Nguyên tác: L'étoile Du Sud (1884)
Số lần đọc/download: 1911 / 69
Cập nhật: 2018-12-04 06:06:47 +0700
Chương 17 - Đua Ngựa Vượt Rào Kiểu Châu Phi
D
áng vẻ của hai kỵ sĩ, khi họ khởi hành vào buổi sáng hôm sau, vẫn khá chắp vá. Không chắc Cyprien thích tham dự vào đoàn xe thế này trước mặt tiểu thư Watkins nơi đường cái quan rộng lớn ở Vandergaart. Thế nhưng tùy cơ ứng biến. Họ đang ở trên sa mạc, và hươu cao cổ không phải là con vật cưỡi quái dị hơn loài lạc đà một bướu nhiều. Thậm chí hình dáng chúng có gì đó tương đồng với hình dáng những “con tàu sa mạc” ấy. Nó vô cùng cứng, và thực sự có kiểu đi rập rình lắc lư, ban đầu gây hiệu ứng hơi say sóng cho hai lữ khách.
Nhưng chỉ sau vòng hai hay ba giờ, Cyprien và anh chàng người Hoa cảm thấy khá thích nghi. Hơn nữa vì hươu cao cổ đi nhanh và tỏ ra rất ngoan ngoãn sau một vài kháng cự nhanh chóng bị trấn áp, mọi chuyện đều sẵn sàng cho kết quả tốt nhất.
Giờ đây, với khả năng di chuyển hết sức nhanh, phải bù lại tất cả những thời gian đã mất trong ba bốn ngày vừa qua của chuyến du hành. Matakit giờ này hẳn cũng đã đi khá xa! Annibal Pantalacci liệu đã đuổi kịp cậu ta chưa? Cho dù thế nào, Cyprien cũng quyết không từ bỏ điều gì để đạt được mục đích của chàng.
Ba ngày đi đường đã đưa những kỵ sĩ, hay nói chính xác hơn, những “Người cưỡi hươu cao cổ” đến vùng đồng bằng. Giờ đây họ men theo hữu ngạn một dòng sông khá khúc khuỷu, chính xác chảy lên hướng Bắc - chắc hẳn là một trong những nhánh phụ của dòng Zambèze. Bọn hươu cao cổ, vì đã hoàn toàn bị chế ngự, hơn nữa đã yếu đi sau đoạn đường dài và một phần không kém nữa là vì bị Lee cương quyết cho ăn ít, đành để mình bị điều khiển hoàn toàn dễ dàng. Bây giờ, Cyprien, có thể thả lơi dây cương của con vật chàng cưỡi và chỉ điều khiển bằng cách thúc đầu gối.
Phải chăng vì loại bớt được mối bận tâm ấy, nên khi rời khỏi những vùng đất hoang sơ và sa mạc chàng vừa mới đi qua, chàng thực sự thích thú với việc nhận biết các dấu vết của một nền văn minh đã phát triển ở khắp nơi. Từng quãng từng quãng một, những cánh đồng sắn hoặc khoai sọ được quy hoạch đều đặn, có hệ thống tưới tiêu bằng tre nối tiếp nhau lấy nước từ sông, những con đường rộng và nhiều người qua lại - rốt cuộc nhìn chung có vẻ thịnh vượng; tiếp đó, những túp lều trắng hình tổ ong, trên những sườn đồi nhấp nhô đằng chân trời, là nơi sinh sống của một bộ phận dân cư rất thưa thớt.
Tuy nhiên, họ cảm thấy vẫn còn ở biên giới của sa mạc, phải chăng chính vì có vô số động vật hoang dã khác thường, loài nhai lại hay các loài khác, đang sinh sống trên đồng bằng ấy. Đó đây, vô số đàn chim, đủ mọi kích cỡ và đủ mọi giống loài, bay mù trời. Họ thấy từng bầy linh dương gazen hay linh dương băng ngang qua đường; thi thoảng, một con hà mã khổng lồ ngẩng đầu lên khỏi mặt sông, rống inh ỏi rồi lại đầm mình xuống nước gây ra tiếng ồn như thác xối.
Hòa mình hoàn toàn vào cảnh tượng ấy, Cyprien ít ngờ đến điều mà sự tình cờ dành cho chàng tại một trong những khúc ngoặt của ngọn đồi nhỏ nơi chàng theo chân bạn đồng hành tiến vào.
Cũng không kém gì Annibal Pantalacci, vẫn trên lưng ngựa, và lao nhanh đuổi theo cho kịp Matakit. Gã chỉ còn cách cậu ta nhiều nhất là một dặm, nhưng Cyprien và anh chàng người Hoa còn cách cậu ta ít nhất là bốn dặm.
Dưới ánh mặt trời rạng rỡ ấy với những tia nắng chiếu gần như thẳng đứng, trên đồng bằng trơ trụi ngập tràn thứ ánh sáng chói chang kia, trong làn khí quyển ấy được gột rửa bởi cơn gió bấc từ phía Đông thổi qua như thế, thì chẳng còn gì phải e ngại nữa.
Cả hai đều vui thích vì khám phá này đến nỗi động thái đầu tiên của họ là ca tụng nó bằng trò múa súng trên mình ngựa kiểu ả Rập. Cyprien thốt lên tiếng reo hoan hỉ, Lee thì một tiếng “ồ!” có cùng ý nghĩa ấy. Rồi, họ thúc hươu cao cổ của mình phi nước kiệu thật nhanh.
Hẳn nhiên, Matakit đã nhìn thấy gã Napôli đang bắt đầu đuổi kịp cậu; nhưng cậu không thể nhìn thấy ông chủ cũ và anh bạn của mình hồi còn ở Kopje, họ còn ở quá xa nơi biên giới của đồng bằng.
Phải chăng vì thế, khi nhìn thấy Pantalacci, người sẽ không tha cho cậu, người không cần một lời giải thích nào, sẽ giết cậu như giết một con chó, cậu bé nam Phi cố hết sức thúc cỗ xe kéo đà điểu của mình chạy càng nhanh càng tốt. Con vật nhanh nhẹn ấy, như người ta nói, chạy như bay. Nó lao nhanh đến mức đột ngột húc phải một tảng đá lớn. Cú va chạm mạnh đến nỗi trục xe, vốn đã bào mòn vì chuyến đi dài ngày và nhọc nhằn ấy, gãy gục. Một trong các bánh xe lập tức long ra khỏi trục, Matakit và xe của mình, người ôm lấy xe, ngã sõng soài ngay giữa đường.
Cậu chàng nam Phi tội nghiệp bị thương nặng vì cú ngã. Nhưng nỗi khiếp sợ kia đang ngự trị trong cậu thì bất chấp cú va chạm mạnh đến thế, chỉ chực nhân đôi lên. Tin chắc tai ương sẽ ụp lên mình nếu để gã Napôli ác độc ấy đuổi kịp, cậu bèn đứng dậy ngay tức thì, chỉ một nhoáng đã tháo con đà điểu ra khỏi xe rồi nhảy phóc lên ngồi trên mình nó và thúc nó phi nước đại.
Thế là đã diễn ra một cuộc đua ngựa vượt rào chóng mặt mà người ta chưa từng chứng kiến kể từ sau các buổi biểu diễn nơi đấu trường thời La Mã, khi đó những cuộc đua đà điểu và hươu cao cổ cũng tham gia vào chương trình.
Quả thật, trong khi Annibal Pantalacci truy đuổi Matakit, Cyprien và Lee lao vào tìm kiếm dấu tích của cả người này lẫn kẻ kia. Có ích hơn chăng là họ nên bắt giữ cả hai, cậu bé nam Phi, để kết thúc chuyện viên kim cương bị ăn cắp, chặn gã Napôli khốn kiếp lại, để trừng trị gã như gã đáng phải thế?
Phải chăng bọn hươu cao cổ, đang lao đi như bay với những người cưỡi chúng, vốn đã thấy trước tai nạn, thế nên chúng chạy cũng nhanh như ngựa thuần chủng, những chiếc cổ dài của chúng đưa về trước, miệng há to, tai dựng ngược, bị thúc bằng đinh thúc, bị quất roi, bị buộc phải chạy hết tốc lực.
Về phần chú đà điểu của Matakit, tốc độ của nó quả là kỳ diệu. Không một kẻ vô địch giải Derby hoặc vô địch giải Đua ngựa Paris nào có thể đọ với nó. Đôi cánh ngắn, chẳng giúp nó bay được, tuy vậy lại giúp nó tăng tốc trong cuộc chạy đua. Những thứ ấy đã kích thích tới mức, chỉ trong chưa đầy vài phút, cậu bé nam Phi đã cách một quãng đáng kể so với kẻ đang đuổi theo cậu.
Ra vậy! Khi dùng đà điểu, Matakit đã chọn đúng con vật để cưỡi! Chỉ cần có thể giữ được phong độ như vậy trong khoảng mười lăm phút nữa, cậu nhất định sẽ vượt khỏi tầm truy đuổi và thoát khỏi móng vuốt của gã Napôli.
Annibal Pantalacci hiểu rõ rằng chỉ cần hơi chậm trễ một chút cũng làm gã mất hết lợi thế của mình. Khoảng cách giữa gã và kẻ trốn chạy đã tăng dần. Qua bên kia cánh đồng ngô nơi đang diễn ra cuộc truy đuổi này, một quãng rừng dày toàn cây nhũ hương và sung Ấn Độ, lay mạnh vì gió bấc, đang trải dọc bìa rừng u tối xa hút tầm nhìn. Nếu Matakit đến được nơi ấy, chắc hẳn sẽ không thể tìm thấy cậu ở đó, vì ta sẽ không thể nhìn thấy cậu được nữa.
Trong lúc chạy nước đại, Cyprien và anh chàng người Hoa dõi theo cuộc chiến ấy với một mối quan tâm dễ hiểu. Cuối cùng họ cũng đến được chân đồi, họ băng qua cánh đồng nhưng vẫn còn cách xa kẻ đang truy đuổi kia hoặc kẻ bị truy đuổi đến ba dặm.
Tuy vậy, họ có thể thấy gã Napôli, với một nỗ lực phi thường, đã lấy lại chút ít lợi thế so với kẻ chạy trốn. Có thể do con đà điểu bị kiệt sức, có thể do nó bị thương vì húc phải gốc cây hoặc tảng đá, nên tốc độ nó giảm đáng kể. Annibal Pantalacci sắp sửa chỉ còn cách cậu bé nam Phi ba trăm piê.
Nhưng Matakit cuối cùng cũng vừa đến được bìa rừng cây; rồi cậu ta đột nhiên biến mất vào trong ấy, và đúng lúc này, Annibal Pantalacci lại bị ngã ngựa rất mạnh, lăn tròn dưới đất, còn con ngựa của gã chạy băng qua đồng thoát thân.
“Matakit thoát khỏi chúng ta rồi!” Lee hét lên.
“Đúng vậy, nhưng ta lại tóm được gã láu cá Pantalacci này!” Cyprien đáp.
Và cả hai thúc nhanh hươu cao cổ của họ.
Nửa tiếng sau, khi đã vượt qua gần hết cánh đồng ngô, họ chỉ còn cách nơi gã Napôli vừa ngã năm trăm bước chân. Họ tự hỏi liệu Annibal Pantalacci có thể gượng dậy và đi đến rừng cây nhũ hương chăng, hay gã đang nằm bẹp dưới đất, bị thương rất nặng sau cú ngã - có khi đã chết rồi cũng nên!
Tên khốn kiếp vẫn còn kia. Khi còn cách gã một trăm bước, Cyprien và Lee dừng lại. Thì ra sự việc đã xảy ra như sau: gã Napôli, vốn đang hăng máu truy đuổi, đã không nhìn thấy một tấm lưới rộng do người dân nam Phi giăng, để bẫy bọn chim chóc liên tục đến gây hại mùa màng của họ. Thế mà, chính Annibal Pantalacci vừa bị mắc trong tấm lưới ấy. Và đấy không hề là tấm lưới nhỏ! nó rộng ít nhất là năm mươi mét mỗi bề và đã giăng được vài nghìn con chim đủ thể loại, kích cỡ, kiểu lông, trong đám đó còn có khoảng nửa tá chim diều râu khổng lồ cao tầm một mét rưỡi, loài này cũng không từ bỏ những vùng đất nam Phi.
Cú ngã của gã Napôli, ngay giữa một rừng chim ấy, hẳn nhiên làm bọn chúng ồn ĩ cả lên. Annibal Pantalacci, thoạt đầu hơi choáng vì cú ngã, đã cố gượng đứng dậy ngay. Nhưng hai chân, hai tay gã vướng chặt vào các mắt lưới đến nỗi gã chẳng thể thoát ra ngay được.
Tuy vậy, không còn thời gian để mất nữa rồi. Phải chăng vì thế nên gã vung những cú giật mạnh, kéo hết sức mình trên tấm lưới, kéo nó lên, giật nó ra khỏi cọc néo xuống đất, trong lúc đó lũ chim, cả lớn lẫn nhỏ, cũng làm tương tự để thoát thân.
Thế nhưng, gã Napôli càng giãy giụa thì lại càng bị quây chặt trong các mắt lưới lớn khủng khiếp đó.
Tuy vậy còn một điều sỉ nhục sau chót dành cho gã. Một trong hai con hươu cao cổ vừa chạy đến chỗ gã, người cưỡi nó, không ai khác chính là anh chàng người Hoa. Lee nhảy xuống đất, và với vẻ tinh ranh lạnh lùng, anh không vội làm gì hơn là nhổ cái cọc ở gần phía mình với ý đồ gấp mắt lưới này chồng lên mắt lưới kia vì nghĩ rằng cách tốt nhất để bắt kẻ bị dính lưới chính là để hắn bị nhốt mãi trong lưới.
Chính vào khoảnh khắc ấy thình lình diễn ra một chuyển biến bất ngờ nhất.
Lúc ấy, gió bắt đầu nổi cơn thịnh nộ quá mức, khiến tất cả cây cối xung quanh đổ rạp, ví như một vòi rồng khủng khiếp nào đó quét qua sát mặt đất.
Thế mà, Annibal Pantalacci, bằng những nỗ lực trong tuyệt vọng, đã nhổ lên nhiều chiếc cọc đóng giữ phần diềm dưới của lưới.
Thấy cảnh mình sắp bị bủa vây là không tránh khỏi, gã càng giãy giụa kịch liệt hơn bao giờ hết.
Đột nhiên, trong một đợt dâng lên mãnh liệt của cơn bão, tấm lưới bị nhổ tung. Các mấu nối cuối cùng, vốn giữ cái mớ dây nhợ rộng lớn ấy, bị đứt lìa, và tập đoàn chim chóc bị mắc trong lưới liền bay nháo nhào trong tiếng ồn đinh tai. Những loài chim nhỏ bay thoát ra được; nhưng những loài chim lớn phải xoay trở với thân thể khổng lồ, lúc bộ cánh to lớn của chúng đập tự do thì móng chúng vẫn bị mắc trong tấm lưới. Nào những khung xương biết bay được huy động, nào những cơ ngực, với nhiều cử động cùng lúc, cộng thêm với gió lốc dữ dội, tạo nên một sức mạnh khổng lồ, đến mức một trăm kilô trọng lượng cũng nhẹ tựa lông hồng.
Thế nên, tấm lưới bị hất lên, quấn lại, siết chồng chéo quanh thân nó, cuốn theo cơn vũ bão, rồi bất chợt bị tung lên đến hai lăm hay ba mươi mét cách mặt đất, cùng với Annibal Pantalacci bị mắc kẹt cả hai chân và hai tay.
Cyprien đến nơi đúng lúc, và chàng chỉ có thể nhìn kẻ thù bị bốc lên tầng mây cao.
Vào lúc ấy, lũ diều râu, tàn sức vì cố gắng đầu tiên ấy, rõ ràng có chiều hướng rơi xuống vẽ nên một đường parabol dài. Chỉ trong vòng ba giây, nó rơi ngay ở bìa rừng cây nhũ hương và cây sung Ấn Độ trải dài ở phía Tây cánh đồng ngô. Sau đó, khi đã sượt qua những ngọn cây và còn cách mặt đất ba hay bốn mét, nó lại văng lên không một lần sau chót nữa.
Cyprien và Lee kinh hãi nhìn gã bất hạnh bị treo trên lưới, lần này, bởi sự gắng sức tột cùng của những con chim khổng lồ ấy, trợ lực thêm bởi cơn bão, gã lại bị tung lên cao hơn một trăm năm mươi piê.
Thình lình, một vài mắt lưới bị rách ra vì sức ép của gã Napôli. Họ nhìn thấy trong giây lát, gã bị móc tay treo trên lưới, và cố gắng bấu vào dây lưới... Thế nhưng hai bàn tay gã nhả ra, gã buông tay, rớt xuống thành một đống bầy nhầy trên mặt đất.
Mảnh lưới, loại bỏ được trọng lượng ấy, nảy lên không trung một lần cuối, rồi bay ra xa chừng vài dặm, trong khi ấy đám diều râu bay về vùng trời cao.
Khi Cyprien chạy lại để cứu giúp gã thì kẻ thù của chàng đã chết... chết trong tình trạng tệ hại!
Và giờ đây, chàng là người duy nhất còn sống sót trong số bốn đối thủ đã từng đi xuyên qua những đồng bằng Transvaal hòng đạt được cùng một mục đích kia.