What holy cities are to nomadic tribes - a symbol of race and a bond of union - great books are to the wandering souls of men: they are the Meccas of the mind.

G.E. Woodberry

 
 
 
 
 
Tác giả: Eloisa James
Thể loại: Tiểu Thuyết
Biên tập: Quoc Tuan Tran
Upload bìa: Ngô Quang Hoàng
Số chương: 32
Phí download: 5 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 2709 / 17
Cập nhật: 2016-07-13 10:12:07 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 17
aris, 1814-1815. Trong vòng một tháng sau khi gia nhập xã hội Paris, Nữ Bá tước Islay được xem là một phụ nữ Anh “thú vị” sau vài tháng ngắn ngủi, cô được xem là một phụ nữ Pháp. Không có ai nhắc đến cô với những từ ngữ nhạt nhẽo như xấu xí hay thậm chí là xinh đẹp – cô mê hồn và hơn tất cả là thanh lịch.
Ai cũng biết rằng Nữ Công tước d’Angoulême – cháu gái của vua Louis XVIII, đã hỏi ý kiến của Phu nhân Islay khi thắc mắc về quạt và những phụ kiện kèm theo. Sau rốt thì, mũ, găng tay, giày, và ví là những nhân tố quan trọng nhất của một bộ cánh thật sự thanh lịch. Người Paris há hốc miệng khi Theo phối màu nâu với màu đen… và rồi còn sốc hơn khi cô mặc một váy dạ hội bằng lụa gân màu đen được đính thạch anh, và sau đó, đồ cưỡi ngựa màu tím với găng tay màu xanh lá cây nhạt. Họ há hốc miệng… và vội vã bắt chước.
Điều người Pháp thích nhất là những luật lệ trào phúng của Theo. Chúng được gom góp như đá quý, và đến cả cô gái nghèo khổ nhất cũng xé ren ra khỏi bộ đồ đi dạo ngày Chủ nhật khi có tin Theo từng nhận xét rằng, “Mặc đồ ren để được rửa tội. Cả đời.” Khắp nơi đều sôi lên khi có người nói cô từng tuyên bố rằng thận trọng đồng nghĩa với khôn ngoan. Đến khi mọi người luận ra rằng cô không bình luận về thời trang mà nói đến sự ngưỡng mộ công khai có chủ ý của Hầu tước Maubes với người vợ thứ ba của cha mình, phần lớn người Paris đã đưa ra kết luận rằng một phụ nữ “thận trọng” sẽ không đeo trang sức đầy người. Trên thực tế, nữ công tước đã từng nhân xét về một phu nhân hết sức phô trương rằng “cô ta đeo nhiều cara đến mức trông như một vườn rau.”
Người ta chú ý đến lời nói của Theo đến mức cô được đại biểu của ba nhà bán kim cương đến nhờ trợ giúp. Ngay tối hôm đó, Phu nhân Islay xuất hiện ở vũ hội, đeo một chiếc vòng không ít hơn tám dây kim cương, được nối với nhau bởi một mặt kim cương hình giọt lộng lẫy, và hờ hững nhận xét rằng cô nghĩ về đêm, phụ nữ nên cạnh tranh với dải Ngân Hà[1]: Chúng ta cho trẻ con uống sữa, nhưng các phu nhân thì sao? Những viên kim cương. [1. Trong tiếng Anh, dải Ngân Hà được gọi là Milky Way, dịch nghĩa đen là con đường sữa.]
Đến năm Theo hai mươi ba tuổi, chồng cô mất tích gần sáu năm, và không một thám tử Bow Street nào – dù có vài người chưa trở lại Luân Đôn – có tin tức của anh. Cô luôn bảo với mọi người mỗi khi được nói rằng chồng cô đã bị lạc, nghe như thể người ta để lạc một ngọn đèn chùm ghê tởm do bà cố trao tặng. Nhưng trong thâm tâm, cô không cảm thấy lãnh đạm như vậy. Im lặng không giống James. Hay giống nhỉ? Anh có tính khí nóng nảy nhất trong số những người cô biết, có lẽ chỉ kém mỗi người cha đã mất của anh. Giận dữ với cô… hoặc với chính mình… có thể khiến anh tới sống ở một đất nước xa lạ mà không thèm nghĩ tới cuộc đời cũ. Nhưng anh sẽ nghĩ ngợi lâu thế này sao? Anh không muốn về nhà và giải quyết với cô sao?
Trừ phi anh đã có một cuộc sống khác, một người vợ khác, ở một vùng đất khác… có lẽ anh thậm chí còn mang một cái tên khác. Nó là một suy nghĩ không dễ chịu nhưng còn đỡ hơn những gì mà Cecil Pinkler-Ryburn - người sẽ được kế vị chức công tước - vẫn tin. Người thừa kế của chồng cô và vợ anh ta - Claribel - đã xuất hiện ở Paris vài tháng sau Theo, đi theo một dòng người thời thượng từ Luân Đôn tiến vào lục địa, dù Claribel thể hiện bản năng người mẹ không mấy hợp thời và thích ở nhà với con cái. Cecil đã trở thành một trong những vị khách thường xuyên nhất của Theo, và cả hai đều phát hiện ra rằng (trước sự ngạc nhiên của Theo) họ rất thích kết bạn với Theo.
Nhưng Cecil tin chắc rằng nếu James còn sống, anh đã quay lại Luân Đôn ngay khi biết tin mình là công tước, theo logic của Cecil, vì James không quay lại, anh hẳn đã chết. Theo cố gắng không nghĩ về điều đó. Cô đang có một quãng thời gian tuyệt vời ở Pháp, tìm kiếm những mảnh vải cổ và gửi chúng về chỗ nhà máy dệt, chớp lấy các mẫu đồ sứ Hy Lạp ở mọi nơi có thể và gửi chúng về nhà máy sứ Ashbrook, cô còn được tiếp đãi ở triều đình Pháp. Vậy nhưng sự thật đáng buồn là sau mỗi thành công, cô đều thoáng tự hỏi James đang nghĩ gì.
Dường như cô biến James thành khán giả thầm lặng của mình. Thời gian trôi đi, cô dần quên về những khía cạnh khó chịu trong cuộc hôn nhân của họ, chỉ nhớ lại anh từng là người bạn thân thiết, anh đã khuyến khích cô thế nào khi cô ra mắt như một kẻ ngoài rìa với tình yêu vô vọng dành cho Geoffrey Trevelyan. Giờ bạn thân nhất của cô là Cecil, dù anh ta không hề giống James cả về tính cách lẫn vóc dáng. Anh ta đã trở nên khá mập mạp, đặc biệt ở chỗ từng là vòng eo. Anh ta quan tâm nhiều đến cá bơn rưới nước sốt rượu vang hơn là chiều cao của cổ áo, và anh ta hết sức tận tâm với đam mê mới của mình.
Anh ta đã bỏ đi phong cách thời trang màu mè đặc trưng hồi trẻ, dù chưa dứt hẳn – ngày nay, anh ta thường xuyên mặc lụa Ryburn. Đặc biệt, Cecil có lợi thế nhờ vào chiếc cà vạt sặc sỡ - một trào lưu mới ở Paris – vì nó thu hút sự chú ý khỏi cái cằm thứ hai của anh. “Đó là một chiếc cà vạt mới à?” Theo đang hỏi khi uống trà cùng anh ta.
“Đúng vậy,” anh ta nói, nụ cười làm đậm thêm nếp nhăn do cười quanh khóe mắt, “Người hầu của tôi không thích kết hợp cà vạt hồng với áo khoác tím, nhưng tôi đã lấy cô làm ví dụ và anh ta đầu hàng. Tôi phải nói rằng thật tuyệt vời khi thấy một người Pháp tán thành thẩm mỹ của một phụ nữ Anh. Tôi sẽ không bao giờ trị được anh ta mà không dựa vào cô.” Theo rót cho anh ta một tách trà nữa. “Tôi rất biết ơn việc anh không thúc ép tôi có quyết định chính thức về tước vị công tước.”
“Chúa biết rõ là tôi không muốn tước vị,” Cecil nhún vai nói. Và anh ta nói thật lòng. Anh ta lười biếng một cách vui vẻ và khiếp hãi trước những trách nhiệm đối với điền trang đi kèm tước vị. “Điều duy nhất tôi thấy hơi hơi thú vị khi trở thành công tước là nếu một người trong giới quý tộc giết người và chúng tôi được xử án. Nhưng thành thật mà nói, điều đó quá hiếm gặp.” “Anh chàng khát máu,” Theo nói một cách trìu mến.
“Tôi thừa tiền rồi. Cha vợ tôi mới là người mê mẩn viễn cảnh đó.” “Chúng ta không thể tuyên bố James đã chết,” Theo nói vội vã, “mà không cố gắng tìm anh ấy lần nữa. Tôi đang nghĩ mình nên trở lại Anh quốc và xem xem điều gì đã xảy ra với những thám tử Bow Street mà tôi đã gửi đi. Có lẽ là sau Giáng sinh, kịp mùa vũ hội. Tôi không thể ở lại Paris mãi được.”
Cecil hắng giọng, “Cách đây hai năm cha vợ tôi cũng đã thuê một thám tử.” “Anh ta không tìm được gì à?”
“Tôi thấy không việc gì phải kể cho cô trừ phi chúng ta tìm được James. Có luật mà, cô biết đấy… công tước phải mất tích bảy năm.” “Tháng sáu sang năm là bảy năm,” Theo nói, cau có nhìn xuống tách trà. “Người của anh có tới Ấn Độ không? Tôi nhớ James vẫn nói về đất nước đó.”
“Tôi sẽ hỏi xem,” Cecil nói, nhấc người khỏi ghế. ~*~
Mùa Giáng sinh năm 1814 hết sức đáng yêu, cả thành phố khiêu vũ, chỉ người Paris mới có thể làm vậy, nhưng Theo ngày càng nhận thức được nỗi sợ hãi ảm đạm trong tim mình. Liệu có thật là có điều gì đó khủng khiếp đã xảy ra với James không? Thật kinh khủng nếu cô bắt anh rời Anh quốc và anh đã chết nơi đất khách. Hay tệ hơn, trên một con tàu đắm. Cô thường tỉnh dậy giữa đêm, không thể ngủ nổi khi tưởng tượng tàu Percival gặp bão, tiếng kêu cuối cùng của James khi anh chìm vào biển khơi. Cô sẽ gạt hình ảnh đó đi, ngủ lại… rồi tỉnh dậy khi nhận ra James đã chết và đó là lý do anh không bao giờ liên lạc với cha mình.
Thật rối loạn khi phát hiện ra cô quan tâm đến người chồng mất tích và không mấy thành thật của mình. Một sáng cô cũng tỉnh dậy và nhận ra mình đã chán cảm giác tội lỗi, đau đớn, khao khát khó chịu cứ bám dính lấy mình rồi.
“Anh ấy đã chết,” cô tự bảo mình, cố nói to câu đó trong không khí sớm mai lạnh giá. Nó là một ý nghĩ đau đớn, nhưng mạnh mẽ. Sáu năm, gần bảy năm, là một quãng thời gian dài, và họ chỉ cưới nhau có hai ngày. Cô nhớ người bạn thủa ấu thơ hơn hẳn người chồng ngắn ngủi của mình. Cô gọi Cecil đến nhà. Cả hai đều định trở về Anh quốc trong tháng Hai.
“Chúng ta sẽ đợi thêm một năm nữa,” cô bảo anh ta, “Đến lúc ấy, chúng ta sẽ làm bất kỳ việc gì cần thiết để chuyển giao tước vị cho anh.” “Và rồi cô phải tái hôn,” Cecil nói, “Claribel và tôi đều hi vọng được thấy cô có một cuộc hôn nhân hạnh phúc.”
Phải cưới mẫu đàn ông nào đây? Đó là một câu hỏi thật sự. Cô liên tục đưa ra một danh sách phẩm chất hệt nhau. Cô thích một người đàn ông có giọng hát hay, vì cô chưa bao giờ quên được cảnh James hát cho mình dưới bình mình, sau khi họ làm tình cả đêm dài.
Cô muốn một người có đôi mắt xanh dương. Cô muốn anh ta có nụ cười cởi mở, hài hước, và cực kỳ tốt bụng. Chẳng cần thông minh lắm cũng biết rằng tổng hợp những yêu cầu của cô đều dẫn tới một người đàn ông đang vắng mặt và gần như chắc chắn đã chết. Nên cô cố gắng gấp đôi để thuyết phục bản thân về sự bội bạc của James. Cô có thật sự muốn quay lại với người đàn ông đã cưới cô theo lệnh của cha anh không?
Câu trả lời thật đáng phiền muộn là Có. Miễn là anh làm tình với cô rồi sau đó hát cho cô nghe.
Nữ Công Tước Xấu Xí Nữ Công Tước Xấu Xí - Eloisa James Nữ Công Tước Xấu Xí