You know you've read a good book when you turn the last page and feel a little as if you have lost a friend.

Paul Sweeney

 
 
 
 
 
Tác giả: Jules Verne
Thể loại: Tuổi Học Trò
Biên tập: Lê Huy Vũ
Upload bìa: Lê Huy Vũ
Số chương: 23
Phí download: 4 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 389 / 41
Cập nhật: 2019-11-10 14:20:04 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 19 - Chiến Đấu Với Điều Không Thể
rong một khoảng thời gian khá lâu, Barbicane và các bạn đồng hành đứng lặng yên suy nghĩ nhìn cái thế giới mà họ đang xa dần không bao giờ trở lại, họ chỉ nhìn thấy nó ở xa xa cũng giống như Moïse[30] nhìn thấy từ đằng xa vùng đất Chanaan. Vị trí của đầu đạn đối với Mặt Trăng đã thay đổi và lúc này đế của nó quay về hướng Trái Đất.
[30] Nhân vật trong Thánh kinh cựu ước. Moïse được coi là lãnh tụ của người Do Thái, ông đã đưa dân Do Thái ra khỏi Ai Cập (ND).
Barbicane đã nhận thấy sự thay đổi nên ông không lấy làm ngạc nhiên. Nếu quả đạn quay chung quanh vệ tinh theo một đường êlíp, tại sao nó không hướng phần nặng của nó về vệ tinh này như Mặt Trăng đã làm đối với Trái Đất? Đó là một điểm chưa rõ.
Nếu quan sát quỹ đạo của đầu đạn người ta có thể nhận thấy nó đang xa dần Mặt Trăng và bay theo một đường cong tương tự với đường cong mà nó đã bay trước đây khi đến gần Mặt Trăng. Nó vẽ một đường êlíp rất dài, có thể dài mãi đến điểm cân bằng lực hút, tức chỗ những ảnh hưởng của Trái Đất và vệ tinh của nó trung hoà lẫn nhau.
Đó là kết luận mà Barbicane rút ra được từ những sự kiện quan sát thấy, và ông tin chắc rằng hai người bạn cũng đồng ý với ông. Ngay sau đó những câu hỏi được đưa ra tới tấp.
- Đến cái điểm chết này rồi chúng ta sẽ ra sao? – Michel hỏi.
- Đó là điều không biết! – Barbicane đáp.
- Nhưng tôi nghĩ người ta có thể đặt những giả thuyết chứ?
- Có hai giả thuyết – Barbicane đáp – Hoặc vận tốc của đầu đạn không đủ nhanh, nó sẽ ở vĩnh viễn bất động trên con đường chịu hai lực hút này.
- Tôi thích một giả thuyết khác hơn, dù có thế nào đi nữa – Michel nói.
- Hoặc vận tốc của nó đủ nhanh – Barbicane lại nói tiếp – nó sẽ bay theo một đường êlíp quanh chị Hằng mãi mãi.
- Quay như vậy không đáng khích lệ lắm – Michel nói – Trở thành những người hầu hạ khiêm tốn của chị Hằng trong khi chúng ta đã quen xem chị ta là một cô hầu! Đó là tương lai đang chờ đón chúng ta à?
Cả Barbicane lẫn Nicholl không trả lời.
- Các anh im lặng à? – Anh chàng Michel nóng nảy hỏi.
- Không có gì để trả lời – Nicholl nói.
- Không có gì để trả lời ư?
- Không – Barbicane đáp – Anh định chống lại điều không thể à?
- Tại sao không? Một người Pháp và hai người Mỹ chịu lùi bước trước một chuyện như vậy sao?
- Nhưng anh muốn làm gì nào?
- Chế ngự sự chuyển động đang đưa chúng ta đi!
- Chế ngự nó à?
- Phải – Michel hăng tiết đáp – hủy bỏ nó hoặc sửa đổi nó, sử dụng nó để hoàn thành những dự định của chúng ta chứ.
- Bằng cách nào?
- Đó là việc của ông! Nếu những pháo thủ không điều khiển được những quả đạn của họ, thì họ không còn là pháo thủ nữa. Nếu đầu đạn điều khiển người xạ thủ, thì phải nhét anh xạ thủ thay chỗ quả đạn! Trời đất! Xem những nhà bác học tài ba kìa. Họ không biết rồi sẽ ra sao khi đã xui khiến tôi…
- Xui khiến! – Barbicane và Nicholl la lên – Xui khiến! Anh muốn nói gì thế?
- Đây không phải là lời đả kích! – Michel nói – Tôi không phàn nàn gì đâu! Tôi thích cuộc đi dạo này! Quả đạn hợp với tôi! Nhưng hãy làm một cái gì đó hợp tình hợp lý một chút để có thể rơi xuống một nơi nào đó, nếu không rơi xuống được Mặt Trăng.
- Chúng ta không đòi hỏi chuyện gì khác, anh bạn Michel quả cảm ạ – Barbicane đáp – nhưng chúng ta không có cách nào khác.
- Chúng ta không thể thay đổi sự chuyển động của đầu đạn à?
- Không.
- Không giảm được vận tốc à?
- Không.
- Không làm nhẹ như người ta làm nhẹ một con tàu quá tải à?
- Thế anh muốn vứt cái gì nào? – Nicholl vặn lại – Chúng ta không có đồ đạc để vứt, vả lại, theo tôi đầu đạn nhẹ đi sẽ bay nhanh hơn nữa.
- Chậm hơn chứ – Michel nói.
- Nhanh hơn – Nicholl cãi lại.
- Không nhanh mà cũng chẳng chậm – Barbicane đáp để giải hoà hai người bạn – vì chúng ta đang trôi nổi trong chân không, ở đó không còn tính đến trọng lực nữa.
- Thế thì chỉ còn một việc phải làm – Michel Ardan nói với giọng quả quyết.
- Việc gì? – Nicholl hỏi.
- Ăn sáng! – Anh chàng người Pháp táo tợn điềm nhiên đáp, anh luôn luôn đưa giải pháp này ra trong những lúc gặp những vấn đề khó giải quyết nhất.
Thật ra việc này không ảnh hưởng gì đến hướng bay của đầu đạn, nên người ta có thể làm mà không thấy bất tiện chút nào, còn có lợi cho cái bao tử của họ là đằng khác. Rõ ràng là anh chàng Michel này chỉ có những ý nghĩ tốt.
Vì thế người ta đã ăn điểm tâm vào lúc hai giờ sáng; nhưng giờ giấc có quan trọng gì lắm. Michel dọn món thường lệ có điểm thêm một chai rượu đặc biệt mà anh ta lấy từ hầm rượu bí mật ra. Nếu những ý nghĩ đã không đến được trong đầu họ thì cũng không trông mong gì ở chai rượu Chambertin 1863 này.
Ăn xong, việc quan sát lại tiếp tục. Những vật người ta đã vứt ra ngoài bay lơ lửng quanh đầu đạn với một khoảng cách không đổi. Rõ ràng quả đạn khi di chuyển quanh Mặt Trăng không bay ngang một lớp khí quyển nào, vì tỷ trọng của những vật thể khác nhau đó không thay đổi đường bay tương đối của chúng.
Về phía địa cầu, không thấy gì cả. Trái Đất đang ban ngày, sau khi đã bắt đầu “tuần trăng mới”, vào lúc lưỡi liềm toả những tia sáng Mặt Trời mới dùng được để tính giờ đối với người Mặt Trăng vì trong sự vận chuyển của nó không hề làm chúng lu mờ chút nào. Trên Mặt Trăng những đồng bằng lại có cái màu sậm mà từ Trái Đất người ta thường thấy. Phần còn lại là vầng hào quang sáng rực rỡ, giữa cái tổng thể sáng rực đó, Tycho nổi hẳn lên như một Mặt Trời.
Barbicane không thể nào ước tính được vận tốc của đầu đạn, nhưng ông suy luận vận tốc này phải giảm đều đúng theo những định luật của cơ học thuần tuý.
Thật vậy, nếu cho rằng quả đạn sẽ bay quanh nguyệt cầu thì quỹ đạo này phải là một hình êlíp. Khoa học chứng minh nó phải như vậy. Không một vật lưu động nào bay quanh một vật thể có lực hút lại thoát được định luật này. Tất cả những quỹ đạo được vẽ trong không gian đều có hình êlíp, từ quỹ đạo của vệ tinh quanh Mặt Trăng cho đến quỹ đạo của Mặt Trời, quanh một thiên thể nào đó dùng như trục chính. Tại sao đầu đạn của Câu lạc bộ Đại Pháo lại thoát sự sắp đặt tự nhiên này?
Trong những quỹ đạo êlíp đó, vật thể hút luôn luôn nằm ở một tiêu điểm của vòng êlíp. Như vậy lúc thì vệ tinh sẽ ở gần, lúc thì ở xa thiên thể mà nó quay quanh. Khi Trái Đất ở gần Mặt Trời nhất người ta bảo nó nằm ở điểm cận nhật, và gọi là điểm viễn nhật khi nó nằm ở một điểm xa Mặt Trời nhất. Đối với Mặt Trăng, điểm gần Trái Đất là điểm cận địa. Để làm phong phú ngôn ngữ của những nhà thiên văn người ta có thể dùng những thuật ngữ tương tự: khi đầu đạn bay quanh Mặt Trăng như một vệ tinh của nó, người ta nói nó nằm ở điểm “viễn nguyệt” khi nó xa Mặt Trăng nhất, điểm gần Mặt Trăng nhất là điểm “cận nguyệt”.
Ở điểm cận nguyệt vận tốc của đầu đạn cực đại, ở điểm viễn nguyệt vận tốc sẽ cực tiểu. Rõ ràng nó đang đi đến điểm viễn nguyệt, Barbicane đã có lý khi nghĩ rằng ở điểm này vận tốc của đầu đạn đang giảm dần, để rồi nó lại tăng dần khi đầu đạn đến gần Mặt Trăng. Vận tốc này sẽ triệt tiêu nếu điểm họ đang ở trùng với điểm có lực hút cân bằng.
Barbicane nghiên cứu những hậu quả của những tình huống khác nhau này. Ông đang tìm xem liệu người ta có thể rút ra một kết luận nào thì đột nhiên Michel Ardan kêu lên, làm cắt ngang dòng suy nghĩ.
- Quỷ thần! Phải thú thật chúng ta chỉ là những người thật sự ngớ ngẩn!
- Tôi không phủ nhận – Barbicane đáp – nhưng tại sao?
- Bởi vì chúng ta có phương pháp thật đơn giản để làm chậm lại vận tốc đang đưa chúng ta đi xa Mặt Trăng mà chúng ta lại không dùng nó!
- Phương pháp nào?
- Dùng lực giật lùi của những hoả tiễn của chúng ta.
- Cái gì? – Nicholl hỏi.
- Chúng ta chưa dùng lực này – Barbicane đáp – đúng thế, nhưng chúng ta sẽ dùng nó.
- Lúc nào nữa – Michel hỏi.
- Rồi sẽ đến lúc đó. Các bạn hãy chú ý xem vị trí của đầu đạn lúc này hãy còn chếch nghiêng so với bề mặt của nguyệt cầu. Khi giảm vận tốc, hoả tiễn của chúng ta sẽ đưa đầu đạn ra xa hay vì đến gần Mặt Trăng. Trong khi chính Mặt Trăng là nơi các bạn muốn đến!
- Thế à! – Michel nói.
- Thế thì hãy chờ. Bởi vì lúc nào đó không thể giải thích được, đầu đạn có chiều hướng quay để về Trái Đất. Chắc chắn ở điểm hai lực hút bằng nhau mũi đầu đạn sẽ quay đúng về hướng Mặt Trăng. Lúc đó, người ta hy vọng vận tốc của nó sẽ bằng không. Đó sẽ là lúc hành động, và do sức hoạt động của những hoả tiễn của chúng ta, có thể chúng ta sẽ rơi thẳng xuống bề mặt nguyệt cầu.
- Hoan hô! – Michel nói.
- Sở dĩ chúng ta không thể hành động lúc mới vượt qua điểm chết này là vì đầu đạn còn di chuyển với một vận tốc quá lớn.
- Rất có lý – Nicholl nói.
- Chúng ta hãy kiên nhẫn đợi – Barbicane lại nói – Chúng ta hãy tin tưởng ở những điều may mắn sau khi đã thất vọng ê chề, tôi lại tin rằng chúng ta sẽ đến được mục tiêu!
Michel Ardan tán thưởng kết luận này. Và không ai trong những người gan dạ này còn nhớ đến vấn đề mà chính họ đã giải quyết. Không! Mặt Trăng chắc không thể nào ở được! Thế mà họ muốn đi đến đó!
Còn một vấn đề cần giải quyết: lúc nào đầu đạn sẽ đến điểm có hai lực hút bằng nhau, để họ chơi một lần xả láng?
Để tính ra thời điểm này với sai số chừng vài giây, Barbicane chỉ việc căn cứ trên những ghi chép trong cuộc du hành và rút ra những cao độ khác nhau bên trên những đường vĩ tuyến nguyệt cầu. Như thế, thời gian dùng để đi từ điểm chết đến cực Nam phải bằng thời gian đi từ cực Bắc đến điểm chết. Giờ giấc được ghi chú cẩn thận nên việc tính toán cũng dễ dàng.
Barbicane thấy rằng sẽ đi đến điểm này vào lúc một giờ đêm 7 rạng ngày 8 tháng 12. Thế mà lúc bấy giờ là ba giờ sáng đêm 6 rạng ngày 7 tháng 12. Như vậy, nếu không có gì cản trở trên đường bay, đầu đạn sẽ đến được điểm mong đợi trong hai mươi hai giờ nữa.
Những hoả tiễn trước đây được bố trí để làm chậm lại sự rơi của quả đạn xuống Mặt Trăng thì bây giờ những con người táo bạo này sẽ dùng để tạo một kết quả hoàn toàn trái ngược. Dù sao đi nữa tất cả đều sẵn sàng, chỉ còn việc chờ lúc khai hoả mà thôi.
- Vì không còn việc gì làm nữa – Nicholl nói – tôi sẽ đưa ra một đề nghị.
- Đề nghị gì? – Barbicane nói.
- Tôi đề nghị đi ngủ.
- Úi chà! – Michel Ardan kêu lên.
- Đã bốn mươi giờ qua chúng tôi không được chợp mắt – Nicholl nói – Một vài giờ ngủ sẽ đem lại sức khoẻ cho chúng ta.
- Không bao giờ – Michel nói.
- Được – Nicholl lại nói – mỗi người hãy làm theo ý mình, phần tôi, tôi đi nghỉ đây!
Và Nicholl nằm dài trên đi văng, chẳng mấy chốc đã ngáy vang như tiếng một quả đạn bốn mươi tám ly.
- Nicholl có lý đó – Barbicane nói ngay sau đó – Tôi sẽ bắt chước ông ta.
Vài phút sau, với giọng trầm trầm ông nối tiếp chiếc kèn baritôn của ông đại uý.
- Rõ ràng là – Michel Ardan nói khi còn một mình – những con người thực tế này đôi khi cũng có những ý nghĩ hợp thời.
Và anh duỗi đôi chân dài thõng ra, đầu gối trên hai cánh tay to lớn, đến lượt Michel ngủ thiếp đi.
Nhưng giấc ngủ chập chờn của họ không kéo dài. Có quá nhiều bận bịu trong trí óc của ba con người này nên vài giờ sau, lúc bảy giờ sáng, cả ba đều thức giấc cùng một lúc.
Đầu đạn tiếp tục xa dần Mặt Trăng, đồng thời quay từ từ phần mũi nhọn của nó hướng về Mặt Trăng. Cho đến lúc này vẫn không thể nào giải thích được hiện tượng này, nhưng nó lại thích hợp hơn với những dự trù của Barbicane.
Còn mười bảy giờ nữa, và thời điểm hành động sắp đến.
Ngày hôm nay có vẻ dài hẳn ra. Mặc dù là những người từng trải nhưng các nhà du hành cũng rất hồi hộp khi đến gần lúc quyết định này, hoặc họ sẽ rơi xuống Mặt Trăng, hoặc họ sẽ bay mãi mãi đến vô tận theo một đường tròn không thay đổi. Họ tính từng giờ, thời giờ qua rất chậm. Barbicane và Nicholl ngoan cố vùi đầu vào những con tính, Michel đi đi lại lại giữa những bức vách chăm chú nhìn nguyệt cầu.
Có lúc họ thoáng nhớ đến địa cầu. Họ nhớ lại bạn bè ở Câu lạc bộ Đại Pháo, người bạn thân thiết nhất là J.T. Maston. Lúc này, viên thư ký đáng kính chắc đang túc trực ở Núi Đá. Nếu ông thấy được đầu đạn trên mặt kính của ống kính thiên văn khổng lồ, ông sẽ nghĩ gì? Sau khi thấy nó biến mất ở đàng sau cực Nam của nguyệt cầu, ông lại thấy nó xuất hiện ở cực Bắc! Đó chính là vệ tinh của vệ tinh! J.T. Maston có loan đi khắp thế giới với cái tin bất ngờ này không? Đây có phải là hồi kết thúc của công trình vĩ đại này không?…
Tuy nhiên, ngày hôm đó không xảy ra một biến cố nào. Chẳng mấy chốc đã đến nửa đêm. Ngày 8 tháng 12 sắp bắt đầu. Còn một giờ nữa, và điểm hai lực hút bằng nhau sẽ đến. Lúc ấy vận tốc của đầu đạn sẽ bao nhiêu? Người ta không thể ước đoán được. Nhưng trong những bài tính của Barbicane không thể có một sai lầm nào. Vào lúc một giờ vận tốc này sẽ là không.
Ngoài ra một hiện tượng khác sẽ xác định điểm dừng của đầu đạn trên đường triệt tiêu này. Ở chỗ đó lực hút của địa cầu và nguyệt cầu sẽ vô hiệu hóa lẫn nhau. Vật thể không còn “nặng” nữa. Sự kiện đặc biệt này đã làm cho Barbicane và các bạn đồng hành hết sức ngạc nhiên trong lượt đi thì cũng sẽ xảy ra tương tự trong lượt về. Chính lúc đó phải hành động. Người ta thấy rõ hình chóp của đầu đạn đã hướng về bề mặt nguyệt cầu. Quả đạn đang ở trong tư thế thích hợp để dùng những lực phụt hậu của hoả tiễn. Các nhà du hành sẽ có dịp thực hiện ý định. Nếu vận tốc của đầu đạn bằng không ở điểm này thì chỉ cần một sự di chuyển về hướng Mặt Trăng, dù có nhỏ đến mức độ nào đi nữa, cũng đủ làm cho nó rơi xuống Mặt Trăng.
- Một giờ kém năm – Nicholl nói.
- Tất cả đã sẵn sàng – Michel Ardan vừa đáp vừa đưa cái bấc đã chuẩn bị sẵn về hướng ngọn lửa khí đốt.
- Khoan đã – Barbicane nói, tay cầm đồng hồ. Chính lúc này trọng lực không còn hiệu quả gì nữa. Những nhà du hành cảm thấy trong người một sự hụt hẫng hoàn toàn. Họ đang ở rất gần điểm không, nếu không muốn nói là họ đã đến đó!…
- Một giờ! – Barbicane nói.
Michel Ardan đưa cái bấc đang cháy đến gần một ngòi nổ nối liền với những hoả tiễn. Không nghe thấy một tiếng nổ nào ở bên trong vì không có không khí. Nhưng nhìn qua khung cửa sổ, Barbicane thấy một tia lửa phụt cháy rồi tắt liền ngay sau đó.
Quả đạn bị chấn động, ở bên trong người ta thấy rõ sự chấn động này.
Ba người bạn lắng nghe và không nói một lời, gần như nghẹt thở. Người ta có thể nghe được nhịp tim đập giữa sự yên lặng hoàn toàn này.
- Chúng ta rơi xuống à? – Sau cùng Michel Ardan hỏi.
- Không – Nicholl đáp – bởi vì đế của đầu đạn không quay về Mặt Trăng!
Lúc đó Barbicane rời cửa sổ quay lại với các bạn đồng hành của ông. Mặt mày ông xám ngắt trông thật dễ sợ, trán nhăn nhúm, môi mím chặt.
- Chúng ta đang rơi xuống! – Ông ta nói.
- A! – Michel reo lên – về hướng nguyệt cầu!
- Về hướng địa cầu! – Barbicane đáp.
- Quỷ thần! – Michel Ardan kêu lên, anh nói thêm ra vẻ triết lý – Thế mà khi vào trong quả đạn này chúng ta ngỡ là khó ra được lắm!
Quả thật sự rơi khủng khiếp này đã bắt đầu. Vận tốc của đầu đạn nó qua khỏi điểm chết. Tiếng nổ của hoả tiễn không ngăn chặn được nó. Trong lượt đi vận tốc này đã đưa đầu đạn vượt qua đường triệt tiêu thì lượt về cũng lại đưa nó qua khỏi chỗ đó. Vật lý học muốn rằng, trong quỹ đạo êlíp, nó lại đi qua tất cả những điểm mà nó đã đi qua.
Quả đạn đang rơi xuống từ độ cao bảy mươi tám ngàn dặm và không một sức mạnh nào có thể làm giảm nó lại được. Theo những định luật về khoa đường đạn, đầu đạn phải chạm địa cầu với vận tốc bằng vận tốc đã phóng ra khỏi khẩu Columbiad, một vận tốc “mười sáu ngàn mét giây”!
Để so sánh, người ta tính rằng một vật ném đi từ trên tháp nhà thờ Notre-Dame, tức chỉ cao hai trăm bộ sẽ rớt xuống mặt đất với vận tốc một trăm hai mươi dặm giờ. Ở đây, đầu đạn sẽ chạm mặt đất với vận tốc năm mươi bảy ngàn sáu trăm dặm giờ.
- Chúng ta chết mất thôi – Nicholl lạnh lùng nói.
- Nếu chúng ta có chết – Barbicane đáp với một lòng nhiệt thành của một niềm tin tôn giáo – chuyến du hành của chúng ta sẽ có kết quả mỹ mãn hơn! Thượng Đế sẽ nói cho chúng ta biết tất cả mọi bí mật. Để hiểu biết ở bên kia thế giới linh hồn không cần dùng đến máy móc thiết bị gì cả, linh hồn đồng nhất hóa với sự khôn ngoan đời đời!
- Thật vậy – Michel Ardan đáp – cả thế giới bên kia có thể an ủi chúng ta về nỗi buồn do cái thiên thể bé nhỏ gọi là nguyệt cầu kia đã gây ra cho chúng ta!
Barbicane khoanh tay trước ngực với một cử chỉ cam chịu hoàn toàn.
- Xin vâng theo ý Trời! – Ông ta nói.
Bay Quanh Mặt Trăng Bay Quanh Mặt Trăng - Jules Verne Bay Quanh Mặt Trăng