Số lần đọc/download: 4219 / 54
Cập nhật: 2016-06-09 04:42:14 +0700
Chương 11: Nước Pháp Với Quốc Gia Việt Nam
S
au ngày tan vỡ 19 tháng Chạp năm 1946, ông Moutet Bộ Trưởng Bộ Pháp Quốc Hải Ngoại vội vã sang Đông Dương mong cứu vãn lại Hòa Bình. Nhưng trong bầu không khí chiến tranh sặc mùi khói súng. Ông Moutet đã tỏ một thái độ rõ rệt và quyết định:
‘’…Cuộc tấn công ngày 19.42 xét theo tinh thần, kiểu cách và sự chuẩn bị của nó đã khiến chúng ta phải dùng biện pháp quân sự. Khi nào quân đội đem lại được an ninh, lúc ấy mới sẽ có thể nghiên cứu lại vấn đề chính trị…’’
Những lời kêu gọi đàm phán của cụ Hồ chí Minh theo ông Moutet chỉ là một luận điệu để tuyên truyền:
‘’…Chắc chắn rằng những kẻ đang cầm quyền thực sự trong chính phủ Việt Nam không hề muốn một cuộc đàm phán…’’
Nước Pháp mong muốn có hòa bình vì chính bản thân đã phải chịu đựng bao tàn phá khốc liệt do Hitler và đồng lõa gây ra, đã hiểu rõ nỗi đau khổ của chiến tranh và hiện đang còn phải kiến thiết tu sửa lại quốc gia Pháp.
Với các lãnh thổ hải ngoại, Pháp đã vạch một chính sách ‘’Nói rộng quyền hành’’ từ Hội Nghị Brazzaville ở Phi Châu (1944). Năm 1945-1946, Pháp muốn ‘’cho’’ Việt Nam rộng quyền tự chủ nhưng dân Việt, nhớ trình độ hiểu biết chính trị đã khá vững, lại muốn ‘’song hành’’ ngay với Pháp. Trạng thái tâm lý của kẻ bề trên và của kẻ mới nhớn tương phản mạnh mẽ dựa tình thế đến chỗ ngờ vực lẫn nhau. Chiến dịch Gaur của Đại Tướng Pháp ở miền Nam nước Việt, những hành động khiêu khích ở Hà Nội vô tình đã làm đa số người Việt mất tin tưởng vào thiện chí của Pháp. Ngược lại, những hành động ‘’vô chính phủ’’ của các đội tự vệ, những công trình phòng ngự những đòn ăn miếng trả miếng của quân đội Việt Minh cũng khiến người Pháp ở Việt Nam phải khó chịu, bực tức, nghi ngờ.
Bầu không khí căng thẳng chứa đầy nghi ngờ phẫn nộ, căm hờn, uất ức của cả hai bên đã phải bùng nổ không thể tránh để đưa đến một trận chiến tranh đau đớn kéo dài cho đến nay vẫn chưa tìm được lối thoát.
Chính phủ Pháp thừa hiểu rằng cụ Hồ chí Minh và Việt Minh chỉ là những người lính xung phong của Điện Kremlin trong chương trình thôn tính thế giới. Vì thế cuộc chiến đấu chống Việt Minh càng được chính phủ Pháp coi như là một bổn phận thiêng liêng của mình tuy chưa hẳn có một đường lối rõ rệt, một chính sách dứt khoát đối với Việt Nam, một lãnh thổ hải ngoại mà Pháp đã từng đô hộ ngót một thế kỷ.
Trong giai đoạn đầu tiên của trận chiến tranh ở Việt Nam, Pháp đã gặp phải nhiều khó khăn:
– Chống nhau với chính phủ Dân Chủ Cộng Hòa mà đại đa số dân chúng vẫn đang quan niệm là một chính phủ độc nhất của Quốc Gia Việt Nam.
– Cá nhân cụ Hồ chí Minh đang được hầu hết dân chúng tin tưởng, mến phục.
Pháp đã vấp phải phản ứng mạnh ở khắp mọi nơi như du luận Hoa Kỳ lớn tiếng kết án Pháp là ‘’Một nước Tây phương độc nhất muốn dùng võ lực để giữ gìn thuộc địa ở Á Châu’’ rồi Thủ Tướng Ấn Độ Nehru, Thủ Tướng Diến Điện Aung San v.v…nhất tề tuyên bố ủng hộ chính phủ cụ Hồ và phản đối Pháp. Một Hội Nghị Liên Á (tháng 3 năm 1947) được tổ chức ở Ấn Độ có mặt đại diện của Việt Minh, trong đó các nước Á Châu đều lên tiếng phản đối hành động của Pháp tại Việt Nam.
Ngay trong lòng nước Pháp, phản ứng cũng sôi nổi:
– Dân chúng Pháp phản đối chiến tranh ở Việt Nam.
– Binh sĩ Pháp cũng không ưa phải đổ máu vô ích.
Đối với cuộc xung đột ở Việt Nam, các đảng phái Pháp đã tỏ một thái độ rất tương phản. Đảng cộng sản, dĩ nhiên, muốn chính phủ điều đình với cụ Hồ chí Minh, đảng Xã Hội muốn đàm phán, trái lại Cộng Hòa Bình Dân và Cộng Hòa Tả đảng nhất định không chịu nói chuyện lại với Việt Minh sau vụ ‘’bội phản’’ 19.12.1946.
Nội Các Xã Hội Léon Blum muốn chỉ định Đại Tướng Leclere giữ chức Cao Ủy Đông Dương nhưng tất cả các đảng phái khác chỉ thỏa thuận để chức Cao Ủy cho một chính khách vì vậy đến thời Nội Các Ramadier, chính phủ Pháp đã cử ông Emile Ballaert sang làm Cao Ủy ở Đông Dương (6.3.1947).
Việc đó chứng tỏ rằng nước Pháp ưa chuộng hòa bình đã nhận thấy chỉ nên và chỉ có thể giải quyết vấn đề Việt Nam bằng giải pháp chính trị.
Trước khi chính phủ Pháp quyết định cử ông Ballaert làm Cao Ủy, Đô Đốc D’Argenlieu đã đo lường các chính khách Việt Nam đối lập với Việt Minh và nhất là thăm dò ý liến Cựu Hoàng Bảo Đại (ở Hồng Kông). Trong khi chờ đợi một quyết định dứt khoát, Pháp đã trực tiếp giao thiệp với một số chính khách Nam Việt trong việc thành lập một ‘’chính phủ Nam Kỳ’’.
Chính phủ Pháp cũng thừa rõ hành động trên chỉ có tính cách tạm thời nhưng vì thực trạng ở Việt Nam quá hỗn độn đến mức độ mà chính phủ Pháp không còn biết làm cách nào để giải quyết thu xếp ổn thỏa. Thủ Tướng Ramadier đã tuyên bố rất mơ hồ ở Quốc Hội (18.3.47) về đường lối của Pháp ở Việt Nam:
‘’…Không có thống trị, không phải lệ thuộc mà là hợp tác. Như vậy có nghĩa là chúng ta tôn trọng nền Độc Lập của các dân tộc. Lời mở đầu hiến Pháp của chúng ta đã chỉ rõ như vậy…’’
Ông Ramadier đã nhắc tới ‘’Độc lập trong khuôn khổ Liên Hiệp Pháp’’ và cam kết sẽ thực hiện việc thống nhất lãnh thổ Việt Nam nếu dân tộc Việt Nam muốn thế.
Nhưng muốn có hòa bình phải ngừng chiến và thương thuyết. Thương thuyết với ai chính đáng nhất? Đó là một vấn đề mà chính phủ Pháp chưa đủ thời gian nhận xét để dám nói một cách quả quyết.
Đầu tháng 4.1947, Cao Ủy Bollaert đến Sài Gòn. Một thực trạng mới phô bầy trước mắt vị Cao Ủy Pháp: Hoạt động của các người Quốc Gia Việt Nam:
– Mặt trận Liên Hiệp Quốc Gia Việt Nam của các ông Nguyễn Hải Thần, Nguyễn Tường Tam thành lập ở Hồng Kông tháng 2.1947.
– Nhóm tôn giáo chính trị Cao Đài.
– Nhóm Hòa Hảo.
– Nhóm thanh niên quốc gia.
– Dân Chủ Đảng của Cựu Khâm Sai Nguyễn Văn Sâm.
– Khối Quốc Gia của Cụ Trần Thanh Đạt (Trung Việt)
– Khối Liên Hiệp Quốc Gia của ông Nghiêm Xuân Thiện (Bắc Việt).
Tất cả các nhóm chính trị xu hướng quốc gia đã cùng nhau trao đổi ý kiến và đồng thanh quyết nghị ủng hộ Cựu Hoàng Bảo Đại.
Với sự kiện mới mẻ đó, chính phủ Pháp đã có thể có một lối thoát, ngả về phía Cựu Hoàng Bảo Đại.
Để chấm dứt cuộc điều đình với Việt Minh, những người Pháp có trách nhiệm trực tiếp ở Đông Dương đã đề ra những điều kiện hắc búa:
– Phải thả ngay các tù binh Pháp.
– Phải ngừng bắn, ngừng khủng bố, ngừng tuyên truyền.
– Phải trao trả 50% vũ khí cho quân đội Pháp.
– Phải để quân đội Pháp được tự do đi lại trên khắp lãnh thổ Việt Nam.
Dĩ nhiên đó là những điều kiện ‘’không thể nhận’’ mà Pháp đã đặt trước chính phủ cụ Hồ.
Trong nội bộ của Pháp hồi ấy cũng rất lủng củng, nào Madagascar biến động, nào Algérie đòi cải cách, nào Maroc với Mặt Trận Liên Ả Rập…
Chính phủ Pháp mỗi ngày một nghiêng về phía hữu, nào sự bất hòa giữa Thủ Tướng Ramadier với phe cộng sản, nào tổ chức Liên Hiệp Quân Dân Pháp của Tướng De Gaulle thành lập (13.4.47)
Tình hình chính trị của Pháp ảnh hưởng trực tiếp đến Việt Nam và kết thúc bằng thái độ quả quyết trong diễn văn của Cao Ủy Bollaert đọc tại Hà Nội ngày 15 tháng 3.1947. Cao Ủy Bollaert tỏ cho mọi người biết ý định của Pháp là không muốn và không thể điều đình với Việt Minh nữa vì lẽ cụ Hồ và chính phủ lưu vong của cụ không phải là đại diện chính đáng của dân tộc Việt Nam.
Tư tưởng lạc quan về chiến thắng quân sự của ông Paul Coste Floret, Bộ Trưởng Bộ Chiến Tranh Pháp trong cuộc viếng thăm Việt Nam (26.4.-3.5.1947) cũng như lập trường cứng rắn của Cao Ủy Bollaert tại Hà Đông đã là những nhát kéo cuối cùng cắt đứt sợi giây mỏng manh giữa Pháp với Việt Minh trong giai đoạn.
Tư tưởng lìa xa chính phủ Việt Minh của Pháp được hoàn bị thêm bằng lời tuyên bố của Cựu Hoàng Bảo Đại (Báo Union Française, 5.7.47):
‘’…Nếu nhân dân Việt Nam tín nghiệm tôi, nếu sự hữu diện của tôi có thể giúp ích cho sự liên lạc tốt đẹp tốt đẹp giữa dân tộc tôi và Pháp, tôi sẽ sung sướng mà trở lại Việt Nam…’’
Cựu Hoàng Bảo Đại đã bắt đầu lên tiếng, chính phủ thiên hữu của Pháp càng thấy không còn nghĩa lý gì nữa nếu lại bắt tay với Việt Minh cộng sản giữa lúc.
– Mâu thuẫn Hoa Kỳ-Nga Sô càng ngày càng tăng.
– Quốc Quân Trung Hoa đang thắng lợi, đánh đuổi Hồng Quân Trung Hoa ra khỏi Diêm An, thủ đô của cộng sản.
Chính phủ Ramadier nhất quyết nói chuyện với những người Quốc Gia Việt Nam mà Cựu Hoàng Bảo Đại đã đại diện rất rõ rệt. Muốn vậy phải phá tan tiềm lực quân sự của Việt Minh.
Giải pháp vũ lực, một yếu tố số một và tối cần thiết.