Nguyên tác: The Final Diagnosis
Số lần đọc/download: 261 / 21
Cập nhật: 2020-04-04 20:30:51 +0700
Chương 17
B
à Wilding, y tá trưởng vuốt lọn tóc muối tiêu lúc nào cũng muốn tuột ra khỏi chiếc mũ gột hồ cứng và rảo bước qua hành lang tầng lầu thứ bốn thuộc khoa phụ sản, John Alexander nối gót ngay phía sau. Tới cánh cửa thứ năm, bà dừng chân nhìn vào rồi vui vẻ thông báo: “Bà Alexander, có khách đến thăm.” Nói xong, bà dẫn John vào trong gian phòng dùng riêng.
- John yêu quí! - Elizabeth đưa hai tay ra nhưng cô rụt lại ngay vì động tác ấy khiến cô phải trở mình trên giường. Anh bước đến âu yếm hôn vợ. Cô ôm chặt lấy anh một lúc. Anh cảm thấy hơi ấm của cô và bàn tay chạm vào vai áo ngủ thô và sạch sẽ trên người cô. Mái tóc cô quyện lẫn mùi mồ hôi và ê-te khiến anh nhớ đến điều mình đã không thể chia xẻ với vợ-cơ hồ như cô đã ở một nơi nào xa lắc và bây giờ trở lại mang theo mình ít nhiều vẻ xa lạ.
Thoáng một giây phút nào đó anh cảm thấy giữa hai người có sự ngượng nghịu như thể sau thời gian xa cách họ cần phải tìm nhau và làm quen lại.
Elizabeth nhẹ nhàng buông anh ra:
- Chắc là em như con ma lem hở anh.
- Em đẹp lắm.
- Không kịp lấy theo một thứ gì - Cô nhìn xuống chiếc áo ngủ suôn đuột của bệnh viện - Thậm chí đồ ngủ và son môi.
Anh nói giọng thông cảm:
- Anh hiểu.
Phía sau, bà Wilding đả kéo buông tấm màn ngăn cắt họ với chiếc giường thứ hai của căn phòng bé nhỏ.
- Đấy! Anh chị có thể thoải mái riêng tư với nhau - Bà lấy một chiếc ly trên bàn cạnh giường Elizabeth và rót đầy nước lạnh từ một chiếc bình lớn. - Mr. Alexander, lát nữa tôi sẽ trở lại đưa anh đi thăm cháu bé.
- Cảm ơn bà - Hai người cùng mỉm cười tỏ vẻ biết ơn khi bà y tá trưởng bước ra.
Cửa khép lại rồi, Elizabeth quay lại nhìn John, nét mặt cô căng thẳng, đôi mắt dò hỏi.
- John yêu quý, em muốn biết. Em bé liệu chừng ra sao?
- À, cưng ạ...- Anh ngập ngừng.
Cô cầm tay anh:
- Johnny, em muốn biết sự thật, nhưng các cô y tá không chịu nói. Em phải hỏi anh mới được - Giọng cô run run. Anh cảm thấy những giọt nước mắt không còn xa lắm.
Anh dịu dàng đáp lời:
- Có thể hiểu cả hai phía - Anh thận trọng cân nhắc từng chữ -Anh đã gặp bác sĩ Dornberger. Ông ấy bảo khả năng lành dữ như nhau. Em bé có thể sống hay...John bỏ lửng..câu nói.
Elizabeth đã ngả đầu trở lại gối nệm. Nhìn lên trần, cô hỏi như thì thầm:
- Không hy vọng gì mấy phải không anh?
John ước lượng sức va chạm của những lời mình sắp nói ra. Nếu em bé phải chết, có lẽ họ nên đối diện và sự thật phũ phàng ngay từ bây giờ hơn là cứ nuôi hy vọng cho Elizabeth và rồi một hai hôm nữa phải dập tắt nó một cách tàn nhẫn:
- Em bé... non quá, em biết đây. Non trước cả hai tháng. Nếu chẳng may có nhiễm trùng, bệnh nhẹ cách mấy... nó cũng không đủ sức...
- Cảm ơn anh - Elizabeth vẫn nằm yên. Cô không nhìn anh nhưng nắm tay anh thật chặt, nước mắt tuôn rơi trên gò má. John thấy mắt mình cũng ướt nhoè.
Cố giữ giọng cho đều, anh nói:
- Elizabeth yêu dấu... Nếu chẳng may... -Chúng ta vẫn còn trẻ kia mà, tương lai còn dài trước mắt.
- Em hiểu -Tiếng cô thoảng nhẹ gần như không nghe thấy gì. Anh lại ôm lấy cô. Đầu cô tựa sát vào người anh.
Anh nghe cô nói dứt quãng trong tiếng khóc nức nở:
- Nhưng... hai lần rồi... như nhau - Cô ngẩng đầu lên tiếng khóc tuyệt vọng:
- Thế là không công bằng!
Anh lại thấy nước mắt mình ứa ra. Anh thì thầm:
- Khó mà tính được... Chúng ta vẫn còn có nhau đây.
Anh vẫn ôm lấy cô còn đang khẽ thổn thức. Rồi anh cảm thấy cô lắc người.
- Khăn tay - cô thì thào.
Anh móc túi lấy khăn đưa cho cô:
- Em bình tĩnh lại rồi - Cô đang lau nước mắt - Chỉ... thỉnh thoảng thôi...
Anh dịu dàng:
- Nếu thấy vơi lòng... cứ khóc đi cưng. Bao lâu cũng được. Cô mỉm cười nhợt nhạt và trả lại khăn tay:
- Chắc em làm nhàu hết rồi - Giọng cô chợt đổi khác:
- Johnny... nằm xuống đây với em... mấy hôm nay em cứ nghĩ...
- Về chuyện gì?
- Em muốn anh đi học y khoa.
Anh phản đối nhẹ nhàng:
- Ồ, cưng ạ, chúng ta đã bàn xong chuyện này rồi mà...
- Chưa - Elizabeth ngắt lời. Giọng cô vẫn yếu ớt nhưng không thiếu sự cương quyết - Lúc nào em cũng muốn anh đi học, giờ lại có bác sĩ Coleman bảo anh phải đi.
- Em có mường tượng được sẽ tốn kém thế nào không?
- Có Nhưng em có thể kiếm được việc làm.
Anh dịu dàng:
- Còn con nữa?
Im lặng. Lát sau, Elizabeth nói khẽ:
- Rất có thể chúng ta không có con.
Cửa mở ra không một tiếng động và bà Wilding bước vào. Bà bắt gặp đôi mắt đỏ hoe của Elizabeth và lảng tránh một cách ý tứ.
Bà nói với John:
- Mr. Alexander, nếu anh vui lòng, tôi xin đưa anh sang thăm cháu bé.
Sau khi chia tay với John Alexander ở trạm điều dưỡng, bác sĩ Dornberger đi thẳng sang khu sơ sinh.
Khu sơ sinh nằm ở cuối một hành lang dài tươi sáng được trang trí bằng những tấm che màu xanh vui mắt. Khu vực này đã được vẽ lại theo kiểu đã cách đây hai năm, phản ánh khuynh hướng mới, coi trọng ánh sáng và sự khoáng khoát. Như mọi lần khác, khi đến gần, Dornberger nghe thấy tiếng khóc của các cháu bé, cao độ và âm lượng đổ từ tiếng hét hết cỡ đầy thống thiết xuống tiếng oe oe ướm thử.
Do thói quen hơn là chủ ý, ông dừng chân nhìn qua lớp tường kính dày bao quanh ba mặt gian nhà chính của khu sơ sinh. Để ý thấy những chiếc nôi có chủ vượt trội hơn, ông nghĩ thầm: công việc ở đây vẫn tất bật như thường lệ.
Ánh mắt ông lướt qua các dãy nôi được xếp đặt ngay ngắn.
Đây - ông nghĩ thầm - là những sinh linh lành mạnh, bình thường đã chiến thắng trong cuộc đấu tranh sinh tồn, mấy ngày nữa sẽ ra ngoài và tiếp tục sống với thế giới đang chờ đón. Nơi chúng sẽ đến là gia đình, trường học, trận đọ sức kiếm sống, cuộc bon chen giành của cải và danh vọng. Sẽ có đứa vui hưởng thành công và có đứa nếm mùi thất bại. Những đứa không bị thương vong sẽ vui hưởng tuổi trẻ, chấp nhận tuổi trung niên và buồn bã bước về già. Có đứa sẽ được người ta thiết kế cho xe hơi chạy khỏe hơn và hào nhoáng hơn. Có đứa sẽ ra tay làm cho phi cơ bay nhanh hơn, xa hơn, có đứa sẽ được người ta vuốt ve từng sở thích bằng các món hàng tung ra trên thị trường. Trước tương lai chưa biết thế nào, hầu hết sẽ nghi ngại, nhiều đứa sẽ dũng cảm xông tới và một số sẽ hèn nhát run sợ. Biết đâu chừng có đứa sẽ chọc thủng những hàng rào vũ trụ, có đứa sẽ dùng tài lợi khẩu lôi kéo đồng bào đến chỗ phẫn nộ hay tuyệt vọng. Trong vòng hai mươi năm nữa, hầu hết bọn chúng sẽ hoàn chỉnh sự trưởng thành thân xác bằng cách chiều theo, mà không bao giờ hiểu, cùng một sự thèm muôn giao hợp muôn thuở mà đã là nguyên nhân đưa chúng đến đây nằm khóc oa oa và nôn mửa. Nhưng lúc này đây chúng là những kẻ chiến thắng - những kẻ được sinh ra là cần được để ý từng ly từng tí. Hàng rào đầu tiên và hiểm trở nhất của chúng đã bị phá vỡ, những trận chiến khác chưa đến.
Qua hành lang là đến khu khác có một phòng sơ sinh nhỏ hơn. Tại đây, nằm lặng lẽ và tách biệt trong lồng ấp là các em bé sinh non, những kẻ vào đời bấp bênh, sự tồn tại không bảo đảm, cuộc gặp gỡ đầu tiên chưa giành được thắng lợi.
Bỏ qua khu sơ sinh chính, bác sĩ Dornberger bước vào khu nhỏ này. Xem xong bệnh nhân mới nhất của mình - mà mảnh hình hài nhân sinh quá bé bỏng và mong manh - ông bỉu môi, lắc đầu ái ngại. Vẫn theo thói quen làm việc đúng nguyên tắc như bao lần trước, ông hí hoáy viết những chỉ định điều trị rất thận trọng.
Lúc sau, khi Dornberger lui ra, bà y tá Wilding cùng Alexander bước vào qua một khung cửa khác.
Như tất cả mọi người đến gian nhà nuôi trẻ sinh non, họ khoác áo vô trùng và mang khẩu trang, mặc dù đã có tường kính ngăn cách phần trong nhà có gắn máy điều hòa nhiệt độ và độ ấm. Bà Wilding dừng lại, nghiêng mình về phía trước và gõ nhẹ vào tường kính. Một cô y tá trẻ hơn ở bên trong nhìn lên rồi bước về phía họ, đôi mắt phía trên khẩu trang như muốn hỏi.
- Cháu bé Alexander!- Bà Wilding nói lớn để người bên trong nghe thấy được, rồi chỉ tay vào John.
Cô gái gật đầu và ra hiệu cho họ bước đi. Họ bước theo cô ta hết chiều dài của khung cửa sổ thì dừng lại. Cô ta chỉ vào một trong số mười hai chiếc lồng ấp rồi hơi xoay nó sang một bên để họ nhìn rõ bên trong.
- Trời ơi! Chỉ có thế thôi ư? Tiếng kêu thoát khỏi miệng John như thể nó đã tự hình thành trong đầu óc anh, ánh mắt bà Wilding đầy sự thông cảm:
- Không được lớn lắm phải không?
John đang trố mắt nhìn như chưa tin hẳn.
- Tôi chưa từng thấy cái gì mà... mà nhỏ bé ngoài sức tưởng tượng như thế.
Anh đứng nhìn đăm đăm vào chiếc lồng ấp Isabelle. Lẽ nào đây là một con người? Thân thể tí hon, quắt queo như khỉ con này chỉ lớn hơn hai bàn tay anh một chút.
Em bé nằm bất động hoàn toàn, hai mắt nhắm nghiền, chỉ có lồng ngực nhỏ hơi nhấp nhô cho biết cháu đang thở.
Dù ở trong lồng ấp được chế tạo riêng cho trẻ sơ sinh nhỏ bé nhất, cái thân thể tí hơn bất lực này vẫn có vẻ bơ vơ, lạc lõng. Dường như không thể tin được rằng sự sống có thể có trong lớp vỏ mỏng manh ấy.
Cô y tá đã ra ngoài đứng với họ. Bà Wilding hỏi:
- Trọng lượng lúc mới sinh là bao nhiêu?
Ba pound tám ounce - Cô gái quay sang John:
- Mr. Alexander, anh có biết sự thể ra sao không, nghĩa là con của anh được chăm sóc như thế nào ấy mà?
John lắc đầu. Anh thấy khó rời mắt khỏi đứa con bé bỏng một giây phút nào.
Cô y tá ân cần:
- Có những người rất muốn biết. Hình như để bớt lo âu.
John gật đầu:
- Vâng, cô làm ơn. Cô gái chỉ tay vào lồng ấp: Nhiệt độ bên trong lúc nào cũng là 89 độ. Có thêm ô-xy cho không khí, khoảng 40 phần trăm, giúp cho cháu bé dễ thở. Anh biết đó, phổi của cháu còn nhỏ quá, chưa kịp phát triển.
- Vâng, tôi hiểu -ánh mắt anh trở lại với nhịp nhấp nhô ở vùng ngực. Còn nhấp nhô là còn sự sống, là quả tim yếu ớt vẫn đang đập, là sinh mệnh chưa bị phá vỡ.
Cô y tá nói tiếp:
- Cháu bé chưa đủ sức nên chúng tôi phải dùng ống dẫn chất dinh dưỡng vào thẳng dạ dày. Anh có trông thấy không? Cô ta trỏ một sợi dây nhựa rỗng chạy từ đỉnh lồng ấp xuống miệng đứa trẻ. Cứ một tiếng rưỡi đồng hồ cháu được tiếp nước và dextroza một lần.
John ngập ngừng rồi hỏi:
- Cô gặp nhiều ca như thế này rồi chứ?
- Vâng - Cô y tá gật đầu một cách nặng nề như thể đã biết trước câu hỏi tiếp theo. Anh nhận thấy cô nhỏ nhắn, xinh xắn với mái tóc đỏ vén gọn dưới mũ vải. Cô cũng còn rất trẻ, khoảng hai mươi tuổi, chắc chắn không hơn, nhưng có vẻ rất thạo việc chuyên môn.
- Cô thấy liệu cháu có sống nổi không?- Anh lại nhìn qua lớp tường kính.
- Không thể nói chắc được - Cô y tá nhíu mày khiến vầng trán nhăn lại. Anh cảm thấy cô ta đang cố gắng nói thật để không bóp chết hy vọng của anh cũng như không thổi phồng nó lên: - Có cháu sống, có cháu chết. Đôi khi có những cháu xem ra như có ý chí giành giật lại sự sống.
- Cháu này... có thế không?
Cô gái dè dặt:
- Hãy còn sớm quá, chưa biết được, nhưng có thể nói tám tuần lễ có tầm quan trọng rất lớn - Cô nhỏ nhẹ nói thêm: - Đây sẽ là cuộc đấu tranh rất cam go.
Lại một lần nữa, ánh mắt anh trở về với cái hình hài bé bỏng. Lần đầu tiên anh có ý nghĩ: “Đây là con trai của ta, của riêng ta, một phần cuộc sống của ta”. Bỗng nhiên anh thấy lòng cuồn cuộn dâng trào tình thương đối với mảnh hình hài yếu đuối đang đơn độc chống chọi trong chiếc hộp nhỏ kia. Có sự thôi thúc kỳ lạ khiến anh muôn hét to lên xuyên qua lớp kính: Con ơi, con không cô độc đâu. Có bố đến giúp con đây. Anh muốn chạy tới bên lồng ấp mà nói: “Tay bố đây, con hãy lấy làm sức mạnh. Hai lá phổi của bố đây còn hãy sử dụng để bố thở thay cho con. Chỉ cốt sao con đừng buông xuôi, đừng buông xuôi, con ạ! Còn nhiều chỗ bám víu, còn nhiều điều bố con mình có thể cùng làm, chỉ mong sao con còn sống được! Nghe bố nói đi con, ráng mà giữ vững! Bố của con đây. Bố thương con lắm.”
Anh cảm thấy bàn tay bà y tá Wilding đặt trên cánh tay mình. Tiếng bà dịu dàng:
- Ta đi thôi..
Anh gật đầu, nghẹn giọng.
Hai người cùng quay lại nhìn lần cuối rồi bước đi.
o O o
Lucy Grainger gõ cửa rồi bước vào văn phòng khoa Xét nghiệm.Joe Pearson đang ngồi ở bàn giấy, David Coleman đang xem hồ sơ ở cuối phòng. Anh quay mặt lại khi Lucy bước vào.
- Có phim X-quang mới của Vivian Loburton đây rồi - Lucy nói. - Thấy gì không? - Pearson quan tâm ngay lập tức.
Ông gạt giấy tờ sang một bên và đứng lên.
- Ít lắm - Lucy bước đến màn ảnh đọc phim ở trên tường. Hai người đàn ông đi theo. Coleman đưa tay bật công tắc. Một hai giây sau mấy bóng điện huỳnh quang bên trong bật sáng. Họ chăm chú đối chiếu từng cặp phim. Lặp lại nhận xét của bác sĩ Bell bên khoa X-quang. Lucy chỉ tay vào vùng có phản ứng màng xương do ca mổ sinh thiết. Ngoài ra, cô báo cáo, không có thay đổi gì khác.
Sau cùng, Pearson cầm bằng ngón tay trỏ và ngón tay cái, dáng vẻ tư lư, nhìn sang Coleman nói:
- Có lẽ sáng kiến của anh không có kết quả.
- Rõ là không - Coleman giữ giọng ỡm ờ. Đã làm đủ mọi phương kế rốt cuộc họ vẫn không ra khỏi cái thế bấp bênh. Anh tự hỏi liệu ông cụ sẽ làm thế nào.
- Dù sao cũng nên thử lắm chứ - Pearson có thói quen làm cho lời thừa nhận bình thường nhất nghe ra như có ác cảm, nhưng Coleman đoán có lẽ ông nói thế để trì hoãn và che dấu sự bất định của mình.
Ông quay sang Lucy ra nói gần như mỉa mai:
- Té ra khoa X-quang cũng đành chịu thua.
Lucy ôn tồn:
- Có thể nói được là như thế.
- Thế là tùy ở tôi, tức khoa Xét nghiệm ư?
- Vâng - Lucy nói nhỏ nhẹ như chờ đợi.
Sau mười giây im lặng, Pearson nói rõ ràng và tự tin:
- Tôi chẩn đoán:- Bệnh nhân của cô có khối u ác tính - sáccôm tạo xương.
Lucy nhìn vào mắt ông:
- Dứt khoát chứ?
- Dứt khoát - Giọng nói của nhà bệnh lý học không hề vướng một chút nghi ngờ hay lưỡng lự. Ông nói tiếp: - Dẫu sao ngay từ đầu tôi đã xác quyết như thế rồi, và nghĩ rằng...ông trỏ vào những tấm phim -...cái này sẽ góp thêm lời khẳng định.
- Vâng - Lucy gật đầu tán thành. Cô đang nghĩ đến những việc cần làm ngay.
Pearson hỏi bằng giọng đương nhiên:
- Cô định khi nào thì cưa chân?
- Sáng mai - Lucy thu bộ phim lại và bước ra cửa. Nhìn về phía Coleman, cô nói: - Tôi đi báo tin đây - mặt cô hơi nhăn nhó: - Khó nói quá.
Cửa khép lại rồi Pearson quay sang Coleman và nói giọng lịch sự đến mức ngạc nhiên:
- Phải có người quyết định việc ấy. Tôi mạn phép tự ý tuyên bố mà không hỏi ý kiến anh vì sợ làm lộ sự nghi ngờ. Nếu biết được, Lucy buộc lòng phải nói lại cho bệnh nhân và người nhà bệnh nhân biết. Khi ấy người ta có thể lại xin trì hoãn. Ai chẳng thế, không trách được. - Ông ngừng một lúc rồi nói tiếp: -Anh thừa hiểu đối với bệnh sáccôm tạo xương sự trì hoãn nguy hiểm đến mức nào rồi.
Coleman gật đầu. Anh không phản đối việc Pearson tự ý quyết định. Đúng như ông vừa nói phải có người quyết định việc ấy. Anh chỉ băn khoăn tự hỏi liệu việc cưa chân có cần thiết hay chăng. Tất nhiên sau này sẽ biết được chắc chắn. Đem cái chân bị cắt rời về phòng xét nghiệm mà mổ xẻ tỉ mỉ sẽ biết được lời chẩn đoán là đúng hay sai. Khốn thay, nếu khi ấy sai lầm mới được phát hiện thì chuyện đã rồi, chẳng giúp gì cho bệnh nhân được nữa. Ngành phẫu thuật có nhiều phương pháp cưa chân hữu hiệu, nhưng chưa có cách nào gắn lại như cũ.
o O o
Chuyến bay ban chiều từ Burlington hạ cánh tại sân bay La Guandia vào lúc hơn bốn giờ. Từ sân bay, Kent O’Donnell đón tắc xi đi Manhattan. Trên đường vào thành phố anh ngả người trên bằng ghế, lâu lắm rồi mới có được một phút thảnh thơi. Mỗi lần ngồi xe tắc-xi ở New York, anh đều cố gắng thư giãn, chủ yếu bởi vì cứ nhìn dòng xe cộ đông đúc hoặc theo dõi đường đi của mình là anh bị căng thẳng đầu óc. Từ lâu, anh đã quan niệm rằng thái độ đúng đắn nhất là phó thác mình cho số phận rủi may. Cứ cho rằng mình sắp gặp tai họa đi, và nếu tai họa không đến thì hãy tự chúc mừng sự may mắn của mình. Một lý do khác để tận hưởng sự thảnh thơi là suốt tuần qua anh đã làm việc hết sức căng thẳng cả ở trong và ngoài bệnh viện. Anh đã hẹn bệnh nhân đến khám nhiều hơn và thực hiện thêm những ca mổ ngoài mức ấn định để có thể vắng mặt tại bệnh viện Three Counties bốn ngày. Hơn nữa hai ngày trước anh đã chủ trì một phiên họp đặc biệt của các thầy thuốc toàn bệnh viện. Được Harry Tomaselli trợ giúp bằng một số dữ liệu thu thập được, trong phiên họp anh đã thông bác con số đề nghị chỉ tiêu đóng góp vào quỹ xây dựng bệnh viện đối với bác sĩ hợp đồng và các y sĩ khác.
Đúng như anh dự kiến, có nhiều lời kêu ca, nhưng chắc chắn mọi người sẽ đồng ý cam kết đóng góp tiền bạc.
Tuy để cho đầu óc nghỉ ngơi, O’Donnell vẫn có ý thức về hoạt động của thành phố New York chung quanh mình và đường chân trời gãy góc của quận Manhattan mỗi lúc một gần hơn. Xe đang lăn bánh qua cầu Queensborough, những tia nắng chiều oi ả sắc nhọn chiếu xiên qua rầm cầu màu xanh xám. Bên dưới kia là cù lao Welfarc với những bệnh viện ủ dột và mang nặng dáng vẻ công sở ở giữa dòng East đen ngòm. Mỗi lần đến New York anh lại thấy nó có vẻ xấu xí hơn và lộ rõ vẻ hỗn độn, bẩn thỉu hơn. Thế nhưng cả với những người không phải là cư dân New York, những điều ấy chẳng mấy chốc lại trở nên quen thuộc, dễ chịu và có vẻ vẫy gọi du khách, ví như chiếc áo cũ sờn vẫn hợp mắt người bạn thân. Anh mỉm cười và tự trách mình đã có những ý nghĩ chằng hợp với người thầy thuốc, nghĩa là chẳng nghĩ đến việc chống ô nhiễm không khí và giải tỏa nhà ổ chuột. Nặng tình cảm - anh nghĩ thầm - là tiếp tay chống lại sự tiến bộ.
Xe qua khỏi cầu, theo đường 60 đến Madison, qua một dãy phố gập ghềnh rồi quẹo sang hướng tây đi vào đường 59. Đến đại lộ 7 và Công viên Trung tâm, xe quẹo trái đi qua bốn dẫy phố rồi dừng lại trước khách sạn Công viên Sheraton
Anh vào nhận phòng, tắm rửa, thay quần áo rồi mở xắc tay lấy ra chương trình hội nghị phẫu thuật - cái cớ bề ngoài cho việc anh có mặt ở New York. Có ba bài tham luận mà anh muốn nghe, hai bài về giải phẫu và một bài về thay động mạch bằng phương phép ghép mô. Nhưng mãi đến mười một giờ trưa mai mới bắt đầu ngày thứ nhất. Thế là ngày mai có thời giờ thong thả. Anh xem đồng hồ tay. Mới hơi nhích hơn bẩy giờ, nghĩa là còn hơn một tiếng đồng hồ trước khi gặp lại Denise. Anh đi thang máy xuống lầu và thong thả bước qua gian tiền sảnh để vào phòng giải lao Pyramid của khách sạn. Đang giờ uống cốc tai, phòng giải lao đầy dần những nhóm người sắp đi ăn tối và xem hát, hầu hết - anh đoán chừng là dân ở ngoài thành phố như anh. Người hầu chính đưa anh đến một chiếc bàn. Trong lúc bước đi, anh thấy một phụ nữ khá hấp dẫn ngồi một mình nhìn anh bằng ánh mắt thích thú. Có gì lạ đâu, trước kia những cuộc gặp gỡ như thế này thỉnh thoảng dẫn đến những kết quả lý thú. Nhưng tối nay anh nghĩ thầm: “Xin lỗi cô em, tôi có chương trình khác rồi”. Một người hầu bàn đến nghe anh gọi rượu mạnh pha sô-đa. Trong lúc thong thả nhấm nháp, anh suy nghĩ vẩn vơ.
Ở Burlington những giây phút như thế này quá hiếm hoi - anh nghĩ thầm. Thành thử rất nên có lúc đi xa để mài sắc cái nhìn về cuộc đời, để nhận ra rằng từ phương trời khác nhìn về, ta thấy một số điều ở quê như bớt phần quan trọng đi rất nhiều. Mới đây thôi, anh ngờ rằng những năm tháng gắn bó với công việc ở bệnh viện đã khiến anh suy nghĩ mất quân bình một phần nào.
Anh nhìn chung quanh. Phòng giải lao đầy đầy khách, những người hầu bàn vội vã lăng xăng chạy ly từ ba người rót rượu ở quầy đến các bàn, một vài nhóm người đã ngồi lâu đang rời quán. Anh tự hỏi những ai trong số người này (cặp trai gái ở bàn sát bên, người hầu bên cửa ra vào, bốn vị khách vừa bước ra) đã từng nghe nói đến bệnh viện Three Counties, và nếu có, liệu họ có quan tâm đến những gì đang diễn ra ở đó chăng?
Đối với anh, những ngày gần đây, các sự việc ở bệnh viện đã trở thành gần như là hơi thở sự sống. Phải chăng đây là một hội chứng lành mạnh. Về mặt chuyên môn, điều ấy có tốt không? Từ trước đến nay, O’Donnell vốn không tin tưởng những người miệt mài với công vụ; họ dễ bị ám ảnh, phán đoán của họ bị lung lạc vì sự say mê lý tưởng.
Phải chăng hiện nay anh có nguy cơ sẽ trở thành một kẻ giống như họ? Chuyện Joe Pearson chẳng hạn. Phải chăng vì quá miệt mài với công việc bệnh viện mà anh đã lạc bước đến chỗ đó? Có cần phải tìm thêm một bác sĩ bệnh học nữa không? Anh thấy là cần, nhưng chính anh đã có khuynh hướng phê bình Joe Pearson gay gắt phóng đại quá mức những khuyết điểm của ông trong khâu tổ chức - những khuyết điểm mà bệnh viện nào cũng có. Thậm chí có lúc anh đã nghĩ đến việc mời Pearson về hưu. Kẻ hậu sinh mà dám vội vã kết tội người đầu bạc. Đó có phải là một hội chứng của bệnh phán đoán lệch lạc chăng? Tất nhiên điều suy nghĩ ấy của anh đã có trước khi Eustace Swayne tỏ ý trao tặng hai trăm năm chục nghìn đô la với điều kiện Joe Pearson còn được tiếp tục làm trưởng khoa Xét nghiệm.
Cho đến nay Eustace Swayne vẫn chưa khẳng định việc trao tặng. Nhưng O’Donnell cảm thấy sự phán đoán của mình vượt lên trên những chuyện ấy, dù cho đó là những chuyện quan trọng đến đâu đi nữa. Có lẽ Joe Pearson vẫn còn cống hiến được nhiều cho bệnh viện Three Counties, kinh nghiêm lâu năm của ông chắc chắn vẫn còn được xem là điều tốt đẹp. Đúng vậy - anh quyết định. Có đi xa mới thấy mình suy nghĩ sáng suốt hơn, ta phải tìm một quán rượu để ngồi suy nghĩ thầm lặng thì tốt hơn.
Một người hầu dừng chân bên bàn:
- Thưa ông, ông muốn dùng thêm?
O’Donnell lắc đầu:
- Không, cám ơn.
Người hầu đưa giấy tính tiền. O’Donnell đưa thêm một chút buộc boa rồi ký tên.
Anh rời khách sạn lúc bảy giờ rưỡi. Vẫn còn thừa thì giờ, anh tản bộ trên đường 55 đến sát Đại lộ 5, rồi vẫy xe tắcxi anh đến địa chỉ mà Denise đã cho trước. Xe dừng lại gần đường 86 trước một khu tập thể xây bằng đá. O’Donnell trả tiền xe rồi bước vào.
Người giúp việc mặc đồng phục ở hành lang lễ độ chào anh. sau đó hỏi tên, xem lại sổ ghi rồi nói:
- Mrs. Quantz nhắn mời ông lên - ông ta chỉ tay về phía thang máy có nhân viên điều khiển cũng mặc đồng phục tương tự đứng chờ sẵn – Thưa ông, tầng hai mươi lăm, mái thượng. Tôi sẽ báo cho Mrs Quantz biết có ông đang đến.
Đến tầng hai mươi lăm, cửa thang máy nhẹ nhàng mở ra cho thấy một hành lang rộng có trải thảm, môt bên tường là một bức thảm Gobelin lớn dệt cảnh săn bắn. Mặt tường bên cạnh một dãy cửa ra vào bằng gỗ sồi hai lớp trạm trổ, tất cả đều mở toang. Một người hầu xuất hiện.
- Kính chào quí ông. Mrs Quantz bảo tôi đưa ông vào phòng khách. Và sẽ ra tiếp quí ông ngay.
O’Donnell theo người đàn ông đi tiếp hành lang thứ hai rồi bước vào một phòng khách rộng bằng cả căn hộ của anh ở Burlington. Căn phòng được trang điểm bằng những khoảng màu nâu nhạt, nâu vừa và đỏ vàng, một dãy trường kỷ với bàn bằng gỗ hồ đào. Màu sẫm của bàn ghế tương phản hẳn với màu nâu non của lớp thảm dày. Phòng khách mở ra một khoảng thềm lát đá, O’Donnell thấy những tia nắng chiếu cuối cùng còn đọng lại ở xa xa.
- Thưa ông tôi xin dọn cho ông một chút thức uống- người hầu nói.
- Không, cảm ơn. Để tôi chờ Ms. Quantz.
- Anh không phải chờ lâu - Tiếng Denise vang lên. Nàng bước về phía anh, bàn tay chìa ra - Kent yêu dấu, gặp lại anh, em mừng quá.
Anh nhìn nàng một lúc rồi thong thả nói:
- Anh cũng thế - anh nói thêm - Cho đến lúc này anh vẫn chưa biết nỗi mừng dạt dào đến mức nào.
Denise mỉm cười rồi ghé hôn nhẹ lên má anh.
O’Donnell muốn ôm nàng vào vòng tay nhưng anh kìm lại được. Nàng xinh đẹp hơn hình ảnh trong ký ức anh, gương mặt rạng rỡ tươi vui khiến anh muốn ngừng thở. Nàng mặc áo chiều nhẹ loại ngắn, vạt kín, bằng đăng ten đen nhánh, áo bó không dây bên trong tầng vải lụa đen. Lớp đăng ten trên khoảng vai trần càng làm tăng thêm vẻ nõn nà của da thịt. Trên khoảng eo có đính một bông hồng đỏ.
Nàng buông một bàn tay anh. Bàn tay kia giữ lại, nàng kéo anh ra thềm. Người hầu đã đến trước, mang theo một chiếc khay bạc có mấy chiếc ly và một bình pha cốc tai. Anh ý tứ rút tay lại.
- Cốc tai Martini ([31]) đã pha sẵn- Denise nhìn O’Donnell dò ý. Nếu anh muốn thứ khác em sẽ gọi.
- Martini ngon lắm rồi.
Denise rót rượu rồi trao ly cho anh. Nàng đang mỉm cười, ánh mắt nồng nàn. Bờ môi buông tiếng nói dịu dàng:
- “Ủy ban một người” xin chào mừng khách đến New York.
O’Donnell nhấp Martini. Rượu nhạt và kém vị nồng.
Anh nói khẽ:
- “Xin gửi lời cám ơn ủy ban”.
Mắt họ thoáng gặp nhau. Bám cánh tay anh, nàng bước về phía cuối dãy thềm có lan can xen kẽ cột xây.
- Denise à, bố em thế nào?
- Bố khỏe, cảm ơn anh. Đào hào đắp lũy bảo thủ ghê gớm lắm, tất nhiên rồi, nhưng rất khỏe. Có lúc em nghĩ rằng không chừng ông cụ còn sống lâu hơn chúng ta nữa đó - Nàng nói thêm:
- Em thương bố lắm.
Hai người đã dừng chân, đứng nhìn xuống. Hoàng hôn đang dần buông, hoàng hôn êm đềm ấm áp của ngày cuối mùa hè. Ánh đèn thành New York đang bật sáng dần. Từ các đường phố bên dưới vẳng lên tiếng xe cộ ồn ào đều đặn, thỉnh thoảng nổi lên tiếng xe buýt diesel rền rĩ và tiếng còi ôtô sốt ruột inh ỏi. Chênh chếch bên kia là công viên Trung tâm, đường viền đang nhòe dần vào bóng tối, rải rác những ngọn đèn đánh dấu những lối đi ngang dọc bên trong. Xa hơn nữa những đường phố ở phía tây mờ dần và mất hút vào dòng sông Hudson. Trên sông, những đốm sáng nhỏ li ti cửa tàu thuyền di chuyển là gạch nối bóng tối với bờ New Jersey le lói ở xa xa. O’Donnell nhìn thấy được cầu George Washington ở mạn trên thành phố, những đốm đèn pha của nó kết thành một chuỗi hạt sáng ngời. Dưới kia, đèn xe hơi xen kẽ nhau nhiều tuyến tuôn đổ qua cầu đi ra khỏi thành phố. O’Donnell nghĩ thầm: người ta đương về nhà. Một cơn gió nhẹ nồng nàn khẽ lay động chung quanh hai người. Anh thấy nàng kề sát bên mình. Tiếng nàng nhỏ nhẹ - Đẹp quá phải không anh? tuy bên dưới ánh đèn có những điều không ổn và đáng ghét, nhưng thành phố vẫn đẹp. Em yêu thích nó, nhất là vào giờ này của buổi chiều tối.
- Có bao giờ em nghĩ đến chuyện trở về Burlington không?
- Để sống ư?
- Phải.
- Không bao giờ trở về được. Denise nhỏ nhẹ - Đó là một trong số ít điều em biết chắc chắn. Ồ, em không kể riêng Burlington thôi đâu. Mà cái gì cũng thế: thời gian, con người và mọi nơi chốn. Thăm lại chốn xưa, nối lại dây thân ái cũ có gì là khó đâu, nhưng cái xưa và cái nay không phải là một. Đã chia lìa rồi và đang xa rời mãi, ta không còn thuộc về chốn cũ vì đã cất bước ra đời. Em không tin một ngày nào đó có thể rời bỏ được New York. Nói như thế phi thực tế quá phải không anh?
- Không. Nghe ra khôn ngoan lắm...Anh cảm thấy bàn tay nàng trên cánh tay anh.
- Chúng ta uống nữa đi, rồi anh đưa em đi ăn.
Sau đó họ đến Maisonette, một hộp đêm kín đáo và lịch sự trên Đại lộ 5. Ăn tối và khiêu vũ xong, họ trở về bàn.
Denise hỏi:
- Anh sẽ ở New York bao lâu?
- Ba ngày nữa.
Nàng nghiêng đầu:
- Sao vội thế?
- Anh là người lao động - Anh mỉm cười – Bệnh nhân mong anh, bệnh viện còn bao nhiêu là công việc.
- Chắc em sẽ nhớ anh lắm.
Anh nghĩ ngợi một lúc rồi quay nhìn thẳng vào mắt nàng. Không rào trước đón sau, anh nói.
- Em biết anh chưa bao giờ lập gia đình.
- Vâng - Nàng gật đầu nghiêm trang.
- Anh đã bốn mươi hai. Ở tuổi này, sống độc thân, người ta thường có những thói quen và cách sống khó thay đổi cũng như khó được ngươi khác chấp nhận. Anh muốn nói anh là kẻ khó sống chung.
Denise úp bàn tay mình lên bàn tay anh:
- Kent yêu quý, em xin được hỏi cho rõ một điều - Nàng mỉm cười rất nhẹ - Phải chăng đó là lời cầu hôn?
O’Donnell nhoẻn miệng cười tươi. Anh cảm thấy mình ngớ ngẩn, sôi nổi như gã trai trẻ:
- Vì em nói tới điều ấy, anh nghĩ là đúng như vậy.
Yên lặng. Lúc sau Denise trả lời, trong lúc nàng nói, anh có cảm tưởng nàng đang tìm cách trì hoãn:
- Em sung sướng lắm, nhưng anh có vội lắm không? Ngẫm cho kỹ, hầu như chúng ta chưa biết nhau.
- Denise, anh yêu em - Anh nói đơn giản.
Anh cảm thấy nàng nhìn anh soi mới.
- Em cũng có thể yêu anh - Nàng nói chậm rãi, cân nhắc từng lời. Lúc này mọi thứ trong em bảo em gật đầu và xiết chặt lấy anh, anh yêu ạ, bằng đôi bàn tay hăm hở. Nhưng cũng có một lời thì thầm nhắc nhở. Đã một lần lầm lỡ, người ta cảm thấy cần phải thận trọng trước khi đi bước nữa.
- Vâng, anh hiểu.
- Chưa bao giờ em đồng ý với quan niệm phổ biến hiện nay là người ta có thể lìa đôi nhanh chóng và sau đó quên đi tất cả chẳng khác nào uống một viên thuốc trị chứng khó tiêu. Có lẽ đó là một trong những lý do khiến em chưa ly hôn được.
- Ly hôn khó lắm ư?
- Chưa hẳn. Em chỉ cần sang Nevada hoặc một nơi nào khác là lo xong ngay. Nhưng còn vướng mắc này nữa: anh Burliongton. em New York.
Anh nói dè dặt:
- Em đã nói thật hở Denise... không sống ở Burlington được ư?
Nàng suy nghĩ trước khi trả lời:
- Vâng, em nói thật đấy. Em không thể sống ở đó được đâu. Giả bộ làm gì hở Kent. Em hiểu em lắm chứ!
Một người hầu bàn đến rót cà phê cho họ. O’Donnell nói:
- Bỗng dưng anh muốn chúng ta được ngồi riêng với nhau.
Denise nhỏ nhẹ:
- Tại sao ta không đi ngay thôi?
Anh trả tiền rồi giúp Denise quấn khăn quàng. Ở bên ngoài, người giữ cửa gọi tắc xi, O’Donnell cho địa chỉ căn hộ ở Đại lộ 5. Ngồi trong xe rồi, Denise nói:
- Em hỏi quả là ích kỉ, nhưng có bao giờ anh nghĩ đến việc chuyển sang New York làm việc không?
- Có - Anh đáp.- Anh đang nghĩ đến điều ấy ngay lúc này.
Ý nghĩ vẫn đeo đuổi anh khi hai người bước vào khu tập thể và lên thang máy. Từ lúc nghe Denise hỏi, anh không ngớt băn khoăn: Tại sao mình không chuyển sang New York? Có rất nhiều bệnh viện đàng hoàng. Đây là thành phố của y khoa. Xin gia nhập hội đồng thầy thuốc chẳng phải là điều khó khăn. Việc hành nghề cũng tương đối dễ dàng. Quá trình công tác của anh, bạn bè ở New York, tất cả sẽ đem đến cho anh những lời tiến cử tốt đẹp. Anh lý luận: Mối dây thật sự ràng buộc mình với Burlington là gì?
Cuộc sống của mình có thuộc về nơi ấy bây giờ và mãi mãi hay chăng? Có lẽ đã đến lúc tìm sự thay đổi, tìm môi trường mới, phải không? Mình có kết hôn với bệnh viện Three Counties đâu nào. Cũng chẳng phải thiếu mình là không xong. Đã đành đi là bỏ mất những điều hay, chẳng hạn như tâm trạng xây dựng và sáng tạo với bao người thân quen đã từng chung tay làm việc. Nhưng mình đã đóng góp nhiều rồi, không ai phủ nhận được điều ấy. Sau hết, New York và Denise là một. Đáng lắm chứ, phải không nào?
Đến tầng thứ hai mươi lăm, Denise dùng chìa khóa riêng mở cửa và hai người bước vào. Không thấy dấu hiệu nào của người giúp việc mà O’Donnell đã gặp lúc chiều tối. Như đã có hội ý trước, họ bước ra khoảng thềm.
- Kent, anh muốn uống chút gì không?
- Để lát nữa. Nói xong, anh đưa tay về phía nàng. Nàng đến với anh dễ dàng, thoải mái, và môi họ gặp nhau - Một nụ hôn dài lâu. Vòng tay anh xiết chặt lấy nàng và anh cảm thấy thân thể nàng đáp ứng lại thân thể anh.
Nàng nhẹ nhàng buông anh ra. Hơi quay mặt đi, nàng nói giọng xao xuyến:
- Co quí nhiều điều cần phải nghĩ ngợi.
- Thế ư? Giọng anh ngờ vực.
- Có nhiều cái anh chưa hiểu em.
- Chẳng hạn?
- Em là người chiếm hữu kinh khủng anh có biết không?
- Nghe ra có kinh khủng gì lắm đâu.
- Nếu chúng ta cưới nhau, em phải nắm giữ trọn vẹn con người anh chứ không phải một phần mà thôi đâu. Tính em như vậy đó, không thể khác được. Em không chịu chia anh... cho dù là chia xẻ với bệnh viện.
Anh bật cười:
- Anh nghĩ chúng ta có thể đi đến thỏa hiệp. Người ta vẫn làm như thế đấy.
Nàng quay lại với anh:
- Anh nói thì em tin-nàng ngừng lại một chút rồi hỏi:
- Anh sẽ trở lai New York... rất sớm chư?
- Phải.
- Sớm thế nào?
- Bất cứ khi nào em gọi anh.
Như do bản năng thúc đẩy, nàng bước đến với anh và hai người lại hôn nhau, lần này với nỗi đam mê mỗi lúc một thêm mãnh liệt. Chợt có tiếng động vang lên phía sau và một vệt sáng qua khe cửa mở lọt vào phòng. Denise khẽ đẩy anh ra, và một lúc sau có bóng người nhỏ nhắn mặc pyjama bước vào hiên.
- Con nghe như có tiếng người nói chuyện – người mới đến lên tiếng:
- Mẹ tưởng con ngủ rồi - Denise nói - Đây là bác sĩ O’Donnell - Rồi quay sang O’Donnell:
- Đây là Philippe, con gái em - Nàng trìu mến nói thêm: Một nửa của cặp song sinh bướng bỉnh trong nhà.
Cô bé nhìn O’Donnell bằng ánh mắt tò mò, thành thật:
- Chào bác, cháu có nghe nói về bác. O’Donnell nhớ Denise đã cho anh biết hai cô bé song sinh vừa tròn mười bảy. So với độ tuổi, Philppe có vẻ nhỏ bé, thân người chỉ mới bắt đầu nhú nở. Nhưng cô bé đi lại rất có duyên, cử chỉ rất giống mẹ - Chào Philippe - Anh nói - xin lỗi đã làm phiền cháu.
- Cháu không ngủ được, bèn quay ra đọc sách - Cô bé nhìn xuống cuốn sách cầm trong tay - Tác giả Herrik. Bác đọc ông này chưa?
- Hình như chưa. Nói thật, hồi bác còn là sinh viên trường thuốc,thì chẳng có mấy thời giờ để thưởng thức thơ ca. Từ đó đến nay lại càng không bao giờ đọc đến nữa.
Philippe nâng sách lên mở đọc.
Mẹ ơi, có chỗ này cho mẹ đây.
Cô bé đọc thơ một cách lôi cuốn, giọng nhẹ nhàng biểu lộ sự rung cảm về từ ngữ và nhịp điệu:
Tươi đẹp nhất là quãng đời còn trẻ
Tóc mướt xanh và máu đỏ nồng nàn.
Tuổi xuân qua, tiếp sang mùa quạnh quẽ.
Hết thời héo hon đến buổi lụi tàn.
Ngượng ngùng chi, hãy sử dụng thời gian!
Kết hôn đi, khi còn đương độ tuổi.
Kẻo một mai thời xuân xanh đi khỏi,
Đời lê thê mãi mãi thuở muộn màng.
- Mẹ hiểu - Denise nói rồi quay sang O’Donnell:- Có thể cho anh,biết Kent ạ, quanh năm suốt tháng các con em cứ bắt em tái giá.
- Chúng con chỉ thấy đó là điều tốt đẹp nhất cho mẹ - Philippe kêu lên và đặt sách xuống.
- Mấy đứa cứ mượn thực tế để nài nẵng em. Chứ thực ra chúng nặng tình cảm lắm anh ạ.
Denise nói rồi quay sang Philippe:
- Con nghĩ sao nếu mẹ cưới bác sĩ O’Donnell.
- Bộ bác ấy hỏi mẹ ư?
Philippe có vẻ quan tâm ngay tức khắc. Không đợi trả lời cô kêu lên:
-Tất nhiên là mẹ đồng ý đi thôi.
- Còn tùy, con ạ. Đương nhiên phải lo cho xong việc ly hôn, gai góc lắm.
- Chuyện! Bố cứ vô lý bắt mẹ phải làm việc đó mãi. Việc gì mẹ phải chờ? - Cô lại nhìn O’Donnell - Bác với mẹ cứ sống chung đi thế là có chứng cứ và mẹ khỏi phải vất vả chạy đi lo việc ở những nơi khốn khổ như bà Reno.
Denise nói:
- Lắm lúc em hết sức nghi ngờ giá trị của nền giáo dục tiến bộ. Thôi, thế là đủ rồi - Nàng tước nhe đến bên Philippe.- Chúc con ngủ ngon.
- Kìa mẹ! Đôi khi mẹ cổ hủ quá.
- Chúc con ngủ ngon - Denise nhắc lại một cách mạng mẽ. Philippe quay sang O’Donnen:
- Cháu phải đi bác a.
- Philippe, bác rất sung sướng được gặp cháu.
Cô bé đến bên anh và nói đường đột:
- Nếu bác sắp thành bố của cháu, chắc là cháu hôn bác được thôi.
O’Donnell đáp:
- Ta cứ thử xem, rồi ra sao thì ra.
Anh nghiêng người về phía Philippe. Cô bé hôn môi anh rồi đứng thẳng lên. Khẽ mỉm cười, cô bé nói:
- Bác dễ thương lắm - cô khuyến cáo mẹ:- Mẹ ơi, làm gì thì làm, mẹ đừng để mất bác ấy nhé.
Philippe!- Lần này giọng nói kỷ luật đã lộ rõ. Philippe cười vang và hôn mẹ. Đưa tay vẫy vẫy rất kiểu cách, cô bé cầm tập thơ ra bước ra.
O’Donnen tựa lưng vào tường của khoảng thềm và cười lên thành tiếng - lúc này cảnh đơn chiếc ở Burlington xem ra trống rỗng vá lẻ nhạt ngoài sức tưởng tượng, còn vĩnh viễn chung sống với Denise ở New York mỗi giây phút lại thêm phần lấp lánh quyến rũ.