Số lần đọc/download: 4771 / 75
Cập nhật: 2016-06-14 12:09:34 +0700
Chương 18
Đ
ến bữa cơm, Khánh Ngọc còn thấy ghê mình, không sao ăn được.
- Tôi cứ nghĩ đến cái lúc ông đánh chúng nó máu me đầm đìa, mà tôi kinh cả người.
Nàng nói xong đặt đũa:
- Thôi tôi chả ăn nữa. Tôi không thấy đói một tí nào.
Ông Nam Long vuốt lưng con:
- Thế ai bảo con nhìn? Thôi con uống hết cốc rượu đi, tự khắc nó khỏi. Ba thấy lắm người đàn bà vì thấy nhiều cái ghê sợ mà phát ốm đấy.
- Ốm thì con không đến nỗi ốm, nhưng không khéo nằm ngủ đến giật mình. À ông Trọng Khang, tôi hỏi ông thật nhé. Ông đánh người ta thế, ông không ghê mình à? Và ông có thấy thương hại họ không?
- Nếu cô nghĩ thế này thì cô sẽ hết thương ngay. Giá dụ tôi không xuống kịp mà nó đánh trúng ông Giáp một xẻng, ông Giáp gục xuống...
- Ồ thế thì...
- Thế thì làm sao? Những ý nghĩ sai lầm có thể làm cho lệch bộ máy thần kinh đấy. Cô nên coi chừng. Cô giàu một tấm lòng tình cảm, nhưng những thứ tình cảm ẻo lả ấy không đưa cô đến chỗ công bằng. Rất có hại cho những người đàn ông nào giàu một tấm lòng tình cảm như cô.
- Tôi cũng biết thế, nhưng sao tôi vẫn thấy ghê cả mình.
- Cái thế của chúng ta như người cưỡi đầu voi dữ rồi, không thể ung dung mà xuống được. Phải đánh cho gẫy chân voi để mà xuống. Ở với đàn sói, mình phải dữ tợn hơn sói.
- Tư tưởng... ấy nếu ông đem thực hành cả trong cuộc đời.
- Thì tôi lại có thể hiền như con cừu, nếu tôi ở với đàn cừu.
- Tôi cũng rất mong như thế. Tôi vẫn biết việc làm của ông trong lúc này là phải, vì ông cần phải nghĩ đến công việc của ba tôi về sau, nhưng không biết sao thịt tôi vẫn cứ máy, mà óc tôi thì cứ thấy lộn xộn làm sao.
Đặt tay lên vai ông Nam Long:
- Ông ấy thế thì ba bằng lòng lắm.
- Hẳn là ba phải bằng lòng, bởi vì nếu ai cũng như con thì chẳng làm được công việc gì.
- Như con thì chả làm công việc gì còn hơn.
- Phải là con ba mới nói thế được. Nếu mọi người, ai cũng nghĩ như con thì trên đời này, chẳng còn có cái gì nữa. Đàn bà thì nên như con, nhưng đã là đàn ông thì phải như ba và ông Trọng Khang. Con nhìn đời qua một làn lụa mùi, còn ba và ông Trọng Khang thì nhìn thẳng ngay vào cái chỗ thiết thực của nó.
Cơm xong, Trọng Khang thấy mặt Khánh Ngọc vẫn cứ bần thần, đem lòng ái ngại. Chàng thấy thương cái yếu ớt của người đàn bà ẩn trong cái cơ thể mỹ miều của nàng. Chàng khẽ bảo:
- Tôi có một cách làm cho các dây thần kinh của cô lại yên tĩnh được ngay. Nhưng chỉ sợ cụ không bằng lòng. Tôi thú thật với cô, chính lòng tôi bây giờ cũng thấy xao động, nhưng cái việc nó bắt phải thế thì phải thế.
- Ông bảo có cách gì? Tôi chắc ba tôi bằng lòng. Ba bằng lòng trước đi nào.
- Ừ, ông Trọng Khang đã đề nghị ra thì chắc là hay và hiệu nghiệm.
- Bây giờ chỉ có cách: tôi cho nó đem một cái bàn đèn về đây, cô hút ba điếu, tự khắc hết ghê mình ngay. Thuốc phiện có phép màu nhiệm làm trấn tĩnh lòng người ta.
Khánh Ngọc vỗ tay:
- Thế thì tốt quá. Tôi chưa được hút thuốc phiện bao giờ. Tôi nghe người ta nói hút vào đi mây về gió sướng lắm. Ông cho người đi lấy đi. Tưởng cái gì, chứ cái ấy thì ba tôi bằng lòng ngay. Mẹ tôi nói lâu lâu ba tôi cũng có hút.
Ông Nam Long biểu đồng tình:
- Ừ phải đấy, đã lâu không hút, hút một vài điếu cũng hay. Ông Trọng Khang ở rừng nhiều, chắc cũng hay hút.
- Vâng. Lâu lắm tôi mới hút. Nhưng đã hút một lần thì hút thật nhiều để cho thật say.
- Khánh Ngọc nhìn chàng:
- Thế ông không sợ nghiện à?
- Nghiện. Nghiện ở mình. Một người đã để cho thuốc phiện bắt phải nghiện thì người ấy là một người hèn. Nói tỉ dụ nếu một ngày kia mà tôi có nghiện thì chính tự tôi làm cho tôi phải nghiện, chứ không phải thuốc phiện bắt tôi phải nghiện được. Ông Giáp đã hút bao giờ chưa?
- Có, tôi hút một vài lần cho nó biết mùi, nhưng vì sau thấy tuy có khoái một tí, nhưng gãi khổ quá tôi lại thôi.
Ông Nam Long nói ngay:
- Tạng cậu François yếu, nếu hút luôn mười ngày thì có thể nghiện. Nó bắt ghê lắm, người yếu không nói tài với nó được. Trước kia, khi tôi làm mỏ vàng ở Tuyên, vì buồn quá, đêm nào cũng ngả bàn đèn ra, sau bỏ nó một đêm thấy nhớ, tôi vội vàng thôi ngay. Cũng khó chịu mất mấy ngày. Mấy ngày ấy, nếu không có gan chịu đựng thì nghiện rồi. Nên biết, không nên đam mê. Câu ấy thoạt nghe thời dễ, nhưng thực hành được, phải là người can trường lắm lắm. Cuộc chơi bời toàn là những lưỡi dao sắc, cái tốt nhất là đừng có mó vào. Nhưng đã mó vào thì phải biết đến cái chỗ có thể đứt của nó.
Những câu chuyện của ông Nam Long với Trọng Khang làm cho Khánh Ngọc xét thấy không giống những câu chuyện của nàng với Giáp nói với chúng bạn. Nàng cảm thấy hai người đi sâu vào cuộc đời hơn nàng và Giáp nhiều. Do đó, tấm lòng nàng kính trọng Trọng Khang lại cứ lớn dần mãi lên.
Bàn đèn đã đem về. Khánh Ngọc sà ngay xuống.
- Nhưng ai tiêm bây giờ?
- Để tôi tiêm cho.
Khánh Ngọc xoay sở thế nào mà thành ra nàng ngồi được ở một bên phía chiếu với Trọng Khang. Rồi khi Trọng Khang tiêm xong, nàng ngả đầu xuống thì lọt thỏm ngay ở trong cánh tay chàng. Nàng thấy sung sướng chồm người lên.
- Ồ! Thấp thế thì hút thế nào.
Trọng Khang vội vàng với chiếc gối đưa cho nàng, nhưng nhanh hơn, nàng đã ghé ngay đầu vào bên sườn chàng. Không còn làm thế nào được, Trọng Khang đành để yên. Giáp ngồi bên thấy thế hiểu ngay, tức sôi lên, nhưng biết nói thế nào, cũng đành phải cắn răng chịu.
- Kìa, cô hút mạnh, chứ yếu thế thì tắc.
- Trời ơi! Đắng quá.
Khánh Ngọc ngồi dậy, lưng nàng thì dựa vào đùi Trọng Khang. Trọng Khang vờ với gói thuốc lá rồi lui ra xa, và đến điếu sau, trước khi mời Khánh Ngọc hút, chàng đã lấy ngay chiếc gối để cạnh mình.
Khánh Ngọc hút liền ba điếu đã thấy hơi lảo đảo, hơi thôi, nhưng nàng cũng nhắm mắt giả say không ngồi dậy nữa để hưởng cái thú được nằm cạnh người mà mình yêu mến. Trọng Khang tiêm mời ông Nam Long và Giáp mỗi người ba điếu, rồi chàng hút thẳng một chập mười bốn, mười lăm điếu.
Khánh Ngọc lim dim nằm cạnh, nhìn làn khói, nhìn ngọn đèn, nhìn luôn cái tay người tiêm:
- Ông không nghiện mà sao ông tiêm, tôi thấy khéo quá.
- Tôi không hút luôn, nhưng tôi tiêm cho anh em hút cả ngày ở lán gỗ của tôi, mỗi khi họ kéo đến chơi.
- Thế ông không sợ nghiện à?
- Tôi đã nói với cô rằng nếu tôi có nghiện thì là tự tôi nghiện, chứ không phải thuốc phiện có thể bắt tôi nghiện được.
- Tưởng tượng một người như ông bây giờ mà nghiện để cho nó so vai, rụt cổ vào thì cũng hay đấy nhỉ?
- Điều ấy tiếc rằng không thể có để cho cô xem thấy cái hay.
Trọng Khang nói xong, lại tiêm, lại hút.
Hút được một giờ Khánh Ngọc kêu đói. Trọng Khang gọi lấy hộp bánh bích-quy, nhưng Khánh Ngọc gạt đi.
- Tôi đói lắm cơ. Ăn bánh thì thấm thía vào đâu.
Ý nàng muốn kéo dài cuộc hút ra để nàng có thể nằm cạnh Trọng Khang lâu thêm nữa.
- Nhưng bây giờ cô thấy hết ghê mình rồi chứ?
- Hết rồi. Thuốc phiện hiệu nghiệm thật. Thảo nào người ta mắc nghiện là phải. Bây giờ tôi chỉ thấy đói cào ruột lên thôi. Tôi thấy cần phải ăn cơm hay ăn cháo.
Trọng Khang gọi ông Phó:
- Nhà có gà béo phải không? Ông xuống bếp làm gà thái thiếc ra cẩn thận, rồi lúc xong bảo tôi, tôi sẽ xuống làm cơm gà cho cụ và cô xơi.
Khánh Ngọc vội vàng gạt đi:
- Nếu ông xuống bếp thì tôi chả ăn nữa.
- Tôi chỉ xuống độ chừng nửa giờ là xong.
- Ừ thế thì được. Nhưng ai dạy ông làm bếp? Ông làm có khá không?
- Tôi chơi với người khách ở Phố Lu và Bảo Khai, tôi thấy họ làm, tôi bắt chước. Còn như ngon hay không, chốc nữa, cô xơi sẽ biết. Các anh em đến chơi ở lán gỗ của tôi thường thường họ vẫn bắt tôi làm cho họ ăn.
- Thế ra chỉ có tôi là đoảng. Tôi chẳng biết cả thổi cơm nữa. Mẹ tôi vẫn bảo tôi: Một ngày kia thế nào mày cũng bị chồng nhiếc.
Nàng vô tình để cho Giáp có thể chêm vào một câu:
- Cái điều ấy thì Marie đừng lo.
Khánh Ngọc đang tươi cười, bỗng sa sầm mặt xuống. Phù dung tiên tử đang đưa nàng đến cõi mộng; câu ấy lôi nàng về sự thực. Nàng cau mày:
- Anh nên nhớ tôi rất không ưa người chồng tiêu thụ được cả cái chỗ không biết thổi cơm của tôi.
Ông Nam Long thấy thế, liền mắng con:
- Độ rày con Marie nó hay gắt gỏng làm sao ấy. Hay mày đã sắp ngã nước rồi. Thôi còn mười hôm nữa, tao phải cho mày về, chứ không rồi mày đến hóa điên.
- Con không về đâu. Con ở đây cho đến khi làm xong. Bây giờ nghĩ đến đường về con ngại quá.
Trọng Khang cười:
- Thế cô định ở luôn trên này không bao giờ về cả à? Bởi vì nếu về thì cô không thể ngại chỗ đường khó được. Đằng nào cũng phải một lần.
- À, lúc ấy thì lại khác.
- Khác cái gì?
- Đi một mình với ba tôi cứ lầm lầm lì lì như ông phật Ấn Độ, buồn chết đi được. Xong công việc, ông phải đưa tôi đi xem hết thắng cảnh ở đây, rồi tôi mới chịu về.
- Điều ấy thì tôi xin chịu. Vì nếu đi một vài người thì thế nào cũng bị bắt cóc, không tài nào tránh được. Chính ở đây, lính tráng và súng ống thế này, tôi cũng còn lo ngay ngáy.
- Tôi chả lo tí nào. Người nào lo là người ấy xoàng.
Ông Nam Long và Trọng Khang bật cười:
- Cô không phải lo vì đã có người khác lo cho cô.
Thuốc phiện đốt nóng giác quan làm cho nàng bạo dạn:
- Có lẽ cái số tôi, rồi suốt đời được người khác lo hộ. Nhưng một ngày kia, nếu tôi mà lấy anh François thì có lẽ tôi lại phải lo cho anh ấy, chứ bộ anh ấy thế kia thì lo gì cho tôi được.
- Marie đừng xét lầm và coi thường giá trị của tôi như thế.
- Thì còn phải xét lầm và coi thường gì nữa. Từ hôm bắt đầu đi ở Pa-kha đến giờ, anh đã lo hộ được cho tôi cái gì, hay anh cũng chỉ lại đến như tôi, toàn để người lo hộ.
- À, vì ở vào cái cảnh không phải lo.
- Thế ai là ở cái cảnh phải lo? Thôi anh đừng có ngụy biện. Thả ra thì cái tài sức của anh cũng chẳng đủ để mà lo. Anh chỉ biết về cầu cống, cũng như tôi chỉ biết tì tòe có mấy mẩu luật. Ngoài hai cái địa điểm ấy ra, tôi với anh đến là vô dụng. Những mảnh bằng của tôi với anh chẳng qua chỉ là những cái chứng chỉ đủ để làm công mà thôi.
Trọng Khang thấy tình thế găng, có thể đi đến chỗ quyết liệt liền dàn giải:
- Tôi tưởng người ta nếu biết rõ một thứ rồi chuyên về cái địa điểm của mình, cũng đã là hay lắm và có ích nhiều rồi.
- Thì tôi có cãi là không đâu. Nhưng ông nên nhớ: nếu chỉ chuyên chết về một mặt để làm một con người máy, dưới quyền sai phái của kẻ khác thì sự phát biểu của thằng người chẳng đẹp đẽ một tí nào. Cuộc đời như thế là một cuộc đời không đầy đủ, không hoàn toàn. Thì chúng tôi học bao nhiêu là sách, nhưng nào đã thấy biết gì hơn ông và ba tôi đâu. Ấy cũng may mà ba tôi chiều tôi, mà cho tôi đi chuyến này, chứ không thì tôi thành ra một người tàn tật, chỉ nhìn thấy đời bằng một con mắt, mà lại là con mắt cập-bà-lời, mới chán chứ. Anh François, nếu mà anh ấy thật thà thì anh ấy phải nhận rằng: thằng người ở trong anh ấy, cũng như con người ở trong tôi, đều kém cỏi lắm. Cả bao nhiêu năm du học chỉ có độc một cái đức là làm cho nó tàn tật đi mà thôi. Thì đấy, xem ngay bọn du học chúng tôi từ trước đến nay về nước, nào đã ai làm được cái thá gì. Hay chỉ đem về được độc một cái lối ăn chơi hoang phí. Và nhằm nhằm tìm vợ giàu để lấy, và cậy cục để đi làm công, có thế thôi. Bây giờ tôi mới hiểu rõ nghĩa chữ "singer" mà người Pháp thường chế giễu chúng tôi. Ông xem ngay những hành động của tôi. Chẳng qua chỉ là học bắt chước như con khỉ, đánh phấn, cúp tóc, đi ngựa, nói tiếng Tây, chứ nào trong bụng có cái gì. Bây giờ tôi nghĩ, tôi mới biết thẹn. Xem như ba tôi, học ở trường nào? Ấy thế mà theo ngay được cái lối kinh doanh của người Pháp, xoay xở sang được tới đây để thầu. Bây giờ, tôi mới hiểu cái học con vẹt chỉ làm cho yếu người đi. Tôi chỉ nghĩ sao ăn mặc và cư xử cho đầm, chứ nào tôi có nghĩ đến cái gì để ích cho mọi người đâu?
- Cô nên biết tình thế không cho phép.
- Chẳng có tình thế nào cả. Con người khá giả thì bất cứ ở tình thế nào, cũng tìm được một lối đẹp đẽ để đi. Tôi, tôi chắc rằng con đường mà tôi và anh Giáp François đang đi đây không phải là con đường đẹp đẽ. Bởi vì chúng tôi đã rõ lòng nhau. Nào có cái hoài bão gì to tát. Chẳng qua chỉ nghĩ đến nhà cho sang, áo cho đẹp, tiền cho nhiều, để chơi cho đúng "mốt", có thế thôi. Thật ra thì chúng tôi có tài giỏi gì hơn ai đâu. Nhờ có cha mẹ giàu thì đi học, học thì đỗ, đỗ rồi thì nhờ mảnh bằng kiếm tiền ăn chơi, thế thôi. Hơi gặp một chút bất thường ở đời là co rúm lại, chẳng còn thi thố được tí gì. Tôi lên đây vất vả thật. Nhưng tôi đã học được một điều là chỉ học ở cái trường của ba tôi đã học thì mới có thể trở nên to tát, đẹp đẽ được. Chúng tôi sang Pháp du học với một quan niệm sai lầm, cho nên hỏng cả. Suốt các bạn bè, tôi chỉ thấy họ bàn tán, lúc đi học về làm nghề này nhiều tiền, nghề kia ít bạc, chứ chẳng thấy họ bàn làm một cái gì cao xa cả. Nếu học mà chỉ cốt có cái bằng để đi làm công thì chẳng cần phải sang Pháp. Ấy may tôi là máu huyết của ba tôi, nên tôi mới thích mạo hiểm mà đòi cho kỳ được lên đây.
François nắm ngay lấy cái cớ ấy:
- Thế còn tôi?
- Anh lên đây là vì có tôi. Tôi là cả cái tương lai mà lòng anh sở nguyện. Chứ không có tôi đi thì cũng chẳng bao giờ anh đi.