Nguyên tác: La Chartreuse De Parme
Số lần đọc/download: 1948 / 26
Cập nhật: 2017-04-21 14:46:11 +0700
Chương 15
H
ai tiếng đồng sau, chàng Fabrice tội nghiệp bị giải đi ngục thành Parme, có tám tên sen đầm áp tải, tay bị khóa, người bị buộc một dây xiềng dài vào ngay chiếc xe người ta bắt anh lên. Những sen đầm này được lệnh dắt theo tất cả những sen đầm gác ở các thôn mà đoàn họ sắp đi qua; đích thân viên thị trưởng cũng theo điệu giải tên tù quan trọng đó. Vào khoảng bảy giờ chiều, chiếc xe đi qua con đường dạo mát đẹp đẽ, có ba chục sen đầm và tất cả oắt con thành phố Parme hộ tống; xe đi qua trước tòa lâu đài nhỏ ả Fausta ở trước đấy mấy tháng, và cuối cùng đến trước cổng ngoài thành ngục đúng lúc tướng Fabio Conti và tiểu thư sắp đi ra. Xe quan tướng trấn thủ dừng lại trước khi đến cầu treo để cho xe chở Fabrice đi vào; xong, quan tướng lập tức thét bảo đóng các cửa thành và vội vàng xuống xe để xem thử việc gì, ông rất ngạc nhiên khi nhận ra tên tù là Fabrice, người cứng đờ như khúc gỗ vì bị trói buộc vào xe trên một đoạn đường quá dài; bốn tên sen đầm khênh anh ta vào buồng văn thư. Quan trấn thủ vốn có tính khoe khoang, tự bảo: “Ra ta được giám sát cái tên Fabrice Del Donggo lừng lẫy, mà gần một năm nay có thể nói rằng giới thượng lưu Parme nguyện chỉ chú ý đến độc một mình nó”.
Quan tướng đã gặp Fabrice vài mươi lần ở triều đình, ở nhà nữ công tước và nhiều nơi khác, nhưng ông cố làm ra vẻ không biết anh; ông sợ bị nghi kỵ. Ông thét gọi viên thư lại nhà lao:
— Phải làm một biên bản tỉ mỉ về việc quan lớn thị trưởng Castelnovo bàn giao tên tù nhân cho ta.
Viên thư lại Barbone là một nhân vật ghê gớm bởi bộ râu đồ sộ và dáng dấp “tướng võ” của hắn; hắn làm ra vẻ quan trọng hơn ngày thường, trông hắn giống như một cai ngục Đức vậy. Tưởng nữ công tước Sanseverina là người chủ yếu làm cho quan thầy của nó không bước lên được ghế bộ trưởng bộ chiến tranh, hắn càng lo thái độ xấc láo với tù nhân. Nói năng với Fabrice, hắn gọi anh là voi[84], đó là tiếng ở Ý người ta dùng gọi tôi tớ.
— Tôi là cố đạo ở tòa thánh La Mã, Fabrice nói, giọng kiên quyết, và là linh mục tổng trợ tá ở địa phận này; chỉ riêng tên họ tôi cũng đủ khiến cho người ta phải kính nể.
— Ta không biết! Viên thư lại trả lời hỗn láo. Mi hãy chứng minh lời mi nói với các bằng cấp cho phép mi mang các danh hiệu đáng kính đó.
Fabrice không có bằng cấp trên người nên không trả lời. Tướng Conti đứng bên cạnh viên thư lại và xem hắn viết, chứ không ngước mắt nhìn người tù để khỏi phải xác định anh ta đúng là Fabrice Del Dongo.
Clélia Conti ngồi đợi bố trên xe, thình lình nghe có tiếng huyên náo khiếp người trong bót gác. Số là viên thư lại Barbone trong khi diễn tả người tù một cách hỗn xược và dài dòng trong biên bản, đã truyền cho anh cởi áo quần để kiểm tra tình hình sây sát trên cơ thể qua vụ Giletti, Fabrice cười chua chát, nói:
— Tôi không thể. Tôi ở trong tình trạng không thể làm theo lệnh ông, vì tay tôi bị khóa.
— Sao! Quan tướng kêu lên một cách thơ ngây, người tù bị khóa tay à? Đã ở trong thành mà sao còn khóa tay người ta? Cái đó trái quy chế, muốn làm thế phải có lệnh riêng[85]. Mở khóa tay cho hắn…
Fabrice nhìn ông. “Rõ như là một cố đạo Dòng Tên ngộ nghĩnh! Anh nghĩ vậy. - Hắn đã thấy những cái khóa này làm khổ ta ghê gớm hơn một tiếng đồng hồ rồi, bây giờ còn giả vờ kinh ngạc!”.
Sen đầm mở khóa; họ vừa nghe nói Fabrice là cháu công tước Sanseverina phu nhân, nên vội vàng tỏ ra ngọt ngào với anh, thái độ này tương phản với sự thô bạo của viên thư lại; tay này tự ái và thấy Fabrice vẫn đứng im, bèn nói:
— Nào, nào! Nhanh lên chứ. Đưa chúng ta xem những vết sây sát mà tên Giletti đáng thương gây ra cho mi đi nào, thằng sát nhân kia!
Fabrice nhảy một bước đến tên thư lại và tát nó một cái dữ dội đến nỗi hắn nhào khỏi ghế, ngã quay dưới chân quan tướng. Mấy viên sen đầm nắm tay Fabrice lại và anh đứng im. Cả quan tướng cùng với hai tên sen đầm đứng bên cạnh vội vã đỡ viên thư lại lên; mặt hắn chảy nhiều máu lắm. Hai tên khác đứng xa hơn vội chạy đi đóng cửa buồng giấy, vì ngại người tù tìm cách chạy trốn. Viên cai chỉ huy chúng nghĩ rằng tù nhân không thể có một cố gắng đào tẩu đáng lo ngại vì hắn đã ở trong thành, tuy vậy, tuân theo một phản ứng cảnh giới và để ngăn ngừa sự náo động, anh chạy lại gần cửa xe. Xe quan tướng đỗ cách đấy hai bước. Clélia ngồi nấp ở tận cùng trong xe, để khỏi phải chứng kiến cảnh buồn thảm diễn ra trong buồng giấy. Khi nàng nghe những tiếng ồn ào ấy, nàng thử nhìn xem:
— Cái gì thế? Nàng hỏi viên cai.
— Thưa tiểu thư, đó là anh chàng trai trẻ Fabrice Del Dongo, anh ta vừa tát lão Barbone xấc láo ấy một cái tát trời giáng.
— Thế nào! Người bị đưa vào tù đó là ông Del Dongo à?
— Ấy! Đúng vậy, người ta bày lắm trò như vậy vì tù nhân là dòng dõi đại thế gia. Tôi cứ tưởng là tiểu thư biết rồi chứ.
Từ đấy, Clélia không rời khỏi cửa xe. Khi mấy tên sen đầm vây quanh bàn viết đứng giãn ra một ít, nàng nhìn thấy người tù. Nàng nghĩ thầm: “Lúc gặp anh ta trên hồ Côme, ta có ngờ đâu sẽ gặp lại anh ta trong cảnh ngộ buồn thảm như thế này?… Hồi đó anh ta đưa tay cho ta vịn để lên xe của bà mẹ… Hồi đó anh ta đã đi với bà công tước rồi! Họ bắt đầu yêu nhau từ độ ấy chăng?”
Cần phải cho bạn đọc biết rằng trong đảng tự do mà thủ lĩnh là nữ hầu tước Raversi và tướng Conti, người ta vờ như không nghi vấn gì nữa về quan hệ yêu đương giữa Fabrice và nữ công tước. Ghét cay ghét đắng bá tước Mosca, họ cười cợt bất tận về sự gà mờ của ông.
“Anh ấy thế là bị tù - Clélia thầm nghĩ - bị tù trong tay những người thù địch! Vì, suy cho cùng, bá tước Mosca dù được coi là có đức độ thiên thần chăng nữa, cũng sẽ lấy làm thích thú về việc bắt bớ này”.
Bỗng nhiên bọn lính cười rộ lên. Giọng cảm động, Clélia hỏi viên cai:
— Việc gì xảy ra vậy, anh Jacopo?
— Tướng quân nghiêm khắc hỏi anh tù vì sao anh đánh Barbone. Ông lớn Fabrice lạnh lùng đáp: Hắn gọi tôi là sát nhân, vậy hắn hãy đưa xem những danh hiệu và bằng cấp cho phép hắn gọi tôi bằng danh hiệu đó. Thế là người ta cười ầm lên.
Một cai ngục biết viết thay thế Barbone, Clélia thấy Barbone vừa đi ra, vừa lau máu trên cái mặt gớm ghiếc của hắn. Hắn nguyền rủa như một tên ngoại đạo; hắn quát to: “Cái thằng Fabrice con t. này, nhất định hắn phải chết về tay ta. Ta phải cướp phần việc của tên đao phủ mới được…”. Hắn dừng lại ở khoảng cách giữa cửa sổ và xe của quan tướng để nhìn Fabrice và càng nguyền rủa già.
— Anh đi đi, viên cai bảo. Ai lại văng tục trước mặt tiểu thư thế?
Barbone ngẩng đầu nhìn xe, mắt hắn gặp mắt Clélia khiến nàng kinh tởm buột miệng kêu một tiếng. Chưa bao giờ nàng nhìn gần một bộ mặt ác ghê ác gớm đến như thế. “Hắn sẽ giết Fabrice! Nàng tự bảo: Ta phải báo với don Cesare” don Cesare là chú nàng, và là một linh mục đáng kính bậc nhất trong thành phố. Tướng Conti, anh ông, đã giúp cho ông được giữ chức quản lý tài chính và đệ nhất tuyên úy trong nhà ngục.
Quan tướng lên xe, nói với con gái:
— Con muốn trở vào nhà hay đợi cha ở sân điện, có lẽ phải đợi lâu đấy? Cha cần tâu bày việc này với nhà vua.
Fabrice ở buồng giấy đi ra, có ba sen đầm đi kèm. Anh được dẫn đến buồng dành cho anh. Clélia nhìn qua cửa xe thấy Fabrice đã ở gần lắm. Lúc ấy nàng đang đáp bố: Con đi theo cha. Nghe những tiếng ấy sát bên tai, Fabrice ngước mắt lên, gặp đôi mắt cô gái. Anh sửng sốt về vẻ buồn man mác trên mặt nàng. Anh nghĩ: “Nàng đẹp ra bao nhiêu từ ngày gặp nhau gần hồ Côme! Nàng có cái vẻ nghĩ ngợi sâu sắc làm sao!… Người ta so sánh nàng với nữ công tước là phải. Quả là một gương mặt thiên thần!”.
Tên thư lại đẫm máu đứng bên cạnh xe không phải vô cớ; hắn đưa tay ra hiệu cho ba tên sen đầm dẫn Fabrice ngừng lại, và đi vòng sau xe để đến cái cửa gần quan tướng, hắn nói:
— Vì tên tù đã hành hung trong ngục thành, xin quan lớn xem có nên chiếu theo điều 157 qui chế mà khóa tay hắn lại trong ba hôm hay không?
— Anh cút ngay! Quan tướng thét.
Việc bắt bớ này cũng làm cho tướng Conti lúng túng. Vấn đề đối với ông là không nên cạn tàu ráo máng với nữ công tước cũng như với bá tước Mosca. Vả lại, còn phải xem thái độ của bá tước đối với việc này như thế nào đã chứ! Suy cho cùng thì việc giết hại một tên Giletti có nghĩa lý gì, chỉ có sự mưu toan xúc xiểm ở triều đình mới làm cho nó nên chuyện
Trong khi thầy trò họ nói chuyện vắn tắt với nhau như vậy Fabrice ngang nhiên tự tại giữa bọn sen đầm; anh có dáng kiêu hãnh và cao quí bậc nhất. Những nét thanh tú trên mặt và nụ cười khinh thị phảng phất giữa mối tương phản một cách lý thú với dáng dấp thô bạo của những tên sen đầm vây quanh anh. Tuy vậy đó chỉ là dáng bên ngoài. Bên trong anh đang ngây ngất trước vẻ đẹp thần tiên của Clélia và đôi mắt anh không giấu nổi sự ngạc nhiên khâm phục. Clélia thì chăm chú nghĩ ngợi nên quên ngồi lui khỏi cửa xe. Fabrice chào cô với nụ cười nửa miệng kính cẩn nhất. Giây lát sau, anh nói:
— Thưa tiểu thư, hình như ngày xưa, bên cạnh một cái hồ, tôi đã được hân hạnh gặp cô, có sen đầm hộ tống. Clélia đỏ mặt, quá sửng sốt, cô không tìm ra câu trả lời. Khi Fabrice nói thì cô đang nghĩ thầm: “Dáng người sao mà cao quí đến thế, giữa bọn tục tĩu này!”. Sự thương xót sâu sắc, chúng tôi có thể nói hơn thế, sự trìu mến đang chiếm lĩnh tâm hồn, không để cho cô đủ tự chủ tìm ra một lời đáp nào đó; nhận thấy mình im lặng, cô lại càng xấu hổ hơn nữa. Lúc ấy người ta kéo mạnh chốt cái cổng lớn ngục thành, không phải xe của quan lớn trấn thủ đã phải chờ ít nhất là một phút sao? Tiếng rít vang dữ dội dưới vòm cuốn đến nỗi dù Clélia có đáp, Fabrice cũng không nghe được.
Qua khỏi cầu treo, ngựa phóng nhanh đưa Clélia đi khuất ngay, trong khi nàng nghĩ: “Chắc chàng sẽ cho ta là buồn cười!”. Bỗng nhiên nàng lại nghĩ tiếp: “Không những buồn cười, chàng sẽ còn tưởng ta là một người bần tiện, không đáp lời chào hỏi của chàng vì chàng là tù nhân, ta là con gái quan trấn thủ”.
Cô thiếu nữ ấy có tâm hồn cao quý cho nên ý nghĩ kia giày vò cô dữ dội.
“Điều khiến cho cách đối xử của ta càng bỉ ổi - cô nghĩ thêm - là ngày trước, khi chàng gặp ta lần đầu, cũng có sen đầm hộ tống như chàng nói, thì ta là tù nhân còn chàng thì giúp đỡ ta và đưa ta ra khỏi một cảnh ngộ hết sức rắc rối… Ừ, đúng là cách xử sự của ta tồi tệ hết chỗ nói, phải công nhận như thế, vừa thô bạo vô lễ, vừa vô ơn. Chao ôi! Chàng trai tội nghiệp! Chàng đã lâm nạn thì ai mà không phụ bạc chàng? Lúc bấy giờ chàng có nói với ta: “Về Parme, cô còn nhớ tên tôi nữa không?”. Bây giờ thì chàng khinh ta biết bao nhiêu! Một tiếng chào đáp lễ phép mới dễ nói làm sao, thế mà ta không nói! Phải thú nhận là cách xử sự của ta đối với chàng quả là gớm ghiếc! Ngày ấy, nếu mẹ chàng không có lòng hào hiệp bảo ta lên xe cùng đi, tất nhiên ta phải đi bộ trong đất bụi theo sau lũ lính và có lẽ còn tệ hơn nữa, ngồi trên mông ngựa, sau lưng một tên nào đó trong bọn chúng. Ngày ấy chính cha ta bị bắt và ta bơ vơ! Phải cách xử sự của ta thật quá tệ. Một con người thanh cao như chàng thì cảm thấy thấm thía biết bao nhiêu! Thật là trái ngược nhau giữa diện mạo cao quý của chàng và thủ đoạn của ta! Quả là cao quí! Quả là thanh thản! Giữa những kẻ thù bỉ ổi, chàng có phong thái một anh hùng! Bây giờ ta mới hiểu vì sao bà công tước say mê. “Chàng đã như thế giữa một biến cố phiền lòng có thể có hậu quả kinh khủng, thì khi tâm hồn thư thái, con người chẳng phải cao quí đến nhường nào kia!”.
Cỗ xe quan trấn thủ đỗ một tiếng rưỡi đồng hồ trước cửa cung, nhưng khi quan từ lầu quận vương trở xuống, Clélia vẫn không thấy bố đã ở quá lâu trên đó. Nàng hỏi:
— Ý Điện hạ muốn thế nào, thưa cha?
— Miệng ngài nói: Tù! mà mắt ngài bảo: Giết!
— Giết! Trời ôi! Clélia kêu lên.
— Câm mồm đi thử nào! Quan tướng bực tức nói. Ta trả lời cho trẻ con mới dại dột chứ!
Trong lúc đó, Fabrice leo ba trăm cấp thang đưa đến tháp Farnèse, tức là nhà ngục mới xây dựng trên sân thượng tháp lớn, ở một độ cao kỳ dị. Không một lúc nào anh suy nghĩ kỹ đến sự thay đổi lớn lao vừa xảy đến trong số phận anh. “Con mắt lạ lùng làm sao! Anh tự nhủ. Nó nói biết bao nhiêu điều! Một tấm lòng trắc ẩn biết bao sâu sắc! Hình như nó muốn nói: “Đời là bể khổ như thế đấy! Anh đừng buồn quá sức về điều xảy đến cho anh! Chúng ta chẳng phải là sinh xuống cõi đời để mà chịu khổ hay sao?”. Đôi măt đẹp biết bao của nàng sao mà cứ đăm đăm nhìn ta, cả đến khi ngựa kéo xe đi ầm ầm qua vòm cuốn cổng thành cũng không đành dứt ra như vậy!.
Thế là Fabrice hoàn toàn quên khổ.
Clélia theo bố vào nhiều phòng khách. Vào đầu hôm, chưa ai biết tin đã bắt được tên đại tội phạm - đó là cái tiếng mà hai giờ sau, bọn triều thần dùng để gọi chàng trai nông nổi đó.
Tối hôm đó, người ta thấy vẻ mặt Clélia linh hoạt hơn thường lệ. Sự linh hoạt, tức là vẻ mặt của người có tham gia vào cảnh sinh hoạt chung quanh mình, là cái thiếu nhất ở người đẹp đó. Khi người ta so sánh vẻ đẹp của nàng với vẻ đẹp của nữ công tước, chính cái dáng người tự nhiên, không xúc động trước bất cứ cái gì, cái phong thái ở trên tất cả mọi việc ở đời đó là làm nghiêng cán cân về phía đối phương. Ở Anh, ở Pháp là những xứ phù phiếm rởm đời, ý kiến người ta có lẽ trái hẳn thế. Clélia Conti là một thiếu nữ còn hơi quá mảnh khảnh, có thể so sánh với những chân dung đẹp của họa sĩ Guide[86]. Chúng tôi thú thật là theo những tiêu chuẩn người đẹp của Hy Lạp, người ta có thể trách mặt nàng có những nét hơi quá đậm; chẳng qua đôi môi rất có duyên và hấp dẫn lại có phần hơi mọng quá.
Những duyên dáng thơ ngây và dấu ấn thần tiên của một tâm hồn cao thượng nổi bật trên gương mặt ấy; điều lạ lùng là có một nhan sắc độc đáo và hiếm có, nàng chẳng giống chút nào với mặt những pho tượng Hy Lạp. Trái lại nữ công tước thì hơi quá giống cái nhan sắc mẫu mực quen thuộc; và cái đầu người Lombards chính tông của bà gợi nhớ nụ cười khoái lạc và vẻ buồn âu yếm ở các chân dung mỹ nhân của Léonard de Vinci. Công tước phu nhân càng linh hoạt, càng láu lỉnh, càng lấp lánh trí tuệ bao nhiêu, càng bám say sưa - nếu có thể nói như thế - vào những vấn đề mà dòng đàm thoại đưa đến trước mặt bà, thì tiểu thư Clélia càng im lìm, hờ hững, ngơ ngác, càng chậm xúc động bấy nhiêu, vì coi thường mọi vật chung quanh mình hoặc vì luyến tiếc một ảo tưởng xa vắng. Trong một thời gian khá lâu, người ta tưởng thế nào rồi nàng cùng vào nhà tù. Người ta thấy đến hai mươi tuổi, nàng vẫn còn sợ đến các vũ hội; nàng có theo cha đến đấy cũng chỉ vì vâng lời cha, vì không muốn trở ngại bước đường công danh của cha mà thôi.
Tướng Conti tầm thường lắm lúc tự nhủ: “Trời đã ban cho ta một đứa con gái đẹp tuyệt trần trên đất nước vua ta, và là người đức hạnh nhất, thế mà ta lại không lợi dụng được để thăng quan tiến chức! Đơn độc quá, ở trên đời ta chỉ có nó mà thôi, thế mà ta cần có một gia đình để làm chỗ tựa trong xã hội, một gia đình làm cho một số phòng khách phải mở cửa cho ta; ở các phòng khách đó, tài năng, nhất là khả năng làm bộ trưởng của ta sẽ được coi như những căn cứ không có chính kiến nào đánh đổ được. Ấy thế mà đứa con gái ta đẹp là thế, ngoan ngoãn là thế, ngoan đạo là thế, lại tỏ ra bực bội mỗi khi có một thanh niên có địa vị trong triều đình săn đón để được lọt vào mắt xanh của nó. Anh rể hờ đó mà lảng ra rồi thì tính tình nó lại bớt u ám, và ta thấy nó hầu như vui vẻ, cho đến khi có một anh chàng khác gắm ghé. Con người đẹp trai nhất triều đình là bá tước Baldi cũng đã đến và cũng không hợp ý nó; kế đó người giàu có nhất trên đất nước quận vương hầu tước Crescenzi nối gót, nhưng con ta nói hắn sẽ làm cho đời mình khổ.
Có những khi khác, quan tướng nghĩ thầm: “‘Rõ ràng là mặt con gái ta đẹp hơn mặt nữ công tước, đẹp hơn ở chỗ trong những phút hiếm hoi nào đó, nó diễn cảm sâu sắc hơn. Nhưng mà khiếu diễn cảm tuyệt vời đó bộc lộ những lúc nào? Không khi nào ở một phòng khách để đem lại sự hâm mộ cho nó, mà chỉ vào những lúc đi dạo chơi, một mình nó với ta, khi nó xúc động, chẳng hạn trước cảnh khổ đau của một người nhà quê ghê tởm. Đôi khi ta nói với nó: “Con hãy để dành một ít cái ánh mắt tuyệt diệu ấy cho những phòng khách tối nay chúng ta đến. Chả được! Nó mà theo ta ra giữa xã hội sang trọng thì gương mặt thanh cao và trong sạch của nó nhuốm ngay cái vẻ xa xôi cách biệt đáng nản lòng của sự phục tùng thụ động”. Quan tướng không từ một sự vận động nào để kén cho được một chàng rể xứng đáng; tuy nhiên ông biết sự thật là như vậy.
Bọn triều thần không có cái gì ở bên trong tâm hồn để nhìn vào, cho nên quan tâm đến tất cả mọi việc chung quanh mình; họ để ý thấy những hôm mà Clélia không thể tự ép mình rời bỏ những mơ mộng tha thiết, để vờ chú ý đến một việc gì, là những hôm nữ công tước thích dừng lại gần nàng và gợi chuyện cho nàng nói nhất. Tóc Clélia màu vàng tro ôm rất hài hòa êm ả đôi má trắng mượt mà, nhưng thường không đủ hồng sắc. Chỉ riêng trán nàng cũng đủ mách cho người quan sát tinh tế biết là cái vẻ thanh cao, cái dáng đi đứng vượt hẳn lên trên những duyên dáng thông tục đó xuất phát từ sự thờ ơ sâu sắc đối với cuộc sống tầm thường. Nàng không quan tâm chứ không phải không có khả nâng quan tâm đến một vấn đề gì. Từ khi bố nàng làm trấn thủ ngục thành, Clélia thấy sung sướng, ít ra là khỏi buồn phiền ở trên cái buồng rất cao của mình, số cấp thang kinh khủng phải leo trèo để đến cho được lầu quan trấn thủ ở trên chóp tháp lớn miễn cho nàng những cuộc thăm viếng chán phè; bởi lý do cụ thể đó, Clélia được hưởng cảnh tự do của tu viện. Đó hầu như là tất cả lý tưởng hạnh phúc mà đã có một thời, nàng toan tìm kiếm ở cuộc sống nhà tu. Chỉ nghĩ đến việc có một thanh niên xông vào cảnh yên tĩnh vắng vẻ yêu quí của nàng, tìm biết những ý nghĩ riêng tư của nàng, một thanh niên mà danh nghĩa là chồng cho phép quấy rầy cuộc sống nội tâm đó, chỉ nghĩ đến đó thôi, nàng đủ thấy kinh tởm. Nếu trong cảnh vắng vẻ, nàng không đạt hạnh phúc, thì ít nhất nàng cũng tránh được những cảm giác quá đau lòng.
Tối hôm Fabrice bị đưa đến ngục thành, công tước phu nhân gặp Clélia ở buổi tiếp tân của bá tước Zurla, bộ trưởng nội vụ. Người ta vây quanh hai phụ nữ đó. Tối hôm ấy dung nhan Clélia có phần trội hơn nữ công tước. Ánh mắt cô thiếu nữ sâu sắc và lạ lùng đến nỗi gần như bộc lộ tâm sự; có xót thương, cũng có cả phẫn uất và căm giận trong cái nhìn của nàng. Sự vui vẻ và những ý kiến lỗi lạc của nữ công tước hình như đưa nàng vào những cơn đau xót có khi kinh khủng. “Người phụ nữ đáng thương này sẽ kêu gào, rên rỉ đến thế nào - nàng tự nhủ - khi biết người yêu của mình, chàng trai hào hiệp và thanh cao đó, đã bị bắt vào tù! Lại còn đôi mắt của quận vương chỉ muốn khép chàng vào tội chết nữa chứ! Chao ôi là chuyên chế! Bao giờ mày mới cởi cái ách của mày trên nước Ý ta? Ôi những con người tham lam đê tiện! Còn ta thì là con một chúa ngục! Cái tính cách cao quí đó, ta đã thừa nhận bằng việc không thèm trả lời Fabrice! Thế mà ngày trước, chàng là ân nhân của ta! Chàng nghĩ gì về ta trong giờ phút này, một mình trong buồng giam, đối diện ngọn đèn con leo lét”. Phẫn uất về ý nghĩ ấy, Clélia đưa mắt kinh tởm nhìn cảnh hoa đăng lộng lẫy ở phòng khách quan thượng thư nội vụ.
Nhóm triều thần vây quanh hai mỹ nhân được quí chuộng và cố chen vào cuộc đàm thoại của họ. Họ kháo với nhau là chúng chưa bao giờ thấy hai nhân vật này nói chuyện sôi nổi đồng thời thân mật đến thế! Luôn luôn đẩy tránh đi những mối hằn thù nảy nở chung quanh ông thủ tướng có lẽ nữ công tước đang nghĩ đến một cuộc hôn nhân danh giá nào vì Clélia chăng? Cái ức thuyết ấy được củng cố bởi một cảnh tượng chưa bao giờ diễn ra dưới con mắt xoi mói của họ, là mắt cô thiếu nữ rực lửa hơn, có thể nói là say sưa hơn mắt bà phu nhân xinh đẹp. Về phần bà, bà lấy làm ngạc nhiên và thích thú - phải nói rằng điều này làm vinh dự cho bà - thích thú về những duyên dáng mới lạ tìm thấy nơi cô thiếu nữ cô độc. Bà đã nhìn nàng suốt một tiếng đồng hồ với một khoái cảm hiếm thấy ở một phụ nữ, khi họ đứng trước một kẻ mà sắc đẹp tranh hơn kém với mình. “Nhưng cái gì đã xảy đến vậy chứ? Công tước phu nhân tự nhủ. Chưa bao giờ Clélia đẹp đến thế, cảm người đến thế! Lòng nàng đã lên tiếng rồi chăng?… Nếu quả vậy thì chỉ có thế là bi tình thôi, vì có một cái gì đau thương u ẩn ở dưới sự hoạt bát mới mẻ đó… Thế nhưng tình yêu đau khổ phải là tình yêu câm lặng chứ?
Hay là người ta muốn lôi một kẻ phụ bạc trở về bằng cách gây nên một sự hâm mộ đối với mình ở phòng khách thượng lưu?”. Phu nhân quan sát kỹ những thanh niên quanh đó; không thấy ai có nét mặt gì khác biệt, ai cũng chỉ toàn một dáng khoe khoang tự mãn. “Thế thì có điều gì mầu nhiệm ở đây chăng? Phu nhân không đoán được, ấm ức tự hào. Bá tước Mosca, con người tinh tế ấy ở đâu rồi nhỉ? Không, ta không lầm đâu. Clélia nhìn ta chăm chú như thế ta là đối tượng mối quan tâm mới mẻ của cô. Phải chăng cô đã làm theo một cái lệnh nào đó của cha cô, cái tên nịnh thần bần tiện ấy? Ta cứ tưởng con người cao thượng trẻ trung này không thể hạ mình dây vào những lợi lộc lý tài. Tướng Conti có một điều gì căn bản định thỉnh cầu bá tước chăng?”
Vào quãng mười giờ khuya, một người bạn đến bên nữ công tước nói thầm vài tiếng. Phu nhân tái mặt, Clélia nắm tay bà và đánh bạo siết chặt. “Cảm ơn tiểu thư, bây giờ tôi mới hiểu tiểu thư… tiểu thư có một tâm hồn đẹp đẽ!” Nữ công tước gắng gượng nói và chỉ gắng nói được bấy nhiêu cũng đủ hết hơi. Bà mỉm cười nhiều lần với bà chủ nhà, bà này đứng lên theo tiễn nữ công tước đến tận phòng khách cuối cùng, vinh dự ấy chỉ dành cho những công chúa, công nương thuộc hoàng tộc, nữ công tước thấy nó mỉa mai một cách đau đớn cái vị trí hiện tại của mình. Bởi vậy bà mỉm cười mãi với nữ bá tước Zurla mà không nói được câu nào mặc dù đã cố gắng một cách phi thường.
Mắt Clélia đẫm lệ khi thấy nữ công tước đi qua các phòng khách đầy những nhân vật rõ ràng nhất trong xã hội Parme. Nàng nghĩ thầm: “Người phụ nữ đáng thương này sẽ ra thế nào khi ngồi một mình trong xe nhỉ? Ta mà đề nghị được đưa bà về nhà thì hay nhưng bất lịch sự, ta không dám… Tuy nhiên, cái anh tù tội nghiệp ngồi trong một căn buồng gớm ghiếc nào đó, đối diện với chiếc đèn con, sẽ được an ủi biết bao nhiêu nếu biết người ta yêu mình đến mức ấy. Họ đẩy anh ta vào một cảnh cô đơn kinh khủng! Còn chúng ta, chúng ta ở đây, trong những phòng khách choáng lộn, mới kinh tởm làm sao! Có cách gì gửi cho chàng ít chữ không nhỉ? Lạy Chúa! Làm như thế là phản bội cha ta; vị trí của người rất mong manh giữa hai phe đảng! Người sẽ ra sao nếu bị công tước phu nhân căm ghét dữ dội? Vì phu nhân điều khiển ý chí của thủ tướng, mà thủ tướng thì quyết định hết ba phần tư công việc triều đình! Mặt khác hoàng thân luôn theo dõi tình hình trong ngục thành, và không muốn đùa tí nào về khoản này; lo sợ làm cho người ta sinh độc ác… Dẫu sao, Fabrice (Clélia không gọi là ông Del Dongo nữa) vẫn đáng thương hơn nhiều!…Với chàng, không phải chỉ là cái họa mất một chức vụ bổng lộc cao!… Còn công tước phu nhân nữa!… Tình yêu là một đam mê dữ dội quá!… Ấy thế mà tất cả bọn nói láo trên đời đều diễn tả như là một nguồn hạnh phúc! Người ta than thở họ cho những người đàn bà có tuổi, bởi vì họ không gây ra, cũng không cảm thấy tình yêu… Ta sẽ không bao giờ quên những điều ta vừa trông thấy. Sự thay đổi mới đột ngột chứ! Đôi mắt nữ công tước đẹp là thế, rạng rỡ là thế, bỗng nhiên trở nên lờ đờ ảm đạm, sau cái câu tai hại mà hầu tước N… đến nói với bà!… Fabrice chắc phải xứng đáng được yêu lắm nên người ta mới yêu đến thế!”. Mải chuyên chú vào những suy nghĩ nghiêm túc như vậy, Clélia càng thấy khó chịu hơn về những lời tán tụng đang quây lấy cô. Để lẩn tránh, cô đi lại bên một cửa sổ mở rộng, có tấm màn the che khuất, hy vọng sẽ không ai có gan theo cô vào nơi ẩn cư kia. Cửa sổ đó trông ra một rừng cam nhỏ trồng ngay giữa trời, thực ra thì hàng năm về mùa đông, người ta phải làm mái che cho nó. Clélia say sưa hít thở mùi hoa cam và cảm thấy tâm hồn có phần bình tĩnh lại chút ít… “Ta thấy dáng chàng cao quí thật! Cô lại nghĩ - nhưng dù sao, gây một tình yêu say đắm cho một phụ nữ lỗi lạc như thế thì quả là ghê! Nữ công tước đã vinh dự từ chối sự yêu chiều của quận vương; nếu bà nhún mình đồng ý, thì bà đã là hoàng hậu trên đất nước này… Cha ta có nói rằng quận vương say mê phu nhân đến nỗi sẵn lòng cưới bà nếu vạn nhất ngài trở thành độc thân… Mà tình yêu của bà đối với Fabrice đã tồn tại lâu lắm rồi, bởi vì chúng ta gặp họ ở gần hồ Côme dễ có đến năm năm nay… Phải, đã năm năm, cô lại tự nhủ sau một lát suy nghĩ. Hồi đó ta cũng đã vô tình mà nhìn thấy, mặc dù với đôi mắt non dại, ta không nhận thấy bao nhiêu chuyện khác. Hồi đó hai bà phụ nữ kia có vẻ hâm mộ Fabrice lắm!…”.
Clélia vui mừng nhận thấy những thanh niên giây lát trước hăm hở bắt chuyện với cô, bây giờ không ai dám mon men đến gần cửa sổ. Một trong những chàng trai đó, hầu tước Crescenzi, đã tiến lên vàí bước nhưng rồi đứng lại ở một bàn bài. Cô lại nghĩ tiếp: “Giá qua cửa sổ của ta ở ngục thành, nơi duy nhất có bóng râm, ít ra ta nhìn xuống được thấy những cây cam xinh xắn thế này, ta cũng đỡ buồn nản đi; nhưng mà trông ngược trông xuôi chỉ thấy những tảng đá xây to tướng của tháp Farnèse… Chao ôi! Nàng rùng mình kêu - chắc là họ giam chàng ở đấy! Làm sao ta gặp được chú don Cesare nhanh nhanh lên! Chú ta sẽ ít nghiêm khắc hơn cha ta. Khi cha ta trở về ngục thành, chắc người sẽ không nói gì hết, nhưng ta sẽ biết tất qua chú don Cesare… Ta có tiền, ta có thể mua mấy cây cam đem đặt dưới cửa sổ chuồng chim, để cho bức tường lớn tháp Farnèse khuất mắt. Bức tường đó càng đáng ghét hơn bao nhiêu khi trong số những người nó giam hãm trong bóng tối, có một người mà ta quen biết!… Phải rồi, lần này là lần thứ ba ta gặp Fabrice: Một lần ở cung điện, trong vũ hội nhân lễ sinh nhật vương phi; ngày hôm nay, giữa ba sen đầm, trong khi tên Barbone đáng tởm xin khóa tay chàng, và một lần cạnh hồ Côme… Có đến năm năm rồi đấy! Hồi đó chàng rõ ra dáng một ông mãnh bất trị! Chàng nhìn bọn sen đầm một cách thế nào ấy và mẹ chàng, cô chàng cũng nhìn chàng một cách lạ lùng! Chắc chắn là ngày ấy có một bí mật gì, một cái gì riêng đó giữa ba người; hồi đó, ta tưởng chàng cũng sợ sen đầm… - Clélia rùng mình - nhưng mà hồi đó ta ngu lắm! Chắc chắn là hồi đó nữ công tước cũng đã quí chàng… Khi các bà ấy, dù rõ ràng là đang lo âu, đã bắt đầu thấy quen với sự hiện diện của một người lạ, chàng đã làm cho các bà ấy và ta cười ghê!… Thế mà lúc ban chiều ta lại muối mặt không đáp lại lời chàng!… Ôi, ngu dốt và rụt rè! Sao lắm lúc các ngươi giống hắc ám đến vậy? Đã ngoài hai mươi tuổi mà ta thế đấy!… Ta nghĩ đến nhà tu kín là phải, rõ ràng ta sinh ra để đi ẩn tu trong am, viện. Đúng là con gái một viên chúa ngục! Chàng sẽ nghĩ thầm như vậy. Chàng sẽ khinh bỉ ta và hễ viết thư được cho nữ công tước, chàng sẽ nói về sự khiếm nhã của ta, và phu nhân sẽ cho ta là một con bé rất giả dối, bởi vì dù sao, tối hôm nay, bà cũng đã từng tin là ta rất thương cảm trước tai họa của bà”.
Clélia nhận thấy có một người đến gần, rõ ràng với ý định tới đứng bên cạnh cô ở cái bao lơn sắt của cửa sổ. Cô lấy làm bực, tuy tự trách mình về sự bực bội đó; những mơ mộng người ta muốn quấy phá không phải là không êm ái! “Kia là một tên quấy rầy mà ta sẽ thù tiếp xứng đáng!” Cô nghĩ thầm. Cô quay lại nhìn một cách kiêu kỳ và nhận thấy gương mặt dè dặt của đức tổng giám mục, ngài đang nhích dần lại gần bao lơn bằng những cử động nhỏ khó nhìn thấy. “Vị thánh nhân này không lịch sự. Clélia nghĩ thầm. Tại sao đến quấy một đứa con gái tội nghiệp? Ta còn có gì đâu ngoài sự yên tĩnh?” Cô chào vị tổng giám mục một cách kính cẩn nhưng cũng có vẻ thị thường. Đức cha hỏi:
— Tiểu thư có nghe cái ghê tởm đó không?
Mắt thiếu nữ bắt đầu thay đổi; nhưng theo lời dạy hàng trăm lần lặp lại của cha, cô trả lời với dáng của một người mù tịt trong khi mắt cô cải chính hùng hồn.
— Con chẳng nghe gì, thưa Đức Cha.
— Vị đệ nhất tổng trợ tá của tôi, cha Fabrice Del Dongo đáng thương đã bị bắt cóc ở Bologne dưới cái tên mượn là Joseph Bossi; cha can phạm về cái chết của tên Giletti ăn cướp, nghĩa là cũng như tôi thôi, không hơn không kém. Người ta nhốt cha vào ngục thành của cô; cha bị xích vào cái xe đã chở cha đi. Một thằng cũng loại cai ngục tên là Barbone, ngày xưa đã giết em rồi được ân xá, muốn tự tiện hành hạ Fabrice; nhưng anh bạn trẻ của tôi không phải là người cam chịu nhục. Anh quật tên kè thù bỉ ổi đó xuống đất, vì vậy người ta đã nhốt anh trong một khám kín ở cách dưới mặt đất sáu thước, sau khi khóa tay anh.
— Khóa tay thì không!…
— Ô! Cô cũng có biết ít nhiều đấy mà! Ông tổng giám mục kêu. Và vẻ chán nản sâu sắc cũng biến mất trên mặt ông già đó, - Nhưng mà trước hết phải lo người ta đi đến bao lơn này và làm gián đoạn câu chuyện của chúng ta. Tiểu thư có đủ từ tâm để tự tay mình trao chiếc nhẫn linh mục này cho don Cesare không nhỉ?
Cô thiếu nữ cầm chiếc nhẫn nhưng không biết cất đâu cho chắc chắn khỏi mất.
— Đeo vào ngón tay cái, vị tổng giám mục bảo, rồi tự tay đeo nhẫn cho cô. Tôi có thể tin chắc là cô sẽ trao nhẫn chứ?
— Thưa đức cha, vâng.
— Cô có vui lòng cam kết với tôi là cô sẽ giữ kín những điều tôi sắp nói thêm ra đây, kể cả trường hợp cô tự thấy không nên làm theo yêu cầu của tôi, hay không?
— Được chứ, thưa đức cha, cô thiếu nữ run rẩy đáp, khi thấy sắc mặt ông giám mục đột ngột đổi ra u ám và nghiêm trọng… Cô nói tiếp: Đức tổng giám mục tôn kính của chúng con chỉ có thể truyền cho con những lệnh xứng đáng với ngài và hợp với con.
— Cô thưa với don Cesare là cha ký thác nghĩa tử của cha cho ông ấy đấy! Cha biết những tên cảnh sát bắt cóc Fabrice đã không để cho anh ấy có thì giờ lấy cuốn kinh nhật tụng mang theo, cha nhờ don Cesare trao cho anh ta cuốn kinh của ông ấy; nếu ngày mai ông chú cô cho người đến tòa tổng giám mục thì tôi sẽ thế cho ông cuốn khác. Tôi cũng yêu cầu don Cesare đưa cho cha Del Dongo chiếc nhẫn đeo trên bàn tay xinh xắn kia.
Ông tổng giám mục không nói tiếp được vì tướng Conti đến để đưa con gái ra xe. Một cuộc đối thoại ngắn diễn ra, qua đó vị cố đạo tỏ ra khá khôn khéo. Không hề đả động đến người tù mới bằng cách này hay cách khác, ông lái câu chuyện để nó đưa một cách thích đáng đến mấy châm ngôn chính trị và đạo đức mà ông nhắc lại, chẳng hạn: “Ở chỗ triều đình, lắm khi có những phút khủng hoảng có tác dụng quyết định về lâu dài số phận của những nhân vật có địa vị cao nhất; người ta sẽ thiếu thận trọng nếu biến thành thù hằn riêng tư, sự cách biệt chính trị lắm khi chỉ là hậu quả tự nhiên của những vị trí đối lập”. Buồn phiền về sự bắt bớ bất ngờ kia, vào cuối câu chuyện ông tổng giám mục quên giữ gìn ý tứ, nói bừa rằng bảo vệ địa vị của mình là phải, nhưng tham gia vào những hành động nào đó mà người ta sẽ nhớ lâu dài là liều lĩnh một cách vô ích và tự chuốc những hằn thù cuồng nhiệt.
Khi đã vào trong xe với con gái, quan tướng nói:
— Cái đó có thể coi là những lời đe dọa… Hừ! Đe dọa một người loại như ta!
Cha con họ không nói gì với nhau thêm nữa trên quãng đường hai mươi phút.
Khi nhận chiếc nhẫn giám mục từ tay đức Cha, Clélia tự hứa là khi ngồi xe vòng về, cô sẽ thưa lại với bố về cái việc nhỏ mà đức tổng giám mục nhờ cậy. Nhưng sau tiếng đe dọa mà cha cô thốt ra một cách giận dữ, cô tin chắc là cha cô sẽ ngăn chặn việc đó nếu biết. Cô lấy bàn tay trái che chiếc nhẫn lại và siết nó một cách say đắm. Trong thời gian đi từ bộ nội vụ về ngục thành, cô luôn luôn tự hỏi không thuật lại việc ấy với cha có phải là một tội lớn hay không. Cô vốn rất ngoan dạo, rất e dè, tim ngày thường bình thản là thế, hôm nay đập dồn dập lạ lùng. Nhưng rồi tiếng thét: Ai? Dừng lại! của người lính canh từ vọng gác xây ở trên cổng thành đã vang lên lúc xe đến gần, trước khi cô tìm ra những lời thích đáng để thuyết phục cha cô, vì cô quá lo bị từ chối. Leo ba trăm sáu mươi cấp thang để lên dinh trấn thủ, Clélia cũng vẫn không nghĩ ra được cách nói thích hợp.
Cô vội vàng nói với chú cô, chú cô mắng cô và từ chối không tiếp tay giúp việc gì cả.