Người không đủ can đảm để mạo hiểm thì sẽ không gặt hái được gì trong cuộc sống.

Muhammad Ali

 
 
 
 
 
Tác giả: Ngô Thế Vinh
Thể loại: Tiểu Thuyết
Số chương: 26
Phí download: 4 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 1142 / 22
Cập nhật: 0001-01-01 07:06:40 +0706
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
P II - Chương 9 -
ái ý định bỏ trốn đã hiện ra trong óc Vũ. Lúc đầu đó chỉ là một ý nghĩ thoáng qua, sau đó nó bám chặt lấy đời sống Vũ từ những giấc ngủ, lúc làm việc mà không chịu buông tha. Vũ thấy rõ trước mắt những khó khăn đe doạ do dự định liều lĩnh của chàng. Vũ thấy mình đứng trước hai ngả đường mà chàng phải dứt khoát lựa chọn. Tất cả đều làm chàng khó nghĩ. Ở lại để phải chịu khai thác con người mình đến triệt để, cùng phải chịu sự nhào luyện uốn nắn mà Vũ tin thằng thời gian tới chàng không còn là con người mình trước kia nữa. Sau những buổi làm việc đã mệt nhoài, Vũ lại được dẫn lên hội trường để nghe họ cuồng nhiệt la hét. Vũ đinh ninh sẽ cố giữ cho đường lối suy tưởng của mình không bị ảnh hưởng méo mó, chàng thấy mình cô đơn giữa một lớp người không tình cảm không ơn nghĩa, hay ít ra cuộc sống bên ngoài của họ khoác một bộ mặt như vậy. Rồi ra cuộc sống của chàng cũng dần dần trở nên khô cằn song song với những vò xé tâm tư. Ý thức được năng lực chống đỡ của chàng có giới hạn, Vũ thấy trước được rằng sẽ có một hôm đời sống chàng thay đổi hẳn, chàng cũng sẽ sống với một khuôn mẫu như họ. Đó là kết quả tất nhiên của điều kiện hoá, của một thể xác mỏi mệt, chiến đấu đơn độc, tinh thần vật chất đều suy mòn. Những ý nghĩ mỗi lúc một căng thẳng, lúc đó không còn là ý thức chủ động mà là sự đầu hàng buông thả, từ bỏ hết cả đời sống tâm tư để sống một cách máy móc vô tri cho nhân danh sức mạnh của tập thể của tổ chức. Chỉ có một lựa chọn là trốn đi nhưng Vũ cũng thấy trước bao nhiêu cái không thể được của hoàn cảnh hiện tại. Mỗi lần đứng ngoài trời nhìn mấy căn nhà lá đơn lạnh hiện ra giữa khoảng đất mất hút trong trong một rừng núi xanh um, Vũ cảm thấy thế giới bên ngoài mà chàng sống trước kia sao quá xa xôi. Chàng không tưởng tượng được rằng đâu đó ngoài vùng đồi núi thâm u sẽ có xóm làng, có đồn trại của những đồng bạn và ở những thành phố đâu đó xa xôi các người thân yêu của chàng đang sống yên ổn dễ dãi. Vũ tự hỏi nếu chàng từ bỏ nơi đây mà ra đi có phải chàng muốn trở về một đời sống cũ dễ chịu, nơi đó có hứa hẹn một tương lai êm ấm, Vũ sẽ gặp lại mẹ và các em, chàng tin rằng mình sẽ thiết tha với gia đình hơn. Nếu về được, chàng sẽ cưới Huyền làm vợ với ý nghĩ hạnh phúc là mình đã có một đứa con. Cuộc sống chàng sẽ lại bắt đầu, chắp nối một đoạn đời đứt quãng và gây dựng lại mộng ước đã bị va chạm đổ vỡ trước kia. Nhiều lúc nằm trằn trọc trên chiếc chõng tre trong đêm tối, giữa khí trời vùng rừng núi ẩm lạnh, Vũ từng thức trắng những đêm dài mệt nhọc với những ý nghĩ miên man cắn rứt tâm tư đến lúc đầu nóng ran, chàng lại lịm vào một giấc ngủ muộn nặng như chì. Đôi lúc hình ảnh Ngân lại hiện ra với vẻ đẹp thiết tha, đôi mắt Ngân - vẫn đôi mắt đêm đó ngoài phi trường hôm tiễn đưa Bách, êm ái nhìn chàng với biết bao tình ý. Trong cả những cơn sốt, mình đầm mồ hôi nằm thở hổn hển, nghe tiếng gió thổi ào ào ngoài rừng, Vũ tưởng tượng đến một bàn tay êm mát đặt nhẹ lên trán, không khí thoảng hơi thở ấm và hương thơm nhẹ của làn da mái tóc làm chàng như dịu lại. Hình ảnh khi thì Ngân, khi thì Huyền mỗi lần hiện ra sống động trong hồi tưởng đã khoảnh khắc tránh cho chàng những ý nghĩ khó khăn sắp đến, đó như một nguồn an ủi chỗ bấu víu giữa những thô bạo khô cằn mà chàng đang phải sống với. Vũ tưởng tượng mình như một con chim bị nhốt trong căn phòng lớn vẫn ôm khư khư ảo tưởng về tự do nhưng sự thật lưới bẫy đã giăng ra khắp chốn. Nhưng chàng vẫn phải thoát ra cho dù đời sống có bị tàn tạ hay huỷ diệt. Vũ đinh ninh mình sẽ sắp đặt suy tính kỹ lưỡng trước khi hành động. Chàng bàn chuyện này với anh Huống cách đây ít lâu:
“Tôi muốn rời khỏi nơi đây cho dù thế nào.”
Huống nghiêm mặt lắc đầu:
“Chú bàn chuyện này quá sớm, mà chắc là không được đâu.”
Mặt Huống hiện rõ vẻ băn khoăn nói tiếp như một mệnh lệnh:
“Chú phải nghĩ khác và không được làm thế.”
Hiểu ý Huống muốn nói gì, Vũ tiếp:
“Cũng vì thế mà tôi tính bàn chuyện với anh, chứ liệu hy vọng gì...”
Huống tính vốn thâm trầm và kín đáo, rất ít khi để lộ tình cảm. Vũ thấy trên nét mặt anh hiện rõ cái cố gắng giữ cho vẻ mặt được bình thản trước những giằng co. Huống già dặn về đời sống cũng như về tuổi tác. Tình cờ bị bắt về đây Vũ nhận ra Huống ít lâu sau...
Vũ biết Huống từ hồi tản cư kháng chiến chống Pháp, sống trong một làng nhỏ bên bờ sông Mã. Khi Vũ chưa được mười tuổi anh Huống đã là một thanh niên, con ông Bản Thưởng một gia đình phú nông khá giả. Huống cao lớn có nét mặt trắng trẻo và sáng sủa của một thanh niên ở tỉnh. Anh có lên tỉnh học hết ban trung học nhưng sau đó trở về làng khi chiến tranh xảy tới. Chính sách tiêu thổ kháng chiến đã tàn phá tất cả trước khi giặc tới. Sự học dở dang anh trở về làng quê sống trong khung cảnh một hậu phương yên ổn và dễ dãi. Những cảnh êm đềm của làng quê cũng mất dần, số người tản cư đổ dồn tới đông đảo, họ mở nhà máy dệt, quán ăn, hàng giải khát. Bộ đội lũ lượt qua làng hay dừng lại dưỡng quân. Buổi tối lại thỉnh thoảng náo nhiệt với các buổi văn nghệ hay biểu tình rước đuốc. Anh Huống cũng không rỗi rãi như trước kia nữa. Ít lâu sau Vũ không còn được gặp anh. Một năm sau cùng với toán bộ đội về đóng làng, Vũ gặp lại anh Huống. Huống trông khác xưa, dắn dỏi và đen vạm vỡ, là cấp chỉ huy anh nghiêm trang và ít nói hơn trước. Gặp Vũ anh ôm hôn và xiết chặt bàn tay nồng nàn. Anh không nói chuyện bắn chim hay đi câu như trước kia nữa. Anh kể cho Vũ nghe những chuyện ngoài mặt trận, những chuyện như Kim Đồng và những hành động yêu nước can đảm của các em thiếu nhi liên lạc. Một buổi tối dưới ánh đèn dầu tây trong căn phòng kín đáo, Vũ im lặng nhìn xem anh làm việc giữa đống giấy má chất cao trên bàn và đầu óc tưởng tượng miên man bao nhiêu chuyện khác. Vũ tò mò giơ tay với chiếc bật lửa sáng chói làm bằng vỏ đạn đồng để bên kia góc bàn, khi rút tay về, cánh tay quơ phải ngọn đèn dầu lật đổ xuống tối om. Vũ quá hoảng sợ nhưng anh Huống thì vẫn điềm đạm thắp lại ngọn đèn khác, trong ánh đèn mới thắp sáng Vũ thấy trên nét mặt anh hiện vẻ nghiêm khắc rõ rệt, anh lạnh lùng bảo Vũ:
“Em bước ra ngoài chơi, không sao.”
Vũ vừa sợ vừa hối hận trên đường buổi tối trở về nhà. Sáng sớm hôm sau lúc tỉnh dậy, Vũ có cảm giác là lạ hoang vắng. Thì ra toán bộ đội rất đông đảo đã lẳng lặng rút đi từ đêm qua. Ngay buổi trưa, một đoàn máy bay phóng pháo Pháp tới oanh tạc làng, bắn chìm các thuyền trên dọc sông và bỏ bom xuống chợ... Tang tóc và đau thương cũng qua đi, đời sống của hậu phương lại phục hồi, Vũ không còn có dịp gặp lại anh nữa. Một hôm cũng một đoàn quân khác qua đây, Vũ được nghe tin anh can đảm ôm bom nhảy vào chiến xa Pháp và tan xác không còn gì nữa...
Khi nhận ra Vũ ở nơi đây, cặp mắt anh trở nên xa xôi, nét tư lự hiện ra rõ rệt, nhưng cả hai cùng cảm thấy một sự ngăn cách và khác biệt về các ràng buộc và nguyên tắc.
“Mau quá thấm thoát chú đã thế này...”
“Em chẳng thể ngờ là có thể gặp lại anh ở đây, hồi đó em nghe nói anh vào Nghệ An và bị...”
Vẻ mặt anh hơi buồn gật đầu bảo Vũ:
“Có, lúc tình nguyện ra đi anh cũng đã cầm chắc cái chết nhưng không ngờ sau vụ đó anh chỉ bị thương nặng, được đưa về hậu tuyến một năm. Anh được tuyên dương và sau đó được phép trở về Thanh nghỉ ngơi một thời gian, lúc đó nghe tin gia đình chú đã dinh tê rồi. Ở nhà ít lâu anh lại tình nguyện ra Bắc, suốt cho đến nay anh cũng không biết gia đình thế nào.”
Hai người đang đứng giữa sân, anh yên lặng đưa mắt nhìn một bóng người trong đám cây rậm vừa hiện ra. Hắn vội vã lại gần Huống nghiêm chào dáng thành thạo. Dáng người hắn dỏng cao, trông có vẻ gầy hơn trong bộ bà ba đen hơi rộng, màu áo bạc rõ rệt trên hai cả bờ vai. Nét mặt hắn xương xương khô khan, hai gò má cao làm trũng sâu đôi mắt đen thăm thẳm dưới làn mi rậm. Râu quai nón của hắn chắc cả mấy ngày chưa cạo nên xanh rờn cả hai bên má, cặp môi mỏng mấp máy, đồng thời hắn đưa mắt sang nhìn Vũ với vẻ nghi kỵ. Huống biết ý để mặc Vũ đứng đó, dẫn hắn ra một chỗ khá xa và khuất bóng. Vũ thơ thẩn đứng nhìn cảnh đồi núi trùng điệp, trên cao bầu trời thấp hẳn xuống vì những đám mây đen nặng trĩu. Gió thổi mạnh vào các cành lá qua những thân cây kêu rú ào ào như sắp có giông bão. Mặt trời hơi ló ra lại bị che lấp làm tắt ngúm những chùm tia sáng hình nan quạt. Phía trong xa mấy căn láng lợp tranh trông trống trải và lạnh lẽo; lác đác vài bóng người đi lại lúc nào cũng như câm nín. Vũ đứng miên man suy tính...
Một lúc sau Huống trở lại một mình, vẻ mặt lãnh đạm, anh hất đầu bảo Vũ như ra lệnh:
“Trời sắp đổ mưa, chú đi vào trong. Tôi phải đi. Chú và cô Nhan sửa soạn phòng phẫu sắp phải bận nhiều việc lắm.”
Huống chỉ nói mấy câu trống không rồi bỏ đi. Vũ lững thững bước về lán chờ đợi. Gặp Nhan ở đó đang bận rộn sửa soạn các thứ. Vũ đoán có lẽ Nhan đã được biết tin từ trước. Ngay cả với Huống, Vũ nghĩ mình luôn luôn là kẻ ngoại cuộc.
Nhan thường ngày ít nói, lúc làm việc Nhan chỉ nói tới công việc phải làm chứ không bao giờ bàn tán chuyện vẩn vơ xa xôi. Dáng người Nhan hơi thấp nhưng trông vững chãi và khoẻ mạnh. Vẻ mặt con gái của Nhan vốn dễ thương nhưng lúc nào cũng làm ra vẻ nghiêm khắc, rất ư là không hợp với tuổi trẻ của nàng. Lúc đầu Vũ thấy khó chịu nhưng nghĩ lại đời sống ở đây phải như thế, nên chàng cũng quen đi. Nhan thành thạo công việc và khéo léo. Khi rảnh rỗi hai người thường ngồi đối diện trò chuyện. Lúc đó Nhan rất thích nói về chính trị và bàn về những vấn đề tư tưởng mà nàng đã thuộc nằm lòng. Nàng cố gắng thuyết phục Vũ và coi đó như bổn phận thứ hai của nàng. Vũ thường ngồi im lặng chịu sự cải tạo tư tưởng của Nhan, rồi chính Vũ tự hỏi ý nghĩa đời sống tâm tư Nhan như thế nào.
Bên ngoài gió đã im, mưa bắt đầu trút xuống mờ hết cảnh vật xa xa. Thỉnh thoảng một cơn gió mạnh ào tới, thổi ùa nước mưa qua cửa sổ. Trên bầu trời thẫm đen có những tia chớp loé sáng ngoằn ngoèo, tiếp theo những tiếng sấm chối tai như nổ ngay trên mái. Nhan đi ra phía cửa hạ tấm màn tre xuống. Vũ thấy bớt lạnh, trong phòng trở nên ấm cúng và tối hơn. Một con muỗi bay vo ve qua tai Vũ rồi đậu trên má, Vũ giơ tay đập mạnh thành tiếng kêu, con muỗi thấy động đã bay đi trước khi bàn tay chạm xuống. Vũ hồi tưởng những buổi tối một mình trong cư xá yên lặng và buồn nản để chỉ biết học. Những ngày nghỉ cũng như ngày tết Đại học xá thường vắng tanh. Các dãy nhà dài hun hút trong bóng đêm bên ngoài. Trên bờ thềm một bóng đen ngồi trong bóng đêm im lặng, ngửa mặt lên bầu trời như cố tìm chút ánh trăng sao như khát khao một niềm tin và hy vọng. Vũ thì vẫn ngồi trên bàn học từ lâu lắm cho đến lúc những trang giấy đặc chữ cũng mờ đi và trở thành trắng xoá...
Tiếng tặc lưỡi của mấy con mối trên vách lúc này như càng kéo Vũ về những ngày xuân của dĩ vãng. Có tiếng người lao xao gọi vẳng xa ở phía ngoài, Nhan đứng bật dậy thắp vội lại ngọn đèn, căn phòng vụt sáng lên với ánh đèn lập loè làm những bóng đen trên tường rung rinh chuyển động. Tiếng ồn ào nghe rất gần phía trước nhà. Nhan vội ra mở cửa, một luồng gió mạnh lùa vào đem theo cả nước mưa. Hai người mặc áo đen ướt đầm đià khiêng theo một thương binh khác. Tiếp theo phía sau một người vải băng quấn trên trán với tóc xoã xuống cả mặt vác theo một người bệnh nữa trên vai...
Mọi thứ đã sắp sẵn, người đầu tiên được khiêng tới nằm dài trên chiếc bàn gỗ, người đẫm nước da tái mét và lạnh run lập cập, có lẽ vừa lạnh vừa đau hắn nghiến răng rên rỉ. Chân phải hắn còn mang nguyên chiếc chông sắt xuyên suốt từ gan bàn đến mắt cá. Máu được nước mưa trước đó rửa sạch nhưng vẫn tiếp tục hoen rỉ trên một bàn chân tái xám và lạnh ngắt. Đây không phải là lần đầu Vũ gặp một ca như thế. Vũ bảo Nhan và mấy người kia phụ giúp buộc chặt tay chân nạn nhân xuống mặt bàn chuẩn bị cho cuộc “ mổ sống”. Trông chiếc cưa, dụng cụ kìm kẹp giải phẫu và mấy lọ thuốc mà Vũ ngao ngán. Chiếc ống nghe duy nhất với những ống cao su đã chảy mềm dấp dính và cả cáu đất. Trong công việc Vũ đã phải cố gắng hơn lên gấp bội. Cố khéo léo với những dụng cụ thô sơ và tồi tàn như bỏ đi, cố đè nén cho lòng mình yên ổn giữa những tiếng rên la của con bệnh. Từ ngày bị bắt về đây, Vũ cũng chỉ gặp những vụ cưa xẻ và băng bó hoặc bó im các trường hợp gãy xương không thôi. Vả lại trường hợp nguy kịch có lẽ đã được thanh toán trước khi về đến hậu trạm, hơn nữa làm gì có đủ dụng cụ và thuốc men cho những trường hợp đặc biệt ấy. Trước đây Vũ từng nghe nói nhưng không tin. Đó là một thứ Euthanasia - thái độ nhân đạo trong chiến tranh để tránh cho đồng bạn khỏi mòn mỏi đau đớn đi dần tới cái chết và thực tiễn hơn nữa là để khỏi phải rơi vào tay địch khỏi phải sợ những trường hợp bị “fuite” tin cơ mật.
Vũ nhanh nhẹn cầm dao xẻ những mảnh da thịt vắt lên, kẹp máu các động mạch rồi đưa những nhát cưa xoèn xoẹt như cưa gỗ. Mặc sức cho con bệnh la hét chửi rủa rẫy rụa trên mặt bàn đã bị xiết cứng. Làm gì còn thuốc mê hay gây ngủ ở chốn đèo heo hút gió này. Nhưng thà đau còn hơn chết, chàng thường nhủ thầm như một châm ngôn giúp chàng cố bình tĩnh làm việc...
Hắn hét lên tiếng hét đứt quãng như vướng mắc trong cổ họng, như tiếng éc của một con lợn bị chọc tiết. Đau quá, đầu hắn đập mạnh xuống mặt bàn gỗ phủ vải trắng. Vũ phòng xa nhét vào miệng hắn miếng gạc lớn cho khỏi cắn đứt lưỡi. Vũ chỉ đưa mắt hất đầu ra hiệu, Nhan hiểu ý buộc dải băng qua trán hắn ghìm chặt đầu xuống mặt bàn. Vũ chỉ còn nghe ú ớ rẫy rụa trong tưởng tượng và vô vọng. Hắn bị nạn chắc đã lâu hoặc ở chỗ khá xa nên về đến đây đã mất rất nhiều máu. Mặt hắn xanh xao, mạch đập nhanh, mồ hôi lạnh dấp dính trên trán, mắt hắn đỏ lên nhưng lại mờ đẫm những nước mắt. Vũ cưa một khúc chân dưới đầu gối, dưới ánh đèn không rõ lắm, Vũ phải toát mồ hôi để buộc các mạch máu, trước khi phủ những lá da thịt xuống che chở chỗ đầu xương bị cưa. Tuy chuyên về thần kinh nhưng Vũ rất có khiếu về giải phẫu, chàng làm chu đáo từ những vụ mổ nhỏ cho tới tạo một mấu chân thon đẹp với đôi bàn tay của nghệ sĩ. Làm xong công việc đầu tiên, cuộc mổ giản dị nhưng lâu gấp do hai trang bị quá thiếu thốn và thô sơ. Vũ không thấy vui mà lòng thì nặng trĩu những cảm giác khó khăn và mệt nhọc. Chiếc chân cưa rời bị vứt chỏng trên đống bông gạc và giấy bê bết máu, nước da ngả tím bầm, những đám lông chân dính xẹp trên vệt máu đã đọng khô. Vũ để ý tới ngón chân cái tách toẽ ra khác với những ngón chân kia thì co quắp. Chiếc chân vừa lìa khỏi thân xác bị vứt bỏ một cách tàn nhẫn. Vũ trở ra nhúng tay vào chậu nước trong đến lạnh buốt, cả chậu nước trở thành đỏ hồng. Vừa nhấc tay ra khỏi chậu, Vũ mới để ý rằng các ngón tay mình hơi run run...
Sang đến công việc thứ hai, Vũ thoáng cảm giác thất vọng. Hy vọng sống của hắn ta quá mong manh, hắn nằm im lặng nét mặt đau đớn đến kiệt sức, miệng há tròn thở ra một cách khó nhọc. Vũ để ý tới hai cánh mũi phập phồng theo nhịp thở nhanh nhưng nặng nhọc. Mỗi lần hít hơi vào hắn phải hếch cằm lên đầu rướn về sau như khó khăn lắm mới hút được chút dưỡng khí. Nhìn chiếc garrot bằng mảnh vạt áo đen bẩn thỉu xiết chặt giữa đùi, Vũ quan sát lượng giá yên lặng. Vết thương sâu hoắm hở cả xương trắng, khúc dưới thì bầy nhầy những miếng thị và mảnh xương vỡ vụn lẫn với đất cát... Ý nghĩ Vũ lúc này thật khác lạ, như một con bò rừng đã bị đâm trọng thương, biết thất bại nhưng vẫn hung hãn trước màu máu đỏ và xông tới. Vận dụng kiến thức và thận trọng làm tất cả biện pháp phòng ngừa, nhưng như chàng đã dự đoán sau khi mở đai chỉ huyết thì người bệnh chết hẳn. Vũ cố thở mạnh nhưng chỉ hít vào thứ không khí sặc sụa mùi thuốc và máu. Trước mắt Vũ là tất cả tang chứng thảm thê của cuộc sống đầy rẫy thất bại...
Số người bị thương ùn ùn tải về. Vũ hằn học với người sống, thương hại cho những kẻ bị thương hay đã chết - chết cho một điều gì đi nữa chính họ cũng không hay biết. Vũ lãnh đạm và bình thản trở lại, tiếp tục làm việc với không một lôi cuốn hứng thú. Vũ thấy mình như một người kéo cầy để trả món nợ mà chàng mường tượng sẽ không bao giờ hết cho đến khi chàng chết...
Mây Bão Mây Bão - Ngô Thế Vinh