Số lần đọc/download: 1688 / 23
Cập nhật: 2016-07-13 10:11:16 +0700
Chương 5: Dưới Quyền Chỉ Huy Của Ducournau
T
ất cả hành trang chỉ là cái túi dết của quân dù và dưới trời mưa, cái giá lạnh, cái nắng, cần phải chịu đựng, hoạt động không ngơi nghỉ, thực hành cận chiến ở mức độ cao nhất. Chắc chắn, tôi thấy sung sướng được phục vụ dưới quyền của Ducournau, nhưng mà tôi sẽ phải thực hiện những mệnh lệnh trong một khuôn khổ do các cấp trên của tôi ấn định. Còn trong suốt quá trình của hai nhiệm kỳ trước đây, tôi hành động trên cái xứ sở này theo sáng kiến của riêng mình.
Tôi nhận được lệnh trấn giữ một ngọn núi ở phía nam Cò Nòi, từ nơi đó tôi nhìn thấy rất rõ con đường thuộc địa số 41 dẫn về Chiềng Đông. Nực cười cho số phận, chúng tôi bố trí trên những vị trí do quân Việt chiếm giữ tháng giêng năm 1949… cách đây đã ba năm, nơi họ mai phục đón đợi tôi, khi tôi từ Sơn La quay về.
Trong một vài tiếng đồng hồ, đơn vị của tôi đã tổ chức được một trận địa nghiêm túc. Tôi được tăng viện một đội xung kích khoảng năm chục người dưới quyền chỉ huy của trung úy Chabanne, nhỏ nhắn, da ngăm, cơ bắp khoẻ khoắn, giỏi tán gái, cá tính mạnh mẽ và hình như có ảnh hưởng nhất định đối với đội xung kích của tôi.
Ngày 1 tháng giêng 1953… Lại một năm mới đến trên cái đoạn đường mòn õng ẹo này vốn đã chinh phục chúng tôi mạnh mẽ hơn một tình nhân điên rồ, ở đó tiểu đoàn đi theo hàng một, có đội xung kích của Chabanne đi trước cách ba kilômét để trinh sát, có nhiệm vụ thực hành một cuộc tấn công vào Chiềng Đông nơi hiện có chừng một trăm quân Việt, rồi rút lui.
Tới Chiềng Đông sau hai lần chạm súng qua loa, tôi ở tại vị trí mà trong nhiệm kỳ trước tôi đã chiếm giữ… câu chuyện tái diễn vĩnh cửu. Quân Việt đã bỏ chạy…. Đêm xuống, chúng tôi trở về Cò Nòi không gặp sự cố nào. Tôi đã để Chabanne ở lại mai phục trên những con đường mòn dẫn tới khu lòng chảo Chiềng Đông và nói rõ với anh ta là tôi sẽ đeo ống nghe vô tuyến thường trực, sẵn sàng chi viện cho anh ta trong trường hợp có phiền phức. Brigitte Friand, một nữ phóng viên có bằng tốt nghiệp khóa đào tạo lính dù, một phụ nữ nhỏ nhắn, xinh đẹp, tự tin, đã quyết tâm ở lại với Chabanne có mật danh là “Raymond”. Anh em trong đơn vị nhìn như muốn nuốt chửng lấy cô ấy. Tôi khâm phục cái cô gái rất giản dị ấy, mạo hiểm cuộc sống của mình trong cái khu rừng rậm đầy muỗi và vắt này và ở đó quân Việt luôn luôn rình mò, biết lợi dụng bất kỳ sai sót nhỏ nào từ phía chúng tôi.
Chabanne “Raymond” phải nằm im bốn mươi tám tiếng đồng hồ với hi vọng có quân địch đi qua. Ngày 2 tháng giêng, không một thông báo nào từ phía anh ấy. Đêm ngày 2 rạng ngày 3, vẫn không thấy gì. Tôi bắt đầu lo ngại… Cuối cùng ngày 3 tháng giêng vào lúc 8 giờ sáng, tiếng vọng của một trận chiến đấu: những loạt đạn của vũ khí tự động, những tiếng nổ của lựu đạn ở cách vị trí của tôi ba kilômét về phía đông.
Tôi lại bám lấy máy vô tuyến. Có câu trả lời… Raymond gọi Bruno: Tôi đã có một cuộc phục kích ở Chiềng Đông. Sáu quân Việt chết, thu được tài liệu, vũ khí nhưng quân Việt đã chặn đường rút về của tôi và bám lấy tôi ở phía đông vị trí của tôi, cách ba kilômét. Tôi lập tức cho các khẩu cối 81 hoạt động và cử Trapp và Polo đi chi viện cho Raymond và cái cô Brigitte dũng cảm, đã không được tắm rửa từ ba ngày nay.
Thế là xong… đội xung kích còn nguyên vẹn…
- Raymond, tại sao anh không báo cáo?
- Thưa tiểu đoàn trưởng, tôi có thói quen độc lập hành động.
Tôi khiển trách anh ta, báo cho anh ta biết nếu lần sau còn làm chuyện điên rồ, tôi sẽ yêu cầu cách chức anh ta.
Tôi đánh giá cao người sĩ quan có cá tính này, vốn hành động giống như tôi đã làm trong những nhiệm kỳ trước đây của tôi… Raymond dũng cảm, anh sẽ trở thành một chàng trai giống hệt Bigeard. Tôi còn gặp lại anh ta sau này ở Algérie nhưng kể từ lúc này, anh ta báo cáo qua máy vô tuyến mọi hoạt động, dù cho là nhỏ nhất.
Ngày 5 tháng giêng chúng tôi lại quay lại Chiềng Đông một lần nữa. Hai đêm hành quân vô ích bởi lẽ quân Việt tạm thời không nhúc nhích. Ngày 7 tháng giêng, Ducournau, do cảm thấy một mối đe dọa từ phía tây Cò Nòi, đã cử tôi ra hướng đó, cách tám kilômét trấn giữ điểm cao 705 ở giữa rừng rậm, từ đó tiểu đoàn tôi, ngụy trang kín đáo sẽ phải toả ra xung quanh, phát hiện mọi hoạt động của quân đối phương.
705 mét. Chúng tôi sống trên đỉnh núi đó trong khoảng mười lăm ngày, tất nhiên là ngủ ngay trên mặt đất. Về thức ăn, là hộp khẩu phần ăn; một vài cái hố nước đọng cho phép chúng tôi rửa mặt và đun nước pha cà phê. Một trận địa bất khả xâm phạm được nhanh chóng tổ chức. Sở chỉ huy của tôi bố trí nằm ở giữa hai tảng đá, một hang ổ thực thụ của tướng cướp, mang dáng vẻ ghê gớm với lá cờ của tôi mang dòng chữ: “Ai dám đánh sẽ đánh thắng”.
Hàng ngày, các đơn vị đi phục kích trên những nẻo đường mòn chạy về phía tây. Hôm ấy đến lượt đội xung kích của Chabanne. Anh ta đi cách cao điểm 705 ba kilômét, trên một con đường mòn trong hẻm núi dọc theo một con suối nước chảy xiết. Tôi thường trực ngồi trước ống nghe sẵn sàng chi viện anh ta bằng các khẩu cối 81 và cử một đại đội đi tăng cường.
Chabanne báo cho tôi biết có khoảng một trăm quân Việt, theo hàng một, tiến về phía anh ta. Tôi nghe thấy tiếng súng nổ dữ dội từ ổ phục kích của anh ta trên điểm cao 705… Raymond gọi Bruno: mười lăm quân Việt ngã gục. Tôi thu được một trung liên F.M nhưng quân Việt vòng lên các điểm cao và sắp tràn qua chúng tôi.
Có một đội tuần tra đi trên máy bay. Tôi bắt liên lạc với họ và yêu cầu họ can thiệp, kịp thời chi viện cho Raymond. Đội tuần tra hướng dẫn các phi công bổ nhào thẳng đứng và nói rõ với họ oanh tạc quân Việt cách ba trăm mét về phía tây. Nhưng trên máy bay chỉ còn lại những bình napan, họ bèn thả xuống.
Raymond gọi Bruno: Tôi có cảm tưởng là họ thả napan ngay trên đất chúng tôi… Rồi, im lặng hoàn toàn trong máy vô tuyến. Từ cao điểm 705, tôi phái Bernard cùng đại đội cậu ấy tức tốc lao xuống đấy với nhiệm vụ xác định cho rõ tình hình càng nhanh càng tốt và báo cáo ngay với tôi.
Thời gian trôi qua chậm chạp… Có lẽ đã một tiếng đồng hồ… Vẫn im phăng phắc… Cuối cùng… Raymond gọi Bruno: Mọi việc ổn. Một vài vết bỏng nhẹ, tôi đã lệnh cho anh em nằm dài dưới suối… Hoan hô Chabanne! Một tay cừ khôi, tích cực, một con mãnh hổ thực thụ trong chiến đấu. Cậu ta sắp chia tay với chúng tôi nhưng tôi sẽ còn nhắc đến cậu ta trong cuộc chiến tranh dài ngày ở Algérie, ở đó, cậu ta phục vụ dưới quyền chỉ huy của tôi trong năm năm.
Ngày 9 tháng hai, tôi phải tiến hành một trận tấn công vào Yên Châu. Lại cái nơi khỉ ho cò gáy đã xung phong chiếm được trong nhiệm kỳ thứ nhất và tôi đã nhẩy dù xuống trong nhiệm kỳ thứ hai. Hai mươi kilômét hành tiến, ban đêm, trên một con đường mòn rất khó đi, song song với con đường thuộc địa số 41. Đánh chiếm trước lúc trời sáng những ngọn núi mà tôi biết quá rõ. Quân Việt, bị bất ngờ, rút xuống phía nam.
Từ 17 đến 20 tháng hai, Ducournau, thường xuyên bị sức ép, quyết định dùng hai tiểu đoàn tiến hành một trận tấn công chớp nhoáng về phía bắc sông Đà, vùng Tạ Khoa. Đi đầu là tiểu đoàn của tôi, trọn một đêm hành quân để nghĩ về gia đình của mình, về một cuộc sống bình yên, một cô gái đẹp… Thường xuyên đôi mắt tôi nhắm lại và tôi bước đi như một người mộng du.
Tảng sáng, chúng tôi tới bờ sông Đà, trên những điểm cao phía nam… Lại gặp cái con sông hùng vĩ, trước kia, vượt qua trên những chiếc mảnh bằng tre để tấn công Văn Yên. Lần này, đám lao công người Thái khiêng đến cho chúng tôi hai chiếc xuồng máy… Chiến tranh đã trở nên tiện nghi: hộp khẩu phần ăn thay thế cho thịt trâu khô, việc chuyển thương nhanh hơn, máy bay thường xuyên chi viện, những khẩu pháo 105 bố trí ở Cò Nòi, một ông bố Gilles và một Ducournau là những người chỉ huy nhiệt tình và không để cho chúng tôi phải thất nghiệp một lúc nào.
Tiểu đoàn theo sau chúng tôi không được huấn luyện để leo núi dốc đứng của Tú Lệ, mọi người bước đi kéo dài. Ducounau, hành tiến cùng với họ. Khoảng 10 giờ tiến kịp chúng tôi. Ông ấy phàn nàn dữ dội về tiểu đoàn này cùng cả bộ máy chỉ huy của nó. Ngày hôm ấy, nấp kín trên những đỉnh núi phủ đầy thảm thực vật dầy đặc, chúng tôi quan sát việc di chuyển của quân Việt bên phía bờ bắc. Ban đêm, chúng tôi bố trí một đại đội mai phục, đại đội này qua sông trên hai chiếc xuồng máy.
Tất nhiên, cái ông Ducournau ghê gớm này cùng với tôi qua sông trên chuyến đầu tiên… Tuy chịu trách nhiệm về nhiều tiểu đoàn, ông ta vẫn có mặt ở giữa một trăm năm mươi người, cùng với họ nằm dán mình dưới đất trong ổ phục kích. Đây là một vị chỉ huy thực thụ vì người chỉ huy ấy, người ta sẵn sàng xông lên. Ban ngày, hai mươi quân Việt thọc vào trận địa của chúng tôi quá nửa bị giết, thu được vũ khí và sau đó là một cuộc rút lui khẩn trương, nhanh chóng hành quân đường dài quay về Cò Nòi. Đại tá muốn chứng minh là chúng tôi có thể bất ngờ xuất hiện, giáng đòn ở mọi nơi mà không bị phát hiện… Tôi không có gì để nói. Tôi cũng vẫn luôn luôn sử dụng những phương thức như vậy.
Tiểu đoàn được tập hợp lại ở Nà Sản, ở đó đang tràn ngập những hoạt động nhộn nhịp dưới quyền kiểm soát của tướng Gilles, đã trở thành người anh hùng của Nà Sản. Ông yêu cầu tôi thực hiện một cuộc tấn công vào Sơn La, nơi lại đã bị quân Việt chiếm giữ. Nhiệm vụ: bất ngờ xuất hiện, giáng đòn và rút lui càng nhanh càng tốt.
Ngày 25 tháng hai 1953. Đêm xuống, chúng tôi hành tiến về Sơn La, trang bị rất gọn nhẹ, chỉ có vũ khí và mấy đồ hộp đút trong túi. Chúng tôi luồn lách với tốc độ bẩy kilômét một giờ trên một con đường mòn song song với con đường đã quen thuộc trong các nhiệm kỳ trước của tôi… Sơn La…. Lại vẫn Sơn La. Cuối cùng rồi tôi cũng đến phải bỏ mạng lại ở cái thị xã hẻo lánh này thôi, nơi ấy số phận vẫn cứ dắt dẫn tôi bước tới một cách khắc nghiệt.
Đối với tôi việc dắt dẫn đơn vị, ào ạt tràn lên từ phía tây để rồi, trước khi trời sáng, chế ngự được khu thành cổ bằng cách chiếm giữ ngọn núi phía bắc và không bị phát hiện bởi những cái bẫy chuông báo động của địch là một việc dễ dàng. Trời mưa, chúng tôi bị ướt và rét cóng. Trời sáng dần… Thật là một quang cảnh bi thảm! “Sơn La của chúng tôi” còn lại những gì đây? Khu thành cổ, bệnh viện bị phá huỷ. Ngôi biệt thự nhỏ của tôi trước kia đã bị tốc hết mái. Cái thị xã mà vì nó tôi đã chịu biết bao đau khổ! Đúng rồi, không bao giờ nên trở lại cái nơi ở đó ta đã từng được vui sướng. Chỉ có chừng ba mươi quân Việt ở trong cái thị xã chết này. Trapp, được các khẩu súng cối 60 và 81 của tôi yểm trợ đã lao lên xung phong. Quân Việt bị chết một số, vũ khí và tài liệu thu được, và lại một lần nữa, rút lui càng nhanh càng tốt.
Từ 18 đến 21 tháng ba, tướng Gilles lại yêu cầu tôi một lần nữa đánh chiếm Sơn La và tìm cách tiếp cận với quân đối phương. Những đòn đánh đẹp, thành công với những tổn thất không đáng kể… Biết bao hành động quả cảm để rồi cuối cùng, trong vài tuần lễ tới bỏ lại cái xứ sở này!