Làm việc cật lực mà không có tài thì đáng xấu hổ, nhưng có tài mà không làm việc cật lực thì thật là bi kịch.

Robert Half

 
 
 
 
 
Tác giả: Alfred Szklarski
Thể loại: Tuổi Học Trò
Biên tập: Lê Huy Vũ
Upload bìa: Lê Huy Vũ
Số chương: 21
Phí download: 4 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 1098 / 15
Cập nhật: 2017-10-14 10:57:55 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 18 - Những Người Đào Vàng Và Bọn Cướp Đường
au khi kết thúc cuộc săn cănguru xám, ông Bentley đưa đoàn đi về hướng đông nam, phía những dãy núi phía xa mờ, dưới chân viền một dải rất rộng những khu rừng câu bụi đặc trưng của Ôxtralia. Và thế là những nhà săn thú bắt đầu dấn sâu vào màu xanh rậm rì của rừng cây bụi. Đó là kiểu rừng hoàn toàn không thể gặp tại những nơi khác trên thế giới. Từ những bụi cây um tùm mọc lè tè sát đất, vươn thẳng lên trời những cây keo lá tram cao vút, trông giống như những cây keo gai Caliphornia, nhưng ở đây chúng có kích thước rất khổng lồ. Bám vào những thân cây cổ thụ xám xịt và khô khẳng đó là những khóm dương xỉ vươn cao hàng vài mét, những cây bách tán và cọ, những cây mimôda tỏa hương sực nức, những cây ô liu dại và cây hoàng dương. Thảng hoặc cũng có thể trông thấy những cây bách hương và những cây thong đẹp tuyệt vời, còn bên cạnh chúng là những khóm cây thấp bé, đủ loại cây keo gai và phi lao với những cành lá dài đan chen dằng dịt vào nhau. Cuộc hành trình xuyên rừng cây bụi vất cả của cả đoàn kéo dài hết ngày này sang ngày khác.
Tômếch cảm thấy không mấy yên tâm trong khu rừng lạ lùng đối với người châu Âu này. Cũng giống như những người đầu tiên đi thám hiểm vùng đất này, nó ngạc nhiên khi lần đầu tiên thấy những cây keo lá tràm khổng lồ nhưng hoàn toàn không cho một chút bóng mát nào. Bây giờ nó mới thấu hiểu tại sao lại như vậy. Sống trong vùng có ánh nắng mặt trời chói chang, nóng bỏng, những chiếc lá keo luôn xoay mép lá hướng về phía mặt trời, để bằng cách đó tránh khỏi hiện tượng bị bốc hơi nước quá mức. Loài cây này hoàn toàn không rụng lá, ngược lại, hàng năm, những lớp vỏ cây cũ kỹ lại nứt toác ra, tước thành những dải dài màu sáng trắng, và khi bị đưa đẩy trong gió, chúng phát ra thứ tiếng nghe rất khó chịu. Tômếch chỉ hơi vui lên một chút khi nhìn thấy thấp thoáng trong đám cây cành hoàn toàn xa lạ với mình, lấp ló những chùm quả dâu rừng đỏ chín.
Cuối cùng, đoàn săn thú rẽ vào kh núi hẹp, thoai thoải dẫn lên những sườn núi phủ thảm rừng. Sau vài tiếng đồng hồ đi ngựa, họ ra đến bìa một trảng trống lớn. thoáng đãng. Trong những lùm cỏ tươi tốt nhô ra những khóm hoa đủ màu, trong đó nổi bật lên là loài hoa varatắc, loài hoa đặc trưng của vùng đất Niu Xaothơ Uênxơ. Trảng trống đó có vẻ là nơi tuyệt vời lý tưởng để hạ trại, một bên là cả dải rừng cây bụi ngút ngàn, bên kia là sườn núi mọc đầy cây keo lá tràm và cây cao su cao vút tận trời. Một dòng suối nhỏ chảy ngoằn ngoèo giữa các bụi cây, có thể bảo đảm cung cấp nước sinh hoạt cho cả đoàn.
Ông Bentley hiểu rất rõ vùng này, vì vậy, khi vừa trông thấy trảng trống, ông đã cho đoàn dừng lại và tuyên bố:
– Tại vùng này, chúng ta sẽ tìm thấy rất nhiều loài thú đặc trưng cho tài nguyên động vật Ôxtralia. Ta sẽ hạ trại ở đây.
Mấy ngày tiếp đó, đoàn săn thú nỗ lực chuẩn bị cho việc săn một số loài thú nhỏ. Trong khi những người khác làm các loại lồng, chuồng kích cỡ khác nhau và các loại bẫy săn, Tôny đi khảo sát quanh khu vực đoàn hạ trại để tìm vết thú. Người thổ dân Ôxtralia này hoàn toàn biến thành một đứa trẻ, anh trút bỏ tất cả những thứ quần áo châu Âu, mà như anh nói, chúng cản trở anh, không để anh di chuyển tự do, và suốt ngày anh lang thang mò mẫm trong rừng. Anh đọc dấu thú trong rừng như người ta đọc chữ trong sách. Cũng như mọi cư dân nguyên thủy của Ôxtralia, Tôny biết cách xoay sở rất thiện nghệ trong những hoàn cảnh sống vô cùng nghiệt ngã của thiên nhiên nơi đây. Và trên hết mọi điều, anh tỏ ra có năng lực của một người thợ săn giỏi giang khác thường. Anh dễ dàng tìm thấy vết chân thú mà những người chuyên tìm vết thú khác không thể phát hiện rạ, anh chỉ ra những lõng mà con thú hoặc đàn thú thường đi. Không một dấu vết nào có thể lọt qua ánh mắt tinh tường của anh, ngay cả những vết móng rất nhỏ của con cáo có túi bé tí xíu để lại trên vỏ cây. Hơn nữa, Tôny còn có được một đức tính kiên trì phi thường, nhờ vậy không một khó khăn nào có thể ngăn cản được anh. Bằng tài khéo léo của mình, anh chinh phục được tất cả mọi người trong đoàn, anh có thể nhảy dẻo dai như một con cănguru hoặc trườn nhanh nhẹn như một con rắn. Chỉ cần một sợi dây hoặc một lưỡi rìu, anh cũng có thể trèo lên tận ngọn cây keo lá tràm cao vút, và dùng ngón chân cặp để nhấc mọi vật dễ dàng lên khỏi mặt đất.
Tôny hiểu rất rõ thói quen của mọi loài muông thú. Anh cũng biết cách làm những loại bẫy thích hợp để bắt chúng. Và anh rất vui vẻ chia sẻ với mọi người những điều bí mật của nghề thợ săn.
Ông Vinmôpxki chăm chú lắng nghe mọi báo cáo của anh, ghi lại tất cả những gì có liên quan đến từng loài thú mà đoàn có nhiệm vụ bắt mang về châu Âu. Tômếch không hiểu ba nó thu thập những điều đó nhằm mục đích gì và nó đề nghị ông giải thích. Nó được biết rằng việc hiểu biết tường tận thói quen và cách sống của các loài muông thú là điều hết sức cần thiết để có thể tạo ra những điều kiện sống nhân tạo thích hợp nhất cho chúng, gần với điều kiện sống tự nhiên của chúng. Và kể từ lúc hiểu được điều ấy, Tômếch đi theo Tôny như hình với bóng. Nó đi cùng chàng trai thổ dân trong những chuyến tìm kiếm và phát hiện thú kéo dài trong rừng, học dần ở anh nghệ thuật tìm vết thú – một nghệ thuật đầy khó khăn, và mỗi khi có dịp, nó đều gặng hỏi anh nhiều điều muốn biết tỏ tường. Tôny cũng rất yêu mến những nhà săn thú người Ba Lan, bởi họ luôn đối xử với thổ dân Ôxtralia ngang hàng như người da trắng. Anh đặc biệt mến Tômếch, kể từ khi cậu bé đã thuyết phục được các cư dân bộ lạc “Người – Cănguru” tham gia cuộc săn lần trước. Vì thế anh không tiếc công giải thích cho cậu bé tất cả những câu hỏi ấy, nhờ thế mà Tômếch học hỏi được nhiều điều cần thiết. Sau vài mươi lần tìm ra được hang hoặc ổ thú, Tômếch đã có thể biết cách tự mình tìm phương hướng trong rừng dựa vào cách sắp xếp lá cây, thậm chí nó còn phân biệt được dấu vết của một số loài thú khác nhau. Càng ngày nó càng mê mải với rừng cây bụi, và tự cười giễu những nỗi sợ hãi trước đây của mình về chuyện dễ bị lạc trong rừng. Nó cố làm theo Tôny trong mọi việc, khiến cho hai chàng trai thổ dân rất hài lòng, và cũng vì thế hai người càng ngày càng trở nên thân thiết với nhau hơn.
Đó là những chuyến đi săn đúng như Tômếch hằng mơ ước. Tại lục địa này, nó gặp được những loài thú bốn chân không hề có ở các lục địa khác, phần lớn những loài thú ấy không gây nguy hiểm cho người. Tômếch có thể một mình tiến hành vài cuộc săn, điều đó khiến cho nó vô cùng phấn khởi.
Ông Vinmôpxki hài lòng quan sát thấy sự trưởng thành nhanh chóng của Tômếch từ ngày này sang ngày khác, thấy con càng ngày càng tích lũy được nhiều kinh nghiệm và rèn luyện lòng dũng cảm. Bây giờ ông hầu như không hạn chế sự tự do của con. Ông cho phép nó tự quyết định tham gia cuộc săn loài thú nào tùy ý, và phải thừa nhận rằng Tômếch gần như bao giờ cũng chọn được những cuộc săn lý thú nhất.
Một buổi chiều, Tômếch đang quan sát ba con thú lông nhím ăn kiến đang bị nhốt trong lồng, mà đoàn vừa mới bắt được đêm trước. Loài động vật có vú hạ đẳng nhiều bí ẩn này cùng với loài thú mỏ vịt tạo thành nhóm động vật có vú bậc thấp. Thú ăn kiến lông nhím là loài thú điển hình sống trên cạn, phân bố rộng khắp lục địa Ôxtralia, Niu Ghinê và đặc biệt là Taxmania, hòn đảo mà trừ vùng sa mạc, có thể gặp chúng ở bất cứ nơi nào. Hồi ấy loài thú này còn chưa được nghiên cứu kỹ, vì người ta chưa có điều kiện quan sát cách sống của chúng.
Ngược với loài thú lông nhím ăn kiến, thú mỏ vịt lại là loài điển hình thích hợp với đời sống vừa dưới nước vừa trên cạn, có số lượng ít ỏi hơn nhiều, chúng chỉ sống duy nhất tại những vùng bờ lầy lội của những con sông, dòng suối nhỏ, yên tĩnh, nước trong vắt, thuộc vùng đông nam Ôxtralia và đảo Taxmania. Khi bị bắt, chúng chỉ có thể sống được khoảng mươi ngày trong lồng là cùng.
Chỉ riêng hình dạng của thú lông nhím đã khiến Tômếch tò mò. Nom chúng cực kỳ hậu đậu. CHúng có cái mõm hơi dài, hình vòi, nhỏ bé, được tạo nên từ những lớp da đã hóa sừng. Mõm và vùng quanh tai được phủ một lớp lông phẳng phiu, trong khi toàn bộ phần thân mình phía trên lưng mọc đầy những lông cứng như lông nhím, dài đến sáu centimét. Gốc những chiếc lông này có màu vàng sáng, phần giữa màu da cam và phần cuối cùng màu đen. Những chiếc chân hình cột và toàn bộ vùng bụng và dưới bụng lại có lông mao màu nâu sẫm, dày rậm, mọc trên lớp da nhẵn nhụi. Con vật dài chừng bốn mươi centimét với cái đuôi ngắn độ một phân.
Săn thú lông nhím ăn kiến phải đi về ban đêm, theo thói quen chúng rời hang đi kiếm mồi. Bẫy để đánh loại thú đặc biệt này được đặt ngay bên cạnh những tổ kiến và cạnh các tổ mối do Tôny tìm thấy. Kiến, mối và ấu trùng của các loại côn trùng này chính là thức ăn đặc sản ưa chuộng nhất của loài thú lông nhím, nó lôi chúng ra khỏi các mê cung của tổ bằng cái vòi ngắn có tiết chất nước dãi rất dính của mình.
Tômếch hăng hái tham gia vào cuộc săn thú lông nhím. Nhờ thế, nó biết thêm rằng loài thú này không phải hoàn toàn không có khả năng tự vệ. Khi gặp nguy hiểm, chúng cuộn tròn lại như loài nhím thường của chúng ta, đồng thời xù những chiếc gai vừa dài vừa to từ dưới lớp lông ra tứ phía. Nếu đủ thời gian, chúng có thể dùng những chiếc chân rất khỏe, có những móng vuốt to và cứng, nhanh chóng đào một cái hố để trốn xuống dưới đất. Hai bàn tay Tômếch và mõm của người bạn yêu mến của nó là con Đingô phải nhận nhiều vết đâm của những chiếc lông nhọn hoắt ấy. Mặc dù vậy, cuộc săn kết thúc rất mỹ mãn. Loài thú lông nhím được các vườn thú lẫn những nhà động vật học châu Âu săn lùng, bởi lẽ chúng có đặc tính rất riêng là con nở ra từ trứng do con mẹ sinh ra, được nuôi bằng sữa chảy ra từ hai lỗ huyệt nằm trên bụng mẹ. Con mẹ đẻ mỗi lần một trứng, đặt nó vào một nếp da hình cái túi, do da bụng gấp lại mà thành. Con thú non lớn dần lên trong cái nếp da này, trong thời gian đó, trong lớp lông của nó bắt đầu xuất hiện những chiếc gai nhọn.
Trong số ba con thú lông nhím bắt được có một con cái. Tômếch đang nghĩ cacgs tìm hiểu xem trong nếp da bụng của nó có con con hay không, thì Tôny chợt xuất hiện bên cạnh nó, anh vừa từ rừng trở về. Tômếch chào người săn lùng vết thú. Người thổ dân nháy mắt gật đầu ra hiệu cho Tômếch đi theo mình ra phía ngoài trại. Tômếch lập tức quên ngay mấy con thú lông nhím. Cử chỉ của người bạn thổ dân chứng tỏ có chuyện gì lý thú mà anh ta muốn giấu chưa cho mọi người cùng hay.
Vừa ra xa xa khu trại một chút, Tômếch hỏi ngay:
– Anh tìm ra dấu vết con gì thế, Tôny?
– Tôi thấy hai con gấu túi koala, – người thanh niên thổ dân thì thào thông báo.
– Anh đã nói chuyện này với ai chưa?
– Không cần phải nói với ai khác, hai ta là đủ tóm được chúng thôi, – Tôny bảo.
– Khi nào ta lên đường đi săn chúng?
– Vẫn còn thời giờ. Ban ngày nóng, chúng nấp trong lá, ngủ trên cành cây cao. Đến chiều tối chúng mới đi kiếm ăn. Koala thông minh. Sao con người ta lại chịu ngốc hơn chúng?
– Chúng có thể bỏ đi khỏi chỗ mà anh trông thấy thì sao? – Tômếch lo ngại hỏi.
– Đừng lo, koala đi chậm chậm, chúng ta sẽ bắt được chúng ngay thôi.
– Hay lắm, Tôny, chúng mình sẽ làm đúng như lời anh nói.
Suốt cả buổi chiều Tômếch cố tình tránh mặt mọi người trong đoàn, nó sợ vẻ mặt hồi hộp của mình sẽ làm lộ chuyện. Mọi người sẽ bất ngờ biết bao nếu nó và Tôny mang về trại những con gấu koala, cũng thường được gọi là gấu túi. Gấu kiala sống tại miền đông vùng Quynxlan, kéo dài đến tận bang Victoria của Ôxtralia, nhưng vì cho đến nay người ta mới bắt được rất ít cá thể của loài thú này, nên người ta còn biết rất ít về đời sống của nó. Tômếch hiểu rõ mọi thành viên của đoàn đều mong muốn bắt được loài gấu này biết chừng nào.
Sau những chuyến săn đêm, ông Vinmôpxki thường cho mọi người tạm nghỉ. Chính buổi chiều hôm đó mọi người đều chuẩn bị đi nghỉ sớm, song cũng chẳng một ai ngạc nhiên khi trước lúc trời tối, Tôny báo rằng anh muốn đi xem xét lại mấy dấu thú vừa phát hiện được. Tômếch lập tức bày tỏ ý muốn sẵn sàng đi cùng Tôny và thế là chỉ một lát sau cả hai đã rời khá xa trại.
Tôny bước đi vững tin, như đang dạo bước trên đường phố của một thành phố hoàn toàn quen thuộc. Sau nửa giờ đường, cả hai đến một nơi có những cây keo lá tràm cổ thụ mọc vượt cao lên trên nền rừng cây bụi. Chàng thanh niên thổ dân đưa mắt xem xét lại một lần nữa lớp vỏ cây, rồi đưa tay chỉ hướng nhìn cho Tômếch, anh nói:
– Gấu koala đã tỉnh giấc! Cậu có trông thấy chúng không?
– Thấy, thấy rồi, Tôny! Ôi, nom chúng xinh quá kìa! – Tômếch bật kêu lên, khoái chí ngắm nhìn hai con gấu.
Trên một cành cây có nhiều lá, một con gấu koala đang ngồi vắt vẻo, bên dưới nó một chút là một con khác đang bám theo thân cây to tướng để trèo lên. Hoàn toàn không cần để ý đến việc leo trèo, gấu koala của Ôxtralia, giống như loài sóc của chúng ta, dùng hai chân trước ôm giữ cành cây để rứt những chiếc lá ngon lành nhất mà chúng đã chọn. Chúng di động trên cành cây chậm chạp đến nỗi nhiều khi người ta hay gọi chúng là “con lười Ôxtralia”, điều mà Tômếch thấy rất đúng.
Cậu bé mê mải quan sát lũ gấu túi, đến nỗi không nhận thấy trời đã sẩm tối trong đám là cành. Tôny là người trước tiên chú ý đến chuyện đó, nên bảo Tômếch:
– Sau này hẵng nhìn kỹ, giờ phải bắt được gấu koala đã. Chút nữa tối, không thấy gì đâu.
– Anh nói phải lắm, nhưng ta làm sao bắt được chúng bây giờ?
– Cậu leo lên cây, ném thòng lọng vào cổ gấu koala, rồi thả nó xuống, tôi đứng đón dưới đất.
– Anh có nghĩ là chúng nó sẽ chống lại tôi không?
– Đừng sợ. Gấu koala hiền lành lắm mà, nó không phải là con thú lông nhím đâu! – Tôny hóm hỉnh trả lời.
Tômếch quàng vòng dây qua cổ, rồi nhanh nhẹn trèo lên cây. Con gấu koala ở cành dưới hoàn toàn không để ý đến Tômếch, nên cậu bé có thể nhanh chóng tiếp cận nó, cậu nhanh nhẹn tháo sợi thòng lọng ra và quẳng gọn trúng vào đầu con thú. Thoạt tiên, con gấu cố bám hai chân vào cành cây, nhưng khi chàng săn thú trẻ tuổi bắt đầu thít dần sợi thòng lọng, nó đành chịu khuất phục, không chống cự nữa. Hai bàn tay Tômếch thọc sâu vào lớp lông mềm mại như tơ tỏa ngát hương lá tràm, thứ thức ăn chủ yếu của loài gấu hiền lành này, rồi sau khi buộc dây quanh người con gấu, Tômếch từ từ buông nó xuống đất cho Tôny đang đón phía dưới. Sau đó Tômếch lại bám thân cây trèo lên cành cao hơn để đuổi theo con gấu túi thứ hai, và con này, sau một thời gian rất ngắn chống cự không mấy dữ dội, cũng chịu để bị bắt.
Trời đã tối hẳn, hai người săn thú mới về đến trại. Tômếch phấn khởi sải những bước dài theo sau lưng Tôny, mỗi người vác trên vai một con gấu koala. Tômếch ngạc nhiên khi nhận thấy lũ gấu rất nhanh chóng chấp nhận số phận của chúng.
Nghe tin bắt được hai con gấu túi koala, tất cả các thành viên của đoàn săn thú đều chạy ra khỏi lều, họ muốn được tận mắt nhìn thấy những con vật hiền lành và hiếm hoi có bộ lông mượt mà, mà hình dạng dễ khiến người ta nhầm với những con gấu bông là đồ chơi trẻ con.
Chiều dài thân của mỗi chú gấu gần sáu mươi centimet, khi cuộn tròn lại, chiều cao thâm khoảng ba mươi phân. Chúng có thân hình rắn chắc, khỏe mạnh, không có đuôi. Trên chiếc đầu dài, với cái mõm tù, nổi bật đôi tai to phủ một lớp lông rất mịn. Toàn thân chúng phủ một lớp lông tuyệt vời mềm mại, mặt lưng màu nâu xám, phía dưới bụng ngả sang màu vàng trắng. Cả hai đôi chân đều có năm ngón với những chiếc móng rất khỏe, là công cụ để chúng bám chắc vào cây. Như về sau người ta được biết, hai chân trước của chúng có hai ngón mọc đối diện với ba ngón còn lại, còn ở hai chân sau khỏe hơn, một ngón chân bên trong không có móng, nằm đối diện với bốn ngón còn lại. Tôny mỉm cười sung sướng quan sát vẻ mặt đầy tự hào của Tômếch khi cậu bé đón nhận những lời khen ngợi của các thành viên lớn tuổi trong đoàn.
Trong những ngày tiếp đó, đoàn săn thú dự định sẽ bẫy loài chuột có túi, mà thổ dân ở đây gọi là loài pôtôru. Họ cũng săn bắt cả loài vômbata, một loài nom giống như con dúi của ta, nhưng là loài dúi có túi, và đuổi bắt mấy con cáo có túi, và đuổi bắt mấy con cáo có túi sống treo người trên cây.
Trong những ngày giữa các cuộc săn thú, thành viên của đoàn phải tiến hành những công việc khác cũng rất cấp bách. Nhiều loài thú khác nhau cũng bị bắt trong cùng một thời gian đòi hỏi họ phải chuẩn bị riêng từng loại chuồng thích hợp cho chúng giúp chúng có thể sống qua thời kỳ khó khăn nhất trong những ngày đầu tiên mất tự do.
Kết quả của những chuyến đi săn thú từ trước đến nay khiến cho các thành viên của đoàn đều rất vui, mặc dù cái nóng càng ngày càng trở nên khó chịu đựng hơn. Ngay cả trong những cuộc săn ban đêm, họ cũng chẳng thấy được mát mẻ chút nào. Và cũng không có gì là lạ nếu mọi người đều chờ đợi lú được leo lên những ngọn núi ở gần đó, nơi nhiệt độ ban ngày và ban đêm đều thấp hơn hẳn dưới này. Vì vậy, khi họ bắt đầu chuẩn bị cho cuộc săn cănguru đá, ông Vinmôpxki tin chắc rằng Tômếch sẽ rất vui sướng nếu được nghe báo tin đó. Nhưng ông thật ngạc nhiên khi nghe con tuyên bố rằng nó muốn được ở lại trại hơn là leo núi.
– Con sẽ trông nom lũ thú, – nó giải thích cho cha, – một số loài thú rất khó sống trong điều kiện mất tự do, mà chúng đều là những loài đáng yêu và ngộ nghĩnh đến thế.
Ông Vinmôpxki cũng đồng ý với đề nghị của con, bởi ông e rằng quá trình vây bắt đàn cănguru đá trên những dãy núi đá cheo leo cũng có thể tạo ra một số khả năng nguy hiểm nhất định đối với cậu bé giàu nghị lực và rất cả quyết này. Thế là Tômếch ở lại trại, nó cho phép mọi người mang con Đingô theo để đi săn cănguru đá. Ngoài Tômếch, ông Vinmôpxki còn chỉ định thêm hai người khác ở lại trông nom chăm sóc lũ thú.
Hẳn ông Vinmôpxki đã không thể yên tâm rời trại, nếu lúc ra đi ông chịu khó quan san kỹ cậu con trai hơn một chút. Cậu bé nheo mắt nhìn những người kỵ sĩ đã lên ngựa và những con ngựa thồ chở theo những chiếc lồng hoặc cũi nhỏ dùng để nhốt cănguru. Trên môi cậu hiện ra một nụ cười ẩn chứa nhiều điều chưa nói thành lời.
Hai người thủy thủ được cử ở lại trông trại có quá nhiều việc phải làm, nên không thể quan tâm nhiều đến cậu bé đang muốn tranh thủ những phút được hoàn toàn tự do này. Không ai phản đối khi Tômếch bảo rằng nó muốn thực hiện một chuyến thám hiểm nhỏ. Chẳng mấy chốc, nó đã mang khẩu súng săn rời trại, rồi nhanh chân bước về phía nguồn suối từ trong khe núi chảy ra.
Đã nhiều ngày nay Tômếch rất muốn tự mình đi thám hiểm một chuyến. Những kinh nghiệm và hiểu biết thu được trong thời gian lang thang cùng Tôny trong rừng đã khiến nó vững tin ở bản thân, nó chỉ chờ có dịp thuận tiện để thực hiện kế hoạch của mình. Theo lời ông Bentley, lúc này họ đang có mặt chính trên vùng đất mà nhiều năm trước đã được chính Xtsêlexki nghiên cứu. Tômếch mơ ước thực hiện được một công tích gì đó khả dĩ có thể ghi dấu cho thời gian sống tại Ôxtralia. Con đường ngắn nhất để làm được điều ấy là phải thực hiện bằng được một hành động phi thường nào đó. Vì vậy, nó quyết định sẽ khôn gtham gia vào chuyến đi săn cănguru đá, và tranh thủ lúc người lớn vắng mặt, nó sẽ cố gắng thực hiện điều mơ ước của mình.
Không chút ngần ngại, cậu bé dấn thân vào cái khe núi ngoằn ngoèo mọc đầy rừng cây rậm rạp, tiến dần lên phía đầu nguồn con suối đang tuôn chảy từ những bậc đá núi, tạo thành một thác nước dốc đứng đẹp như tranh. Những vách đá vây thành một hình bán nguyệt rộng rãi chung quanh khe núi, khiến khe núi được chìm trong bóng râm mát mẻ. Gần trưa, Tômếch đã ở rất xa trại. Vùng chung quanh nom thật hoang vu, thậm chí không có một loài muông thú bốn chân nào sinh sống, nhưng cậu bé vẫn dũng cảm tiến lên phía trước. Nó tin chắc không thể lạc đường, vì vẫn đi men dọc theo con suối nhỏ. Khe núi mỗi lúc một hẹp dần. Ngay trước một chỗ ngoặt rất gấp, có một vách đá chắn ngang đường. Quá chán quang cảnh hoang vắng của vùng này, cậu bé định quay trở về, thì chợt nghe sau tảng đá gần đó có tiếng người nói:
“Không biết ai lại có thể sống ở vùng hoang vu này nhỉ?” – Tômếch thầm nghĩ.
Nó cảm thấy lúc này không nên để phí thì giờ mà phải quay trở về trại ngay, nhưng tính tò mò đã giữ chân nó tại chỗ. Nó lắng nghe chăm chú hồi lâu, và không còn nghi ngờ gì nữa, có mấy người nào đó đang trò chuyện với nhau phía sau tảng đá lớn.
“Mình chỉ nhìn thoáng qua xem họ là ai rồi sẽ trở về trại ngay cũng được chứ sao!” – nó quyết định.
Tômếch thận trọng trèo lên đỉnh tảng đá lớn ấy. Nó trườn bằng bụng, cố ép sát người vào vách đá. Bây giờ nó đã có thể nhìn rõ phía bên kia chỗ ngoặt. Vừa nhô đầu ra nó bàng hoàng, sững người lại như hóa đá. Những vách đá phía sau chỗ ngoặt được mở rộng thành hai hình bán nguyệt khép kín khe núi. Dòng suối chảy thẳng xuống một khe sâu, xòa rộng ra, tạo thành một hồ chứa nước nho nhỏ, có một vách đá cao chắn ngang.
Ngay bên bờ suối có một chiếc lều nhỏ. Hai người đàn ông đang cãi nhau bên một đống lửa nghi ngút khói. Thoạt tiên Tômếch thấy hai người giống hệt nhau, bộ râu cằm dài buông xuống ngực, mặt đầy râu ria xồm xoàm, chắc lâu ngày không cạo. Nhưng chỉ lát sau nó nhận ra ngay là một trong hai người trẻ hơn hẳn so với người kia.
– Chính ông đã khiến cho chúng ta gặp cái tai họa này, – người trẻ tuổi cao giọng, – sao lại có thể nhẹ dạ đến thế chứ!
– Thêm hay bớt một cú liều thì cũng có sao đâu trong tình thế của chúng ta bây giờ, – người lớn tuổi đáp. – Chúng ta đâu còn lối thoát nào khác nữa?
– Nếu hắn ở vào địa vị của ta, hắn đã cho chúng ta toi đời lâu rồi! – người trẻ tuổi gào lên. – Ngay từ phút đầu tiên, mắt hắn đã có vẻ gian lắm rồi!
– Tay tao chưa bao giờ nhúng vào máu người. Tại sao mày lại nghĩ Tômxơn định quỵt phần của chúng ta chứ? – ông già hỏi.
– Thế tại sao lâu thế mà hắn chưa trở lại? – người trẻ tuổi đay lại.
– Thì cũng đã sáu lần hắn đi đến các bản để mua lương thực, mọi chuyện đều ổn cả, sao lần này phải khác? – ông già cân nhắc. – Tao thấy là chúng ta đã sống quá lâu ở cái vùng hoang vắng khỉ ho cò gáy này, thần kinh không chịu nghe lời chúng ta nữa đấy thôi.
– Đúng thế, đã đến lúc kết thúc mọi chuyện, – người trẻ lần này nói bằng giọng bình tĩnh hơn. – Nhìn thấy vàng tác động không mấy tốt lành lên đầu óc con người. Ta phải lập tức thu dọn đồ đạc, nếu như rủi mà bọn săn thú mò đến đây thì khốn.
– Họ nom có vẻ là những người tử tế đấy chứ, – ông già yên ủi gã trai. – Nhưng tao đồng ý với mày, là vì quyền lợi của chúng ta, ta nên tránh mọi chuyện ồn ào.
– Thì chính con cũng chỉ muốn thế thoi, cha ạ, – người đàn ông trẻ đồng tình. – Ta càng chia tay sớm với Tômxơn bao nhiêu, càng hay cho ta bấy nhiêu, ánh mắt của hắn khi nhìn thấy mạt vàng khiến cho con lo lắm.
– Sau khi Tômxơn quay về, ta sẽ chia vàng làm ba phần đều nhau và sẽ chia tay nhau đi về hai ngả, – ông già quyết định.
– Nhưng ta để cho hắn đi kiếm lương ăn lần này là quá dở.
– Không còn cách nào khác, – ông già trả lời cả quyết. – Chúng ta có hai chọi một, cha con thì không bao giờ cãi cọ vì vàng. Còn nếu như một trong hai cha con ta ở lại một mình, phải mặt đối mặt với thằng Tômxơn… thì chắc không tránh khỏi việc đánh giết nhau. Chỉ duy nhất việc cha con ta chiếm thế mạnh là còn giữ tay hắn không dở trò trước đó thôi.
Tômếch nín thở lắng nghe cuộc trao đổi ấy. Nó hiểu rằng trong khe núi đang diễn ra một bi kịch, mà nguyên do là vì vàng. Hai con người rậm râu này chắc hẳn đang trao đổi về người đồng sự thứ ba vắng mặt. Tômếch không thể hiểu tại sao ba người đàn ông ấy lại không thể hòa thuận với nhau? Sao họ lại phải nói về đánh giết nhau? Nhẽ ra họ phải hài lòng nếu quả thực họ đã thành công trong việc tìm vàng ở khe núi này mới phải chứ!
“Vậy ra những kẻ tìm được vàng đều là như thế đấy! – Tômếch thầm nghĩ. – Thật may mình không có gì chung với bọn họ. Mình phải chạy trốn khỏi chỗ này càng mau càng tốt, trước khi kẻ tìm vàng thứ ba xuất hiện, kẻ đang khiến cho hai cha con người rậm râu kia phải sợ.”
Nó đưa mắt nhìn khe núi một lần nữa để ngắm lại cái lều của những kẻ tìm vàng. Cạnh một chiếc máng bằng sắt, trên bờ suối còn có vài thứ nồi niêu, giần sàng để đãi vàng, cùng một túp lều nhỏ nép vào sát vách núi. Tất cả chỉ có thế.
“Hừ, chỗ này thật u ám và buồn bã quá chừng!” – Tômếch lẩm nhẩm và thận trọng bò lui.
Đột nhiên, ngay trên đầu cậu bé vang lên một tràng tiếng cười sằng sặc, đầy ác độc. Tômếch hoảng hốt nghĩ rằng người đào vàng thứ ba đã bất ngờ trở về và phát hiện thấy sự có mặt của nó. Nó bật thẳng người dậy, định chạy trốn, nhưng đúng lúc ấy tiếng cười sằng sặc lại lặp lại một lần nữa. Tômếch bàng hoàng nhìn lên: thay vì một kẻ đào vàng đáng sợ, nó trông thấy một con chim có chiếc mỏ to tướng, đang nghiêng đầu, phát ra một tràng tiếng kêu giống hệt tiếng người cười.
“Chắc hẳn đây là loài chim kookabura quỷ quái!” – Tômếch thầm nghĩ.
Nhưng trước khi nó kipk hoàn hồn, trong khe núi chợt vang lên một tiếng thét thất thanh. Giọng cười của con chim kookabura đã khiến hai người đàn ông rậm râu quay đầu nhìn lên phía tảng đá. Ánh nắng phản chiếu vào nòng khẩu súng săn bóng loáng vào lúc Tômếch hoảng hồn đứng bật dậy, khiến họ kịp nom thoáng thấy một cái đầu đàn ông và ánh bạc của khẩu súng. Một người cầm vội khẩu súng khai hậu cũ kỹ, còn người kia vớ khẩu súng lục, rồi vừa thét lên để thêm can đảm, họ bắt đầu trèo lên tảng đá.
Tiếng thét của những kẻ đào vàng khiến cậu bé bủn rủn hết chân tay. Mãi đến khi trông thấy một bàn tay lông lá huơ lên trước mặt cùng một bộ mặt đàn ông râu ria lởm chởm, thì nỗi kinh hoàng không diễn tả nổi mới trả lại sức lực cho nó.
– Cứu…! Cứu tôi với, bọn giết người! – nó tuyệt vọng kêu lên và lao mình chạy trốn.
Tiếng vọng trong khe núi âm âm nhắc lại hai lần tiếng kêu cứu vô vọng của thằng bé, hai người đàn ông đã trông thấy nó, phóng những bước chân dài chạy đuổi theo sau. Dù đó là ai, họ nhất định phải tiêu diệt để trừ hậu họa. Họ tin nó đã rình nghe trộm câu chuyện của họ. May thay người đàn ông tuổi tác đã kịp kìm cơn tức giận của mình, đúng vào giây cuối cùng, ông kịp gạt lên cao nòng súng của đứa con trai đang nhằm vào Tômếch. Tiếng súng nổ ầm vang, nhưng viên đạn bay vèo vào không khí, rất cao bên trên đầu cậu bé đang chạy trốn.
– Đồ ngu, đó đâu phải là Tômxơn! – người tìm vàng già giận dữ quát lên. – chỉ cần bắt giữ nó lại là đủ!
Người trẻ tuổi râu rậm vứt súng chạy theo Tômếch. Tiếng rít của viên đạn bay vèo qua như một ngọn roi quất vào Tômếch, nó lấy hết sức chạy trốn, và rất có thể nó đã thoát thân nếu như không bị vấp phải một chiếc rễ cây nhô lên trên mặt đất, khiến nó ngã vật xuống. Trước khi nó kịp nhổm dậy, người thanh niên râu rậm, thở hổn hển như một cái bễ lò rèn, đã đưa bàn tay cứng như sắt túm chặt lấy cổ nó.
– Cứu tôi với! – Tômếch gào lên.
– Câm mồm ngay, nếu mày còn muốn sống! – gã đào vàng giận dữ rít lên.
– Xin ông đừng giết tôi, tôi… không nghe thấy gì hết, – Tômếch nói bằng giọng run run.
Chính điều đó đã làm cho gã rậm râu tin chắc thằng bé đã nghe hết câu chuyện trao đổi giữa hai cha con.
– Mày tìm gì ở đây, nói thật đi? – gã hằm hằm hỏi tiếp.
– Tôi chỉ đi dạo thôi mà…
– Đừng nói láo! Chính thằng Tômxơn đã phái mày theo dõi chúng tao.
– Không đúng! Cháu làm sao quen biết một kẻ đáng sợ như hắn?
– Thế có nghĩa là mày đã nghe những gì chúng tao nói về thằng Tômxơn – gã đào vàng lẩm bẩm.
Tômếch chợt nhận ra mình vừa nói điều không nên nói, nhưng đã quá muộn để có thể tiếp tục chống chế. Nó kinh hoảng nín bặt, gã đào vàng vác nó trên lưng quay trở lại chỗ cái lều. Chẳng mấy chốc gã đã về đến chỗ lão già.
– Nó đã nghe trộm chuyện của chúng ta, – gã thông báo gọn lỏn, giúp Tômếch ngồi bệt xuống đất.
– Mày là ai, tên gì? – ông già hỏi, đưa bắt nhìn Tômếch dò xét.
– Cháu là Tômếch Vinmôpxki, cháu đi theo cha săn thú để cung cấp cho các vườn thú, – Tômếch đáp.
– Tao cũng đoán ngay là thế. Mày từ cái trại chỗ trảng trống đến phải không?
– Vâng, đúng thế ạ. Chắc ông tin là cháu không hề quen biết gã Tômxơn nào đó chứ? Cháu chỉ đi chơi, khi định quay trở về trại thì cháu mới chợt nghe tiếng người nói.
– Tại sao mày nghe trộm?
– Cháu tò mò muốn biết ai lại đến cái chỗ hoang vắng này, sau khi nghe rồi cháu mới hoảng. Và cuối cùng là cái con chim cười ấy đã…
– Hà, chẳng làm thế nào được! Chúng tao đành phải giữ mày ở đây cho đến lúc rời đi, – người đào vàng già lên tiếng. – Thế cha mày đâu?
– Ba cháu đi săn cănguru đá. Xin ông tha cho cháu về trại, cháu sẽ không nói với ai một lời nào hết.
– Bao giờ cha mày đi săn về? – người đào vàng hỏi tiếp, không hề để tâm đến lời van xin của cậu bé.
– Hai ba ngày nữa. Ông cho cháu đi chứ, phải không ông? – Thế còn lại mấy người trong trại?
Tômếch nghĩ rằng nếu nó nói thật, thì hai người râu rậm này nhất định sẽ tấn công trại, nó bèn trả lời:
– Trong trại có mấy người thủy thủ, họ biết rõ cháu đã đi về hướng nào.
– Này, đừng có mà dọa tao, – gã trẻ tuổi gằm ghè.
– Không cần nhiều lời. Ta phải thu xếp đồ đoàn ngay và vù thôi, bất kể thằng Tômxơn có về hay không, – ông già quyết định dứt khoát. – Thằng bé nói đúng, bọn kia chắc sẽ đi tìm nó.
– Nhất định họ sẽ đi tìm cháu! – Tômếch nhanh nhảu khẳng định thêm.
– Trói nó vào gốc cây! – lão đãi vàng già ra lệnh.
Tômếch không chống cự. Gã đào vàng thứ hai không để mất thì giờ, gã lôi trong lán ra một cái bị rất to và bắt đầu tống vào bị những thứ của cải ít ỏi có được. Gã quẳng chiếc máng đãi vàng vào bụi cây. Đúng lúc gã đang định gấp lều, thì đằng sau chợt vang lên một giọng khan khan:
– Giơ tay lên, mấy con chuột thối kia!
Hai người rậm râu cùng sững người nhìn lên khố đá. Tômếch cũng nhìn theo và nó lại một lần nữa kinh hoàng. Năm tên cướp hung hổ đứng sừng sững trên tảng đá, tay chúng lăm lăm súng lục nhằm vào những người đào vàng.
– Thế này là thế nào, Tômxơn? – ông già râu rậm hỏi, nhìn bọn tấn công.
– Sự đốn mạt của mày cũng ngang với sự ngu dốt của mày thôi, Giôn O’Đônen! – Tômxơn đáp. – Lũ chim đang chuẩn bị rời tổ, để người bạn già lại trên thuyền một mình, đúng không? Trông kìa! Thật quả là cha nào con nấy!
– Mày nói vớ vẩn gì thế, Tômxơn! – ông lão O’Đônen lên tiếng. – Rồi mày sẽ thấy ngay thôi!
Tômxơn cười giễu cợt, trả lời:
– Từ lâu tao đã cảm thấy thể nào chúng mày cũng cho tao một vố mà! Hãy cùng chúng ta làm lụng sáu tháng trời ròng rã, hỡi thằng Tômxơn ngu ngốc kia, rồi chúng tao sẽ chia đều số vàng tìm được cho mày. Vậy mà tao vừa mới rời trại để đi kiếm lương ăn cho cả bọn cùng lên đường thì chúng mày đã chuẩn bị vù mất! Ôi, chúng mày ngu lắm! Nhưng chúng mày lại gặp phải một kẻ thông minh hơn! Đây là các chiến hữu của tao, họ đã chứng kiến sự bội bạc của cha con chúng mày và sẽ theo dõi chuyện chia chác cho thật công bằng! Thật là một điều bất ngờ thú vị, đúng không?
– Mày nói láo, Tômxơn! – ông lão O’Đônen phản đối. – Mày nói toàn chuyện vớ vẩn và mày biết rõ điều đó.
– Tao mà nói láo? Thế chúng mày thu dọn đồ đạc để chuồn thì sao?
– Chúng tao phải dỡ trại chỉ vì có một bọn người lạ đến săn thú đã theo dõi chúng ta trong khe núi, hiện đã biết rõ chúng ta ở đây làm gì, – ông lão O’Đônen biện bạch. – Kìa, kia là bằng chứng!
Ông chỉ tay về phía Tômếch đang bị trói vào gốc cây.
– Cái gì thế này? Chúng mày lại còn dám bắt cóc và trói một đứa trẻ nữa sao? – Tômxơn giả vờ ngạc nhiên. – Này! Câu chuyện này sẽ chẳng ai bỏ qua cho chúng mày đâu. Giơ tay lên trời!
– Này, Tômxơn! Mày đúng là đồ ngậm máu phun người! – gã O’Đônen trẻ tuổi gào lên.
Tômxơn đưa cặp mắt tinh ranh và cảnh giác nhìn hai địch thủ, rồi bảo:
– Bao giờ tao cũng tìm được cái tao cần! Việc bắt cóc thằng bé đã đặt hai cha con chúng mày ra ngoài vòng pháp luật. Giơ cao tay lên chứ!
Tômếch hoảng hồn nín thở, giương mắt ngó cảnh tượng bi kịch căng thẳng đến hãi hung này.
Đúng lúc đó, một ánh chớp quyết liệt loáng lên trong đôi mắt gã đào vàng trẻ tuổi, gã rút phắt khẩu súng lục trong bao da vung lên.
Tômxơn không ngần ngại ngoéo cò khẩu súng lục đang cầm sẵn trong tay. Một tiếng nổ dữ dội vang lên. Bộ mặt của gã O’Đônen trẻ nhăn lại đau đớn, nhưng khẩu súng trong tay gã vẫn kịp phun ra lửa.
Tômxơn gục người xuống, mặt tái nhợt, lát sau hắn từ từ lộn cỏ, lăn xuống khỏi tảng đá, dang rộng hai tay, nằm song sượt, gần như ngay dưới chân hai cha con người đào vàng.
– Đừng bắn! – ông lão O’Đônen tinh khôn vội vã gào lên với các chiến hữu của Tômxơn. – Vàng được chôn giấu kỹ lắm, chúng mày không thể tìm được đâu nếu không có chúng tao!
Bốn tên cướp còn lại đứng do dự, súng lắm lăm trong tay, sẵn sàng nhả đạn. Cơ hội thắng lợi đột nhiên nghiêng về phía chúng. Mắt của gã O’Đônen trẻ tuổi bị Tômxơn bắn trúng bỗng mờ đi, gã nặng nề gục xuống ngay trên xác địch thủ.
– Mày thua rồi, thằng già! – một tên cướp lên tiếng. – Chúng tao bốn tay súng, mà mày chỉ có một. Giơ tay thật cao lên trời! Chúng tao sẽ xuống chỗ mày bây giờ đây!
Tômếch Ở Xứ Sở Cănguru Tômếch Ở Xứ Sở Cănguru - Alfred Szklarski Tômếch Ở Xứ Sở Cănguru