Số lần đọc/download: 2880 / 60
Cập nhật: 2014-12-04 16:37:06 +0700
Chương 7 -
C
ứ sau bốn giờ mọi chuyện mới yên, phòng y tá im lặng như tờ khi y tá Langtry bước vào. Nơi đây rộng và thoáng vì tứ phía đều có cửa sổ kiểu Pháp thông ra hiên nhà và rào lưới mắt cáo, một sự xa xỉ khó tin, trong khi khu kế bên lộn xộn. cái nhà hoạch định quân sự vô danh tiểu tốt nào chịu trách nhiệm mua sắm trang thiết bị trong phòng này hẳn phải yêu các y tá lắm, với những tràng kỷ đan mây có nệm êm và bọc vải hoa sặc sỡ rất bạo mắt. Nấm mốc lâu ngày làm ố vải hoa và việc giặt giũ làm bạc màu cũng không thành vấn đề lắm. Về cơ bản căn phòng vẫn toát lên sự thông thoáng và vui tươi, có tác động tương ứng đến những người sử dụng nó.
Khi bước vào, y tá Langtry trông thấy một người duy nhất là y tá Sally Dawkin bên khoa thần kinh, một đại tá trung niên hay nói năng cộc lốc, một y tá quân y chuyên nghiệp không kém y tá Langtry, to béo và suồng sã, một tâm hồn mẫn cán đáng sợ, nghèo nàn, khoa thần kinh là một khoa khó nhằn có tiếng với bất cứ y tá nào. Thực ra y tá Langtry thấy khoa này không đáng thất vọng bằng khoa điều trị hội chứng chiến tranh, với những chẩn đoán mù mờ và những phương pháp điều trị chẳng đáng tin cậy mà đôi khi có những ca bệnh kéo dài lê thê bất chấp mọi quy luật sinh tồn tự nhiên. Một cánh tay không mọc lại được nhưng cơ thể vẫn có thể thực hiện các chức năng khi thiếu nó, than khóc vì sự mất mát, thế nhưng chính nhờ đó mà đối chọi được với cuộc sống. Não bộ và xương sống cũng không trở lại được nhưng cái mất ở đây không phải là công cụ, mà là thứ điều khiển công cụ. Thần kinh trung ương là một nơi mà cho dù ta theo tín ngưỡng nào chăng nữa, ta vẫn đôi khi khao khát được thoả hiệp với bệnh nan y bằng luâng thường đạo lý của chủ nghĩa nhân đạo.
Y tá Langtry biết rằng cô có thể thoát được cái nạn tồi tệ nhất mà X từng dành cho cô, song không bao giờ vượt qua sự căng thẳng thần kinh. Y tá Dawkin thì nghĩ ngược lại. Thế mới tốt. Các giá trị và kỹ năng của họ tuyệt vời ngang nhau nhưng thiên hướng của họ hoàn toàn khác nhau.
- Trà mới pha đấy..ái chà, không tồi! – y tá Dawkin vừa nói vừa ngước mắt nhìn, mặt rạng rỡ - Hay quá được gặp cô Honour.
Y tá Langtry ngồi xuống bàn mây nhỏ và với một bộ tách đĩa sạch. Cô pha sữa vào ly trước rồi mới rót trà đặc toả hương nồng, rồi tựa lưng châm thuốc hút.
- Chị đến chậm Sally ạ.
Y tá Dawkin cười gằn đáp:
- Tôi cứ như kẻ la cà ấy mà, luôn đến chậm. Cô biết Chúa trời nói gì không, Người nói Thánh nhân đãi kẻ khù khờ.
- Phải đánh đổi nửa bộ não mới đánh giá được hết trò đùa đó – y tá Langtry mỉm cười nói đùa.
- Tôi biết. Thế cô trông chờ gì nào? Đó là người bạn đồng hành của tôi từ trước đến nay đấy. – y tá Dawkin cúi xuống cởi giầy, vén váy đồng phục lên rồi tháo dây nịt móc đầu đôi tất chân. Y tá Langtry liếc nhìn quần buộc túm quân đội cấp phát mà mọi người quen gọi là "thứ huỷ diệt tình cảm" trước khi đôi tất được lột khỏi chân và ném víu vào mặt ghế trống.
- Honour bé con của tôi ơi, lúc nào cũng thế, cứ nghĩ đến cảnh cô bị mắc kẹt ở tít cuối khu này cùng nửa tá kẻ điên điên khùng khùng bên cạnh mà không được ai giúp thì tôi không ghen tỵ với cô một tí nào đâu. Tôi thích đám người loạn thần kinh ba mươi có lẻ cùng vài ả buôn chuyện của tôi hơn. Nhưng hôm nay là một trong những ngày tôi thích đổi chỗ với cô.
Một xô sắt mạ kẽm đầy nước trên sàn nhà giữa hai bàn chân để trần của y tá Dawkin, lồ lộ sự ngắn ngủi, thô kệch, các kẽ ngón viêm loét trừ mu bàn chân sưng vù. Trong khi y tá Langtry quan sát, buồn cười và thương hại thì y tá Dawkin nhúng cả hai chân ngập vào xô nước, kỳ cọ, khoả nước khoái trá.
- Ô hô kh-o-á-i quá! Thật sự mình không thể dấn thêm một bước nào nữa trên đôi chân này.
- Chị bị phù nề vì nóng rồi Sally. Tốt hơn là dùng một ít pot cit trước khi bệnh nặng thêm – y tá Langtry nói với vẻ lo lắng.
- Cái tôi cần là khoảng mười tám tiếng nằm bẹp trên giường gác cao chân lên – kẻ khổ hạnh nói và chép miệng – Nghe sướng thế không biết! – Bà rút một chân khỏi xô nước và lấy ngón tay ấn không thương tiếc vào các khớp chân sưng vù đỏ tấy – Cô đúng đấy, chúng phồng lên cứ như mục sư đứng trước gái. Tôi không trẻ lại được nữa, đó là vấn đề thực sự của tôi – Và bà tặc lưỡi – À mà đó cũng là vấn đề của mục sư.
Có tiếng bước chân vững chắc quen thuộc ngoài cửa, viện trưởng xông vào, áo choàng trắng hồ cứng của bà ôm khít lưng ong, bộ đồng phục hồ cứng đanh lại không một vết nhăn, đôi giày bóng loáng làm loá mắt. Khi trông thấy hai người bên bàn, bà cười lạnh và quyết định tiến công.
- Chúc các y tá một buổi chiều tốt lành – bà ta chào oang oang.
- Chúc viện trưởng một buổi chiều tốt lành – cả hai đồng thanh như những cô học trò ngoan, y tá Langtry không đứng lên vì lo rằng y tá Dawkin không thể đứng được.
Viện trưởng chỉ xô nước và bước rụt lại.
- Y tá Dawkin, cô nghĩ rằng ngâm chân trong phòng công cộng này là đàng hoàng sao?
- Tôi nghĩ chuyện đó hoàn toàn phụ thuộc vào căn phòng và cái chân sếp ạ. Bà phải thứ lỗi cho tôi. Tôi từ Moresby tới Cứ 15, mà ở Moresby thì chúng tôi không có nhiều cử chỉ lịch lãm – y tá Dawkin lôi một chân khỏi xô nước và nhìn nó xót xa – Tôi phải thú nhận đây không phải là một cái chân đàng hoàng cho lắm. Bị méo mó hình hài trong cái công việc của già Florence Nightingale tốt bụng. Nhưng một lần nữa, khoa thần kinh thiếu nhân viên trầm trọng là cũng không đàng hoàng rồi. – y tá Dawkin cứ nói bằng giọng đều đều, tiếp tục ngâm chân vào nước và khoả nước một cách thích thú.
Viện trưởng cứng đờ người, nghĩ xem nên nói gì thì hơn bởi y tá Lang try có mặt ở đó như một nhân chứng, bà quay gót lui ra khỏi phòng.
- Con chó già! – y tá Dawkin chửi – Ta sẽ cho mụ ấy biết thế nào là đàng hoàng! Mụ ta khinh khỉnh coi mình như hòn gạch cả tuần nay bởi vì mình cả gan xin thêm nhân viên trước mặt một viên tướng quân y người Mỹ tới thăm khoa. Chà, mình đã đích thân yêu cầu bà ta bao lâu nay rồi mà chẳng đâu vào đâu cả, thế thì mình còn gì để mất cơ chứ? Tôi có bốn ca liệt một phần tư, sáu ca sống ghép, chín ca bán thân bất toại và ba ca hôn mê, cùng đám người hỗn tạp còn lại. Tôi nói cho mà biết này Honour, nếu không nhờ ba bốn thằng cha còn tỉnh táo giúp một tay thì tàu của tôi đã chìm nghỉm xuống đáy cách đây nửa tháng rồi – Bà tiếp tục rít lên – Lại còn màn muỗi! Tôi chỉ đợi mụ kêu ca với tôi một lần nữa thôi là những màn muỗi của khu D không đàng hoàng là tôi sẽ lập tức cuốn một trong những cái màn quý giá của mụ quanh cổ mụ mà xiết!
- Tôi đồng ý là bà ta xứng đáng nhận nhiều chuyện nhưng bóp cổ ư? Thật là.. – y tá Langtry thấy khoái ý đó.
- Con bò già! Mụ ấy không thể ôm rơm húc bụng bò đực được.
Nhưng màn trình diễn pháo hoa rất hứa hẹn của y tá Langtry xì hơi như bong bóng ngay lúc y tá Sue Pedder bước qua cửa. Không thể phụt thêm đoá hoa nào nữa. Đó là cú đập trúng thóp Honour Langtry, một người không đồng niên nhưng chí ít cũng là y tá hàng đầu với nhiều năm kinh nghiệm, với y tá Dawkin họ cùng phe. Ngoài ra họ cùng phục vụ quân đội với nhau từ New Guinea tới Morotai, và họ là bạn bè. Hồi y tá Pedder còn là một đứa trẻ, không lớn hơn AAMWAs, cô nàng đã làm việc gì đó đại loại bốn mươi tám tiếng liền tại Moresby. Và có lẽ vấn đề ở chỗ đó. Không ai có thể tưởng tượng y tá Pedder đã làm việc một mạch bốn mươi tám tiếng liền ở đâu đó.
Trạc hai mươi hai tuổi, xinh tuyệt và cực kỳ tràn trề sức sống, suốt thời gian dài cô đã ở nhà hát chứ không phải nhân viên Cứ 15. Có câu chuyện vui lưu truyền rằng ngay cả già Carstairs, bác sĩ tiết niệu còn phải hí vang và dậm vó thình thịch khi y tá Pedder tung tăng qua cửa rạp của ông. Mấy y tá và bệnh nhân đã mất tiền khi đặt cược rằng đại tá Carstairs chết đứng thật sự mà không có cơ may nằm xuống.
Các y tá tới Cứ 15 trước khi dập tắt chuyện này đều đã kỳ cựu cả về tuổi tác lẫn kinh nghiệm, tất cả cựu chiến binh có mặt trong rừng rậm thời chiến và đều phục vụ ở rừng. Ngoại trừ y tá Pedder không được coi là một phần của nhóm và bị một số người nhìn nhận với rất nhiều sự dè bỉu.
- Chào các chị - y tá Pedder vui vẻ tiến đến – Phải nói rằng dạo này em không được thấy nhiều ngôi sao của khoa điều trị. Cuộc sống ở các khoa như thế nào?
- Một cảnh ảm đạm, rẻ tiền hơn cảnh liếc mắt tình tứ trong các cuộc giải phẫu ở rạp – y tá Dawkin đáp – nhưng vui khi có thể. Nếu cô có gì để nói thì hãy bỏ nhà hát và vào khoa thần kinh.
- Không đâu – y tá Pedder rú lên, trông vô cùng hoảng hốt – Em không sao chịu được những người tâm thần.
- Tồi bỏ mẹ - y tá Dawkin nói không thiện cảm.
- Tôi cũng không chịu được những người tâm thần – y tá Langtry cố làm cho cô gái tội nghiệp trấn tĩnh – Phải có một tấm lưng tốt, một cái bụng tốt và một tinh tốt. Tôi nhúng cả ba thứ đó vào cơ thể tôi.
- Em cũng thế - y tá Pedder đồng tình hăng hái. Cô nhấp một ngụm trà đầy, phát hiện ra nó đắng ngắt và nồng kinh khủng nhưng đã lỡ nuốt vào rồi thì chẳng còn biết làm gì khác ngoài việc nuốt nốt. Một sự im lặng khá ngớ ngẩn bao trùm, điều này lmà cô sợ hệt như khi nghĩ tới việc bị chuyển từ nhà hát sang khoa thần kinh.
Trong cơn tuyệt vọng cô quay sang y tá Langtry, người rất dễ chịu nhưng khó gần
- Nhân tiện em bảo Honour này, em có gặp một bệnh nhân của chị ở khu X hai tuần trước và hoá ra em học cùng trường với anh ấy ngày xưa đấy. Lạ không?
Y tá Langtry ngồi thẳng dậy và ngả ra sau nhìn thăm dò y tá Pedder khiến cô này tưởng rằng lời s của mình không đảm bảo là thật.
- Hoá ra con gái ông chủ nhà băng từ Woop-Woop đây sao! – cô nói chậm rõ – Có mà tài Thánh cũng không đoán nổi! Tôi cứ tự hỏi bao nhiêu ngày nay cậu ta muốn nói tới ai trong số chúng ta nhưng tôi hoàn toàn quên bẵng cô.
- Woop-Woop ư? – y tá Pedder thắc mắc – Hừm, em biết không phải Sydney nhưng cũng không hẳn là Woop-Woop.
- Đừng vội em Sue ạ, Woop-Woop chẳng qua là tên lóng Luce đặt cho quê nhà mình – y tá Langtry trấn an.
- Luc Daggett hả! – y tá Dawkin nói khó hiểu. Bà hướng về y tá Pedder – Nếu cô đang hẹn hò bí mật với hắn cô nên mặc quần thiếc vào thì hơn, đồ con vịt ạ. Và đừng để hắn với được kéo cắt thiếc đấy.
Y tá Pedder đỏ mặt và vênh váo, xấu hổ vì không nghĩ ra gì để đối đáp với con rồng già này!
- Tôi cam đoan rằng không ai việc gì phải lo lắng cho tôi – cô nói ngang – Tôi biết Luce khi cả hai chúng tôi còn bé.
- Anh ta thế nào hả Sue? – y tá Langtry hỏi.
- Ồ, không khác lắm – y tá Pedder đang lúng túng thì may sao có y tá Langtry quan tâm chuyện này – tất cả các cô gái đều mê anh ấy. Anh ấy quá đẹp trai. Nhưng mẹ anh ấy đi giặt thuê khiến hoàn cảnh hơi khó khăn. Cha mẹ em chắc giết chết em nếu em để mắt tới anh ấy, nhưng may thay em kém Luce đôi ba tuổi nên hồi em học xong tiểu học thì anh ấy đã đi Sydney rồi. Tất cả chúng em đều theo dõi sự nghiệp của anh ấy. Em không bao giờ bỏ lỡ một vở kịch nào của anh ấy trên radio vì đài địa phương thường xuyên phát lại chúng. Nhưng em bỏ lỡ dịp xem anh ấy biểu diễn ở nhà hát Hoàng Gia. Mấy đưa con gái rủ nhau xuống Sydney nhưng cha em không cho em đi.
- Thế cha của anh ta thế nào?
- Em thực sự không nhớ. Ông ấy là chủ đài phát thanh nhưng đã chết không lâu sau khi bắt đầu cuộc Suy Thoái. Mẹ Luce rất tự trọng, bà không tiếp tục làm con búp bê nữa. Đó là lý do bà nhận giặt giũ thuê.
- Cậu ấy có anh chị em gì không?
- Không có anh em trai, có hai chị gái, xinh lắm. Họ là một gia đình đẹp ở trong quận nhưng các cô chị thì không tốt. Một cô nát rượu và còn tệ hơn nếu nói về đạo đức, còn cô kia theo con đường của gia đình và vẫn sống với bà mẹ. Cô ta có con rồi, một bé gái nhỏ.
- Hồi ở trường anh ta học tốt chứ?
- Rất thông minh. Tất cả nhà anh ấy đều thế.
- Cậu ta có tốt với các giáo viên không?
- Chúa ơi, không – y tá Pedder cười hơi lạnh – Giáo viên nào cũng ghét cậu ta. Cậu ta hay châm chọc và láu cá khiến họ không bao giờ có thể ghìm lại được cậu ta để trừng phạt. Ngoài ra cậu ta có thói quen luôn trả thù giáo viên nào phạt mình.
- Hừm, vậy là cậu ta không thay đổi nhiều – y tá Langtry nhận xét.
- Bây giờ anh ấy đẹp trai hơn rất nhiều!Em không nghĩ là trong đời mình từng thấy ai đẹp đến thế - y tá Pedder vừa nói vừa chợt rơi vào mơ mộng và mỉm cười một mình.
- Ối trời! Có kẻ tự chuốc vạ vào thân kìa! – y tá Dawkin tặc lưỡi, mắt long lên không mấy tử tế.
- Sue, đừng để ý tới chị ấy! – y tá Langtry cố giữ lấy nguồn thông tin một cách duy ý chí – Viện trưởng vừa mắng mỏ xong mà chân chị ấy thì lại đang sưng tướng lên.
Y tá Dawkin nhấc chân khỏi xô nước, thấm khăn bông, sau đó nhặt giày và tất lên.
- Không cần bàn tán về tôi như thể tôi không có mặt ở đây như thế. Tôi đang có mặt bằng xương bằng thịt. Chà, chân tôi khá hơn hẳn! Chớ uống nước trogn xô này nhé các bé, đầy muối sát trùng đấy. Tôi biến đây, còn đủ thời gian chợp mắt – Cô nhăn mặt - Những đôi bốt gớm ghiếc mà chúng ta cứ phải đeo khi trời tối kia hành hạ chân tôi.
- Chị nâng chân giường lên chưa? – y tá Langtry nhắc với theo.
- Biết rồi cưng ạ! – tiếng đáp đã lơ mơ – Tìm đôi bốt nào chưa bao giờ ở chỗ đó còn dễ hơn nhiều, tôi không ám chỉ mình đâu đấy.
Câu này dĩ nhiên gây cười, nhưng sau khi cơn hứng khởi tắt ngấm, hai cô gái còn lại bên bàn không biết nói chi ngoài sự im lặng khó chịu.
Y tá Langtry ngồi phân vân không biết có nên cảnh báo y tá Pedder về Luce không, hay chí ít có nên thử đề cập không. Cuối cùng cô quyết định rằng đó chính là nhiệm vụ của mình và xét mức độ khó chịu tiếng thấy trong các nhiệm vụ. Cô cũng ý thức được những khó khăn đặc biệt mà y tá Pedder phải đối mặt với Cứ 15, chắc cô gái cảm thấy thiếu bạn và cô độc đến thế nào trong cái tổ toàn những y tá già. Thậm chí chẳng có nổi AAMWAs cho cô hoà nhập. Luce là tay nham hiểm khôn lường, còn y tá Pedder trông lại mũm mĩm, cả tin và sẵn sàng cho những trò sở khanh. Và bởi Luce đại diện cho tuổi thơ và quê nhà, khả năng tự vệ của cô ấy chắc chắn sẽ rơi đâu mất.
- Tôi chỉ mong Luce sẽ không gây hậu hoạ gì cho cô Sue ạ - cuối cùng cô nói – Cậu ta có thể sẽ khó chơi.
- Không đâu! – y tá Pedder nói, hết rụt rè với câu mở đầu.
Y tá Langtry nhặt bao thuốc và diêm rồi đánh rơi chúng vào sọt dưới chân
- Thế này nhé, tôi chắc rằng cô đã làm y tá đủ lâu để có thể tự chăm sóc mình. Chỉ lưu ý rằng Luce là một bệnh nhân ở khu X bởi vì cậu ấy hay quấy rối. Chúng tôi có thể xử lý việc đó nhưng không thể giải quyết được với cô nếu có chuyện lộn xộn.
- Chị nói cứ như anh ấy là con hủi! – y tá Pedder đáp bằng giọng ngờ ngợ khiến y tá Langtry nghĩ rằng có chuyện gì đã xảy ra, y tá Pedder phải ngần ngừ phân vân giây lát. Điều này thú vị đây.
- Không, thực tế không phải thế. Luce chưa bao giờ gần chiến tuyến, chỉ mới đến phòng chỉ huy của đơn vị hậu cần.
- Vậy thì tại sao anh ấy lại vào X?
- Tôi không cho rằng mình tự do nói cho cô biết nhiều hơn cái mà cậu ta thể hiện, một số tính cách không chấp nhận được khiến chỉ huy của cậu ta cảm thấy cậu ta biết đâu khá hơn ở một nơi như khu X.
- Đôi khi đúng là anh ấy hơi lạ - y tá Pedder nghĩ ngợi về những cú nện vô cảm, máy móc, tàn nhẫn rất gớm ghiếc và những miếng cắn hoang dã. Cổ cô bị thâm tím, trầy da mấy chỗ, đến nỗi cô cám ơn ngôi sao may mắn của mình nhờ cái hộp nhỏ quý giá đựng đồ trang sức đã mua tại cửa hàng PX Mỹ trên cảng Moresby dọc đường lên đây.
- Vậy thì hãy nghe tôi khuyên, đừng gặp Luce nữa – y tá Langtry nói và nhặt cái sọt đứng lên – Thật đấy Sue ạ. Tôi không dùng hành động của viện trưởng với cô đâu và tôi không thuyết giáo. Tôi tuyệt nhiên không có mơ ước nhúng mũi vào chuyện riêng của cô, nhưng Luce tình cờ lại thuộc công việc của tôi ở mọi nơi. Hãy soi kỹ anh ta cho rõ.
Nhưng như thế cũng là quá sức chịu đựng của y tá Pedder, cô bừng bừng giận dữ, cảm thấy bị trừng phạt và bị coi thường. Cô hỏi, mặt trắng bệch:
- Có phải mệnh lệnh không?
Y tá Langtry ngớ người ra, thậm chí hơi buồn cười.
- Không, chỉ có viện trưởng mới ra mệnh lệnh thôi.
- Vậy thì chị có thể dán cái lời khuyên thối tha đó vào cổ áo của chị ấy! – y tá Pedder nói liền rồi thở gấp – Những giáo huấn về đạo lý và kỷ luật trong quá trình huấn luyện vẫn quá mới mẻ để cô có thể nói những điều như thế mà không lập tức cảm thấy bị huỷ hoại thanh danh bởi sự liều lĩnh của mình.
Tuy nhiên, sự trả miếng của cô xẹp đi một cách đáng buồn vì y tá Langtry đã ra khỏi phòng mà không nghe được điều đó.
Cô cứ ngồi lặng mất một lúc lâu nữa, cắn môi cho đến khi lớp da môi bong ra từng mảng, đau khổ giữa một bên là sức lôi cuốn của Luce và một bên là mặc cảm cho rằng chao ôi Luce đâu thực sự quan tâm tới mình.