When they asked me what I loved most about life, I smiled and said you.

Unknown

 
 
 
 
 
Thể loại: Tiểu Thuyết
Biên tập: Ha Ngoc Quyen
Upload bìa: Ha Ngoc Quyen
Số chương: 1
Phí download: 1 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 0 / 1
Cập nhật: 2020-10-23 04:17:18 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 17
1
Hơn sáu mươi năm sau, khi Nhị Bách Ngũ qua đời bà đã được hưởng đầy đủ nghi thức tôn vinh. Các vị lãnh đạo quốc gia và rất nhiều nhân sĩ quốc tế nổi tiếng đều gửi điện chia buồn tới con trai bà, mong anh bớt đau buồn để tập trung vào công việc trước mắt. Trong những năm cuối đời, nhân vật kiệt xuất của Trung Quốc có viết một tập hồi kí hơn hai triệu từ trên mạng liên kết về người phụ nữ có ảnh hưởng sâu sắc nhất đến cuộc đời của anh, người phụ nữ đó chính là bác Lục Thư. Anh được bà bác này dạy dỗ thành người, còn về mẹ mình, anh không có nhiều tư liệu để viết. Mọi chi tiết về xuất thân của mẹ anh như: quê quán, nơi sinh, năm sinh, hoàn cảnh gia đình, bố mẹ... tất cả những điều đó anh đều không rõ! Cho nên ở đây tôi xin mạo muội dành một chương để giới thiệu chút ít về Nhị Bách Ngũ.
Tên thật của Nhị Bách Ngũ là Ngũ Tiểu Hạng, nhưng thật ra chữ Hạng ở đây không phải lấy từ trong câu thơ trang nhã của Lục Du:
Lầu nhỏ một đêm, nghe mưa xuân
Ngõ sâu sáng sớm, bán hoa hạnh.
Nhị Bách Ngũ không biết có phải bị chính bố mẹ bỏ rơi, hay có kẻ tà ác nào bắt cóc cô rồi vứt vào ngõ. Con ngõ này nằm sâu trong thị trấn nhỏ của một huyện nghèo cách quê của Lục Thư và Nhất Ức Lục không xa. Không giống như ở trên thành phố, mỗi con ngõ đều được đặt tên, con ngõ nhỏ ở thị trấn này từ xưa đến nay vẫn chẳng có tên tuổi gì, nếu không Nhị Bách Ngũ có thể đã có một cái tên đẹp hơn.
Sáng sớm tinh sương hôm ấy, có người phát hiện cô bé Nhị Bách Ngũ bị vứt trong con ngõ đó liền lập tức báo công an. Khi công an đến xác minh mới biết đó là một bé gái được bọc sơ sài bằng miếng vải hoa nhàu nát, ngoài ra trên người cô bé không có bất kì vật gì khác. Giai đoạn đó Trung Quốc đang thực hiện chính sách “chỉ sinh một con” nên việc vứt bỏ con gái trở thành “hiện tượng xã hội phổ biến”. Có khi vào nhà vệ sinh công cộng cũng có thể nhặt được một bé gái đỏ hỏn nào đó, việc này thì mọi người không còn lạ nữa. Nhưng cô bé này rất khỏe mạnh, không có vẻ gì là ốm yếu, người lại bụ bẫm, trắng trẻo trông rất đáng yêu. Mấy anh công an liền bế cháu bé đem về đồn. Khi ấy, cái huyện nghèo này vẫn chưa có trại trẻ mồ côi, muốn gửi bé vào trại, người ta phải vượt đèo lội suối mất mấy ngày mới đến được trại trẻ mồ côi của thành phố. Nghĩ đi nghĩ lại anh trưởng công an đưa ra đề nghị:
- Trước mắt nó phải được ăn, được ngủ, được thay tã, xi đái v.v... Nhưng mà ở đây toàn đàn ông con trai với nhau, có ai biết bú mớm, biết quấn tã cho trẻ con đâu? Chi bằng ta xem ở thị trấn có nhà nào muốn nhận nuôi thì trao đứa bé cho họ. Tuy mỗi tháng phải chu cấp cho họ ít tiền nhưng còn hơn là phải lặn lội đến cô nhi viện thành phố.
Vừa hay, ở thị trấn có nhà họ Ngũ làm nghề hàng mã, hai vợ chồng nhà ấy đã già yếu mà vẫn không có con cái gì hết, nghe tin có đứa bé bị bỏ rơi đang ở đồn công an, hai người họ vội chạy đến xin nhận về nuôi. Hai vợ chồng nhà này đã ngoài sáu mươi tuổi, thường ngày họ kiếm sống bằng cái nghề thủ công làm ngựa giấy, người giấy. Ông lão còn là người tàn tật, bị mất một chân nên ông phải lắp chân giả. Bà lão muốn nuôi một đứa con gái khỏe mạnh, để khi lớn lên còn có thể giúp đỡ việc nhà. Bên phía công an cũng trao đổi với hai ông bà, mỗi tháng chính quyền sẽ chu cấp thêm cho họ năm tệ, hai ông bà liền bế cô bé về nhà nuôi.
72
Từ ngày được hai vợ chồng làm hàng mã nuôi đến khi lên bốn năm tuổi, bé gái ấy đã có thể đỡ việc nhà cho họ. Ông lão vui lắm, hằng tối ông lại tháo cái chân giả ra và cô bé lại dùng đôi bàn tay bé nhỏ xinh xắn xoa bóp chỗ khớp nối khiến ông cảm thấy vô cùng dễ chịu, cô bé cũng xem việc xoa bóp khớp gối bóng loáng đó như một trò chơi thú vị. Ngoài những lúc ấy ra, nó chỉ biết chạy qua chạy lại suốt ngày giữa đống ngựa giấy, voi giấy, mà không có lấy một đứa bạn nào để nô đùa. Thấm thoắt cô bé đã mười hai tuổi, tiền chu cấp của thị trấn từ năm tệ đã tăng lên tám tệ nhưng vẫn không thể đủ để nuôi nó, vả lại hai ông bà lão cũng đã hơn bảy mươi tuổi, mọi chuyện trong nhà đều dồn lên đôi vai bé nhỏ của nó. Bé gái cũng rất ngoan, không bao giờ cãi ông bà lấy một câu, có thể vì nó là đứa rất hiểu chuyện. Lúc này, chính quyền thị trấn đã nhiều lần thúc giục ông bà phải cho nó đi học, nhưng họ cứ lần lữa hết năm này sang năm khác. Mãi sau đó chính quyền thị trấn phải quán triệt phương châm giáo dục của Nhà nước thắt chặt việc dạy dỗ con trẻ nên họ đã dứt khoát với hai ông bà lão, họ nói nếu còn khất nữa thì sẽ cắt tiền chu cấp và còn phạt thêm một số tiền nữa. Đến nước này thì hai ông bà đành phải cho cô bé đi học.
Đi học thì cần phải có tên, khi hai ông bà đến đăng kí học cho cô bé mới ngớ người ra khi biết phải có họ tên rõ ràng. Từ nhỏ họ thường chỉ gọi cô bé là “con gái” hoặc thân mật hơn nữa là “gái”. Bây giờ biết phải đặt tên nó là gì? Ông già sực nhớ ra mọi người đều biết nó bị vứt trong con ngõ nhỏ, vậy thì cứ gọi nó là Tiểu Hạng cho xong.
Thế là mười hai tuổi đầu, cô bé mới có họ tên chính thức. Do ông lão họ Ngũ nên họ tên đầy đủ của cô bé là Ngũ Tiểu Hạng.
Ngũ Tiểu Hạng mười hai tuổi mới vào học lớp một, nên nó không thể chơi đùa cùng các bạn cùng lớp sáu bảy tuổi được, nhưng khi nó mon men ra làm quen với những đứa lớp trên thì bọn đấy lại không thèm đếm xỉa gì đến nó. Đi học rồi, nhưng Ngũ Tiểu Hạng vẫn cô độc như lúc ở giữa đám voi giấy, ngựa giấy. Mà hàng ngày nó còn phải cơm nước, giặt giũ, làm gì có thời gian để chơi đùa nữa?
Ngũ Tiểu Hạng cô đơn lặng lẽ học nhảy bậc, đến năm mười sáu tuổi thì nó cũng học xong sáu bậc tiểu học. Cũng năm ấy, bố mẹ nuôi của nó lần lượt qua đời. Chính quyền thị trấn quyết định đưa nó vào học trường trung học cơ sở nội trú.
73
Sau khi bố mẹ nuôi qua đời, Ngũ Tiểu Hạng bắt đầu một cuộc sống hoàn toàn mới mẻ trong trường nội trú. Nó không phải nấu cơm, giặt quần áo nên có nhiều thời gian hơn để chơi đùa. Nhưng các bạn học đều biết nó là đứa không cha, không mẹ, không nhà, không cửa nên rất coi thường, xa lánh nó. Ngũ Tiểu Hạng rất thèm được hòa đồng với các bạn, nhưng khi nó chủ động tham gia thì lại bị bạn bè xua đuổi. Ngay cả khi nó nhặt hộ quả cầu hay trả quả bóng để làm thân thì cũng bị ánh mắt khinh khỉnh của đám bạn học chặn lại.
Không nói cũng hiểu, từ nhỏ Ngũ Tiểu Hạng đã vô cùng tự ti, nó mong được người ta gần gũi, coi trọng, trò chuyện thậm chí nó còn muốn mọi người tiếp nhận sự quan tâm của mình, như thế là nó đã mãn nguyện lắm rồi. Nhưng không may, chính tâm lí khao khát được thương yêu đó đã khiến nó bị một tên lưu manh khét tiếng trong vùng lợi dụng.
Thị trấn nhỏ này tuy nằm ở nơi xa xôi nhưng theo đà phát triển của kinh tế thị trường nên cũng hiện đại hơn. Trong thị trấn đã dần xuất hiện những tụ điểm vui chơi như quán bida, quán điện tử, quán mạt chược, quán karaoke v.v... đủ cả. Tên lưu manh đó có biệt hiệu là Khỉ Quậy, năm mười bốn tuổi đã bị đuổi học, từ đó đến nay hắn chưa một lần bước chân đến trường lần thứ hai. Ngày nào cũng vậy, từ sáng đến tối hắn đều có mặt ở các chốn ăn chơi đó. Cha nó là một tay cờ bạc bất tài vô dụng, mẹ nó cũng không chịu làm ăn, suốt ngày lê mông đi buôn chuyện từ đầu xóm đến cuối xóm; một nhà ba miệng ăn sống nhờ vào số tiền lương ít ỏi của hai đứa con đang làm thuê ở Vũ Hán gửi về.
Một thứ bảy nọ, Khỉ Quậy đang đi ngoài đường thì gặp Ngũ Tiểu Hạng vừa trắng trẻo vừa mơn mởn trong bộ đồng phục trung học. Thân hình cô gái tròn lẳn, mông ra mông, ngực ra ngực trông vô cùng hấp dẫn nhưng nét mặt thì buồn rầu, ủ ê. Khỉ Quậy liền tiến đến làm quen:
- Này, có muốn đi đâu chơi không? Sao mà buồn thế? Bị mẹ đánh à?
Ngũ Tiểu Hạng không phải học ngày thứ bảy, chẳng biết đi đâu chơi nên ra phố cho khuây khỏa, vừa hay lại gặp một chàng trai nhiệt tình, chủ động bắt chuyện nên nó thấy vui ngay.
“Làm gì có ai đánh tôi? Tôi mong được mẹ đánh mà còn chẳng được đây này!
“Chà! Sao lại thế? Có ai lại mong mình bị đánh bao giờ đâu? Cô thật là chả ra làm sao cả. Số cô rồi khổ cả đời thôi!”
Hai đứa nói chuyện với nhau một lúc, Khỉ Quậy mới biết Ngũ Tiểu Hạng chính là đứa bé bị bỏ rơi mà ai trong thị trấn cũng đều biết; cô ta sống nhờ vào tiền chu cấp của chính quyền, năm ngoái bố mẹ nuôi đều chết cả.
Hôm đó, Khỉ Quậy rủ Ngũ Tiểu Hạng đi uống bia, đi chơi điện tử. Cô bé rất phấn khởi, đây là lần đầu tiên nó được hưởng thụ niềm vui trong đời. Khi chia tay, hai đứa hẹn chiều mai sẽ gặp nhau tại cánh rừng ven thị trấn. Khỉ Quậy nói:
- Ở đấy vừa có sông suối vừa có cây cối, lại còn có cả hoa nữa, em sẽ thích mê cho mà xem!
Chiều hôm sau, Ngũ Tiểu Hạng vui vẻ vào rừng gặp Khỉ Quậy. Chuyện sau đó thế nào, không nói cũng có thể đoán ra. Dưới gốc cây cổ thụ, Khỉ Quậy đã hái được bông hoa mơn mởn Ngũ Tiểu Hạng. Chuyện này xảy ra một là phải trách nhà trường chỉ biết dạy kiến thức mà không quan tâm đến vấn đề giáo dục con người cho các em. Nhiệm vụ của các thầy cô giáo chỉ là giữ trật tự trong giờ học còn quan niệm giáo dục về đạo đức, luân lý thì thiếu nghiêm trọng. Những môn chính trị thì toàn là giáo điều rỗng tuếch, xa rời cuộc sống hiện thực của con người mà chỉ cốt học thuộc để phục vụ cho việc thi cử mà thôi. Hai là, Ngũ Tiểu Hạng từ nhỏ đã không có sự giáo dục của gia đình, ở trường cũng không được chơi đùa với các bạn gái, chẳng ai dạy nó biết thế nào là cảm giác xấu hổ của người con gái cả. Nó chỉ biết nhà vệ sinh công cộng thì cần ngăn thành hai bên nam nữ, chứ có khi nó chả biết xấu hổ là gì nói gì đến vấn đề trinh tiết.
Khỉ Quậy “ngủ” với nó, nhưng nó không cho đó là việc sai trái nên cũng không có cảm giác thẹn thùng. Chỉ có điều, hôm ấy Khỉ Quậy sẵn trong người có hơi men nên cũng khá thô lỗ khi quan hệ khiến nó thấy hơi đau, chẳng có chút hứng thú gì với việc đó. Nhưng để giữ được “tình bạn” với Khỉ Quậy, mỗi khi hắn “muốn”, Tiểu Hạng đều đồng ý luôn. Những lúc đó, nó không hề cảm thấy sung sướng hay hưng phấn gì hết mà chỉ nghĩ là người ta cần thì nó đáp ứng thôi. Ngũ Tiểu Hạng cho Khỉ Quậy “ngủ” với mình bao nhiêu bận vì cái gọi là “mối liên kết trong tình bạn”. Trong cái thị trấn nhỏ như cái mắt muỗi này, Khỉ Quậy không chỉ ngủ với mỗi Tiểu Hạng mà còn ngủ với rất nhiều cô gái khác. Chính vì thế, hắn rất hay khoe khoang chiến tích của bản thân khắp nơi. Ven con đường cái đi qua thị trấn có một quán trọ tư nhân kiêm kinh doanh trò chơi điện tử, Khỉ Quậy là khách thường xuyên ở đấy, nó còn nợ ông chủ quán hai mươi tệ nhưng lần lữa mãi không chịu trả. Quán trọ này cũng là nơi dừng chân quen thuộc của cánh lái xe tải, một hôm có người hỏi chủ quán có tiểu thư không.
- Không có tiểu thư thì ma nào thèm đến cái quán trọ tồi tàn của ông nữa?
Ở cái thị trấn bé hin này kiếm đâu ra tiểu thư bây giờ?
Mà đám tiểu thư cũng chẳng bao giờ đến “kiếm ăn” ở quán trọ hẻo lánh này!
Lão chủ quán nghĩ một lát rồi chợt nhớ đến Khỉ Quậy. Ông ta nói với hắn.
- Cậu nói đã ngủ với rất nhiều cô gái rồi, nhưng tôi xem ra đó chỉ là lời bốc phét của cậu thôi. Nếu muốn chứng minh thì hãy tìm một cô đến đây để “phục vụ” gã lái xe tải đi, tìm được thì tôi xóa nợ và biếu cậu thêm mười tệ nữa!
Nghe vậy, Khỉ Quậy nghĩ đây quả là công việc béo bở trời cho, nhưng cô nào cũng có bố mẹ cả, làm không khéo thì lôi thôi to, chỉ có Ngũ Tiểu Hạng là hợp nhất. Nghĩ là làm, hắn đến gặp Tiểu Hạng buông lời dụ dỗ. Hắn nói, mình thiếu nợ ông chủ quán hai mươi tệ, nếu không trả ngay ông ta sẽ đưa nó đến đồn cảnh sát. Nó cầu khẩn cô bé ngủ với đám lái xe tải, chỉ cần làm chuyện ấy vài lần là có thể trả hết nợ cho nó. Từ trước đến giờ chưa từng có người cầu xin Tiểu Hạng điều gì cả, cô bé cảm thấy giúp đỡ bạn bè là nghĩa vụ, trách nhiệm không được từ chối, huống chi chỉ cần chuyện ấy mấy lần là giải quyết ổn thỏa mọi việc.
74
Ngũ Tiểu Hạng khẳng khái cùng Khỉ Quậy đến quán trọ, sau khi giao cô bé cho lão chủ quán, hắn ta điềm nhiên xuống nhà chơi điện tử. Tiểu Hạng theo lão chủ quán vào phòng người lái xe. Người này không chuyện trò như Khỉ Quậy mà bảo cô bé cởi hết quần áo ra để “hành sự” luôn. Họ quan hệ với nhau rất nhanh, khi Tiểu Hạng xuống tầng một vẫn thấy Khỉ Quậy chưa chơi hết ván.
Kỷ luật ở trường nội trú rất lỏng lẻo, chỉ cần học sinh tối về ngủ ở kí túc xá là được, nhà trường không quan tâm các em đi đâu, làm gì. Ngay cả khi đến giờ giới nghiêm vẫn có học sinh về muộn leo tường vào. Người khác còn thế, huống chi là một đứa không cha không mẹ như Ngũ Tiểu Hạng.
Sau đó, mặc dù cô bé đã làm chuyện đó mười mấy lần nhưng Khỉ Quậy vẫn nói là chưa trả hết nợ, và ép nó tiếp tục làm tiểu thư. Một năm nữa trôi qua, Ngũ Tiểu Hạng đã mười tám tuổi.
Có người lái xe thường hay đến nhà trọ tìm Tiểu Hạng, một hôm trời mưa tầm tã, anh ta ngồi nghe cô kể chuyện nên mới biết hoàn cảnh xuất thân của Tiểu Hạng. Anh ta thấy cô vừa ngây ngô hiền lành vừa hồn nhiên nhí nhảnh, lúc thì nghịch ngợm lúc thì trầm mặc, có lúc lạnh lùng như băng giá có lúc lại nhiệt tình sôi nổi, cô gái này thật là một người đa nhân cách với nhiều tầng sâu bí ẩn. Cô ấy lại rất biết chăm sóc chiều chuộng người khác, muốn trà có trà, muốn thuốc có thuốc. Ngay cả lúc trời mưa ầm ầm thế này cô cũng không chịu ngơi tay, còn đem đống quần áo bẩn của người lái xe ra giặt sạch sẽ. Người lái xe nghĩ bây giờ anh ta đang thiếu “bạn đường”, ngoài nhiệm vụ canh giữ không để người lái xe ngủ gật trên đường cô còn có thể phục vụ “chuyện ấy” và chăm sóc anh ta, thật là quá lý tưởng! Anh ta liền bảo Tiểu Hạng:
- Em chưa chưa bao giờ ra thành phố đúng không, từ sáng đến tối cứ ở mãi trong cái thị trấn nghèo nàn này thì có gì hay ho? Ra thành phố mới thấy được thế giới bên ngoài rộng lớn, nhộn nhịp biết bao! Em phải mở mang tầm mắt đi chứ. Như thế này nhé, em đi theo anh, muốn ăn có ăn, muốn uống có uống, lại còn được đi đây đi đó.
Ngũ Tiểu Hạng chẳng cần anh ta nói đến lần thứ hai, đã đồng ý ngay tắp lự.
Hôm sau lại đúng ngày chủ nhật, Tiểu Hạng quay về kí túc xá thu xếp đồ đạc rồi đi với người lái xe tải.
Họ vừa đi đến thành phố C thì người lái xe nhận được điện thoại của chị dâu báo tin anh trai bị mất tích trong vụ sập hầm mỏ. Cả gia đình người lái xe này đều là công nhân ở đấy, bản thân anh ta cũng là người chuyên chở than cho khu mỏ. Nay xảy ra sự cố, mỏ sẽ phải ngừng hoạt động để chỉnh đốn trong một thời gian, như vậy việc chở than cũng bị tạm dừng. Nóng ruột vì chuyện nhà, người lái xe vội giao Tiểu Hạng cho tên lưu manh già và dặn hắn ta rằng tạm thời gửi cô ở đây, đợi khi nào anh ta giải quyết xong việc gia đình sẽ đến đón cô đi. Tên lưu manh này vốn là ma cô chuyên dắt gái cho công nhân khu mỏ, cho nên hắn và người lái xe đã có quen biết từ lâu.
Tên lưu manh già ngắm nghía Tiểu Hạng bằng con mắt lọc lõi: trắng trẻo, tròn trĩnh, đường nét cơ thể đâu ra đấy, chỗ nào cần nhô thì nhô, chỗ nào cần lõm thì lõm. Y chép miệng nói:
- Này, cũng khá nhỉ! Hàng ngon đấy! Nhưng anh phải giao hẹn với nó luôn đi, giang hồ có luật của giang hồ, nhỡ sau này có xảy ra điều gì thì lại bảo tôi cưỡng ép nó, hoặc khi đến nhận lại “hàng” anh lại gầm gừ với tôi.
Người lái xe dặn dò Tiểu Hạng:
- Anh đi rồi thì em phải nghe lời ông ta nhé, ông ta bảo em ngủ với đứa nào thì em cũng phải làm theo như thế. Đợi khi nào thu xếp xong mọi chuyện trong nhà, anh sẽ trở lại đón em.
Lúc sắp đi, người lái xe còn cãi nhau với tên lưu manh già, suýt nữa thì đánh nhau to vì tên này còn thiếu anh ta số tiền gì đó. Hai người lời qua tiếng lại, giằng co to tiếng với nhau. Lão già ấy không phải là đối thủ của anh chàng lái xe trẻ tuổi, cường tráng nên đành phải móc hết tiền trong người ra để trả, tổng cộng chỉ có hai trăm năm mươi tệ! Người lái xe thấy trong phòng trọ của lão ta không có thứ gì có giá trị liền hầm hầm vơ lấy hai trăm năm mươi tệ trên bàn rồi vội vã đi ra.
Tên lưu manh có vẻ rất tức tối, hắn xòe hai bàn tay trắng nói với Tiểu Hạng:
“Mày xem! Thằng chó đó có ngang ngược không? Đồ con c., vơ hết tiền của tao rồi cút mất. Mày phải kiếm lại cho tao hai trăm năm mươi tệ đó. Mẹ, hôm nay đen như chó! Gặp ngay con Nhị Bách Ngũ này, mày phải đền tiền cho tao!
Hai thằng đệ tử của hắn đang ngồi trong phòng thấy vậy cười ầm ĩ. Tiểu Hạng cứ đứng một bên im lặng nhìn người lái xe với tên lưu manh lớn tuổi giằng co nhau, cứ như chuyện ấy không hề liên quan gì đến mình vậy, chẳng khác nào thằng ngốc trong câu tục ngữ “Người ta đem bán mày đi mà mày còn đem tiền đến giúp họ”.
Hai tên lưu manh cười sằng sặc:
- Nhị Bách Ngũ! Đúng quá đi mất, con bé này quả là Nhị Bách Ngũ!
Cái tên Nhị Bách Ngũ trứ danh ra đời như vậy đó!
Ngũ Tiểu Hạng chưa kịp thấy thành phố phồn hoa, chưa được hưởng thế giới tuyệt vời bên ngoài thì đã rơi vào tay bọn lưu manh.
75
Ngũ Tiểu Hạng cũng vui vẻ tự nhận mình là Nhị Bách Ngũ. Đó là vì khi ra thành phố, tên lưu manh già ép nó tiếp khách, đôi lúc khách hỏi tên, nó trả lời là Ngũ Tiểu Hạng. Có người vẫn không hiểu chữ Hạng viết thế nào, nó liền vạch mấy nét vào tay khách, nhưng tóm lại là nhiều người nhầm lẫn lung tung tên của nó; thế nên nó dứt khoát chọn cái tên Nhị Bách Ngũ của tên lưu manh già để giới thiệu với khách. Khi nó xưng tên Nhị Bách Ngũ, mọi người đều phì cười (ngay đến cả Nhất Ức Lục cũng phải cười phun cả coca ra cơ mà), nhưng còn hơn là cái tên Tiểu Hạng, cứ phải giải thích dài dòng mãi.
Ba tên lưu manh quản lí việc làm ăn của Nhị Bách Ngũ, chúng còn mua cho cô một bộ quần áo rất mốt để thay cho bộ đồng phục trên người. Bọn này chả ham muốn đụng chạm đến cô, thứ mà chúng si mê là chất bột trắng; có được chút tiền trong tay là lập tức mua về để hít, nếu không thì lại mua rượu về uống. Nhưng chúng quản Nhị Bách Ngũ rất chặt, ban ngày chúng không cho cô ra khỏi cửa, buổi tối chúng dẫn khách đến phòng Nhị hoặc đưa Nhị đi phục vụ khách. Khi Nhị làm xong, chúng lấy tiền của khách rồi đưa cô đi ăn đêm còn chúng thì uống rượu. Ngoài Nhị Bách Ngũ ra, bọn chúng còn nắm trong tay bốn cô gái khác nên không phải lúc nào Nhị cũng có “việc” mà làm. Trong phòng trọ lại không có tivi, một mình cô sống thui thủi rất buồn, bọn lưu manh chẳng cho cô đi đâu cả, chúng dọa nạt cô phải “giữ yên vị trí, sẵn sàng đợi lệnh”. Vì vậy, ở thành phố đã hơn hai tháng mà cô vẫn không được thấy sự phồn hoa rực rỡ của thành phố C mà người lái xe cũng chả có tăm tích gì.
76
Vào một tối nọ, tên lưu manh vui vẻ đến báo có khách muốn bao Nhị Bách Ngũ qua đêm, qua đêm với khách sẽ được nhiều tiền hơn. Chúng dặn cô phải thỏa thuận trước với người đó rằng: sáng mai người của chúng sẽ đợi ở nhà trọ để nhận tiền, sau đó mới đưa cô đến phục vụ.
Nhị Bách Ngũ đến, cô chỉ nhìn thấy một đám người đang chơi mạt chược, mấy vỏ chai rượu lăn lóc dưới chân. Có một người trong số đó gật đầu ra hiệu cho cô vào phòng ngồi đợi. Lần đầu tiên trong đời, Nhị Bách Ngũ được bước chân vào căn hộ có phòng khách riêng lại còn có cả tivi nữa chứ. Cô chuyển kênh liên tục, toàn là kênh quảng cáo với kênh phim hiện đại chán phèo. Nhị Bách Ngũ cảm thấy loại phim đó chẳng giống cuộc sống hiện thực tí nào, cô chỉ thích xem phim cổ trang với những hoàng đế phi tần, hoàng tử công chúa... Phim cổ trang thoát ly hiện thực nên khiến người xem nảy sinh nhiều mơ mộng, còn phim hiện đại chỉ khiến con người ta chán ngán cái thực tại đầy rẫy xấu xa, nguy hiểm. Điều này có lẽ là nguyên nhân chủ yếu khiến phim cổ trang dài tập ngày càng thịnh hành chăng?
Đám người đánh mạt chược náo loạn ở bên ngoài, có lúc còn cãi nhau như mổ bò. Nhị Bách Ngũ đoán người đàn ông bao mình chưa thể vào ngay được, cô lại tiếp tục chuyển kênh, cuối cùng cũng tìm được một bộ phim cổ trang nhiều tập có Trư Bát Giới, có Ngưu Ma Vương nhưng không có Tôn Ngộ Không mà lại có một chàng trai tuấn tú và một cô gái xinh đẹp. Ngưu Ma Vương đang ép cô gái phải kết hôn với mình, chung quanh là đám yêu tinh hò reo ầm ĩ. Một lát sau, chàng trai tuấn tú không hiểu sao lại tìm được cô gái xinh đẹp ở Hậu hoa viên. Cô gái rút kiếm, giận dữ chĩa thẳng vào cổ chàng trai. Sau một hồi nghe chàng trai nói, cô gái kêu lên một tiếng rồi ngất lịm, thanh kiếm trong tay rơi đánh keng xuống đất. Những lời thoại khác Nhị Bách Ngũ không để ý, nhưng những tâm sự của chàng trai lại khiến cô hết sức cảm động, suýt chút nữa cũng ngất như cô gái! Mấy câu nói kì diệu ấy là:
- Đã từng có một tình yêu chân thành ở bên anh nhưng anh không biết quý trọng, chỉ đến khi mất đi rồi anh hối tiếc thì cũng đã muộn rồi. Trong cõi nhân gian này, đó là nỗi đau khổ không gì sánh nổi. Nếu ông trời cho anh thêm một cơ hội nữa, anh sẽ nói với người con gái mà anh yêu ba chữ “anh yêu em”. Nếu có thể kéo dài tình yêu này, tôi hi vọng nó sẽ kéo dài đến một vạn năm.
Một đoạn thoại ướt át trong phim cổ trang hài hước của Châu Tinh Trì lại khiến Nhị Bách Ngũ “nói người mà ngẫm đến mình” buồn bã như đánh mất cái gì đó.
Khi tivi chiếu chương trình quảng cáo xen giữa phim, Nhị Bách Ngũ ngả người nằm xuống giường, mắt nhắm nghiền. Những người đàn ông từng ăn nằm với cô chẳng ai nói với cô ba tiếng “anh yêu em” bao giờ cả. Từ nhỏ, Nhị Bách Ngũ chỉ quẩn quanh bên những con ngựa, con voi, hình nhân bằng giấy bồi, lớn lên cũng gặp người này người nọ, nhưng người sống cũng không khác gì người giấy, chẳng ai đem lại cho cô sự ấm cúng và thân tình. Những gã đàn ông ăn nằm với cô, giày vò thân thể cô nếu không im lặng chẳng nói câu nào thì cũng gào rú những thứ tởm lợm như “tao đ. mày”, “tao thịt mày” v.v... Có những gã còn bồi thêm chữ “chết” phía sau mấy động từ đó, cứ như có thù oán gì với cô, khiến cho phần dưới của cô đau rát, tâm tư cũng không thoải mái. Hôm nay được nghe ba chữ “anh yêu em”, mặc dù câu nói đó không dành cho cô, nhưng cô vẫn cảm thấy ấm áp, ngọt ngào trong lòng! Chỉ một tiếng “yêu” cũng có thể làm tan chảy cả sắt đá. Con tim của cô đâu phải là sắt là thép mà cũng mềm yếu lắm chứ. Ngay như lúc này đây, nó lại càng dễ tan chảy khiến cho cô cứ thế bất động trên giường.
Cô mơ tưởng sẽ có một chàng trai thốt lên ba chữ “anh yêu em” với cô hoặc “anh thích em” cũng được. Cô cứ nghĩ mãi, nghĩ mãi cho đến khi nước mắt ứa ra, đồng thời cô cũng cảm thấy phần dưới hơi ươn ướt, đó là điều mà cơ thể cô trước nay chưa từng có. Những người đàn ông sau khi làm “chuyện ấy” xong thường chê phần dưới của cô khô khan chẳng khác gì ống cao su, “thật chẳng thú vị gì”. Có người “hành sự” xong còn nhổ nước bọt rồi nói “phí cả tiền, tự dùng tay còn sướng hơn!”. Vậy mà tối nay, phần dưới của cô tự nhiên lại ẩm ướt.
Cô nghĩ nếu tối nay người đàn ông bao cô nói ba chữ “anh yêu em”, thì chẳng cần đến “một vạn năm”, chỉ trong giây lát cũng được; nó nguyện sẽ suốt đời đi theo anh ta, không những không lấy của anh một xu, mà còn kiếm tiền nuôi anh ta nữa. Dù người đó yêu cầu cô làm bất cứ việc gì, kể cả nhảy vào nước sôi lửa bỏng, cô cũng chẳng chối từ! Đang say sưa mơ tưởng thì gã đàn ông vừa nãy bảo nó vào phòng đợi, bỗng hầm hè xông vào. Thấy Nhị Bách Ngũ nằm trên giường, gã hơi khựng lại. Thì ra gã đã quên béng mất cô!
- Mẹ con đĩ! Tao cứ không hiểu vì sao hôm nay tao lại thua nhiều tiền thế, hóa ra là tại trong phòng có con đĩ này! Mau cút nhanh cho tao nhờ!
Gã đàn ông sặc sụa hơi rượu nổi trận lôi đình, lôi tuột cô xuống đất.
- Cút! Tại mày mà bố mày thua bạc! Mày còn muốn giở trò gì nữa?
Nhị Bách Ngũ sợ quá, vụt tỉnh giấc mộng xuân! Bị gã kia lôi tuột từ trên giường xuống đất, cô bàng hoàng như đang lơ lửng trên mây bỗng ngã dụi xuống hố phân, thế giới lạnh lẽo vô cùng! Thế giới này không cho phép cô lãng mạn, cô không có tư cách để lãng mạn! Nhị Bách Ngũ rùng mình trở lại hiện thực, cô chợt nhớ ra rằng ở ngoài cổng còn có một tên lưu manh đang chờ đòi tiền, bất đắc dĩ cô phải nói:
- Tôi sẽ đi ngay, nhưng đó là do ông gọi tôi đến! Vậy ít nhiều cũng nên cho tôi vài tệ, nếu không tôi biết nói với người ta thế nào?
May sao gã đàn ông này chưa hẳn đã say quắc cần câu, gã móc trong túi ra một tờ mười tệ cũ nát rồi vứt cho cô:
- Cút ngay!
77
Ba tên ma cô nghiện ma túy không lôi kéo được mấy khách, cũng bởi chúng gầy giơ xương, da xám ngoét, điệu bộ thì lén lén lút lút nên người ta cho rằng của ấy làm sao có hàng ngon được, chẳng ai thèm buồn để tâm đến lời gạ gẫm của chúng. Túng thì phải tính, bọn chúng nghĩ ra một mánh khóe mới: để cho mấy cô gái tự ra đường kiếm khách, mời mọc những gã háo sắc ngoài phố. Các cô diễn trò “gái nhà lành” thì hiệu quả hơn nhiều việc chúng chào mời khách đến rã bọt mép. Nhưng sào huyệt của chúng lại ở tận ngoại thành, ở đó thì chẳng có mấy người nhàn nhã dạo chơi. Nếu muốn có khách thì phải vào thành phố, nhưng nếu cho mấy cô gái đó vào thành phố kiếm khách thì tiền đi lại, ăn uống cũng tiêu tốn kha khá, như thế số tiền kiếm được trong hôm đó cũng chẳng bõ bèn gì. Thế là chúng nghĩ ra cái trò hết sức đê tiện.
Ba tên bày mưu tính kế với nhau, ngoài ra chúng còn đầu tư hai mươi tệ để mua lại từ một tên trộm chiếc máy ảnh hỏng chỉ lóe đèn flash chứ không chụp được hình, dao thì dùng dao bổ dưa, tiết kiệm được vốn liếng!
Trong số năm cô gái trong tay, bọn chúng thấy chỉ có Nhị Bách Ngũ là tin cậy được, dù có được thả lỏng, cô ta cũng sẽ không bỏ đi vì vẫn còn nghĩ người lái xe sẽ quay lại đón. Bọn chúng liền cho Nhị Bách Ngũ thử nghiệm trước, nếu có kết quả tốt sẽ ra “quân” đồng loạt. Bốn cô gái còn lại thấy thu nhập cao, phần trăm được hưởng cũng cao, tất sẽ không bỏ đi nữa.
Nhị Bách Ngũ lần đầu được thả lỏng thì rất vui! Tên lưu manh già bảo cô cứ đi dạo phố, đến bảy giờ tối lúc rạp chiếu phim sắp mở màn thì đứng ở cổng rạp quan sát xem có người đàn ông nào đi xem phim một mình không, nếu có thì sáp tới xin được xem phim cùng. Nếu người đó đồng ý mua vé cho thì khi vào rạp chắc chắn sẽ sờ soạng cô.
- Mày cứ mặc cho nó sờ soạng, như vậy là con mồi đã vào tròng rồi đấy! Xem xong phim, mày phải lôi kéo nó về “nhà” để lên giường với mày. Đến lúc đó, chúng tao sẽ xông vào trị cho nó một mẻ! Được tiền rồi, tao sẽ cho mày một ít để mày tiêu pha. Còn nếu như thằng ấy không đồng ý về “nhà” thì xem xong phim, mày hãy đòi tiền nó. Đòi tiền nó sờ mày ấy, ít nhất cũng phải lấy lại được tiền ăn cho mày chứ!
Buổi chiều hôm đó, Nhị Bách Ngũ đi đi lại lại gần rạp chiếu bóng. Nơi này cũng là một nơi vui chơi náo nhiệt của thành phố: nhiều người, nhiều xe, nhiều cửa hàng, nhiều hàng hóa, đường rộng, nhà cao, đèn nêông sặc sỡ đủ màu! Vậy mà Nhị Bách Ngũ cảm thấy đây chẳng qua chỉ là cái chợ nhỏ trong thị trấn được phóng đại lên thôi. Điểm khác biệt là ở chỗ, mọi hàng hóa đều có nhãn mác và giá tiền rõ ràng, phía dưới những món hàng đều có gài một mảnh bìa nhỏ có kí hiệu “¥” kèm giá tiền sản phẩm. Nhìn đâu cũng là “¥”, “¥”, “¥” v.v... Nếu trong túi bạn không có “¥” thì dù bạn có thích món hàng đó đến đâu đi nữa thì nó cũng không thuộc về bạn. Nhị Bách Ngũ chỉ có mười tệ mà tên lưu manh già đưa cho, một chút tiền đó thật chẳng bõ bèn gì trong thành phố lớn này. Nhị Bách Ngũ chẳng biết gì đến câu Mác nói “Kinh tế thị trường là một đống hàng hóa tích tụ”. Trong hầu bao của ta không có tiền, thì một thành phố dù lớn đến đâu cũng không thể tuyệt vời được! Sự tuyệt vời của thành phố lớn chỉ phục vụ những người có hầu bao rủng rỉnh, chẳng khác nào sự lộng lẫy của con công xòe đuôi.
Không biết vì sao, điều ấn tượng nhất với Nhị Bách Ngũ chính là kí hiệu ¥.
Mỳ Tứ Xuyên có ba loại ¥, tùy theo bát lớn, bát vừa, hoặc bát nhỏ. Nhị bỏ ra 5 ¥ để ăn bát mỳ Tứ Xuyên lớn. Đến bảy giờ tối thì cô đến đứng ở cổng rạp chiếu bóng. Ấy thế mà, khi Nhị Bách Ngũ còn chưa kịp mở miệng thì đã có người chủ động đến hỏi Nhị đợi ai, nếu không đợi ai thì vào xem phim với anh ta. Đương nhiên Nhị Bách Ngũ bằng lòng ngay, thế là cô cùng với anh chàng mới quen bước vào rạp. Sau khi đèn trong rạp tắt phụt, người đó quả nhiên bắt đầu sờ mó khắp người cô; rồi một cái miệng hôi hám hôn lia lịa khắp mặt cô, chả khác gì gà mổ thóc. Sau khi tan rạp, Nhị không biết làm cách nào dụ dỗ được người đó về phòng trọ của mình, đành tuôn miệng nài nỉ: “anh đi với em nhé!”, “anh đi với em đi!”. Nhưng gã trai lõi đời chỉ nhét một tờ mười tệ vào cổ phông rất trễ của cô nói:
- Đồ điếm ranh con, ai đi đường nấy thôi!
Sờ soạng khắp người, hôn hít thỏa thích mà chỉ có mười tệ! Thân thể và gương mặt cô chỉ đáng giá mười tệ thôi sao?
Ngày hôm sau cũng như vậy, khi Nhị Bách Ngũ vừa đến đứng trước cửa rạp chiếu bóng, thì đã có người đến bắt chuyện. Nhưng cũng giống như hôm trước, sờ mó, hôn hít chán chê vậy mà khi bước ra khỏi rạp anh ta chỉ boa cho cô mười tệ. Rồi chẳng đợi cô kịp nói lời nào, hắn đã lừng lững bỏ đi!
Mười tệ dường như là cái giá cố định của Nhị Bách Ngũ. Mà mười tệ này cũng chỉ đủ cho cô mua vé xe bus khứ hồi, một chai nước khoáng cùng một bát to mỳ Tứ Xuyên!
Trước đây, thường thì khách không trực tiếp trả tiền cho cô, tuỳ đôi lúc cũng có người đưa cô tiền, nhưng cô cũng chỉ được chuyền tay mà thôi. Nhị Bách Ngũ cũng không biết rằng, mỗi lần quan hệ với khách, họ trả bao nhiêu tiền cho Khỉ Quậy hoặc cho đám lưu manh kia? Bây giờ được trực tiếp trả tiền, từ cái giá rẻ mạt đó tờ mười tệ bắt đầu gợi cho cô cảm giác về sự ty tiện! Nhưng cô cũng không biết làm thế nào để được cao quý. “Cao quý” là như thế nào? Rốt cuộc bao nhiêu tệ mới đúng giá trị của cô?
Chỉ có một lần, có một ông trạc bốn mươi tuổi chủ động cùng nó đến phòng trọ. Người này tuy khá nhiều tuổi nhưng lại không có kinh nghiệm gì mấy; lâu lắm rồi mới có dịp đi công tác xa nên ông ta nghĩ, nhân cơ hội này chơi bời gái gú một chút! Nhị Bách Ngũ õng ẹo dựa người vào ông ta, vừa thỏ thẻ “muốn cùng anh đi xem phim”, lập tức ông ta vui mừng khôn xiết! Khi ông ta mò mẫm cô ở trong rạp thì đã nóng hết cả người, chỉ muốn làm “chuyện ấy” ngay trong rạp nhưng Nhị Bách Ngũ đã ngăn lại.
- Đừng vội, đừng vội, xem xong phim thì về nhà với em!
Ông ta cũng chẳng cần Nhị Bách Ngũ ngon ngọt dụ dỗ, phim vừa hết đã vội gọi một chiếc taxi rồi đi luôn, chẳng cần biết là xa hay gần! Vừa bước vào phòng trọ, ông ta liền cởi quần áo và luôn miệng giục cô nhanh nhanh! Hai người vừa lên giường thì ba tên lưu manh đã đạp cửa xông vào! Ánh đèn flash vừa lóe sáng, gã đàn ông đã sợ run cầm cập rồi cứ thế nồng nỗng khoanh tay quỳ lạy trên sàn nhà. Tên lưu manh già nói sao ông ta cũng bằng lòng, dao chưa vung lên, hai hàm răng đã và vào nhau lập cập, mếu máo nói:
- Đồng chí ơi, tôi sai rồi! Tôi sai rồi!...
Tên lưu manh già lột sạch mọi túi áo, túi quần của ông ta được hơn một ngàn bảy trăm tệ, điện thoại di động và một chiếc đồng hồ đeo tay. Khi thấy danh thiếp của ông ta, tên lưu manh già cười khẩy “A, té ra là một ông trưởng phòng cơ đấy!”. Vứt trả cái ví rỗng cho ông ta, hắn nhạo báng:
- Tôi trả lại chứng minh thư và thẻ ngân hàng để anh còn về làm cái chức trưởng phòng của mình cho hẳn hoi. Bai bai!
Tên lưu manh già thưởng cho Nhị Bách Ngũ một trăm tệ. Đó là lần đầu tiên trong đời, cô được trả món thù lao. Hắn khuyến khích cô cố gắng hơn nữa, ngày mai lại tiếp tục đến rạp chiếu bóng, theo kế hoạch mà làm.
Đến ngày hôm sau thì cô gặp Nhất Ức Lục. Nhị Bách Ngũ vừa đến cổng rạp chiếu thì đã có người đến mời cô đi xem phim. Không để tâm đến những lời gạ gẫm của mấy gã đàn ông, Nhị Bách Ngũ nhìn chăm chăm về phía Nhất Ức Lục. Chàng trai này còn quyến rũ hơn anh chàng trong Tây du đại thoại, dáng người cao lớn sáng sủa, khuôn mặt khôi ngô tuấn tú, trong dãy người xếp hàng chờ mua vé, anh ta chẳng khác gì con hạc đứng giữa bầy gà, sức hấp dẫn của anh chàng đã cuốn hút mạnh mẽ Nhị Bách Ngũ. Cô quan sát Nhất Ức Lục hồi lâu mới đưa ra kết luận là anh chỉ đi một mình. Nhị Bách Ngũ thầm nghĩ, hôm qua bọn lưu manh thu được hơn hai nghìn tệ tiền mặt lẫn hiện vật, ngay ta cũng được thưởng một trăm tệ; hôm nay nếu được cùng anh chàng này xem phim thì tốt quá! Thế là sự việc sau đó diễn biến đúng như đã kể ở trên.
Lúc phim bắt đầu chiếu cả rạp tối om, nhưng Nhất Ức Lục chẳng sờ soạng, hôn hít đoái hoài đến cô như những người khác. Nhị Bách Ngũ không phải là đứa con gái mạt hạng, cô chỉ sợ chàng trai đáng yêu này xem phim xong thì hai người đi hai ngả, chia tay từ đây! Cô không biết làm thế nào, đành bắt chước mấy đứa hạ lưu, chủ động “tấn công” anh chàng. Nhưng Nhất Ức Lục chỉ cười, không cho cô động tay động chân, cô đành ngồi im lén ngắm nhìn anh. Nhị Bách Ngũ xưa nay chưa hề nhận được tình cảm của người con trai nào, nên cô khao khát yêu thương và muốn được dâng tặng tình yêu. Sự an bài của ông trời quả thật là kì quái!
Sau khi xem phim xong, Nhị Bách Ngũ không hề cố tình giăng bẫy lừa bịp Nhất Ức Lục mà cô chỉ không muốn chia tay với cậu, nên mới đưa Nhất Ức Lục về phòng trọ. Chỉ khi ở bên anh, cô mới cảm nhận được sự thoải mái vui vẻ, muốn nói gì thì nói, muốn hét thì cứ hét, muốn gọi thì cứ gọi. Nhị Bách Ngũ từ nhỏ đến lớn chưa bao giờ có được niềm vui thuần khiết như vậy. Trêu đùa với Nhất Ức Lục thật sự vui hơn chơi điện tử với Khỉ Quậy rất nhiều, so anh với Khỉ Quậy thật chẳng đáng chút nào. Nhị Bách Ngũ bắt đầu hiểu ra rằng không thể định giá niềm vui bằng tiền và hai thứ đó hoàn toàn khác hẳn nhau, có bao nhiêu tiền cũng không thể đổi lấy niềm vui được.
Đúng là “ngày vui ngắn chẳng tầy gang”, ngờ đâu ba tên lưu manh đột nhiên xông vào. Lúc ấy Nhị Bách Ngũ đã quên khuấy nhiệm vụ của mình, lại tưởng đó bọn cướp nên giật mình ho sặc sụa, nhưng tình thế chuyển biến nhanh như chớp, Nhất Ức Lục làm “anh hùng cứu mỹ nhân” khiến cho Nhị Bách Ngũ đổ nghiêng đổ ngả! Sau đó chả hiểu sao lại có một “bà” nào đấy mắng Nhất Ức Lục té tát, Nhị Bách Ngũ lúc này không ra tay thì còn đợi lúc nào nữa? Cô chả cần biết mô tê quan hệ giữa anh và người phụ nữ đó ra sao, đã sẵng giọng dè bỉu Lục Thư “Cái gì mà ‘đổ bô’, khó nghe chết đi được!” Cô cố tình rít chữ “chết” qua kẽ răng, tỏ vẻ khinh bỉ người phụ nữ đó.
Một Tỉ Sáu Một Tỉ Sáu - Trương Hiều Lượng Một Tỉ Sáu