Số lần đọc/download: 2245 / 53
Cập nhật: 2016-05-21 23:21:20 +0700
Chương 16
T
ừ khi tôi không đến nhà dạy Lan học, ít dịp nói chuyện với tôi bằng miệng, Lan nói chuyện với tôi bằng thư. Trước còn mỗi tuần Lan viết thư cho tôi một lần. Sau đến không mấy ngày là tôi không phải viết thư trả lời Lan nữa. Trái với những câu chuyện cứng cát 1, vui vẻ mà Lan nói trước mặt tôi, những câu trong thư Lan, cũng như thơ Lan, như vẽ ra một tâm hồn ủy mị và sầu cảm. Bấy giờ chúng tôi đều đã xong tang. Thư nào Lan cũng tỏ ý lo sợ một cuộc hôn nhân ép uổng. Đáp lại những bức thư như thế, tôi chỉ có những câu hàm hồ như lời một ông Thánh hay một nhà luân lý, khuyên Lan nên biết nhẫn nại, nên biết hy sinh... Tôi muốn bắt đầu thi hành những kế để tuyệt tình cùng Lan.
Một hôm vừa ăn xong bữa chiều, thì nhận được thư Lan. Trong thư chỉ có mấy chữ:
- "Ngọc lại ngay! Thế nào cũng lại!"
Tôi vội vàng theo người nhà lại thì gặp Lan đương ngồi ở cửa hàng. Lan cười bảo tôi:
- Hôm nay mợ tôi xuống Nam vắng, bảo nó mời Ngọc lại đây nói chuyện.
Rồi Lan giao hàng cho người nhà, cùng tôi vào phòng khách. Bấy giờ trời đã tối, dưới ánh đèn điện, khuôn mặt Lan trước mười phần đã gầy đi đến ba phần. Nhìn Lan, lòng tôi thấy ái ngại, xót xa. Ân cần, thành thực, tôi hỏi Lan:
- Sao Lan độ này trông xanh quá?
Lan cười nhạt:
- Xanh à? Ngày ăn một bữa, bữa ăn một bát, làm gì mà chẳng xanh!
- Thế thì Lan phải uống thuốc mới được!
- Vẫn thuốc mãi đấy! Nhưng thuốc nào cho lại với những nỗi bực mình ở trong một cảnh gia đình hắc ám! Từ độ hết tang đến giờ, ngày nào là nhà này không có chuyện! Có đêm nào là ngủ được đâu! Ở mãi cái nhà này, rồi cũng đến chết mất thôi! Ngọc còn đợi bao giờ mới cứu Lan ra nữa?
Tôi thở dài, đem hết sức cương quyết bình sinh ra mà nói:
- Lan đừng nên trông mong ở Ngọc! Ngọc bây giờ là một đứa trong đám mạt lưu xã hội, không có gì là tiền trình, là hy vọng cả. Cắm cúi suốt ngày chỉ đủ nuôi được miệng, còn dám mong đâu có vợ, có con!
Mỗi câu nói của tôi, làm cho sắc mặt Lan nhợt nhạt thêm một phần. Mắt tôi không chống nổi cặp mắt đổ lửa của Lan, nói chưa dứt, tôi đã phải nhìn xuôi xuống đất. Yên lặng một lúc lâu, Lan mới cất tiếng lanh lảnh hỏi lại:
- Ngọc nói thế là ý thế nào? Hay bây giờ trong lòng Ngọc đã có người nào khác?
Tôi cười nhạt:
- Lan thử nghĩ coi, trừ Lan ra, ai là người có địa vị của Lan, có học thức của Lan, có nhan sắc của Lan mà lại yêu được một đứa sống không nhà ở, chết không đất chôn như Ngọc? Ngọc nói thế là Ngọc nói tình thực. Ngọc nói thế là Ngọc yêu Lan. Yêu Lan nên không nỡ trông thấy Lan khổ. Vì Lan lấy Ngọc thì Lan sẽ khổ. Lan thử đặt mình vào địa vị Ngọc mà coi.
- Lan có phải là người sợ khổ đâu! Mà làm gì mà khổ? Lan là người, Lan cũng làm được đủ nuôi thân chứ! Ngọc khinh Lan quá! Lan có phải là hạng mong lấy chồng để nhờ chồng đâu?
- Đành vậy, nhưng Lan bảo Ngọc làm thế nào? Cũng phải đợi năm, ba năm để Ngọc xoay xở xem ra làm sao, chứ bây giờ lấy địa vị Ngọc mà hỏi Lan, khi nào mợ gả! Mà mợ gả nữa, lấy gì làm tiền cưới?
- Không, mợ cũng là người biết. Xem ý mợ cũng yêu quý Ngọc lắm. Có cái gì ăn, mợ cũng nhắc đến Ngọc, sai người đem cho Ngọc. Mợ sai chúng nó đem lại đấy, chứ không phải Lan đâu! Mợ nửa đời ở với cậu, đã biết hạnh phúc không phải ở chỗ làm bà Đốc bà Tham. Nếu Ngọc ngỏ lời hỏi thì thế nào mợ cũng bằng lòng. Mà mợ bằng lòng thì mợ có lạ gì Ngọc không có tiền cưới. Cái ấy không ngại.
- Nếu mợ thương cho như thế thì còn gì bằng nữa! Thế sao Lan cứ phàn nàn về nỗi gia đình hắc ám là nghĩa lý gì?
- Là nghĩa lý gì à? Ngọc tưởng Lan nói bịa hẳn! Không! Lan nói thật đấy! Nếu Ngọc không hỏi ngay thì Lan ở nhà này ngày nào là khổ ngày ấy. Không biết mợ nghĩ thế nào mà hình như Lan ở nhà là một cái tai vạ cho mợ! Mợ chỉ muốn tống cho được Lan ra khỏi cửa! Nếu Ngọc không hỏi, thì hằng ngày Lan phải nghe những lời chán tai của bọn mối lái. Không những thế, lại còn phải nghe mợ dỗ dành, mợ thở than, mợ khóc lóc nửa! Mà rồi có khi bảo không được mợ ép uổng Lan nữa cũng chửa biết chừng!
- Ngọc chỉ sợ hỏi ra mợ cự tuyệt thôi! Nhưng đã nói chắc như thế, thì để Ngọc viết thư về nhà thưa với mẹ...
Cái không khí hòa thuận lại trở lại hai chúng tôi. Tôi ngồi nói chuyện với Lan mãi đến hai giờ đêm mới đứng dậy ra về. Thế là một cái kế tuyệt diệu của tôi đã không diệu một chút nào cả!
Khi về, ngồi trên xe, tôi bỗng tự mắng tôi: "Sao làm bộ thế! Mày thì là ông gì mà lại định làm bộ với một người con gái có tài, có sắc, một nhà biết quý người như thế?" Tôi vừa nghĩ thế thì lập tức trong trí tôi văng vẳng có tiếng đáp lại: "Nhưng còn Hữu thì sao?"
Đêm hôm ấy, tôi khóc thầm! Khóc thầm, một đứa hèn nhát như tôi, cái phương pháp đối phó với những việc khó khăn, thường chỉ có thế!
Ba hôm sau, gặp ngày nghỉ, Lan lại viết giấy gọi tôi đến. Tôi vào đến cửa, bà mẹ tươi cười bảo tôi:
- Em nó bảo mời cậu lại nó hỏi mấy câu khó nghĩa, nó không hiểu. Tôi đương dở bận, cậu tha lỗi cho...
Tôi "không dám" rồi bước thẳng vào trong nhà. Lan vui vẻ đón tôi, gọi người nhà đun nước. Tôi vào ngồi rồi, cầm lấy cuốn vở tập viết của Lan ở trên mặt bàn, thì thấy vẫn là quyển vở từ ngày tôi còn đến nhà dạy Lan học. Tôi bảo Lan đưa tôi coi vở mới. Lan cười đáp:
- Hơn một tháng nay, có học, viết gì đâu!
- Thế thì bắt tội tôi viết bài học làm gì!
Nói thế rồi, tôi thấy hơi giận bốc lên mặt tôi. Tôi hầm hầm mắng Lan y như một thầy giáo mắng một cậu học trò không vâng lời. Lan thì ngồi lặng, mắt nhìn xuống đất. Bây giờ nghĩ lại, tôi thật lấy làm lạ: sao khi ấy tôi lại giận được lâu, và mắng được nhiều như thế. Sau cùng, Lan đưa cặp mắt đầy lệ nhìn tôi mà nói:
- Thì Ngọc làm gì mà nói nhiều thế! Học, Lan cũng muốn học, nhưng ốm thì còn học làm sao?
Mấy giọt nước mắt của Lan, hình như đã tưới tắt ngấm ngọn lửa giận dữ của tôi. Tôi lại thấy tôi vô lý và tức cười! Tôi hối hận đã làm cho Lan khóc. Vội vàng xin lỗi Lan rồi thở dài nói tiếp:
- Lan coi đó, tính tôi lắm lúc điên như thế đấy! Tôi thường vẫn nói tính ấy là tính cô độc. Chỉ có thể ở một mình là được, còn ở với ai cũng không được hết! Càng là người tôi thân yêu, cùng ở với tôi lại càng khổ. Ví dụ như các em tôi. Xa chúng nó, tôi thật nhớ. Nhưng gần chúng nó, chỉ mười lăm phút là tôi đã kiếm chuyện với chúng nó rồi. Là vì tôi yêu ai thì cứ muốn cho người ấy hoàn toàn. Trông thấy chỗ không hoàn toàn của nhau, tôi bực tức không thể chịu được. Tôi bực tức chừng nào thì tôi cáu kỉnh chừng nấy. Nhưng người ta ai là thánh nhân mà hoàn toàn được. Tôi cũng biết vậy mà không sao đổi được tính hay cầu toàn trách bị. Thành thử ra sự ở chung, vừa khổ cho tôi, vừa khổ cho người tôi yêu...
Lan cười:
- Người ta ai không có lúc nóng. Nếu một người nóng, một người biết tính nhịn đi thì gia đình bao giờ cũng êm thấm. Ngọc coi Ngọc nóng là thế mà mấy giọt nước mắt của Lan làm cho nguội ngắt. Ngọc có nóng gì cho lắm đâu!
Thế là lại một cái kế tuyệt diệu của tôi xoay ra một trò cười.
Cái kế tuyệt diệu thứ ba của tôi, kết quả còn điêu đứng hơn nữa.
Lần này tôi tự đến, chứ không đợi ai mời. Tôi gặp bà mẹ ở cửa hàng. Bà mời tôi vào phòng khách rồi ngồi tiếp tôi. Tôi hỏi:
- Thưa bà, cô Lan đâu ạ?
- Em nó cảm nằm ở trong nhà. Để tôi gọi.
- Thưa bà thôi. Để cô ấy nằm nghỉ. Cũng không có việc gì...
- Được ạ. Em nó hơi mệt, không hề chi.
Nói thế rồi bà lên tiếng gọi to:
- Lan đâu? Có cậu Ngọc lại chơi.
Rồi bà ngồi mời tôi uống nước, uống chưa cạn chén nước thì Lan đã đẩy cánh cửa phía bên phòng khách bước vào, mình khoác chiếc áo đoạn thâm, tóc vấn trần, cặp mắt lóng lánh, sắc mặt hồng hồng, trông đủ biết là người đương cơn sốt cảm. Vẻ đẹp của Lan đương cơn sốt tôn thêm lên vì cách ăn vận sơ sài, thật là một vẻ đẹp lộng lẫy. Nhìn Lan, tôi cảm động bồi hồi, cố định thần để khỏi quên mất những câu tôi định nói. Lan chào tôi rồi xo ro ngồi xuống chiếc ghế cạnh bà mẹ. Tôi buồn rầu nói:
- Cô sốt à! Tôi lại làm phiền quá... Nay mai tôi sắp không ở Hà Nội nữa. Bác tôi mới viết giấy bảo cấp tiền cho tôi sang Pháp. Ít ra tôi đi cũng năm, bảy năm mới về được. Vậy lại chào bà và cô...
Trên mặt Lan thoáng qua vẻ thất vọng, nhưng lại tươi tỉnh ngay.
Cất giọng ân cần Lan nói:
- Anh sang Pháp à? Có lẽ tôi cũng nói với mợ tôi xin mấy nghìn đồng, để đi học với anh nhân thể!
Bà mẹ mỉm một nụ cười mà tôi không dò được nghĩa. Tôi cũng cười tiếp:
- Nhưng người cô yếu lắm, xông pha sao được sóng gió!
- Người ta nếu có chí đi thì đi đâu mà chẳng được! Khỏe mà cũng chán người ngồi xó! Yếu mà cũng nhiều người đi được khắp đó đây!...
Nghe câu Lan nói, tôi tự nhiên thấy thẹn trong lòng. Rồi tôi thấy ngay cái kế của tôi là một cách "nói dối không thông": Nếu có một ông bác sẵn lòng cấp tiền cho tôi sang Pháp, thì sao lại để tôi phải hai năm nay thất học? Tôi thấy mặt tôi ngượng quá, sợ ngồi lâu càng thêm dơ dáng, tôi liền đứng dậy xin ra, lấy cớ là để Lan về phòng nghỉ và để bà mẹ ra coi hàng. Lan còn dặn với tôi bằng một giọng mà tôi nghe ra mỉa mai:
- Thế hôm nào anh định đi, bảo trước để tôi thu xếp nhé! Tôi đi với anh thật đấy!
@Chú thích
1 Cứng cáp.