Số lần đọc/download: 1417 / 12
Cập nhật: 0001-01-01 07:06:40 +0706
Chương 18/51
Q
uỳnh dừng xe ở ngã rẽ vào công trường. Nhìn thấy tấm bảng “Công trường xây dựng Xí nghiệp Xây lắp số 6”, cô xuống xe, ái ngại khi thấy con đường lầy lội. Rồi Quỳnh xắn hai ống quần lên cao, đẩy xe vào. Cô mon men đi trên cỏ. Tuy nhiên, chỉ được một quãng thôi, đoạn đường còn lại toàn là bùn. Quỳnh dừng lại, nhìn sâu vào bên trong. Xa xa, công trường hiện ra với những cột bê tông, những mảng tường xây dở. Quỳnh đẩy xe đi tiếp. Ban đầu cô còn bước thận trọng để không dính bùn vào quần. Nhưng được một lát, cô không còn để ý đến việc đó nữa, chỉ mong sao cho đừng bị té. Hai bánh bị quết đầy bùn, xe như con ngựa chứng, không nghe lời chủ nữa, nó không muốn đi tiếp. Nhìn vào công trường không một mái che, Quỳnh chạnh lòng khi nghĩ đến sự cực nhọc, gian khổ của cha cô mà bấy lâu nay cô vô tình không nghĩ đến. Rồi Quỳnh nhớ lại câu nói của Tuyết sáng nay: “Tuyết thấy bác trai đang ngồi ăn xôi ở chợ...”. Cô thấy lòng tràn ngập một niềm ân hận khi biết được điều đó. Thì ra bấy lâu nay trong khi cha cô cho cô tiền quà sáng đủ để ăn một đĩa cơm hoặc một tô phở để đi học thì chính ông, ông chỉ ăn xôi để đi làm. Quỳnh cũng mới để ý là trong lúc mình ăn mặc đàng hoàng, đẹp đẽ thì cha cô chỉ có một vài bộ đồ cũ. Rồi cô tưởng tượng có lẽ ông làm việc vất vã lắm. Vậy mà cô đã vô tình, lại đòi ông mua cho cô cái quần jeans mà cô đã biết giá của nó gấp mấy trăm lần bữa ăn sáng của cha.
Cổng gác có hai thanh niên, một người trạc tuổi Quỳnh, ốm và đen, chạy ra vịn lấy chiếc xe đạp, hỏi:
- Ðể em đẩy cho, chị tìm ai?
- Tôi tìm ba tôi.
Cậu bé nhìn Quỳnh trân trân như bị hốt hồn. Anh thanh niên còn lại, lớn hơn một chút, chừng hai mươi tuổi, đi ra, giằng lấy chiếc xe đạp:
- Kìa, mày làm cái gì vậy?... Ðể tôi dần cô vào... ê, thằng nhóc, giữ dùm người ta cái xe, có ngon thì rửa dùm cho sạch nghen!... Cô theo tôi. Tôi biết... bác ấy... À, mà ba cô tên gì vậy?
Quỳnh giữ vẻ mặt lạnh lùng:
- Ba tôi tên Nghĩa.
- À, tưởng ai chứ bác ấy... thương tôi lắm!
Quỳnh không nói gì, bước theo anh thanh niên. Anh ta lại gợi chuyện:
- Cô biết không, ba cô là đội trưởng xuất sắc của xí nghiệp đấy...
Quỳnh vẫn không nói lời nào. Ngang qua một chỗ cao có nhiều công nhân làm việc, có những tiếng huýt sáo thổi lên, có tiếng nói:
- Ê, anh Ðực ơi, con gái nhà ai đi lạc vậy?
- Tụi bây đừng nói bậy nghen. Con gái ông đội trưởng đội 2 đó.
Ði một lát nữa Quỳnh nghe tiếng gọi to:
- Bố ơi! Bố, có con gái bố tìm nè.
Quỳnh đỏ mặt, đưa mắt tìm cha. Rồi cô thấy cha cô đang đứng trên sàn lầu hai. Cô đưa tay vẫy vẫy. Ông Nghĩa vẫy lại, rồi quay sang nói gì đó với người đứng bên cạnh.
Người thanh niên tên Ðực hỏi Quỳnh:
- Cô muốn lên trên đó không? Tôi dẫn cô lên.
Quỳnh gật đầu rồi đi theo anh ta. Gặp Quỳnh, ông Nghĩ hôn lên trán con làm Quỳnh thẹn đỏ mặt. Tuy nhiên, cô lấy lại tự nhiên ngay sau đó. Các công nhân ở đây ai cũng đang làm việc: kẻ hàn xì, người đổ bê tông, kẻ bẻ sắt...
Ông Nghĩa giới thiệu người đứng cạnh:
- Ðây là anh Cường, đội trưởng đội 3, còn đây là Quỳnh, con gái tôi.
Người thanh niên tên Cường, trái hẳn với cha cô: quần áo anh ta ủi thẳng, trau chuốt, tay chân sạch sẽ. Anh ta mỉm cười cúi đầu xuống thật thấp:
- Hân hạnh gặp cô.
Quỳnh gật đầu chào lại, rồi quay sang ông Nghĩa.
- Sao, con gái, học hành tốt chứ? - Ông Nghĩa nhìn Quỳnh hỏi.
- Thưa ba, tốt.
- Có việc gì nào? – Ông Nghĩa giở chiếc nón bảo hộ ra, cầm trên tay rồi rút từ túi quần chiếc khăn tay, lau mồ hôi trên trán. Người thanh niên tên Cường quay mặt đi, bước lững thững chung quanh họ.
- Con muốn biết ba làm việc như thế nào thôi. Bà là đội trưởng hả ba?
- Ừ.
- Công việc đội trưởng là làm gì hở ba?
- Nhận lệnh giám đốc, xem bản vẽ, tổ chức và hướng dẫn anh em thực hiện công việc được giao.
Quỳnh liếc anh đội trưởng đội 3:
- Sao ông ấy sạch sẽ thế kia, còn ba thì...
Ông Nghĩa cười:
- Cách làm việc của anh ấy khác, ba khác.
Quỳnh ngước nhìn cha:
- Nhà này là trường học hả ba?
- Không phải đâu, nhà hàng đấy con ạ!
- Trường học đang thiếu, sao họ không xây, nhà hàng nhiều rồi sao còn xây thêm nữa hả ba?
- Có lẽ người ta cho là nhà hàng kinh tế hơn trường học.
Hai cha con cùng rảo bước đi xuống.
Quỳnh im lặng một lúc như suy nghĩ điều gì. Ðột nhiên cô nắm lấy cánh tay cha nói:
- Ba, ba đừng mua quần jeans cho con nữa nha, ba.
- Sao vậy? – Ông Nghĩa nhìn con hỏi.
Quỳnh lại im lặng. Một lát, cô nói:
- Con không thích nữa.
Ông Nghĩa nhớ lại lời hứa sẽ mua cho Quỳnh cái quần jeans. Chưa bao giờ ông hứa với con điều gì mà không giữ lời. Cái cặp mới, cây bút máy, cái đồng hồ đeo tay cô đang mang... chính là những phần thưởng của ông cho Quỳnh. Ông biết Quỳnh mơ ước cái quân jeans đã lâu, ông đã để dành tiền ở sổ tiết kiệm. Nhưng giờ đây Quỳnh bỗng nói là không thích nữa...
- Ba ơi, ba...
- Gì con?
- Sao bao không cưới cô Hạnh hở ba?
Ông Nghĩa quay sang, ngạc nhiên nhìn con. Không ngờ Quỳnh lại hỏi một câu như thế. Ông đưa tay choàng qua vai con gái, vừa đi vừa nói:
- Con thấy cô Hạnh thế nào?
- Cô ấy thật dễ thương!
- Con thích ba cưới cô ấy thực à?
Quỳnh gật đầu:
- Ðúng, con thích!
Ông Nghĩa trầm ngâm, lấy thuốc ra hút. Thấy cha im lặng, Quỳnh không nói gì. Họ đi vài bước nữa thì ông Nghĩa ngồi xuống một cây cừ bê tông. Quỳnh cũng ngồi xuống cạnh cha. Nhưng rồi lại thấy cha im lặng như suy nghĩ điều gì, cô đứng lên, lững thững bước, nhìn lơ đễnh các công trình xây dựng.
Nhìn theo con gái, ông Nghĩa chợt thấy Quỳnh thật giống mẹ. Ngoài một vài nét trên khuôn mặt, Quỳnh giống nhất là vóc dáng cân đối, thanh thoát, bước đi khoan thai, uyển chuyển. Và ông chạnh nhớ về Dung - Vợ ông, mẹ của Quỳnh. Nàng đã chết vì một tai nạn lúc vừa mới hai mươi bốn tuổi, lúc Quỳnh chỉ mới lên bốn. Bị ám ảnh bởi cái chết của vợ, ông đã không cho Quỳnh đi xe đạp mãi tới lúc gần đây. Và một nỗi lo mơ hồ xâm chiếm lấy ông, người ta nói người có tài, có sắc thường hay chết sớm hoặc lao đao, lận đận. Vì vậy, ông đã giữ gìn Quỳnh như giữ một báu vật. Càng thương tiếc Dung, ông càng thương yêu Quỳnh. Cô là hình ảnh của nàng, là nối tiếp cuộc sống của nàng và sẽ nối tiếp cuộc sống của ông. Ông sung sướng vì Quỳnh đẹp, ngoan và học giỏi. Ông đã dành tất cả tình vảm mà ông đã yêu thương vợ cho con, ông sẵn sàng hy sinh cuộc sống của mình cho con. Ông mãi mãi không bao giờ quên lời nói cuối cùng của Dung: “Một mình anh lo cho con chắc là cực lắm. Hồi chưa cưới, chúng mình đã mơ ước có một đứa con gái. Và rồi chúng ta đã có Quỳnh. Ðó là hạnh phúc của em, của anh. Nhưng em tiếc là đã bỏ anh và con đi quá sớm. Chúng ta vĩnh biệt nhau lúc còn trẻ quá, con còn nhỏ quá. Anh có thể... có thể... lấy vợ kế... nhưng anh hãy hứa với em là hãy gắng sức lo cho con đến lúc nó lớn khôn rồi mới lấy vợ, anh nhé!”. Và ông đã hứa. Nghĩ lại, số phận đã mỉm cười với ông. Hạnh đã sớm đến với ông. Nàng đã chia sẻ sự vấ vả, đã an ủi, đã cùng ông chăm sóc Quỳnh. Và trên hết mọi thứ, nàng đã chờ đợi ông. Chờ đợi như người thiếu phụ hóa đá chờ chồng. Thật là đẹp đẽ! Thật là cao quý!
Kỷ niệm là một cuốn phim lưu trữ và giờ đây, ngồi nơi này, nhìn Quỳnh đang cúi xuống ngắt những bông hoa dại, cuốn phim đó đang quay chậm lại... Ðột nhiên, bị xô vào số phận gà trống nuôi con, ông ngơ ngác không biết phải làm thế nào. Cứ mỗi lần Quỳnh nóng sốt, cảm ho là ông chở con đi bệnh viện. Ðến nỗi cô ý tá ở bệnh viện nhi đồng ấy đã chú ý. Cô ý tá ấy chính là Hạnh. Sau này, Hạnh nói: “Em đã tự hỏi mẹ của bé đâu mà chỉ có ba dẫn đi... Và có lẽ anh cũng không ngờ là anh đã chở bé Quỳnh đi ngang nhà em thường xuyên. Lần đầu tiên là một buổi sáng chủ nhật, nhiều mây và trời u ám. Em đang đứng trước cửa nhìn bâng quơ những người qua lại trên đường. Bỗng em thấy anh chở con đi ngang. Em nhận ngay ra là anh và bé Quỳnh. Anh có nhớ là lúc đó anh đi chiệc xe đạp kiểu đàn ông, và anh đặt bé Quỳnh ngồi ở đằng trước, trên thanh ngang của sườn xe có lót cái gối. Bỗng dưng em thấy thương anh quá. Em thương anh, thương Quỳnh. Và suốt buổi sáng hôm đó, em không đi chợ, mà vừa nấu cơm, hâm đồ ăn, làm việc nhà, vừa chờ đợi hai cha con anh trở về đi qua nhà em. Em thấp thỏm, chốc chốc lại đi ra đi vào, đứng tựa cửa nhìn ra đường...”
Ông Nghĩa đứng lên, nhặt một hòn sỏi ném đi rồi nói:
- Thôi, con về đi kẻo trời mưa đấy.
Quỳnh biết những lời nói của cô đã làm ba cô suy nghĩ. Cô không nói thêm gì nữa, ngoan ngoãn ôm cặp đi cùng ba ra cổng, tự hỏi không biết nếu trời mưa, cha cô sẽ trú mưa ở đâu?
- Ba ơi, trời mưa có làm không ba?
- Thỉnh thoảng vẫn làm.
- Rồi ướt hết làm sao?
- Có áo mưa, có nón đội. Những người không cần thiết phải làm thì ở cái lán đằng kia.
Quỳnh le lưỡì:
- Eo ơi, cái kho ấy?
- Nghề xây dựng như thế con ạ, khi đến thì hoang vu, khi xây dựng đàng hoàng rồi thì lại ra đi.
- Thế tại sao ba lại làm nghề này?
Ông Nghĩa mỉm cười, xoa đầu con gái:
- Không có những người như ba, con sẽ không có nhà để ở đâu, con gái!
Họ gặp một đám công nhân đi ngược chiều, quần áo xốc xếch. Bọn con trai nhao nhao lên:
- Bố ơi... bố, con nè bố.
Ông Nghĩa đùa:
- Các người về văn ôn võ luyện, chờ ngày con gái ta ra câu đố nhé.
Rồi ông đặt tay lên vai con gái:
- Bọn con trai ở đây vui lắm. Trước kia tụi nó đều kêu ba bằng anh. Thôi con về nhé. À, ở nhà có sẵn mớ bạc hà, đậu bắp ba mua hồi sáng để ở xống chén... và mấy con cá ba ướp sẵn sả ớt để trong gạc măng giê. Hôm nay con khỏi đi chợ nhé.
Tới cổng bảo vệ, thằng con trải đẩy chiếc xe của Quỳnh ra nói:
- Xe chị đây, em đã rửa sạch sẽ cho chị rồi đó... để em vác ra cho chị nhé.
Quỳnh chưa kịp nói gì, thì nó đưa chiếc xe lên vai.