Số lần đọc/download: 1624 / 19
Cập nhật: 0001-01-01 07:06:40 +0706
Hồi 18 - Kỳ Ngộ, Kỳ Phùng
P
hó Thiên Lân cũng là một người thông minh tuyệt đỉnh, nên sau một hồi tìm tòi không thấy đoạn chuôi kiếm thì bỗng giật mình đánh thót một cái. Chàng thầm tự trách, tại sao mình lại hồ đồ như vậy?
Thiết kiếm chỉ là vật tầm thường, có quý chăng chỉ là giọt bích huyết tượng trưng cho khí tiết trung trinh của bậc cô thần mà thôi! Nay mình đã tự hủy kiếm, nhưng cũng như không vì điểm “Chu ngân” (vết đỏ son) vẫn bị ba tên ma đầu cướp đi, là một việc làm ngu ngốc vô cùng!
Chàng lại nhớ đến lúc cùng Vân Lão Ngư Nhân và Nhân Thu Thủy đến Cửu Tử Động tham yết Đan Tâm Kiếm Khách truyền thụ kiếm pháp, người đã từng dặn dò phải giữ gìn cẩn thận, đừng để kiếm lọt vào tay bọn gian tà, vì người kính trọng giọt tinh huyết trên kiếm, nên chỉ nhận kiếm mà không nhận người. Do đó, bất cứ người nào cầm kiếm đến thỉnh cầu, người cũng chấp thuận thỏa mãn điều sở cầu của họ!
Đến nay, chàng không bảo toàn được, đã để ba tên ma đầu cướp mất điểm bích huyết chu ngân, có thể chúng sẽ đem đến để uy hiếp Đan Tâm Kiếm Khách phải tìm cho chúng bảo kiếm, kỳ thư và linh dược để giúp thêm oai thế hung ác của Vực Ngoại Tam Hung! Tai hại hơn nữa, là sẽ ảnh hưởng đến cuộc đại hội luận kiếm tại Thanh Lương Đài trên núi Hoàng Sơn trong dịp tiết Trùng Dương sắp tới, có thể gây thành cục thế “Ma thắng Đạo suy” anh hùng hiệp sĩ mãi hận giang hồ...
Càng nghĩ đến tình trạng ác liệt không thể tưởng tượng, Phó Thiên Lân càng tự cảm thấy tội lỗi nặng nề, mà tâm thần chán nản, ý chí nguội lạnh như đám mưa tàn. Chàng vội vã nghiến răng đề khí, trèo một hơi lên tận đỉnh ngọn núi cao, phóng tầm mắt nhìn ra bốn phía, nhưng đâu còn thấy bóng dáng của lũ ma đầu ác thú nữa!
Núi cao lồng lộng, đêm vắng trầm trầm, thỉnh thoảng mới có tiếng vạc kêu, gió rít, vượn hú, hổ gầm phá tan bầu không khí tịch mịch âm u!
Phó Thiên Lân mang hổ thẹn trong lòng, giọt lệ anh hùng tuôn lã chã, chàng thầm nghĩ mình đã chấn gãy kiếm nhưng lại để mất giọt bích huyết chu ngân thì còn mặt mũi nào trở về gặp mặt các vị kỳ hiệp trong nhóm “Bình Tung Ngũ Hữu” và Tuệ Giác Thần Ni, Hoàng Sơn Độn Khách sư thúc cùng người yêu là Tử Địch Thanh Loa Nhân Thu Thủy nữa!
Lúc con người ta đứng trước hoàn cảnh chán nản tuyệt vọng, lại không có người bên cạnh nâng đỡ phấn đấu, thường thường nghĩ đến chuyện tự cầu giải thoát!
Phó Thiên Lân, tuy lúc thường là một kẻ anh hùng can đảm, hào khí hiên ngang, nhưng lúc này nghĩ tới, nghĩ lui không tìm được cách cứu vãn, chuộc tội lỡ lầm đã trót gây ra, nên chàng buồn rầu, thở dài một tiếng rồi lao mình xuống ngọn đèo sâu thăm thẳm phía trước mặt!
Từ trên ngọn núi cao chót vót lao xuống như một tảng sao băng, khi rớt xuống được độ hơn hai mươi trượng, Phó Thiên Lân thấy thân hình như xuyên bay trong đám mây mờ, nhưng mỏm đá nhọn tựa đao kiếm phía dưới mỗi lúc mỗi nâng cao vùn vụt như gió. Chàng tự biết chỉ trong chớp mắt nữa là thân thể sẽ nát bấy, liền nhắm mắt buông trôi tất cả mọi ý niệm ân, cừu, oán hận, hổ thẹn, đau thương...
Nhưng...
Bỗng nhiên phía trên đầu có một luồng gió lạ chụp xuống, bên tai chàng vang lên một tiếng kêu quái gở, to lớn lạ thường, đồng thời, thân hình như bị một con quái điểu gì cặp chặt rồi là đà đáp xuống vực thẳm!
Lúc này, Phó Thiên Lân thầm nghĩ, trước sau thì cũng một chết, chết vì quái điểu xé xác, hay chết vì tan thây nát thịt dưới đèo sâu thì cũng chẳng hơn gì, nên chàng chẳng chút phản kháng, mặc cho quái điểu muốn tha đi đâu cũng được.
Ngọn đèo này quả thực sâu một cách ghê gớm, chàng ước chừng phải xuyên qua ba bốn tầng mây mới xuống đến chân.
Lúc gần tới mặt đất, Phó Thiên Lân bừng mở mắt bâng khuâng như lạc vào cõi tiên!
Cảnh sắc dưới chân đèo thực là thanh nhã thoát tục, chung quanh đầy hoa thơm, cỏ lạ, suối ngọt, trái ngon...
Đậu trên ngọn cổ tùng cạnh vách đá một con Anh Vũ màu lục cùng một con quái điểu màu trắng tinh, hình dáng như con quạ nhưng to lớn gấp bội.
Con quái điểu màu trắng như con quạ bỗng nghểnh cổ kêu lên một tiếng kỳ dị, Phó Thiên Lân bỗng cảm thấy thân hình bị buông lỏng, rớt xuống như mũi tên bắn! Nhưng lúc đó, chỉ còn cách mặt đất độ năm, sáu trượng, nên chàng vội đề khí nhào lộn mấy vòng, rồi nhẹ nhàng đáp xuống mặt đất, ngửng đầu nhìn chung quanh ngơ ngác...
Lúc đó con quái điểu cắp Thiên Lân cũng từ trên mây hạ xuống đậu trên ngọn cổ tùng. Toàn thân quái điểu màu vàng như hoàng kim, chiều cao bằng đầu người, bộ lông đuôi dài như bụi cỏ lau, đủ màu sắc biến ảo, đẹp mắt vô cùng!
Con Anh Vũ màu lục thấy Thiên Lân lộ vẻ ngơ ngác sợ hãi, thì nó bỗng cất tiếng cười nói:
- Xin quý khách chớ sợ hãi, đây là một nơi rất yên ổn, hiền lành, để chúng tôi sẽ dẫn quý khách tới gặp chủ nhân!
Phó Thiên Lân thấy giọng nói của con Anh Vũ rõ ràng, chẳng khác tiếng người, lại liên tưởng đến con quái điểu màu trắng giống như con quạ thì chàng sực nhớ câu chuyện do Bạch Nguyên Chương kể tại Lãnh Nguyệt Bình trên Cửu Hoa Sơn hôm trước, chàng liền mỉm cười nhìn con Anh Vũ hỏi:
- Nơi đây là đâu? Qúy chủ nhân có phải tên gọi “Bách Cầm Tiên Tử” chăng?
Con Anh Vũ màu lục khẽ nghiêng đầu, mở to cặp mắt tinh quang lóng lánh, đáp:
- Nơi đây là “Vô Sầu Cốc”, tên chủ nhân chúng tôi không phải là “Bách Cầm Tiên Tử” mà là “Bách Điểu Tiên Nhân”.
Nghe nói, Phó Thiên Lân ngạc nhiên vô cùng, chàng thầm nghĩ sao trong đời lại có lắm chuyện kỳ dị như thế? Mười năm về trước, Bạch Nguyên Chương đi hái thuốc tại Mãng Thương Sơn được gặp gỡ vị tiền bối ẩn hiệp “Bách Cầm Tiên Tử”; đến nay, chàng mất kiếm, liều thân tự vẫn, lại được gặp một vị “Bách Điểu Tiên Nhân”. Nhưng không biết giữa hai vị võ lâm dị nhân, giỏi nghề nuôi dưỡng, sai khiến chim muông này có quen biết liên hệ gì với nhau không? Nay đã may mắn được đặt chân vào nơi tiên cảnh trần gian này thì thế nào cũng phải tìm cách vào bái kiến vị tiền bối dị nhân mới được. Nghĩ đoạn chàng bèn mỉm cười hỏi chim Anh Vũ:
- Phó Thiên Lân tôi đã gặp cơ duyên may mắn được vào “Vô Sầu Cốc” vậy xin phiền tiên cầm bẩm báo giúp cho tại hạ được bái yết “Bách Điểu Tiên Nhân” lão tiền bối.
Con Anh Vũ khẽ nghiêng đầu nói với con quái điểu mà trắng giống hình con quạ:
- Lão Bạch, anh về bẩm báo chủ nhân trước, tôi sẽ dẫn khách về sau!
Con quái điểu màu trắng đáp lại bằng một tiếng kêu quái dị, rồi vỗ cánh bay lên không. Phó Thiên Lân thấy vậy, lại càng kinh ngạc, vì hai con linh điểu cũng nói chuyện với nhau bằng tiếng người. Giống chim Anh Vũ vốn là một loại chim giỏi bắt chước tiếng người, thì điều biết nói không lấy gì làm lạ, nhưng con quạ màu trắng mà cũng thông linh như vậy thì thực là một việc kỳ dị không thể tưởng tượng!
Lúc đó, con quái điểu to lớn cùng Anh Vũ đều cất cánh một lượt, và quay lại gọi Thiên Lân:
- Xin mời quý khách theo chúng tôi đi gặp chủ nhân, người rất vui vẻ đáng mến, và đã ẩn cư trong hang Vô Sầu này hơn bốn mươi năm rồi chưa hề thấy một khách lạ nào tới thăm!
Phó Thiên Lân càng nghĩ càng thấy giữa vị “Bách Điểu Tiên Nhân” này với vị “Bách Cầm Tiên Tử” mà Bạch Nguyên Chương đã gặp, có rất nhiều điểm giống nhau!
Bạch Nguyên Chương từng nghe Bách Cầm Tiên Tử nói đã ẩn cư hơn một giáp tý ( năm) mà chỉ gặp có bốn người. Còn vị Bách Điểu Tiên Nhân này thì chưa hề gặp một khách lạ nào!
Vừa nghĩ ngợi, Thiên Lân vừa chầm chậm bước theo chim Anh Vũ, chỉ thấy cảnh sắc trong hang mỗi lúc mỗi link kỳ, những chòm cỏ non trổ hoa muôn màu như tấm thảm nhung.
Quái thạch, cổ tùng, suối reo róc rách, mùi hương lan ngát toả, làm cho con người có cảm giác bâng khuâng man mác như muốn thoát tục đăng tiên.
Qua ba khúc quẹo, Thiên Lân bỗng thấy trước mặt xuất hiện một tảng quái thạch linh lung dựng đứng, cao chót vót. Vòng qua phía sau tảng đá, tới một hàng cây to lớn cỡ mấy vòng người ôm, nhưng thân cây thấp lè tè, cành lá xum xuê, rải sát mặt đất, hàng trăm ngàn giống chim lớn nhỏ, kỳ hình quái trạng đủ màu sắc, đậu dày đặc trên cành lá, trông xa chẳng khác một tấm thảm gấm.
Khi tới gần, mới thấy rõ bầy chim đậu rất có hàng lối quy cũ, sắp thành một hình bán nguyệt. Ngay chính giữa có một tấm bồ đoàn rất lớn, kết toàn bằng các loại lông chim dày hàng thước. Ngồi đoan trang trên bồ đoàn, một thiếu phụ áo lục tuổi chừng,, tóc dài bỏ xoã xuống tận ngang lưng, trông xinh đẹp như một vị thiên tiên!
Phó Thiên Lân thầm đoán, chắc thiếu phụ áo lục là “Vô Sầu Cốc Chủ” Bách Điểu Tiên Nhân. Nhưng chàng lại cảm thấy có điều hơi lạ lùng, vì thông thường danh từ “Tiên Tử” phần nhiều dành cho phái nữ dùng để đặt tên, tại sao vị lão giả áo vàng mũ gai mà Bạch Nguyên Chương gặp tại Mãng Thương Sơn lại đặt tên là “Bách Cầm Tiên Tử”? Còn thiếu phụ áo lục, chủ nhân hang Vô Sầu này lại tên là “Bách Điểu Tiên Nhân”?
Tuy trong lòng lo ngại, nhưng chàng vẫn tỏ vẻ cung kính, vòng tay thi lễ cùng vị thiếu phụ ngồi trên bồ đoàn và lên tiếng:
- Võ lâm mạt học Phó Thiên Lân, xin bái kiến lão tiền bối, và cầu xin lão tiền bối tha thứ tội làm phiền nhiễu đến việc thanh tu!
Vô Sầu Cốc Chủ khẽ vung tay áo phất ra một luồng kình khí vô hình nhưng rất nhu hòa, cản thân hình hạ bái của Phó Thiên Lân rồi tươi cười đáp:
- Phó lão đệ bất tất phải đa lễ như vậy, ta ẩn cư tại đây đã được hơn năm rồi, hôm nay mới hân hạnh được gặp lão đệ lạc bước vào “Vô Sầu Cốc”, lão đệ chớ nên khách sáo quá làm gì!
Dứt lời, bà ta huýt gió một tiếng bổng, từ trên ngọn cây đáp xuống một con dị điểu màu lửa, giống như con két, mỏ ngậm chiếc mâm ngọc, trên mâm đặt một chén trà cũng bằng bạch ngọc bốc mùi thơm thoang thoảng rất thanh nhã.
Phó Thiên Lân biết những bậc kỳ nhân dị khách, phần nhiều không ưa khách sáo, nên chàng vội vàng xưng tạ, đỡ lấy chén trà. Vừa nhấp ngụm trà vào miệng, thấy mùi thơm mát ngon ngọt vô cùng và khi qua khỏi cổ họng, lại hoá thành một luồng nhiệt lực ấm áp, tan ra khắp tứ chi thân thể, gây thành cảm giác lâng lâng khoan khoái.
Đợi Phó Thiên Lân uống xong chén nước, Bách Điểu Tiên Nhân Đỗ Vô Sầu mới đưa tay chỏ chàng ngồi xuống một tảng đá lớn dưới gốc cây rồi vui vẻ nói:
- Chén nước Phó lão đệ uống vừa rồi là một sản phẩm đặc biệt của “Vô Sầu Cốc” tên gọi “Linh Thạch Tiên Nhũ”, tuy không so sánh được với loại linh dược ghi chép trong sách vở của các phái đạo gia như “Vạn Tải Không Thanh” có công hiệu làm cho con người phàm tục được thoát thai hoán cốt, nhưng cũng rất linh hiệu trong việc bồi bổ tinh khí.
Năm nay ta đã gần chín mươi tuổi mà còn giữ được nhan sắc trẻ trung như thế này đều là nhờ các giống linh điểu đi tìm kiếm đủ các loại linh dược khắp hang sâu núi thẳm đem về cung dưỡng cho ta hàng ngày đó!
Sau khi được uống nửa chén “Linh Thạch Tiên Nhũ”, Thiên Lân cảm thấy lục phủ ngũ tạng thư thái lâng lâng, thì tự biết đã được ích lợi vô cùng, chàng liền tươi cười hỏi:
- Đỗ lão tiền bối là một bậc thần tiên thế ngoại, ẩn cư tại nơi phúc địa nuôi dưỡng chim muông làm vui thú tiêu khiển, chẳng nhiễm bụi trần, chẳng màng danh lợi thực đáng kính phục vô cùng. Nhưng theo vãn bối được biết thì hiện nay trong đời hình như cũng có một vị tiền bối cao nhân, biết phép nuôi dưỡng sai khiến chim muông nhự..
Nghe Phó Thiên Lân nói đến đây, nét mặt Bách Điểu Tiên Nhân bỗng biến đổi và không đợi cho chàng nói hết, bà ta đã xen lời hỏi:
- Có phải người đó là một lão già gầy gò, thường mặc áo vàng đội nón gai không?
Thiên Lân vừa gật đầu, thì Đỗ Vô Sầu lại hỏi dồn:
- Phó lão đệ đã gặp người ấy ở đâu?
Thiên Lân vội đáp:
- Vãn bối không có cơ duyên được bái yết vị tiền bối cao nhân đó mà chỉ được nghe vị thần y đương thời là Bạch Nguyên Chương kể lại, khoảng mười năm trước đây, ông ta đi hái thuốc ở Mãng Thương Sơn, có chữa bệnh cho một con linh điểu, và do đó được gặp vị “Bách Cầm Tiên Tử” vừa kể.
Sau khi nghe bốn tiếng “Bách Cầm Tiên Tử”, cặp mắt trong suốt không gợn chút u buồn của Đỗ Vô Sầu bỗng nhiên thoáng hiện nét ai oán, và nhắm lim dim như nhớ lại chuyện gì xa xưa, rồi chép miệng hỏi:
- Danh từ “Tiên Tử” thường được các bậc phụ nữ võ lâm cao tuổi và có đức hạnh dùng làm danh hiệu. Vậy Phó lão đệ có biết tại sao ta lại đặt danh hiệu “Bách Điểu Tiên Nhân” mà lão già đó lại dùng danh hiệu “Bách Cầm Tiên Tử” chăng?
Điều này chính là điều mà Phó Thiên Lân vẫn thắc mắc, nên khi nghe hỏi chàng chỉ biết lắc đầu thay cho câu trả lời. Đỗ Vô Sầu liền chép miệng thở dài, tiếp tục kể:
- Trước đây bảy mươi năm, ta cùng vị lão giả đó thường cưỡi hạc ngao du giang hồ, từng được người trong giới võ lâm truyền tụng một thời, nhưng vì cả hai chúng ta đều thích nuôi chim nên bị mọi người ngoa truyền gọi lầm ngoại hiệu. Lúc đó ta vốn mang ngoại hiệu “Bách Cầm Tiên Tử” nhưng họ lại gọi lầm là “Bách Điểu Tiên Nhân”. Và ngược lại, lão giả lại được họ gọi theo danh hiệu của ta!
Lúc Đỗ Vô Sầu kể chuyện, Phó Thiên Lân thấy nét mặt bà ta đượm vẻ buồn bã hình như xúc động mối thương tâm gì đã qua!
Đỗ Vô Sầu cũng nhìn rõ ý nghĩ của chàng, nên bà ta lắc đầu chép miệng than:
- Phó lão đệ bất tất phải hoài nghi, để ta kể cho lão đệ nghe đoạn đời đã qua giữa ta với “Bách Cầm Tiên Tử” Công Tôn Đỉnh, đặng lưu lại câu chuyện làm gương cho các thiếu nữ trẻ tuổi sau này, thường hay cậy sắc đẹp mà làm bộ kiêu ngạo hợm hĩnh!
Nói tới đây, bà ta khẽ giơ tay vẫy gọi con quái điểu màu đỏ lưỡng mang đến một chén “Linh Thạch Tiên Nhũ” uống thấm giọng, rồi tiếp tục kể:
- Lúc bấy giờ, ta cùng Công Tôn Đỉnh đều nổi danh về tài điều khiển chim chóc, tất cả võ lâm đồng đạo ai cũng cho rằng chúng ta sẽ là đôi bạn thần tiên cực kỳ lý tưởng!
Riêng đối với ta, Công Tôn Đỉnh cũng đem lòng thương yêu vô cùng. Nhưng lúc đó, vì ta đã tự phụ về nhan sắc tuyệt thế, lại thêm được mấy gã thanh niên đẹp trai đeo đuổi, nên ta có ý chê Công Tôn Đỉnh không được anh tuấn...
Tới đây, bà ta nâng chén hớp thêm một ngụm “Tiên Nhũ”, ánh mắt trở nên mơ màng như nhớ lại chuyện xa xưa, rồi mới ngậm ngùi kể tiếp:
- Cho nên lúc Công Tôn Đỉnh ngỏ lời cầu hôn, ta đã vô tình đáp lại bằng một nan đề (đầu đề khó khăn) là khi nào cặp “chim quạ đen” do chúng ta nuôi, biến thành màu trắng, lúc đó ta mới bằng lòng cùng Công Tôn Đỉnh hợp tịch song tu!
Công Tôn Đỉnh vốn là một người có tính kiêu ngạo cương quyết nên khi nghe ta nói một cách chắc chắn như vậy, lão ta liền tươi cười giơ tay từ biệt, mang theo bầy linh điểu ra đi. Trước khi lên đường lão ta còn trang trọng thanh minh rằng dù chuyến đi này có phải đến tận chân trời góc biển và thời gian lâu dài bao nhiêu, lão ta cũng quyết tìm cách biến con “quạ đen” thành màu trắng rồi mới tìm gặp lại ta!
Phó Thiên Lân thấy vị tiền bối kỳ nhân này đã bị tính “kiêu ngạo” làm hại, đến nỗi phải cùng người yêu là Công Tôn Đỉnh uổng phí thời gian trẻ trung mất hàng một giáp tý ( năm) không được cùng nhau sum họp, thì bất giác chàng cũng phải ngậm ngùi thầm nghĩ, tuy “Vô Sầu Cốc” là một nơi tiên cảnh trần gian, tràn ngập hoa thơm cỏ lạ, quả ngon suối ngọt nhưng Bách Điểu Tiên Nhân đã bế quan tiềm tu hàng sáu mươi năm trời đăng đẳng, mà vẫn chưa thoát khỏi niềm trần tục, thì đủ thấy đã là vẫn hữu tình trong trời đất, sinh ra ai chẳng mang sẵn mối sầu. Thế mới biết:
Thiên nhược hữu tình thiên diệc lão Nguyệt như vô hận nguyệt thường viên!
(Trời vương tình lụy, trời già Trăng mà vô hận, trăng đà tròn nguyên.) Trong lúc cảm khái, Phó Thiên Lân chỏ con quái điểu màu trắng đứng bên cạnh Đỗ Vô Sầu, lộ vẻ ngạc nhiên hỏi:
- Thưa lão tiền bối, có phải con linh điểu này là “con quạ đen” lão tiền bối vừa kể chăng?
Bách Điểu Tiên Nhân Đỗ Vô Sầu lộ vẻ bi thương đáp:
- Sau khi ta cùng Công Tôn Đỉnh chia tay ít lâu, ta mới nhận thấy mấy gã thanh niên anh tuấn vẫn đeo đuổi ta đều là những kẻ khinh bạc xấu xa, nhưng vì đã trót có lời thề, nên chỉ còn biết tìm nơi giam mình để độ qua ngày chuỗi ngày tẻ lạnh mà thôi!
Cũng may đã gặp được “Vô Sầu Cốc” này là nơi sản xuất nhiều loại linh dược trân quý, cho nên con “quạ đen” trong lúc vô tình được ăn một trái “Cửu Thiên Ngọc Thực” có công hiệu phản lão hoàn đồng, nên mới được thay lông tẩy cốt mà dần dần biến thành bộ lông màu trắng như tuyết...
Nghe tới đây, Phó Thiên Lân sực nhớ chuyện Bạch Nguyên Chương đã kể, chàng liền ngắt lời Đỗ Vô Sầu:
- Thưa lão tiền bối, lúc Bạch lão tiền bối được tham yết Bách Cầm Tiên Tử tại Mãng Thương Sơn cũng thấy bộ lông con quạ đen đã trở thành trắng, chỉ có đầu chưa được thuần bạch mà thôi.
Nghe chàng nói, Bách Điểu Tiên Nhân vội hỏi:
- Lúc Bạch Nguyên Chương gặp Công Tôn Đỉnh tại Mãng Thương Sơn cách đây chừng bao lâu rồi?
Thiên Lân đáp:
- Cũng đã hơn mười năm rồi.
Đỗ Vô Sầu ngậm ngùi cảm khái thở dài một tiếng than:
- Trước lúc con “quạ đen” của ta chưa được ăn trái “Cửu Thiên Ngọc Thực” ta cũng biết có thể dùng công lực bản thân và các loại linh dược luyện chế để giúp cho con quạ đó thay lông tẩy cốt được, nhưng ít ra cũng phải mất trên dưới một trăm năm mới có thể trở thành màu trắng, cho nên ta vẫn ngại ngùng chưa dám ra tay! Ai ngờ trong lúc đó, Công Tôn Đỉnh đã cương quyết hao phí hàng năm sáu mươi năm trời khổ tâm bồi dưỡng con quạ đen trở thành màu trắng để thực hiện lời hứa.
Lúc nói chuyện, Đỗ Vô Sầu hình như cũng cảm động vì tấm chân tình của người bạn cũ mà lộ vẻ hối hận thương xót vô cùng! Bà ta ngồi nhắm mắt trầm ngâm một lát rồi mới thở dài chậm rãi nói:
- Nhưng theo ta biết, nếu không gặp được trái “Cửu Thiên Ngọc Thực” thì dù Công Tôn Đỉnh có phi tận khổ tâm đến đâu, cũng phải mất trên hai mươi năm nữa mới có thể bồi dưỡng cho con quạ đó trở nên thuần bạch được!
Nghe nói, Phó Thiên Lân vội xen lời:
- Xin lão tiền bối chớ nên lo buồn như vậy, vì cơ duyên tiền định, biết đâu trong thời gian ngắn nữa, bầy linh điểu của Công Tôn lão tiền bối lại chả tìm được loại linh dược “Cửu Thiên Ngọc Thực” cũng nên? Riêng vãn bối, tuy tài hèn sức mọn nhưng cũng nguyện vì lão tiền bối mà tận tâm ra sức một phen để đi tìm Công Tôn lão tiền bối báo tin cho người biết chuyện hôm nay!
Đỗ Vô Sầu nghe chàng nói thì lộ vẻ buồn rầu than:
- Phó lão đệ thực là người có nhiệt tình, nhưng nay ta đã gần chín mươi tuổi và Công Tôn Đỉnh cũng đã ngoài trăm tuổi rồi đâu còn mong mỏi tình tự thế tục gì nữa! Có chăng là tâm nguyện chưa rồi nên không phủi sạch mối nợ trần duyên một cách nhẹ nhàng, để bước vào con đường đại giải thoát mà thôi! Lão đệ đã có lòng như vậy ta cũng xin bái thoát một việc, là nếu sau này có tiện, xin lão đệ đến Mãng Thương Sơn báo cho Công Tôn Đỉnh biết nơi ta ẩn cư, cùng chuyện quạ đen của ta đã trở nên toàn bạch kẻo khi lão ta hoàn thành tâm nguyện rồi lại đi khắp chân trời góc biển không tìm thấy ta!
Vừa dứt lời, bà ta đã quá đau thương mà ngậm ngùi rơi lệ, làm cho Thiên Lân cũng phải ngẩn ngơ cảm động quên cả trả lời.
Thấy vậy Đỗ Vô Sầu lại hiểu lầm ý chàng nên khẽ “À” lên một tiếng rồi nói:
- Ta cũng mãi nhớ chuyện xưa mà quên đi mất, vì nơi ẩn cư của Công Tôn Đỉnh tất phải bí mật vô cùng, mà dãy Mãng Thương Sơn thì lại rộng lớn, làm sao Phó lão đệ tìm gặp được?
Phó Thiên Lân giơ tay khẳng khái đáp:
- “Tinh vệ hữu tâm điền hận hải - Nữ Oa vô thạch bổ tình thiên”, cảnh biệt ly sầu hận, nguyệt khuyết hoa tàn là một cảnh đoạn trường, thương tâm não nề của con người nhân thế! Cho nên, sau khi bái biệt, vãn bối sẽ lập tức trở về Vân Nam, nguyện đem tấm thân đài tội, dốc hết tâm lực lội khắp đèo cao, vực thẳm trong dãy Mãng Thương Sơn để giúp lão tiền bối hoàn thành tâm nguyện!
“Bách Điểu Tiên Nhân” Đỗ Vô Sầu phóng cặp mắt lóng lánh thần quang nhìn Thiên Lân giây lát, rồi gật đầu mà rằng:
- Phó lão đệ có tâm chí như vậy ta sẽ sai con “Linh Bích” – con chim Anh Vũ màu lục biết nói tiếng người – đi theo để giúp đỡ trong khi cần thiết. Còn vừa rồi lão đệ có nói câu “tấm thân đài tội” là ý gì? Vậy lão đệ có thể kể cho ta nghe nỗi uẩn khúc, tại sao lão đệ lại phải liều mình tự vận, nhảy xuống hang Vô Sầu như thế?
Phó Thiên Lân liền thuật lại tỉ mỉ cho Đỗ Vô Sầu nghe những chuyện đã xảy ra trong một năm qua. Sau khi nghe xong, bà ta hơi lộ vẻ trầm ngâm nói:
- Phó lão đệ đã tự làm mất điểm chu ngân rồi sao còn mất bình tĩnh mà làm điều bất trí như thế? Hiện giờ lão đệ cũng nên nhân việc đi tìm Công Tôn Đỉnh tiện đường ghé Đan Tâm Bích tại Cao Lê Cống Sơn, đè dò xem có qủa thực Đan Tâm Kiếm Khách chỉ nhận kiếm mà không nhận người chăng? Đồng thời, cũng phải thông báo cho Hoàng Sơn Độn Khách, Tuệ Giác Thần Ni và các vị đại hiệp trong nhóm “Bình Trung Ngũ Hữu” để liệu cách đối phó với lũ ma đầu chứ?
- Thử tưởng tượng nếu lão đệ không gặp được linh cầm của ta cứu thoát mà táng thân tại đây, thì các anh hùng hào kiệt chính phái chẳng những không hiểu chút gì về việc lão đệ mất kiếm mà rất có thể trong dịp đại hội luận kiếm sắp tới sẽ vì bất ngờ, trở tay không kịp mà tan vỡ tất cả ư? Rồi còn vị “Tử Địch Thanh Loa” Thu Thủy cô nương nữa, há chẳng vì trông chờ tin tức lão đệ mà sớm chiều mòn mỏi tương tư, nhan sắc tàn phai theo nỗi niềm khắc khoải...
Nghe tới đây Phó Thiên Lân cảm thấy hổ thẹn vô cùng, mồ hôi tháo ra như tắm. Thấy vậy, Đỗ Vô Sầu chỉ khẽ mỉm cười nhìn chàng rồi tiếp tục nói:
- Cuộc gặp gở giữa ta và lão đệ có thể nói là một cơ duyên kỳ xảo. Hơn nữa, lão đệ lại sắp sửa vì ta mà lặn lội khắp thâm sơn cùng cốc, vậy ngoài con Anh Vũ “Bích Linh” của ta cho đi theo lão đệ, ta cũng còn một vật mọn nữa là tấm áo “Bách Vũ Ngũ Sắc” gửi tặng cho người yêu của lão đệ là Nhân Thu Thủy cô nương để làm chút kỷ niệm!
Phó Thiên Lân vội thay thế Nhân Thu Thủy, nghiêng mình ngỏ lời cảm tạ đôi ba lần!
Đỗ Vô Sầu lại tươi cười nói tiếp:
- Còn riêng đối với lão đệ, ta muốn lưu lão đệ lại đây bảy ngày nữa, một mặt, để cho lão đệ được dùng qua các loại linh dược, dị quả, sản phẩm đặc biệt của “Vô Sầu Cốc” hầu tăng cường nội lực chân khí. Một mặt nữa lão đệ có thể nhìn ngắm bầy linh điểu của ta nuôi dưỡng, hàng ngày bay lượn nhảy múa để nhân thể hội lấy một thân pháp khinh công thần kỳ!
Trước đây, vì việc nóng lòng cứu giúp Đổng Đình Điếu Tẩy, Phó Thiên Lân đã làm lỡ mất công hiệu của viên “Bổ Thiên Hoàn”, ảnh hưởng đến việc tu luyện võ công không được cấp tiến, nay chàng nghe nói được Bách Điểu Tiên Nhân lưu lại ít ngày tại Vô Sầu Cốc để giúp chàng tăng cường về mặt chân khí nội lực thì chàng vui mừng khôn tả, còn hơn là được thể hội thân pháp khinh công tuyệt diệu, nên chàng vội cúi đầu hết lời cảm tạ.
Tới đây, tạm ngưng việc Thiên Lân được gặp cơ duyên may mắn, lưu lại Vô Sầu Cốc.
Xin kể sang chuyện Nhân Thu Thủy bị trúng độc Thiên Lam Độc Kiếm, được Hồng Y La Sát chặt cụt tay cứu thoát, rồi đưa về Thúy Vi Đảo ngoài Đông Hải.
Việc xảy ra, nguyên vi vì Hồng Y La Sát quá nhớ nhung Phó Thiên Lân; nàng không chịu nghe lời khuyên của Đông Hải Kiêu Bà, một mình rời Đảo Thúy Vi, vào lục địa để tìm kiếm người yêu. Đến khi nàng đem Thu Thuỷ trở về đảo thì Đông Hải Kiêu Bà lại vì không yên tâm về đứa trò yêu nối nghiệp của mình, mà đã cùng người nữ đồ đệ thứ hai là “Tỳ Bà Ngọc Nữ” Đông Lục Huê vào Trung Nguyên chia nhau đi tìm.
Lúc này, trên đảo Thúy Vi chỉ còn lại đám thị nữ, nên Hồng Y La Sát vội đưa Thu Thuỷ về nơi ở của nàng tại lầu “Thúy Ấp” để sắp đặt thực hiện điều nàng đã dự định.
Riêng về Thu Thuỷ, dọc đường ngày nào cũng bị Cổ Phiêu Hương điểm huyệt ngủ, vì sợ nàng chống cự. Đến khi vừa mơ màng tỉnh dậy thì nàng thấy mình đang nằm trên giường nệm êm ái và sực nhớ lại chuyện cứu Hồng Y La Sát tại Hoa Sơn rồi bị trúng độc Thiên Lam Kiếm, thì bất giác nàng giựt mình hãi sợ! Và điều nàng để ý đầu tiên khi vừa tỉnh dậy, không phải là cách trang hoàng u nhã trong lầu Thúy Ấp mà là ngón tay bị Thiên Lam Độc Kiếm chém phải!
Nhưng đến khi nhìn xuống thì hỡi ôi...
Ngón tay búp măng thon đẹp đâu còn nữa, mà chỉ thấy một vết thẹo nhỏ đã phủ da non!
Là con gái, ai cũng thích đẹp, hơn nữa, xưa nay Thu Thuỷ vẫn tự phụ về nhan sắc tuyệt mỹ của mình, giờ đây, bỗng nhiên bị mất một ngón tay thì bất giác hai hàng châu lệ tuôn đọng tràn mi! Nàng lại sực nhớ tới hai việc lớn lao mà nàng có trách nhiệm:
Thứ nhất, không biết “Trại Hoa Đà” Bạch Nguyên Chương có còn ở Lãnh Nguyệt Bình đợi nàng mang cây “Thùy Ti Thạch Nhĩ” về để luyện chế “Bổ Thiên Hoàn” cho người yêu là Phó Thiên Lân chăng? Thứ hai, không biết “Hồng Y La Sát” Cổ Phiêu Hương đã được nàng dùng đoá “Tam Sắc Hương Hoa” chữa độc có được sống sót chăng?
Nhớ lại hai chuyện kể trên, Thu Thuỷ lại càng nóng lòng muốn biết nơi đây là đâu?
Lúc này là bao giờ? Cây “Thùy Ti Thạch Nhĩ” có còn trong túi và kịp thời đưa về Cửu Hoa Sơn để luyện chế linh đơn chăng?
Do đó, khi thần trí vừa tỉnh táo Thu Thuỷ vội chồm dậy nhìn chung quanh, nàng thấy mình đang ở trong một căn lầu trúc cất dựa theo vách núi bên cạnh một ngọn suối đổ xuống hồ nước trong veo phía trước lầu.
Với nét mặt kinh ngạc, bỡ ngỡ, nàng bước ra lan can, bỗng thấy trên lưng chừng vách đá cạnh lầu có bóng một cô gái áo đỏ, đang cầm chiếc ngọc bình màu lục, tưới nước cho một bụi lan lá đen như mực.
Vừa thấy hình dáng cô gái áo đỏ, Thu Thuỷ đã nhân ngay ra chính là “Hồng Y La Sát” Cổ Phiêu Hương, người mà nàng đã xả thân tương cứu, nên nàng vội tung mình nhảy qua cửa sổ, đáp xuống bên cạnh Cổ Phiêu Hương, rồi mỉm cười hỏi:
- Chất độc “Lãnh Hương Vô Tướng Thần Châu” Cổ cô nương bị trúng đã hoàn toàn hết chưa?
Cổ Phiêu Hương thấy Thu Thuỷ vừa tỉnh dậy, đã hỏi ngay đến bệnh trạng của người mà không để ý gì đến ngón tay bị cụt của mình thì nàng vừa kính phục vừa cảm động, không nói nên lời chỉ khẽ gượng gạo gật đầu:
Nhân Thu Thuỷ lại hỏi dồn:
- Ở đây cách Cửu Hoa Sơn bao xa? Tại hạ bị mê man bao lâu rồi? Ngón tay của tại hạ bị ai chặt cụt chẳng hay Cổ cô nương có thể cho tại hạ biết rõ được chăng?
Cổ Phiêu Hương tỏ vẻ hổ thẹn ngập ngừng đáp:
- Ngón tay của em do chị chặt đứt...
Nhân Thu Thuỷ nghe nói thì bất giác lạnh mình, thầm nghĩ mình đã xả thân cứu cô ta mà cô ta lại đang tâm chặt đứt ngón tay của mình, không trách giang hồ truyền ngôn Hồng Y La Sát sắc đẹp như hoa mà lòng lan độc như rắn rết, quả thực không sai...
Thu Thuỷ còn đang nghĩ ngợi miên man, Hồng Y La Sát lại tiếp tục:
- Ở đây là Thúy Vi Đảo ngoài Đông Hải cách Cửu Hoa Sơn rất xa, từ khi em bị mê man bất tỉnh đến nay đã được hơn hai mươi ngày rồi...
Không đợi Hồng Y La Sát dứt lời, Thu Thuỷ đã nghiến răng, vung tay tát vào mặt cô ta hai cái thật mạnh!
Hai tiếng “đét, đét” khô khan, cặp má của Hồng Y La Sát đã sưng vù và máu chảy ri rỉ xuống hai bên mép!