Nguyên tác: Everyman
Số lần đọc/download: 1611 / 38
Cập nhật: 2017-08-18 15:48:35 +0700
Chương 17
L
ần kế tiếp ông đến bệnh viện để kiểm tra động mạch cảnh định kỳ hằng năm, âm vang đồ cho thấy động mạch cảnh còn lại cũng đã bị tắc nghiêm trọng và phải phẫu thuật. Điều này có nghĩa là ông sắp đạt thành tích bảy năm nhập viện liên tiếp. Nhận được tin mà ông chết điếng - nhất là khi vừa sáng hôm đó đã nghe điện báo tin Ezra Pollock chết -nhưng ít ra thì lần này ông vẫn được bác sĩ cũ phẫu thuật ở chính bệnh viện cũ, và đã có đủ hiểu biết để không chịu cảnh gây tê cục bộ mà thay vì thế đề nghị được gây mê hoàn toàn. Từ trải nghiệm mổ mạch lần trước, ông cố hết sức tự thuyết phục mình rằng sẽ chẳng có gì đáng lo, thậm chí ông còn chẳng buồn báo cho Nancy, đặc biệt là trong khi cô vẫn còn phải chăm lo cho mẹ. Tuy vậy, ông vẫn kiên quyết nỗ lực tìm Maureen Mrazek, dù chỉ vài tiếng sau là mọi đầu mối ông có thể có để xác định nơi cô đang sống đã cạn kiệt hoàn toàn.
Vậy là còn mỗi Howie, tính đến lúc này thì ông đã lâu không liên lạc khá lâu rồi. Cứ như thể ngay khi bố mẹ họ qua đời tất tật mọi xung lực trước đấy bị cấm cản hoặc thậm chí chưa từng tồn tại trong ông bỗng được buông cương, và việc ông trút hết oán giận vào chúng, dưới dạng cơn giận dữ của một kẻ ốm yếu - dưới dạng cơn giận dữ và tuyệt vọng của một kẻ ốm yếu không niềm vui không sao thoát khỏi cái bẫy chí mạng của tình trạng bệnh tật kéo dài, thứ sẽ bóp méo mọi cá tính - đã phá hủy mối liên kết cuối cùng của ông với những người thân yêu nhất. Tình yêu đầu tiên trong đời ông là với anh trai. Thứ duy nhất vững chắc trong suốt cuộc đời ông là niềm ngưỡng mộ ông dành cho con người tốt đẹp ấy. Ông đã làm hỏng bét cả ba cuộc hôn nhân, nhưng trong suốt cuộc đời trưởng thành mối quan hệ của ông với anh trai vẫn thực sự ổn định. Howie không bao giờ phải chờ đến khi ông có lời mới giúp. Vậy mà bây giờ ông đã mất ông ấy, theo cùng một cách ông đánh mất Phoebe - bằng cách đánh mất chính mình. Ông phải hoàn thành nốt quá trình phân hoại của gia đình ban đầu, cứ như thể không phải số người có ý nghĩa với ông và còn sống đang ngày càng ít ỏi. Nhưng phân hoại gia đình vốn là chuyên môn của ông. Chẳng phải chính ông đã cướp khỏi tay ba đứa trẻ một tuổi thơ êm ả và sự bảo vệ yêu thương suốt đời của một người cha như người cha mà chính ông đã hằng yêu kính, người cha chỉ thuộc về ông và Howie, người cha mà ngoài họ ra chẳng ai khác có được đó sao?
Khi nhận ra tất cả những thứ mình từng xóa sổ, tự tay và chẳng vì lý do gì có vẻ ra hồn, và cả những gì còn tồi tệ hơn, đi ngược lại mọi dự định của ông, đi ngược lại ý chí của ông - nhận ra sự cay nghiệt của ông dành cho người anh trai chưa một lần đối với ông cay nghiệt, người luôn có thể khiến ông yên lòng và luôn có mặt để giúp đỡ, nhận ra việc ông rời bỏ tổ ấm đã tác động ra sao lên con cái - khi bẽ bàng nhận ra mình đang teo lại thành kẻ nào đó, mà mình không hề muốn không chỉ về mặt thể chất, ông bắt đầu đấm ngực, mỗi nhịp đấm lại một lời tự trách, và xém vài phân nữa là trúng vào máy khử rung tim. Vào khoảnh khắc ấy, ông biết rõ hơn những gì cả Randy lẫn Lonny có bao giờ biết được rằng ông thiếu sót ở đâu. Con người bình thường vốn trầm tĩnh này tự đấm dữ dội vào tim như một gã điên đang cầu nguyện, và, bị nỗi hối hận tấn công dữ dội, hối hận không chỉ vì lỗi lầm này mà còn vì mọi lỗi lầm khác, mọi lỗi lầm ngu ngốc, không thể trốn tránh, không thể xóa bỏ - bị cuốn đi trong khổ đau vì những thiếu sót của bản thân nhưng vẫn hành động như thể mọi sự tình cờ không hiểu nổi của đời này đều là do ông - ông nói to, "Thậm chí không có cả Howie! Kết thúc như thế này, thậm chí còn không có anh ấy!"
Ở trang trại của Howie tại Santa Barbara có một căn nhà nghỉ mát cho thuê rộng gần bằng ngôi condo hiện tại của ông. Nhiều năm trước, ông, Phoebe và Nancy từng đến nghỉ hè hai tuần tại đó trong lúc Howie đi nghỉ cùng gia đình ở châu Âu. Ngay ngoài cửa ra vào là bể bơi, lũ ngựa nuôi ở tít trên đồi, và có nhân viên phục vụ nấu nướng, chăm lo cho họ. Tin gần nhất ông biết là một trong số mấy đứa con của Howie - Steve, một nhà hải dương học - đang tạm sống ở đó cùng bạn gái. Liệu ông có dám hỏi không nhỉ? Liệu ông có thể nào đến thẳng nhà mà bảo anh trai rằng ông muốn đến ở căn nhà đó vài tháng cho tới khi nghĩ ra tiếp đó mình định sống thế nào và ở đâu? Giá như sau cuộc phẫu thuật này ông có thể bay tới California và tận hưởng sự bầu bạn của anh trai trong lúc hồi phục...
Ông nhấc điện thoại lên và nhấn số Howie. Máy trả lời tự động đáp lời và ông để lại tên cùng số điện thoại. Khoảng một tiếng sau Rob, con trai út của Howie, gọi lại cho ông. "Bố mẹ cháu," Rob nói, "đang ở Tây Tạng." "Tây Tạng? Họ làm gì ở Tây Tạng?" Ông tin rằng họ đều đang ở Santa Barbara và Howie chỉ không muốn nghe điện thoại của ông thôi. "Bố cháu đi công chuyện ở Hồng Kông, chắc là họp ban lãnh đạo, còn mẹ cháu đi cùng. Rồi họ đi thăm Tây Tạng luôn." "Người phương Tây cũng được phép vào Tây Tạng à?" Ông hỏi thằng cháu trai. "Ơ, dĩ nhiên rồi," Rob nói. "Họ sẽ ở đó thêm ba tuần nữa. Chú có nhắn gì không ạ? Cháu có thể email cho họ. Cháu toàn làm thế khi có người gọi điện tìm họ mà." "Không, không cần đâu," ông nói. "Mấy anh em cháu sao rồi, Rob?" "Mọi người đều ổn cả chú ạ. Chú thì sao?" "Chú đang định đến chơi," ông nói, rồi gác máy.
Thế đấy, ông đã bị ly dị ba lần, từng là một gã chồng hàng loạt được nhận dạng qua sự tận tụy cũng chẳng kém qua những hành động xấu và sai lầm, và ông sẽ phải tiếp tục xoay xở một mình. Từ giờ trở đi ông sẽ phải xoay xở mọi việc một mình. Thậm chí ngay từ tuổi hai mươi, thời ông nghĩ mình là kẻ bảo thủ nhàm chán, cho đến tận tuổi năm mươi, ông vẫn luôn nhận được sự chú ý từ mọi phụ nữ mình muốn; từ khi ông đi học trường nghệ thuật điều đó chưa bao giờ ngừng lại. Cứ như thể số phận của ông chẳng thể nào khác. Nhưng rồi điều bất khả mục kiến đã xảy ra, bất khả dự kiến và bất khả tiên đoán: ông sống được gần ba phần tư thế kỷ, và cái cách sống năng động, hữu ích liền biến mất. Ông không còn sở hữu sức hấp dẫn giới tính của một người đàn ông cũng chẳng còn có thể gieo nổi những niềm vui nam tính, và ông cố đừng nhớ chúng nhiều quá. Khi ở một mình, đã có thời gian ông cảm thấy yếu tố đã mất ấy bằng cách nào đó sẽ trở lại, và một lần nữa biến ông thành bất khả xâm phạm và tái khẳng định ưu thế của ông, thứ quyền năng đã bị hủy diệt một cách sai lầm ấy sẽ được phục hồi và ông có thể bắt đầu lại tại chính nơi dang dở cách đấy chỉ vài năm. Nhưng giờ có vẻ như ông cũng như bất cứ người già nào khác, cũng đang trong quá trình tan biến dần đi, và sẽ phải nhìn từng ngày vô mục đích, trôi đến kết cục y như hiện tại ông đang nhìn - những ngày vô mục đích và những đêm bất an và bất lực chịu đựng sự suy giảm thể chất, và nỗi buồn bất tận, và chờ đợi, và chờ đợi chẳng một điều gì. Nó sẽ như thế đấy, ông nghĩ, đó là những gì ta không thể biết.
Người đàn ông từng bơi qua vịnh cùng mẹ Nancy đã đi đến nơi có nằm mơ ông cũng không ngờ. Đã đến lúc phải lo rằng mình sắp tan thành cát bụi. Tương lai xa đã đến rồi.
Một sáng thứ Bảy cách ngày hẹn phẫu thuật chưa đầy một tuần - sau một đêm mơ kinh khủng khiến ông bật dậy lúc ba giờ sáng hồng hộc thở và phải bật hết đèn trong nhà lên để xoa dịu nỗi sợ và chỉ có thể ngủ trở lại dưới ánh đèn - ông quyết định sẽ tốt cho ông nếu đi New York gặp mẹ con Nancy và thăm Phoebe lần nữa, giờ bà đã được về nhà có y tá chăm sóc. Thường thì sự độc lập chủ tâm, vẫn cấu thành nên sức mạnh nền tảng của ông; đó cũng là lý do vì sao ông có thể bắt đầu một cuộc sống mới tại một địa điểm mới mà chẳng quan tâm đến việc bỏ lại gia đình và bạn bè sau lưng. Nhưng kể từ khi ông từ bỏ mọi hy vọng được sống với Nancy hay ở lại nhà Howie, ông cảm thấy mình bị biến thành một sinh vật non nớt đang yếu ớt thêm mỗi ngày. Có phải lần nhập viện sắp tới, lần thứ bảy trong bảy năm liên tiếp, đã nghiền nát lòng tự tin ở ông? Hay đó là cái viễn cảnh mình đang từ từ tiến tới tình trạng bị những suy nghĩ về thuốc thang bệnh tật chiếm lĩnh đến mức chẳng còn nghĩ được gì khác? Hay là vì ông đã nhận ra rằng, cứ mỗi lần nhập viện, từ thời thơ ấu tiếp diễn đến tận cuộc đại phẫu sắp tới này, số người hiện diện bên giường ông lại giảm đi và cả một đội quân người thân như ở cuộc phẫu thuật đầu tiên giờ đã hao mòn đến mức chẳng còn ai? Hay đó đơn giản chỉ là dự cảm về những ngày bất lực sắp tới?
Đêm trước, ông đã mơ mình trần trụi nằm bên Millicent Kramer, học viên lớp vẽ. Ông nằm trên giường ôm cái xác lạnh ngắt của bà, như đã từng ôm Phoebe những lần bà bị đau nửa đầu dữ dội tới mức bác sĩ phải tới tiêm moóc phin, thứ thuốc sẽ làm dịu cơn đau nhưng sẽ tạo ra rất nhiều ảo giác kinh hãi. Tỉnh giấc trong đêm và bật hết đèn lên, ông uống chút nước rồi mở tung cửa sổ, đi đi lại lại trong phòng để lấy lại bình tĩnh, nhưng dù cho nỗ lực đến đâu, ông cũng chỉ nghĩ về một điều: khi tự sát bà ấy cảm thấy thế nào. Liệu bà ấy có vội vàng nuốt hết đống thuốc ấy trước khi kịp đổi ý? Và sau khi rốt cuộc đã uống, bà ấy có thét lên rằng mình không muốn chết, rằng bà chỉ không thể chịu nổi bất cứ cơn đau đớn tàn hoại nào nữa, rằng bà chỉ muốn cơn đau ngừng lại - la hét và khóc lên rằng bà chỉ muốn Gerald ở đó giúp bà, bảo bà hãy cố lên và trấn an rằng bà có thể chịu được, rằng họ có thể chịu đựng cùng nhau? Liệu bà có chết trong nước mắt, vẫn còn lẩm bẩm tên ông ấy? Hay bà tiến hành mọi sự trong điềm tĩnh, cuối cùng tin chắc mình chẳng thể phạm sai lầm? Bà có chậm rãi, thanh thản cầm lọ thuốc bằng cả hai tay rồi dốc hết ra lòng bàn tay, từ từ nuốt hết bằng cốc nước cuối cùng, với cảm giác cuối cùng về nước? Ông tự hỏi có phải bà đã cam chịu và trầm tư, can đảm trước tất cả những gì mình bỏ lại phía sau, có lẽ còn mỉm cười giữa hai hàng nước mắt mà nhớ lại toàn bộ niềm vui, toàn bộ những gì từng khiến bà phấn khích, hài lòng, liệu tâm trí bà có đong đầy hàng trăm khoảnh khắc bình thường vốn chẳng mang nhiều ý nghĩa, nhưng giờ dường như lại đang làm ngập tràn những ngày còn lại trong hạnh phúc giản dị? Hay bà đã chẳng còn quan tâm đến những gì bỏ lại nữa? Có phải bà không hề tỏ ra sợ hãi, chỉ nghĩ trong đầu, cuối cùng thì cũng hết đau, rốt cuộc cũng không còn đau, và giờ chỉ cần phải thiếp đi để giã từ điều tuyệt vời này?
Nhưng làm sao một người có thể tình nguyện chọn cách từ bỏ sự đủ đầy trần thế để đổi lấy hư không bất tận ấy? Làm sao ông có thể làm thế? Ông có thể nào điềm tĩnh nằm xuống mà nói lời tạm biệt? Ông có sức mạnh tung hê mọi thứ như Millicent Kramer không? Bà cũng tầm tuổi ông. Sao lại không nhỉ? Trong hoàn cảnh khó khăn như bà, thêm bớt vài năm cũng có là gì? Ai dám so với bà trong việc đột ngột từ bỏ cõi đời? Mình phải, mình phải, ông nghĩ, sáu cái stent đang bảo với mình rằng một ngày nào đó, sớm thôi, mình cần phải nói lời giã biệt không sợ hãi. Nhưng bỏ lại Nancy ư - mình không thể làm được! Bao nhiêu chuyện có thể xảy ra với con bé trên đường đi học! Con gái ông sẽ bị bỏ lại mà không còn phần nào của ông để bảo vệ ngoại trừ mối gắn kết sinh học! Và ông sẽ vĩnh viễn bị tước đoạt những cuộc điện thoại từ cô sáng sáng! Ông thấy mình đang cùng một lúc lao đi theo đủ mọi hướng qua khu giao lộ trung tâm của thị trấn Elizabeth - người cha thất bại, người em ghen tị, gã chồng hai mặt, đứa con trai yếu ớt - chỉ cách cửa hàng trang sức cũ của gia đình vài khối nhà, vừa chạy vừa gào khóc gọi những người thân ông không sao bắt kịp dù có cố gắng bao nhiêu. "Mẹ ơi, ba ơi, Howie, Phoebe, Nancy, Randy, Lonny - giá như tôi biết phải làm thế nào! Các người có nghe thấy tôi nói không? Tôi đang rời khỏi đây! Mọi chuyện đã kết thúc và tôi đang bỏ lại tất cả các người phía sau!" Và những người đang biến mất trước mắt ông cũng nhanh như ông biến mất trước mắt họ quay đầu hét lên đáp lại, một cách quá nhiều ngụ ý, "Quá muộn rồi!"
Rời bỏ - chính từ này đã khiến ông tỉnh giấc, ngạt thở, hoảng loạn lấp đầy tâm trí, được trả cuộc sống sau giấc mơ ôm một thây ma.
Ông không bao giờ đến được New York. Ngược đường cao tốc Jersey Turnpike lên phía Bắc, ông chợt nhớ ra ngay phía Nam sân bay Newark là lối dẫn ra nghĩa trang nơi cha mẹ ông được chôn cất, và khi tới đó, ông quẹo khỏi đường cao tốc rồi đi theo con đường ngoằn ngoèo qua một khu dân cư đổ nát rồi qua tiếp một ngôi trường tiểu học cổ kính nghiêm trang, cho tới khi đến con đường lớn chạy quanh nghĩa trang Do Thái, rộng chừng năm mẫu. Đầu kia của nghĩa trang là một con phố vắng nơi các thầy hướng dẫn lái xe vẫn đưa học viên ra tập quành xe. Ông chầm chậm cho xe lách qua cổng, cánh cổng vô dụng, rồi đỗ lại đối diện một tòa nhà nhỏ, hẳn một thời từng là nhà nguyện dù giờ chỉ còn là một đống đổ nát hoang tàn trống toang. Hội đạo Do Thái một thời từng lo các việc của nghĩa trang đã giải tán từ nhiều năm trước, khi các thành viên giáo đoàn chuyển tới Union, Essex, và vùng ngoại ô hạt Morris, và có vẻ như chẳng còn ai trông coi nơi này nữa. Quanh nhiều ngôi mộ đất đã lún sụt, bia đá đã xiêu vẹo khắp nơi, và toàn bộ cảnh này thậm chí không phải đang diễn ra tại khu nghĩa trang ban đầu, nơi an táng cha mẹ ông, mà là tại khu mới xây, nơi bia đá granit mới chỉ có tuổi thọ từ nửa sau thế kỷ hai mươi. Hồi họ tụ tập ở đây để mai táng cha ông, ông đâu có thấy nó thế này. Hồi đó tất cả những gì ông thấy chỉ là quan tài yên vị trên những chiếc đai rồi hạ xuống huyệt mộ. Dù đơn sơ và giản dị như thế, nó vẫn áp đảo cả thế giới. Rồi tiếp đó là việc chôn cất nghiệt ngã và đất cát lấp đầy mồm.
Chỉ trong tháng qua ông đã trở thành một trong số khách chia buồn của hai lễ tang tại hai nghĩa trang khác nhau ở hạt Monmouth, cả hai đều ít thân thiết hơn một chút, nên cũng đỡ nguy hiểm hơn. Trong suốt những thập niên gần đây, ngoài dân phá hoại vẫn hay phá hỏng và phá hủy bia mộ và khu nhà ngoài nơi cha mẹ ông được chôn cất, đám trộm cắp cũng hay hành nghề ở nghĩa địa này. Giữa thanh thiên bạch nhật, chúng nhằm vào những người già cả thỉnh thoảng đi một mình hoặc hai người tới đây để viếng mộ gia đình. Từ hồi chôn cha ông, ông đã được giáo sĩ cảnh báo điều đó, rằng nếu chỉ có một mình thì tốt nhất nên viếng mộ vào dịp Lễ Trọng, vào dịp này, theo yêu cầu của chủ tịch nghĩa trang, sở cảnh sát địa phương đã đồng ý bảo vệ cho những tín đồ ngoan đạo tới để trích dẫn thánh thi và tưởng nhớ người chết. Ông lắng nghe và gật đầu, nhưng vì ông không tính mình là một tín đồ, chứ đừng nói tới tín đồ ngoan đạo, và vốn có ác cảm rõ rệt với Lễ Trọng, hồi đó ông sẽ chẳng đời nào tình nguyện tới nghĩa trang.
Hai người vừa qua đời ấy, là hai phụ nữ trong lớp vẽ của ông, đều ung thư và chỉ chết trước sau nhau một tuần. Nhiều người ở Starfish Beach cũng tới dự. Nhìn họ ông không thể không nghĩ xem ai trong số này sẽ là người tiếp theo. Trong đời, ai chẳng có lúc từng nghĩ rằng trong vòng một trăm năm tới trên trái đất sẽ chẳng có mặt kẻ nào giờ này còn sống - cái thế lực áp đảo ấy sẽ quét sạch nơi đây. Lúc này ông cũng đang nghĩ thế, nhưng tính bằng ngày. Ông trầm ngâm như chính mình sẽ là mục tiêu sắp tới.
Ở cả hai lễ tang đều có mặt một bà già thấp lùn, phốp pháp, bà khóc dữ đến mức khó có thể chỉ là một người bạn đơn thuần của người chết, mà, thay vì thế, thật khó tin, là mẹ của cả hai. Tại lễ tang thứ hai, bà đứng sụt sùi chỉ cách ông cùng người đàn ông to béo bên cạnh vài bước chân, ông đoán đó chắc là chồng bà, mặc dù (hoặc cũng có thể là bởi vì), với đôi tay khoanh lại, hàm răng nghiến chặt và cằm vênh lên trời, ông ta xa cách và tách hẳn khỏi bà, một người quan sát nhất định từ chối không chịu đựng thêm con người này một phút nào nữa. Thực ra, những giọt nước mắt của bà dường như chỉ gợi nên sự khinh miệt cay đắng, hơn là lòng quan tâm thông cảm, vì giữa đám tang, khi giáo sĩ tụng bằng tiếng Anh những lời trong sách cầu nguyện, người chồng tự nhiên quay lại và sốt ruột hỏi, "Ông biết vì sao bà ấy cứ thế không?" "Tôi tin là mình biết," ông thì thầm đáp lại, bằng câu này ý ông là, đó là vì nó đối với bà ấy cũng giống như nó vẫn đối với tôi từ hồi còn thơ bé. Đó là vì nó đối với bà ấy cũng giống như nó đối với mọi người. Đó là vì điều dữ dội chấn động nhất của cuộc sống chính là cái chết. Đó là vì cái chết thật quá bất công. Đó là vì một khi ta đã nếm mùi cuộc sống, cái chết thậm chí không còn có vẻ gì là tự nhiên nữa. Tôi đã nghĩ - tận sâu thẳm tôi còn tin chắc - rằng cuộc sống sẽ tiếp diễn mãi mãi. "Ồ ông sai rồi," người đàn ông lạnh lùng nói, như thể đọc được suy nghĩ của ông. "Lúc nào bà ấy chẳng vậy. Chuyện đã luôn như vậy năm mươi năm nay rồi," ông nói thêm với một cái nhăn mặt thiếu khoan dung. "Bà ấy cứ như thế chỉ vì bà ấy chẳng còn ở tuổi mười tám nữa."
Cha mẹ ông được an táng gần vành ngoài nghĩa địa, và phải mất một lúc ông mới tìm thấy mộ của họ nhờ hàng rào sắt ngăn cách hàng cuối cùng của khu đất chôn, với con phố nhỏ có vẻ như là một trạm nghỉ dã chiến cho dân lái xe tải sau một chặng dài trên xa lộ. Trong những năm sau lần cuối cùng thăm viếng nơi đây, ông đã quên mất ấn tượng khi lần đầu tiên trông thấy tấm bia mộ. Ông thấy tên hai người được khắc ở đó, và chết lặng vì khóc, kiểu khóc dữ dội của lũ trẻ sơ sinh, ngằn ngặt đến mất tiếng và lịm người. Ông dễ dàng truy ra ký ức cuối cùng về họ - ký ức trong bệnh viện - nhưng rồi ông cố triệu hồi những ký ức xa xôi nhất, cái nỗ lực vươn hết sức trở lại quá khứ chung giữa họ, đã gây ra một làn sóng cảm xúc nữa khiến ông choáng ngợp.
Họ chỉ còn là nắm xương tàn, xương tàn trong một chiếc hộp, nhưng xương của họ cũng là xương của ông, và ông cố đứng gần nắm xương ấy hết mức có thể, như thể sự gần gũi vật lý có thể kết nối ông với họ và làm dịu bớt sự cô độc sinh ra từ việc đánh mất tương lai, đồng thời tái kết nối ông với những gì đã mất. Suốt một tiếng rưỡi đồng hồ sau đó, chỉ những nắm xương này là quan trọng. Đó là tất cả những gì quan trọng, bất chấp tác động của môi trường mục nát nơi nghĩa trang không người chăm lo. Khi đã ở bên hai nắm xương ấy ông không thể bỏ lại chúng, không thể chuyện trò với chúng, không thể làm gì ngoài lắng nghe khi chúng nói. Giữa ông và chúng đang có vô số điều diễn ra, nhiều hơn những gì hiện đang diễn ra giữa ông và những người còn da thịt. Thịt thì sẽ rữa, nhưng xương sẽ mãi còn. Những nhúm xương đó là nguồn an ủi duy nhất với một kẻ chẳng hề mặn mà với kiếp sau, biết không chút hồ nghi rằng Chúa chỉ là hư cấu và kiếp này là cuộc đời duy nhất mình có. Nói bay bướm như Phoebe, thời trẻ vào ngày đầu tiên họ gặp nhau: hạnh phúc sâu sắc nhất với ông giờ nằm ở nghĩa trang. Ở đây có thể với tới sự mãn nguyện dù cô độc.