Số lần đọc/download: 1714 / 11
Cập nhật: 2015-08-19 12:33:14 +0700
Chương 18 -
S
áng sớm tinh mơ, Hương gọi điện thoại cho tôi báo tin đã vô đến Sài Gòn, nhưng đang ở nhà đứa em chồng bên quận ba, chút nữa sẽ kêu xe chở tới nhà tôi và xin tôi địa chỉ chính xác để khỏi kiếm lộn. Khoảng tầm 10 giờ, Hương dắt con đến, thằng nhóc hồi năm ngoái còn đang ẵm ngửa mà nay đã biết chạy lon ton, tay chân bụ bẫm thật dễ thương. Lần này Hương cho thêm thằng lớn cùng một đứa cháu gái vô chơi, nhưng lúc sáng đến nhà thì không thấy thằng nhỏ đâu cả, thì ra nó được chú chở đi Đầm Sen du xuân.
Hương dắt thằng nhóc thứ hai cùng cô cháu gái tới trước, chẳng mang theo gì cả, hành lý còn để bên quận ba. Thằng nhỏ không được tắm rửa tỏ ra bứt rứt khó chịu, Hương đi ra đi vô lủng bủng trách khéo thằng em chồng. Tôi lôi thằng nhỏ ra tắm đại, cắt tóc trước rồi mới dẫn cu cậu vào xối nước, tắm rửa sạch sẽ, lau mình khô, tôi trồng cái áo rộng thùng thình của anh Tin lên người thằng bé, chiếc áo dài đến tận đầu gối, nhìn thằng bé thật tức cười. Mãi đến chiều, đứa em chồng mới chở thằng Duy, con trai lớn của Hương và giỏ hành lý tới.
Thằng Duy lớn hơn con tôi một tuổi nhưng thấp bé ốm ròm. Lần đầu tiên được vô Sài Gòn, cu cậu thích lắm, phân bì đủ thứ, sao ở đây đẹp quá hén má, nhà cửa phố xá gì to quá trời, người đông như kiến cỏ, con chịu nơi đây lắm đó má. Tôi và Hương nằm nói chuyện, thằng nhỏ cũng xán lại gần hóng hớt, lâu lâu lại xen vào hỏi những câu vu vơ, khiến tụi tôi bật cười:
- Má, má với cô Hân cùng tuổi hả? Sao nom má già hơn cổ vậy má?
Hương liếc nhìn tôi cười cười:
- Mẹ cha nó, nó chê tao già kìa mày.
- Thì má con phải vất vả nuôi hai đứa con nên mau già, có sao đâu. Vậy con phải thương má nhiều hơn, phụ giúp má công việc nhà nè, chăm chỉ học hành nè, ngoan ngoãn thì má con trẻ lại liền thôi.
- Cô cũng có con vậy?
- Nhưng cô chỉ có một đứa, má con có tới hai đứa lận.
- Nhà cô đẹp quá, thứ gì nhà cô cũng có, nhà con hổng có gì hết cô ơi.
Nó quay qua giật áo má nó, nói:
- Má, sao má không chịu mua sắm gì giống nhà cô Hân nè má.
- Nhà mình nghèo, tiền đâu mà mua sắm con, nội nuôi hai đứa bay ăn má đã hụt hơi rồi mà con còn ở đó đòi hỏi này nọ.
Nghe thằng nhỏ nói, tôi chạnh lòng nhớ đến thời tôi bằng tuổi nó. Lúc bấy giờ mỗi lần tôi đi học hay đi ra cửa hàng bách hoá mua đồ cho mẹ đều phải đi ngang qua lớp mẫu giáo gần nhà, thỉnh thoảng, các bé học mẫu giáo được ăn liên hoan mỗi khi có các đoàn nào đó về kiểm tra. Tôi đi ngang nhìn các em ăn bánh kẹo mà thèm nhỏ dãi, nhất là quả chà là, thèm lắm nhưng lại không dám xin, chỉ đứng ngoài ngó vào rồi nuốt nước miếng. Có lần một cậu bé làm rơi cục chà là xuống đất, tôi liếc ngang liếc dọc không thấy ai để ý liền lượm mang về rửa sạch và ăn thử, trời ơi cái cục chà là đó sao mà nó ngon thật là ngon! Lúc đó tôi cứ ước mai này thành người lớn, đi làm có tiền mua về tha hồ mà ăn cho bõ thèm. Vậy mà khi vào Sài Gòn, tôi thấy Chợ Cũ bán đầy quả chà là, chất từng keo từng keo trong sạp, tôi chẳng thèm để ý đến, chà là chỉ có mỗi vị ngọt lịm của đường, mà hồi đó tôi lại thấy nó ngon tuyệt. Tôi nhỏm dậy, chống cằm nhìn thẳng vào thằng bé, mỉm cười:
- Con ráng học cho giỏi, mai mốt lớn lên kiềm nhiều tiền, con muốn thứ gì cũng có.
- Dạ, mai mốt lớn lên nhất định con sẽ học thành bác sĩ để trị bịnh cho má, má con bịnh hoài à.
Duy ngước đôi mắt tinh anh lên nhìn tôi với gương mặt rạng ngời. Tôi mỉm cười xoa đấu thằng bé, thằng này coi vậy mà được, có chí khí, đâu phải như con tôi, hỏi về những dự định trong tương lai là nhùng nhằng không biết, con không biết, dường như nó chỉ biết có mỗi chuyện chơi game, ngoài giờ học bài, rảnh một cái là nhẩy vào bấm game ì xèo, thậm chí đi tắm thì quần áo cũng phải có người soạn sẵn, cơm bưng nước rót, 13 tuổi mà chẳng biết phụ làm bất cứ việc gì. Mỗi lần dậy con, tôi hay lôi chuyện ngày xưa ra phân bì, mẹ bằng tuổi con cực khổ như thế nào, mẹ phải làm những việc gì, ăn uống ra sao thì nó cãi lại: "Thời mẹ khác, thời này khác, sao mẹ cứ so sánh này nọ..." Con nít bây giờ ghê gớm thật, mình nói một nó cãi lại mười, lại còn nói láo một cây, không có tính thành thật. Thời này ai còn tin vào câu: "Đi hỏi già, về nhà hỏi trẻ" chỉ có nước " bán lúa giống" mà ăn.
Lần này Hương trông có vẻ mập mạp, da dẻ đã trở lại hồng hào, không còn xanh mướt như kỳ trước. Tôi vẫn liên lạc với Hương thường xuyên qua tán gẫu trên mạng Yahoo Messenger. Từ ngày cơ quan của nó xài Internet, cô nàng học được cách xử dụng điện toán nên ham lắm, ra vô liên tục. Tôi có lưu vào bộ nhớ của máy địa chỉ Hương, mỗi lần Hương lên mạng online, tôi đều biết. Tôi ở nhà một mình buồn nên tối ngày ngồi trước máy điện toán, khi thì viết bài, khi thì đọc báo, khi thì đấu láo với bạn bè. Mấy bữa đầu, Hương ra vô liên tục, tôi ngồi bên này cười tủm tỉm một mình, gửi bài hỏi nó:"Mi làm gì mà nhảy ra nhảy vô YM hoài vậy Hương?" Chỉ vài giây sau nhận được câu trả lời: "Đang trong giờ làm việc, tao online, thấy "xếp" vô nên tắt vội, xếp đi thì mở tiếp." Về sau, nó ra vô nhiều quá làm tôi chóng cả mặt, chịu không nổi đành xoá tên nó trong bộ nhớ, lâu lâu mới viết thư hỏi thăm.
o O o
Buổi sáng ngày hôm sau, tôi và bé Trân lôi cái máy ép hoa quả và năm loại trái cây ra làm thuốc cho thằng con tôi uống, thằng nhỏ ăn không tiêu cứ bị táo bón. Cái máy của Trung Quốc, tôi mua ngoài chợ hết 300.000 đồng (20 USD) cũng có đầy đủ chức năng như một cái máy ép loại của Nhật nhưng trông xấu xí hơn nhiều. Sau khi rửa sạch các loại trái cây, tôi cắt nhỏ từng thứ cho vừa miệng của máy, cắm điện và nhấn nút cho máy hoạt động, máy chạy rít lên nghe muốn rợn gáy, nước và xác rau quả ào ra, bắn tung toé chỉ lấy lại được có phân nửa, còn thì trào hết ra ngoài, tôi bực mình chửi thề, đúng là cái thứ dỏm, làm cái gì cũng dỏm, cũng số tiền này, tôi mua bên Nhật một cái máy ép nhưng chạy rất ngon lành, không có chuyện nước trái cây bắn tung toé như thế này. Phần nước còn lại lợn cợn đầy xác rau quả, tôi lúng túng chưa biết dùng cái gì để lọc lấy bã. Hương ngồi bên cạnh theo dõi công việc tôi làm, vội góp ý:
- Lấy miếng khăn vải xô mà lọc mày ạ.
- Giờ này kiếm khăn đó ở đâu?
- Tao có, để tao lấy cho.
Hương đứng dậy, vào trong phòng lục trong túi hành lý của mình cái khăn của em bé, loại khăn làm bằng vải xô mỏng và mềm. Tôi gọi với vào:
- Lấy khăn mới đó nghen, có không mày?
Không nghe thấy tiếng Hương trả lời, một lúc sau, Hương ẵm con đi ra, đưa cho tôi một cái khăn vải xô, hơi cũ. Tôi ái ngại nhìn, thấy vậy Hương lên tiếng:
- Tìm mãi không thấy cái mới nào cả, lấy tạm cái này đi, sạch mà.
Bất đắc dĩ, tôi cầm lấy đặt vào miệng ly, đổ từ từ nước và xác rau quả trong cái thố của máy ép lên tấm khăn, ép cho nước chảy xuống dưới ly. Sau đó tôi đưa cho thằng nhóc uống. Thằng nhóc cầm ly nước dùng dằng không chịu uống, chê mùi hôi, chê thấy ghê. Tôi bực mình dằng lấy ly nước đổ luôn vào trong bồn rửa chén, giận dỗi bỏ lên trên phòng khách ngồi. Hương cũng ẵm con lên theo, an ủi:
- Ôi! mày giận dỗi con làm cái gì, kệ nó, nó không thích uống đừng có ép.
- Thằng này cứng đầu lắm, nói nó không nghe. Bây giờ ảnh lớn rồi, ra cái điều lý sự lắm.
- Thì bây giờ nó lớn rồi, nó có những suy nghĩ riêng của nó.
- Ừ, mày biết không? Hôm nọ nó còn nói thẳng vào mặt tao: "Mẹ có thương con đâu, mẹ nuôi con ngày nào, mẹ chỉ biết gửi tiền về thôi..."
- Lý sự gớm nhỉ?
Tôi thở dài, thả mình dựa hẳn vào thành ghế, mắt nhìn về một nơi vô định, nói chậm rãi:
- Đấy! Mình đã hy sinh cả cuộc đời cho nó, lo lắng cho nó từng chút một, vậy mà nó có thèm hiểu cho mình đâu. Làm mình tức chết.
- Phải giải thích cho nó biết, bây giờ là tuổi đang lớn mà, tâm sinh lý thay đổi, tụi nhóc hay cọc cằn lắm. Thằng con tao cũng vậy.
Tôi ngồi hẳn dậy, xoay mặt qua Hương:
- Mày tính bữa nào về lại Phan Thiết?
- Tao định chiều qua bên nhà thằng em chồng, chắc tối nay ra bến xe về luôn.
- Sao về sớm vậy? Ở chơi vài bữa đã.
- Về cho sớm cho mấy thằng nhóc nghỉ ngơi, sáng mồng Sáu là nó phải đi học rồi.
Duy đang loanh quanh gần đây, nghe mẹ nói chiều nay phải về tỏ vẻ không vui, cu cậu cằn nhằn:
- Má, sao về chi sớm vậy má, ở chơi vài bữa đã má.
- Mai là tới ngày đi học rồi đó con, nghỉ lâu đâu có được.
Thằng Duy làu bàu:
- Má kỳ quá, đi chơi gì được có một ngày, không đã gì cả. Lần sau má đưa tụi con vô sớm sớm một chút hén má.
Duy xán đến ngồi gần bên tôi, tay chỉ về mấy tấm hình Hàn Thái Tú treo lủng lẳng trên mấy cành nụ tầm xuân, hỏi:
- Cô lấy ở đâu ra nhiều hình anh Tú quá vậy? Cho con một tấm hén.
- Ừa, để cô biểu em Tài lấy cho con một tấm có chữ ký của anh Tú. Con cũng biết Hàn Thái Tú hả?
- Dạ, con thích anh Tú lắm đó.
Thằng Tài nãy giờ thấy tôi giận, cũng mon men lại gần, lên tiếng:
- Mẹ em quen thân với anh Tú lắm đó.
- Thiệt hả cô?
Tôi gật đầu.
- Lần sau con vô đây, cô đưa con lên nhà anh Tú chơi, chụp hình chung cho nó oai hén?
- Thiệt không cô? Cô nhớ hén.
Tôi giơ tay ra móc nghéo với Duy, cu cậu khoái chí cười ngặt nghẽo.
Khoảng 3 giờ chiều, Hương sửa soạn đồ đạc để qua bên quận Ba, tôi ẵm thằng bé, xớ rớ đứng bên cạnh. Mọi việc xong xuôi, tôi trao bé con cho Hương, bẹo má thằng nhỏ, dúi vào tay Hương cái bao lì xì.
- Cầm lấy mua vé xe.
- Thôi, hôm qua mày lì xì cho mấy đứa nhỏ rồi còn gì.
- Đấy là của mấy đứa nhỏ, còn cái này là của mày.
Tôi cười toe toét:
- Đút vào túi đi không có tao lấy lại bây giờ. Nhớ giữ gìn sức khoẻ, cho gửi lời hỏi thăm ông xã.
- Cảm ơn mày, về Phan Thiết, tao sẽ gọi điện thoại báo cho mày biết.
Tôi quay qua xoa đầu thằng Duy, dặn dò:
- Nhớ chăm chỉ học bài nghen con. Qua năm vô đây chơi nữa hén.
- Dạ, qua năm cô có về không?
- Có chớ, năm nào cô không về.
Tôi gọi taxi, đưa mẹ con Hương xuống tận đường, chờ xe chạy khuất mới qua trở lên nhà. Không còn Hương, thằng nhóc con tôi mới thủ thỉ:
- Cái khăn của cô Hương dơ thấy mồ mà mẹ bắt con uống nước đó, con thấy cổ xì mũi cho con rồi lau ngay vô áo, ghê quá mẹ ơi!
Tôi bật cười khi nghe cái lý do thằng nhỏ đưa ra, tôi cũng biết điều đó, nhưng vì nể Hương nên làm đại và mang đổ đi chứ con tôi còn khuya mới chịu uống nước lọc bằng cái khăn cũ. Thằng nhóc có cái tánh ưa sạch sẽ, con tôi hồi còn nhỏ rất dễ thương, ai nhìn thấy cũng muốn nựng nịu, ấy vậy mà hễ người nào có gương mặt xấu xí hoặc nổi nhiều mụn bọc thâm đen là thằng nhỏ né ra liền, ai lỡ hôn nó, nó lấy tay lau ngay chỗ đó và bỏ chạy. Tôi nhớ một lần lúc nó gần ba tuổi, chị Lan đưa nó về Sơn La thăm quê nhà, hàng xóm láng giềng qua chơi nhiều lắm, họ thích nghe giọng Sài Gòn của thằng nhỏ, nghe rồi bàn tán, nhại lại và rú lên cười, cô Tình cưng nó nhất, cứ sấn lại đòi ẵm thằng bé, cu cậu dãy dụa la hét um xùm: "Bác tránh ra đi, bác hôi quá!" May phước cô Tình là người Bắc nghe thằng con nít nói tiếng Nam không hiểu, quay lại hỏi chi Lan: "Nó nói gì vậy?", chị Lan làm bộ giải thích khác đi để cô khỏi tự ái. Con nít đôi khi làm người lớn mếch lòng. Nay nó lớn nên cách cư xử đã khác, phải như hồi còn bé, nó cứ xổ toẹt ra những lời như hồi nãy thì cả tôi và Hương đều bị quê xệ. Tôi định nói với con vài câu thì cái máy điện thoại réo um xùm, tôi phải bỏ dở bước vào trả lời điện thoại.
- A lô.
- Anh đây, lão Đại đây!
- Trời...mấy ngày tết ông biến đi đâu vậy? Sợ lên đây tụi tôi đòi tiền lì xì à?
- Đâu có, anh mắc trực cơ quan.
- Trực gì mà tới mấy ngày liên tiếp? Anh rửa hình chưa?
- Rồi, anh hỏi xem tụi em có nhà không để anh mang lên.
- Tụi em đang ở nhà, mang lên liền đi hén.
- Ờ, anh lên liền, bên nhà em hay bên nhà Lan?
- Nhà em, chị Lan cũng đang ở đây nè.
Lão Đại cúp điện thoại, tôi lò dò ra ngoài bếp, chị Lan đang lụi hụi chuẩn bị bữa cơm chiều, chị Lan lúc nào cũng tỉ mỉ làm những món ăn rất cầu kỳ, trang trí thật đẹp mắt, không giống như tôi cứ phiên phiến cho xong. Chồng tôi rất quý chị Lan ở điểm này, anh khen chị là người chu đáo, anh bảo rằng cả nhà tôi chỉ có mình chị là nhu mì nhất, giọng nói ngọt ngào thủ thỉ bên tai chứ không giống như tôi với Trâm, đàn bà con gái gì đâu mà mở miệng ra là quang quác, nói chuyện trên điện thoại cứ tưởng tụi tôi đang cãi lộn với nhau, đôi lúc anh còn gọi tôi là phát xít, là Hahamama (mẹ ghẻ...)
Chị Lan đang làm món gỏi ngó sen tôm thịt, món này thằng con tôi rất hảo, lần nào chị Lan cũng dành riêng cho nó một dĩa lớn không bỏ ớt cay xè, còn thằng Dừa, chị luyện cho nó ăn cay ngay từ nhỏ. Mấy ngày Tết, thức ăn thừa mứa, thứ nào cũng ngán, chỉ có món cá kho riềng là đắt hàng, cá Diêu Hồng chị Lan cắt khúc bỏ vào nồi kho chung với riềng cho mềm cả xương, ăn với cơm thật tuyệt, chị Lan chẳng đi đâu chơi, chỉ quanh quẩn từ nhà qua đây nấu ăn, đánh bài xong tối về nhà ngủ, có bữa đánh bài khuya quá chị ngủ luôn ở đây.
Tôi xà xuống giúp chị lặt rau thơm, bào cà rốt thành những sợi chỉ và ngâm chúng trong nước lạnh. Bên cạnh, nồi cơm đang xôi bốc mùi thơm dịu.
- Lão Đại sắp lên rồi đấy.
- Lão có mang hình lên không?
- Có chứ.
Tiếng ồn ào từ bên ngoài vọng vào, tôi nghiêng người ngó ra cửa chính, lão Đại lù lù tiến vào, tôi đưa tay vẫy, nói vọng ra:
- Tụi em ở dưới này, xuống đây anh Đại ơi.
Lão Đại đi thẳng xuống bếp, mở nón kết đang đội trên đầu ra, ngồi xuống cái ghế ngay đó, mặt lão nhễ nhại mồ hôi, đỏ lựng, cặp mắt ti hí nhấp nháy liên hồi. Lão lôi trong túi ra một bao giấy, đưa cho tôi, tay tôi vẫn đang còn ướt nhẹp, vội vẩy vẩy vài cái, ngó xung quanh chẳng thấy hộp khăn giấy nào cả, tôi chùi tay ngay vào quần cho khô và đón lấy bao giấy từ lão Đại. Con tôi ngồi ngay đó chứng kiến vội la lên:
- Mẹ ở dơ quá, lại bắt chước cô Hương rồi đó, thấy ghê.
- Sao con không lấy khăn cho mẹ lau, còn ở đó mà lải nhải.
- Mẹ có hỏi đâu mà con biết.
- Ôi, chút xíu nữa mẹ tắm thay đồ ngay bây giờ đó mà.
Tôi hí hửng lôi xấp hình từ bên trong ra ngắm nghía, xấp hình chỉ chừng hơn chục tấm màu đỏ quẹt, cả tôi và chị Lan ai nấy mặt mày nhăn nhúm, mắt thì nhắm tịt, trông thật thảm thương. Tôi chuyển nguyên xấp hình sang cho chị Lan, gương mặt chuyển dần sang thất vọng, bất giác tôi đưa tay rờ lên vết nám đen trên má mình, nói với Lão Đại:
- Tưởng cái máy 60 triệu thì chụp hình đẹp thêm một tí, ai dè trông thấy mà ghê. Coi nè, mặt tôi nám hết trơn rồi nè cha!
Lão Đại nheo mắt nhìn.
- Vẫn còn đẹp gái chán.
- Hôm đi chụp về thì không thấy gì, qua ngày Ba Mươi, mặt bắt đầu đỏ lòm, đến ngày Mồng Một chuyển sang đen xì và các vết nám cũ xuất hiện trở lại. Mèn ơi, tui rầu thúi ruột, ông có biết tôi tốn mất bao nhiêu tiền để điều trị mấy vết nám này không?
- Vài bữa thì nó hết chứ gì.
- Nắng Sài Gòn ghê thật, chỉ có chừng một tiếng đồng hồ không che đậy mà nó nám liền.
- Ăn thua gì, đen cho nó khoẻ em ạ.
- Mà sao máy của anh chụp ra hình màu đỏ thế? Mấy tấm trong máy của em, anh chụp đẹp lắm, màu tự nhiên... Để em mang ra tiệm rửa.
- Tại tiệm rửa hình nó không điều chỉnh màu.
Chị Lan ngồi lật đi lật lại mấy tấm hình, càu nhàu:
- Ông này làm bộ rủ mình đi cho vui, thật ra ông đi săn hình chứ có phải ông chụp cho tụi mình đâu.
Tôi thêm vào:
- Mình chụp hình xấu bỏ mẹ lên, chụp chi nhiều cho uổng phí phim của ổng.
Lão Đại nãy giờ ngồi im không nói gì, chỉ cười hềnh hệch.
- Em nhớ anh chụp nhiều lắm mà, sao chỉ có mấy tấm thế này?
Lão cũng không thèm trả lời, cười típ cả mắt, cặp mắt vốn ti hí, bây giờ lại càng nhỏ hơn.
- Năm mới đã phát tài chưa anh?
- Làm gì đâu mà phát tài, hao tài thì có.
- Anh bận gì không? Ở lại đây ăn cơm với tụi em.
Lão Đại ngần ngừ chưa trả lời, tôi lại nói tiếp:
- Mấy khi mới có dịp, ở lại ăn cơm hén.
Tôi ngước nhìn đồng hồ treo trên tường phía sau chỗ Lão Đại ngồi, mới có 4 giờ chiều, sớm quá, nhưng tụi tôi cũng dọn ra đại. Vào những ngày Tết, việc ăn uống bất thường, đói lúc nào ăn lúc đấy, lâu lâu tôi lại mở tủ lạnh tìm một thứ gì đó cho vào miệng lủm.
Sau bữa ăn, lão Đại ngồi chơi thêm một chút rồi xin phép về. Tối đến chị em tụi tôi lại xúm vào chơi đánh bài tiếp, vừa chơi, vừa coi ti vi. Lúc đầu, cả đám ngồi đặt Lô Tô, sau rã đám dần vì tụi nhỏ nghỉ, ra phố hẹn hò với bạn, còn lại có vài người, tụi tôi chuyển sang chơi Tá Lả. Tá lả là một môn bài bạc thông dụng ở ngoài Bắc dạo sau này, tôi không rành cho lắm, thời tôi còn sống ngoài đó, kiểu chơi bài này chưa có.
- Dì có biết đánh Tá Lả không?
- Quên rồi, đánh như thế nào há?
- Trời! Gặp phải con gà mờ rồi!
- Hồi xưa dì cũng biết chơi sơ sơ, lâu quá quên hết, nhưng không sao, chỉ cho vài đường là xong ngay, học thì làm biếng chớ chơi đánh bài thì lẹ lắm.
Đánh bài Tá Lả có vẻ dễ hơn đánh tiến lên nhưng nếu không tính toán, loạng quạng đền cháy túi. Bài dạng này cũng có bốn tay, xào bài chia làm bốn phần, mỗi phần 9 quân và người chia bài (người đi đầu) chia 10 quân, những quân bài còn lại để úp tại đó. Bài cần phải có "phỏm", tức là có từ ba con trở lên đồng chất đồng màu (giả dụ như cây 3 rô, cây 4 rô, cây 5 rô..) hoặc ba cây 2, ba cây bồi, ba cây 10 chẳng hạn. Sau bốn vòng không có "phỏm" bài bị loại, bài nào đã có "phỏm" được quyền vào vòng trong, số bài cầm trên tay càng nhỏ là người thắng cuộc. Người nào có ba "phỏm" là được Ù, ăn tiền gấp đôi. Người đầu tiên đánh một con bài ra trước, chọn quân bài mà đánh. Người kế tiếp nếu thấy có con để ăn thì kéo vào, đánh xuống một con cho người ngồi bên cạnh, nếu không có con ăn thì được quyền lấy một con trong xấp bài còn dư hồi nãy, rồi chọn ra một con để đánh xuống. Cứ như vậy cho đến bốn vòng, người nào không có "phỏm" thì úp bài chịu thua, người nào có phỏm thì đếm nút tính điểm, người có số điểm nhỏ nhất là người thắng cuộc, bài tính điểm cũng giống như bài xì dách, từ 1 đến 10, bồi, đầm, già cũng tính mười luôn. Bài này chỉ một người thắng nhất được ăn tiền của cả ba người kia. Chú ý người đầu tiên đánh bài xuống mà người ngồi kế bên ăn liên tiếp ba con, bài Ù, người đi đầu tiên bị đền cho cả làng. Tôi không rành cho lắm bị đền liên tục, chán quá tôi nằm dài ra nền gạch bông, nghỉ chơi. Tưởng là tan sòng, ai dè tụi nó lại gây sòng tiếp tục đánh Tiến Lên, thằng con tôi cũng làm một chân, mặc dù không giỏi cho lắm.
Tôi nằm bên cạnh, mắt vẫn theo dõi các trận đánh, thằng con tôi lóng ngóng cầm bộ bài chưa gọn, cứ xoè toé loe gần như lật hẳn ra cho người khác xem, tôi cười khúc khích. Anh này khôn lắm, đánh thắng mặt mày hớn hở, mang tiền đi mua đồ ăn vặt, còn mà bị thua chừng vài bàn là đứng dậy liền nghỉ chơi, cu cậu không có máu cờ bạc, chắc nó giống tôi, thích chơi cho vui chứ không ghiền.
Lúc đầu tôi còn nằm, sau ngồi bật dậy, chỉ thằng con gom bài lại cho gọn.
- Con cứ ngửa bài như thế, chị Anh nhìn thấy hết, sao dốt vậy?
Con bé Anh cười tủm tỉm:
- Dì, sao lại nói xấu cháu.
Được mẹ ngồi bên cạnh mách lỏm, cu cậu về nhất mấy bàn khoái trí cười típ cả mắt. Trong một bàn, khi người bên cạnh đánh xuống đôi bốn, tôi thấy bài của nó có đôi bẩy, một con tám và đôi chín nên tôi xúi con đánh xuống đôi bảy trận lại, thằng nhỏ nhíu mày lủng bủng trong miệng không chịu, tôi lại càng thúc dục:
- Đánh đi con, chận nó lại, con để đôi bẩy làm gì cho lẻ bài, sao dốt thế.
Thằng nhỏ miễn cưỡng đánh xuống, qua được hai người, thằng nhỏ quay lại quạu tôi:
- Mẹ này, chỉ tầm bậy không à.
Cậu Út ngồi kế bên liếc mắt sang:
- Ngu, nghe lời mẹ mày, phá "hàng" ra đánh phải không?
- Tại mẹ con cứ xúi.
Tôi lật bài nó ra, quả là có hàng thật, ba đôi thông 7, 8, 9, thế mà tôi lại xúi nó đánh đi đôi bẩy, cả đám cười lên rầm rộ, tôi cười to nhất, xoa đầu con, hỏi:
- Sao không nói?
- Thì con không muốn đánh xuống mà mẹ cứ bắt.
- Ai biểu con dấu bài mà chi đôi bẩy, một con tám lại đôi chín mẹ tưởng...
- Hồi nãy chính mẹ biểu con dấu bài bây giờ còn nói gì nữa. Thôi mẹ đi ra chỗ khác đi, để tự con chơi được rồi.
Cả đám lại cười rộ, chị Lan lên tiếng:
- Hai mẹ con nó cãi nhau như chó với mèo.
Tôi cười khúc khích bỏ đi vào trong phòng, không ngồi bên cạnh xúi bậy con nữa. Tôi nằm gác tay lên trán, suy nghĩ miên man. Nhớ tới mấy đứa bạn nối khố thời còn đi học, tôi vội ngồi bật dậy, lục tìm cuốn sổ nhỏ trong đống hành lý và tìm số điện thoại của Hồng, đứa bạn gái thân nhất thủa xa xưa, bên kia đầu dây, tiếng của Hồng vang lên:
- A lô.
- Hồng ơi, tao đây! Hân đây!
- Hân à, mày đang ở đâu đấy?
- Tao đang ở Sài Gòn.
- Khoẻ không?
- Khoẻ, còn mày ra sao? Ăn Tết vui vẻ không? Năm mới chúc mày cùng gia đình sức khoẻ dồi dào, ăn nên làm ra, ước gì được nấy nhé.
- Ừ, cảm ơn, tao cũng chúc mày như vậy đấy. Chừng nào ra đây chơi?
- Chưa biết nữa, nghĩ cái đoạn đường lên Mộc Châu, ngán quá mày ơi.
- Đường xá bây giờ ngon rồi, không giống hồi mày ra năm kia đâu, đi có bốn tiếng đồng hồ là tới nơi.
- Mấy đứa lớp mình sao rồi Hồng? Tụi nó vẫn khoẻ chứ?
- Ờ, tụi nó vẫn vậy, tụi thằng Hưng, thằng Chiến không thấy lên, Vợ chồng Hoài chuyển về Hà Nội rồi, nghe nói làm ăn cũng khá. Thằng Bành vừa mới lên nhà mới nhưng thằng con đầu thì nghiện rồi mày ơi. Chán lắm!
Tôi nghe thấy chữ "nghiện", gai ốc lại nổi lên đầy mình. Tội nghiệp cho Bành, nó cố gắng hết sức để tự cai nghiện, vậy mà giờ này, thằng con trai đầu lại sa vào con đường nghiện ngập, rồi không biết cuộc đời nó sẽ ra sao? Tôi buồn khôn tả. Giọng của Hồng vẫn cứ đều đều bên tai:
- Hậu cũng xây nhà mới rồi, nói chung, mấy đứa lớp mình đứa nào cũng đủ sống không đến nỗi nghèo túng. Tao vừa vào thăm bố mẹ Hiền, vào an ủi ông bà già thôi chứ biết làm sao. Nghe ông bà nói, Hiền đang đòi lấy chồng kìa.
Tôi giật mình thảng thốt hỏi lại:
- Ý, Hiền nó ra trại rồi hả? Sao sớm thế.
- Đâu có, vẫn ở tù đấy chứ?
- Ở tù sao lại đòi lấy chồng?
- Thì khi nào ra tù cưới, nó quen một thằng cùng trong trại.
Tôi thở phào, cười ra tiếng. Đúng là cái đồ dở hơi. Mới bị nhốt tù có vài năm mà nay đã tưng tửng rồi. Giọng Hồng vẫn đều đều:
- Thằng Chung Chột lấy vợ năm ngoái, vợ nó vừa sinh con trai cách đây ít ngày.
- Nhanh thế, hồi năm ngoái nghe tao có nghe thằng Chiến gọi điện thoại sang báo tin Chung Chột lấy vợ, thế mà...
- Ồ vậy hả? Chiến vẫn liên lạc với mày hả Hân?
- Ừ, thỉnh thoảng nó gọi cho tao, chẳng biết hắn làm ăn ra sao mà khoe khoang lắm, tao để cho hắn nói chuyện khá lâu, kệ, giàu có mà, cho trả tiền thấy bà nó luôn.
Tôi cười khà khà...Hồng cũng cười theo.
- Ờ, thế còn hai thằng kia, Hiển và Đào thì sao rồi?
- Vẫn ế mày ạ, chẳng hiểu sao không có ma nào ngó ngàng gì đến tụi nó. Thôi Hân nhá, vậy đủ rồi, kẻo tốn tiền mày.
- Gớm, chỉ được cái lo "bò trắng răng". Gọi điện thoại ra đấy tốn bao nhiêu đâu mà, hình như có 2000 đồng một phút.
- Vậy hả? Sợ tốn tiền mày.
Tôi và Hồng còn nói chuyện với nhau khá lâu, sau đó tôi nhờ Hồng gửi lời hỏi thăm đến toàn thể các bạn trong lớp, và cúp điện thoại.
... Mới hôm nào đó tôi với Hồng còn nói chuyện vui vẻ, cười đùa thoải mái. Vậy mà chỉ gần một năm sau, cách đây vài tuần, Hạnh báo tin cho tôi hay: "Chị điện thoại về cho chị Hồng ngay đi, chị ấy bị bệnh nặng lắm, sắp chết rồi". Lòng dạ tôi bồn chồn, cả đêm không ngủ được. Ngay sáng hôm sau tôi gọi điện thoại về cho Hồng, vừa nhận ra được giọng nói của tôi, Hồng mừng rỡ:
- Hân! Trời ơi, gặp mày tao mừng quá, tao cứ sợ chết mà không liên lạc với mày được. Tao sắp chết rồi, Hân ơi!
- Làm gì mà cuống lên thế, chỉ được cái nói năng bậy bạ, mày mắc phải chứng bệnh gì Hồng?
- Chẳng biết, bác sĩ tìm không ra bệnh, chỉ biết là thiếu đường trong máu, hai ngày mà không truyền đường vào máu là cơ thể cứ lịm dần đi, hôn mê nói lảm nhảm. Bây giờ, tao chẳng đi đâu xa được, chỉ quanh quẩn trong nhà thôi. Chán lắm Hân ạ.
- Bệnh gì mà kỳ cục vậy? Hồi cuối năm 2003 mình gặp nhau, mày vẫn khoẻ mạnh lắm mà. Sao kỳ vậy?
- Bởi vậy, đâu có biết trước.
- Phát bệnh từ khi nào?
- Vào giữa năm 2004, người cứ lờ đờ, mệt mỏi, mỗi lần ngất xỉu là nói lảm nhảm như người mê sảng, tao cũng đi bệnh viện điều trị, rồi mọi người lại nói mẹ tao về nhập, xúi tao đi cúng bái khắp nơi, thấy bớt được một thời gian tưởng là khỏi, ai ngờ qua năm 2005 bệnh phát lại nặng hơn, về Hà Nội điều trị tại bệnh viện 108.
- Bệnh viện này của quân đội phải không?
- Ừ, hình như thế.
- Các bác sĩ không tìm ra được bệnh hả?
- Không lúc đầu bác sĩ bảo Tuỵ bị nám đen nếu mổ cắt bỏ đi một khúc thì may ra khỏi. Nhưng sau khi mổ bệnh tình trở nên nặng hơn...Chẳng biết có con gì nó ăn hết đường trong máu mình ấy. Hân ạ.
- Để tao hỏi mấy vị bác sĩ bên này coi họ có biết đó là căn bệnh gì, và có cách gì trị được không nhé? Nghỉ ngơi đi, đừng suy nghĩ lung tung. Có tin gì tao sẽ gọi về liền.
Quả thật, tôi cũng chới với không biết bạn tôi bị mắc phải chứng bệnh gì? Tôi lập tức vào phòng y học thuvienvietnam.com hỏi thăm bệnh tình với chú LuanLe, chẳng mấy chốc chú đã có câu trả lời cho tôi, lòng mừng khấp khởi, tôi lại gọi điện thoại về báo tin cho Hồng hỏi thăm nó vài điều. Đồng thời, tôi gọi điện thoại hỏi thăm mấy bác sĩ quen ở Sài Gòn về chứng bệnh này, người thì trả lời trị được, chỉ tốn kém, người thì bảo khó lắm, ra ngoại quốc thì may ra...thôi khuyên bạn có muốn ăn uống bồi bổ gì thì ăn. Các bác sĩ ngoài Bắc đã đầu hàng rồi thì không chắc còn cơ may nào cho bạn tôi nữa. Lòng tôi chùng xuống, mắt nhoè đi, tôi ngồi thẫn thờ như người mất hồn vía, kỷ niệm thời thơ ấu ngày xưa dường như sống lại trong tôi...
Ngày nào tôi cũng qua rủ Hồng đi học, hai đứa tôi chuyên môn đi học trễ, bị Hiệu Trưởng bêu danh trước cột cờ nhiều lần, nhưng chứng nào vẫn tật nấy. Hồng hơi thấp người lại mập, cô nàng thích lê theo đôi guốc mộc cao cả tấc, gõ cộc cộc xuống mặt đường. Ngày ấy, đường xá xóm tôi chưa có láng xi măng, nên mỗi lần mưa xuống, đất nhão nhẹt, bám chặt vào guốc, dép đôi khi nặng không nhấc dậy nổi. Những lúc như vậy chỉ có nước đi chân trần và xách dép chạy cho lẹ. Hồng học yếu nên thường dựa dẫm vào tôi, mỗi kỳ thi tôi hay cho nó chép bài, có khi còn làm hẳn bài thi rồi đề tên nó nộp cho thầy, quả là gan cóc tía vì chữ nó và chữ tôi khác nhau một trời một vực.
Nhà Hồng nằm ngay ngã ba đường, một đường dẫn vào Ủy Ban Nhân Dân Huyện, một đường rẽ đến khu rừng ma bản Mòn, còn một đường chạy ngang qua uỷ ban thị trấn, kế bên nhà tôi. Đó là một căn nhà gỗ ba gian lợp ngói đỏ, giống hệt theo kiểu dựng nhà người Bắc khi xưa. Tôi thân với Hồng từ nhỏ, ngày nào tôi cũng chạy sang nhà nó vài lần, số thời gian tôi ở nhà nó nhiều hơn là ở nhà mình. Tối tối, tôi vẫn thường học nhóm với nó và thường thì ngủ lại luôn. Tôi vẫn còn nhớ như in cái giường kê gần cửa sổ, mọi người đồn rằng đó là cái giường ma, vì ai ngủ trên đó cũng đều bị bóng đè. Tôi không tin cho lắm và ngủ ở trên đó ba đêm để thử nghiệm, quả thật cả ba đêm tôi đều bị một bóng đen đè đến nghẹt thở và cái giường ấy như bị dựng ngược lên, muốn hất tôi ra khỏi đó. Sau ba đêm kinh hoàng tôi cạch đến già chẳng bao giờ bến mảng đến bên cái giường ma quái ấy nữa. Lạ một điều, khi nằm ngủ trên chiếc giường đối diện thì không có hiện tượng trên.
Mẹ của Hồng là một phụ nữ gầy như que củi, môi thâm xì và có giọng nói khào khào như đàn ông, mọi người xóm tôi vẫn gọi là bà Dần (gọi theo tên chồng), bà bán hàng xén ở ngoài chợ, gia đình khá giả nhất trong xóm. Vì là bạn thân với Hồng, mỗi kỳ nghỉ hè, tôi thường mua hàng chịu của bà để vào trong các làng bản xa xôi đổi lấy nông sản về bán lại cho con buôn dưới Hà Nội, kiếm thêm tiền phụ với mẹ. Bà lúc nào cũng coi tôi như con cái trong nhà. Cũng như mẹ tôi, bà Dần sinh đươc bảy người con, hai trai, năm gái. Các anh chị lớn của Hồng đều có gia đình riêng và chuyển đi nơi khác lập nghiệp, nhà chỉ còn lại Hồng và cô em gái út, nhưng cô bé này học nội trú dưới nông trường cả tuần mới về một lần. Tối nào tôi với Hồng cũng đợi bố mẹ nó đi ngủ hết để hai đứa xúc trộm lạc (đậu phộng), đậu tương (đậu nành), hột Bí rợ hoặc hột Hướng dương, rang lên, sáng mai mang đi học rí rủm ăn với nhau. Vì sợ gây tiếng động, tụi tôi không dùng đũa mà đảo bằng tay, có bữa đảo trúng phải chảo nóng, bị phỏng cả nửa tháng mới hết. Thời bao cấp, nhà nào cũng thiếu ăn, tới lớp học tụi tôi đói vàng cả mắt, nhất là những tiết học cuối cùng, mùi xào nấu thức ăn từ khu tập thể giáo viên thoang thoảng bay vào mũi càng làm cái đói cồn cào.
Ông Dần, bố của Hồng là một người đàn ông thấp người, da đen sạm và lừ lừ y như một cái tủ lạnh. Ông không làm gì cả, tối ngày quanh quẩn dạo chơi trong xóm, rủ ông này, ông kia đánh tổ tôm, sóc đĩa...thỉnh thoảng ông mới ra chợ phụ dọn hàng với vợ. Mọi việc trong nhà, một tay mẹ Hồng thu vén và quyết định. Mùa Đông, ông hay mặc cái áo bông dầy xụ, đầu đội mũ len màu đen, ngồi ru rú trong góc bếp, tăm lúc nào cũng dính ở bên mép. Có lần tôi với Hồng đùa giỡn, cười to tiếng, liền bị ông mắng át đi: "Con gái con nứa...lúc nào cũng nhe nhe nhởn nhởn, chó chẳng ra chó, khỉ chẳng ra khỉ." Tôi im bặt, lấm lét nhìn ông không dám nói gì, nhưng Hồng thì không vừa, nó đáp lại: "Thế à Bố, vậy mà ai cũng bảo con giống hệt Bố." Bố nó nổi đoá hét lên: "Tao đập chết cha mày bây giờ, con cái mất dậy." Tôi mắc cười quá không nhịn được bèn che miệng quay đi chỗ khác cười, bị ông nhìn thấy, chỉ thẳng tay vào mặt tôi quát: "Cả cái con kia nữa, mày cười cái gì...đồ cái lũ mất dạy, cho chúng mày ăn học phí của giời." Sợ quá, tôi lỉnh mất tiêu, cả tuần không dám ló mặt qua nhà nó.
Tôi với Hồng lớn dần lên theo thời gian, cứ như hình với bóng không rời nhau nửa bước, tôi thường xuyên ngủ lại nhà nó hoặc nó qua ngủ bên nhà tôi. Sáng đi học chung, chiều cùng nhau đi lấy củi, tối về học nhóm với nhau. Thời gian tôi ở nhà nó nhiều hơn ở nhà mình, nhiều đến nỗi mẹ tôi chửi toáng lên: "Con Hân, mày cuốn gói quần áo sang ngay nhà cái Hồng mà ở, qua đó làm con bà Dần luôn đi. Hai đứa chúng mày lúc nào cũng dính chặt vào nhau như cứt và đít ấy." Tôi nghe mẹ ví vậy thì lè lưỡi: "Khiếp, mẹ nói gì nghe ghê thế. Sao mẹ lại ví con với cái Hồng như cứt và đít". Mẹ tôi xửng cồ quát lên: "Còn không nữa, cứ quấn lấy nhau đi, có ngày tao đập chết". Tôi ở trong tư thế sẵn sàng...chạy, mỗi lần mẹ tôi bực dọc hăm đánh đòn là tôi ù té chạy liền, chạy bán sống bán chết...vù thẳng sang nhà cái Hồng lánh nạn ở bên đó đợi cho mẹ nguôi giận mới lò mò về lại nhà.
Cả lớp tôi tổng cộng có 54 học sinh, chia làm bốn tổ, Hồng và tôi chung một tổ, lúc nào cũng ngồi kè kè bên nhau, nói chuyện như vẹt, ăn quà như mỏ khoét, luôn bị giáo viên chủ nhiệm cảnh cáo bắt viết bản kiểm điểm tối ngày. Trong lớp học, nhóm tôi có năm đứa là thân nhau với nhau, đi đâu cũng kéo cả lũ đi, chốn học thì cả năm cùng chốn luôn, Hồng, Hiền, Hà, Mai và tôi, đứa nào cũng đành hanh đỏ mỏ mà tôi, kẻ to họng nhất, hung hăng nhất, ai cũng hăm đánh chết bỏ mặc dù cái thân thì ốm ròm, chẳng biết đánh nổi ai. Năm đứa nay đã rã đám hết, Mai chết năm 18 tuổi, Hà và Hiền đều ngồi tù, đứa 15 năm, đứa 20 năm, tha hồ gỡ lịch, số phận trôi dạt tôi qua tận Tokyo, xa xôi ngàn dặm, chỉ còn mình Hồng ở lại quê nhà...vậy mà căn bệnh khốn kiếp kia lại sắp sửa kéo bạn tôi về với lòng đất lạnh, nghĩ đến điều đó là tim nhói đau như có ai châm từng mũi kim vào nó. Biết vậy nhưng lại chẳng có cách gì cứu được bạn. Bên tai tôi vẫn văng vẳng tiếng nói của Hồng:
- Hè mày về à, nhớ ra thăm tao một lần Hân nhé...Ừ, thôi tao cố ráng sống đến hè để gặp lại mày.
Hình như sự chết đã gần kề, bạn tôi vẫn thường rơi vào trạng thái mê sảng, mỗi lúc thiếu đường mà chưa kịp truyền vào máu, Hồng lịm dần đi, đầu óc mơ hồ và ký ức tuổi thơ bỗng lại trở về. Mấy lần gọi điện thoại an ủi bạn, Hồng vẫn luôn nhắc đến những giấc mơ của mình:
- Chẳng hiểu sao dạo này tao cứ mơ thấy hồi chúng mình còn nhỏ thôi Hân ạ, buồn lắm cơ, tao đâu có muốn chết, mày thấy đấy, chưa làm được việc gì cả, con còn quá nhỏ, mình chết rồi, ai sẽ chăm sóc nuôi dậy nó đây? Nếu mà năm nay tao được 50 tuổi thì tao chết cũng yên lòng...đằng này tao còn trẻ quá...
Tôi không dám nhắc nhiều đến căn bệnh của bạn, sợ nó nghĩ quẩn bệnh thêm trầm trọng nên lái qua chuyện khác. Tôi hỏi han bạn bè trong lớp từng đứa một, lúc ầy Hồng cũng như quên đi bệnh tật của mình, trả lời những câu hỏi của tôi thật dí dỏm:
- Tụi thằng Bành mới đến thăm tao cách đây vài hôm, rủ tao đi chơi nhưng chồng tao cản lại, bảo rằng đi đâu lỡ ngất xỉu thì ai mà cõng về được để kịp truyền đường, thôi ở nhà đi. Tụi nó đến đông lắm, cả thằng Đào và thằng Hiển nữa, hai thằng vẫn chưa lấy vợ mày ạ, chúng nó ế thật rồi. Tao có nói với tụi nó rằng có lấy vợ thì nhanh nhanh lên để tao còn dịp uống rượu mừng chứ tình hình này chắc là tao đi sớm rồi đấy.
Tôi băn khoăn:
- Lạ nhỉ, hai thằng trông cũng khôi ngô tuấn tú, không ghiền xì ke, nhà cửa, công việc đàng hoàng, tử tế mà lại không lấy được vợ. Hay là...chúng nó thiếu cái gì...?
- Thằng Hiển vui lắm, nó bảo sao tụi con gái lớp mình không giới thiệu làm mai cho hai đứa nó, cô nào cũng được, xấu, đẹp không thành vấn đề, miễn sao đừng thiếu bộ phận nào là được rồi.
Tôi và Hồng cùng cười rũ rượi trên điện thoại, tôi muốn bạn tôi hãy quên đi căn bệnh gớm giếc kia, để có những giây phút thảnh thơi với phần đời còn lại...mặc dù chẳng biết nó sẽ chấm dứt lúc nào.
o O o
Tôi nằm co ro trên giường bỗng ngồi bật dậy, với tay mở cửa sổ ló mặt ra gọi thằng Út:
- Út, mai mày dặn thằng Định Đen mua cho chị nửa con chó nhá.
Thằng Út nhăn trán hỏi ngược lại:
- Mới đầu năm mà ăn chó làm gì cho nó xui hả bà?
- Tao ăn hồi nào? Mua đặng mốt mang lên cho ông Bắc, ông thích ăn thịt chó. Nhớ dặn lấy chó tơ, đừng giống lần trước mua ngay phải con chó có “chắt ngoại”, dai thấy bà luôn, lấy đầy đủ gia vị và lá mơ nữa đấy nha.
- Dạ, để mai em dặn nó.
Nói xong, tôi đóng cửa lại nằm xuống giường.
Hai ngày kế tiếp, bạn tôi đến kéo đi tùm lum khắp Sài Gòn, mệt đừ cả người.