Vài phút sau khi cô xong việc, mẹ của mấy cậu bé, Lori Franklin, đi từ trên gác xuống và tấm tắc quan sát ngôi nhà được sắp xếp rất gọn gàng của mình và rồi ngắm nhìn những đứa con của cô ta đang ngủ rất ngon lành trong những chiếc nôi của chúng ở phòng chơi lớn. Franklin mới tròn ba mươi tuổi và rất quyến rũ, với một thân hình mảnh dẻ, những đường cong và cơ bắp thon thả. Cô ta mang bên mình một chiếc túi xách nhỏ.
"Bà đến câu lạc bộ ạ, thưa bà?" Djamila nói.
"Ừ, Djamila; một ván tennis và rồi thì ai mà biết được." Cô ta cười phởn phơ rồi hít một hơi dài đầy thỏa mãn theo kiểu mà những người trẻ trung, giàu có vẫn thường làm. Cô ta hất đầu về phía những đứa con của mình. "Tôi thấy là cô đã giải quyết xong đội quân của mình rồi."
"Vâng, chúng là những cậu bé ngoan. Chúng chơi rất ngoan và ngủ còn ngoan hơn."
"Chúng chỉ là những cậu bé ngoan với cô thôi. Với tôi thì chúng không ngoan lắm đâu; hoặc với ba người giữ trẻ khác đến trước cô. Giờ thì tôi thực sự có một cuộc sống cho dù là chồng tôi làm việc hai mươi giờ mỗi ngày. Đàn ông, Djamila ạ, thật không thể nào sống với họ được, nhưng không thể sống mà không có tiền của họ."
"Ở nước tôi người đàn ông là người đứng đầu gia đình," Djamila vừa nói vừa thu dọn mấy thứ đồ chơi và cất chúng vào hộp. "Trách nhiệm của người phụ nữ là giúp đỡ chồng mình, chăm lo nhà cửa cho chu đáo, và chăm sóc con cái. Nhưng bà phải cưới một người đàn ông mà bà tôn trọng và bà có thể thực hiện những ý muốn của người đó hoàn toàn tự nguyện. Chồng bà không phải là chủ của bà, chỉ có Chúa thôi."
Người phụ nữ Mỹ nhướng mắt lên. "Ồ, ở đây đàn ông cũng là vua đấy chứ, Djamila, ít nhất thì cũng là trong suy nghĩ của họ." Cô ta lại cười phá lên. "Và tôi đã mang đến cho George cái gia đình mà anh ấy cần. Và tôi mang đến cho anh ấy những ý muốn của anh ấy khi anh ấy thực sự cần tôi làm thế. Đó cũng không hẳn là một khế ước tồi."
"Vậy là chiều nay bà sẽ không quay về nhà," Djamila vừa nói vừa chau mày, vội vàng chuyển chủ đề. Cô nhận thấy là bà chủ của mình nhiều khi sống sượng quá mức.
"Tôi sẽ quay về kịp để nấu bữa tối. George lại đi công tác rồi. Giờ thì cô có thể ăn vào thời gian trong ngày rồi, đúng không. Giai đoạn nhịn ăn của cô qua rồi nhỉ?"
"Vâng, tháng Ramadan đã qua rồi."
"Tôi không bao giờ nhớ nổi ngày tháng của nó cả."
"Đó là bởi vì chúng thường xuyên thay đổi. Tháng Ramadan được tổ chức vào tháng thứ chín trong năm Hồi giáo. Đó là khi nhà tiên tri Muhammad nhận được những lời khải huyền đầu tiên của Kinh Cô-ran từ thần Gabriel. Nhưng người Hồi giáo sử dụng lịch âm, nên cứ mỗi năm Ramadan lại đến sớm hơn. Bố mẹ tôi đã từng tổ chức lễ Ramadan vào mùa đông và cả mùa hè nữa."
"Hừm, tôi không hề muốn tổ chức Giáng sinh vào tháng Bảy. Và tôi không thể tưởng tượng phải nhịn ăn như vậy. Djamila, như thế chắc chắn không tốt cho cô đâu."
"Thật ra, như thế rất tốt. Và những người phụ nữ đang mang thai hoặc nuôi con thì không cần phải nhịn ăn. Sawm, tức là theo cách nói của bà là nhịn ăn, có tác dụng thanh lọc cơ thể khỏi những ý nghĩ xấu xa. Đó là một thời kỳ làm sạch, tập trung tâm trí trong cuộc sống. Tôi vô cùng thoải mái khi làm như vậy, và tôi hoàn toàn không cảm thấy đói chút nào. Tôi ăn món sahur trước lúc bình minh, và sau khi mặt trời lặn tôi có thể ăn bình thường. Cũng không có gì là hy sinh quá đáng."
Djamila không nói thêm rằng một bữa ăn Mỹ thông thường phải bằng ba bữa của cô. "Và rồi đến cuối tháng Ramadan chúng tôi tổ chức ăn mừng. Đó được gọi là id al-fitr. Chúng tôi mặc quần áo mới và trao đổi những món ăn ngon rồi đến thăm bạn bè và người thân. Không khí rất là vui vẻ."
"Chà, tôi vẫn nghĩ như vậy là không tốt." Lori Franklin nhìn ra ngoài cửa sổ. "Hôm nay là một ngày đẹp trời, tại sao cô không lái xe đưa bọn trẻ ra công viên và để chúng đốt bớt một ít năng lượng nhỉ? Như thế ngôi nhà sẽ yên lặng hơn một chút khi tôi quay về."
"Tôi sẽ đưa chúng đi, thưa bà. Tôi rất thích lái xe."
"Ở nước cô phụ nữ không được phép lái xe đúng không?"
Djamila lưỡng lự và rồi trả lời, "Đúng là ở Riyadh phụ nữ không được phép lái xe, nhưng đó chỉ là một luật địa phương và hoàn toàn không liên quan gì đến đạo Hồi."
Franklin nhìn cô với vẻ thương hại. "Cô không việc gì phải thanh minh. Có rất nhiều thứ mà ở đó các cô không được phép làm. Tôi biết. Tôi xem tin tức mà. Những cuộc hôn nhân ép buộc và đàn ông có rất nhiều vợ. Và các cô lại còn phải mang mạng che mặt cùng đủ các loại đồ che kín cơ thể. Lại không được học hành. Các cô hoàn toàn chẳng có quyền gì cả."
Djamila thoáng cúi gằm mặt xuống để Franklin không nhận ra vẻ oán trách trong nét mặt của cô. Khi ngẩng lên, cô cố gượng nở một nụ cười và nói với giọng tích cực, "Những gì bà nói không phải đạo Hồi mà tôi biết hoặc hầu hết những tín đồ đạo Hồi khác biết. Phụ nữ Hồi giáo không bị ép buộc kết hôn. Đó là một hợp đồng giữa phụ nữ và đàn ông, vừa giữa hai gia đình của họ. Trong trường hợp xảy ra ly hôn, xin Chúa rủ lòng thương, người phụ nữ được quyền hưởng phần lớn tài sản từ người đàn ông. Đây là quyền của người phụ nữ do pháp luật quy định, bà biết đấy. Và người đàn ông có thể có nhiều hơn một vợ, nhưng chỉ là với điều kiện anh ta có thể chu cấp cho tất cả những người vợ đó như nhau. Trừ khi đó là một người đàn ông rất giàu, còn không anh ta chỉ có một vợ thôi. Và đạo Hồi nói rằng, tất cả đều phải học tập, cả đàn ông cũng như phụ nữ. Tôi được hưởng một nền giáo dục rất tốt."
"Còn về trang phục, Kinh Cô-ran không hề quy định phải mặc thế này thế kia. Nó nói rằng cả đàn ông và phụ nữ đều phải khiêm tốn và đứng đắn trong vấn đề trang phục. Đức Chúa nhân từ. Người biết rằng nếu ai đó tin tưởng ở Người, anh ta sẽ biết đưa ra những lựa chọn đúng đắn. Một số phụ nữ chọn mạng che mặt và bộ abaya, thứ mà bên này gọi là áo choàng toàn thân. Những người khác thì không."
"Ôi dào, ở đây thì rất khác, Djamila. Ở Mỹ cô có thể làm bất kỳ điều gì cô muốn. Bất kỳ điều gì. Đó chính là điều khiến đất nước này trở nên vĩ đại đến thế."
"Vâng, tôi cũng đã nghe nói thế. Tuy nhiên, nhiều khi liệu làm tất cả mọi thứ mình muốn làm có thực sự tốt không?"
Franklin mỉm cười, "Chắc chắn rồi, Djamila, nhất là khi cô không bị bắt quả tang."
"Nếu bà đã nói vậy," Djamila trả lời, nhưng cô không hề tin tưởng chút nào.
"Phụ nữ thực sự lãnh đạo đất nước này, Djamila, chẳng qua là chúng tôi để đàn ông tưởng là họ mới là người lãnh đạo."
"Nhưng phụ nữ ở Mỹ, họ không được phép bỏ phiếu cho đến tận thế kỷ hai mươi, chẳng phải vậy sao?"
Franklin tỏ ra hơi bất ngờ trước nhận xét này nhưng rồi vẫn vẫy tay quả quyết. "Đó là lịch sử xa xưa rồi. Cứ tạm coi như là chúng tôi đã lấy lại quãng thời gian đã mất. Và những phụ nữ Hồi giáo càng nhận ra điều đó sớm bao nhiêu, càng tốt bấy nhiêu."
Djamila lặng thinh không đáp lại câu nói này. Cô đã được chỉ thị là không đề cập những chủ đề như vậy với chủ của mình, nhưng nhiều lúc cô vẫn không sao kìm chế được.
Franklin nói, "Tôi mong cô sẽ suy nghĩ lại và chuyển đến sống với chúng tôi. Nhà rộng lắm."
"Cám ơn bà. Nhưng lúc này tôi vẫn muốn giữ thỏa thuận giữa chúng ta như ban đầu."
"Được thôi, cô muốn sao cũng được. Tôi không thể để mất cô được."
Cô ta ném những nụ hôn gió về phía các con của mình đang ngủ say và đi ra. Khi Franklin lái xe ra khỏi đường dẫn vào nhà, cô ta liếc nhìn về phía chiếc xe thùng màu trắng đậu ngay gần đó. Cô ta chưa bao giờ đột nhiên nghĩ rằng kể cũng hơi lạ là một người phụ nữ trước khi đến Mỹ chưa bao giờ lái xe lại có thể đến nhận công việc mới với chiếc xe riêng và bằng lái xe hợp lệ. Tuy nhiên, Franklin vốn đã có quá đủ chuyện để bận tâm hơn là lo lắng đến những chuyện bất nhất vặt vãnh như vậy.
Thật ra cô ta chẳng hề đi chơi tennis hoặc đánh bài ở câu lạc bộ trong vùng của mình. Trong chiếc túi nhỏ mà cô ta mang theo là một chiếc áo hai dây trong suốt đến ngỡ ngàng. Cô ta đã mặc sẵn trong mình chiếc quần lót lọt khe đồng bộ, và cũng chẳng có lý do gì phải mặc áo nịt ngực cho cái việc mà cô ta sẽ tham gia trong buổi chiều hôm đó. Vấn đề duy nhất của cô ta là sẽ phải thuyết phục gã người tình rất trẻ của cô ta không xé toang nó ra khỏi cơ thể mình.
Djamila bước tới cửa sổ và nhìn theo bà chủ của mình đang đi ra trong chiếc Mercedes thể thao nhỏ bé của cô ta. Vào một buổi chiều khi George Franklin tranh thủ nghỉ làm để dành thời gian chơi với các con, Djamila đã bám theo Lori Franklin đến câu lạc bộ, nơi cô ta chui vào một chiếc xe của người đàn ông không phải chồng mình. Djamila đi theo họ tới một nhà nghỉ. Cô đồ rằng đó cũng chính là nơi người phụ nữ đang hướng tới lúc này. Xét cho cùng, kể ra cũng hơi khó khăn để có thể chơi tennis mà không mang theo vợt tennis, trong khi cây vợt của Franklin vẫn treo trên mắc trong garage.
Chắc chắn đàn ông không phải là vua ở Mỹ, Djamila đã rút ra kết luận này chỉ một vài tuần sau khi đến Mỹ. Họ là những tên ngốc. Còn những người phụ nữ của họ là những con điếm.
Sau khi bọn trẻ tỉnh giấc, cô đưa chúng tới công viên, nơi chúng chơi đùa đến mệt nhoài. Djamila mỉm cười khi nhìn theo cậu bé lớn nhất đang mải mê chơi trò chạy vòng quanh hai cậu em của mình. Djamila muốn những đứa con trai, thật nhiều con trai. Và rồi nụ cười của cô tắt lịm. Cô nghĩ rằng cô sẽ không thể sống được đến lúc trở thành một người mẹ.
Cô cho lũ trẻ ăn đồ ăn vặt từ chiếc giỏ picnic cô đã chuẩn bị sẵn. Sau đó, Djamila phải chạy đuổi theo thằng bé lớn nhất, Timmy, để lấy lại điện thoại di động và chìa khóa xe của mình. Trước đây nó vẫn làm như vậy bất cứ khi nào cô bỏ ví của mình ở một nơi nó có thể với tới. Cô không hề bực mình; đứa trẻ nào mà không tò mò. Cô cho lũ trẻ lên xe, nơi chúng ngủ thiếp đi ngay lập tức. Rồi cô lấy ra tấm thảm của mình và thực hiện nghi lễ cầu nguyện giữa buổi chiều ngay cạnh chiếc xe. Cô đã mang theo một chai nước nhỏ và cái chậu để thực hiện việc tẩy rửa của mình.
Trong khi lũ trẻ ngủ say, cô lái xe lòng vòng quanh Brennan, Pennsylvania. Như hầu hết các trường hợp khác trong khu vực này, thị trấn tồn tại chỉ vì từ cách đây rất lâu các ông trùm đường sắt đã quyết định đặt một cái nhà ga ở đây. Những đoàn tàu này chở theo một số hành khách nhưng chủ yếu là than đá và than cốc tới các nhà máy luyện thép và các cảng miền Đông. Giờ đây Brennan đang tự xây dựng lại thành một khu ngoại ô sành điệu của Pittsburgh. Thị trấn có những cửa hiệu và nhà hàng cổ kính duyên dáng, những ngôi nhà sang trọng và một câu lạc bộ đồng quê sôi động.
Thỉnh thoảng Djamila lại dừng lại để chụp ảnh bằng chiếc máy ảnh kỹ thuật số không lớn hơn ngón tay trỏ của cô là mấy. Vừa làm như vậy, cô vừa nói vào một chiếc máy ghi âm nhỏ miêu tả những chi tiết mà bình thường chẳng có vai trò quan trọng gì đối với một người giữ trẻ nước ngoài phụ trách việc ba đứa trẻ đang ngủ say tít; tuy nhiên, tất cả những điều đó thu hút tâm trí cô. Và rồi cô đi hết khu vực kế cận, chú ý đặc biệt đến cách bố trí đường xá.
Cuối cùng, cô dừng xe lại trước cửa một dinh thự xây bằng đá rất đẹp, xây thụt hẳn vào phía trong cách xa đường và nằm phía sau một bức tường thấp xây bằng đá khai thác trong vùng. Thật là một ngôi nhà xinh xắn, cô thầm nghĩ, nhưng quá lớn. Ở Mỹ tất cả mọi thứ đều lớn: từ những bữa ăn cho tới những ngôi nhà rồi xe cộ và con người. Những thứ duy nhất không hề lớn là quần áo. Trong mấy tháng vừa qua, Djamila đã nhìn thấy nhiều mông, ngực và rốn hơn những gì cô đã nhìn thấy trong suốt những năm tháng trước đó của đời mình. Nó khiến cô thấy tởm lợm.
Thà cho Djamila tấm jilbab và một chiếc khimar để che kín cơ thể cô, thà cho cô ba bà vợ khác để kèn cựa, còn hơn là được hưởng sự "tự do" đó.
Cô chau mày khi liếc nhìn những đứa trẻ đang ngủ ngon lành. Đúng thế, những người chủ của cô khiến cô ghê tởm bởi tiền bạc và cuộc hôn nhân không tình yêu của họ. Thậm chí cả những đứa trẻ ở băng ghế sau cũng ít nhiều khiến cô thấy ghê tởm bởi vì một ngày nào đó chúng sẽ lớn lên và tin rằng chúng có thể thống trị thế giới đơn giản chỉ vì chúng là người Mỹ. Cô vào số xe và lái đi tiếp.
Tối nay Djamila sẽ báo cáo tình hình qua máy tính của cô, vào chat room về điện ảnh. Theo kế hoạch làm việc đã học thuộc lòng của mình, chat room tối nay liên quan đến bộ phim Giết con chim nhại. Thật là một cái tên lạ lùng cho một bộ phim, nhưng người Mỹ, cô biết, vốn dĩ vẫn lạ lùng như vậy. Vâng, lạ lùng, bạo lực và đáng sợ nhất là, hoàn toàn không thể đoán trước được.
Bí Mật Núi Sát Nhân Bí Mật Núi Sát Nhân - David Baldacci Bí Mật Núi Sát Nhân