Worrying does not empty tomorrow of its troubles. It empties today of its strength.

Corrie Ten Boom

 
 
 
 
 
Tác giả: Duyên Anh
Thể loại: Tuổi Học Trò
Upload bìa: Quoc Tuan Tran
Số chương: 27
Phí download: 4 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 2986 / 66
Cập nhật: 2016-10-05 22:29:26 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 18/27
hầy toán trả bài thi đệ nhất lục cá nguyệt. Thầy nói:
- Anh Tùng năm nay tiến bộ. Anh Chương có vẻ chểnh mảng, bài vở làm cẩu thả. Nếu anh ỷ tài anh sẽ trượt. Chị Phượng là học trò mới lại rất xuất sắc.
Thầy không hiểu gì về Tùng. Thầy không hiểu gì về tôi. Thầy không hiểu gì về Phượng. Chỉ một mình Phượng hiểu tôi. Phượng quay xuống:
- Trả anh "ngôi vị" xuất sắc nhé!
- Tôi tặng Phượng.
- Không tiếc chứ?
- Ðã cho thì không tiếc.
Tôi không ngờ mình nói được một câu bao phủ đầy ý nghĩa. Hình như tôi đã tác điệu. Hình như khi một cậu trai biết yêu là cậu ta hết hồn nhiên, tuy vẫn ngô nghê. Tác điệu càng ngô nghê, ngớ ngẩn. Ðôi mắt Phượng tròn xoe. Tôi thấy tôi trong đôi mắt nàng. Tôi thấy tôi hết buồn phiền, lo lắng, sợ hãi. Tôi thấy tôi sung sướng, vui vẻ. Tôi thấy ngôi trường thi bên Nam Ðịnh quyến rũ vô cùng. Tôi nghe tên tôi được gọi vào vấn đáp. Tôi nghe tên tôi đậu bình thứ. (Cứ trung bình, mọi việc sẽ tốt đẹp). Tôi thấy tôi ngồi trên chuyến xe hàng lên Hà Nội trọ học. Tôi thấy Phượng rủ tôi lên Cổ Ngư ăn bánh tôm. Tôi nuốt gọn Hà Nội một miếng. Tôi nhìn rõ cả tôi lẫn mộng mơ của tôi trong đôi mắt Phượng.
- Anh Chương!
- Dạ.
- Anh hay quên quá.
- Hở?
Phượng cười:
- Anh lơ đãng như thi sĩ.
Tôi nói:
- Không chừng tôi sẽ làm thơ.
Phượng hỏi:
- Anh đã cho ai bao giờ chưa?
Tôi mím môi giây lát rồi đáp:
- Chưa.
Phượng lặng thinh và quay lên. Thầy tiếp tục khen người này, chê người nọ, khuyến khích người kia. Phượng hí hoáy viết và đưa cho tôi mẩu giấy: "Phượng muốn xin anh một thứ, được không"? Tôi viết trả lời ngay: "Nếu tôi có bất cứ cái gì, tôi sẽ cho Phượng hết, không tiếc, tôi thề tôi không tiếc ". Tôi ném mẩu giấy lên bàn Phượng. Ðọc xong, Phượng quay xuống:
- Anh giữ lời hứa đấy nhé! Ăn Tết xong Phượng sẽ nói Phượng sẽ xin anh thứ gì.
Tôi không biết Phượng muốn xin tôi thứ gì. Tôi bỗng ghét tháng giêng, muốn nó đi nhanh. Tôi lại vội vàng. Mới mong tháng giêng chôn chân một chỗ, mới đòi đốt cháy đôi cánh thời gian đã đổi ý liền. Một ngày mấy lần đổi ý. Chưa bao giờ tôi mong Tết như bây giờ. Khi tôi mong đợi thì thời gian nó ì ra. Nói ngủ gật. Nó quên đi. Nó chán đi. Mắng nó, đuổi nó, nguyền rủa nó, nó nhe răng cười. Tôi đành chịu thua. Những môn thi khác tôi được trên điểm trung bình. Tôi không phàn nàn. Một mình Phượng hiểu tôi vẫn xuất sắc là thừa. Hoàng tử của lòng em, của riêng em. Hoàng tử đâu phải của... nhiều em. Tháng giêng dương lịch đi chậm thi với tháng chạp âm lịch. Với học trò, tháng giêng là tháng dưỡng sức. Ðệ nhất lục cá nguyệt đã thi xong xuôi. Sang tháng hai, qua ít ngày nghỉ Tết Nguyên Ðán, học trò đệ tứ tha hồ đánh vật cùng bài vở. Mảnh bằng trung học phổ thông cũng vẻ vang lắm, đùa sao! Lớp tôi lãnh nhiệm vụ tổ chứa buổi liên hoan tất niên toàn trường và xuất bản một tờ bích báo. Tùng được bầu làm trưởng ban nhạc, kịch. Tôi làm trưởng ban bích báo.
Tùng xách đàn đến trường. Anh ta vào cách lớp tuyển chọn giọng ca. Cách cô nữ sinh đệ ngũ phục Tùng sát đất. Giờ ra chơi, lợi dụng chức trưởng ban nhạc, kịch, Tùng ngồi trên bàn, tay búng đàn, miệng hát một khúc nhạc Em Tôi của Lê Trạch Lựu.
Em tôi ưa đứng
Nhìn trời đăm đăm
Mang theo đôi mắt
Vu vơ đắm đuối
Theo ngàn áng mây
Bao đêm thầm đếm trên tròi đầy sao sáng...
Tiếng đàn của Tùng thật hay. Anh ta chơi đàn nổi tiếng ở thị xã. Tôi biết Tùng hát cho ai nghe. Và tôi thấy gai gai tâm hồn. Những lần Tùng đàn hát trong lớp, Phượng thường quay xuống nói chuyện với tôi. Nàng đùa: " Anh mất bài tủ rồi ". Tôi nói: " Tôi sẽ hát bài khác tặng Phượng ". Tôi ngó Tùng và đọc rõ nỗi buồn trên khuôn mặt... nghệ sĩ của anh. Bài vở các lớp gửi về đăng bích báo rất ít. Lớp đệ tứ phải viết gần như trọn hai trang báo. Tôi có ba người phụ tá để viết và vẽ. Tôi chỉ chọn bài. Và tôi đã choáng váng khi đọc những bài thơ tỏ tình yêu với Phượng. Ðây là bài thơ của Tùng gửi đăng:
BỐN CÂU PHƯỢNG VĨ
Ta yêu lắm phượng hồng trên áo trắng
Khi đơn sơ môi phượng đắn đo cười
Nhìn lá biếc phượng thêu chùm đỏ thắm
Nghe trong hồn công chúa phượng lên ngôi
Bốn câu thơ của Tùng tán dương Phượng quá. Phượng là công chúa. Công chúa của Tùng. Không hiểu tôi có đủ tài làm bài thơ ca ngợi Phượng hơn Tùng không. Tôi đâm ra bối rối. Tôi muốn từ chức trưởng ban bích báo để khỏi phải tự cầm kim đâm vào tim mình. Và đây, bài thơ ký bút hiệu Ái Phượng (Yêu Phượng đây mà, yêu nặng):
PHƯỢNG NỞ MÙA XUÂN
Em ở phương trời xa tới đây
Ði cùng thu với gió heo may
Từ em chung chọc tình ta bỗng
Bay thật cao vời theo sắc mây
Ðây khoảng đời buồn riêng của ta
Bốn mùa thiếu vắng tiếng chim ca
Bốn mùa không một cành hoa nở
Nghe dậy tâm hồn những xót xa
Em đến bảng đen cũng động lòng
Ghế bàn nghe chuyển mạch mung lung
Hoa vườn ta nở chim đua hót
Ta thấy gần ta bao nhớ nhung
Phượng vĩ là em đấy biết chưa
Loài hoa của tình ái đong đưa
Chẳng chờ hè tới cho vàng mộng
Nở rợp hồn ta thắm ước mơ
Thi sĩ Ái Phượng tỏ tình thiết tha gấp mười lần thi sĩ Văn Tùng. Tôi chắc thi sĩ Ái Phượng đã từng lén bỏ thư vào ngăn bàn của Phượng. Phượng bảo tôi đã có trên mười cậu học trò viết thư tình cho nàng. Những bức thư tình lén bỏ vào ngăn bàn học của Phượng không làm tôi khổ sở nữa. Tôi đã là kẻ chiến thắng, kẻ chiến thắng có lòng. Nhưng mà những bài thơ tỏ tình với Phượng tôi đang chọn đăng báo nguy hiểm lắm. Thơ dễ gây xúc động. Những mười mấy bài thơ ca ngợi Phượng, ngỏ lời yêu Phượng thì tôi chống đỡ sao nổi. Thi sĩ Ái Phượng và mười sáu câu thơ của anh ta làm tôi tối tăm mặt mũi. Bài thơ dưới đây mới là trái đấm nghìn cân:
CON CHIM XANH TÌNH ÁI
Em rụt rè tháng chín
Từ tháng chín tới nay
Tâm hồn anh gói kín
Yêu em em có hay
Em hồn nhiên tháng mười
Anh ngại ngùng dò hỏi
Phải em gửi nụ cười
Cho tình anh trôi nổi
Em đơn sơ tháng một
Anh chiêm bao tình cờ
Em làm sao biết được
Trời trong anh ngẩn ngơ
Em tuyệt vời tháng chạp
Nhìn em anh ngại ngùng
Mùa xuân nào chim hót
Mùa xuân anh nhớ nhung
Con chim xanh tình ái
Bây giờ đã tháng giêng
Một mình anh mòn mỏi
Ði trên nỗi ưu phiền
Thi sĩ tác giả bài thơ này ký bút hiệu Hoài Phượng. Trên đầu bài thơ, nhà thi sĩ "khốn nạn" của tôi đề tặng một câu bồng bế: "Tặng một chùm phượng đỏ duy nhất trên cây phượng vĩ giữa sân trường của tôi"! Phượng đỏ là Hồng Phượng. Thi sĩ Hoài Phượng làm thơ tặng Hồng Phượng, diễn tả mối tình thơ mộng của chàng từ tháng chín. Từ tháng chín, bao nhiêu anh học trò đệ tứ đã yêu thầm nhớ trộm Phượng. Yêu Phượng bao nhiêu người hút thuốc lá. Yêu Phượng bao nhiêu người làm thơ. Toàn những bài thơ, đọc xong, tôi choáng váng. Nếu tôi là Phượng chắc tôi sẽ xúc động tận đáy linh hồn. Và nghĩ thế, tôi tối tăm mặt mũi. Nhưng tôi tin Phượng yêu tôi. (Thật ngớ ngẩn, người ta đã tặng anh một bức tượng như Lục Vân Tiên tặng tượng Kiều Nguyệt Nga hay cắt mớ tóc gửi anh làm tin như Thúy Kiều gửi Kim Trọng đâu mà anh chắc người ta đã yêu anh. Anh nhận vơ. Yêu là nhận vơ đó.) Phượng sẽ cho tôi biết cảm tưởng về những bài thơ "tán" nàng. Chắc chắn, Phượng sẽ thản nhiên. Tôi chỉ muốn vậy. Và mong rằng Phượng khen ngợi những bài thơ đã làm tôi bàng hoàng.
Lớp tôi, nhờ Phượng, sẽ đóng góp cho văn học sử hàng chục thi sĩ lừng danh. Thơ của Ái Phượng, Hoài Phượng hay hơn thơ của Nguyễn Công Trứ, Nguyễn Bỉnh Khiêm. Nó thật quá, gần gũi với tôi quá. Nó còn học trò. Mai sau nó sẽ điêu luyện, nó sẽ làm mờ Huy Cận, Xuân Diệu... Hỡi thi sĩ của lớp tôi, các bạn hãy thất tình, hãy trốn học, hãy trượt thi để thành thi sĩ trú danh. Bởi vì, tất cả thi sĩ trú danh đều đã làm tho ở lớp học vì người con gái. Vì tình yêu. Cách bạn hãy nổi tiếng, hãy vào Nam ra Bắc. Xin cách bạn đừng cướp mất Phượng của tôi bằng những bài thơ óng ả của các bạn. Thi sĩ làm cho mọi người yêu nhau. Thi sĩ tạo hạnh phúc cho người khác. Cách thi sĩ học trò của tôi nhớ giùm tôi điều ấy. Dù sao, tôi sẽ thức khuya vài đêm để làm một bài thơ thi đua với thi sĩ Ái Phượng, Hoài Phượng, Văn Tùng...
Và đây là bài thơ của tôi, bài... "chiến thơ" như bài "Chiến tụng Tây hồ phú" của Phạm Thái:
TƯƠNG TƯ THẢO
Nàng cho tôi giúm tương tư thảo
Và dặn mỗi chiều xuống nhớ nhung
Ðốt cỏ tương tư bằng lửa ảo
Hồn bay theo khói đẹp vô cùng
Lúc đấy đôi lòng đi dạo chơi
Qua đường nắng chiếu lối trăng soi
Ðây dòng sông mộng con thuyền lướt
Tình ngỡ đang nằm trong chiếc nôi
Chín vạn hương thơm tỏa ngạt ngào
Quanh tôi đầy rẫy những chiêm bao
Với tay hái một chùm hoa phượng
Chua đủ vì chưng vẫn khát khao
Ngẩn ngơ đứng giữa khung trời lạ
Tôi lạc vào rừng mơ rất mơ
Ngủ trọn màn cây chăn xác lá
Thấy mình khác hẳn tháng năm xưa
Ðó lúc hồn tôi theo khói bay
Lên cao hồn cũng hóa làm mây
Thành mưa rơi xuống nhòa thương nhớ
Thấy dựa vai nàng tay kiếm tay
Tôi so sánh bài thơ của tôi với các thi sĩ Văn Tùng, Ái Phượng, Hoài Phượng thì cảm thấy mình ăn đứt về "nội dung". Nội dung Tương tư thảo là nội dung của tình yêu đã nắm trong tay. Khi cách bạn tôi mới yêu Phượng trên áo trắng như Văn Tùng, anh yêu Phượng đấy, em biết chưa như Ái Phượng, chưa ngỏ lời yêu đã ngỡ thất tình như Hoài Phượng thì tôi đã dựa vai nàng, đã đi dạo chơi với nàng, đã hái trái mộng, hoa mơ, đã được nàng bỏ bùa tình yêu tức là tặng một giúm tương tư thảo. Ðọc bài Tương tư thảo, Phượng sẽ nhớ câu dặn tôi: "Hút một điếu thuốc lá mỗi ngày lúc nhớ tới một người". Tôi vững lòng rồi. Tôi chấp tất cả. Bài thơ của tôi ký bút hiệu... Tây. Tôi bắt chước J. Leiba, thi sĩ có mấy câu thơ đợi thư người tình rất thú vị:
Thư bạn tôi không có sáng nay
Người phát thư vừa qua khỏi cửa
Lòng tôi như dại lại như ngây
Và bút hiệu của tôi là Mille Chapitres. Nhưng Mille Chapitres độc giã dễ đóan quá. Tôi viết tắt Mille vậy: M. Chapitres, ngàn chương, Thiên Chương. Thiên Chương đâu phải nghìn chương, Thiên Chương và văn chương trên trời, là tinh tú cơ mà! Kệ, M. Chapitres cũng cứ chu rồi. Tôi cho trình bầy Tương tư thảo ở giữa tờ bích báo. Khung thơ tôi màu đỏ viết chữ đen nổi bật. Chợt nhớ có hôm Phượng bảo tôi gửi đăng báo bài huyền thoại ô mai, tôi bèn đăng luôn trên bích báo, ký tên Hồng Phượng. Bích báo hoàn thành, chẳng có vẻ gì gọi là tết học trò cả. Tự nhiên bích báo mang chủ đề Phượng. Thơ Phượng, văn Phượng và toàn ký tên Phượng: Ái Phượng, Hoài Phượng, Hồng Phượng, Loan Phượng, Mơ Phượng, Diễm Phượng..., trừ bút hiệu bí hiểm M. Chapitres! Hôm bích báo Xuân Hồng dán ở cửa lớp đệ tứ, độc giả chen nhau đọc như chen nhau mua vé vào xem xiếc Tạ Duy Hiển ngày xưa. Nhiều anh rút sổ tay chép hết những bài thơ tình bồng bề. Ðộc giả làm những cuộc phê tình tại chỗ. Bài thơ nào hay. Bài thơ nào lãng mạn. Mọi người đều thắc mắc M. Chapitres ảnh hưởng Xuân Diệu nặng nề. Một độc giả ra cái điều sành điệu thi ca, ngâm váng:
Bữa trước riêng hai dưới nắng đào
Nhìn cô tôi muối hỏi vì sao
Khi tôi đến kiếm trên môi đẹp
Một thoáng cười yêu thỏa khát khao
Muôn vạn hương thơm tỏa ngạt ngào
Quanh tôi đầy rẫy những chiêm bao
Với tay hái một chùm hoa phượng
Chưa đủ vì chưng vẫn khát khao
Và bình:
- Xuân Diệu khát khao, M. Chapitres cũng khát khao. Chín vạn hương thơm là mượn chữ Nguyễn Bính. Giờ đây chín vạn hương trời nở, Duy có tình ta khép lại thôi.
Vị độc giả đang bình bài thơ của thi sĩ M. Chapitres quả là tay sành điệu. Thì ra, hầu hết học trò vừa lớn đều chiêm ngưỡng các thi sĩ của tình yêu. Trong khi quý vị độc giả của bích báo Xuân Hồng say sưa thưởng ngoạn, say sưa cãi nhau thì tôi ngồi trong lớp với Phượng. Nàng hỏi:
- Anh có vui không?
- Vui gì?
- Người ta đang bàn tán về tờ bích báo của anh đó.
- Tôi hồi hộp.
- Chắc anh chờ một lời khen chê của ai?
- Vâng.
- Của ai đấy?
- Phượng!
Nàng đan hai bàn tay vào nhau. Tôi muốn bàn tay trái của nàng là tôi. Còn bàn tay phải của nàng chính là nàng.
- Lát tan học, Phượng sẽ làm độc giả muộn màng.
Tôi nói:
- Hy vọng bích báo của học trò đồng chua nước mặng sẽ không kém bích báo của học trò Hà Nội.
- Phượng đã nghe độc giả đòi biết thi sĩ M. Chapitres là ai. Nếu hỏi Phượng, Phượng cho họ biết liền.
Phượng nhìn tôi:
- Không ai nghĩ anh làm thơ đâu nên họ không hiểu M là gì.
Tôi hơi ngượng:
- Bài thơ ảnh hưởng Xuân Diệu quá.
Phượng cười:
- Chưa chắc đâu. Tại sao anh không nghĩ vị độc giã nọ ghen tài với anh?
Tôi lặng thinh. Một lát, tôi lảng sang chuyện - câu chuyện đang làm tôi sung sướng - buổi văn nghệ tất nhiên:
- Tôi đã tập xong một bài hát mới.
- Ðể hát tặng Phượng?
- Vâng.
- Năm ngoái anh hát tặng ai?
- Không tặng ai cả.
- Anh chọn bài gì?
- Bí mật. Tôi sợ nói trước lại bị mất "tủ".
Hai chúng tôi cười vui. Tôi chỉ còn nghe loáng thoáng tiếng khen chê bên ngoài lớp học. Trong những tiếng đó, tôi đã mơ hồ thấy một tràng vỗ tay trước nhất và sau nhất của Phượng cho một bài hát, một người hát. Người đó có thể là hoàng tử của lòng em chăng?
Phượng Vĩ Phượng Vĩ - Duyên Anh Phượng Vĩ