Số lần đọc/download: 7950 / 111
Cập nhật: 0001-01-01 07:06:40 +0706
Kiêu ngạo hão
C
ó một số người như bị mắc cái bệnh làm cao, hễ cứ nói đến nước Mỹ thì lại lên mặt sổ toẹt: " Văn hóa của nước Mỹ nông choẹt! " (Có người lại cho là loại văn hóa " chẳng có nền tảng gì! "; người thì cho là " không có chiều sâu! "; đại khái là một thứ lăng nhăng không ra gì).
Văn hóa nước Mỹ có thật nông cạn không ? Đó lại là một vấn đề khác. Nhưng cứ giả sử cho là nó nông cạn đi thì chúng ta lại càng phải thấy xấu hổ, thay vì lên mặt. Chẳng khác nào chuyện một anh chàng dòng dõi thư hương bị phá sản, áo quần rách rưới, ngồi xổm trong một ngôi miếu đổ, sống nhờ vào cơm thừa canh cặn mà còn gào lên: " Ông nội tao làm đến tể tướng! Còn bố nó bất quá chỉ là một tên đào cống mà thôi ! ".
Không những không biết tự lấy làm hổ thẹn vì sao mình lại bần cùng đến thế, lại còn dương dương đắc ý về chuyện đối phương xuất thân bần tiện.
Cái câu này đáng lẽ phải để cho người khác nói về chúng ta mới đúng. Nhưng nếu có người nói như vậy chắc chắn sẽ không khỏi xảy ra một vụ đấu khẩu kịch liệt. Khi tuyên bố không khống như thế thì rõ ràng cái kiêu ngạo kia đã che lấp hết sự sáng suốt của mình rồi.
Kiêu ngạo hão chỉ là một thứ tự mãn làm cho hoa mắt - Tự mình say sưa, tự mình ý dâm, trùm chăn lên đầu rồi nghĩ ngợi bậy bạ.
Ông Khổng Khâu thuở xưa đã phí công tìm ra bao nhiêu thứ " tích cổ " cho người sau lấy đó làm gương sửa mình. Ngày nay đồng bào Trung Quốc không phải tốn một tý công sức nào mà vẫn có một nước Mỹ trước mắt để có thể nhìn vào, sờ vào, tìm tòi nghiên cứu, thể nghiệm. Không hiểu vì sao người Trung Quốc vẫn còn đem cái lòng kiêu ngạo hão của mình để chối bỏ cái kiểu mẫu sống đó, viện cớ rằng nó là một thứ ngoại lai từ nghìn dặm ?
Chúng ta cũng không thể ca ngợi nước Mỹ là một đóa hoa được. Nếu thật tình nó đẹp như một đóa hoa thì người Mỹ đã không phải dùng đến những nhà lao. Nhưng có một điểm nhất định có thể giúp cho chúng ta học tập, đó là lối sống của người Mỹ, một thứ vũ khí rất lợi hại để người Mỹ chống những phê bình của các lưu học sinh đến từ bất cứ nước nào (kể cả những người từ cái hố lưu huỳnh chui lên ).
Chỉ cần hỏi một câu: " Anh thấy nước Mỹ là không được, không hay. Vậy theo anh cái phương thức sinh hoạt của người Mỹ thì thế nào ? " Nhìn một cách tổng quan ai cũng phải công nhận nước Mỹ là một xã hội tự do dân chủ, có một nền công lý rất vững mạnh và rộng rãi.
Cái tệ hại nhất của lòng kiêu hão là tự mình xây lên cho mình một bức tường. Tự mình cô lập mình vào trong một cái thùng chứa nước, uống nước vào phình cả bụng lên, chẳng khác nào cái bụng phệ của Bá Dương tôi đây, phình lên đến nỗi không còn cách nhét thêm một thứ gì nữa, cùng lắm chỉ thêm được vài khẩu súng Tây, mấy khẩu cà-nông và dăm chiếc tàu bọc thép. Còn những thứ văn hóa ghê gớm, cơ bản hơn kia - giáo dục, nghệ thuật, lễ nghĩa, đạo lý cá nhân, tinh thần xử thế - không những không thể nhét thêm vào mà chỉ cần nhìn đến một cái cũng đã thấy nổi da gà lên rồi.
Thật ra để tự cứu lấy mình, chúng ta không nhất thiết cần phải noi gương nước Mỹ, nước Đức, nước Nhật. Nhưng cũng không nên quên rằng sau Chiến tranh Thế giới Lần thứ II nước Đức và nước Nhật đã phục hưng nhanh chóng đến độ đáng sợ. Người Trung Quốc khi tìm hiểu về vấn đề chỉ thấy nguyên nhân của nó nào là ở Kế hoạch Marshall Lần thứ IV, nào là Chiến tranh Hàn Quốc, nào là cơ sở công nghiệp vốn vững mạnh của hai nước này. Nghe ra dường như tất cả chỉ là vấn đề vận may mà thôi.
Than ôi ! Mọi người đều quên một điều là sau khi bại trận, hai nước này đã trở thành một thứ quốc gia hạng ba, nhưng dân của hai nước này vẫn là loại dân hạng nhất với cả tiềm lực văn hóa thâm hậu. Chẳng khác nào một anh khổng lồ ba đầu sáu tay, đùng một cái bị đánh gục xuống đất, một lúc sau từ từ hồi tỉnh đứng dậy phủi quần bước đi, vẫn đường đường là một hảo hán.
Còn cái anh Trung Quốc bị lao phổi đến thời kỳ thứ ba kia, nhất thời đứng trên vũ đài thế giới dương dương tự đắc, nhưng rồi một cơn gió lạnh thổi đến lập tức hắt hơi ba bốn cái thật to, mũi dãi ròng ròng. Có người bảo uống átx-pi-rin đi, thì lại bảo người đó có tư tưởng quá khích, làm lung lay đất nước. Kết quả giống một củ hành trồng ngược, hai người đỡ cũng không nâng lên được.
Hễ cứ có ai nói nên bắt chước người khác là có một chút gì đó không thể nhịn nhục được - đại trượng phu tất phải đạp đất chống trời, oanh oanh liệt liệt, làm cho những đứa nhãi ranh phải khâm phục, ghen tị chứ ai lại đi bắt chước ! Vấn đề là cái mẽ ngoài này ở đời Đường, đời Hán thì đích thực là có. Song thời thế đã đổi thay rồi !
Cái ông phương Tây kia đã nổi lên quá mạnh, đánh không nổi, chửi cũng không thắng, thôi thì những chuyện cũ kia cũng chỉ như mây khói. Hiện tại phương pháp duy nhất có thể làm là học hỏi họ. Mà cũng không còn con đường nào khác.
Nếu như cứ một mực kiêu ngạo hão, giống một bà lão già lúc nào cũng giơ cái chân bị bó vừa kinh vừa thối của mình lên khoe nào là bó đẹp, bó khéo, thì không tránh được sẽ đi vào cái ngõ của sự diệt vong. Kiêu ngạo hão làm chúng ta có cảm tưởng hão huyền là người Trung Quốc không thể nào bị diệt vong, vin vào cớ dân tộc Trung Quốc có thừa sức đồng hóa. Bằng chứng là chúng ta đã hai lần bị mất nước rồi, một lần về tay Mông Cổ và lần thứ hai về tay Mãn Châu. Nhưng kết quả chẳng qua chỉ như một con diều đảo cánh, kẻ xâm lược chả đã cúp đuôi bỏ chạy rồi ư? Đối với Mãn Châu còn tệ hại hơn, nghĩa là chẳng còn đường nào mà cúp đuôi chạy nữa !
Cái lý luận và bằng chứng này tuy làm chúng ta càng tự tin hơn, nhưng chúng hoàn toàn không thể bảo đảm rằng trong tương lai chúng ta sẽ không còn có thể bị mất nước nữa.
Có một điều cần chú ý là bất kể một quốc gia, dù lớn thế nào chăng nữa, lúc chưa bị diệt vong vẫn nghĩ mình sẽ không bao giờ bị diệt vong. Mà một dân tộc trước khi bị tuyệt chủng, dĩ nhiên cũng là một dân tộc chưa bao giờ bị tuyệt chủng. Song, nếu cuối cùng chẳng may bị diệt vong, ắt cuối cùng cũng bị tuyệt chủng.
Cái kiêu ngạo hão kia chỉ che lấp tầm nhìn, mê hoặc con tim, làm cho không thấy được những nguy cơ ở bên trong cũng như bên ngoài. Lúc nguy cơ đến thật thì chỉ có đám dân đen và con cháu sau này lại phải khóc mà thôi.
Khi đến Peloponnese (Pê-lo-pô-ne-dơ), người Hy-lạp còn ở trong tình trạng ăn lông ở lỗ, đít còn đóng khố, thì dân ở đảo Crê-tơ (Crète) đã có một nền văn minh xán lạn huy hoàng, không chỉ biết luyện thép mà còn có những thành tựu kỹ thuật cao độ khác. Nhưng sau đó, chỉ trong một khoảng thời gian 200 năm, người Crê-tơ đã bị người Hy-lạp chinh phục đến không
còn dấu vết gì cả.
Năm nghìn năm trước ở Nam Mỹ đã có những cung điện của đế quốc In-ca, hiện tại vẫn còn tìm thấy di tích trong vùng núi hoang của Pê-ru. Chỉ cần căn cứ vào các kiến trúc tráng lệ đó chúng ta cũng đủ thấy trình độ văn hóa của họ cao như thế nào (Vào lúc người In-ca xây những lâu đài này thì người Trung Quốc chúng ta còn là một dân tộc dã man ăn lông ở lỗ). Nhưng bây giờ người In-ca ở đâu ?
Bá Dương, người viết những điều này, không phải là kẻ chuyên môn đi làm mất tinh thần người khác. Nhưng chúng ta cần thấy rõ rằng cạnh tranh là một thứ rất vô tình. Ông trời kia không thể vì anh Trung Quốc có 5.000 năm văn hóa mà phái thiên binh xuống bảo hộ như Đường Tăng được.
Vì vậy nhân lúc còn đang sống trên thế gian này, chúng ta cần phải cấp tốc rèn luyện, làm sao nôn ra được tất cả những thứ dơ bẩn trong ruột, ăn vào được những thứ có chất dinh dưỡng tốt. Hiện tại chúng ta thương tiếc những quốc gia đã bị tiêu vong trong lịch sử, những dân tộc đã bị tuyệt chủng, nhưng đừng hy vọng trong tương lai hậu thế sẽ lại thương xót chúng ta như vậy.
Có thể tóm lại trong một câu như thế này chăng: " Đừng để cho người đời sau lại bị người đời sau nữa khóc ".
Trích từ tập " Đập tan hũ tương "