Nguyên tác: Brave New World
Số lần đọc/download: 0 / 116
Cập nhật: 2023-07-16 17:10:04 +0700
Chương 17
N
ghệ thuật, khoa học – hình như ngài đã phải trả cái giá khá cao cho hạnh phúc của ngài” – người Hoang dã nói, khi họ còn lại với nhau. “Còn gì nữa không?”
“À, còn tôn giáo, tất nhiên” – ngài Kiểm soát trả lời – “Trước đây có một thứ gọi là Thượng đế – trước Chiến tranh Chín năm. Nhưng tôi quên, tôi nghĩ anh biết hết mọi điều về Thượng đế mà”.
“À...” – người Hoang dã ngập ngừng. Lẽ ra anh đã muốn nói một cái gì đó về sự cô đơn, về đêm, về núi mặt bàn nằm xanh xao dưới trăng, về cái vách đứng, về cú lao mình vào bóng tối đen ngòm, về cái chết. Lẽ ra anh đã muốn nói; nhưng không có lời. Không có, kể cả bằng Shakespeare.
Trong khi đó, ngài Kiểm soát đã bước ngang qua phía bên kia căn phòng và đang mở khóa một chiếc tủ lớn xây chìm trong tường giữa những giá sách. Cánh cửa nặng nề bật mở. Lục lọi bên trong tối om. “Nó là một chủ đề tôi luôn hết sức quan tâm”. Ông lôi ra một tập sách dày bìa đen. “Anh chưa bao giờ đọc, như quyển này chẳng hạn.”
Người Hoang dã cầm lấy cuốn sách. “Kinh thánh, bao gồm Cựu Ước và Tân Ước” – anh đọc to tên sách.
“Cả quyển này cũng chưa”. Đó là một quyển sách nhỏ đã mất bìa.
“Noi gương Cơ Đốc.” 1
“Cả quyển này”. Ông đưa một tập khác.
“Sự Đa dạng của Trải nghiệm Tôn giáo. Của William James.” 2
“Và tôi còn nhiều nữa”, Mustapha Mond ngồi xuống ghế và tiếp tục. “Một bộ toàn tập sách khiêu dâm cũ. Thượng đế trong tủ kín và Ford trên giá sách”. Ông vừa cười vừa chỉ cái thư viện đã được công khai của mình – những giá đầy sách, những cái giá chất đầy các cuộn máy đọc, những băng ghi âm.
“Nhưng nếu ngài biết về Thượng đế, sao ngài không nói với họ?” – người Hoang dã công phẫn hỏi – “Tại sao ngài không đưa cho họ tất cả những quyển sách về Chúa này?”
“Cũng vì lý do như tôi không cho họ xem Othello: chúng cũ rồi; chúng viết về Chúa cách nay nhiều thế kỷ. Không phải về Chúa bây giờ.”
“Nhưng Chúa thì không thay đổi.”
“Nhưng con người thay đổi.”
“Cái đó có gì khác?”
“Tất cả sự khác biệt trên thế giới” – Mustapha Mond nói. Ông lại đứng lên và bước đến tủ. “Có một người tên là Đức Hồng y Newman” – ông nói. “Một Hồng y Giáo chủ” – ông kêu lên một cách vui nhộn – “là một loại Ca sĩ Cộng đồng Thượng thặng”.
“Ta là Pandulph. Hồng y Giáo chủ của Milan xinh đẹp. 3 Tôi đã đọc về họ trong Shakespeare.”
“Tất nhiên anh đã đọc. Ờ, như tôi nói, có một người gọi là Hồng y Newman 4. A, quyển ấy đây”. Ông rút nó ra. “Và trong khi tôi đang đọc nó, tôi đọc cả cái này nữa. Đó là một người tên là Maine de Biran 5. Ông ta là một triết gia, nếu anh biết đó là cái gì.”
“Một người mơ về ít sự vật hơn chúng có trên trời và dưới đất” 6 – người Hoang dã nói ngay.
“Hoàn toàn đúng. Tôi sẽ đọc cho anh nghe một trong những sự vật mà ông ta mơ vào một lúc khác. Còn bây giờ, hãy nghe xem ông Ca sĩ Cộng đồng Thượng thặng cũ kia nói gì”. Ông mở quyển sách ở chỗ có mảnh giấy nhỏ đáng dấu trang, và bắt đầu đọc: “Chúng ta không phải thuộc về chúng ta như những của cải của chúng ta thuộc về chúng ta. Chúng ta không làm ra bản thân chúng ta, chúng ta không thể cao hơn bản thân chúng ta. Chúng ta không phải là chủ của bản thân chúng ta. Chúng ta là sở hữu của Chúa. Nhìn nhận vấn đề như thế chẳng phải là hạnh phúc của chúng ta sao? Coi chúng ta là của chính chúng ta thì có tí hạnh phúc hay thoải mái nào không? Những người trẻ tuổi và giàu có có thể nghĩ như thế. Những người ấy có thể nghĩ thật tuyệt vời nếu có tất cả – không phải phụ thuộc ai – như họ nghĩ theo cách của họ, không phải nghĩ về cái gì ngoài tầm mắt, đứng ngoài cái chán ngắt của liên tục nhận lỗi, liên tục cầu nguyện, liên tục xin ý kiến họ phải làm gì theo ý chí của người khác. Nhưng thời gian trôi đi, họ, giống như mọi người, sẽ thấy rằng tính độc lập không phải được làm ra cho con người – rằng đó là một trạng thái siêu nhiên – sẽ có tác dụng lúc nào đó, nhưng sẽ không đưa chúng ta đi đến tận cùng...” Mustapha Mond dừng lại, đặt quyển sách thứ nhất xuống và cầm quyển khác, lật trang. “Nghe cái này, chẳng hạn” – ông nói, và bằng một giọng trầm một lần nữa bắt đầu đọc – “Một người già đi, ông ta cảm thấy trong bản thân cái cảm giác gốc của yếu đuối, lơ đãng, khó chịu cùng đến với tuổi già; và, cảm thấy thế, tưởng tượng bản thân chỉ có ốm đau, tự vỗ về nỗi sợ của ông ta bằng cái quan niệm rằng đau khổ lo âu này là do một nguyên nhân cụ thể nào đó, từ đó, như từ một căn bệnh, ông ta hy vọng sẽ khỏi. Những tưởng tượng vô ích. Cái căn bệnh ấy là tuổi già, và nó là một căn bệnh khủng khiếp. Người ta nói rằng chính nỗi sợ chết, và sợ những gì đến sau cái chết, khiến con người càng già càng quay về với tôn giáo. Nhưng kinh nghiệm của riêng tôi đã cho tôi tin rằng, hoàn toàn tách khỏi những nỗi hoảng sợ và tưởng tượng ấy, tình cảm tôn giáo có xu hướng phát triển khi chúng ta già đi, phát triển bởi vì khi các dục vọng ngày càng lặng đi, khi tưởng tượng và sự nhạy cảm càng ít bị kích thích và không dễ kích động, thì lý trí của chúng ta sẽ bớt bị quấy rầy khi làm việc, ít bị những tưởng tượng, những dục vọng, những bối rối mà trước đây nó thường bị thu hút vào làm mờ tối đi; ngay khi đó Thượng đế xuất hiện như từ sau một đám mây; linh hồn chúng ta cảm thấy, nhìn thấy, hướng về cái nguồn của mọi ánh sáng; hướng về một cách tự nhiên và không cưỡng nổi, vì bây giờ là lúc tất cả những cái mang lại cho thế giới cảm giác sự sống và sức quyến rũ của nó, đã bắt đầu lọt khỏi chúng ta, bây giờ là lúc thế giới hiện tượng không còn được nâng đỡ bởi những cảm giác từ bên trong và từ bên ngoài, chúng ta cảm thấy cái nhu cầu dựa vào cái gì đó vĩnh cửu, một cái gì đó không bao giờ chơi xấu chúng ta, một thực tại, một chân lý tuyệt đối và vĩnh viễn. Vâng, chúng ta không tránh khỏi quay về Chúa; vì tình cảm tôn giáo này theo bản chất của nó thật thuần khiết, thật hân hoan đối với tâm hồn trải nghiệm nó, đến mức nó đền bù cho chúng ta tất cả những mất mát khác”. Mustapha Mond gập sách lại và ngả người ra ghế. “Một trong số những sự việc trên trời và dưới đất mà các triết gia này không mơ tới là thế này” (ông vẫy tay), “chúng ta, cái thế giới hiện đại này. Anh chỉ có thể độc lập với Thượng đế trong khi anh có tuổi trẻ và giàu có; độc lập không đưa anh an toàn tới cùng. À, bây giờ chúng ta có tuổi trẻ và giàu có đến tận cuối cùng. Suy ra điều gì? Rõ ràng là, chúng ta có thể độc lập với Thượng đế. Tình cảm tôn giáo sẽ đền bù cho tất cả những mất mát của chúng ta. Nhưng chúng ta chẳng có mất mát nào để đền bù, tình cảm tôn giáo là thừa. Và tại sao chúng ta lại phải đi tìm kiếm cái thay thế cho những ước muốn trẻ trung của chúng ta, khi những ước muốn trẻ trung không bao giờ thất bại? Một thứ thay thế cho những giải trí tiêu khiển, khi chúng ta tiếp tục thưởng thức tất cả những trò hề xuẩn ngốc cũ kĩ ấy đến cái cuối cùng? Chúng ta có nhu cầu nghỉ ngơi không khi cả trí óc lẫn thân thể chúng ta tiếp tục vui thú trong hoạt động? Có cần an ủi không, khi chúng ta có soma? Có cần một sự cố định không, khi chúng ta có trật tự xã hội?”
“Bởi vậy ngài nghĩ không có Thượng đế?”
“Không, Tôi nghĩ hoàn toàn có thể có một Thượng đế?”
“Vậy tại sao...”
Mustapha Mond ngăn anh lại. “Nhưng ngài thể hiện bản thân bằng những cách khác nhau trước những người khác nhau. Trong những thời kỳ tiền hiện đại, ngài hiện ra như những thực thể được mô tả trong những quyển sách này. Bây giờ...”
“Bây giờ ngài thể hiện bản thân như thế nào?”
“À, ngài thể hiện bản thân như thể một sự vắng mặt, như là không hề có ngài.”
“Đó là lỗi của ngài.”
“Hãy gọi đó là lỗi của nền văn minh. Thượng đế không tương hợp với máy móc và thuốc men khoa học, và hạnh phúc phổ biến. Anh phải lựa chọn. Nền văn minh của chúng ta đã chọn máy móc, thuốc và hạnh phúc. Đó là lý do tôi khóa những quyển sách này trong tủ. Chúng là bệnh truyền nhiễm. Nhân dân sẽ sốc nếu...”
Người Hoang dã ngắt lời ông – “Nhưng chẳng phải là tự nhiên khi cảm thấy có một Thượng đế sao?”. “Anh cũng có thể hỏi làm những cái quần có khóa kéo có phải điều tự nhiên không?” – ngài Kiểm soát nói một cách châm biếm. “Anh làm tôi nhớ đến một gã trong số những người cũ kĩ ấy tên là Bradley. Ông ta định nghĩa triết học là tìm ra lý do tồi cho những gì người ta tin bằng bản năng. Như thể người ta tin bất cứ cái gì bằng bản năng! Người ta tin những điều gì đó bởi vì người ta đã được đào luyện để tin chúng. Tìm lý do tồi cho những gì người ta tin vì những lý do tồi khác – đó là Triết học. Người ta tin Thượng đế bởi vì người ta đã được đào luyện để tin.”
“Nhưng dù sao” – người Hoang dã khăng khăng – “tin Thượng đế là việc tự nhiên khi ta ở một mình – hoàn toàn cô độc, trong đêm tối, nghĩ về cái chết...”
“Nhưng bây giờ nhân dân không bao giờ cô độc nữa” – Mustapha Mond nói – “Chúng ta làm cho họ ghét cô đơn, và chúng ta bố trí cho họ sống sao cho hầu như họ không thể bị cô độc”.
Người Hoang dã rầu rĩ gật đầu. Ở Malpais, anh đã đau khổ bởi vì người ta tách anh ra khỏi những hoạt động chung của bản, ở London văn minh này anh đau khổ vì không bao giờ anh thoát khỏi những hoạt động chung ấy, không bao giờ cô đơn một cách lặng lẽ.
“Ngài có nhớ cái mẩu này trong Vua Lear không?” – cuối cùng người Hoang dã nói. “Các vị thần thì công bằng và thú vui đồi bại của chúng ta đã tạo ra những phương tiện để gây họa cho chúng ta; bóng tối và những nơi đồi bại nơi người lấy đi đôi mắt của ông ta”, và Edmund trả lời – ngài có nhớ không, hắn bị thương, hắn đang hấp hối – “Ngươi đã nói đúng. Điều ấy là đúng. Bánh xe đã quay trọn vòng; ta đang ở đây. Bây giờ thì thế nào? Dường như không có Chúa để cai quản mọi sự, để trừng phạt, để ban thưởng?” 7
“Ừ, có không?” – đến lượt ngài Kiểm soát hỏi. “Anh có thể theo đuổi bao nhiêu thú vui đồi bại với một con bò cái vô sinh, và bỏ chạy mà không có nguy cơ bị nhân tình của con trai anh móc mắt. Bánh xe đã quay trọn vòng; ta đang ở đây. Nhưng ngày nay Edmund có thể ở đâu? Ngồi trong một chiếc ghế đệm hơi, vòng tay ôm eo một cô gái, mút kẹo cao su hormone tình dục, và xem những phim gợi tình Fili. Các vị thần thì công bằng. Nhất định rồi. Nhưng bộ luật của họ ban ra, như phương sách cuối cùng, bởi những người tổ chức xã hội. Thượng đế nhận dấu ra hiệu từ con người.”
“Ngài có chắc không?” – người Hoang dã hỏi – “Ngài có hoàn toàn chắc chắn Edmund trong chiếc ghế bành hơi đã không bị trừng trị nặng nề như Edmund mà vết thương chảy máu đến chết không? Các vị thần vốn công bằng. Họ đã không sử dụng những thú vui đồi bại như phương tiện để giáng cấp hắn sao?”
“Giáng cấp hắn từ vị trí nào? Là một công dân hạnh phúc, lao động cần cù, tiêu dùng tốt thì hắn là hoàn hảo. Tất nhiên, nếu anh chọn những tiêu chuẩn khác với chúng tôi, thì có thể nói hắn bị giáng cấp đấy. Nhưng anh đã phải gắn với một tập hợp những yêu cầu. Anh không thể chơi Golf Điện từ theo những quy tắc của trò chơi Bắt bóng Ly Tâm.”
“Nhưng giá trị không nằm ở ý chí cá biệt” 8 – người Hoang dã nói. “Nó nằm ở sự đánh giá và phẩm giá của hắn trong sự quý trọng bản thân cũng như trong phần thưởng.”
“Này, này, coi chừng đi quá xa đấy nhé” – Mustapha Mond phản đối.
“Nếu người ta cho phép bản thân nghĩ đến Thượng đế, thì người ta sẽ không cho phép bản thân thoái hóa bằng những trò vui đồi bại. Người ta đã có một lý do để chịu đựng mọi thứ một cách kiên nhẫn, để làm nhiều việc với lòng can đảm. Tôi đã thấy điều này ở người da đỏ.”
“Tôi biết. Nhưng chúng ta không phải là người da đỏ” – Mustapha Mond nói. “Một người văn minh không cần thiết phải chịu đựng bất cứ cái gì khó chịu một cách nghiêm trọng. Còn về việc thực hiện những công việc, lạy Ford, đừng để cho hắn nghĩ tới việc đó. Trật tự toàn xã hội sẽ rối loạn nếu con người được tự làm mọi việc theo ý mình.”
“Vậy còn sự hy sinh thì sao? Nếu có Thượng đế, người ta có lý do để hy sinh.”
“Nhưng nền văn minh công nghiệp chỉ có thể tồn tại khi không có sự hy sinh nào cả. Con người được phép sống buông thả đến những giới hạn do vệ sinh và kinh tế áp đặt. Nếu không, các bánh xe sẽ ngừng quay.”
“Người ta có lý do cho sự trinh bạch” – người Hoang dã nói đến đây hơi đỏ mặt.
“Nhưng trinh bạch có nghĩa là đam mê, trinh bạch có nghĩa là suy nhược thần kinh. Và đam mê và suy nhược thần kinh có nghĩa là mất ổn định. Và mất ổn định có nghĩa là nền văn minh chấm dứt. Ta không thể có một nền văn minh lâu dài có nếu không có nhiều trò vui đồi bại.”
“Nhưng Thượng đế là lý do cho mọi thứ cao cả, tuyệt mỹ và anh hùng. Nếu người ta có Chúa...”
“Anh bạn trẻ” – Mustapha Mond nói – “nền văn minh tuyệt đối không cần cái cao cả hoặc cái anh hùng. Những thứ ấy là biểu hiện sự thiếu hụt về chính trị. Trong một xã hội được tổ chức đúng như xã hội của chúng ta, không ai có bất kỳ cơ hội nào để là cao cả hoặc anh hùng. Tình hình xã hội phải cực kỳ mất ổn định mới nảy sinh cơ hội như thế. Nơi nào có chiến tranh, nơi nào lòng trung thành bị chia cắt, nơi nào những sự cám dỗ bị chống lại, những đối tượng của tình yêu bị tranh giành hoặc cần được bảo vệ – rõ ràng những nơi đó cái cao cả hoặc cái anh hùng có ý nghĩa. Nhưng ngày nay không có cuộc chiến tranh nào. Người ta hết sức cẩn thận đề phòng đề đừng ai yêu ai quá mức. Không có những chuyện như lòng trung thành bị chia cắt; anh được đào luyện để không thể không làm những việc anh nên làm. Và những việc anh nên làm toàn là những cái thật thú vị, đầy những thôi thúc tự nhiên và được phép chơi thoải mái, và thật sự không có bất kỳ cám dỗ nào phải cưỡng lại. Và nếu có, vào một dịp không may nào đó, một điều khó chịu nào đó xảy ra, thì luôn luôn có soma để giúp anh thoải mái thoát khỏi những điều khó chịu ấy. Và luôn luôn có soma để anh nguôi những cơn giận đữ. Để hòa giải anh với các kẻ thù của anh, để làm cho anh kiên nhẫn và chịu đựng lâu dài. Trong quá khứ, anh chỉ có thể thực hiện những điều ấy bằng một cố gắng rất lớn và sau nhiều năm được đào tạo nghiêm khắc về đạo đức. Bây giờ, anh uống hai hay ba viên nửa gram, và anh thấy đó. Bây giờ tất cả mọi người có thể là đức hạnh. Anh có thể mang một nửa đạo đức của anh đi khắp nơi trong một cái chai. Đạo Cơ Đốc không có nước mắt, đó là soma”.
“Nhưng nước mắt là cần thiết. Ngài không nhớ Othello nói gì sao?”
“Nếu sau mọi cơn bão tố đến những cảnh êm đềm thế này, thì gió có thể thổi đến khi đánh thức những người chết” 9. “Có một câu chuyện một ông già da đỏ thường kể cho chúng tôi, về Cô gái Mátaski. Các chàng trai trẻ muốn cưới cô phải cuốc đất một buổi sáng trong vườn nhà nàng. Nghe có vẻ dễ, nhưng có lũ ruồi và muỗi, những con ruồi muỗi thần. Phần lớn các chàng trai không thể chịu nổi bị cắn và đốt. Nhưng anh nào chịu được sẽ chiếm được cô gái.”
“Thú vị đấy” – ngài Kiểm soát nói. “Nhưng trong những nước văn minh, anh có thể có được cô gái mà không cần cuốc đất cho cô, và chẳng có ruồi muỗi nào cắn anh cả. Chúng ta đã thanh toán chúng từ nhiều thế kỷ rồi.”
Người Hoang dã gật đầu, cau mặt. “Các ngài đã thanh toán chúng. Vâng, đúng là kiểu của các ngài. Thanh toán tất cả những gì khó chịu, thay vì học cách thu xếp với chúng. Liệu có phải chịu đựng những cung tên của một vận mệnh khốc liệt, hay là chiến đấu chống lại cả một biển phiền não 10 … Nhưng các ngài không làm cách nào trong cả hai cách. Không chịu đựng, không chống lại. Các ngài chỉ vứt bỏ cung tên. Cách ấy quá dễ.”
Anh bỗng im lặng, nghĩ đến mẹ anh. Trong căn phòng của bà trên tầng ba mươi bảy, Linda bồng bềnh trôi nổi trên một biển những ngọn lửa ca hát và hương thơm vuốt ve – trôi đi, ra ngoài không gian và thời gian, ra ngoài ngục tù của những ký ức của bà, những thói quen của bà, tuổi tác của bà và thân hình phát phì của bà. Và Tomakin, Cựu Giám đốc Lò ấp và Đào luyện, Tomakin vẫn còn đang vui chơi, thoát ly khỏi nhục nhã và đau đớn, trong một thế giới mà ông ta không nghe thấy những lời đó, tiếng cười chế giễu đó, không nhìn thấy khuôn mặt gớm guốc đó, không cảm thấy những cánh tay ẩm ướt và mềm nhẽo đó quàng quanh cổ ông ta, trong một thế giới tươi đẹp...
“Cái mà ngài cần” – người Hoang dã nói tiếp – “là một cái gì đó có nước mắt cho một thay đổi. Ở đây không có gì đáng giá”.
(“Mười hai triệu đô la rưỡi”, Heny Foster đã phản đối khi người Hoang dã bảo y thế. “Mười hai triệu đô-la rưỡi, đó là giá trị của Trung tâm Đào luyện Mới. Không bớt một xu.”)
“Trình bày cái gì là nguy hiểm chết người và không chắc chắn cho tất cả cái cơ nghiệp này, cái chết và thách thức nguy hiểm, thậm chí cho một cái vỏ trứng. Trong đó có cái gì không nhỉ?” – anh ngẩng lên nhìn Mustapha Mond, hỏi – “Hoàn toàn tách khỏi Chúa – mặc dầu Chúa tất nhiên là một lý do cho nó. Có cái gì trong việc sống một cách nguy hiểm không?”
“Có rất nhiều trong đó” – ngài Kiểm soát trả lời – “Từng thời gian, đàn ông và đàn bà phải để cho tuyến thận của họ được kích thích”.
“Cái gì?” – người Hoang dã hỏi, không hiểu.
“Nó là một trong những điều kiện của sức khỏe hoàn hảo. Đó là lý do chúng tôi quy định những trị liệu G.Đ.M. là bắt buộc.”
“G.Đ.M.?”
“Giả Đam mê Mãnh liệt. Đều đặn mỗi tháng một lần. Chúng tôi làm tràn ngập toàn bộ hệ thống với Adrenaline 11. Nó hoàn toàn tương đương về mặt sinh lý học với sợ hãi và giận dữ. Tất cả những tác dụng bổ ích của việc giết Desdemona và bị giết bởi Othello, mà không có bất kỳ sự bất tiện nào cả” 12.
“Nhưng tôi thích những cái bất tiện.”
“Chúng tôi thì không” – ngài Kiểm soát nói – “Chúng tôi thích làm mọi việc một cách thoải mái”.
“Nhưng tôi không muốn thoải mái. Tôi muốn Thượng đế, tôi muốn thơ ca, tôi muốn nguy hiểm thật sự, tôi muốn tự do, tôi muốn lòng tốt. Tôi muốn tội lỗi.”
“Thật ra” – Mustapha Mond nói – “anh đang đòi quyền được bất hạnh”.
“Vậy thì được” – người Hoang dã nói giọng thách thức – “tôi đòi quyền được bất hạnh”.
“Chưa nói đến quyền già đi, xấu đi, yếu đi; quyền mắc bệnh giang mai và ung thư, quyền có quá ít đồ ăn, quyền có chấy rận, quyền thường xuyên sợ hãi điều gì xảy ra ngày mai; quyền mắc bệnh thương hàn, quyền bị hành hạ bởi những nỗi đau không thể nói nên lời đủ mọi kiểu.”
Im lặng một lúc lâu.
“Tôi đòi tất cả những quyền đó” – cuối cùng người Hoang dã nói.
Mustapha Mond nhún vai. “Xin cứ tự nhiên” – ông nói.
--------------------------------
1 Thomas à Kempis, The Imitation of Christ. (ND)
2 William James, The Varieties of Religious Experience. (ND)
3 William Shakespeare, Cuộc đời và cái Chết của Vua John. (ND)
4 John Henry Newman (1801 – 1890): Hồng y Giáo chủ, nhân vật quan trọng trong lịch sử tôn giáo Anh. (ND)
5 Maine de Biran (1766 – 1824): nhà triết học duy linh Pháp. (ND)
6 William Shakespeare, Hamlet. (ND)
7 William Shakespeare, Vua Lear. (ND)
8 William Shakespeare, Troilus và Cressida. (ND)
9 William Shakespeare, Othello. (ND)
10 William Shakespeare, Hamlet. (ND)
11 Adrenaline: là một loại hormone được tạo ra bởi cơ thể người khi sợ hãi, tức giận hay thích thú. Nó làm nhịp tim nhanh hơn và cơ thể chuẩn bị cho những phản ứng chống lại nguy hiểm. (BT)
12 William Shakespeare, Othello. (ND)