Điều tôi quan tâm không phải là bạn đã thắng hay thua, mà là bạn có sẵn sàng đón nhận thất bại hay không.

Abraham Lincohn

 
 
 
 
 
Tác giả: Hoàng Kim
Thể loại: Tiểu Thuyết
Biên tập: Bach Ly Bang
Upload bìa: Minh Khoa
Số chương: 25
Phí download: 4 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 2792 / 4
Cập nhật: 2015-11-21 22:20:10 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 18
Ông Lê Sinh đi ngang chỗ con trai, khẽ vỗ vai, gọi:
- Đi ăn trưa thôi Ninh.
Vẫn dán mắt vào màn hình computer, Khắc Ninh đáp:
- Ba về ăn cơm với mẹ đi. Con còn một ít việc chưa xong, lát ra ngoài ăn cũng được.
Ông Lê Sinh lắc đầu:
- Vậy cha con mình ăn cơm bụi luôn. Lâu lâu mới xé rào một bữa, mẹ con không ế thức ăn đâu mà sợ.
Cha đã nói vậy thì Khắc Ninh đâu còn cách nào từ chối. Anh tắt máy rồi theo cha ra quán café có phục vụ cơm văn phòng gần công ty.
Thức ăn được dọn lên. Vừa ăn, ông Lê Sinh vừa gợi chuyện:
- Hôm rồi, hai mẹ con ăn cơm bên ông Thành có vui không?
Khắc Ninh miễn cưỡng trả lời:
- Cũng bình thường thôi ba.
Ông Lê Sinh chợt hỏi:
- Còn quan hệ giữa con với hai cô nữ thừa kế họ Kim có bình thường không?
Miếng cơm nghẹn ngang cổ họng, Khắc Ninh nhìn sững cha:
- Sao ba hỏi con câu đó?
Ông Lê Sinh cười, thong thả đáp:
- Vì cha con mình cùng cánh đàn ông nên dễ chia sẻ với nhau hơn.
Trầm tư một lúc, Khắc Ninh nhìn cha bằng ánh mắt tin cậy rồi thốt:
- Con và Mỹ Trang yêu nhau nhưng mẹ không thích cô ấy mà lại khuyên con chọn Khả Mi.
Ông Lê Sinh gật gù:
- Đó cũng là một lời khuyên khôn ngoan!
Khắc Ninh bất mãn kêu lên:
- Ba cũng nói vậy thì con ở phe thiểu số rồi.
Ông Lê Sinh cười xòa:
- Nhận xét không có nghĩa là đồng ý. Cảm nhận của hai giới thường không giống nhau. Ba tôn trọng ý kiến của mẹ con nhưng ba vẫn đứng về phía con kia mà.
Khắc Ninh xòe đôi tay tỏ ý khó hiểu:
- Xét mọi phương diện, Mỹ Trang đâu thua gì Khả Mi nếu không muốn nói là nổi trội hơn. Con thật không hiểu vì sao mẹ không thích có Mỹ Trang làm dâu?
Ông Lê Sinh hắng giọng:
- Nghe đây con trai: Phụ nữ thích sự an toàn, còn đàn ông thèm khát sự phiêu lưu. Cưới Khả Mi, con sẽ có một mái nhà êm ấm; Chọn Mỹ Trang thì lúc nào con cũng trong tư thế đối mặt với cuồng phong, không biết sẽ cuốn con trôi đi vào lúc nào.
Khắc Ninh lý sự:
- " Hôn nhân là một cái biển mịt mờ mà đối với nó chẳng có la bàn nào được phát minh" ( Mme De Rieux). Yêu là chấp nhận mọi bất trắc.
Ông Lê Sinh cười to:
- Ai cũng có một thời tuổi trẻ đam mê và bồng bột. Ba không can thiệp vào chuyện yêu đương của con mà chỉ lưu ý con bằng một câu danh ngôn: " Chỉ có những cuộc hôn nhân tốt chứ không hề có những cuộc hôn nhân thú vị" (La Rochefoucauld ).
Dù không bị cha kịch liệt phản đối như ý anh vẫn tưởng nhưng Khắc Ninh đã dao động mạnh trước những lý giải khôn ngoan của cha.
Anh bắt đầu đặt câu hỏi: " Phải chăng mình đã quá vội vàng trong tình yêu?"
Nhận ra vẻ trầm tư của con, ông Lê Sinh nhẹ nhàng nói thêm:
- Ba rất quí Mỹ Trang vì tinh thần cầu tiến và nghị lực của cô bé nhưng ba thích có đứa con gái như thế hơn là con dâu.
Khắc Ninh nhíu mày:
- Vì sao, thưa ba?
Ông Lê Sinh tủm tỉm cười:
- Vì chẳng ai thích con trai mình bị nàng dâu lấn lướt cả!
Nói xong, ông nhìn đồng hồ rồi giục con:
- Ăn nhanh rồi về văn phòng chợp mắt một chút để có sức làm việc tiếp, con à.
Đi giữa ánh nắng chói chang của buổi trưa hè, Khắc Ninh thấy đầu nhức buốt và nóng hực chứ chẳng cảm nhận được cái thi tứ lãng mạn " Nắng Sài gòn anh đi mà chợt mát…" của ông Nguyên Sa chút nào. Hay vì trong lòng anh thiếu vắng một tà "áo lụa Hà Đông"?
ØË×
- Chị Cúc à, chủ nhật này nhà tôi có đám giỗ. Anh Sinh mời chị và cháu Trang qua dự cho vui.
Toan từ chối nhưng bất ngờ một ý nghĩ hay ho vụt lóe lên trong đầu khiến bà thay đổi ý định, hỏi lại bà Sinh:
- Còn ai nữa không? Hay chỉ có tôi với Mỹ Trang?
Im lặng một lúc rồi bà Sinh nhỏ giọng tâm sự:
- Ý của ông xã chứ tôi chưa muốn có động thái vồ vập sớm quá, dễ bị người ta hiểu lầm lắm.
Bà Hồng Cúc hỏi một cách cố ý:
- Có nghĩa là Khắc Ninh đã công khai chuyện tình của mình với cha mẹ rồi, phải không?
Bà Sinh cười gượng:
- Là tôi truy hỏi chứ đời nào nó chịu nói.
Im lặng một lúc rồi bà Hồng Cúc nheo mắt nhỏ khít lại như một lằn chỉ, cất giọng ngọt lừ như chè kho:
- Tôi đã hiểu mục đích chính của bữa tiệc ấy rồi. Xã hội có hiện đại đến đâu thì mẹ chồng vẫn muốn biết qua " công, dung, ngôn, hạnh" của nàng dâu tương lai. Theo tôi nghĩ, nên chuyển lời mời ấy lại cho mẹ ruột Mỹ Trang thì hơn.
Bà Sinh kêu lên:
- Kìa, chị Cúc! Sao chị đẩy chúng tôi vào cảnh khó xử như vậy? Hai gia đình thân thiết với nhau mấy chục năm nay, chúng tôi chỉ biết chị là vợ anh Đạt chứ có quen gì người đàn bà ấy đâu mà mời với mọc?
Bà Hồng Cúc cười nụ:
- " Trước lạ sau quen", có gì là khó?
Bà Sinh vẫn kèo nài:
- Chị nễ mặt tôi một chút được không? Bà ta không thuộc tầng lớp của mình, khó nói chuyện lắm.
Bà Hồng Cúc đáp nửa đùa nửa thật:
- Sui gia tương lai phải cố tìm tiếng nói chung chứ sao lại kỳ thị? Con cái nghe được sẽ buồn chết cho coi!
Không thuyết phục được người đang đối thoại vì lý lẽ của bà quá vững chắc, bà Sinh nín lặng nhưng nét mặt không vui chút nào.
Bà Hồng Cúc nói lững lơ:
- Mỹ Trang còn mẹ ruột mà lại ở cương vị đầy nhạy cảm nên tôi không dám lấn quyền. Phải chi hôm đó chị gọi Khả Mi qua chơi thì thế nào cũng có mặt với cháu.
Ngụ ý của bà rất rõ ràng khiến bà Sinh thêm một phen lúng túng, chẳng biết đối đáp thế nào cho phải.
Dù có thiện cảm với Mỹ Trang hay không thì đây cũng là việc riêng khá trọng đại của gia đình bà, đâu thể vì một lời xúi bẫy của người ngoài mà thay đổi được.
Nhìn bà Hồng Cúc bằng ánh mắt kên gọi sự thông cảm, bà Sinh nhẹ nhàng thốt:
- Tôi không phải là người có tiếng nói quyết định trong chuyện này. Mong chị hiểu giùm.
Bà Hồng Cúc cười khó hiểu, gật đầu liên tục:
- Dĩ nhiên là hiểu rồi, hiểu nhiều nữa là khác. Chúc chị có một bữa họp mặt vui vẻ với các vị khách quí nhé.
Bà Sinh ra về với tâm trạng nặng trĩu bởi dư âm từ cuộc trao đổi với bà Hồng Cúc.
ØË×
Đúng như lời bà Hồng Cúc, bữa đám giỗ là cái cớ để hai bên gia đình gặp gỡ nhau một cách không chính thức. Vì thế chỉ giới hạn số khách mời trong vòng bà con thân thuộc chứ không ra đến người ngoài. Nhà họ Kim cũng không có ai dự ngoài mẹ con Mỹ Trang bởi tính chất tế nhị của buổi gặp.
Sự bề thế của ngôi biệt thự của gia đình Khắc Ninh khiến bà Mai bị choáng ngợp. Từ xưa đến giờ, bà chỉ chứng kiến những cảnh xa hoa lộng lẫy như thế này trên phim ảnh chứ có khi nào được đặt chân vào, vì thế bà cứ liên tục thì thào vào tai con gái:
- Sàn nhà trơn dữ hả con? Mướn người làm chắc nhiều tiền lắm mới dọn dẹp nổi cả khu nhà bự xự như vầy được,phải không Trang?
Mỹ Trang phải dặn dò bà thật cặn kẽ:
- Con đã nói từ lúc ở nhà rồi-mẹ thấy con làm gì thì làm đó, đừng tự ý nói năng hay hành động gì hết, coi chừng người ta cười-.
Bà Mai nhăn mặt tỏ vẻ phật ý:
- " Trứng mà đòi khôn hơn vịt". tao đẻ ra mày chứ bộ!
Điệu bộ của bà khiến Mỹ Trang chán ngán, thầm ước phải chi đừng có mặt ở đây vào lúc này thì sung sướng biết bao nhiêu không?
Có cũng hiểu tính chất quan trọng của bữa giỗ này nên tinh thần rất căng thẳng, muốn mẹ là đồng minh của mình chứ đừng giở chiêu " quân ta đánh lộn quân mình" nhưng cứ tình hình này thì xem như mọi nỗ lực của cô để có một buổi ra mắt tốt đẹp với gia đình người yêu là điều không tưởng rồi.
Thái độ bất hợp tác của mẹ cô xuất phát từ việc được đổi đời đầy may mắn của mấy mẹ con. Lúc trước, biết thân phận mình hèn kém nên bà luôn cắm mặt xuống đất mà làm lụng, không dám nhìn thứ gì xa hơn mấy đầu ngón chân của mình nhưng từ khi mở mày mở mặt thì tính cách cũng thay đổi theo, cứ thích học đòi cung cách trưởng giả hòng lột đi lớp vỏ quê mùa ngày trước. Chính vì thế mà hành vi của bà lộ rõ sự kệch cỡm, " cao không tới, thấp không thông" rất đổi buồn cười.
Mỹ Trang rất hiểu tâm lý của mẹ nên thỉnh thoảng mới góp ý, còn thì để mặc cho bà tìm niềm vui nơi sự đổi lốt của mình. Suy cho cùng, sau bao nhiêu năm dài lam lũ, mẹ cô cũng có quyền được hưởng thụ và tự do làm theo ý của mình chứ!
Nhưng đến hôm nay, vào dịp trọng đại này thì Mỹ Trang mới thấy ân hận vì sự cả nể của mình. Cô đã vô tình tiếp tay làm biến chất người mẹ dung dị, để bà trở thành một hình mẫu lỡ chợ, lỡ quê như thế này.
Giờ có kêu Trời cũng không thấu! Mỹ Trang đành phó mặc mọi sự cho may rủi mà thôi.
Bà Sinh đứng ngoài bậc tam cấp đón khách.
Phải công nhận bà đúng là một phụ nữ đầy lịch thiệp và tế nhị! Dù trong lòng không tán thành sự chọn lựa người yêu của con trai nhưng ngoài mặt bà vẫn tiếp đón mẹ con Mỹ Trang thật niềm nở, không lộ chút thái độ khinh rẻ, bĩ bàng nào. Nhờ vậy mà Mỹ Trang đỡ mặc cảm và bị động trong cách cư xử.
Đón túi trái cây trên tay bà Mai, bà Sinh nói xã giao:
- Làm phiền chị quá! Đây chỉ là bữa cơm mọn trong gia đình thôi, không dám bày vẽ gì hết.
Bà Mai vội đáp lời để chứng tỏ sự lưu loát của mình:
- Được mời cơm ai dám đi tay không. Kỳ lắm, chị ơi! Người ta sẽ nghĩ rằng mình không biết điều.
Bà vừa dứt lời thì có mấy người bước vào với hai tay không, và dĩ nhiên là họ nghe lọt chẳng sót tiếng nào.
Tuy câu nói của bà chỉ là vô tình nhưng vào đúng thời khắc nhạy cảm này nên ai cũng nhìn chăm chăm vào mặt người phát ngôn với ánh mắt kỳ dị, dò hỏi.
Ngượng chín người, Mỹ Trang vội kéo tay mẹ đi thẳng vào trong. Cô hạ thấp giọng van nài:
- Mẹ cứ giữ im lặng giùm con cho đến lúc về, đừng nói gì nữa nha.
Bà Mai có vẻ bực mình, cự nự:
- Mẹ có nói gì sai đâu?
Mỹ Trang chán nãn thở hắt ra. Cô không biết giải thích thế nào cho mẹ hiểu những qui tắc ngầm trong giao tiếp ở những nơi sang cả.
Như người ta vẫn thường nói: " Biết thì thưa thốt, không biết dựa cột mà nghe", mẹ cô cứ thích làm theo ý riêng của mình, sớm muộn gì cũng xảy ra điều rắc rối cho mà xem.
Ngồi vào bàn ăn, một người bà con của chủ nhà ( dường như bà mợ hay bà dì gì của Khắc Ninh thì phải) ở vị trí đối diện với bà Mai cứ nhìn chăm chăm vào cặp lông mày của bà rồi thốt lên một câu chẳng hiểu là khen hay chê:
- Chị xăm hay phun mày mà đậm quá vậy?
Như tìm được tri kỷ, bà Mai hồ hởi khoe:
- Hồi trước tôi xăm, sau trổ màu xấu quá mới xóa rồi phun lại đó. Mất cả hai ba triệu đồng chứ không ít đâu!
Vài nụ cười ý nhị thấp thoáng xuất hiện quanh bàn làm Mỹ Trang mắc cỡ cúi mặt xuống, không dám ngước lên. Khắc Ninh hiểu sự khó xử xủa người yêu nên lòn tay xuống dưới bàn, siết tay cô ra dấu chia sẻ.
Mỹ Trang dần bình tĩnh lại, khẽ nở nụ cười với anh tỏ lòng cảm kích.
Cô thật cảm tạ ơn Trên vì từ lúc đó cho đến hết bữa ăn đã không xảy ra sự cố nào nữa về phía mẹ mình. Do vậy mà sự tự tin đã trở lại với cô và cô cũng mạnh dạn trò chuyện với mọi người để kết thân.
Món lẩu được dọn lên. Trong lúc chờ nước lèo sôi, một người đưa ra lời nhận xét:
- Lẩu ngon là nhờ đồ bổi. Không có mấy thứ bông súng, kèo nèo… mà chỉ toàn cá thịt thì món lẩu chẳng khác nào một người đẹp kém duyên!
Vừa nghe xong thì bà Mai đã lên tiếng góp chuyện để tỏ ra ta cũng là kẻ biết chuyện:
- Hồi tôi còn ở dưới quê thì mấy thứ này chỉ nhà nghèo mới ăn thôi. Không có tiền đi chợ mới ra đìa ngắt về độn cho qua bữa.
Không gian chợt im phắt khi bà dứt lời. Không ai có thể nói thêm được gì sau câu nói "hay nhất bàn" ấy!
Mỹ Trang tức phát khóc. Cô ước gì có một lổ nẻ để có thể chui xuống đó cho khuất dạng!
Sao mẹ cô lại thay đổi đến mức đó chứ? Càng cố phô trương thì càng lòi cái dốt ra thôi! Cha mẹ và họ hàng của Khắc Ninh sẽ đánh giá thế nào về mẹ con cô đây?
Ông Lê Sinh nhấc ly bia mời khắp lượt để khỏa lấp sự cố trật đường ray đó:
- Nào, mời cạn ly để chúc mừng cho sự quen biết của chúng ta.
Bà Mai hăng hái hưởng ứng, uống một hơi cạn ly.
Mỹ Trang dẫm mạnh vào chân bà, thì thầm qua kẽ răng:
- Con năn nĩ mẹ- đừng nói nữa-!
Có vẻ cụt hứng nhưng vẻ mặt của con gái cho bà biết là không nên làm trái ý cô, vì thế bà Mai bắt đầu thưởng thức món lẩu trong im lặng.
Chén bát được dọn gọn trên bàn để đưa trái cây lên tráng miệng. Mỹ Trang thở phào khoan khoái vì sóng êm bễ lặng. Cô nói nhỏ bên tai mẹ:
- Ăn xong rồi mình về. Mẹ đừng gây thêm chuyện gì nữa nha.
Bà Mai gật đầu thay lời đáp.
Người phục vụ bưng chiếc mâm to-trên đó có những cái chén sứ đựng nước thả những lát chanh thái sẵn -, tuần tự đặt trước mặt mọi người.
Chưa đi hết lượt, bà Mai đã nhanh nhẩu vắt chanh vào chén rồi đưa lên miếng uống một hơi dài.
Lần này thì tiếng cười sặc sụa đồng loạt vang lên, không thể kềm giữa được nữa.
Không chỉ Mỹ Trang ngượng cứng mình mà cả Khắc Ninh cũng đỏ mặt trước hành động đó của mẹ vợ tương lai. Anh càng khó chịu hơn khi bắt gặp thoáng chau mày của cha mẹ nên quay mặt đi, tằng hắng!
Bà Sinh lấy cương vị chủ nhà nhẹ nhàng bảo bà Mai:
- Chị ơi, chén nước đó dùng để rửa tay cho sạch mùi tanh của tôm cá trước khi dùng món tráng miệng đó.
Bà Mai ngớ người ra, vẻ mặt bàng hoàng- nửa muốn nhổ ngụm nước trong miệng ra, nửa lại sợ đó là hành vi bất lịch sự nên không dám thực hiện-.
Bà khổ một thì Mỹ Trang khổ mười! Cữ chỉ của Khắc Ninh là giọt nước làm tràn ly. Không thể chịu đựng màn kịch ngớ ngẫn mà mẹ con cô vô tình trở thành nhân vật chính, cô đứng phắt dậy, nói nhanh:
- Mẹ tôi không được khỏe. Xin phép được về trước.
Khắc Ninh theo cô ra đến cổng, nói mà không nhìn cô:
- Để anh đưa em về.
Mỹ Trang cười nhạt:
- Khỏi cần! Trở vào với thế giới quí phái của anh đi!
Cô vùn vụt lao xe đi với tốc độ chóng mặt.
Ngồi sau lưng con gái, bà Mai biết mình là nguyên nhân gây ra mọi rắc rối của ngày hôm nay nên im thít, bám chặt yên xe chứ không dám thốt lời nào.
Gió thốc vù vù vào mặt làm ráo hết những giọt nước mắt loang lỗ trên má Mỹ Trang nãy giờ khiến cô thấy mát rượi và từ từ bình tĩnh lại.
Mặc kệ cái thế giới giàu sang trưởng giả ấy! Cô vẫn là cô, luôn tự tin đứng vững trên hai chân của mình, chẳng cần quị lụy ai hết!
Mùa Đông Trên Mắt Nhớ Mùa Đông Trên Mắt Nhớ - Hoàng Kim Mùa Đông Trên Mắt Nhớ