Số lần đọc/download: 201 / 19
Cập nhật: 2020-07-08 19:36:02 +0700
Chương 19
T
RONG LỚP HỌC SÁNG TÁC, người ta dạy rằng viết sáo rỗng là một thảm họa. Lúc viết văn mà dùng “câu chữ sáo mòn” thì cũng tương tự như đánh trung tiện khi đang ngồi ăn tối, hoặc ra khỏi phòng tắm mà không biết gấu váy của mình bị giắt vào quần lót. Nhưng người ta không dạy rằng những cách diễn đạt khuôn mẫu trở nên sáo mòn bởi vì chúng nói đúng sự thật. Bởi vì thực tế hầu như ai cũng cư xử giống như những lời khuôn sáo ấy.
Chẳng hạn, trong mọi cuốn tiểu thuyết tình cảm có độ ướt át xứng với cái bìa diêm dúa của nó, kiểu gì cũng có cảnh người yêu của nhân vật nữ chính giũ áo ra đi. Phát điên vì chờ đợi khắc khoải, nàng - chuẩn bị nhé, đoạn khuôn sáo là đây - tìm kiếm bóng dáng chàng ở bất cứ chỗ đông người nào.
Cho nên dù Mac đã rời đi được năm tuần, không một lần trực tiếp gọi điện cho tôi, tôi không có lý do gì để tin rằng anh còn ở Seattle, vả chăng anh cũng chưa bao giờ là người yêu của tôi; nhưng tôi nhận ra mình đang vô thức tìm kiếm anh. Dõi theo những gương mặt trên phố, trong công viên, nhà hàng, bến đợi xe buýt, người xếp hàng trong siêu thị, và mỗi lần đi ngang qua quán Bailey. Cả mỗi lần tôi thấy người đàn ông nào dáng cao, mặc quần jeans bạc phếch, áo gió xanh dương hoặc đội mũ bóng chày đen; và mỗi lần nhác thấy chiếc xe El Camino màu trắng nào đó. Tất cả những lúc ấy tôi đều tập trung quan sát, dù biết rằng thật phi lô-gíc.
o O o
Ngày mùng một tháng Bảy, tôi gọi điện thoại cho mẹ. Chỉ để chào mẹ, thăm hỏi chung chung. Kể từ hôm về nhà lần trước, vài tuần tôi lại gọi cho mẹ, và điều đó khiến mẹ mừng rỡ một cách rất hồn nhiên. Tôi phải tự hỏi sao trước đây mình không làm như vậy.
Sau mấy câu vui vui thông thường, tôi hỏi:
- Dịp Quốc khánh tới thì làm gì ạ?
- Mẹ và bác Richard sẽ đi Long Beach.
- Long Beach ạ?
- Ừ, ở một đêm ở khách sạn Queen Mary. Sẽ có bắn pháo hoa ở trên cầu và tiệc ở nhiều nhà hàng khác nhau.
- Có vẻ vui đấy ạ.
- Mẹ cũng nghĩ sẽ vui lắm. Nhà Gary, Erica và bọn trẻ con cũng đến.
Tôi suýt nghẹn không nói nổi.
- Mẹ bảo sao, Gary và Erica ạ?
- Ừ, mẹ và bác Richard cũng ngạc nhiên là Gary lại đề nghị đi cùng. - Rồi mẹ yên lặng.
Mẹ mà biết cách đây hai tháng anh ta còn khỏa thân trên đệm, năn nỉ con đến San Francisco nhỉ!
- Mẹ không hiểu lắm. Có lúc mẹ tưởng Gary đã có ý với con. - Mẹ lại yên lặng. - Thế có chuyện gì không con?
- Lúc khác con sẽ kể với mẹ sau.
- Cậu Gary đấy có vẻ là người chu đáo lắm.
- Đúng đấy ạ. Mẹ cho con gửi lời hỏi thăm, nói được trước mặt Erica thì tốt ạ.
Mẹ bật tiếng cười giòn.
- Được rồi, cứ yên tâm.
o O o
Seattle đang trải qua một đợt sóng nhiệt, tôi cứ ngỡ đó là thứ không thể xảy ra ở đây. Chắc tại một khối cao áp lớn bị kẹt giữa hai khối thấp áp, và thế là nó đột ngột tràn qua thành phố. Gần một tuần liền, thời tiết rất khó chịu, ban ngày cỡ trên ba chục độ, tối đến cũng phải hơn hai mươi lăm độ. Chẳng có chút gió biển nào cho dịu bớt. Thậm chí mặt nước cũng phẳng lặng một cách bất bình thường. Im phăng phắc. Ai cũng bảo không đến mức bất bình thường lắm đâu, một, hai năm lại có một đợt nóng thế này; nhưng tôi vẫn thấy không thoải mái. Và tôi chợt nhận ra mình đã quen với thời tiết lạnh. Có lẽ tôi còn bắt đầu thấy thích là khác.
Thứ Sáu là ngày Quốc khánh mùng bốn tháng Bảy, hiệu bánh đóng cửa. Tôi định sẽ ra cảng xem bắn pháo hoa, nhưng Tyler đã thuyết phục được tôi đi với cô ấy và cậu thợ cắt tóc Barton - mà Tyler gọi là “nhà thiết kế” - tới Gasworks Park xem pháo hoa bên hồ Union. Họ qua chỗ tôi lúc sáu rưỡi chiều, trời vẫn nóng đến mức tôi có cảm giác cái áo rộng đang mặc giống hệt như hộp xông hơi cá nhân.
Barton là một cậu cao, gầy nhẳng, có nụ cười rất dễ lây, tóc nhuộm vàng nhạt, chân tóc màu đen. Cậu ta nhìn thẳng vào tôi bằng đôi mắt đen to.
- Em là Tim Barton. Chị có thích cái áo em đang mặc không?
Chiếc áo được hỏi là cái sơ-mi có con số kiểu Hawaii màu xanh da trời, và vô số hoa đỏ kín cả áo. Tôi bật cười:
- Trông rất điển hình cho dòng thời trang này.
- Chị dùng từ khéo thế! - Ánh mắt cậu ta chuyển sang tóc tôi. - Ồ, nhiều tóc quá. Em khoái nghịch tóc lắm. Chị biết đấy, chỉ thuần túy ở góc độ nghề nghiệp thôi. Em chạm vào tóc chị được không?
- Cậu ta lùa một lọn tóc tôi giữa các ngón tay và áp lên má mình. - “Như một thiếu nữ trong trắng” vậy. - Barton ngân nga. - Không thuốc uốn, không thuốc nhuộm. Nhưng vẫn có thể đẹp hơn nữa. Hãy để Barton kích nổ trái bom trong chị nhé. Tất nhiên, chỉ thuần túy ở góc độ nghề nghiệp thôi.
- Chúng ta có cần mang đồ ăn nhẹ theo không? - Tôi hỏi trên đường đi tới chiếc Plymouth Valiant màu lá cây của Barton.
- Barton đã chuẩn bị đồ ăn thịnh soạn rồi, - Tyler nói. - Và một bình công-thức-tuyệt-mật món đồ uống tên là trút-bỏ-và-lộ-thiên.
- Đồ béo, ngọt, có cồn, sô-cô-la, và thứ lâng lâng gây ảo giác, - Barton liệt kê tỉnh rụi. - Tất cả những gì thiết yếu khi đàn đúm với nhau.
Không có nhiều chỗ trống quanh hồ Union, ngay cả những vị trí có triển vọng là trống nhất. Chúng tôi đành tha lôi chăn, giỏ đựng đồ ăn và thùng cách nhiệt cho đến khi tìm được một vạt cỏ chưa có ai án ngữ. Tôi toát đầm đìa mồ hôi, bải hoải rệu rã và ước giá mình đừng đi thì hơn. Động thái chính thức đầu tiên trong vai trò chủ xị của Barton là rót đồ uống từ cái bình khổng lồ ra. Cậu ta còn mang theo cả mấy nhánh bạc hà thả vào từng cốc. Mát lạnh và thơm mùi chanh, tôi uống ực một hơi.
- Cẩn thận nha bà chị, - Barton cảnh giác. - Chạm đến môi trôi đến cổ nhưng lượng cồn sánh ngang với động cơ phản lực đó.
Tôi nằm xuống tấm chăn đã trải ra cỏ, đặt cái ly thủy tinh vừa uống thăng bằng trên bụng.
- Trong đó có những gì thế? Hay là cậu không thể tiết lộ bí mật thương trường được?
- Về căn bản có nước chanh, vodka và bia. “Xoa dịu mọi muộn phiền”, ngày xưa bà của em hay nói thế.
- Chắc câu đó có trong cẩm nang làm bà nội, bà ngoại quá, - tôi mỉm cười. - Ngày xưa bà của tôi cũng hay nói thế.
- Hình như bà của em cũng nói y chang, - Tyler lên tiếng, - nhưng bà toàn nói tiếng Ba Lan nên em chẳng dám chắc nữa.
Barton bày đồ ăn ra - hai hộp nén “sản phẩm từ phô mai”, một hộp bánh quy giòn, một hộp bánh mì dẹt. Một túi tướng bỏng ngô, một hộp nhỏ hạnh nhân. Một hộp sốt hành rất sánh, đã mở sẵn. Khoai tây chiên, bánh quy Oreo. Một hộp kẹo bạc hà trông như quà các khách sạn thường tặng cho khách. Một túi kẹo sô-cô-la M&M cỡ đại. Một đĩa bánh brownie nhà làm, mà tôi dám cá là ngọt lừ và rất béo.
- Ten ten! - Barton làm động tác cúi chào rất cầu kỳ. - Xin mời thưởng thức ẩm thực địa phương New Jersey.
Tôi ngắm những vì sao từ từ hiện lên trên nền trời sẫm dần, nghe Tyler và Barton rỉ rả nói chuyện về những người họ biết, thỉnh thoảng với tay lấy mấy hạt hạnh nhân rang muối.
- Wyn ơi, sao bà chị thích trầm tư mặc tưởng riêng một cõi như thế? - Barton gọi với sang. - Chị xõa thoải mái đi, phải một lúc nữa màn pháo hoa mới bắt đầu.
- Chị ấy đang đau khổ đấy, - Tyler xí xớn chen vào. - Một cuộc hôn nhân tan nát, hai người bạn trai bỏ đi biệt tích. - Cô quết thứ gì đó có vị phô mai lên bánh quy giòn và đưa cho tôi.
- Họ không phải là bạn trai. Một người là con riêng của bố dượng tôi. Người kia chỉ là bạn.
Barton nhướng một chân mày lên giống điệu bộ của diễn viên Vivien Leigh trong phim Cuốn theo chiều gió.
- Chậc, chậc, chậc, phải nói rằng em ngưỡng mộ phong cách của bà chị đấy.
- Hình như tôi không biết phải xoay xở thế nào với cánh đàn ông. - Tôi nuốt chửng miếng bánh quy giòn để khỏi phải cảm thấy mùi vị của nó trong miệng mình, rồi uống thêm một ngụm lớn.
- Còn bây giờ, KHÔNG có thương cảm nào bằng THƯƠNG THÂN! - Cậu nhái câu hát tuyệt hay của Ethel Merman. - Barton em đây biết cách làm bà chị thấy yêu đời hơn. - Cậu đứng dậy, đi ra phía sau tôi. - Ngồi dậy, ngồi dậy nào. - Tôi ngồi dậy, bắt đầu cảm thấy tác dụng của trút-bỏ-và-lộ-thiên. Tôi còn chưa định thần lại, đã thấy Barton xõa tóc tôi ra chải. - Để em nghịch tóc chị chút nhé. Một kiểu đầu mới luôn có tác dụng lên giây cót tinh thần.
Thế là chúng tôi ngồi yên, nghe nhạc jazz vọng đến từ cát-xét của ai đó, chuếnh choáng uống trút-bỏ-và-lộ-thiên, lảm nhảm ăn linh tinh, chờ trời tối hẳn trong khi Barton tết tóc tôi thành vô số bím nhỏ liu riu. Chắc trông tôi hao hao giống quái vật tóc rắn Medusa, nhưng đúng là cảm giác như được tiếp thêm năng lượng.
Cuối cùng, lúc chín giờ mười lăm, phát khai hỏa đầu tiên vút lên từ cầu phao ở giữa hồ. Chúng tôi cùng ồ và à như mọi người xung quanh, nhưng Barton vẫn miệt mài thực hiện công trình với mái tóc tôi. Còn tôi chưa bao giờ chán xem pháo hoa. Thực ra pháo hoa chẳng để làm gì, chỉ được mỗi cái đẹp, còn thì vòng đời chóng vánh chỉ vỏn vẹn có vài giây. Nhưng tôi yêu cả mùi thuốc pháo và dải khói đen mỏng manh còn vương trên nền trời khi tất cả hào quang lung linh đã tắt. Còn đêm nay, khán giả hình như chú ý nhiều đến cái nóng. Sau đoạn kết đẹp ngất ngây, Tyler và Barton bắt đầu thu dọn đồ, bàn chuyện đi tiếp đến câu lạc bộ nào đó ở First Avenue. Những máy nổ xách tay vẫn rù rì chạy để chiếu sáng.
- Hai cô cậu cứ đi đi, - tôi nói. - Đêm nay tôi không cần uống thêm gì nữa. Lát tôi tự bắt xe buýt về nhà.
- Để bọn em đưa chị về nhà, - Tyler nói.
- Tôi muốn ngồi đây thêm một lúc nữa, về ngay thì nóng quá.
Barton ôm tôi tạm biệt và chỉnh lại những bím tóc vừa tết.
- Một con người mới toanh nhé. Trông bà chị cực kỳ là rừng rú. Lúc nào rảnh ghé chỗ em chơi.
Tyler toét miệng cười.
- Trông giống nàng Bo Derek phết. Quý cô Mười Tuyệt Đối*. Cơ mà chị về cẩn thận, đừng dính vào rắc rối gì nha.
Tôi phì cười, lúc lắc đầu khiến những bím tóc xoay theo hết trái lại phải.
- Tôi thấy mình giống cái máy bay trực thăng hơn.
Hai cô cậu hòa vào đám đông, còn tôi đi lang thang trên thảm cỏ mênh mông, nơi người ta hay tới thả diều, một ngọn đồi lớn cạnh xưởng hơi đốt cũ. Tôi ngồi xuống cỏ, quan sát những mái đầu lô nhô trong khi mọi người thu dọn đồ lề, uể oải rời đi. Bọn trẻ chạy nhắng khỏi cha mẹ rồi lại về, mệt không nói nổi lời nào. Lũ chó sủa nhạt vài tiếng với nhau, chậm chạp đi trong cái nóng. Tôi dõi mắt tìm những người đàn ông dáng cao, đội mũ bóng chày đen. Cũng thấy vài người, nhưng tất nhiên không phải là anh. Tôi biết mình nên đứng dậy và về thôi. Hầu như mọi người đã về cả rồi, chỉ còn vài đám trẻ. Có lẽ không nên là người cuối cùng rời đi, nhưng thêm vài phút nữa cũng chẳng sao. Tôi co chân lên, ngồi thu lu, áp trán vào hai đầu gối, những bím tóc xòa xuống quanh mặt như một tấm rèm.
- Cô ơi, cô có sao không?
Tôi ngẩng ngay lên, thấy một đôi trung niên đang đứng, tay mang đôi ghế gấp. Người đàn ông tóc cua ngắn, đôi mắt hiền lành. Người phụ nữ có vẻ cảnh giác, chắc đang nghi tôi là con nghiện nặng hoặc vừa phá thai ngoài ý muốn xong.
- Cảm ơn anh chị, tôi không sao.
- Cô không nên ngồi một mình ở đây, - người phụ nữ nói.
Tôi đứng dậy, mỉm cười với họ.
- Tôi đang huy động năng lượng trong người để đi làm thôi.
- Muộn thế này rồi cô làm việc ở đâu? - Người đàn ông hỏi.
- Hiệu bánh Queen Street. Ở mạn Queen Anne ấy.
Người phụ nữ thốt lên:
- Thật sao? Tôi toàn mua bánh ở đó đấy. Cô xem này. - Chị kéo áo để tôi thấy chị đang mặc áo phông Hiệu bánh Queen Street.
- Tôi làm mà. Bánh mì ấy.
Gương mặt chị bừng lên vẻ thích thú.
- Ôi, bánh cô làm ngon lắm! Nhất là mấy loại mới. Bánh chuối với quế và bánh mì bột ngô và hạt kê. Hóa ra là cô làm!
- Đúng đấy, bánh ngon lắm! - Anh chồng xác nhận.
Hình như tôi đã đỏ mặt.
- Cảm ơn ạ, anh chị thích là tôi mừng lắm.
- Gặp cô vui quá! - Chị vợ ríu rít. - Chắc lúc nào đó chúng ta sẽ gặp lại nhau ở hiệu bánh.
Tôi bật cười.
- Thế thì chị sẽ phải đến trước bảy giờ sáng đấy nhé.
Họ vẫy tay tạm biệt và đi về phía phố, nhưng tôi vẫn đứng yên. Chờ đợi anh bất ngờ xuất hiện, như trong các bộ phim. Bỏ mũ xuống, vuốt mái tóc ra sau. Mỉm cười rạng rỡ và nói: “Anh biết ngay là sẽ thấy em ở đây”.
Rút cục, tôi đi theo đường đôi vợ chồng lúc trước vừa đi. Khi ấy, một làn khí mát rượi phả vào mặt tôi. Nó căng lên thành cơn gió, hào phóng, tươi tắn, mang mùi của biển. Chắc cơn gió đã cuộn mình từ mặt nước, cuốn theo cả chút bọt sóng trắng. Mặt tôi dịu đi. Nhẹ nhõm ngả đầu ra sau, tôi nhìn lên những vì sao. Đợt sóng nhiệt đã tan đi rồi.
Người lái xe buýt bật tín hiệu xin đường, sẵn sàng rẽ vào Eastlake Avenue. Tôi chạy vội đến, kịp nhìn thấy hình ảnh phản chiếu trên cửa kính một tòa nhà - ai đó cũng đang cố bắt xe buýt - một cô thợ bánh mì nổi tiếng, guồng chân chạy trên vỉa hè, những bím tóc bung lên trong gió, lớn tiếng gọi người lái xe xin hãy chờ một lát. Tôi lách vào chỗ ngồi, lấy lại nhịp thở và vuốt mồ hôi lấm tấm trên mặt.
Nếu tôi phải viết ra câu chuyện về bản thân, dòng mở đầu sẽ là: “Vào năm thứ ba mươi hai được sống trên đời, cô đã phát hiện ra Sinh Kế Phù Hợp với mình...”. Hoặc như CM hay nói, tôi khám phá ra mình là ai. Tôi đã bóc dần từng lớp một - con gái của bố tôi, vợ của David, một phụ nữ đã li hôn - và tôi nhận ra, ở sâu thẳm cốt lõi, là người thợ làm bánh mì. Cô gái thích làm việc khi cả thế giới còn đang say ngủ. Thích sống một mình, không có xe ô-tô, cũng chẳng có nhà riêng. Thoải mái nhất khi mặc quần jeans và áo sơ-mi flannel. Chọn bạn bè vì mình thích được ở bên họ, chứ không bởi họ có hữu ích với mình hay không. Và sẵn sàng đón nhận tình yêu. Hoặc sẽ đón nhận, nếu cô biết cách nhận ra nó.
o O o
Mới khoảng mười một giờ khi tôi tới hiệu bánh. Linda đã đến trước. Tôi thấy bà lúc đi qua cửa sổ mặt tiền. Nhìn qua bóng tối trong gian cửa hàng, khu làm việc của chúng tôi sáng lên như sân khấu của một nhà hát nhỏ. Tôi nhìn Linda đi lại giữa tủ lạnh, lò nướng và bàn bếp, dáng người thô tháp của bà như đang uyển chuyển múa trước những khán giả vô hình. Thực ra bà còn mỉm cười. Tôi vụt nhận ra, có lẽ Linda cũng yêu thích công việc làm bánh mì này như, hay có lẽ là còn hơn, bất cứ điều gì khác trong cuộc đời bà. Nhưng cách yêu của bà khác tôi. Linda yêu thích và thấy thoải mái với nhịp đều đặn, quen thuộc; còn tôi muốn thử nghiệm. Nhưng điều đó không làm giảm ý nghĩa niềm hạnh phúc của Linda.
Thỉnh thoảng thói cứng đầu của mình khiến chính tôi ngạc nhiên - tôi xúng xính mặc quần Ralph Lauren đi làm, nói đủ thứ chuyện về nghề làm bánh ở Pháp, và ì èo nài Linda thay đổi cung cách bà vẫn làm suốt hai mươi lăm năm qua. Dễ hiểu tại sao bà không thích tôi xớ rớ xung quanh.
o O o
Sáng thứ Bảy, tôi chuẩn bị đi ngủ thì có tiếng gõ cửa. Tôi ra mở và thấy Daisy Wardwell, trong áo khoác vàng nhạt và áo phông trắng, mỉm cười dưới lớp trang điểm hoàn hảo. Cô nói đi có việc ở gần đây nên tiện ghé qua.
- Ôi trời ơi, xem chị đã làm gì với nơi này thế! - Tôi không dám chắc cô đang kinh hãi hay trầm trồ. - Tuyệt quá! Rất là... ấm cúng và mời gọi.
- Này, Daisy, chắc tôi biết tại sao cô lại đến.
Daisy vờ cong môi làm ra vẻ khổ sở.
- Vâng, chị thân mến, có vẻ ông Keeler muốn lấy lại nhà rồi.
- Khi nào tôi phải chuyển đi?
- Không gấp lắm đâu. Theo ý Keeler, ông ấy sẽ không thể chuyển vào khi căn nhà còn chưa sẵn sàng. Vấn đề là, chừng một tháng nữa, họ sẽ tháo dỡ và phá đi kha khá.
- Thợ xây sẽ đến phải không?
Daisy gật đầu.
- Vậy nếu chị thấy ổn thì cứ ở lại cho đến khi nào bên nhà lớn khởi công.
- Vấn đề là, tôi ngủ vào ban ngày, cho nên chắc phải sớm tìm chỗ khác thôi. Cô có biết chỗ nào tươm tất không?
- Không. Lúc này làm ăn không mắn lắm, chị thân mến ạ. Nhưng chúng ta còn vài tuần nữa cơ mà. Em sẽ lùng thử xem sao. Trong khi đó, có lẽ chị rậm rạp chuẩn bị sẵn sàng đi, phòng trường hợp phải dọn đi nhanh.
- Ừ, ý hay đấy.
- Xin lỗi chị nhé. - Daisy lúc lắc những lọn tóc vàng.
- Không sao. Tôi biết tình hình từ đầu rồi mà.
o O o
Tôi đã tích được lượng đồ nhiều đáng kinh ngạc trong một thời gian ngắn đáng kinh ngạc. Quần áo, sách, nồi niêu xoong chảo, băng nhạc, đồ gia dụng, vải vóc, và tất nhiên, đồ làm bánh. Tôi chiếm dụng mấy cái thùng giao hàng của hiệu bánh, bỏ vào trong đủ thứ vô bổ, lần lượt xếp dựa vào mảng tường tôi vẫn để dành để treo giá sách. Sau một tuần, trông nó manh nha giống một góc triển lãm nghệ thuật trừu tượng, và tôi chưa nhận được thông tin khả quan nào từ Daisy.
Tối thứ Ba, tôi đóng gói các thứ trên bàn làm việc - phải thừa nhận là chẳng có gì nhiều, chỉ một thùng thôi là vừa hết. Trời ấm áp nên tôi để ngỏ cửa sổ và cửa ra vào, mua vui cho hàng xóm bằng nhạc của Van Morrinson. Một trong những ca sĩ Mac luôn yêu thích. Ca khúc đầu tiên anh cho tôi nghe là “Lau sạch những ô cửa sổ”. Mac thích vì chỉ vỏn vẹn có bốn phút mà bài hát nói lên toàn bộ một cuộc đời, bất kể bối cảnh thời gian - người đàn ông trong bài hát kiếm sống bằng nghề gì, bạn bè với những ai, nghe loại nhạc nào, đọc sách gì, và ăn những gì. Nhạc và lời đều thật tuyệt.
Không có gì cụ thể - tôi không nghe hay nhìn thấy gì lạ, nhưng cứ linh cảm có ai đó ngoài hiên. Tôi đứng dậy, qua phòng khách và mở hẳn cửa ra vào. CM đang ngồi trên lan can bao quanh hiên. Hình như cô đang khóc, nhưng trời tối quá nên tôi không dám chắc.
Tôi lao ra ôm chầm lấy cô, suýt khiến cả hai ngã ngửa qua lan can xuống đất. Chỉ một giây sau, CM cũng ôm lấy tôi, cả hai bật khóc, rồi cùng bật cười.
- Ít nhất lần này bồ không thụi tôi chảy máu mũi, - CM cảm thán.
- Tôi yêu bồ lắm lắm. - Tôi đưa cườm tay lau nước mắt. - Nhớ bồ quá! Ôi, Chúa ơi, CM, tôi xin lỗi. Lần trước tôi chẳng khác gì quỷ cái. Tôi hứa sẽ nhảy múa ở đám cưới của bồ.
CM kéo ống tay áo quệt nước mắt.
- Đội ơn bồ. Rủi là sẽ không có đâu. Không cưới xin gì nữa đâu.
- Hả? Sao lại không? Đã xảy ra chuyện gì thế?
Cô nhìn tôi, cười méo xẹo.
- Bồ nói đúng.
- Không thể nào. Lúc ấy tôi đã nhỏ nhen ác khẩu. Và ganh tị.
- Cứ cho là thế đi. - CM cười ngất. - Nhưng bồ vẫn đúng.
Tôi khoác vai cô, kéo vào nhà.
- Uống một ly rồi từ từ kể cho tôi nghe nào.
CM nhìn đống thùng đã đóng của tôi.
- Bồ đang làm gì vậy?
- Tôi chưa quyết. Phải chuyển khỏi đây, nhưng chuyện đó nói sau. Bồ lấy ly đi, để tôi mở rượu.
Chúng tôi ngồi khoanh chân trên xô-pha, và CM nói:
- Cảm ơn bồ đã cho tôi bánh. Ngon lắm!
- Sao lúc nhận được bồ không gọi điện cho tôi? Tôi cứ tưởng bồ hận tôi lắm lắm.
CM nhún vai.
- Xin lỗi mà. Lúc ấy tôi xấu hổ quá. Cơ mà cũng không xấu hổ đến mức không ăn bánh.
- Rút cục đã có chuyện gì vậy?
- Chính xác những điều bồ nói đã xảy ra. Neal gặp rắc rối với một số nguồn tài liệu anh ấy liệt kê trong luận văn. Thầy của anh ấy chỉ ra rằng những tài liệu đó không tồn tại. Thế là anh ấy đôi co với thầy, lời lẽ khá hỗn hào. Rồi hội đồng khoa học vào cuộc, anh ấy lại giở chiêu vô-địch-sập-cửa-đùng-đùng-bỏ-đi ra. Từ đó chỉ vèo một cái là đến chỗ anh ấy lên án tôi ích kỷ, vô cảm trước những gì anh ấy phải trải qua. Tối nào cũng nhủng nhẳng tiếng bấc tiếng chì. Còn gần gũi nhau thì cảm giác chẳng khác gì có cả một đàn thỏ chen vào giữa. Rồi đến lúc tôi thấy bị tổn thương tới mức không ăn nổi - bồ tưởng tượng được không. Không ngủ được luôn. Và da tay ở chỗ đeo nhẫn ngứa ran lên thế này đây - chắc chắn là tín hiệu Chúa muốn cảnh báo tôi.
CM giơ ngón nhẫn ửng đỏ và phồng rộp trước mặt tôi.
- Dù sao thì đêm qua tôi đã trả nhẫn lại cho Neal rồi, nói thẳng anh hãy biến khỏi nhà tôi ngay. Neal hùng hổ bỏ đi và từ đó chưa thấy quay lại. Chắc cả đêm đã thổn thức bên mấy cô sinh viên ở góc vắng vẻ nào đó trong thư viện rồi.
- Vậy Neal chưa dọn hẳn đi à?
- Anh ấy sẽ phải quay lại khuân hết đồ của mình đi. Đến sáng Chủ nhật mà chưa xong thì tôi sẽ lẳng ra bãi cỏ trước nhà, tặng người vô gia cư hết. - CM dừng lại, uống một ngụm rượu lớn và thở dài. - Sao bồ lại biết sẽ ra nông nỗi này chứ?
Tôi lắc đầu.
- Tôi không có ý đó. Lúc ấy tôi nhỏ nhen quá, lại đố kỵ với bồ nữa.
- Bồ không mà.
- Tôi có mà.
- Bồ không phải loại bạn đó, - CM quả quyết.
Lời nói của cô càng khẳng định rằng một người bạn thực sự luôn vững tin vào những gì tốt đẹp nhất ở ta, dù thực tế phải đối mặt với những bằng chứng rành rành chứng minh điều ngược lại.
- Giờ kể cho tôi nghe chuyện của bồ đi, - CM nói.
- Ôi... - Tôi ngả đầu vào thành ghế. The Shirelles đang réo rắt hát “Em, chính là em”, tôi yên lặng chờ đến đoạn tôi thích nhất, nhạc đệm nghe như tiếng đàn calliope. Bài hát kết thúc, tôi mới nói tiếp. - Bồ có nhớ cái đĩa than của Katie không? Hồi chị ấy dạy bọn mình nhảy ấy?
CM bật cười.
- Đĩa có bài “Bác đưa thư ơi” hả?
Tôi gật đầu.
- Cái bài hồi ấy bọn mình nghe đi nghe lại tên là gì ấy nhỉ? Nghe nhiều đến mức xước cả đĩa.
- Bài “Ánh sáng của những bữa tiệc”. - CM mỉm cười. - Trời ơi, lâu lắm rồi tôi không nhớ lại. Thời xa xưa tươi đẹp của chúng ta.
Tôi lắc rượu trong ly.
- Thời ấy chỉ phải lo mỗi chuyện diện thế nào cho xinh. Không có bạn nhảy cũng chẳng sao, chúng ta cao quá mà.
- Hai đứa mình không quá cao. Tại họ quá thấp thôi.
- Ừ, sao cũng được. Nhưng bồ biết không, một hôm ở quán Bailey, Mac đã bật bài đó, tôi gần như không nhận ra khi thiếu những tiếng nấc nho nhỏ ngày xưa ấy.
CM dành cho tôi ánh mắt đồng cảm tuyệt đối, chỉ có giữa những người bạn thân lâu năm.
- Ừa, tôi hiểu mà.
- Bồ biết không, thực ra David nói đúng. Anh ấy từng hỏi tôi, “Bản thân có hạnh phúc hay không mà em cũng không biết ư?”. Rõ ràng là, tôi không biết. Nếu David không đá tôi, tôi sẽ không bao giờ có gan để ra đi.
- Chà, tôi chưa gửi thư tỏ lòng cảm ơn anh ta đâu. Chưa, cho tới khi nào chia xong tài sản. Thế còn ông anh đẹp trai khác cha khác mẹ thì sao?
- Anh ấy đoàn tụ với vợ cũ rồi.
- Thật không? Kỳ quặc ghê.
- Thực ra, tôi thấy rất là hợp lý. Anh ấy yêu cuộc sống gia đình có bố mẹ con cái hơn là yêu con người tôi. Mới cả tôi như chớm thấy được viễn cảnh. Bồ biết đấy - nhiệm kỳ thứ hai trong cương vị bà vợ điều hành ở Marin, thay vì Hancock Park.
- Anh ấy là một Chàng Quá Độ tốt đấy chứ.
Tôi khịt mũi đúng kiểu Linda.
- Thời kỳ quá độ ngắn nhất trong lịch sử.
- Còn Mac thì sao?
- Ổn, chắc thế. Anh ấy đang ở đảo San Juans viết tiểu thuyết.
Ánh mắt như tia X quang của CM quét qua đầu tôi.
- Chán thế. Tôi thích anh ấy. Ý là tôi thích vì anh ấy hợp với bồ.
- Đại loại tôi cũng thích Mac. Nhưng tôi và anh ấy chưa bao giờ vượt quá giới hạn bạn bè.
- Biết đâu anh ấy sẽ quay lại Seattle.
Tôi lơ đễnh cạo lớp màu da cam Hoàng hôn trên biển Caribbean sơn trên móng chân cái.
- Còn tất cả đống này là sao? - CM nghiêng đầu về phía các thùng đồ đã đóng.
- Chủ nhà đã sẵn sàng tiếp tục sửa nhà. Tôi vẫn biết rồi chuyện đó sẽ đến, có điều lúc này thật không đúng thời điểm. Daisy nói tình hình nhà cửa đang trì trệ.
- Wyn hâm, chỉ việc dọn vào chỗ tôi thôi mà. Ngay sau khi chàng Mông-Thủ cuốn gói.
- Bồ không cần chút thảnh thơi yên tĩnh sao? Chút thời gian riêng cho bản thân ấy?
- Tôi cần bà chị máu Amazon của tôi cơ. - CM cười toe toét. - Lại như ngày xưa nhỉ.
o O o
CM về nhà còn tôi mang khuôn mặt ửng hồng đi làm, dễ còn hồng cho tới tận sáu giờ kém năm phút sáng hôm sau. Lúc này Ellen đến, trông xanh mét như sắp thành đồ ăn cho Thần Chết đến nơi.
- Diane phải đi Baltimore nữa rồi, - Ellen đáp luôn ánh mắt thắc mắc của tôi. - Bà mẹ không ổn, hình như lại bị thêm một cơn đột quỵ nhẹ nữa.
- Bánh quy cũng vụn ra theo cách như thế đấy, - Linda lẩm bẩm. Bà ra khỏi cửa, để tôi đẩy giá để nguội vào và xếp bánh mì lên.
Ellen bơ phờ suốt buổi sáng. Bỏ tiền lẻ vào máy tính tiền xong, chị ngồi thụp xuống ghế và gối đầu lên cánh tay. Chẳng biết nói gì để động viên tinh thần chị, tôi liên tục pha cà phê. Bây giờ biết sử dụng máy pha cà phê thuần thục rồi, tôi phải thú nhận rằng thỉnh thoảng làm barista khiến tôi cảm thấy mình rất gợi cảm. Hệt như một signorina* nào đó, mảnh mai, thanh tú, nhưng ngực căng đầy, với mái tóc đen và nước da trắng mịn. Nàng làm việc trong một quán cà phê ở Milano hoặc Firenze và tất cả nghệ sĩ trong vùng đều khao khát nàng, cả thầm kín lẫn công khai. Sáng nào họ cũng kéo đến quán cà phê để chiêm ngưỡng đường hông nàng uyển chuyển cử động, với một vẻ duyên dáng chết người, trong khi chuyên chú pha cà phê. Họ gửi đến nàng vô số nụ hôn gió, và để hàng ngàn đồng lire lại quán.
- Cô có định pha cà phê không hay cứ đứng đó nhìn hơi nước vậy? - Ellen lên tiếng.
- Xin lỗi chị. - Tôi đóng van tạo bọt sữa và nén cà phê đã xay mịn vào ngăn đựng. - Diane có nói bao giờ sẽ quay lại không ạ?
Ellen tròn mắt nhìn tôi.
- Cách đây năm giây tôi vừa nói rằng Diane hi vọng thứ Sáu sẽ quay lại, nhưng chưa chắc chắn.
- Xin lỗi, lúc nãy tôi mải nghĩ chuyện khác.
- Chắc tôi phải trưng dụng Tyler lần nữa rồi. - Chị lẩm nhẩm với chính mình hơn là nói với tôi. - Còn phải gọi điện cho những người đã đặt bánh tuần này, thông báo rằng Diane lại tạm nghỉ. - Chị quay ngoắt lại. - Cô biết đấy, rồi họ rỉ tai nhau nhanh lắm, chúng ta sẽ bị tiếng xấu là không giao nổi đơn hàng.
Tôi đưa cho chị cốc cà phê còn bốc khói.
- Không phải là chúng ta không giao nổi. Chỉ là ta không thể giao những gì họ đã đặt hàng thôi.
Ellen nhíu mày.
- Hả?
- Em nghĩ biết đâu có người cũng thích bánh kiểu Tyler.
Nét mặt Ellen giãn ra.
- Cô cho là có ư?
- Em không dám chắc, nhưng dân nghiền nhạc punk, họa sĩ, sinh viên... họ cũng làm đám cưới mà. Rất có thể không phải ai cũng thích bánh cưới trắng trang trí bằng hoa ly chuông và violet. Nhiều hiệu bánh đang nhái lại mẫu của Diane, dù em chưa thấy ở đâu làm đẹp bằng chị ấy. Có lẽ ta nên thử cái gì đó mới đi. Hơi phá cách một chút. Biết đâu sẽ khai thác được nhóm khách hàng mới.
Ellen trầm ngâm, lúng búng ngậm cà phê một lúc rồi mới nuốt xuống.
- Có lẽ cô nói phải, - chị lên tiếng. - Tôi sẽ nói chuyện đó với Tyler. - Chị nhìn đồng hồ đeo tay và thở dài. - Nếu cô nàng ban cho chúng ta diễm phúc được gặp.
Bảy giờ kém hai mươi, Tyler thủng thẳng tới cửa trước, tay trong tay với - tôi không thích bình phẩm về người khác, nhưng anh chàng này giống y chang Người Khổng Lồ Xanh. Đầu cạo nhẵn và mặc độc màu đen, cùng tông với Tyler. Trông hai người họ như phiên bản đen của cặp song sinh Bobbsey vậy. Chàng đeo một thứ từa tựa như cổ dề chó với đinh tán tủa ra. Tôi và Ellen cùng nhìn, lấy làm thú vị, khi hai người họ say đắm hôn tạm biệt, bịn rịn những mấy phút. Cuối cùng, chàng rời đi và Tyler bước vào hiệu bánh.
- Chào hai chị. - Son môi màu tím của Tyler hơi lem ra má trái.
Tôi thực vô cùng muốn biết sao có thể ôm hôn người đeo cái thứ cổ dề như vậy mà không sợ bị thủng cổ họng, nhưng có lẽ giờ chưa phải lúc để hỏi.
- Cô đến muộn đấy, - Ellen nói.
- Ôi, xin lỗi chị. Anh Teddy muốn đưa em đi làm và bọn em hơi...
- Tuần này ngày nào cô cũng đến muộn. - Ellen lủng bủng từng từ như thể chúng là cao su vậy. - Lần sau mà còn tái diễn là tôi trừ lương đấy. Thêm nữa, tôi không đánh giá cao việc cô đứng trao đổi nước bọt với Rin Tin Tin* ngay trước cửa hiệu vào lúc bắt đầu giờ đông khách đâu. Nếu cô phải nuông chiều bản thân thì xin mời ra ngõ sau. - Ellen đứng phắt dậy và đi vào phòng vệ sinh.
Tyler chằm chằm nhìn theo chị.
- Quỷ thần thiên địa ơi, ai đã cả gan thả dầu cù là vào thuốc Preparation H của Ellen vậy?
Tôi gắng sức nén cười.
- Tha cho chị ấy đi. Ellen đang căng thẳng toàn tập đấy.
Đến thứ Bảy, căn hộ của CM đã sạch bóng dáng Neal Brightman. Chủ nhật tôi dọn vào. Hầu hết đồ đạc của tôi phải tống kho, nhưng Neal đã bố trí một góc làm việc nhỏ trong phòng khách, và CM giao chỗ đó cho tôi tùy ý để sách, giấy tờ và băng nhạc. Vì ý niệm về bữa tối của CM là hâm nóng đồ ăn sẵn Lean Cuisine, nên còn thênh thang chỗ trong bếp cho tôi để đồ của mình.
- Tôi luôn ao ước có một thợ làm bánh tại gia. - CM cẩn thận cất các phới đánh trứng, con lăn bột và khuôn nướng bánh của tôi vào tủ bếp ở cạnh bồn rửa.
Chúng tôi thay cái xô-pha của CM bằng đệm gấp của tôi, nhưng vì tôi sẵn sàng đi ngủ vào lúc CM sẵn sàng đi làm, nên hai đứa thay phiên nhau ngủ trên giường lớn. Mọi sự đều ổn thỏa, trơn tru như máy móc được tra đủ dầu mỡ. Nhưng tôi đã quá quen với sự xa xỉ của cô độc. Ở cùng CM giống như vui chơi chốc lát vậy, nhưng rút cục tôi sẽ muốn có chỗ riêng của mình. Tôi gọi điện cho Daisy, nói rằng tôi đã có dư giả thời gian và vẫn cần tìm nhà.
o O o
Chỉ có góc nắng mới cho ta biết đã là cuối tháng Tám rồi. Ở Los Angeles, vào thời gian này, cả những khoảnh sân được tưới nước đầy đủ nhất cũng bắt đầu xơ xác. Còn nơi đây, hoa thục quỳ vẫn lúc lỉu trong gió ấm, và cúc zinnia vẫn tưng bừng rực rỡ trên phố. Vòm trời chiều vẫn xanh vô tận, và Diane vẫn còn ở Baltimore. Lý do chị đưa ra là trong khi tình hình chưa ổn định thì thà ở lại còn hơn là cứ bay đi bay về.
Ellen nói được, đồng ý, nhưng mọi người ở hiệu bánh đều nhận thấy hiệu ứng của căng thẳng. Phong thái vui tươi hàng ngày của chị bị vùi lấp trong mệt mỏi và lo lắng. Chị bị sụt cân, và hai bọng mắt dày lên. Tyler không vui, cảm thấy phải làm việc quá nhiều và được trả lương quá ít, xoay như chong chóng hết làm barista lại chuyển sang trang trí bánh, tùy tình hình. Thế là Jen và Misha xắn tay lên đỡ cho Tyler, và họ không đến mức quá bấn loạn. Chỉ có Linda vẫn ung dung vô sự như thường.
o O o
Một buổi sáng, tôi đang giỡ bánh ra khỏi lò thì nhác thấy một phụ nữ ăn mặc lịch sự đang đi đi lại lại trước cửa hiệu. Chắc hẳn là người đang cần dùng cà phê sáng đây. Chị ta liên tục nhìn đồng hồ và chuyển cái cặp Louis Vuitton từ tay nọ sang tay kia. Sáu giờ kém mười lăm, Ellen xuất hiện, đến bắt tay người phụ nữ; rồi một người đàn ông mặc com-plê xanh thủy thủ đến và họ cùng bắt tay nhau. Tôi cảm thấy dạ dày mình như đang thúc mạnh vào thành bụng. Ellen mở cửa trước và hai người kia theo vào.
- Chào Wyn, - Ellen lên tiếng, nghe gần giống như mọi ngày, nhưng chị tránh nhìn tôi; cũng không có vẻ gì định giới thiệu tôi với hai anh chị thanh lịch kia, nên tôi tiếp tục làm việc của mình. Ba người bọn họ đi quanh khu làm bánh, tôi nghe thấy Linda lớn tiếng càm ràm rằng sao bỗng dưng lại đông đúc chật chội thế này. Ellen đáp gì tôi nghe không rõ, nhưng chị đưa hai vị khách trở ra cửa hàng và họ cùng ngồi xuống bên bàn.
Tôi đã hiểu điều này nghĩa là gì, nhưng phải đến khi Ellen tới bàn làm việc và quay ra với cuốn sổ thu chi cũ màu xanh lá cây, tôi mới đành bỏ cuộc, không cố suy diễn những cách giải thích khác nữa. Tôi đứng quanh nhìn họ lâu đến mức Ellen cảm thấy xấu hổ.
- Wyn ơi, cô lại đây một lát. Tôi muốn cô gặp anh Terry Sullivan. Ở công ty Bánh Mì Great Northwest. Còn đây là chị Donna Baird. - Chúng tôi bắt tay, và tôi cố ý làm dính chút xíu bột bánh lên bộ com-plê xanh thủy thủ của anh ta. - Đây là cô Wyn Morrison, một trong các thợ bánh của chúng tôi. Wyn đã từng học nghề tại một hiệu boulangerie ở Toulouse.
- Quá tuyệt diệu! - Donna Baird buông lời hoa mĩ. - Được đào tạo bài bản là quan trọng nhất. Tất nhiên, Great Northwest yêu cầu tất cả các thợ bánh phải học hết chương trình của Great Northwest, bất kể trước đó họ từng được đào tạo thế nào. Để đảm bảo chất lượng chuẩn đồng bộ, tất nhiên rồi.
Cấp phép kinh doanh sao? Chất lượng đồng bộ ư? Ellen đang suy sụp tinh thần rồi, không thể có cách lý giải nào khác được. Thế quái nào chị lại muốn biến hiệu bánh Queen Street thành một cái máy làm bánh mì công nghiệp?
Xong màn chào hỏi với tôi, họ quay lại câu chuyện đang bàn dở. Tôi nghe thấy tiếng Terry Sullivan:
- Chỗ này được lắm. Tất nhiên phải dọn dẹp kha khá thì mới có chỗ kê máy móc. Những cái lò kia... thật đáng kinh ngạc. Không thể tin được là chúng vẫn hoạt động tốt. Lẽ ra phải đưa vào viện bảo tàng rồi.
Tôi đi về phía cửa sau, kéo tạp dề qua đầu để cởi ra.
- Này, cô em bùng đi đâu thế?
- Tới phiên chị dọn dẹp. - Tôi ném tạp dề vào giỏ, tránh mặt đi, kệ Linda nhìn tôi chòng chọc sau lưng.
Không thể về nhà được. Đầu óc xoay tít như con quay đồ chơi. Sẽ không ngủ nổi, nên tôi cứ thế bước đi.
Cuối mùa hè năm ấy, tôi không muốn rời Toulouse. Có lẽ một phần là lo sợ phải trở về với thực tại, cái cảm giác cố hữu khi ta rời khỏi một nơi tuyệt vời nào đó. Nhưng còn có thứ khác nữa - sự nhận thức. Tôi đã khám phá ra sự tồn tại của một thế giới vừa mới lạ vừa thân thuộc. Tôi muốn ở lại. Tôi muốn sáng sáng đi bộ đến hiệu boulangerie trong bầu không khí ngòn ngọt sanh sánh dưới vòm lá tiêu huyền. Vào lối cửa sau, một cô thợ là tôi, vừa học qua những bài nhập môn nghề làm bánh. Cảm nhận sức nóng tỏa ra từ lò nướng hít đầy mùi thơm ấm áp như caramel từ cả trăm ổ bánh chín hoàn hảo, và lắng nghe khói nóng khe khẽ hát khi lách qua lớp vỏ bánh giòn tan. Tôi muốn bị thôi miên theo chuyển động của những lưỡi dao trong máy trộn bột, cảm nhận nắm bột nhào mát lạnh, căng đầy dưới lòng bàn tay mình.
Tôi có thể bỏ UCLA và theo học trường dạy nấu ăn. Tôi có thể theo nghề làm bánh nếu đó là những gì tôi mong muốn. Chẳng có lý do gì ngăn trở. Trừ có điều tôi biết chính mình sẽ không làm như vậy. Tôi sẽ về nhà, đâm đầu lao theo những lực kéo của cuộc đời cũ hết sức dễ chịu của tôi. Tôi đã không đủ mạnh mẽ để thay đổi. Hiểu được như vậy khiến tôi buồn vô hạn.
Tiếng còi xe ré lên, tôi giật nảy mình.
- Này, xin lỗi, cô đừng đứng chắn đường thế có được không?
Tôi đang đứng trước ngôi nhà kiểu Victoria trên Fourth Street. Thợ xây đã sẵn sàng leo lên khắp tòa nhà. Bầu không khí hỗn độn tiếng người nói, dụng cụ điện rít lên và búa nện choang choang.
- Xin lỗi. - Tôi nhường đường cho tài xế chiếc xe tải chở cỡ chục mẫu cửa ra vào khác nhau. Chẳng mấy nữa sẽ chẳng nhận ra nổi nơi này.
Quay ngoắt đi, tôi ngược trở lại con đường tôi đã đến, nhịp bước chân nhanh dần để bắt kịp với những suy nghĩ đang chạy đua trong đầu tôi. Ngược qua hiệu bánh, chính xác hơn là nhúc nhắc chạy qua, tôi thấy Terry Sullivan đang đo cửa sổ mặt tiền và nói to con số lên cho Donna Baird ghi lại vào kẹp giấy. Họ ngước lên khi tôi chạy qua, và Donna vui vẻ nói với theo:
- Sớm gặp lại nhé!
Tôi mỉm cười. Thưa quý cô, đừng đặt cược vào điều đó nhé.
Tôi cứ chạy thế được một lúc rồi, và căn hộ của CM nằm ở đồi cao so với Queen Street. Đến khi lao được qua cửa, tôi thở dốc, biết mình vẫn còn vết khâu từ lần phẫu thuật ruột thừa. Uống cạn cốc nước trong khi lục tung bàn làm việc nhỏ, tìm cuốn sổ địa chỉ, và cuối cùng, tôi cầm sổ, ngồi xuống trước chú vịt Dorian.
Không khí trong căn hộ như đang nén chặt lại. Từng giọt mồ hôi túa ra trên mặt, đọng lại thành dòng và chảy xuống cằm tôi. Tim đập loạn và hai tay run bắn khi tôi bấm mạnh số điện thoại của Elizabeth Gooden. Chắc tôi cần tập thể dục trở lại thôi. Thậm chí nếu chỉ...
- Văn phòng luật nghe đây.
- Elizabeth Gooden, xin cho gặp.
- Tôi nghe đây.
- Ối, Elizabeth, - tôi thở hổn hển, - tôi không nhận ra giọng chị. Sao chị lại trực điện thoại thế này?
- Ai đang ở đầu dây đấy ạ?
- Wyn Morrison đây.
- Wynter, chào chị! Tôi đến văn phòng đầu tiên nên nhấc máy luôn. Nghe như chị vừa hoàn thành một cuộc chạy đua thì phải.
Tôi cười không ra hơi.
- Chị gần đúng. Nghe này, chúng ta cần nói chuyện.
- Tôi vẫn nghe đây.
- Về vụ li hôn, - tôi lấy lại nhịp thở. - Tôi muốn bây giờ. Ý là càng sớm càng tốt. Quên chuyện kéo dài lôi thôi đi.
Vài giây im lặng, rồi:
- Chị chắc chắn chứ?
- Vâng, tôi chắc chắn. Thậm chí tôi sẵn sàng nhân nhượng, ờ... miễn là không quá nhiều.
Elizabeth cười khô.
- Không cần thái quá thế, Wynter ạ.
- Được, nhưng tôi nói nghiêm túc đấy. Tôi muốn tiến hành với mọi... người ta vẫn nói thế nào nhỉ?
- Mọi quy trình đã được cân nhắc.
- Rồi, “mọi quy trình đã được cân nhắc”. - Tôi bắt đầu thở đều lại bình thường.
- Và chị hoàn toàn chắc chắn rằng đây là những gì chị mong muốn chứ?
- Vâng, tôi hoàn toàn chắc chắn.
- Chị không cần phải nói, nhưng tôi phải hỏi. Tại sao vậy?
Tôi nhìn quanh căn hộ ấm cúng đầy nhóc những món đồ của tôi và CM, qua cửa sổ, phóng tầm mắt nhìn mặt nước thẳm màu lam ngọc, những tòa nhà của Seattle, rực lên trong nắng sớm, và một ngày chợt tràn đầy ước vọng.
- Tôi có việc hay ho hơn để làm, có lẽ thế.
- Được. Tôi sẽ gửi chuyển phát nhanh cho chị bản kê khai tài chính của chồng chị. Hãy xem kỹ từng chi tiết, như lấy lược sít răng ra chải ấy; và báo cho tôi biết nếu chị thấy thiếu gì nhé. Chúng ta sẽ tiến hành tiếp từ đó. Được chứ?
- Được. Cảm ơn chị, Elizabeth.
- Không có gì, Wynter ạ. Và chúc mừng chị.
o O o
Khoảng ba giờ chiều cùng ngày, tôi quay lại hiệu bánh, vẫn chưa chợp mắt được phút nào. Ellen lộ rõ vẻ không muốn nói chuyện với tôi, nhưng tôi giữ được chị ở một góc trong kho.
- Chị đừng làm vậy. Chính chị cũng biết rồi mình sẽ phải hối hận. Chị thử nghĩ xem nơi này sẽ ra sao nếu trở thành một cơ sở của công ty Bánh Mì Great Northwest?
Ellen quay lại, nhìn thẳng vào tôi.
- Cô nghĩ tôi muốn thế này sao? Tôi ngần này tuổi rồi, không thể đi bán thanh Mazurka dạo trên phố được nữa. - Nước mắt kéo lên mọng mi mắt chị. - Tôi chẳng còn cách nào nữa.
- Tại sao?
- Wyn, hãy tin tôi, suốt mấy tháng ròng tôi đã cố tìm xem có thợ bánh độc lập nào muốn mua lại không, nhưng chẳng ai muốn lao động nặng nhọc thế này nữa. Nếu là cơ sở nhỏ của Great Northwest, ít nhất họ có hợp đồng làm thanh Mazurka.
- Mấy tháng rồi ư? Chị tính chuyện này từ bao giờ?
Ellen vuốt một tay vào tóc, để lại một dải vết bột.
- Chà, từ lâu lắm rồi, tôi đã nghĩ sẽ đến nước này. Ngay sau khi Diane phải về nhà lần đầu. Khoảng cuối tháng Sáu, tôi bắt đầu thăm dò các mối.
- Nhưng tại sao chị phải bán?
- Vì tôi không biết phải làm gì nữa. - Ellen rút một tờ giấy ăn và chấm lên mắt. - Diane sẽ không quay lại. Cô ấy đã quyết định mình có nghĩa vụ phải ở lại Baltimore chăm sóc mẹ.
- Nhưng Diane có bao nhiêu người nhà đỡ đần ở đó. Tại sao chị ấy phải nhổ cả cuộc đời ở đây đi và...
Ellen mở to mắt.
- Mặc cảm tội lỗi là một động lực đáng sợ. Khiến phụ nữ bình thường sáng suốt chợt trở nên điên loạn. Dù sao, - Ellen hạ giọng, - hợp đồng đồng sở hữu của chúng tôi đã ghi rõ, nếu một người chuyển đi, người kia phải mua lại cổ phần. Lẽ ra cũng không thành chuyện trầm trọng gì, nhưng chúng ta đã tiêu hết khoản tích lũy vào đợt mở rộng diện tích sang gian bán kẹo cũ. Chúng ta không thể đi vay thêm nữa. Và tôi không có đủ tiền mua lại phần của Diane.
- Dạ, em có.
Biểu cảm của Ellen khiến tôi nghĩ đến những bộ phim trinh thám thời thập niên bốn mươi. Luôn có một anh chàng bị nện dùi cui vào đầu, nét mặt lập tức trở nên hết sức ngây ngốc, rồi toàn thân đổ uỳnh xuống sàn.
- Sao cơ?
- Em mới gọi mấy cuộc điện thoại, nói chuyện với luật sư và mẹ em. Cuộc li hôn của em còn phải tiến hành một thời gian nữa, nhưng mẹ cho em mượn tạm ba mươi ngàn đô-la; khi nào chia tài sản li hôn xong em sẽ hoàn lại mẹ.
Ellen cười khổ.
- Ôi, Chúa phù hộ cho tấm lòng của cô, Wyn ạ, nhưng cần nhiều hơn ba mươi ngàn đô-la nhiều.
- Tất nhiên. Nhưng không có điều khoản nào trong hợp đồng nói rằng chị phải thanh toán hết toàn bộ cổ phần của Diane, đúng chứ?
- Ừ, không có...
- Vậy ta có thể thương lượng. Em nghĩ cũng dễ thuyết phục Diane thôi. Chị thấy thế nào?
Ellen chầm chậm gật đầu, nhưng tôi thấy chị e dè phải dồn toàn bộ sức nặng vào giải pháp này, sợ rằng nó sẽ sụp xuống dưới chân chị.
- Tại sao cô lại muốn làm như vậy? Cô quá biết rằng Diane và tôi chưa bao giờ kiếm được nhiều tiền.
Tôi mỉm cười.
- Đại loại vì những cơ hội đã bị bỏ lỡ.
Tôi đưa tay ra định bắt tay Ellen, nhưng chị đã nhào sang ôm chầm lấy tôi.
- Cảm ơn Wyn nhé. Cảm ơn cô nhiều lắm.
Chị bật cười giòn tan, từng tiếng như va vào những bức tường xi-măng của phòng kho và rộn rã bật trở lại.