I would never read a book if it were possible for me to talk half an hour with the man who wrote it.

Woodrow Wilson

 
 
 
 
 
Tác giả: Orhan Pamuk
Thể loại: Tiểu Thuyết
Dịch giả: Lê Quang
Biên tập: Bach Ly Bang
Upload bìa: Bach Ly Bang
Số chương: 46
Phí download: 6 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 2494 / 48
Cập nhật: 2015-08-04 21:17:31 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 17: "Tổ Quốc Hay Khăn Trùm"
ở kịch về một thiếu nữ đốt tấm khăn trùm của mình.
Sau khi bài thơ của Ka kết thúc, người dẫn thương trình giới thiệu với những động tác cường điệu và lời lẽ rườm rà vở kịch đỉnh điểm của tối nay: Tổ quốc hay khăn trùm.
Người ta nghe vài tiếng phản đối và huýt sáo từ những hàng ghế giữa và cuối phòng, nơi học sinh trường tôn giáo ngồi, cũng như tiếng vỗ tay tán thưởng rời rạc của các công chức ở các hàng ghế đầu. Đám còn lại trong khán phòng chật như nêm đang chờ đợi chuyện sắp xảy ra một cách tò mò chen lẫn kính cẩn. Những tiểu phẩm hài nhạt nhẽo mà nhóm diễn viên đã diễn: trò nhại quảng cáo tục tĩu của Funda Eser, màn múa bụng của bà vào những lúc thích hợp và không thích hợp, cảnh bà và Sunay Zaim diễn nữ thủ tướng ngày xưa cùng ông chồng tham những - chỉ chọc tức đám công chức chứ khán giả thì vô cùng thích thú.
Đám đông hẳn sẽ thích cả vở Tổ quốc hay khăn trùm tuy nhanh chóng bị phá rối bởi đám học sinh trường tôn giáo luôn làm toáng lên và hét hò chêm vào. Lắm khi người ta không nghe nổi lời thoại trên sân khấu. Nhưng vở kịch thô thiển và "lỗi thời" kéo dài hai mươi phút ấy có cấu trúc biên kịch đơn giản đến nỗi vừa mù vừa điếc cũng hiểu được dễ dàng.
1.Một phụ nữ trùm kín khăn đen thui đi ra phố, vừa độc thoại vừa suy tư. Cô ta đang đau buồn điều gì đó, chưa rõ là gì.
2. Cô ta trút khăn trùm ra và tuyên bố mình tự do. Bây giờ cô ta không trùm khăn nữa, và là người sung sướng.
3. Gia đình và chồng chưa cưới của cô, vài người đàn ông Hồi giáo để râu khác phản đối sự tự do ấy vì những lý do khác nhau; họ cố ép cô ta trùm khăn trở lại. Trong một phút công phẫn, cô đốt chiếc khăn.
4. Đám người cuồng tín với bộ râu quai nón tỉa gọn và tràng hạt trong tay đáp lại cuộc phản kháng ấy bằng vũ lực; họ đang túm tóc người phụ nữ, toan giết cô thì...
5... những chiến binh trẻ của nền cộng hòa đến giải ưu cô.
Vở kịch ngắn này từ giữa thập kỷ ba mươi cho đến thế chiến thứ hai được ủng hộ bởi chính thể mô phỏng phương Tây, muốn kéo phụ nữ tránh xa khăn trùm và áp lực tôn giáo. Nó được trình diễn liên tục tại các trường phổ thông và nhà văn hóa ở Anatolia, nhưng tới hồi thập kỷ năm mươi đã bị lãng quên khi ngọn lửa của cuộc cách mạng Atatürk đã nguội bớt. Mấy năm sau Funda Eser, thủ vai người phụ nữ trùm khăn hôm ấy kể cho tôi nghe trong một phòng lồng tiếng ở Istanbul rằng bà tự hào đã được đóng vai mẹ bà đã diễn hồi năm 1948 tại trường phổ thông Kütahya, và rằng bà thất vọng đến thế nào khi những biến cố mới xảy ra ở Kars khiến bản thân bà không được đón thào nhiệt liệt như mẹ bà trước kia. Mặc dù bà ta đang trong tình trạng rũ rượi và kiệt quệ như vẫn thường thấy ở các nghệ sĩ sân khấu và sau này cũng chối không muốn nhớ lại, tôi vẫn ép bà phải kể lại những gì bà đã mục kích hôm đó. Ngoài ra tôi cũng nói chuyện với nhiều nhân chứng khác của tối ấy, do vậy tôi có thể đi vào chi tiết như sau:
Cảnh đầu làm khán giả ở Kars bối rối. Nghe nhan đề Tổ quốc hay khăn trùm, họ tưởng đó là một vở kịch chính trị thời sự, song trừ một hai người già còn nhớ vở kịch ngày xưa, không ai nghĩ thực sự sẽ có một nhân vật phụ nữ che mạng lên sân khấu. Đối với đa số họ chiếc khăn trùm là biểu tượng của Hồi giáo chính trị.Khi người phụ nữ bí hiểm trùm khăn tiến ra, nhiều khán giả chưa hiểu được cô đang buồn bã, mà có ấn tượng rằng cô ta có một dáng đi đầy tự tin, có thể nói là tự hào. Thậm chí những công chức "cấp tiến" vốn luôn phỉ báng trang phục tôn giáo cũng cảm thấy kính nể cô ta. Một học sinh nhanh trí của trường tôn giáo đoán được ai nấp dưới tấm khăn và cười phá lên làm ngay cả những người ở những hàng ghế đầu cũng cảm thấy bực tức.
Đến cảnh hai khi người phụ nữ đã được khai sáng và tự do, cô ta trút bỏ tấm khăn trùm đen với một động tác cao kỳ, và mọi người đều chết điếng. Chúng ta có thể giải thích điều đó như sau:kể cả những người ngoại đạo chuộng phương Tây cũng lo ngại trước viễn cảnh hệ quả từ quan điểm của mình. Nói cho cùng, từ lâu họ tán đồng cứ để mọi thứ ở Kars giữ y nguyên như cũ, vì họ quá sợ phe Hồi giáo chính trị. Họ chẳng hề nghĩ đến chuyện đòi nhà nước gây áp lực khiến phụ nữ cởi bỏ chiếc khăn trùm như nền cộng hòa những năm đầu đã đạt được; họ chỉ nghĩ: quan trọng là phụ nữ đã bỏ khăn không vì sợ phe Hồi giáo chính trị và bị chúng gây áp lực như ở Iran mà trùm kín trở lại.
"Nhưng thật ra là thế này: những người theo tư tưởng Atatürk ngồi ở mấy hàng ghế đầu không phải theo Atatürk, mà là một lũ hèn nhát," sau này Turgut Bey nói với Ka. Ai cũng sợ việc một phụ nữ công khai trút bỏ khăn trùm trên sân khấu không chỉ kích động đám Hồi giáo chính trị, mà cả những người thất nghiệp và bần cùng trong hàng ngũ khán giả. Mặc dù thế, cũng có một thầy giáo ở hàng ghế phía trên đứng dậy và vỗ tay hoan hô Funda Eser đang trút bỏ chiếc khăn trùm với động tác thanh thoát và dứt khoát, nhưng ông giáo cô độc tội nghiệp này chỉ nhận được tiếng hú hét giễu cợt hằn học của đám học trò hàng cuối. Tuy nhiên, cần lưu ý rằng có người cho rằng tiếng vỗ tay ấy không phải là hành động chính trị của một người tân tiến, mà chỉ do cánh tay tròn lẳn và ngực áo khoét rộng của bà diễn viên làm cho ông giáo mê mẩn tâm thần.
Cả nhóm người cộng hòa ở mấy hàng ghế phía trước cũng không vui thú gì với tình cảnh này. Họ khá bối rối vì đằng sau tấm mạng che mặt không hiện ra một cô gái làng trong sáng và ham học, đeo kính, mà là Funda Eser, một vũ nữ múa bụng suồng sã, có nghĩa là chỉ có bọn đĩ và đàn bà vô đạo đức mới bỏ khăn trùm ra hay sao? Vậy thì đây là một thông điệp của Hồi giáo chính trị rồi! Ở hàng ghế trên người ta nghe viên phó thống sứ kêu lên: "Sai rồi! Hoàn toàn sai rồi!" Nhiều người hưởng ứng, có thể chỉ vì a dua, nhưng hầu như thẳng gây ấn tượng gì cho Funda Eser. Trong khi mấy hàng ghế đầu vừa kính cẩn vừa lo âu theo dõi người con gái giác ngộ của nền cộng hòa bảo vệ quyền tự quyết của mình ra sao thì người ta nghe mấy tiếng hăm dọa vang lên từ đám thanh niên của trường tôn giáo, cho dù chẳng khiến ai sợ. Viên phó thống sứ, phó giám đốc cảnh sát nhiệt tình và gan dạ Kasim Bey từng tiễu trừ tận gốc đảng Công nhân Kurd, các quan chức khác, giám đốc địa chính tỉnh, ông phụ trách văn hóa với nhiệm vụ duy nhất là sai tịch thu cassette nhạc Kurd để nộp lên Ankara (ông đến đây cùng vợ, hai con gái, bốn con trai và ba cháu trai bị ông bắt thắt cà vạt), các sĩ quan mặc đồ dân sự cùng phu nhân ngồi mấy hàng ghế đầu không hề lo ngại đám học trò trường tôn giáo làm ầm ĩ, vì chúng chỉ là một bọn nông nổi vô lễ.
Ngoài ra họ tin vào các cảnh sát mật phân tán khắp khán phòng, đám mặc cảnh phục đứng dọc tường nhà và quân lính nghe nói đã tức trực sẵn sau sân khấu. Chỉ có điều này là quan trọng: buổi truyền hình trực tiếp tới nay làm họ có cảm giác là cả nước Thổ Nhĩ Kỳ và Ankara nhìn về đây, ngay cả khi họ chỉ lên kênh địa phương. Thế là đủ để vẻ tầm thường, không khí cổ động chính trị và những màn nhố nhăng trên sân khấu có vẻ tinh tế hơn, quyến rũ hơn thực tế. Có người chốc chốc lại quay đầu xem máy quay phim còn chạy không, những người khác ngồi hàng cuối vẫy vẫy, những người khác nữa thì nghĩ: "Trời ơi, người ta nhìn mình đấy" và ngồi im phắc trịnh trọng, kể cả ở các xó phòng. Truyền hình trực tiếp thì ra không khiến cho người ở Kars theo dõi diễn biến trên màn hình ti vi ở nhà mà họ chạy đến nhà hát để xem người nhà đài "quay" ra sao.
Trên sân khấu lúc nàyFunda Eser đã quăng chiếc khăn mới cởi ra vào một chậu thau như bỏ đồ bẩn cần giặt, bà đổ xăng lên một cách khéo léo như đổ nước tẩy và bắt đầu vục cả hai tay vào chậu như định vò thật kỹ. Vì xăng tình cờ lại đựng trong lọ thuốc tẩy "Akif" mà hồi đó các bà nội trợ ở Kars ưa dùng nên các khán giả trong phòng, nói cách khác là cả thành phố, tưởng người phụ nữ nổi loạn ấy đã thay đổi kế hoạch của mình và bây giờ ngoan ngoãn giặt khăn. Cũng lạ, nhưng ai nấy đều thở phào.
"Giặt đi, cô bé, giặt sạch vào!" ai đó kêu lên từ hàng ghế sau.
Có tiếng cười rộ. Riêng các công chức phía trước bực mình. "Thế Omo đâu rồi?" lại một người khác kêu to.
Đó là đám học trò trường tôn giáo, và người ta cũng không giận chúng lắm vì tuy chúng quấy nhiễu khán giả nhưng cũng chọc cho họ cười. Đa số khán giả kể cả đám quan chức chỉ muốn cho cái vở lỗi thời mang tính gây hấn chính trị kiểu Jacobin ấy mau mau qua đi mà không gây chuyện bê bối gì. Sau này tôi nói chuyện với rất nhiều người, họ cũng có cảm giác như thế; từ công chức cho đến người Kurd nghèo hèn, tối hôm ấy đa số dân ở Kars tới Nhà hát nhân dân chỉ vì muốn vui chơi giải trí một chút.
Funda Eser kéo dài cảnh diễn này như một bà nội trợ yêu giặt giũ vẫn thấy trong phim quảng cáo. Vò xong, bà lấy chiếc khăn đen khỏi chậu, và lẽ ra phất cho phẳng các nếp nhăn để chuẩn bị phơi lên dây, bà lại cầm trải ra như một lá cờ. Trong khi tất cả còn hoang mang cố tìm hiểu xem chuyện gì sắp diễn ra, bà rút bật lửa trong túi váy ra và châm vào một góc khăn. Tất cả im phăng phắc một thoáng. Người ta nghe tiếng phần phật của ngọn lửa thoắt nuốt gọn chiếc khăn. Toàn bộ khán phòng tràn đầy một ánh sáng kỳ dị đáng sợ.
Nhiều người kinh hoàng đứng bật dậy.
Không ai ngờ chuyện đó xảy ra. Ngay cả những người thế tục kiên định nhất cũng giật mình. Vài người chỉ sợ mỗi điều là những ván gỗ sân khấu hơn trăm năm tuổi và tấm màn nhung bẩn thỉu vá chằng vá đụp từ những ngày huy hoàng nhất của Kars sẽ bén lửa khi Funda Eser quăng tấm khăn cháy xuống sàn.
Nhưng hầu hết khán giả kinh hoàng nhận ra đây mới chỉ là bắt đầu. Giờ thì cái gì cũng có thể xảy ra được.
Từ phía đám học sinh trường trường tôn giáo vang lên một tiếng rền, một tiếng ầm ào. Nghe rõ tiếng chửi bới, phản đối và huýt sáo giận dữ.
"Đả đảo kẻ thù của tôn giáo!" một người hét lên. "Đả đảo lũ vô thần! Bọn vô đạo!"
Mấy hàng ghế đầu vẫn còn ngơ ngác. Tuy ông giáo cô đơn và dũng cảm lúc nãy đứng lên kêu gọi: "Im đi nào! Xem đi!"Nhưng không ai nghe ông. Khi đã rõ rằng những tiếng đồng thanh hò hét chửi bới sẽ không lắng xuống và tình hình đã vượt ra ngoài tầm kiểm soát, nỗi kinh hoàng quét suốt các hàng ghế như cơn gió. Bác sĩ Nevzat giám đốc Sở y tế lập tức hối hả ra phía cửa theo sau là đứa con trai mặc áo vest đeo cà vạt, cô con gái bím tóc và bà vợ trong bộ cánh sang nhất của mình, một chiếc áo dài vải kếp màu ngọc bích, ông buôn hàng da Sadik Bey, một trong những nhà giàu ngày xưa ở Kars vừa từ Ankara về trông coi cửa hiệu, và ông bạn từ hồi tiểu học là luật sư Sabit Bey của đảng cộng hòa cùng đứng dậy. Ka thấy sự sợ hãi phản chiếu trên nét mặt những người ở hàng ghế đầu, nhưng ông lưỡng lự ngồi lại: ông cũng suy tính xem có nên đứng dậy không, nhưng không hẳn vì chuyện đang xảy ra mà chủ yếu sợ quên mất bài thơ trong đầu thưa kịp chép vào cuốn vở xanh. Tuy thế ông lại cũng muốn rời khỏi đây ngay để đi tìm Ipek. Đúng lúc đó thì giám đốc Sở bưu chính Recai Bey, người được kính trọng khắp thành phố nhờ học vấn và danh giá, chen về phía đám khói trên sân khấu.
"Cô bé thân mến," ông gọi vọng lên. "Tất cả chúng tôi đều ngưỡng mộ những đóng góp cho lý tưởng Ataturk của cô. Nhưng thế là đủ rồi! Cô xem kìa, mọi người đều nhộn nhạo lên hết rồi, sẽ có bạo loạn mất thôi."
Lửa tắt nhanh. Bây giờ Funda Eser đứng giữa làn khói đọc bản độc thoại, niềm hãnh diện của tác giả Tổ quốc hay khăn trùm mà sau này tôi đã tìm được toàn văn trong ấn bản của các sở thị chính năm 1936. Bốn năm sau sự kiện này, ở Istanbul tôi gặp tác giả của Tổ quốc hay khăn trùm lúc đó đã ở tuổi chín mươi hai và còn rất tráng kiện. Ông kể hồi thập kỷ ba mươi cứ đến đoạn này và trong các tác phẩm khác của ông (Atatütk đang đến, Các vở Atatürk cho trường cấp ba, Kỷ niệm về Người v.v...) rất tiếc đã bị lãng quên (ông không biết gì về buổi biểu diễn ở Kars và các sự kiện kèm theo), các nữ sinh cấp ba và nữ viên chức mắt đẫm lệ nhất loạt đứng dậy vỗ tay, vừa kể vừa mắng mỏ mấy thằng cháu (đúng hơn là chắt) hỗn láo đang quấy rầy.
Nhưng lúc này người ta không nghe thấy gì khác ngoài tiếng chửi rủa, hăm dọa và căm phẫn của học sinh trường tôn giáo.Mặc cho sự im lặng đầy mặc cảm tội lỗi và sợ hãi ở phía đầu khán phòng không mấy ai nghe được những lời Funda Eser đang nói.Cô gái thịnh nộ trút khăn trùm xuống không phải để tuyên bố về dân tộc, cũng như không chỉ về trang phục truyền thống. Cô ta đang nói về chính linh hồn chúng ta; và mạng che mặt, khăn trùm hay mũ đuôi seo chỉ là biểu trưng của phần lạc hậu tối tăm trong tâm hồn ta; cần cởi bỏ chúng mà nhanh chân đến châu Âu để bắt kịp với những quốc gia hiện đại.. Tất cả những lời hùng hồn ấy hầu như không ai hiểu được, bù lại thì người ta nghe rất rõ tiếng đáp nhạo báng từ hàng ghế phía sau vang ra khắp phòng.
"Vậy sao không cởi bỏ tất tật mà chạy sang châu Âu lõa lồ đi!"
Thậm chí ở phía đầu phòng cũng nghe thấy tiếng cười và vỗ tay phụ họa, làm mọi người ở đó giật mình và thất vọng hơn cả.
Như nhiều người khác, lúc đó Ka cũng đứng dậy. Những tiếng kêu át lẫn nhau, phía cuối phòng mọi người hét lên đầy kích động, vài người cố chen về phía cửa ra vào, còn Funda Eser vẫn tiếp tục đọc bài thơ chẳng có ai nghe.
Tuyết Tuyết - Orhan Pamuk Tuyết