Số lần đọc/download: 2795 / 65
Cập nhật: 2015-08-03 19:53:01 +0700
Chương 18
T
ôi xuống phi trường Phú Bài để chờ chuyến bay vô Đà Nẵng. Cũng chuyến bay đó chở Đức Tăng Thống từ Sài Gòn ra Huế. Vị giáo chủ này có vẻ kiệt sức và già nua khi người ta phải đỡ dìu ông lên xe trước đông đảo Phật tử cúi rạp đầu thi lễ trên bước đường ông đi qua. Cờ Phật giáo treo ngợp phòng khánh tiết phi cảng, đoàn xe nghênh rước kéo dài hàng cây số với cờ xí chở phái đoàn Tăng Thống đi vào thành phố. Mặc dù già yếu bệnh hoạn, Tăng Thống ra Huế lúc này là một trấn an cho tinh thần đang dao động của Phật tử. Trong đám xe tôi nhận thấy xe chánh phủ và quân đội, tất cả đều cắm cờ ngũ sắc rực rỡ của Phật giáo. Và ở lúc này tôi đang nghĩ tới cái thế lưỡng nan của tướng Thuyết khi vừa phải thoả hiệp vừa thi hành lệnh giành lại quyền kiểm soát về trung ương. Tôi bị vây bọc bởi cái ý nghĩ đó trong suốt chuyến bay đi Đà Nẵng. Sau những rắc rối với đám sinh viên Huế, tôi cũng muốn gặp lại tướng Thuyết ở Đà Nẵng cùng là thăm viếng một số trại Dân sự Chiến đấu Thượng vừa cải tuyển. Xem ra cao nguyên với những thung lũng xanh và núi cao trùng điệp, đầy nắng vàng và bát ngát hương thơm của hoa cỏ dại hấp dẫn tôi nhiều hơn giấc ngủ của những biến động trong thành phố.
Nhà văn cho biết tướng Thuyết lại vừa tức tốc trở lại Sài Gòn, không có dấu hiệu gì nghiêm trọng nhưng có rạn nứt của trung ương mà sự hàn gắn phải nhờ tới ông. Không có mặt ông Tướng, nhà văn cũng không thiếu vẻ bận rộn nhưng ông cũng chu đáo sắp đặt cho tôi nhiều cuộc thăm viếng sau đó.
Suốt một ngày di chuyển từ những ngọn đồi khô héo vùng Lệ Mỹ đến bãi cát nóng Chu Lai, tôi bị say nắng và thấm mệt. Với thói quen, tôi sẽ vào bàn viết ngay buổi tối để tránh những ngưng đọng lười biếng sau đó. Chưa lúc nào tôi cảm thấy khó khăn như hiện giờ, bỗng chốc tôi bị mất cái khả năng liên hệ với thực tại. Có bao nhiêu điều phải viết, tôi sẽ cầm bút bắt đầu bằng hình ảnh nào, Chu Lai hay vùng nước mắt của người Mỹ, khuôn mặt căng thịt đỏ hồng của viên trung tá Clark hay nước da chì tái của một bác nông dân. Chỉ biết sau vài tháng bộ mặt đồng quê đã có rất nhiều biến đổi, từ những tàn cây xơ xác với những thửa ruộng đọng úng bùn lầy di sang những bãi cát nóng bỏng hun nóng hai mặt tôn: chỉ những cây xương rồng hay cỏ gai mới có thể mọc và sống ở đó. Ông Giáo sư tới kiếm tôi và cho biết có thể tướng Thuyết sẽ trở ra buổi chiều, ông ngỏ ý mời tôi đi ăn tối nhưng trước đó như một phép xã giao ông muốn cùng tôi ra ngoài phi trường đón ông Tướng. Vì nghề nghiệp tôi cũng muốn gặp lại ông Tướng nhất là sau chuyến đi Sài Gòn, chắc sẽ có nhiều tin mới.
Trời về chiều, từng cụm mây tái dần trên cao. Ngoài xa sân bay từng hai chiếc phản lực Phantom phụt lửa trên phi đạo, cùng một lúc cất cánh ném lại phía sau những âm thanh nổ bùng xé rít. Các phi cơ quân sự, những trực thăng xám thay phiên lên xuống tạo nên cả một vùng tiếng động huyên náo. Chuyến Caravelle từ Sài Gòn lẽ ra phải tới từ bốn giờ. Mọi người nôn nóng chờ đợi. Vài ký giả ngoại quốc nhăn nhó, để tranh thủ thời gian họ ngồi viết bài ngay trong quán giải khát. Trên mặt bàn đá thấp, những ly chai nước ngọt và rượu. Cùng ngồi với tôi có ba người: một giáo sư đại học luật khoa, một nhà văn nhà báo lão thành và một đại thương gia tiếng tăm người Huế. Câu chuyện đang xoay quanh những giao động sau vụ hội thảo và thái độ của tướng Thuyết. Vì tất cả đều ít nhiều liên hệ mật thiết với ông Tướng. Họ là những người của thời cuộc, bắt đầu hăng hái hoạt động sau cách mạng mà vai trò quân đội với cách mạng là điều kiện thiết yếu của một tình trạng quá hỗn mang. Đó cũng là lý do giới trí thức đầu tư nặng vào các tướng lãnh. Ông giáo sư bảo:
"Nói thật với các anh, bản thân tôi chẳng phải là cách mạng nhưng tôi rất khoái có cách mạng và đó là lý do tôi phải giúp bọn trẻ đi tới."
Lời nói ông giáo sư đượm vẻ thành thật. Cách mạng vốn đòi hỏi nhiều gian khổ mà giáo sư thì vẫn muốn sống ở xã hội trên cao nên sự dấn thân của ông mang một sắc thái xót thương cúi xuống. Đến lượt ông đại thương gia lên tiếng:
"Tôi ngán chánh trị lắm, quen với ông Tướng là tình bạn vậy thôi chứ tôi không có ham muốn chi hết."
Cũng để chứng tỏ cái ngán chánh trị, ông say sưa kể lại những hành hạ tù đày mà ông phải chịu trong suốt chín năm dưới chế độ cũ. Hồi đó ông bị kết tội kinh tài cho ngoài kia nhưng ông bảo thật sự ông làm kinh tài cho cách mạng. Ông nói:
"Cứ nghĩ tới lúc bị tụi mật vụ torturé mà tởn, may mà không bị nó thủ tiêu. Bây giờ sống mà nghĩ lại cũng thú."
Cái thú nhất là ông ở trong số những người được hưởng công ơn của cách mạng không ít. Tuy không có vẻ gì là đói thuốc, nhà văn vẫn tỏ ra ít nói. Thật khó mà phủ nhận rằng văn chương của ông thừa chất nhựa lôi cuốn. Nhà văn bảo ông chỉ có thể giống họ về chủ trương nhưng ông khác hẳn mọi người ở đường lối đi tới của cách mạng. Tác phẩm khiến ông nổi tiếng nhưng hùng biện biến ông trở thành một lý thuyết gia. Ông bảo:
"Khi mình nói chống là ngụ ý mình muốn bênh một cái gì. Nói trắng ra dưới thời ông Diệm mình nói chống cộng tức là muốn bênh chế độ ông ta. Bây giờ thì hết rồi, từ ông Thủ tướng tới cậu sinh viên đều nói theo hứng mình. Hết sắt rồi đến máu, nói chống cộng mà cũng lại y như cộng sản thì tranh đấu cái nỗi gì."
Cách mạng phải có lửa phải được hâm nóng, xem ra ông vẫn rầu rầu đầu tư vào cách mạng với tấm lòng nguội lạnh. Người ta bảo ông thuộc lớp người già nhưng ông tự cho mình không đứng vào lớp tuổi bị đào thải, ông vẫn muốn sát cánh với bọn trẻ đi tới. Ông có cả một kho kinh nghiệm với kháng chiến chống Pháp và cộng sản. Ông cả quyết:
"Lý thuyết cộng sản không còn đúng nữa, đến lúc này điều đó khỏi cần chứng minh, nhưng cuộc tranh đấu hiện tại vẫn cần phải có một cái gì, không phải chỉ có nói chống mà có được chánh nghĩa. Tôi muốn nói đã tới lúc phải trở về quê hương riêng của chúng ta."
Người lớn tuổi giống nhau ở chỗ thích nói về quá khứ mình. Riêng nhà văn khác bạn hữu ở chỗ đó. Ông giống bọn trẻ ở chỗ thích nghĩ và bàn tới tương lai. Tôi mải nhìn những khuôn mặt nôn nóng chớ đợi và tưởng tới nỗi vui mừng khi thấy mấy người ra tận sân đón bắt tay cho được ông Tướng. Biết nhà văn muốn hướng cuộc đối thoại về mình, tôi cũng chỉ bày tỏ một cách lơ đãng:
"Đúng Mác-Lê không còn sống để biết rằng mình sai, một thế giới đại đồng chỉ có trong ảo tưởng. Cuộc chiến đấu nào cũng phải hướng về quê hương. Làm gì có một chủ nghĩa quốc tế, chỉ có cộng sản Trung Hoa hay Nga Xô, trở về quê hương đó chính là biên cương quốc gia."
Nghe tôi nói nhà văn giãy nẩy lên vì một nhận định rất sai ý mình:
"Không, đâu có phải vậy. Điều mà tôi muốn nói là sự trở về một quê hương tế bào, ở đó chỉ có những nhà sinh lý và ống kính của họ mới có thẩm quyền quyết đoán nhất."
Câu nói khiến tôi hiểu rằng người đối thoại trước mặt không chỉ là một nhà văn mà còn là một tay rất sành về khoa sinh lý nữa. Phải công nhận là ở ngôn ngữ ông có một vẻ phù thuỷ thu hút và tôi cũng hiểu tại sao nhà văn rất được lòng tin và sự khâm phục của ông Tướng. Ông lại xuống giọng tha thiết:
"Tham vọng của tôi lớn lắm, cố gắng không phải chỉ để giải quyết giai đoạn những vấn đề nhỏ bé của quốc gia mà cho cả tương lai nhân loại."
Đang bay bổng trên những tham vọng, nhà văn chợt tỉnh táo, giọng ông trầm xuống tụt hẫng:
"Nói vậy chứ việc quốc gia đã là một cái gì quá lớn vượt khỏi tầm tay. Mình chỉ còn đủ sức nói chứ không còn đủ sức làm, Cố gắng lắm mới có được một tờ báo để nói thì cũng lại bị đóng cửa nốt."
Nhà văn ngưng nói, yên lặng cay đắng không một dáng điệu phản kháng tưởng như sức lực ông sau một lần cố góp tàn hơi đã bị tiêu tùng hết. Ông là một mẫu người rất lạ, có đủ cay đắng của một người già và thừa những nông nổi ngây thơ của bọn trẻ. Ông đã sống dưới nhiều màu cờ, trải qua tất cả những nỗi vinh nhục thăng trầm trong nghề báo. Ngay sau cách mạng, chính ông là người thành khẩn thú tội về khoảng thời gian đánh đĩ ngòi bút cùng những lời tri ân quân đội đảo chánh đã cho nhà báo cơ hội trở lại làm người. Ông hơn bạn hữu đồng niên ở đức tính nói thật đó, mà nói thật lại chính là sức mạnh của ngòi bút. Có lẽ vậy mà nhà nước ngán tìm mọi cách đóng cửa báo ông. Ông bảo miền Trung xứ Huế mới thật sự là quê hương của cách mạng và báo chí. Điều đó giải thích được lý do ông bỏ bê cả gia đình ra nằm thổi khói ở một xứ mưa dầm với chức cố vấn vô vị và những tháng ngày chờ đợi nhạt nhẽo. Vẻ trẻ trung của ông vẫn được coi như chiếc cầu nối liền hai thế hệ mới cũ: đã có một gián đoạn giữa tuổi trẻ và thế hệ đi trước, để lại một khoảng trống, một chia lìa lịch sử.
Chuyến bay Caravelle đã đáp xuống. Ông giáo sư cũng trở lại bàn cho biết ông Tướng tối nay cũng chưa ra, Đại hội còn kéo dài mấy hôm nữa. Bốn người ra xe trở về thành phố, tôi xuống ngồi băng sau với nhà văn. Câu chuyện cải tổ vẫn được hai người ngồi trên nhắc đến. Nhà văn nói cho tôi nghe các nhận định về thời thế và các ngôi sao chánh trị. Hướng về phía Giáo sư ông bảo:
"Các tay chánh trị quốc gia đều như vậy cả, như ông Giáo sư thích nói chuyện tranh đấu giải phóng nhưng bằng cách nào. Ngay chính ông cũng chưa có một quan niệm quốc gia phù hợp với thời đại và dân tộc; ông tranh đấu với rất nhiều lập trường và chẳng có một chủ trương nào nhất định. Cái nguy cho chính Giáo sư là ngay nơi sự ưa thay đổi đó."
Từ bất cứ câu chuyện nào, nhà văn cũng tìm cách xoay ra nói về mình:
"Riêng tôi khi ở tù ra chẳng những không tin mà còn ghê tởm chánh trị nữa. Theo tôi, chỉ có cách mạng, một cuộc cách mạng tận gốc rễ."
Trái với bản chất lạnh lùng ít nói, tối nay nhà văn thổ lộ tâm sự quá mức. Đụng đến vấn đề gì ông cũng mở tung ra trước mắt tôi một chân trời mù tăm bát ngát. Ngôn ngữ của ông có một vẻ gì dẻo quánh mê hoặc. Tôi nghĩ đó là tất cả gia tài của ông đã thu hoạch bằng những năm sống ở ngoài kia. Ông là thứ bóng tối dày đặc và toả trùm. Giữa ông và hiện tại đời sống có mâu thuẫn và khoảng cách kỳ cục hết sức.
Chỉ một ngày hôm sau, Giáo sư đến cho tôi biết tướng Thuyết vừa trở ra. Buổi tối có ông thương gia mở tiệc khoản đãi. Số người được mời rất giới hạn và thu hẹp, toàn những thành phần thân cận của ông Tướng. Giáo sư bảo nếu tôi muốn ông có thể dẫn tôi tới. Tôi nhận lời dù đã vô cùng thấm mệt sau thêm một ngày di chuyển. Ở đó vẫn là những đài các sa hoa của Sài Gòn đem vào một căn phòng lớn của khách sạn Trung ương. Ánh đèn nến vàng ấm, ly thuỷ tinh trong ngấn rượu, những bông hồng nở lớn trên những chiếc khăn trắng muốt.
Ngoài mấy chuyến gặp vội vã, bây giờ tối mới lại thấy tận mắt dung nhan ông Tướng, một nhân vật được coi như có ảnh hưởng chính yếu trên các biến động cao nguyên. Dáng dấp cao lớn nhưng có vẻ dễ thương và ít nghiêm khắc hơn người ta tưởng. Vầng trán thấp với một hốc đạn đào sâu, một khuôn mặt lắm góc cạnh, rất nhiều cứ chỉ và luôn thay đổi. Đặc biệt ông có một hàm răng rất đều trắng, miệng cười rộng toác rất dễ gây thiện cảm. Hướng về phía Giáo sư, ông Tướng nói:
"Sao ông Giáo sư, nghe tụi nó lại tính làm reo nữa có phải vậy không? Tụi sinh viên của ông ngoài đó phá quá mà."
Giáo sư phải hết lòng thanh minh và cho rằng mọi xách động bây giờ hết còn lý do. Giáo sư bảo:
"Tôi đã có lần nói với ông Tướng là trong sinh viên có mất tên thiên cộng, chắc ông Tướng còn biết nhiều hơn tôi. Muốn yên ông Tướng phải ra lệnh tom hết mấy tụi nó."
Tôi ngạc nhiên khi nghe ông Giáo sư có lời yêu cầu ông Tướng bắt giam sinh viên mình. Ông Tướng thì đắc ý cười toác:
"Cái đó anh Giáo khỏi lo. Tụi Mọi khát máu dã man tôi còn trị được dễ dàng thì đáng kể gì mấy chuyện này. Bắt hay không chỉ còn là vấn đề thời gian, vả lại hiện giờ tôi chưa muốn gây xúc động trong tâm lý quần chúng."
Ngưng một lúc rồi bằng dáng điệu bày tỏ ông Tướng tiếp:
"Ở quan điểm chánh quyền khi phải tuyên bố với báo chí, lúc nào tôi cũng chống lại mọi xách động xáo trộn, nhưng cùng một lúc tôi tự đặt cho mình bổn phận của một công dân tha thiết với tự do dân chủ nên không lý gì tôi lại đàn áp không để tụi nó tranh đấu. Vả lại trước kia tôi cũng đã từng là sinh viên tranh đấu hăng hái có khi còn hơn anh em."
Ông Tướng hôm nay để lộ nhiều vui vẻ, giọng ông đầy trìu mến khi ông ôn lại quá khứ đấu tranh của mình, nhất là những ngày khó khăn nguy ngập trên cao nguyên. Rồi bất chợt giọng ông trở nên cứng rắn khi trở về hiện tại:
"Ông Giáo sư cũng nói giùm là tôi rất dễ với anh em nhưng một khi đã để cộng sản lợi dụng thì tôi không có nương tay. Đó là tôi đã báo trước, không những phong trào đã bị đập tan mà tôi còn lôi một vài tên ra bắn làm gương."
Ông Tướng có tất cả ưu điểm của con nhà võ. Vóc dáng bề thế, cử chỉ nóng nảy và bất chợt. Ông là một trong những tướng trẻ có công lớn với cách mạng và hiện tại bị bao vây bởi một lô cố vấn, không kể những cố vấn quân sự Mỹ. Đa số gồm trí thức nhà báo, giáo sư đại học và cả những chuyên viên. Tất cả đều tự nhận là quân sư có hạng, tự nguyện tìm tới ông Tướng với những tâm sự và hoài bão rất khác. Và rõ rệt là ông Tướng có những tiến bộ trông thấy. Từ một quân nhân ít học, ông đã có thể nói chuyện về chủ nghĩa và cách mạng một cách khá trơn tru. Ông nhất thiết gán cho quân đội một sứ mạng lịch sử trong hai cuộc cách mạng tương lai. Ông cũng để tâm tới cả địa hạt văn hoá. Trong một môi trường gặp gỡ chọn lọc, ông lạm bàn tới cả vấn đề con người qua các biểu hiện trí thức thời đại kiểu Sartre và Camus. Riêng Camus vẫn được ông Tướng thích nhất. Cái lý lẽ của sự thích thú đó có nhiều điều rất giống với quan điểm của nhà văn, bạn rất thân với ông Tướng. Tối nay ông Tướng chịu uống rượu và nói nhiều. Những người lạ mặt nghiễm nhiên được ông Tướng coi như bạn thân nên ông có những cử chỉ hoà mình dễ dãi. Được dịp tôi gợi chuyện hỏi ông Tướng về chiến tranh và cách mạng. Ông nhắc nhiều tới Nasser, hăng hái bàn về hai cuộc cách mạng cần thiết trong hiện tại. Đi sâu vào lý luận lập trường, ông Tướng có vẻ lúng túng rõ rệt. Khi thì ông quả quyết về sự cần thiết xuất hiện một người hùng - strongman. Khi thì ông ngả về hàng ngũ thanh niên sinh viên và tán tụng cuộc tranh đấu cho tự do dân chủ. Theo giải thích của nhà văn lão thành thì ở ông Tướng chẳng có gì là kỳ cục mâu thuẫn:
"Cách mạng toàn diện là chủ trương duy nhất và hiển nhiên có rất nhiều con đường đi tới đích đó."
Ngay cả với nhà văn tôi cũng không rõ cách thế đi tới của ông thế nào nhưng ở ngòi bút của ông vẫn để lộ ra những bối rối mâu thuẫn. Ông là chiến sĩ cao niên với ba bốn mươi năm tranh đấu cho tự do dân chủ, kể cả tự do báo chí. Vậy mà cũng chính ông kêu đòi sự xuất hiện của một nhà độc tài và cũng chính ông thảo sẵn một kế hoạch trơn tru để đóng cửa hàng loạt báo và thắt chặt tự do báo chí. Cũng như ông Giáo sư đã từng sát cánh với sinh viên tranh đấu chống độc tài, xây dựng tự do dân chủ và bênh vực nền tự trị đại học nhưng cũng chính ông lại kêu gọi ông Tướng bắt bớ các sinh viên chống đối, những thành phần bất đồng ý kiến với mình. Và lúc này thì tôi hiểu cái bối rối khó khăn của ông Tướng: có nhiều cố vấn đã là một điều khó mà ông Tướng có được, nhưng chính ông lại thiếu cái sâu sắc để lựa chọn. Bởi vậy, ông Tướng yêu nước trong những chủ trương mâu thuẫn cuồng nhiệt. Từ chỗ một nhà quân sự có tài, khỏe như voi và sức làm việc như trâu, người ta kỳ vọng ở ông nhiều hơn nữa. Ông không có bản lãnh về chánh trị, thời cuộc xô đẩy ông vào những vai trò không thích hợp, ở đó người ta thấy ông thật chới với. Bằng một giọng đầy thân mật và tin cậy hướng về phía Giáo sư, ông Tướng bảo:
"Chánh phủ Sài Gòn muốn cải tổ và trong đó có dò ý tôi, nếu thật như vậy thì tôi có ý định mời anh Giáo sư gánh bộ Thanh Niên."
Câu chuyện tuy nói nhỏ vẫn khiến ông thương gia và nhà văn bắt nghe, cả hai đều lộ vẻ ngạc nhiên. Còn Giáo sư sau một phút giằn xúc động, ông cố giữ giọng nói thật lạnh nhạt:
"Thú thật với ông Tướng tôi chỉ thích nghề dạy học và chẳng bao giờ muốn xa bọn sinh viên, vả lại nếu tôi đi thì trường Luật khoa còn gì? Tôi vốn không ham chánh trị, bất đắc dĩ phải tham dự vậy thôi, tôi cũng nghĩ lúc này chẳng thể làm được gì bởi vậy cùng lắm mà tôi nhận chỉ khi nào ông Tướng chịu lên làm Thủ tướng."
Sự ban ơn được đền đáp quá khéo và kết quả là ông Tướng vô cùng khoái trá. Ông lại xuống giọng đầy tin cậy và thân ái:
"Tụi Mỹ cũng thấy trong đó là bê bối nên có ý dò tôi. Nói thật chính tụi nó ngán và chẳng ưa gì tôi sau những vố thua đau ở cao nguyên nhưng tụi nó cũng hiểu vai trò tôi là cần thiết nên mới có thái độ ve vãn. Riêng tôi đồng ý với anh Giáo sư là chưa đúng lúc, cứ mặc tụi nó trong đó tranh xé nhau ít lâu nữa đến lúc tôi mà ra tay cũng chẳng mấy chốc."
Ông thương gia chỉ cười cười, nhà văn thì yên lặng gật gù tỏ vẻ tán đồng hết sức. Vừa lúc đám hầu bàn khệ nệ bưng đặt vào giữa bàn một con heo sữa bốc thơm màu vàng ngậy. Viên quản lý Tàu lai bước theo bặp bẹ những gì nghe không rõ, ông thương gia quay sang bảo tôi:
"Chú đó là quản lý, chú lại vừa trúng thầu coi hết các câu lạc bộ phi cảng kể cả Tân Sơn Nhất nên chú ấy đang vui và biết ơn ông Tướng lắm."
Ông thương gia còn nói thêm:
"Bếp thượng thặng đấy nhá, lùng hết Sài Gòn cũng không tìm được chỗ nào ăn ngon hơn."
Các món ăn dọn theo lối Tàu, sự sang trọng nhất cũng chỉ đến thế, bào ngư rồi lại đến yến vây. Mọi người khởi sự nhập tiệc. Những miếng da nghe vỡ ròn trong miệng các thực khách. Đột ngột ông Tướng nhắm về phía ông Ủy viên Giao thông:
"Sao ông Ủy viên, trong đó định bỏ miền Trung chết đói hay sao? Số gạo tháng trước năm ngàn bao chưa thấy ra một phần ba, gạo tồn kho cũng sắp cạn hết, có cái gì bê bối trong đó?"
Ông Ủy viên rất trẻ cũng là người của ông Tướng, ông cho biết mọi điều hành đều xong suốt từ trung ương, hơn nữa với miền Trung là ông phải quan tâm đặc biệt. Vậy mà khi ra đây chính ông cũng ngạc nhiên về sự trục trặc đó. Theo ông có lẽ đó là hậu quả dắt dây của vụ Thuỷ Cước. Ông Tướng dằn giọng đe doạ:
"Trong số các ông phải đem ra bắn vài tên là êm ngay. Lại ăn cắp chớ có gì đâu. Tôi hẹn với ông Ủy viên kể từ ngày vô, câu chuyện phải giải quyết trước cuối tháng, nếu không thì cả đám lôi thôi to với tôi a."
Ông Tướng tỏ vẻ kiêu hãnh một cách buồn rầu về cái sự thể bận rộn không thể thay thế được của mình:
"Ngoài này hết lụt tỵ nạn rồi chiến dịch Về làng, lại còn vấn đề tôn giáo chẳng có ra làm sao. Làm việc chết xác mà vẫn thấy trong đó bê bối tôi cũng bắt đầu chán. Thêm vào đó, kể từ ngày tôi đi khỏi cao nguyên, tụi Mọi lại muốn làm loạn ở trên đó."
Bao vây bởi một lô cố vấn mà xem ra ông Tướng vẫn đơn độc. Báo chí vẫn gọi đùa ông là người hùng của cô phòng. Cái sự thể ông Tướng còn độc thân tới ngày nay là cả một bí mật và kích thích nhiều đầu óc tưởng tượng. Rượu khiến ông Tướng trở lại trầm tĩnh và muốn thổ lộ:
"Suốt mười bảy tháng nay tôi chỉ ao ước có một ngày nào đó thật rảnh rỗi, tới được một bãi biển vắng ngồi uống một ly bia thật lạnh, khỏi phải để tâm lo nghĩ một chuyện gì. Vậy mà cho mãi tới hôm nay điều đó vẫn chỉ là những mơ ước."
Ông Tướng hôm nay lại có vẻ thi sĩ, hết cả dáng vẻ hung hăng của thường ngày chỉ biết chửi và ra những khẩu lệnh bắn. Ông Bác sĩ già vẫn ngồi im lặng từ nãy, ông chọn đúng lúc để gây phấn khởi cho ông Tướng:
"Kế hoạch tỵ nạn Vùng mình chu đáo lắm ông Tướng à. Mặc dầu gặp chuyện tiếp tế rất bê bối nhưng được cái tôi đã quen xoay sở với bọn Mỹ nên ông Tướng cũng khỏi lo."
Bị kéo trở về thực tại, ông Tướng hăng hái ngay với chức vụ của mình:
"Thật vậy sao ông Bác sĩ? Đó là một kế hoạch rất lớn nên tụi Mỹ đề nghị lập hẳn một Bộ ở trung ương, Bác sĩ làm sao công việc được trơn tru như hồi lụt là hay quá rồi, tôi không đòi hỏi phải làm hơn."
Ông Bác sĩ cười khà khà nói đắc ý:
"Tôi bảo đảm mà, ông Tướng khỏi lo. Dân quê thấy công việc định cư của mình chu đáo nên ào ào kéo về. Chính tụi Mỹ cũng ngạc nhiên hỏi tôi. Có ông Trung tá kể là hành quân tới đâu dân chúng ùa hết ra xin theo đông quá đỗi. Công việc di dân còn mệt hơn đánh Việt cộng nữa."
Phải chi tôi chưa được biết rõ ông Bác sĩ, tôi sẽ đem lòng khâm phục ông là thế nào. Nhưng sự thật đều trái ngược. Tôi phải dằn lòng để không nói với ông Tướng rằng đám dân tỵ nạn đang bị nung nóng trên những bãi cát và đang được nuôi sống bởi những đống rác của đám lính Mỹ. Tôi cũng không thể nói trắng ra cái tâm trạng tuyệt vọng của người dân quê phải bám lấy từng gót giày của người lính Mỹ chỉ vì họ muốn được sống sót trước khi làng ấp họ trở thành những vùng oanh kích tự do.
Vẫn cái giọng ướt nhệt của ông Bác sĩ:
"Cứ đà này chỉ độ nửa tháng nữa số người kéo về sẽ vượt khả năng chu cấp của chánh phủ, dù có sự đóng góp tận tình của quân đội Mỹ. Cuộc chiến thắng nhân tâm lại trở thành tai hoạ cho phía mình, trong khi chúng ta không thể ném trả họ về tay địch một lần nữa. Bởi vậy tôi đang táo bạo dự thảo một kế hoạch để trình lên ông Tướng. Tôi nghĩ kỹ rồi, là phải để người dân trở về làng, góp sức vào công cuộc tự bảo vệ thôn xóm của họ với sự giúp đỡ hỗ trợ của trung ương."
Ông Tướng tỏ ra rất vui về một mặt trận nhân tâm vừa mới đắc thắng. Ông lại càng vui hơn trước sự lo xa chu đáo của ông Bác sĩ. Riêng tôi thì thất vọng với cái hiệu năng cứu lụt mà ông Tướng coi như một cái đích. Ông Tướng lại bận nói chuyện riêng với ông Giáo sư, còn ông thương gia thì trở lại nói rất tương đắc với ông Bác sĩ:
"Lập bộ Tỵ nạn thì chức Ủy viên vào tay anh chứ còn ai vô đấy nữa."
Nhà văn lại chậm rãi đưa mắt điểm khắp các khuôn mặt candidat của ông Tướng. Ông hơi nhếch một bên mép cười khẩy với vẻ cao thượng của một triết gia. Khi liếc mắt nhìn sang ông Tướng, nét mặt ông như được an nghỉ dịu xuống. Rượu mạnh đổ thừa thãi khiến tôi hơi say, những khuôn mặt trước tôi bị phóng lớn xô đẩy và nhuốm vẻ mơ mộng. Tôi chợt nhớ tới Nguyện, con chim nhỏ trốn tuyết, nghĩ tới bức tranh nàng tôi sẽ vẽ là một người đàn bà khoả thân ủ trên cái ấm áp của một tấm thảm hồng.